2.2.2.5. Các nghiên cứu về vai trò của người dân địa phương trong phát triển du lịch sinh thái
Sự tham gia của cộng đồng là cách tiếp cận từ dưới lên (bottom - up) nhằm thúc đẩy sự tích cực, chủ động của NDĐP khi trao quyền cho họ tham gia phát triển DLST và giúp mang lại lợi ích KT - XH, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sự phồn thịnh cho cộng đồng (Mensah et al., 2013). NDĐP được xem là thành phần “cốt lõi” tham gia vào phát triển DLST bởi họ vừa là nguồn nhân lực “lý tưởng” thỏa mãn sự hài lòng của du khách (hơn ai hết họ là những người am hiểu những đặc trưng về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa… của địa phương và có thể mang đến cho du khách những hiểu biết, trải nghiệm mới lạ); đồng thời những giá trị văn hóa độc đáo của họ sẽ là một phần quan trọng không thể thiếu trong các sản phẩm DLST.
Sự tham gia của NDĐP trong du lịch đã được nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến như: Arnstein (1969), Hollsteiner (1977), Cohen and Ufford (1980), Ashley and Roe's (1998), Tosun (1999, 2000, 2006), Kumar (2002), Zommorodian (2013),… Các mức độ tham gia của cộng đồng sẽ gắn với những lợi ích mang lại cho họ. Khi sự tham gia càng cao, mức độ chủ động, tương tác trực tiếp càng lớn thì họ sẽ được trao quyền và càng gắn với yếu tố chính trị bởi họ có quyền lực trong tay, được sử dụng quyền lực để phân phối hay được tiếp cận sử dụng, khai thác, quản lý, kiểm soát các nguồn lực, tài nguyên (Heywood, 2007).
Các nghiên cứu của Ziffer (1989), Norris (1994), Honey (1999), Scheyvens (1999); Fennell (2001), Wood (2002), Campbell (2002), Kiss (2004), Langoya and Long (2007), Yacod et al. (2007)… cho thấy để thành công trong phát triển DLST phải có sự tham gia của NDĐP và đảm bảo các lợi ích chính trị, kinh tế, VH - XH và BVMT cho cộng đồng. Mặc dù tài nguyên tự nhiên là yếu tố cốt yếu hình thành nên DLST nhưng điểm khác biệt của DLST so với các loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên thông thường là phải có các giá trị văn hóa và sự tham gia của cư dân bản địa.
Vai trò của NDĐP trong phát triển DLST thể hiện trên các khía cạnh: NDĐP phải được tham gia làm DLST với các mức độ từ tham gia từ bị động, chủ động đến tự động (Tosun, 2006); tham gia với vai trò là nhân viên, cán bộ phục vụ và ở mức cao hơn là trực tiếp quản lý và ra quyết định (Scheyvens, 1999; Wood, 2002; Telfer and Sharpley, 2008; Wearing and Neil, 2009); tham gia một phần trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ du lịch hoặc chủ sở hữu các cơ sở kinh doanh, cung cấp các dịch vụ du lịch; tham gia hợp tác trong các hoạt động tình nguyện, tư vấn, hỗ trợ bảo tồn thiên nhiên, BVMT và các dự án vì cộng đồng thông qua phát triển DLST (Ashley and Roe’s, 1998); tham gia trong tất cả các giai đoạn của quá trình phát triển DLST; tham gia trực tiếp và gián tiếp (Tosun and Timothy, 2003; Kencana et al., 2015).
Các nghiên cứu trước đây thường đề cập mục đích phát triển DLST nhằm mang lại các lợi ích kinh tế, VH - XH và môi trường cho cộng đồng, bao gồm các yếu tố như: thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho các cá nhân/hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, tăng lòng tự hào của người dân về những giá trị tài nguyên và văn hóa có trong cộng đồng, giúp họ thay đổi nhận thức và hành vi trong việc BVMT và văn hóa truyền thống. Những lợi ích này người dân có thể được hưởng khi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp. Gần đây, xuất hiện một số nghiên cứu quan tâm đến vai trò tham gia của NDĐP với tư cách là những người trực tiếp sở hữu, quản lý, ra quyết định và kiểm soát sự phát triển DLST ở địa phương. Qua đó, nhấn mạnh thêm lợi ích đem lại uy tín, tiếng nói và góp phần nâng cao “địa vị chính trị” của họ trong cộng đồng cũng như đảm bảo cho sự PTBV trong tương lai. Các nghiên cứu này đưa ra một khái niệm mới: DLST dựa vào cộng đồng (community based ecotourism). Xung quanh khái niệm và đặc điểm của DLST dựa vào cộng đồng còn nhiều tranh luận nhưng các quan điểm này có điểm chung (Kiss, 2004; Nelson, 2004; Boonzaaier and Philip, 2007; O’Neill, 2008) là: đề cao vai trò trực tiếp tham gia sở hữu, làm chủ và hưởng lợi của NDĐP trong phát triển DLST. Trên thực tế, bản chất của DLST dựa vào cộng đồng vẫn là DLST. Sự khác biệt là nhấn mạnh vai trò tham gia ở mức cao hơn của cộng đồng. Như vậy, DLST dựa vào cộng đồng chính là một hình thức của DLST khi đặt trọng tâm vào các MQH xã hội, cải thiện hiệu quả của sự tham gia của cộng đồng, nâng cao vai trò, trách nhiệm, vị thế và mức độ hưởng lợi của NDĐP (Campbell, 2002; Kiss, 2004). Bởi vậy, hiệu quả (đầu ra) trong phát triển DLST ngày nay không chỉ tập trung vào các khía cạnh KT - XH và môi trường mà các lợi ích chính trị cũng được quan tâm nhiều hơn.
Như vậy, sự tham gia từ mức độ thông thường đến mức độ cao nhất là tham gia quản lý, kiểm soát, sở hữu nguồn lực và các hoạt động trong quá trình phát triển DLST có thể mang lại những lợi ích lớn lao không chỉ đối với KT - XH, môi trường, phúc lợi cho cộng đồng mà còn mang lại lợi ích cho các bên liên quan và đặc biệt, sự trao quyền sẽ giúp nâng cao vị thế, tiếng nói và quyền được hưởng các lợi chính trị cho NDĐP (Salafsky and Wollenberg; 2000; Sultana, 2009).
2.2.3. Các yếu tố đo lường lợi ích của người dân địa phương trong phát triển du lịch sinh thái
Mục tiêu chính của phát triển DLST là nhằm mang lại lợi ích trực tiếp cho NDĐP; bởi vậy muốn phát triển DLST, NDĐP phải có sự tham gia ở các mức độ từ “bị động” đến “chủ động” và vươn lên “tự động” khi họ đủ năng lực để có thể kiểm soát và quản lý. Tuy nhiên, Wood (2002) cũng đã cho rằng trong thực tế khó có thể mong đợi cộng đồng hoàn toàn có thể tham gia ở mức độ quản lý, kiểm soát trong phát triển DLST.
Theo Langoya and Long (1997), khi tham gia làm DLST, NDĐP có thể được hưởng những lợi ích như: nâng cao thu nhập, khôi phục sản xuất hàng hóa thủ công truyền thống, thu hút được các dự án đầu tư cho phúc lợi xã hội, bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trách nhiệm BVMT, giải quyết các xung đột về khai thác, quản lý tài nguyên. Sau đó, Yacod et al. (2007) đã tổng kết lại: lợi ích phát triển DLST là những lợi ích về kinh tế (cải thiện việc làm và thu nhập), VH - XH (bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống và lối sống của NDĐP) và môi trường. Từ năm 1999, Scheyvens đã khám phá việc phát triển DLST không chỉ có các lợi ích nói trên mà còn trao cho cộng đồng được hưởng giá trị gia tăng các các quyền về kinh tế, VH - XH, chính trị. Quan điểm này đã được sự ủng hộ của Musavengane and Matikiti (2015) khi các tác giả sau khi tổng quan các công trình nghiên cứu trước và đi đến kết luận: Lợi ích của DLST không chỉ “giới hạn” về mặt kinh tế, cải thiện đời sống của NDĐP mà còn “trải dài” đến các lợi ích chính trị, môi trường và các lợi ích VH - XH khác.
