Hình Thức Và Quy Trình Áp Dụng Pháp Luật

- Áp dụng pháp luật là hoạt động có tính tổ chức rất cao. Áp dụng pháp luật có tính tổ chức cao bởi vì nó vừa là hình thức thực hiện pháp luật vừa là hình thức nhà nước tổ chức cho các chủ thể thực hiện các quy định của pháp luật.

Hoạt động này phải được tiến hành theo những điều kiện, trình tự, thủ tục rất chặt chẽ do pháp luật quy định. Trình tự, thủ tục này thường khác nhau trong các trường hợp áp dụng pháp luật khác nhau tuỳ theo quy định cụ thể của pháp luật. Chẳng hạn, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chủ thể khác với trình tự, thủ tục cấp đăng ký kết hôn hoặc khác trình tự thủ tục tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp và cấp Bằng tốt nghiệp cho người học.

Nói chung, các quyết định do các chủ thể có thẩm quyền ban hành ra trong quá trình áp dụng pháp luật có ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người được áp dụng, nó có thể mang lại cho người ta lợi ích rất lớn (ví dụ, quyết định giao quyền sử dụng đất, quyết định lên lương, quyết định công nhận tốt nghiệp…), song nó cũng có thể bắt người ta phải gánh chịu những hậu quả rất nặng nề (ví dụ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, bản án hình sự…). Do vậy, để đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của quá trình áp dụng pháp luật, hoạt động này không thể được tiến hành một cách tuỳ tiện mà phải theo những trình tự, thủ tục và trên cơ sở những điều kiện rất chặt chẽ do pháp luật quy định. Đương nhiên, trình tự, thủ tục đó không thể như nhau trong tất cả các vụ việc mà nó sẽ khác nhau từ vụ việc này sang vụ việc khác tuỳ theo tính chất của vụ việc. Ví dụ, trình tự, thủ tục xem xét để cấp Đăng ký kết hôn sẽ khác với trình tự, thủ tục công nhận tốt nghiệp cho người học, càng khác với trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính… [14, tr.15].

- Áp dụng pháp luật có điều kiện, quy trình, thủ tục được pháp luật quy định chặt chẽ. Đó là quá trình đặc biệt của việc thực hiện pháp luật nhằm đảm bảo cho pháp luật có giá trị trên thực tế, để tránh sự tuỳ tiện, hoạt động đó phải được quy định chặt chẽ về thủ tục, trình tự, thời gian cũng như hình thức; tuỳ thuộc vào từng lĩnh vực mà có các trình tự, thủ tục, hình thức áp dụng pháp luật khác nhau, các quy định về thủ tục có thể là đầy đủ hoặc rút gọn theo quy định của pháp luật, không có một trình tự chung cho tất cả các lĩnh vực áp dụng pháp luật trên thực tế.

- Áp dụng pháp luật là hoạt động điều chỉnh cá biệt, hoạt động này có thể là cụ thể hoá quyền, nghĩa vụ hoặc cá biệt hoá chế tài quy phạm pháp luật [14, tr.16]. Về phía chủ thể, nhờ có áp dụng pháp luật mới xác định được giới hạn pháp lý cần thiết cả về nội dung của quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng như trách nhiệm pháp lý có liên quan khi tham gia quan hệ pháp luật, áp dụng pháp luật là hoạt động cần phải dược chi tiết hoá một cách chính xác, tỉ mỉ về những yêu cầu chung thành những yêu cầu sát thực với chính điều kiện mà quy phạm đó tồn tại.

- Áp dụng pháp luật là hoạt động đòi hỏi tính sáng tạo cao của chủ thể có thẩm quyền. Các chủ thể có thẩm quyền chủ động phân tích đánh giá các tình huống có thể xảy ra để tìm kiếm khả năng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả cao nhất. Tính sáng tạo trong quá trình áp dụng pháp luật đòi hỏi rất cao, không thụ động, máy móc, bởi nếu không sẽ không đảm bảo tính thời hiệu, thời hạn theo quy định của pháp luật đặt ra cho việc xử lý các vụ việc. Sáng tạo chủ yếu là ở góc độ kỹ thuật, tổ chức, chứ không phải sáng tạo về mặt nội dung.

- Kết quả của việc áp dụng pháp luật là ban hành các quyết định áp dụng pháp luật mang tính cá biệt. Đó là các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính cá biệt của người có thẩm quyền để thực hiện các quy định của pháp luật

1.1.2. Hình thức và quy trình áp dụng pháp luật

1.1.2.1. Hình thức áp dụng pháp luật

Hình thức áp dụng pháp luật trên thực tế vô cùng đa dạng, linh hoạt, xét về khả năng hiện thực hoá quyền và nghĩa vụ pháp lý thì có thể thấy hoạt động áp dụng pháp luật được tiến hành trong các trường hợp sau:

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Thứ nhất, khi quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt.

Xem xét nội dung các quy định cụ thể của pháp luật, ta thấy, mặc dù trong nhiều quy phạm pháp luật đã quy định rò quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể, song các chủ thể không thể tự mình thực hiện được các quyền và nghĩa vụ đó mà cần phải có sự can thiệp của nhà nước thông qua hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc

Áp dụng pháp luật về giáo dục và đào tạo – Thực tiễn tại tỉnh Nam Định - 3

cá nhân có thẩm quyền. Ví dụ, trong Hiến pháp và luật đã thừa nhận quyền và nghĩa vụ học tập cho công dân, song công dân chỉ có thể thực hiện dược quyền và nghĩa vụ ấy khi được gọi nhập học và theo học trong một cơ sở đào tạo nào đó. Chính hoạt động chiêu sinh và tổ chức đào tạo của các cơ sở đào tạo đã giúp cho công dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ học tập của mình. Tương tự như vậy, nếu một người nào đó không được bổ nhiệm vào một chức vụ cao hơn trong cơ quan thì quan hệ pháp luật giữa người đó với cơ quan không hề thay đổi. Kể từ thời điểm có quyết định bổ nhiệm của người có thẩm quyền, quyền và nghĩa vụ pháp lý của người được bổ nhiệm với cơ quan đã có sự thay đổi so với trước. Nếu không có quyết định cho nghỉ hưu của cơ quan thì quan hệ pháp luật lao động giữa một người nào đó với cơ quan vẫn chưa chấm dứt. Như vậy, có thể thấy, nếu không có sự can thiệp của một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì nhiều quan hệ pháp luật cụ thể không thể phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt. Chính hoạt động áp dụng pháp luật của chủ thể có thẩm quyền đó sẽ làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật.

Thứ hai, khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các chủ thể mà họ không tự giải quyết được với nhau và yêu cầu có sự can thiệp của một chủ thể có thẩm quyền.

Nếu như trong trường hợp trên, phải nhờ hoạt động áp dụng pháp luật mới làm phát sinh một quan hệ pháp luật cụ thể thì trường hợp này khác ở chỗ một quan hệ pháp luật cụ thể đã phát sinh, các bên chủ thể đã có quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với nhau, nhưng một trong các bên hoặc tất cả các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý của mình nên dẫn đến tranh chấp mà họ không tự giải quyết được với nhau và yêu cầu có sự can thiệp của một chủ thể có thẩm quyền. Chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật sẽ đóng vai trò là trọng tài để giải quyết tranh chấp đó. Ví dụ, một người cho thuê nhà kiện ra toà án đòi nhà cho thuê, toà án thụ lý và giải quyết vụ án đó tức là áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp giữa người cho thuê nhà với người thuê nhà.

Thứ ba, khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.

Để bảo đảm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh và tự giác bởi mọi chủ thể trong xã hội, nhiều quy phạm pháp luật đã quy định các biện pháp cưỡng chế nhà nước cần áp dụng với người vi phạm trong phần chế tài của nó. Việc áp dụng một biện pháp cưỡng chế nhà nước cụ thể với một chủ thể cụ thể là bắt họ phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi hay những sự thiệt hại nhất định về tài sản, về nhân thân, về tự do… Vì thế, để đảm bảo công bằng xã hội, chỉ có các chủ thể có thẩm quyền mới có thể áp dụng và hoạt động áp dụng của họ phải được tiến hành theo những điều kiện, trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Ví dụ cho trường hợp này là việc cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm luật giao thông, Hội đồng kỷ luật nhà trường xử lý kỷ luật đối với cán bộ, giáo viên hoặc sinh viên vi phạm kỷ luật...

Thứ tư, khi cần áp dụng sự cưỡng chế của nhà nước đối với các chủ thể không vi phạm pháp luật mà chỉ vì lợi ích chung của xã hội.

Trong đời sống xã hội, mỗi người đều có và đều quan tâm đến lợi ích riêng của mình và những lợi ích chính đáng sẽ được nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, có những trường hợp đặc biệt, để bảo vệ lợi ích chung của toàn xã hội, của cả cộng đồng, nhà nước buộc phải xâm hại đến lợi ích riêng của những chủ thể nhất định. Để bảo đảm tính đúng đắn, hợp tình, hợp lý của sự “xâm hại” đó, nhà nước phải quy định cụ thể trong pháp luật các biện pháp “xâm hại”, chủ thể, điều kiện, trình tự, thủ tục để áp dụng các biện pháp đó. Khi một chủ thể cụ thể nào đó bị áp dụng một trong các biện pháp đó có nghĩa là họ đã phải gánh chịu sự cưỡng chế của nhà nước, họ đã phải chịu những sự thiệt hại nhất định mặc dù họ không vi phạm pháp luật mà hoàn toàn chỉ vì lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng. Ví dụ, để phục vụ cho việc xây dựng các công trình công cộng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã phải ra quyết định thu hồi đất của các chủ thể đang có quyền sử dụng hợp pháp trên diện tích đất đó, và đương nhiên, các chủ thể đang sử dụng phải giao lại đất đó cho nhà nước và nhận sự đền bù của nhà nước.

Thứ năm, khi cần áp dụng các hình thức khen thưởng đối với các chủ thể có thành tích theo quy định của pháp luật.

Pháp luật của các nhà nước đương đại không chỉ quy định các biện pháp trừng phạt đối với các chủ thể vi phạm pháp luật mà còn quy định nhiều hình thức khen thưởng đối với các chủ thể có thành tích trong những hoạt động nhất định hoặc trong việc thực hiện pháp luật. Mục đích của việc quy định các biện pháp đó là nhằm đền đáp công ơn của những người có công với đất nước, với xã hội; để khuyến khích, động viên các chủ thể nhiệt tình công tác, phấn đấu đạt được thành tích tốt nhất trong hoạt động của mình cũng như để khuyến khích các chủ thể tự giác thực hiện tốt pháp luật, làm cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh, tự giác hơn. Vì thế, ở Việt Nam, bên cạnh Bộ luật hình sự và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính còn có Luật thi đua, khen thưởng, và trong đa số các văn bản quy phạm pháp luật đều có quy định việc khen thưởng những người thực hiện tốt những quy định trong văn bản trước khi quy định việc xử phạt đối với những người vi phạm nó. Ví dụ, việc các chủ thể có thẩm quyền xét tặng bằng khen, danh hiệu vinh dự nhà nước cho một chủ thể nào đó chính là áp dụng pháp luật trong trường hợp này.

Thứ sáu, khi cần kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý của các chủ thể trong một số quan hệ pháp luật nhất định theo quy định của pháp luật.

Khi tham gia vào các quan hệ pháp luật, các chủ thể đều có quyền và nghĩa vụ nhất định do pháp luật quy định. Có những quyền và nghĩa vụ pháp lý mà việc thực hiện nó chỉ liên quan đến lợi ích của cá nhân người thực hiện, song có những quyền và nghĩa vụ pháp lý mà việc thực hiện nó lại liên quan đến lợi ích của các chủ thể khác, lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng. Vì vậy, cần phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đó để đảm bảo tính đúng đắn, chính xác của nó. Hoạt động kiểm tra, giám sát đó chỉ do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ do pháp luật quy định. Ví dụ: hoạt động giám sát của Quốc hội đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… là nhằm áp dụng Luật giám sát của Quốc hội; hoạt động của cơ quan kiểm sát khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án…

Thứ bảy, khi cần phải xác nhận sự tồn tại của một sự kiện thực tế cụ thể nào đó theo quy định của pháp luật.

