TRIPS khi ra nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO, một loạt các văn bản pháp luật SHTT có liên quan đến thực thi quyền được ban hành đó là Nghị định số 12/1999/NĐ-CP ngày 6/3/1999 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực công nghiệp; Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 về bảo hộ bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp.
Về phương diện các điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, ngay từ khi trước khi ban hành văn bản pháp luật quốc nội đầu tiên về bảo hộ nhãn hiệu, Việt Nam đã gia nhập Công ước Paris về sở hữu công nghiệp và Thoả ước Madrid cùng vào ngày 6/4/1981. Tiếp theo, một loạt các hiệp định song phương liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu cũng đã được ký kết đó là Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ngày 13/7/2000 và Hiệp định về hợp tác SHTT Việt Nam-Thuỵ Sỹ, ngày 7/7/1999. Về cơ bản, các hiệp định song phương này đều nhấn mạnh đến cơ chế và chế tài thực thi quyền của chủ sở hữu, đặc biệt coi trọng vai trò của cơ quan Toà án trong quá trình xử lý và giải quyết tranh chấp quyền của chủ sở hữu.
Tuy vậy, trước đòi hỏi mạnh mẽ phải hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền SHTT trong một đạo luật thống nhất, đồng thời nâng cao hiệu quả và vai trò của bảo hộ quyền SHTT, bao gồm quyền đối với nhãn hiệu, ngày 14/6/2005 Quốc hội thông qua Bộ luật dân sự mới, trong đó chỉ quy định mang tính nguyên tắc các vấn đề về bảo hộ SHTT, mở đường cho việc xây dựng một đạo luật chung thống nhất cho các đối tượng SHTT, bao gồm cả nhãn hiệu. Ngày 29/11/2005 Quốc hội đã thông qua Luật SHTT. Luật này có hiệu lực từ ngày 1/7/2006. Cùng trong thời gian này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người Việt Nam và người nước ngoài trong việc đăng ký nhãn hiệu, ngày 11/4/2006 Chính phủ Việt Nam đã nộp văn kiện gia nhập Nghị định thư liên quan đến Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu (được gọi tắt là Nghị định thư Madrid). Nghị định thư có hiệu lực đối với Việt Nam kể từ ngày 11/7/2006. Việc ra đời một đạo luật chung thống nhất các đối tượng SHTT cũng như việc gia nhập Nghị định thư
Madrid được xem là một thời kỳ mới cho sự phát triển của hệ thống pháp luật SHTT Việt Nam.
Nhìn chung, hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam ra đời và phát triển cho đến nay diễn ra trong một giai đoạn rất ngắn nếu so sánh với hệ thống pháp luật trong các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu lại có tính hội nhập quốc tế rất cao, về căn bản phù hợp với các chuẩn mực chung của các điều ước quốc tế, đặc biệt là quy định trong Hiệp định TRIPS.
1.3.2. Định nghĩa
Pháp luật về SHTT Việt Nam cũng có cách tiếp cận về nhãn hiệu giống như định nghĩa về nhãn hiệu của WIPO. Theo điều 4 khoản 16 Luật SHTT Việt Nam 2005, nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau [3].
Có thể bạn quan tâm!
- Bảo hộ nhãn hiệu trong pháp luật Việt Nam và pháp luật của Liên minh Châu Âu - 1
- Bảo hộ nhãn hiệu trong pháp luật Việt Nam và pháp luật của Liên minh Châu Âu - 2
- Lược Sử Hình Thành Hệ Thống Pháp Luật Bảo Hộ Nhãn Hiệu Việt Nam
- Đặc Trưng Của Pháp Luật Liên Minh Châu Âu Về Bảo Hộ Nhãn Hiệu
- Lợi Ích Và Bất Lợi Của Việc Nộp Đơn Nhãn Hiệu Cộng Đồng
- Xét Nghiệm Đơn Và Cấp Văn Bằng Bảo Hộ
Xem toàn bộ 139 trang tài liệu này.
Các dấu hiệu dùng để phân biệt, theo Luật SHTT Việt Nam, là các dấu hiệu thuộc dạng hình hoạ nhìn thấy được. Điều 72 của Luật SHTT Việt Nam quy định nhãn hiệu được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ hai điều kiện sau [3]:
- Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.