Như vậy, dưới góc nhìn về những gì mà NDĐP nhận được khi tham gia phát triển DLST, có thể thấy rằng: lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST là những giá trị mà NDĐP được hưởng lợi về các mặt chính trị, kinh tế, VH - XH và môi trường. Cụ thể hơn, những lợi ích này được biểu hiện qua các khía cạnh sau:
Lợi ích chính trị (political benefits/political empowerment) theo Scheyvens (1999), Jones (2005) là người dân được tham gia ý kiến và giải quyết các vấn đề chung một cách công bằng, được có tiếng nói ra quyết định trong các diễn đàn chung của cộng đồng. Foucat (2002), Musavengane (2017) cũng chỉ rõ lợi ích chính trị là tăng cường vai trò tham gia của cộng đồng trong các cơ quan nhà nước và quyền được tiếp cận, sử dụng nguồn tài nguyên. Tran and Walter (2014) nhấn mạnh lợi ích chính trị của NDĐP trong phát triển DLST chính là trao quyền cho người dân một cách công bằng, bình đẳng và phải có các chính sách hành động thúc đẩy việc đảm bảo quyền lợi này cho họ.
Lợi ích kinh tế (economic benefits) là lợi ích vật chất (được quy đổi sang tiền, hiện vật, tài sản….) phản ánh mục đích và động cơ khách quan của cộng đồng khi tham gia vào phát triển DLST. Đây là lợi ích có thể tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của người dân, góp phần làm gia tăng VXH cho cộng đồng. Đồng thời, khi VXH tăng lên cũng sẽ ảnh hưởng trở lại làm tăng các lợi ích khác trong phát triển DLST (Liu et al., 2014). Lợi ích kinh tế trực tiếp nhất là gia tăng các cơ hội việc làm liên quan đến du lịch, cải thiện thu nhập và nâng cấp cơ sở hạ tầng cho NDĐP (Scheyvens, 1999, Ross and Wall, 1999; Watkin, 2003; Yacod et al., 2007; Kiper et al., 2011; Eshun and Tonto, 2014). Theo Foucat (2002) việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên để phát triển DLST và quyền được quyền sử dụng đất đai sẽ mang lại lợi ích kinh tế, trực tiếp tạo nguồn thu chính cho các NDĐP. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế có thể gây thiệt hại
cho môi trường nên việc phát triển DLST phải tuân theo những nguyên tắc gắn với du lịch có trách nhiệm và khuyến khích bảo tồn.
Lợi ích VH - XH (social and cultural benefits) theo Yacod et al. (2007) là bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống và lối sống của NDĐP, bao gồm các giá trị hữu hình như di tích văn hóa, lịch sử, kiến trúc, sản phẩm làng nghề thủ công… hay các giá trị vô hình như tôn giáo, nghi lễ, nghệ thuật, âm nhạc, khiêu vũ... Không chỉ vậy, lợi ích VH - XH còn mang lại các giá trị khác: đầu tư cho giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng, thu hút các dự án vì cộng đồng, thúc đẩy sự hợp tác giữa các thành viên trong cộng đồng và gắn kết xã hội thành một mạng lưới (Foucat, 2002; Watkin, 2003; Kiper et al., 2011; Tran and Walter, 2014). Trước đó, Honey (1999), Scheyvens (1999) cũng đã chỉ ra lợi ích VH - XH là giúp cộng đồng gắn kết và tạo thành mạng lưới xã hội trong phát triển DLST, có các đóng góp cho phúc lợi xã hội (đầu tư xây dựng các công trình công cộng như trường học, bệnh viện, đường xá, điện nước, nhà văn hóa, thư viện...) những lợi ích này vừa cải thiện cơ sở hạ tầng (lợi ích kinh tế) vừa giúp nâng cao dân trí và chất lượng cuộc sống cho dân cư (lợi ích xã hội), tạo việc làm giảm tiêu cực xã hội và tăng lòng tự hào về các giá trị tài nguyên của địa phương.
Lợi ích môi trường (environmental benefits) thông thường được nghiên cứu ở khía cạnh là những giá trị có lợi cho môi trường như việc ngăn chặn các hành động dẫn đến suy thoái và gây ô nhiễm môi trường, bảo tồn tài nguyên (Yacod et al., 2007). Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu những lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST thì lợi ích môi trường ở đây được hiểu là việc giúp cho NDĐP nâng cao nhận thức, thái độ BVMT hoặc có các hành vi, sáng kiến BVMT (Tran and Walter, 2014). Thông qua làm DLST người dân sẽ thay đổi tư duy và hành động một cách có trách nhiệm hơn với môi trường; hệ quả này vừa hữu ích cho môi trường xung quanh vừa giúp cho NDĐP trở thành những người có trách nhiệm và được sống trong một môi trường sạch sẽ, an toàn và bền vững. Ở khía cạnh nhận thức, thái độ BVMT, Liu et al. (2014) đề cập đến các yếu tố: cộng đồng cảm thấy nguồn tài nguyên có liên quan đến họ, hỗ trợ nhiều hơn cho chính sách bảo tồn và sẽ hành động để BVMT. Ở mức độ có các hành vi BVMT, Foucat (2002) nêu ra các yếu tố: biết sử dụng tài nguyên bền vững, hiệu quả, có cam kết bảo tồn ĐDSH, cam kết bảo tồn động vật hoang dã, xử lý rác thải, hạn chế khai thác tài nguyên và tích cực phục hồi môi trường sống.
2.2.4. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn xã hội đến lợi ích của người dân
địa phương trong phát triển du lịch sinh thái
Các nghiên cứu từ khoảng năm 2000 trở lại đây cho thấy VXH ngày càng được xem như một yếu tố quan trọng trong phát triển cộng đồng và mang lại lợi ích cho NDĐP. MQH mật thiết giữa VXH với các vấn đề xây dựng chính sách, nghiên cứu và
thực hiện các kế hoạch, dự án phát triển có lợi cho cộng đồng được khám phá qua hàng loạt các nghiên cứu (Grant, 2001; Lin, 2001; Alston, 2002; Krishna, 2002;
Perkins et al., 2002; Flores and Rello 2003; Pretty, 2003; Rohe, 2004; Vidal, 2004; Lohmann and Lohmann, 2005; Iyer et al., 2005; Bridger and Alter 2006; Binswanger, 2007; Boyd et al., 2008; Hanna et al., 2009; Vermaak, 2009; Homan, 2011…).
Theo Alston (2002); Binswanger (2007), Boyd et al. (2008): VXH hình thành dựa trên sự hợp tác phát triển của NDĐP và “tài sản” mà người dân đem ra để trao đổi, hợp tác và gắn kết trong các MQH đó là “lòng tin”. VXH được xem như là một nguồn lực, một “tài sản” của cộng đồng, làm gia tăng sức mạnh và có thể dẫn tới sự tăng trưởng của các nguồn vốn khác (Lohmann and Lohmann, 2005). Vì vậy, VXH mang lại lợi ích cho cộng đồng và đặc biệt cần thiết đối với những cộng đồng có nền kinh tế đang phát triển, các nguồn vốn khác còn chưa mạnh. Nếu một cộng đồng có nguồn VXH “dồi dào”, khi nỗ lực tận dụng phát huy VXH thông qua quá trình tạo dựng lòng tin để phát triển các MQH hợp tác, liên kết trong và ngoài cộng đồng cũng có thể làm tăng thêm các loại vốn khác còn “yếu” trong cộng đồng (Homan, 2011). Tăng cường VXH thông qua xây dựng bền vững lòng tin, mạng lưới liên kết chặt chẽ và thiết lập các MQH hợp tác lâu dài chính là “chìa khóa” để phát triển cộng đồng (Alston, 2002).
Trong những thập kỷ gần đây, các nghiên cứu về ảnh hưởng/vai trò của VXH đến sự phát triển của du lịch cũng như DLST đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu quan tâm, tiếp cận ở cả phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng hoặc kết hợp cả hai. Dù tiếp cận bằng phương pháp nào thì điểm chung của các nghiên cứu là đã đánh giá được ảnh hưởng/vai trò của VXH trong khả năng cải thiện sự hợp tác giữa các cộng đồng cư dân và sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quá trình phát triển du lịch nhằm mang lại những lợi ích cho cộng đồng. Tổng quan các nghiên cứu này cho thấy, rõ ràng VXH có quan hệ ảnh hưởng đến lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST và ảnh hưởng của VXH đến các lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST là một chủ đề cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu.
- Các nghiên cứu trước đã chứng minh được VXH có ảnh hưởng đến lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST qua những căn cứ sau:
Thứ nhất, VXH hình thành từ các mạng lưới quan hệ xã hội, “sức mạnh” của VXH chính là chất lượng của các MQH hợp tác và mạng lưới xã hội (liên kết trong và ngoài cộng đồng) được đặc trưng bằng các yếu tố lòng tin, chuẩn mực và sự tương trợ có đi có lại nhằm mang lại lợi ích chung (Macbeth et al., 2004). VXH được xem như một nguồn lực quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, gia tăng các lợi ích cho NDĐP, bởi vì theo Drumm and Moore (2002) để phát triển DLST thì cần sự hợp tác hiệu quả của các bên tham gia và NDĐP được xác định là yếu tố “trung tâm” đảm bảo cho sự thành công trong mạng lưới liên kết các
MQH đó nhằm đạt được mục tiêu chính của phát triển DLST là đảm bảo “tài nguyên được bảo tồn” và “NDĐP được hưởng lợi”. Để đạt được các mục tiêu này, sự tin tưởng của NDĐP đối với CQĐP và các bên liên quan (bao gồm cả sự tin tưởng lẫn nhau giữa các thành viên trong cộng đồng) là cần thiết và sự tương trợ, chia sẻ, hợp tác, liên kết phát để phát triển chỉ có thể lâu bền khi các MQH này dựa trên lòng tin cũng như cam kết tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng/xã hội.
Thứ hai, trong một cộng đồng, nếu người dân có sự hợp tác mạnh mẽ và được tham gia các mạng lưới xã hội thì cộng đồng đó sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn trong phát triển du lịch so với một cộng đồng mà ở đó người dân không được tham gia hợp tác hoặc bị hạn chế trong các hoạt động tập thể và không có các hiệp hội/tổ chức xã hội hỗ trợ phát triển cộng đồng tại địa phương (Claiborne, 2010, bảng 2.3). Một cộng đồng có VXH thấp sẽ “ngăn cản” việc đạt được các mục tiêu và lợi ích của người dân trong phát triển DLST (Kamuti, 2014). Do vậy, những cộng đồng có VXH cao sẽ có điều kiện, lợi thế hơn và nhận được nhiều lợi ích hơn trong phát triển du lịch.
Bảng 2.3: Vai trò của VXH trong phát triển du lịch có sự tham gia của cộng đồng
- Sự tham gia hợp tác trong một nhóm/cộng đồng - Có các hoạt động mang lại lợi ích chung cho mỗi cá nhân và tập thể | |
Các yếu tố cấu thành | - Sự liên kết, mạng lưới xã hội - Chuẩn mực, lòng tin, có đi có lại, trao đổi và chia sẻ |
Các kiểu MQH trong VXH | - Liên kết (bonding) các MQH trong cộng đồng hoặc đã quen biết, cùng có điểm chung. - Liên kết “bắc cầu” (bridging) MQH với các cộng đồng bên ngoài (có thể chưa quen biết và thông qua một MQH trung gian). - Liên kết (linking) với các cơ quan (nhà nước)/tổ chức xã hội (phi chính phủ) bên ngoài cộng đồng có ảnh hưởng đến tiềm lực và chính sách phát triển của cộng đồng. |
Cơ chế tạo nên VXH | MQH dựa trên lòng tin -> Trao đổi và chia sẻ -> Tôn trọng quy tắc, chuẩn mực chung -> Hợp tác, liên kết mạng lưới các nhóm trong và ngoài cộng đồng. |
Lợi ích (kết quả đầu ra) của VXH cho phát triển cộng đồng | - Người dân được tham gia, trao đổi sáng kiến và có tiếng nói trong các hoạt động tập thể nhiều hơn - Người dân được quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ - Làm gia tăng các tương tác xã hội theo những hình thức khác nhau (kể cả sự hợp tác giữa các đối thủ cạnh tranh). - Thúc đẩy sự tương tác và hoạt động của các thành viên nhằm tạo ra các lợi ích chung (KT - XH, môi trường….) của cộng đồng. |
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Thuyết Và Tổng Quan Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Vốn Xã Hội Đến Lợi Ích Của Người Dân Địa Phương Trong Phát Triển Du Lịch Sinh Thái
- Tổng Quan Nghiên Cứu Về Ảnh Hưởng Của Vốn Xã Hội Đến Lợi Ích Của
- Các Nghiên Cứu Về Sự Ra Đời Và Phát Triển Của Du Lịch Sinh Thái
- Một Số Kết Quả Nghiên Cứu Về Những Ảnh Hưởng Của Vxh Đến Lợi Ích Của Ndđp Trong Phát Triển Du Lịch Và Dlst
- Dựa Vào Kết Quả Phỏng Vấn Sâu Chuyên Gia Và Người Dân Địa Phương
- Phương Pháp Phỏng Vấn Sâu Bán Cấu Trúc
Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.
Nguồn: Claiborne, 2010 phát triển từ Pretty, 2003; Vidal, 2004; Jones 2005; Okazaki, 2008
- Những ảnh hưởng của VXH đến các lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST là một chủ đề cần được tiếp tục quan tâm nghiên cứu bởi những lý do sau:
Thứ nhất, DLST là một loại hình du lịch có trách nhiệm, gắn với mục tiêu PTBV (Stronza and Gordillo, 2008; Wearing and Neil, 2009). Tuy nhiên, trong thực tiễn phát triển DLST còn tồn tại nhiều rào cản và mặt trái tác động lên cả các mặt kinh tế, VH - XH và môi trường do sự ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau như năng lực vận hành, tổ chức quản lý của các tổ chức/doanh nghiệp kinh doanh DLST còn hạn chế và có thể chưa đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc, yêu cầu trong phát triển DLST; sự thiếu hụt các nguồn lực đầu tư hỗ trợ, thúc đẩy DLST phát triển như vốn tài chính, vốn nhân lực/con người, vốn sản xuất/cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng… (Das and Chatterjee, 2015). Ngoài ra, những thiếu sót trong quá trình hình thành và “nuôi dưỡng” nguồn VXH từ mối quan hệ gắn kết giữa các bên liên quan; đặc biệt là quan hệ giữa NDĐP với chính quyền, các nhà cung ứng du lịch, NGOs trong vai trò tư vấn, hỗ trợ và đầu tư cho các dự án phát triển DLST gắn với bảo tồn và giúp đỡ NDĐP (Wu, 2012; Baksh et al., 2013) còn chưa được quan tâm thỏa đáng nên dẫn đến việc phát triển DLST và việc mang lại lợi ích cho NDĐP khi họ tham gia làm DLST chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Để cung thêm các chỉ dẫn, gợi ý cho việc đưa ra những đề xuất phát triển DLST thực sự bền vững cần tiếp tục có những nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển DLST và lợi ích của NDĐP trong các bối cảnh khác nhau. VXH là một trong những yếu tố có MQH mật thiết với quan điểm phát triển DLBV, góp phần làm gia tăng các lợi ích cho cộng đồng cũng như các bên tham gia ở cả hiện tại và tương lai. Grootaert (1998), Lin (2001) và Krishna (2002) cho rằng: VXH là một yếu tố quan trọng, được xem như “chìa khóa” đảm bảo PTBV cho các cộng đồng (VXH hình thành từ sự tương tác giữa các cá nhân và tập thể dựa trên lòng tin, chuẩn mực, hợp tác và mạng lưới xã hội có thể giúp NDĐP được tiếp cận tài nguyên, được trao quyền tham gia xây dựng chính sách và ra quyết định, có thể đảm bảo sự phát triển và tăng trưởng bền vững). Kế thừa kết các quả nghiên cứu này, Jones (2005) sau khi đánh giá tầm quan trọng của VXH đối với phát triển DLST dựa vào cộng đồng cũng đã khẳng định: VXH chính là “một mắt xích liên kết còn thiếu” trong PTBV và xem nó như yếu tố quan trọng để đảm bảo sự công bằng dân chủ, giảm đói nghèo và BVMT. Vermaak (2009) xem VXH như một “phương thuốc” giúp NDĐP có thể được tham gia hợp tác, tiếp cận nguồn tài nguyên và được trao quyền trong các hoạt động phát triển du lịch. Trước đó, Sawatsky (2003) cũng đã chỉ rõ: VXH trong mỗi cộng đồng phản ánh việc NDĐP được tham gia quản lý tài nguyên như thế nào và đóng góp những lợi thế để NDĐP có thể tham gia tổ chức, duy trì kiểm soát và sở hữu kinh doanh phát triển du lịch. Các dự án du lịch sẽ thành công hơn trong những cộng đồng có mạng lưới xã hội được gắn kết “mật thiết” hơn.
Thứ hai, kết quả của các nghiên cứu trước thường lựa chọn đánh giá vai trò/ảnh hưởng của VXH đối với một/một vài nhóm lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST, các nghiên cứu chủ yếu về những ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho NDĐP. VXH có vai trò quan trọng trong việc quản lý các nguồn lực, thúc đẩy các hoạt động BVMT và gia tăng vai trò của cộng đồng dân cư trong phát triển DLST (Pretty and Smith, 2004). VXH, đặc biệt là các yếu tố chuẩn mực, lòng tin ảnh hưởng tích cực đến thái độ BVMT của NDĐP; đồng thời thúc đẩy sự PTBV và mang lại lợi ích cho NDĐP (Liu et al., 2014). Các nghiên cứu khám phá, kiểm định ảnh hưởng VXH đối với tổng hợp các lợi ích (chính trị, kinh tế, VH - XH, môi trường), đặc biệt trong bối cảnh các VQG còn chưa nhiều. Phần lớn các nghiên cứu này cũng khám phá MQH của VXH đối với vấn đề quản lý bảo vệ tài nguyên môi trường. Khi đánh giá ảnh hưởng của VXH trong hợp tác quản lý tài nguyên và những lợi ích mang lại cho cộng đồng, Musavengane (2017) đã phát hiện ra rằng: “nuôi dưỡng” VXH không chỉ tạo điều kiện cho việc hợp tác quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên đạt hiệu quả tốt hơn mà còn là công cụ hữu ích trong việc tích lũy các “vốn sản xuất” khác để cộng đồng sinh kế và được hưởng quyền lợi giáo dục cũng như các lợi ích khác. Từ đó, tác giả đưa ra một lưu ý quan trọng là “mọi chương trình hành động và các sáng kiến phát triển cộng đồng đều tìm kiếm các “con đường” mà thông qua đó VXH được củng cố và tăng cường”. Bởi vậy, việc nghiên cứu ảnh hưởng của VXH đối với các lợi ích của NDĐP là một chủ đề đáng được tiếp tục quan tâm nghiên cứu.
Bảng 2.4 dưới đây trình bày một số kết quả nghiên cứu liên quan đến ảnh hưởng của VXH đối với lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST. Trong các nghiên cứu, VXH là một yếu tố có thể ảnh hưởng đáng kể mức độ và kết quả của sự tham gia của cộng đồng trong phát triển du lịch địa phương và ảnh hưởng đến các lợi ích phát triển DLST. Theo logic, VXH sẽ ảnh hưởng đến sự tham gia của NDĐP và sự tham gia này sẽ mang lại các lợi ích chính trị, kinh tế, VH - XH, nâng cao nhận thức BVMT cho họ. Khi đó, sự tham gia của NDĐP cũng có thể xem như là yếu tố/biến trung gian trong MQH ảnh hưởng của VXH đối với lợi ích của NDĐP. Tuy nhiên, cũng có thể xem “sự tham gia của NDĐP” là một khía cạnh của VXH (Pongponrat and Chantradoan, 2012; Thammajinda, 2013; Pramanik et al., 2018), được biểu hiện ở các thành tố của sự hợp tác, mạng lưới xã hội và sự tương trợ chia sẻ lẫn nhau. Vì vậy, đa số các nghiên cứu này không bóc tách yếu tố “sự tham gia của NDĐP” thành một yếu tố/biến riêng để đo lường mà tiến hành nghiên cứu trực tiếp MQH ảnh hưởng của VXH đối với lợi ích của NDĐP trong phát triển DLST.