Ý Nghĩa Thực Tiễn Của Việc Bảo Hộ Bí Mật Kinh Doanh

tài sản vô hình đó lại góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhân loại trên mọi mặt vì đó là nguồn của cải vô tận của xã hội. Hiến chương Liên hợp quốc về nhân quyền năm 1948 cũng đã quy định tại khoản 1 Điều 27 về quyền dân sự cơ bản của con người như sau: “Mọi người có quyền lao động, sáng tạo và được hưởng những lợi ích vật chất từ thành quả lao động sáng tạo của mình”. Ở Việt Nam, khi ban hành Bộ luật dân sự 1995 với bốn điều về lĩnh vực sở hữu trí tuệ đã thể hiện rõ rằng quyền sở hữu trí tuệ là một loại quyền dân sự.

BMKD cũng là một loại tài sản trí tuệ, việc bảo hộ quyền SHCN đối với BMKD cũng là bảo vệ quyền dân sự cơ bản của con người. Chủ sở hữu có đủ các quyền về nhân thân và quyền về tài sản đối với BMKD của mình. Đặc trưng của các loại tài sản vô hình là ở chỗ chủ sở hữu khó quản lý, kiểm soát hay ngăn cản người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình khi người ta đã biết đến nó. Đặc trưng này đòi hỏi pháp luật phải đảm bảo cho chủ sở hữu quyền được công bố hay không công bố công khai tài sản trí tuệ do mình tạo ra hoặc đầu tư công sức, tiền bạc và thời gian tạo ra. BMKD cũng vậy, việc giữ bí mật chúng là điều kiện sống còn của BMKD thế nhưng việc này lại rất khó, việc rò rỉ thông tin rất dễ xảy ra. Chính vì vậy, các quy định của pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD là nhằm đảm bảo cho các cá nhân được quyền quản lý, kiểm soát tài sản của mình tránh khỏi các hoạt động chiếm đoạt hoặc sử dụng bất hợp pháp – quyền dân sự cơ bản của con người.

1.3.4 Ý nghĩa thực tiễn của việc bảo hộ bí mật kinh doanh

Về mặt thực tiễn, việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD còn mang những ý nghĩa quan trọng sau đây:

Thứ nhất, bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD là một cơ chế thể hiện sự tối đa hóa sự bảo hộ của nhà nước. Các tài sản trí tuệ thường

có nhiều loại hình và nhiều mức độ giá trị khác nhau. Để bảo hộ chúng một cách hiệu quả pháp luật cần phát triển nhiều hình thức và cơ chế bảo hộ nhằm tối đa hóa sự bảo hộ của nhà nước. BMKD là một hình thức như vậy.

Thứ hai, sự bảo hộ đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp vừa và nhỏ dưới hình thức bảo hộ BMKD thể hiện tính ưu việt hơn so với hình thức bảo hộ sáng chế. Ở Việt Nam do nhiều lý do mà số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng số các chủ thể kinh doanh dưới hình thức doanh nghiệp. Sự hạn chế về vốn của các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ này dẫn đến sự hạn chế về phát triển công nghệ khiến cho các doanh nghiệp này khó có thể đủ sức tạo ra những tài sản trí tuệ được cấp bằng sáng chế cũng như khó có đủ khả năng tài chính để chi trả cho chi phí của việc nộp đơn cấp bằng sáng chế. Vì vậy, lựa chọn cơ chế bảo hộ BMKD với những ưu điểm về việc bảo hộ tự động, chi phí ít tốn kém trong việc xác lập và kiểm soát quyền đã giải quyết được các vướng mắc nói trên của các doanh nghiệp vừa và nhỏ về việc bảo hộ những tài sản trí tuệ của mình.

Tóm lại với những ý nghĩa nêu trên, có thể nói bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với BMKD là một trong những cơ chế bảo hộ hữu hiệu, đảm bảo một cách tối đa quyền của các chủ thể, vừa khắc phục được những nhược điểm của các cơ chế khác như sáng chế, vừa bổ sung hỗ trợ cho cơ chế chống cạnh tranh không lành mạnh. Đây là nhân tố đắc lực giúp cho môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xã hội phát triển.

CHƯƠNG 2‌


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

NHỮNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI BÍ MẬT KINH DOANH


Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam - 6

2.1 Điều kiện bảo hộ đối với bí mật kinh doanh

Trong quá trình thực hiện hoạt động kinh doanh, các chủ thể thường tích lũy cho mình nhiều loại thông tin gồm các thông tin thu được từ thị trường và thông tin mình tự sáng tạo ra, các thông tin về chuyên môn và các thông tin khác… Trong đó có một số các thông tin được chủ sở hữu giữ bí mật và có những giá trị nhất định trong lĩnh vực kinh doanh. Những thông tin này nếu đáp ứng được các điều kiện do pháp luật quy định sẽ được bảo hộ:

2.1.1 Thứ nhất, BMKD không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được


BMKD là một sản phẩm của lao động trí tuệ, người sáng tạo ra nó có khi phải bỏ ra nhiều công sức, tiền của (đầu tư cho các trang thiết bị cơ sở vật chất để phục vụ cho việc nghiên cứu, thuê nghiên cứu, sáng tạo) hoặc phải tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng trong thời gian nhất định (chủ sở hữu đã dày công tìm tòi, phát hiện, nỗ lực nghiên cứu, thí nghiệm) thì mới có được. Do đó BMKD không phải là hiểu biết thông thường. Một người có kiến thức trung bình trong lĩnh vực tương ứng không thể dễ dàng có được, biết được, suy đoán được ra BMKD đó và để tìm ra thông tin ấy cũng không dễ dàng, nhanh chóng.


BMKD có thể là công thức hợp chất hóa học, chiến lược quảng cáo, danh sách khách hàng…, BMKD cũng không phải là mẩu thông tin đơn lẻ, BMKD phải là quy trình hoặc thiết bị để sử dụng liên tục khi tiến hành công việc kinh doanh. Do đó, BMKD bao giờ cũng hàm chứa một lượng tri thức

sáng tạo nhất định. Vì tính trí tuệ của BMKD, tính giá trị cũng như vì nó không phải là hiểu biết thông thường nên người ta không thể dễ dàng tìm kiếm chúng trên các kênh thông tin phổ biến như sách giáo khoa, giáo trình, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các công trình nghiên cứu khoa học… hay trên mạng Internet. Những kiến thức chung, kiến thức phổ thông thể hiện trong các kênh thông tin nói trên đều không phải là BMKD. Tuy nhiên, khi các thông tin đứng riêng lẻ có thể không phải là BMKD nhưng khi chúng nằm trong một tập hợp nhất định với sự sắp xếp kết hợp nhất định bởi sự sáng tạo thì nó có thể lại là một BMKD. Một tập hợp kiến thức được coi là BMKD đôi khi không đòi hỏi những thông tin bộ phận phải thỏa mãn điều kiện không là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được. Các thông tin bộ phận của BMKD có thể chỉ là những kiến thức thông thường mang tính phổ thông hoặc được lấy từ các nguồn thông tin, tư liệu công cộng nhưng sự kết hợp chúng, tìm kiếm chúng lại thể hiện công sức đầu tư và sáng tạo của người tạo ra nó.

Trên thực tế việc xem xét, nhận định một thông tin có phải là hiểu biết thông thường hay dễ dàng có được hay không là việc làm khó khăn. Điều kiện này khó áp dụng bởi nó mang tính chất định tính, không cụ thể mà tính định tính này sẽ có thể dẫn đến tình trạng xem xét vấn đề theo ý chí chủ quan của các thẩm phán hay những người áp dụng pháp luật. Mặt khác, những người này không thể có kiến thức sâu rộng về tất cả các lĩnh vực để có thể đánh giá, nhận định một cách chính xác một tập hợp kiến thức nào đó có phải là kiến thức thông thường hay không. Quan trọng hơn là trình độ cũng như khả năng hiểu biết của các thẩm phán lại không đồng đều giữa các vùng miền khác nhau sẽ dẫn đến tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.

Như vậy, một thông tin hay tập hợp thông tin phải là sự đầu tư, là trí tuệ, sáng tạo của con người mới đáp ứng được điều kiện thứ nhất của BMKD. Những hiểu biết thông thường và dễ dàng có được từ các nguồn thông tin đại chúng, ai cũng có thể có được thì chắc chắn không phải là BMKD.

2.1.2 Thứ hai, khi được sử dụng, BMKD sẽ tạo ra lợi thế cho người nắm giữ hoặc người sử dụng BMKD đó so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng.


Nếu như ở điều kiện thứ nhất là yêu cầu về nguồn gốc, tính sáng tạo và cách thức tạo ra BMKD thì ở điều kiện thứ hai là yêu cầu về giá trị của BMKD. Bên cạnh tính bí mật, tính giá trị hay tính hữu ích, giá trị thương mại kinh tế của BMKD cũng là một trong những đặc điểm cơ bản, nó được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau nhất là trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra cho chủ sở hữu hoặc người sử dụng nó lợi thế nhất định so với đối thủ cạnh tranh hay các chủ thể kinh doanh khác trên thị trường. Nếu BMKD mà không đem lại lợi ích gì cho doanh nghiệp hay chủ sở hữu, người sử dụng nó thì đó không còn là BMKD. Chính vì thế mà BMKD chỉ được bảo hộ nếu nó có khả năng sử dụng trong kinh doanh, tạo ra được lợi thế cho chủ sở hữu hoặc những người biết và sử dụng nó.


Giá trị hay lợi thế của BMKD có thể là lợi thế trực tiếp hoặc lợi thế gián tiếp, có thể là lợi ích trước mắt hay lợi ích mang tầm chiến lược lâu dài. Ví dụ các BMKD về công thức pha chế thành phần nguyên liệu có thể tạo ra lợi thế trực tiếp từ ưu thế vượt trội của sản phẩm như công thức pha chế nước hoa Chanel No5 của Pháp hay công thức và quy trình sản xuất bia Heniken…;hoặc BMKD về nhu cầu, thị hiếu, thói quen tiêu dùng của khác hàng trên thị trường có thể đem lại lợi thế cho doanh nghiệp vì bán được nhiều hàng hóa hơn…Mỗi BMKD đều có thể tạo ra cho chủ sở hữu hay người sử dụng những lợi thế khác nhau nhưng chúng có thể được xếp thành các loại lợi thế sau: lợi thế về chất lượng sản phẩm, dịch vụ; lợi thế về giá thành sản phẩm, dịch vu; lợi thế về thị phần của sản phẩm, dịch vụ; lợi thế về thương hiệu; lợi thế về cơ hội kinh doanh và các lợi thế khác.

2.1.3 Thứ ba, BMKD được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.


Tính bí mật là một đặc tính cơ bản của BMKD, chỉ khi BMKD còn giữ được bí mật thì giá trị của nó mới tồn tại. Nhưng ai là người có nghĩa vụ bảo mật cho các thông tin đó? Bí mật của ai thì người đó tự giữ bí mật là đảm bảo nhất, an toàn nhất vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Chính vì vậy, pháp luật quy định BMKD được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được. Quy định này hoàn toàn phù hợp với lẽ tự nhiên, từ xa xưa khi chưa có quy định của pháp luật về việc này thì con người đã tự biết áp dụng các biện pháp bảo mật để bảo vệ BMKD của mình, chống lại sự xâm phạm của tất cả những người thứ hai khác. Và nếu giá trị của BMKD càng lớn, lợi thế mà nó đem lại càng nhiều thì chủ sở hữu càng phải áp dụng các biện pháp mạnh, chắc chắn để đủ sức bảo mật cho nó, điều này có nghĩa là phụ thuộc vào ý chí chủ quan của chủ sở hữu BMKD để tự đưa ra các biện pháp cho phù hợp. Để đánh giá mức độ cần thiết của các biện pháp bảo mật, pháp luật không quy định cụ thể mà cũng phụ thuộc nhận định chủ quan của người xử lý vụ việc trên cơ sở những tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp để bảo vệ quyền lợi của họ khi có tranh chấp xảy ra.


Các biện pháp bảo mật thích hợp được chủ thể nắm giữ thông tin áp dụng bao gồm:


Thứ nhất, biện pháp hạn chế việc biết được hoặc tiếp cận được thông tin: Biện pháp cất giữ thông tin (cất trong két sắt, cất giữ thông tin không theo trật tự vốn có của nó,…); Biện pháp chống tiếp cận thông tin (mã hóa thông tin, mã truy cập thông tin…). Các biện pháp lưu trữ và bảo mật thông tin phải

được áp dụng triệt để. Ví dụ, thông tin bí mật không thể được đọc trên màn ảnh, trên máy fax, trên bàn; dữ liệu trong máy tính phải được bảo vệ bằng mật mã và chỉ nhân viên có quyền mới được đọc; thông tin không dùng đến phải được cất giữ cẩn thận, kín đáo hoặc hủy bỏ hoàn toàn; giấy tờ tài liệu chứa thông tin bí mật nếu không dùng nữa phải cho vào máy xé vụn trước khi cho vào thùng rác…


Thứ hai, biện pháp chống bộc lộ thông tin: Ký kết các hợp đồng bảo mật, hợp đồng lao động trong đó có quy định trách nhiệm của người được biết hoặc tiếp cận thông tin không được bộc lộ thông tin hoặc không được tìm cách biết được thông tin mà mình được tiếp cận.


Trên thực tế, các chủ thể thường sử dụng nội quy để bảo mật cho BMKD của mình dưới dạng các điều cấm và các biện pháp xử lý kỷ luật. Các điều cấm được quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên có liên quan đến BMKD trong đơn vị và hình thức xử lý kỷ luật khi có vi phạm xảy ra thường là hình thức cao nhất - sa thải. Đối với các thông tin mang tính chiến lược, chủ sở hữu chỉ cho phép một số ít các nhân viên biết được và yêu cầu họ ký các cam kết bảo mật, bên cạnh hình thức sa thải còn có các quy định phạt tiền rất nặng nếu vi phạm nghĩa vụ bảo mật đã cam kết.


Ví dụ: Một doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển một quy trình để sản xuất sản phẩm của mình cho phép sản xuất ra hàng hóa với phương thức hiệu quả hơn về mặt chi phí. Quy trình này tạo cho doanh nghiệp một lợi thế cạnh tranh hơn các đối thủ của mình. Do vậy, doanh nghiệp này đã đánh giá bí quyết kỹ thuật của mình như một bí mật kinh doanh và không muốn để đối thủ cạnh tranh biết được nó. Phải đảm bảo rằng chỉ một số lượng hạn chế người biết về bí mật này, và những người được biết này phải nhận thức rằng

đó là bí mật. Khi giao dịch với các bên thứ ba hoặc chuyển giao quyền sử dụng bí quyết kỹ thuật của mình, doanh nghiệp ký các hợp đồng bảo mật để đảm bảo rằng tất cả các bên biết thông tin đó là bí mật. Trong trường hợp này, việc chiếm đoạt thông tin bởi một đối thủ cạnh tranh hoặc của bên thứ ba bất kỳ đều bị coi là xâm phạm bí mật kinh doanh của doanh nghiệp.


Tóm lại, trong mọi trường hợp, bản thân chủ sở hữu BMKD hay người nắm giữ phải tự mình xác định giá trị của BMKD và tự áp dụng các biện pháp bảo mật phù hợp.


Bên cạnh các điều kiện để một thông tin hay tập hợp các thông tin là BMKD thì pháp luật cũng có những quy định về những đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa là BMKD cho dù các thông tin đó cũng có tính bí mật và có giá trị nhất định, đó là: bí mật về nhân thân, bí mật về quản lý nhà nước, bí mật về quốc phòng, an ninh, thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh (Điều 85 Luật SHTT).


Các bí mật về nhân thân là bí mật về những tội lỗi, sai lầm của cá nhân trong quá khứ, bí mật về đời sống riêng tư của mỗi cá nhân…là những thông tin được cá nhân che dấu, giữ bí mật, không áp dụng vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo ra lợi thế so với các đối thủ khác được, không tạo ra được lợi nhuận. Các thông tin này được bản thân cá nhân đó giữ bí mật, chỉ có giá trị đối với họ và có thể có liên quan ảnh hưởng đến công việc kinh doanh nhưng xét cho cùng các thông tin này về bản chất không mang tính sáng tạo hay sự đầu tư nên đương nhiên không được pháp luật bảo hộ với tư cách là BMKD.


Đối với các bí mật về quản lý nhà nước hay bí mật về quốc phòng, an ninh đã được pháp luật bảo hộ với danh nghĩa là bí mật nhà nước tại Pháp

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/11/2022