- Có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác.
Thuật ngữ “dấu hiệu nhìn thấy được” là điều kiện đầu tiên để xác định những loại dấu hiệu có thể là nhãn hiệu, chỉ những dấu hiệu mà có thể nhìn thấy mới có thể trở thành nhãn hiệu. Dấu hiệu nhìn thấy được là để phân biệt với “dấu hiệu không nhìn thấy” hay còn gọi là dấu hiệu đặc biệt như dấu hiệu mùi, dấu hiệu âm thanh được bảo hộ như một nhãn hiệu theo pháp luật EU. Như vậy, dấu hiệu mùi vị hoặc âm thanh không được coi là nhãn hiệu theo Luật SHTT Việt Nam. Để được bảo hộ là nhãn hiệu hàng hoá, điều kiện thứ hai đòi hỏi dấu hiệu có thể nhìn thấy được phải có khả năng phân biệt.
Để được coi là có khả năng phân biệt, theo điều 74 Luật SHTT dấu hiệu phải
được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp sau đây [3]:
- Hình và hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu.
- Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến.
- Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.
- Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh.
- Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại luật này.
- Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là một nước thành viên.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hoá,
dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá.
- Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó.
- Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu.
Theo định nghĩa trên, khả năng phân biệt của nhãn hiệu được xác định bằng cấu trúc của nhãn hiệu. Cách xác định này là cách xác định ngược, thay vì khả năng phân biệt của nhãn hiệu được xác định theo khả năng nhận thức của người tiêu dùng. Một nhãn hiệu được xem là có tính phân biệt hay không được xác định trên cơ sở liệu người tiêu dùng có phân biệt được nhãn hiệu đó hay không. Về mặt cấu trúc, các dấu hiệu dễ nhận biết, dễ ghi nhớ, người tiêu dùng sẽ dễ dàng nhận biết hơn, nhưng như thế không có nghĩa là người tiêu dùng không thể phân biệt được những dấu hiệu có cấu trúc mà không phải là dễ ghi nhớ, dễ nhận biết. Hơn nữa, định nghĩa này lại gặp phải một vấn đề đó là thế nào là “dễ ghi nhớ, dễ nhận biết”.
Cách loại trừ các dấu hiệu được coi là “không dễ ghi nhớ, dễ nhận biết” không thể là định nghĩa thuật ngữ “dễ nghi nhớ, dễ nhận biết”. Điều này, về mặt lô gích, có thể hiểu là ngoài các dấu hiệu đã được loại trừ, như đề cập ở trên, tất cả các dấu hiệu còn lại sẽ là những dấu hiệu “dễ ghi nhớ, dễ nhận biết”. Nếu không thể hiểu như vậy, thì thuật ngữ “dễ ghi nhớ, dễ nhận biết” vẫn cứ là một khái niệm mơ
hồ. Rõ ràng, cách định nghĩa như vậy về nhãn hiệu là lòng vòng và không rõ ràng. Không cần thiết phải giải thích tính phân biệt của nhãn hiệu bằng cách quy định thêm về khả năng dễ nhớ, dễ nhận biết khi chính bản thân thuật ngữ này cũng lại là mơ hồ. Có thể bỏ đi quy định về khả năng dễ nhớ, dễ nhận biết mà vẫn đảm bảo được định nghĩa về nhãn hiệu.
1.3.3. Các dấu hiệu loại trừ
Một nhãn hiệu luôn gắn liền một nhà sản xuất cụ thể về uy tín, nguồn gốc. Khi nhãn hiệu đó đựơc bảo hộ, quyền độc quyền trong khai thác, sử dụng và định đoạt nhãn hiệu đó thuộc về chủ sở hữu, không ai có thể sử dụng nhãn hiệu đó. Bởi vậy, dấu hiệu được bảo hộ là nhãn hiệu không được gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc, chất lượng, giá trị, công dụng hoặc là biểu tượng hoặc dấu hiệu thuộc lợi ích chung của cộng đồng. Theo quy định tại điều 78 Luật SHTT Việt Nam, các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu [3]:
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài.
- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu hiệu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
- Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhẫm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ.
Như vậy, các dấu hiệu loại trừ là những dấu hiệu, xét về bản chất, có thể xâm phạm tới lợi ích xã hội, đạo đức xã hội hoặc trật tự công cộng.
1.4. Khái niệm nhãn hiệu theo pháp luật Liên minh châu Âu
1.4.1. Lược sử hình thành hệ thống đăng ký nhãn hiệu Cộng đồng
Ý tưởng về việc thiết lập một Hệ thống nhãn hiệu chung cho cả Liên minh châu Âu được hình thành từ năm 1959 với mục đích tạo một hệ thống pháp luật chung và thống nhất trong lĩnh vực bảo hộ quyền SHTT trong toàn bộ lãnh thổ của Liên minh châu Âu. Cho đến năm 1961, một uỷ ban chung được thành lập, uỷ ban này chỉ định một nhóm gồm các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT xây dựng một dự thảo hiệp định chung về nhãn hiệu châu Âu. Năm 1964 dự thảo này được đưa ra thảo luận. Tiếp theo nhiều cuộc thảo luận được diễn ra. Năm 1976 một bản ghi nhớ về việc hình thành hệ thống NHCĐ được công bố với mục đích xoá bỏ sự khác biệt về nguồn gốc, nội dung và áp dụng luật giữa pháp luật quốc gia của các nước thành viên, đồng thời tạo ra một hệ thống bảo hộ nhãn hiệu thống nhất trong phạm vi Liên minh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một thị trường chung thống nhất trong toàn bộ lãnh thổ.
Sau nhiều năm đàm phán và sửa đổi, đến ngày 20/12/1993, Hội đồng bộ trưởng Liên minh châu Âu đã ban hành Quy chế Nhãn hiệu Cộng đồng (viết tắt là CTMR) số 40/94 quy định hệ thống đăng ký NHCĐ. Quy chế này có hiệu lực từ ngày 15/3/1994. Cơ quan tiếp nhận và đăng ký NHCĐ có tên đầy đủ là “Harmonization in the Internal Market”, được viết tắt là OHIM được thành lập với mục đích để thống nhất quản lý hoạt động đăng ký NHCĐ. OHIM là một cơ quan phân quyền của Liên minh châu Âu, chịu trách nhiệm về quản lý Nhãn hiệu và Kiểu dáng Cộng đồng. Trụ sở của OHIM đặt tại Tây Ban Nha và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/4/1996, đó cũng chính là ngày hệ thống đăng ký NHCĐ chính thức vận hành.
Kể từ trước ngày 1/1/2000, Liên minh châu Âu có 15 nước thành viên, cho đến nay, Liên minh đã có 25 nước thành viên bao gồm: Áo, Bỉ, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Hy Lạp, Pháp, Ailen, Ý, Luxămbua, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha, Thuỵ Điển, Hà Lan, Anh, Síp, Cộng hoà Séc, Estonia, Hungari, Latvia, Lithuania, Malta,
Balan, Slovikia và Slovenia.
Hiện nay, việc đăng ký và bảo hộ NHCĐ được điều chỉnh bởi ba hệ thống: hệ thống pháp luật quốc gia hay còn gọi là hệ thống pháp luật quốc nội liên quan đến bảo hộ NHCĐ, bao gồm hệ thống pháp luật của tất cả 25 nước thành viên của liên minh; hệ thống pháp luật chung của Liên minh châu Âu; và hệ thống pháp luật quốc tế bao gồm các điều Công ước Paris, Hiệp định GATT, Hiệp định TRIPS, Thoả ước Madrid và Nghị đinh thư Madrid. Ngoài ra, trong hệ thống pháp luật EU, án lệ là một nguồn luật quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhãn hiệu, góp phần làm sáng tỏ các quy định thành văn. Đặc điểm này là một khác biệt lớn so với hệ thống pháp luật Việt Nam. Bởi vậy, trong luận văn này, có rất nhiều các án lệ được viện dẫn, phân tích để nhằm mục đích làm sáng tỏ các vấn đề được đề cập.
1.4.2. Các khái niệm cơ bản về nhãn hiệu Cộng đồng
NHCĐ có tên đầy đủ trong tiếng Anh là Community Trade Mark và được viết tắt từ các chữ cái đầu tiên của từ này là CTM. Theo quy định tại điều 4 của CTMR [22], “Nhãn hiệu Cộng đồng có thể bao gồm bất cứ một dấu hiệu nào thể hiện dưới dạng hình hoạ, đặc biệt là các từ, bao gồm cả tên người, kiểu dáng, các ký tự, các chữ số, hình dáng của hàng hoá hoặc hình dáng của bao bì của hàng hoá đó, với điều kiện các ký tự đó có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một cơ sở kinh doanh này với hàng hoá dịch vụ của một cơ sở kinh doanh khác”.
Như vậy, theo định nghĩa trên, NHCĐ có thể bao gồm bất cứ một dấu hiệu nào mà thoả mãn hai điều kiện:
- Được thể hiện dưới dạng hình hoạ;
- Có khả năng phân biệt hàng hoá hoặc dịch vụ của một cơ sở kinh doanh này với hàng hoá dịch vụ của một cơ sở kinh doanh khác.
Xét về loại dấu hiệu có thể trở thành nhãn hiệu, theo CTMR, không có bất cứ một định nghĩa nào về dấu hiệu được quy định và cũng không có không có bất cứ một giới hạn nào về danh mục dấu hiệu bị loại trừ khỏi NHCĐ. Điều này được
khẳng định trong “Chú thích về Nhãn hiệu Cộng đồng”, theo đó Uỷ ban châu Âu đã chỉ rõ rằng không có bất cứ một dấu hiệu nào đương nhiên bị coi là không có khả năng đăng ký. Bất cứ một dấu hiệu nào thoả mãn hai điều kiện trên đều có thể trở thành NHCĐ. Ngoài ra, định nghĩa chỉ quy định một dấu hiệu như thế nào được coi là một nhãn hiệu, chứ không có nghĩa là dấu hiệu đó có khả năng bảo hộ. Việc xác định một dấu hiệu là nhãn hiệu được bảo hộ hay không là căn cứ vào quy định về khả năng bảo hộ. Dấu hiệu, theo định nghĩa này, có thể là các từ, tên người, kiểu dáng, các ký tự, các chữ số, hình dáng của hàng hoá hoặc hình dáng của bao bì của hàng hoá đó. Bởi vậy, thuật ngữ “dấu hiệu” theo luật NHCĐ được tiếp cận mở theo cả hai dạng: dấu hiệu nhìn thấy và dấu hiệu không nhìn thấy. Tuy nhiên vì lý do dấu hiệu không nhìn thấy là rất đặc thù và rất mới, số lượng các nhãn hiệu thuộc loại này được bảo hộ trên thực tế không nhiều, nên trong phạm vi luận văn, các nhãn hiệu này không được đề cập đến.
Theo quy định của hệ thống pháp luật EU, hai điều kiện trong tiêu chuẩn bảo hộ của NHCĐ đựơc xem xét tương ứng trong hai cơ sở từ chối: cơ sở từ chối tương đối và cơ sở từ chối tuyệt đối. NHCĐ sẽ được coi là có tính phân biệt và được bảo hộ khi không bị từ chối theo hai cơ sở từ chối này. Cơ sở từ chối tuyệt đối là những căn cứ thuộc về bản chất của nhãn hiệu. Như trình bầy ở trên, một dấu hiệu không có khả năng cá thể hoá hàng hoá hoặc dịch vụ, thì dấu hiệu đó không được coi là NHCĐ. Dấu hiệu bị từ chối trên cơ sở này gọi là cơ sở từ chối tuyệt đối. Cơ sở từ chối tương đối là trường hợp dấu hiệu có thể gây nhầm lẫn hoặc xâm phạm đến quyền độc quyền của người khác đã có từ trước. Dấu hiệu bị từ chối trên cơ sở này gọi là cơ sở từ chối tương đối.
Trong hệ thống pháp luật EU, hai cơ sở từ chối này là đặc trưng riêng của hệ thống pháp luật này và cũng là nền tảng xuyên xuốt đến các khía cạnh khác nhau của nhãn hiệu như xét nghiệm, phản đối, từ chối và huỷ bỏ nhãn hiệu. Bởi vậy, phần lớn nội dung của phần này xoay quanh hai cơ sở từ chối tuyệt đối và cơ sở từ chối tương đối.
1.4.2.1. Cơ sở từ chối tuyệt đối