Chấm Dứt Quyền Shcn Đối Với Bmkd Do Các Trường Hợp Khác

BMKD được coi là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. BMKD bao giờ cũng có tính sáng tạo trong đó mà được con người tạo ra qua quá trình lao động, sản xuất, kinh doanh hoặc nghiên cứu khoa học. Nhưng vì sự phát triển của con người là theo chiều hướng đi lên, nhất là trong thời đại khoa học phát triển nhanh như hiện nay, nên có thể các thông tin bí mật được người khác khám phá ra thông qua các hoạt động nghiên cứu khoa học độc lập của họ rồi công khai nó với công chúng. Khi đó bí mật kinh doanh trước đây vốn là sở hữu riêng của chủ thể nhất định và đem lại lợi thế cho chủ thể đó nay lại được nhiều người biết đến và sử dụng như những hiểu biết thông thường, ai cũng có thể tiếp cận, khai thác công dụng của nó. Điều đó có nghĩa là BMKD đã trở thành hiểu biết thông thường, dễ dàng có được và không được bảo hộ nữa, quyền của chủ sở hữu đối với BMKD cũng chấm dứt.


Thứ hai, BMKD không còn tính bí mật


Thông tin có giá trị mang lại lợi ích trong hoạt động kinh doanh chỉ được coi là BMKD khi nó được chủ sở hữu áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết ngay từ thời điểm họ tạo ra được, có được thông tin này để độc quyền khai thác, sử dụng chúng. Việc tự chủ sở hữu bảo mật cho thông tin bí mật về kinh doanh của mình là điều kiện cần để BMKD được pháp luật bảo hộ. Nếu vì lý do nào đó mà tính bí mật của BMKD không còn thì quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD đó cũng chấm dứt. Ví dụ chủ sở hữu hoặc người kiểm soát hợp pháp khác để lộ thông tin do không thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo mật cần thiết; chủ sở hữu chấm dứt việc áp dụng các biện pháp bảo mật, bỏ mặc cho BMKD bị người khác thu thập, trao đổi hay sử dụng; chủ sở hữu công khai thông tin ra khu vực công cộng…

Thứ ba, BMKD không còn mang lại lợi thế kinh doanh cho chủ

sở hữu


Cũng như tính bí mật, khi tính giá trị của BMKD không còn thì quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu đối với BMKD cũng chấm dứt. Có thể vì lý do nào đó mà BMKD khi áp dụng trong kinh doanh không đem lại lợi thế cho chủ sở hữu của nó nữa thì lúc đó chủ sở hữu không áp dụng các biện pháp bảo mật nữa, đương nhiên quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD chấm dứt. Chẳng hạn như thông tin bí mật đã lạc hậu bởi đối thủ cạnh tranh có được BMKD mới với lợi thế vượt trội hơn, ưu việt hơn, sản phẩm làm ra hoặc dịch vụ cung cấp do được áp dụng BMKD mới đó của họ có nhiều ưu điểm về chất lượng, giá cả, mẫu mã, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng thì rõ ràng rằng BMKD có trước kia dù vẫn còn đang được bảo mật chặt chẽ, an toàn thì tính giá trị của nó cũng không còn.


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

2.2.2.2 Chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD do các trường hợp khác


Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam - 8

Thứ nhất, chủ sở hữu chuyển giao quyền SHCN đối với BMKD cho chủ thể khác


Quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD sẽ chấm dứt khi chủ sở hữu của nó chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp như chuyển nhượng, góp vốn thành lập doanh nghiệp, tổ chức lại doanh nghiệp, để thừa kế, trao đổi, tặng cho. Trong các trường hợp chuyển giao này, quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD sẽ chấm dứt đối với chủ thể chuyển giao và xác lập cho chủ thể được chuyển giao.

Thứ hai, chủ sở hữu từ bỏ quyền SHCN đối với BMKD của mình


BMKD là một loại tài sản trí tuệ, chủ sở hữu của BMKD có các quyền sử dụng, định đoạt đối với BMKD của mình theo quy định của pháp luật. Một trong những nội dung của quyền định đoạt BMKD của chủ sở hữu là quyền từ bỏ quyền của mình. Đây là việc chủ sở hữu quyết định số phận của tài sản bằng cách không coi đó là tài sản thuộc sở hữu của mình nữa. Lý do dẫn đến từ bỏ thì rất đa dạng, có thể chủ sở hữu không thích BMKD đó nữa, hay chủ sở hữu có được BMKD khác đem lại nhiều lợi thế hơn thay thế cho BMKD cũ, hoặc so với tình hình, điều kiện, hoàn cảnh mới của hoạt động kinh doanh mà BMKD đã trở nên lạc hậu… Đối với BMKD, chủ sở hữu có thể từ bỏ quyền sở hữu bằng nhiều cách thức khác nhau như: chấm dứt việc áp dụng các biện pháp bảo mật cần thiết, bỏ mặc cho BMKD bị xâm phạm (bỏ mặc cho BMKD bị tiếp cận, thu thập hay sử dụng bởi các chủ thể khác), bộc lộ công khai thông tin bí mật ra công chúng. Đối với những BMKD phức tạp được lưu giữ và thể hiện thông qua những vật chất chứa đựng thì việc từ bỏ nó thông qua việc tiêu hủy tài liệu chứa đựng BMKD, khi các vật chất chứa đựng bị tiêu hủy thì BMKD cũng không còn tồn tại. Việc từ bỏ quyền SHCN đối với BMKD đương nhiên sẽ làm chấm dứt quyền SHCN đối với BMKD của chủ sở hữu.


Thứ ba, BMKD bị tiêu hủy


Trong quá trình khai thác, sử dụng BMKD, do lý do khách quan nào đó mà BMKD bị tiêu hủy. Ví dụ trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh… có thể làm cho BMKD bị mất đi, các tài liệu chứa đựng thông tin bí mật không thể tìm thấy được hoặc người nắm giữ các thông tin ấy mất tích… thì quyền SHCN đối với BMKD của chủ sở hữu đương nhiên chấm dứt.

2.3 Chủ thể quyền SHCN đối với BMKD


BMKD là một trong những đối tượng đặc biệt của quyền sở hữu công nghiệp, tính đặc biệt ấy là bởi yếu tố bí mật trong BMKD. Do vậy, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD cũng cần phải đáp ứng được những điều kiện nhất định cho phù hợp với bản chất của đối tượng sở hữu công nghiệp này.


Chủ sở hữu của một tài sản nào đó thường là người tạo ra tài sản, mua được tài sản, được cho, tặng, thừa kế, kế thừa tài sản… Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã quy định tại khoản 3 Điều 121về chủ sở hữu BMKD theo đó: “Chủ sở hữu BMKD là tổ chức, cá nhân có được BMKD một cách hợp pháp và thực hiện việc bảo mật BMKD đó. BMKD mà bên làm thuê, bên thực hiện nhiệm vụ được giao có được trong khi thực hiện công việc được thuê hoặc được giao thuộc quyền sở hữu của bên thuê hoặc bên giao việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”.


Quy định nói trên của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 về chủ sở hữu BMKD là tương đối chặt chẽ, để trở thành chủ sở hữu BMKD, tổ chức, cá nhân phải thỏa mãn điều kiện đó là: có được BMKD một cách hợp pháp hoặc theo quy định của pháp luật. Khi chủ thể có được BMKD hợp pháp thì khi đó BMKD đã đủ điều kiện bảo hộ trong đó có cả điều kiện về bảo mật. Điều này có nghĩa là ngay khi có được BMKD, chủ sở hữu BMKD phải áp dụng ngay biện pháp bảo mật cho BMKD đó, có như vậy BMKD mới được bảo hộ.


Có được BMKD một cách hợp pháp là trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra, hoặc được chuyển giao quyền sở hữu BMKD. Theo đó chủ sở hữu BMKD bao gồm các đối tượng sau:

Người trực tiếp bỏ thời gian, công sức, tiền bạc, trí tuệ của mình để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra BMKD. Người này đương nhiên là chủ sở hữu của BMKD đó. Nguồn gốc ban đầu của tài sản là lao động, vì vậy ai đã bỏ công sức lao động ra thì có quyền sở hữu đối với sản phẩm có được do lao động.

Người đầu tư về tài chính cho người khác tiến hành nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra BMKD. Tuy không trực tiếp tạo ra BMKD nhưng những người đầu tư này lại là chủ sở hữu của BMKD đó vì họ đã đầu tư vật chất, tiền bạc để tạo ra BMKD còn những người trực tiếp tạo ra BMKD như người lao động, người làm thuê hay người nhận nhiệm vụ được trả tiền lương, tiền công, tiền thù lao …thông qua hợp đồng lao động, hợp đồng gia công hay quyết định giao nhiệm vụ…

Người nhận chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD thông qua hợp đồng chuyển nhượng quyền, hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng BMKD, qua việc hưởng thừa kế, kế thừa BMKD.


Bên cạnh việc chủ sở hữu có quyền sử dụng BMKD thì các chủ thể khác cũng có quyền sử dụng BMKD thông qua các hợp đồng như hợp đồng chuyển quyền sử dụng BMKD, hợp đồng nhượng quyền thương mại.


Đối với hợp đồng chuyển quyền sử dụng BMKD (li-xăng BMKD), bên nhận li-xăng được phép sử dụng BMKD trong phạm vi nhất định còn chủ sở hữu được nhận một khoản tiền gọi là giá chuyển giao quyền sử dụng.


Đối với hợp đồng nhượng quyền thương mại, một bên được sử dụng BMKD trong quá trình mua bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ theo đúng cách mà bên kia quy định.

2.4 Nội dung quyền SHCN đối với bí mật kinh doanh

Nội dung quyền sở hữu BMKD là các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu BMKD, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD. Đó cũng là ranh giới để phân định giữa quyền của chủ sở hữu BMKD với quyền của các chủ thể còn lại trong quá trình khai thác và sử dụng BMKD và từ đó các chủ thể khác tôn trọng quyền của chủ sở hữu, kiềm chế không thực hiện những hành vi xâm phạm quyền của chủ sở hữu BMKD.

Ở Việt Nam, BMKD là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp được bảo hộ muộn mằn hơn so với các đối tượng sở hữu công nghiệp khác. Trong Bộ luật dân sự 1995 không có điều nào quy định về BMKD. Đến Nghị định số 54/2000/ NĐ-CP của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn xuất sứ, tên thương mại và bảo vệ quyền chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp thì BMKD mới được bảo hộ với tư cách là một đối tượng của quyền SHCN. Khoản 1 Điều 8 của Nghị định có quy định về nội dung quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD như sau: “Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt BMKD theo quy định của pháp luật”. Trên thực tế, BMKD có thể được chứa đựng trong các loại giấy tờ, tài liệu, dưới dạng công thức, biểu mẫu…hoặc có khi còn tồn tại dưới dạng phi vật thể như kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm của con người. Do đó chủ sở hữu không thể chiếm hữu được BMKD của mình một cách tuyệt đối mà chỉ chiếm giữ được các dạng vật chất hữu hình chứa đựng thông tin bí mật đó mà thôi. Điều này cho thấy quy định nói trên của Nghị định 54 là chưa thật sự chính xác đối với loại tài sản vô hình như BMKD.

Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã khắc phục được hạn chế nói trên, theo đó, BMKD cũng như các đối tượng khác của quyền sở hữu công nghiệp có quyền tài sản như: sử dụng, cho phép người khác sử dụng, ngăn cấm người khác sử dụng, định đoạt BMKD. Việc quy định nội dung quyền sở hữu đối với tất cả các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp trong cùng một điều luật - Điều 123 của Luật SHTT đã tạo ra sự phù hợp về nội dung quyền sở hữu của các đối tượng đó. Về quyền tác giả, do BMKD có tính đặc thù là “bí mật”, thường mọi người chỉ biết đến chúng khi có tranh chấp xảy ra nhưng cũng không thể biết được bản chất của các thông tin đó cho nên vấn đề ghi nhận tác giả của BMKD không được đặt ra, còn quyền lợi của người đã tạo ra BMKD được giải quyết theo thỏa thuận trong các hợp đồng thuê nghiên cứu, hợp đồng lao động…

2.4.1 Quyền của chủ sở hữu bí mật kinh doanh

Như trên đã đề cập, quyền của chủ sở hữu BMKD là các quyền về tài sản được quy định tại Điều 123 Luật SHTT 2005 bao gồm:

2.4.1.1 Quyền sử dụng BMKD

Pháp luật sở hữu trí tuệ luôn quy định nhằm bảo vệ tối đa các quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung, BMKD nói riêng. Khác với quyền sở hữu đối với các tài sản hữu hình, BMKD có thuộc tính vô hình, phi vật chất như các đối tượng sở hữu trí tuệ khác. Do đó các chủ thể không thể chiếm hữu một cách thực tế đối tượng này. Sử dụng BMKD, đưa chúng vào khai thác để thu các lợi ích, lợi thế hay giá trị trong kinh doanh từ chúng là một trong những quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu BMKD. Chủ sở hữu BMKD đã phải bỏ thời gian công sức hoặc đầu tư tiền của để có được BMKD nên việc sử dụng BMKD đó là để bù đắp những chi phí đó cho chủ sở hữu. Mặt khác, sử dụng BMKD là để có được lợi thế trước

các đối thủ khác trong kinh doanh. Để sử dụng BMKD của mình, chủ sở hữu có thể áp dụng bí mật kinh doanh để sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ, thương mại hàng hoá; bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán, nhập khẩu sản phẩm được sản xuất do áp dụng bí mật kinh doanh (Khoản 4 Điều 124 Luật SHTT).


Như vậy, với quyền năng quan trọng nhất là độc quyền sử dụng BMKD này của mình, chủ sở hữu BMKD có toàn quyền tiến hành các hành vi để trực tiếp sử dụng, khai thác lợi ích từ BMKD để đem lại lợi nhuận cao nhất như áp dụng BMKD để sản xuất ra sản phẩm, để cung ứng dịch vụ đồng thời có thể quảng cáo về việc đã áp dụng BMKD trong việc sản xuất ra sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ nhằm xúc tiến, thúc đẩy hoạt động kinh doanh đạt hiệu quả cao… Đó là những hành vi chủ sở hữu được pháp luật cho phép thực hiện để sử dụng BMKD của mình.


Từ quyền sử dụng BMKD của mình, chủ sở hữu cũng có thể chia sẻ quyền sử dụng của mình với chủ thể khác bằng cách cho phép người khác thực hiện một hoặc một số các hành vi đó thông qua việc giao kết các hợp đồng chuyển quyền sử dụng BMKD hoặc cũng có thể ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu BMKD đó cho chủ thể khác để thu được một khoản lợi ích vật chất. Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sở hữu BMKD thì quyền sở hữu đối với BMKD của chủ thể chấm dứt. Các chủ thể được chuyển quyền sử dụng hay được chuyển nhượng quyền sở hữu thông qua các hợp đồng nói trên khi thực hiện các hành vi sử dụng BMKD như áp dụng BMKD và thực hiện các hành vi thương mại liên quan đến việc cung ứng ra thị trường các sản phẩm được sản xuất ra do áp dụng BMKD đó thì đều là hợp pháp.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 22/11/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí