Giới Thiệu Vấn Đề Nghiên Cứu. Nội Dung Chương Này Giới Thiệu Tổng Quan Về Luận Án.


CHƯƠNG 1


GIỚI THIỆU VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU


Luận án này nghiên cứu ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của NHTM Việt Nam. Chương này bắt đầu bằng việc giới thiệu bối cảnh nghiên cứu làm cơ sở cho việc xác định vấn đề nghiên cứu, phần tiếp theo trình bày mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và dữ liệu nghiên cứu, điểm mới của luận án, và cuối cùng là giới thiệu cấu trúc của luận án.

1.1. BỐI CẢNH NGHIÊN CỨU


Cùng với quá trình mở cửa nền kinh tế, thâm nhập của NHNNg vào Việt Nam đã gia tăng rất nhanh trong ba thập kỷ qua. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của khối NHNNg đạt 1.346 nghìn tỷ đồng chiếm 10% tổng tài sản toàn hệ thống, tăng 573% so với trước thời điểm Việt Nam gia nhập WTO năm 2006. Tuy nhiên, vấn đề ảnh hưởng của thâm nhập của NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của các NHTM trong nước vẫn ít được xem xét rộng rãi và còn nhiều tranh luận trong các nghiên cứu thực nghiệm.

Từ các nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh của thị trường ngân hàng trong nước, tác giả nhận thấy rằng các nghiên cứu này có những kết quả không tương đồng, còn mâu thuẫn và chưa thống nhất. Một số nghiên cứu cho thấy thâm nhập của NHNNg làm tăng tính cạnh tranh của thị trường ngân hàng trong nước (Cho, 1990; Diallo, 2016; Jeon và cộng sự, 2011; Mulyaningsih và cộng sự, 2015). Ngược lại, nghiên cứu của Yeyati và Micco (2007) cho thấy NHNNg làm giảm cạnh tranh. Trong khi đó, Poghosyan và Poghosyan (2010) chỉ ra rằng NHNNg thâm nhập bằng phương thức mua lại và sáp nhập làm giảm cạnh tranh, còn phương thức lập cơ sở kinh doanh mới làm tăng cạnh tranh. Kết

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.



Ảnh hưởng của thâm nhập ngân hàng nước ngoài đến cạnh tranh và hiệu quả của các NHTM Việt Nam - 3

quả nghiên cứu của Yin (2020) cho thấy thâm nhập của NHNNg làm giảm cạnh tranh ở các nước phát triển, và làm tăng cạnh tranh của thị trường ngân hàng ở các nước đang phát triển. Mặt khác, theo tác giả chưa có nghiên cứu nào được thực hiện về chủ để này tại Việt Nam. Vì vậy, tác giả nhận thấy cần thiết phải thực hiện nghiên cứu nhằm xác định thâm nhập của NHNNg ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh của thị trường NHTM Việt Nam.

Đối với vấn đề ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM trong nước, các nghiên cứu hiện nay trên thế giới đều sử dụng phương pháp chỉ số tài chính (Barajas và cộng sự, 2000; Claessens và cộng sự, 2001; Claessens và Lee, 2003; Denizer, 2000; Lensink và Hermes, 2004; Luo và cộng sự, 2017; Manlagđit, 2011; Shen và cộng sự, 2009; Unite và Sullivan, 2003; Xu, 2011). Tuy nhiên, theo Manandhar và Tang (2002) phương pháp chỉ số tài chính có nhược điểm là mỗi chỉ số chỉ thể hiện một mặt trong hoạt động của các NHTM, nên để đánh giá tổng quát về hoạt động kinh doanh của một NHTM yêu cầu phải sử dụng hệ thống các chỉ số, công thức rất phức tạp và nếu chỉ căn cứ vào vài chỉ số có thể gây nhầm lẫn khi ra các quyết định quan trọng. Do đó, nếu sử dụng một vài chỉ số tài chính để đánh giá tác động của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của ngân hàng trong nước có thể thiếu chính xác và không toàn diện.

Trong khi đó, phương pháp phân tích hiệu quả biên DEA cho phép xác định hiệu quả của ngân hàng thông qua một chỉ số độ đo hiệu quả là hiệu quả kỹ thuật, giúp giải quyết hạn chế của phương pháp chỉ số tài chính. Mặt khác, có 2 nghiên cứu tại Việt Nam của Lien và cộng sự (2015) và Pham và Nguyen (2020) về chủ đề này cũng sử dụng phương pháp chỉ số tài chính nhưng cho kết quả hoàn toàn trái ngược nhau. Chính vì vậy, tác giả nhận thấy cần thiết phải tiến hành nghiên cứu sử dụng kết hợp 2 phương pháp là phương pháp chỉ số tài chính và phương pháp DEA để phân tích toàn diện nhất ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam.



Chính vì những lý do nêu trên, đề tài “Ảnh hưởng của thâm nhập ngân hàng nước ngoài đến cạnh tranh và hiệu quả của các ngân hàng thương mại Việt Nam” được lựa chọn nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ cung cấp thông tin cần thiết để các nhà làm chính sách đánh giá được tác động của chính sách mở cửa thị trường ngân hàng đối với các ngân hàng trong nước, từ đó có những điều chỉnh chính sách để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của ngành ngân hàng, cũng như giúp các NHTM có cơ sở hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp nhằm thích ứng với điều kiện thị trường có sự tham gia của các NHNNg.

1.2. MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU


Mục tiêu tổng quát của luận án này là phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của các NHTM Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hội nhập, thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của các NHTM Việt Nam. Để đạt được mục tiêu tổng quát đó, luận án cần đạt được những mục tiêu cụ thể như sau:

(i) Phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh của các NHTM Việt Nam;

(ii) Phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam;

1.3. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU


Để đạt được những mục tiêu cụ thể nghiên cứu đặt ra, luận án đi trả lời 2 câu hỏi nghiên cứu sau đây:

RQ1: Thâm nhập của NHNNg ảnh hưởng như thế nào đến cạnh tranh của các NHTM Việt Nam?

RQ2: Thâm nhập của NHNNg ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam?



1.4. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU


1.4.1. Đối tượng nghiên cứu


Để đạt được các mục tiêu nghiên cứu, đối tượng nghiên cứu của luận án tập trung vào 5 nhóm chính:

(i) Đo lường thâm nhập của NHNNg tại Việt Nam;


(ii) Đo lường cạnh tranh trong thị trường NHTM Việt Nam bằng mô hình Panzar – Rosse;

(iii) Phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh của thị trường NHTM Việt Nam;

(iv) Đo lường hiệu quả của các NHTM Việt Nam bằng phương pháp chỉ số tài chính và phương pháp DEA;

(v) Phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam.

1.4.2. Phạm vi nghiên cứu


Nghiên cứu này tiến hành phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của các NHTM Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2019. Luận án chọn mốc thời gian nghiên cứu từ năm 2009 là do trong giai đoạn này Việt Nam đã gia nhập WTO và thực hiện việc nới lỏng các rào cản cho các NHNNg thâm nhập vào Việt Nam, và đặc biệt là các ngân hàng 100% vốn nước ngoài được phép thành lập tại Việt Nam.

1.5. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN DỮ LIỆU


1.5.1. Phương pháp nghiên cứu


Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:



(i) Phương pháp đo lường cạnh tranh theo cách tiếp cận phi cấu trúc với mô hình Panzar – Rosse để phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh của các NHTM Việt Nam.

(ii) Phân tích hồi quy để phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của các NHTM Việt Nam.


1.5.2. Nguồn dữ liệu nghiên cứu


Nguồn dữ liệu được lấy từ Orbis Bank Focus từ năm 2009 đến năm 2019 do Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cung cấp. Trong giai đoạn nghiên cứu, do có một số ngân hàng mới được thành lập hoặc một số ngân hàng được hợp nhất hoặc do thiếu số liệu chi tiết qua các năm của các ngân hàng nên dữ liệu được dùng trong nghiên cứu này là dữ liệu bảng không cân bằng. Dữ liệu về số lượng NHNNg được thu thập từ các báo cáo thường niên của SBV. Dữ liệu về tốc độ tăng trưởng GDP được thu thập từ WDI.

1.6. ĐIỂM MỚI CỦA LUẬN ÁN


Luận án này có những điểm mới như sau:


Thứ nhất, luận án đã chứng minh thâm nhập của NHNNg làm tăng tính cạnh tranh và làm giảm hiệu quả của các NHTM Việt Nam, từ đó cung cấp thêm bằng chứng thực nghiệm củng cố các quan điểm của lý thuyết về thâm nhập của NHNNg.

Thứ hai, luận án đã đo lường mức độ ảnh hưởng của NHNNg thông qua chỉ số H-Statistic được xác định bằng hệ số hồi quy của các biến tương tác trong mô hình Panzar – Rosse vào cạnh tranh của thị trường NHTM Việt Nam.

Thứ ba, luận án là nghiên cứu đầu tiên sử dụng đồng thời phương pháp DEA và phương pháp chỉ số tài chính để phân tích ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến hiệu quả của ngân hàng trong nước. Việc sử dụng kết hợp 2 phương pháp cho phép đối chứng kết quả nghiên cứu từ 2 phương pháp, và vì vậy phát hiện của luận án sẽ chính xác hơn.



Cuối cùng, luận án đã đề xuất được các giải pháp nhằm tăng cường hội nhập, thúc đẩy cạnh tranh và nâng cao hiệu quả của các NHTM Việt Nam.

1.7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN


Để đạt mục tiêu nghiên cứu ngoài phần danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, luận án được cấu trúc thành 5 chương:

Chương 1: Giới thiệu vấn đề nghiên cứu. Nội dung chương này giới thiệu tổng quan về luận án.

Chương 2: Cơ sở lý thuyết và tổng quan nghiên cứu. Nội dung chương này giới thiệu cơ sở lý thuyết và khảo cứu các nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của NHTM trong nước, làm cơ sở phát triển các giả thuyết liên quan đến 2 câu hỏi nghiên cứu.

Chương 3: Phương pháp nghiên cứu. Chương này trình bày phương pháp kiểm định các giả thuyết liên quan đến 2 câu hỏi nghiên cứu.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu và thảo luận. Chương này thực hiện mô tả mẫu dữ liệu dùng trong các mô hình nghiên cứu và kết quả kiểm định các giả thuyết liên quan đến 2 câu hỏi nghiên cứu.

Chương 5: Kết luận và gợi ý chính sách. Chương này trình bày tóm lược các kết luận về kết quả nghiên cứu; phân tích định hướng phát triển ngành ngân hàng và xu hướng thâm nhập của NHNNg tại Việt Nam, đề xuất các gợi ý chính sách cho các NHTM và các nhà làm chính sách, và trình bày hạn chế của luận án và đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo.


CHƯƠNG 2


CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU


Chương 1 đã trình bày tổng quan về luận án và xác định 2 câu hỏi nghiên cứu. Chương này sẽ hệ thống hóa cơ sở lý thuyết và khảo cứu các nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của thâm nhập NHNNg đến cạnh tranh và hiệu quả của các NHTM trong nước làm cơ sở cho việc phát hiện khe hở nghiên cứu và phát triển các giả thuyết liên quan đến 2 câu hỏi nghiên cứu.


2.1. THÂM NHẬP CỦA NGÂN HÀNG NƯỚC NGOÀI


2.1.1. Khái niệm về thâm nhập của ngân hàng nước ngoài


Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã làm xuất hiện các ngân hàng đa quốc gia. Đây là những ngân hàng sở hữu và kiểm soát hoạt động kinh doanh ngân hàng ở hai hay nhiều nước. Quá trình đầu tư kinh doanh của các ngân hàng này vào một quốc gia được gọi là thâm nhập của NHNNg.

Thâm nhập của NHNNg có thể hiểu là quá trình mà các ngân hàng ở một quốc gia (nước đầu tư) thành lập và hoạt động tại một quốc gia khác (nước nhận đầu tư) bằng hình thức mở chi nhánh, liên doanh với ngân hàng trong nước, thành lập ngân hàng con hoặc mua cổ phần thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập (Clarke, 2005; Makino và cộng sự, 2007; Slangen và Hennart, 2008).

2.1.2. Lý thuyết về động cơ thâm nhập của ngân hàng nước ngoài


Có 2 quan điểm lý thuyết chính giải thích về động cơ thúc đẩy NHNNg thâm nhập vào một quốc gia đó là theo sau khách hàng và tìm kiếm cơ hội đầu tư để nâng cao lợi nhuận. Quan điểm theo sau khách hàng cho rằng thâm nhập của NHNNg là để phục vụ khách hàng của họ khi khách hàng của ngân hàng đầu tư vào quốc gia mà NHNNg thâm nhập (Grubel, 1977). Mục tiêu của NHNNg khi thâm nhập vào một



quốc gia là nhằm tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa ngân hàng với các công ty mẹ tại nước đầu tư. Khi các công ty mẹ thành lập chi nhánh ở nước nhận đầu tư, NHNNg sẽ thâm nhập vào quốc gia đó để ngăn chặn các chi nhánh của các công ty này chuyển sang ngân hàng mới. Nhờ lợi thế về mối quan hệ từ trước với khách hàng tại nước đầu tư, các ngân hàng có nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh của khách hàng, điều này giúp giảm phí dịch vụ, cũng như giảm rủi ro cho ngân hàng. Khách hàng của ngân hàng cũng có xu hướng duy trì mối quan hệ với các ngân hàng có mối quan hệ từ trước, nhằm tránh chi phí phát sinh từ việc phải cung cấp thông tin của mình cho ngân hàng mới (Lewis, 1991).

Quan điểm thứ hai cho rằng động cơ thâm nhập của NHNNg là tìm kiếm cơ hội nâng cao lợi nhuận (Aliber, 1984; Goldberg và Saunder, 1981). Lập luận chính của quan điểm này là NHNNg sẽ thâm nhập vào một quốc gia nếu nhận thấy môi trường kinh doanh ở đó có triển vọng phát triển và đạt được lợi nhuận kỳ vọng. NHNNg có công nghệ vượt trội, tiềm lực tài chính mạnh, uy tín cao, nguồn nhân lực, kỹ năng quản lý và chất lượng dịch vụ tốt hơn, mạng lưới rộng khắp, kiến thức và kinh nghiệm trong hoạt động đa quốc gia, tính chuyên nghiệp trong việc phục vụ từng loại khách hàng sẽ giúp họ giành được thị phần từ các ngân hàng trong nước và thu được lợi nhuận cao hơn (Cho, 1986; Yannopoulos, 1983).

Ngoài 2 lý thuyết chính giải thích động cơ thâm nhập của NHNNg nêu trên, một số lý thuyết khác cho rằng động cơ thâm nhập của NHNNg là nhằm phân tán rủi ro. Qian và Delios (2008) nghiên cứu trong trường hợp lý thuyết đầu tư quốc tế cho rằng các ngân hàng mở rộng hoạt động quốc tế để tận dụng lợi thế trên thị trường nước ngoài và giảm thiểu những bất lợi và rủi ro tại thị trường trong nước. García- Herrero và Vazquez (2013) lập luận trong lý thuyết danh mục đầu tư rằng việc đa dạng hóa đầu tư ở các vị trí địa lý khác nhau có thể làm giảm rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính do chu kỳ kinh doanh, cấu trúc lãi suất, và biến động tỷ giá hối đoái, do đó, các NHNNg sẽ thâm nhập vào ngành ngân hàng ở nhiều quốc gia khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 11/03/2023