Trong thực tế có những thứ giấy tờ, bằng cấp, chứng chỉ có giá trị pháp lý lâu dài mà chủ thể của nó cần phải cất giữ cẩn thận. Song thỉnh thoảng, các giấy tờ đó lại cần phải được sao chụp để chứng minh cho sự hiện diện và tồn tại của nó trong thực tế. Hoạt động chứng thực của uỷ ban nhân dân, của cơ quan công chứng nhằm tạo ra cơ sở pháp lý cho các giấy tờ, văn bằng nhất định… là sự áp dụng các quy định của pháp luật công chứng trong thực tế.

1.1.2.2. Quy trình áp dụng pháp luật

Quy trình là các bước, trình tự phải tuân theo khi tiến hành công việc nào đó. Áp dụng pháp luật là một quy trình bao gồm nhiều hoạt động có mối liên hệ hữu cơ với nhau, do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành theo qui định của pháp luật nhằm cá biệt hoá chế tài pháp luật hoặc cá thể hoá quyền nghĩa vụ pháp lý đối với chủ thể. Do pháp luật điều chỉnh đa dạng các lĩnh vực nên việc áp dụng pháp luật cũng rất đa dạng. Trên thực tế, sự khác biệt về nội dung, yêu cầu ở các lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật đã đem lại sự khác biệt nhất định về quá trình thực thi và áp dụng pháp luật. Không thể có qui trình áp dụng pháp luật chung cho mọi lĩnh vực, mọi quan hệ xã hội.

Tóm lại, qui trình áp dụng pháp luật là trình tự, thủ tục tiến hành các hoạt động có mối liên hệ hữu cơ, thống nhất với nhau do các chủ thể có thẩm quyền thực hiện nhằm hiện thực hoá nội dung các qui định pháp luật trong đời sống khi giải quyết các vụ việc pháp lý cụ thể [14, tr.22].

Qui trình áp dụng pháp luật có các đặc điểm cơ bản sau:

- Qui trình áp dụng pháp luật do pháp luật qui định

Áp dụng pháp luật là một hoạt động đặc thù của nhà nước trong quản lý xã hội. Áp dụng pháp luật mang tính quyền lực nhà nước. Toàn bộ các hoạt động, các bước (hay giai đoạn) của qui trình áp dụng pháp luật do pháp luật qui định. Các hoạt động trong quá trình áp dụng pháp luật có mối liên hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau. Điều đó đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền áp dụng pháp luật chỉ được thực hiện quyền nghĩa vụ của mình trong khuôn khổ qui định của pháp luật. Ngay cả các chủ thể

không có thẩm quyền tiến hành áp dụng pháp luật nhưng có liên quan đến việc áp dụng pháp luật cũng không thể tuỳ tiện tiến hành các hoạt động trái hoặc không được pháp luật cho phép. Do được pháp luật điều chỉnh nên, qui trình áp dụng pháp luật có liên quan đến cả hai loại quy phạm pháp luật là quy phạm pháp luật nội dung và qui phạm pháp luật hình thức hay qui phạm thủ tục.

- Qui trình áp dụng pháp luật chịu sự quy định của nội dung và tính chất của vụ việc cần giải quyết

Khi áp dụng pháp luật, chủ thể có thẩm quyền áp dụng phải xác định được nội dung và tính chất của vụ việc cần giải quyết rồi trên cơ sở đó mới có thể lựa chọn đúng quy trình cần tiến hành. Nghĩa là chúng ta không thể lấy thủ tục áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này để tiến hành cho lĩnh vực khác. Chẳng hạn, không thể lấy quy trình xét xử các vụ án hình sự được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự để thay thế cho thủ tục xét xử các vụ án dân sự được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự được. Điều này cho thấy, qui trình áp dụng pháp luật bao gồm nhiều hoạt động cụ thể khác nhau và do nhiều chủ thể tiến hành nhưng nó có liên quan chặt chẽ đến nội dung của vụ việc cần giải quyết.

- Tham gia quy trình áp dụng pháp luật luôn có một chủ thể nhân danh nhà nước hoặc được phép sử dụng quyền lực nhà nước để tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật

Nói đến áp dụng pháp luật là nói đến vai trò của nhà nước trong giải quyết các vấn đề pháp lý thực tiễn. Thực chất của áp dụng pháp luật là quá trình thể chế hóa quyền lực nhà nước để điều chỉnh sự kiện cụ thể. Chính vì lẽ đó, tham gia qui trình áp dụng pháp luật luôn luôn có mặt chủ thể nhân danh nhà nước hoặc được phép sử dụng quyền lực nhà nước, chủ thể này trực tiếp tiến hành hoạt động áp dụng pháp luật, có vai trò quyết định trong quá trình áp dụng pháp luật và là chủ thể có quyền đưa ra quyết định áp dụng pháp luật để giải quyết vụ việc. Chủ thể đó chủ yếu là các cơ quan, tổ chức nhà nước hoặc các cá nhân đảm trách nhiệm vụ trong các cơ quan, tổ chức đó tiến hành, song cũng có thể do các cơ quan, tổ chức được nhà nước cho phép hoặc trao quyền tiến hành. Ví dụ, các cơ sở đào tạo do Nhà nước thành lập hoặc cho phép thành lập đều có thể áp dụng pháp luật trong việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo,

công nhận tốt nghiệp và cấp bằng cho người học.

Các hoạt động áp dụng pháp luật đa dạng và cần được đảm bảo bởi sức mạnh quyền lực nhà nước thì các chủ thể có liên quan mới tôn trọng thực thi một cách hợp pháp.

Qui trình áp dụng pháp luật có thể được phân loại dựa trên nhiều tiêu chí khác

nhau.

- Dựa trên nội dung thực tế của hoạt động áp dụng pháp luật có thể phân thành

qui trình truy cứu trách nhiệm pháp lý và qui trình cá thể hoá quyền, nghĩa vụ pháp lý. Qui trình truy cứu trách nhiệm pháp lý là các bước tiến hành tố tụng bao gồm nhiều hoạt động do các chủ thể có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hoá chế tài pháp luật, áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chủ thể vi phạm pháp luật. Truy cứu trách nhiệm pháp lý là hoạt động được thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau do đó, mỗi chủ thể tham gia vào một khâu nhất định trong các giai đoạn của qui trình đó. Chẳng hạn, để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội cần trải qua các giai đoạn như khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Các giai đoạn đó được quyết định bởi các chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự như công an, viện kiểm sát, tòa án và có nhiều cơ quan, cá nhân khác tham gia tố tụng. Qui trình cá thể hóa quyền, nghĩa vụ pháp lý có sự khác biệt với qui trình truy cứu trách nhiệm pháp lý là nó không liên quan đến vi phạm pháp luật mà đơn thuần chỉ xác định nội dung, phạm vi quyền và nghĩa vụ pháp lý cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật mà thôi.

- Dựa trên trình tự, thủ tục tiến hành hoạt động cụ thể trên thực tế có thể phân thành qui trình đầy đủ và qui trình rút gọn. Qui trình đầy đủ là qui trình bao gồm đầy đủ các hoạt động của các giai đoạn áp dụng pháp luật. Còn qui trình rút gọn là qui trình không nhất thiết phải trải qua đầy đủ các hoạt động của các giai đoạn áp dụng pháp luật.

- Qui trình áp dụng pháp luật có thể được nhận diện theo từng lĩnh vực điều chỉnh pháp luật, chẳng hạn như qui trình áp dụng pháp luật dân sự trong việc thừa nhận, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của chủ sở hữu, trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự; quy trình áp dụng pháp luật đất đai trong việc cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất, quy trình áp dụng pháp luật lao động trong

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 27/06/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí