Nghiên Cứu Nước Ngoài Về Các Nhân Tố Ảnh Hưởng Tới Hiệu Quả Kinh Doanh Của Ngân Hàng Thương Mại


Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu cho các NHTM của các nước khu vực Đông Nam Á (lựa chọn 5 NHTM cho mỗi quốc gia); áp dụng phương pháp phân tích hồi quy bảng, tiếp cận ảnh hưởng cố định (fixed effects) và ảnh hưởng ngẫu nhiên (random effects) với 9 yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả ngân hàng đến từ bên trong và bên ngoài (qui mô, mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, mức độ đa dạng hóa thu nhập, chất lượng quản trị chi phí, thanh khoản, tăng trưởng kinh tế, lạm phát và lãi suất thị trường). Kết quả đạt được là hiệu quả của các NHTM khu vực Đông Nam Á chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố bên trong (như mức độ an toàn vốn, chất lượng tài sản, thanh khoản, chất lượng quản trị chi phí) và một nhân tố bên ngoài duy nhất là lãi suất thị trường. Các nhân tố bên ngoài không có ý nghĩa thống kê đến hiệu quả hoạt động của NHTM trong khu vực (tỷ lệ lạm phát, tăng trưởng kinh tế,…). Đồng thời, qui mô của ngân hàng không có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM, nói cách khác hiệu quả của các NHTM không tương thích với tốc độ gia tăng về qui mô.

- Bài viết “Các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các Ngân hàng thương mại Việt Nam” của Trịnh Quốc Trung, Nguyễn Văn Sang [47] thông qua mô hình hồi quy Tobit với số liệu của 312 NHTM của Việt Nam (giai đoạn năm 2005-2012) để phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các NHTM đó. Các tác giả sử dụng biến ROE và ROA làm biến phụ thuộc thể hiện cho hiệu quả hoạt động của các NHTM, song song với các biến độc lập (như: chi phí hoạt động /doanh thu, tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, tỷ lệ cho vay/tổng tài sản, tỷ lệ nợ xấu,…) và đưa ra được kết quả rằng: (1) những nhân tố có ảnh hưởng cùng chiều đến ROA và ROE là các biến tỷ lệ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản, tỷ lệ cho vay/tổng tài sản; (2) những nhân tố có ảnh hưởng ngược chiều với ROA và ROE như chi phí hoạt động/doanh thu, tỷ lệ nợ xấu,...).

- Bài viết “Hiệu quả hoạt động của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên” của Nguyễn Thị Thu Hương [12] tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011-2015. Tác giả sử dụng phương pháp DEA và mô hình Tobit chỉ ra được rằng: hiệu quả kỹ thuật của các NHTM trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi tiến bộ công nghệ. Ngoài ra


các nhân tố có ảnh hưởng tới hiệu quả kỹ thuật của các NHTM trong giai đoạn này có thể kể đến là: lợi nhuận/tổng tài sản; nợ xấu/tổng dư nợ tín dụng; tổng tài sản.

2.2. Nghiên cứu nước ngoài về các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại

- Allan N.Berger và các cộng sự (1997) thực hiện đo hiệu quả của 760 chi nhánh của các ngân hàng thương mại lớn của Mỹ và chỉ ra được rằng nhiều chi nhánh đã đạt được tối thiểu hóa chi phí, số lượng chi nhánh nhiều tạo điều kiện thuận lợi trong cung cấp dịch vụ cho khách hàng, từ đó làm gia tăng lợi nhuận [60]. Tuy nhiên tính phi hiệu quả X rất lớn, trên 20% chi phí hoạt động. Các tác giả cũng chỉ ra được rằng hai nhân tố có ảnh hưởng lớn đến kết quả hiệu quả của ngân hàng là M&As và mạng lưới chi nhánh.

- Geogios E. Chortareas và các cộng sự với bài viết “Banking sector performance in Latin America: Market power versus Efficiency” [79] nghiên cứu kết quả hoạt động của khu vực ngân hàng Mỹ La Tinh qua sức mạnh thị trường và tính hiệu quả. Các tác giả thực hiện nghiên cứu thông qua thử nghiệm sức mạnh thị trường (với hai mô hình SCP và RMP) và học thuyết cấu trúc hiệu quả (hiệu quả X và hiệu quả theo quy mô) cho 2500 ngân hàng của 9 nước Mỹ La Tinh trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2005. Các tác giả sử dụng phương pháp DEA để đo hiệu quả của các ngân hàng. Biến đầu ra là chứng khoán và tổng cho vay; đầu vào là tiền gửi, lao động và vốn. Kết quả nghiên cứu đạt được là: tính tập trung và hiệu quả ngân hàng có mối quan hệ ngược chiều; thị phần cao sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng; kết quả hoạt động của các ngân hàng Mỹ La Tinh được giải thích thông qua các biến như: mức độ vốn hóa, tỷ lệ giữ vốn chủ sở hữu/tổng tài sản và quy mô tài sản của ngân hàng, trong đó vốn càng tăng thì lợi nhuận của ngân hàng càng lớn, và ngân hàng lớn hơn sẽ có hiệu quả quy mô cao hơn; các yếu tố tỷ giá hối đoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế, lãi suất thị trường có ảnh hưởng mạnh với tỷ số lợi nhuận ROA, hiệu quả của ngân hàng nhưng thể hiện ở các hướng khác nhau (có thể cùng chiều hoặc ngược chiều); rủi ro thanh khoản không thể hiện rõ với hiệu quả ngân hàng.

- Bài viết của Yong Tan “The impacts of risk and competition on bank profitability in China” [117] thử nghiệm sự ảnh hưởng của rủi ro và tính cạnh tranh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.


đến lợi nhuận của khu vực ngân hàng Trung Quốc (bao gồm cả ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại tư nhân) trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2011. Tác giả sau khi sử dụng hệ thống ước tính GMM đã đưa ra kết luận rằng lợi nhuận của ngân hàng Trung Quốc ít chịu ảnh hưởng bởi rủi ro và tính cạnh tranh, mà chịu sự chi phối chủ yếu của thuế, chi phí, năng suất lao động và lạm phát.

Hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại cổ phần đầu tư và phát triển Việt Nam - 3

- Yun Luo và các cộng sự với bài viết “Financial openness, risk and bank efficiency: Cross-country evidence” [118] thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của việc mở cửa tài chính đến hiệu quả hoạt động và rủi ro của ngân hàng. Các tác giả đã tiến hành thực nghiệm 2007 ngân hàng thương mại của 140 nước trong giai đoạn 1999-2011 và cho thấy kết quả rằng, việc mở cửa tài chính đã trực tiếp làm giảm hiệu quả lợi nhuận của các NHTM.

- Phan Thị Mỹ Hạnh và các cộng sự với bài viết “Bank efficiency in emerging Asian countries” [104] phân tích mối quan hệ giữa sự tập trung thị trường, cạnh tranh ngân hàng và hiệu quả X của 6 quốc gia Châu Á đang phát triển (bao gồm Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Phillipines và Việt Nam) trong thời gian từ năm 2005 đến năm 2012. Các tác giả đưa ra kết luận rằng mức độ tập trung thị trường, quy mô ngân hàng, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội có mối quan hệ cùng chiều với hiệu quả X, trong khi sự cạnh tranh, rủi ro thanh khoản lại có mối quan hệ ngược chiều. Rủi ro tín dụng không ảnh hưởng tới hiệu quả X và tính ổn định thị trường (thể hiện qua lạm phát) có ảnh hưởng không rõ đến hiệu quả này của ngân hàng.

- Bài viết “The impact of Bancassurance on Efficiency and Profitability of Banks: Evidence from the Banking Industry in Taiwan” của Jin-Lung Peng và các cộng sự [89] tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (Bancassurance) tới hiệu quả và lợi nhuận của các ngân hàng, với dẫn chứng là ngành ngân hàng ở Đài Loan giai đoạn 2004-2012. Các tác giả đã tiến hành phân tích định lượng về hiệu quả chi phí (CE), hiệu quả kỹ thuật (TE) và hiệu quả phân phối (AE) đưa ra kết luận rằng hiệu quả và lợi nhuận của các ngân hàng Đài Loan trong giai đoạn nghiên cứu chịu ảnh hưởng của Bancassurance. Bên cạnh đó, Bancassurance còn làm gia tăng giá trị của các cổ đông của ngân hàng.


2.3. Tổng hợp các vấn đề đã được nghiên cứu và và khoảng trống nghiên cứu cho luận án

2.3.1. Các vấn đề đã được nghiên cứu

Qua tổng kết các nghiên cứu trong và ngoài nước về hiệu quả kinh doanh của NHTM cho thấy:

Đầu tiên, đối với các nghiên cứu trong nước về hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại: Các nghiên cứu đã chỉ rõ được những vấn đề cơ bản về ngân hàng thương mại, như: đặc điểm, hoạt động của NHTM, hiệu quả kinh doanh của NHTM, cũng như các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả hoạt động của NHTM trên các góc độ (ROA, ROE, lợi nhuận sau thuế). Bên cạnh đó, một số các nghiên cứu trong nước đã đưa ra được các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của NHTM và phân tích được tác động của các nhân tố đó đến hiệu quả kinh doanh của NHTM qua các mô hình định lượng (mặc dù số lượng còn hạn chế). Từ đây, nghiên cứu sinh có thể kế thừa được những nội dung về mặt cơ sở lý luận của các nghiên cứu đi trước, cũng như có thể kế thừa được các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của NHTM đã được đề cập tới trước đó.

Mặt khác, đối với những nghiên cứu của nước ngoài: Các nghiên cứu đã chỉ rõ được tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả của NHTM, đồng thời nhiều mô hình được đưa ra đánh giá tới các khía cạnh khác nhau của NHTM. Các nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng ở các quốc gia khác nhau, tại các thời điểm khác nhau và phụ thuộc vào quy mô của các NHTM, các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của NHTM sẽ khác nhau, có thể là ảnh hưởng cùng chiều hoặc ngược chiều.

2.3.2. Khoảng trống nghiên cứu

Thứ nhất, phần lớn các nghiên cứu nước ngoài mang tính định lượng, trong khi các nghiên cứu trong nước vẫn mang tính định tính là chủ yếu. Một số nghiên cứu định lượng trong nước đã được thực hiện gần đây tuy nhiên vẫn còn những hạn chế về phạm vi, về nhân tố ảnh hưởng.

Thứ hai, các công trình nghiên cứu đã đánh giá khái quát được tình hình hoạt động kinh doanh của NHTM, có thể đánh giá cụ thể cho từng hoạt động của các NHTM. Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được sự đánh giá toàn diện cho hiệu quả hoạt động của NHTM trên khía cạnh định tính và định lượng.


Thứ ba, điều kiện môi trường quốc tế, môi trường quốc gia và xu thế phát triển của NHTM cũng dần thay đổi với sự phát triển của khoa học công nghệ. Các tiêu thức đánh giá về hiệu quả hoạt động cũng như tình hình áp dụng những tiêu chuẩn quốc tế mới cho các NHTM (như Basel II) cũng chưa được chú trọng đề cập tới trong các đề tài.

Từ đó, luận án định hướng tiếp tục nghiên cứu với phạm vi được mở rộng hơn vê nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam, đồng thời đi sâu tìm hiểu về nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam. Đồng thời, thông qua sử dụng mô hình định lượng để nghiên cứu ảnh hưởng của các nhân tố đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTM Việt Nam nói chung, cho NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam nói riêng.

3. Mục đích nghiên cứu

- Nghiên cứu cơ sở lý luận về hiệu quả kinh doanh của NHTM, phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM. Nghiên cứu kinh nghiệm về nâng cao hiệu quả kinh doanh của các NHTM trên thế giới và một số ngân hàng thương mại trong nước.

- Nghiên cứu thực trạng, phân tích và đánh giá hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam giai đoạn 2007- 2018. Sử dụng mô hình phân tích định lượng để làm rõ kết quả đạt được và hạn chế về hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, làm rõ nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của các NHTM Việt Nam trong thời gian qua.

- Đề xuất một số giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam trong những năm tới.

- Câu hỏi nghiên cứu:

+ Bài học nào NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam có thể học hỏi và kế thừa từ những NHTM khác trong nước và trên thế giới?

+ Những nguyên nhân nào đã dẫn tới kết quả đạt được và hạn chế trong thực trạng hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu?


+ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam đã đạt được hiệu quả kinh doanh tối ưu chưa?

+ Hiệu quả kỹ thuật của ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam là cao hay thấp so với các ngân hàng đối thủ trong nước?

+ Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam cần có những giải pháp gì để gia tăng hiệu quả kinh doanh trong môi trường hội nhập kinh tế?

+ Để đạt được mục tiêu cuối cùng là tối đa hóa được hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các cơ quan hữu quan cần có những hỗ trợ gì cho ngân hàng?

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

- Đối tượng nghiên cứu: Hiệu quả kinh doanh của NHTM.

-Phạm vi nghiên cứu: Tập trung nghiên cứu hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam giai đoạn 2007-2018. Luận án chọn phạm vi nghiên cứu trong giai đoạn này do đây là thời kỳ BIDV có những chính sách đổi mới, kết hợp với những thay đổi trong chính sách của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, nguồn số liệu của thời kỳ nghiên cứu này có tính đồng bộ được đảm bảo, đầy đủ cũng như độ tin cậy cao.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Luận án kết hợp phương pháp định tính và phương pháp định lượng để đánh giá hiệu quả kinh doanh cũng như phân tích các nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

- Phương pháp định tính: Luận án sử dụng phương pháp thống kê thu thập số liệu, tiến hành phân tích lập bảng biểu, đồ thị, biểu đồ để mô tả; thực hiện so sánh, quy nạp, tổng hợp, phân tích định tính kết hợp giữa lý luận và thực tiễn cùng tham khảo các tài liệu để thực hiện nghiên cứu nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

+ Phương pháp thu thập số liệu: Luận án sử dụng số liệu thứ cấp. Thu thập số liệu về báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của BIDV và một số ngân hàng thương mại lớn của Việt Nam qua nguồn Finance.stock.vn.

+ Phương pháp nghiên cứu và xử lý số liệu: Luận án kế thừa, thu thập, tổng hợp, phân tích và đánh giá các tài liệu nghiên cứu trước đó để đưa ra phần cơ sở lý


luận và thực tiễn về hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Luận án sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp; thông qua sử dụng các thông tin, báo cáo của các ngân hàng thương mại thực hiện đánh giá thực trạng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại. Luận án đồng thời kết hợp phương pháp so sánh để tiến hành nghiên cứu so sánh về thực trạng hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại theo thời gian.

- Phương pháp định lượng: Luận án sử dụng cơ sở dữ liệu thu thập được từ các báo cáo của các NHTM, NHNN, NHTMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; các bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo thường niên của các NHTM để hình thành số liệu sử dụng trong phân tích. Sử dụng mô hình kinh tế lượng để đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam (mô hình hồi quy Tobit, phân tích bao dữ liệu DEA).

6. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn

- Hệ thống và làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về hiệu quả kinh doanh của các NHTM và các nhân tố ảnh hưởng.

- Phân tích thực trạng và đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát triển Việt Nam dựa trên phương pháp phân tích định tính và định lượng để làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của hạn chế trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam.

- Đề xuất các giải pháp hoàn thiện khung chính sách trong quản lý và điều hành của ngành ngân hàng Việt Nam, giải pháp để góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của NHTMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và 2030.

7. Đóng góp mới của luận án

* Về mặt lý luận: Luận án đã hệ thống hóa và làm rõ một số lý luận cơ bản về NHTM, về hiệu quả kinh doanh của NHTM, những nhân tố ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của NHTM; và những chỉ tiêu đánh giá hiệu quả kinh doanh của NHTM. Luận án đồng thời tổng hợp kinh nghiệm của các NHTM của các nước trên thế giới về hiệu quả kinh doanh, từ đó rút ra bài học cho BIDV.

* Về mặt thực tiễn:

Thứ nhất, nghiên cứu kinh nghiệm của một số ngân hàng trong nước và quốc tế để rút ra được một số bài học kinh nghiệm cho BIDV, như: phát triển lĩnh vực


bán lẻ để gia tăng lợi nhuận cũng như khả năng cạnh tranh cho BIDV trong giai đoạn tới. Phát triển các dịch vụ, sản phẩm công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng của khách hàng trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 để gia tăng hiệu quả kinh doanh của NHTM.

Thứ hai, thông qua tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, nghiên cứu sinh đã làm sáng tỏ được thực trạng hiệu quả kinh doanh của BIDV trong 12 năm, đánh giá được hiệu quả kinh doanh của BIDV theo ba mốc lớn của BIDV: (1) trước và sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008; (2) trước và sau khi thực hiện cổ phần hóa 2012; (3) trước và sau khi sáp nhập MHB 2015. Bên cạnh đó, thông qua phương pháp DEA, phân tích cửa sổ và Tobit, luận án đã nghiên cứu và đánh giá hiệu quả kinh doanh của BIDV, từ đó chỉ rõ hiệu quả kinh doanh của BIDV đã đạt được tối ưu trong quá trình hoạt động hay chưa.

Thứ ba, luận án đã đề xuất một số giải pháp mới dựa trên những hạn chế và nguyên nhân mà BIDV phải đối mặt khi nỗ lực cải thiện hiệu quả kinh doanh của mình. Các giải pháp được chia theo những nhóm liên quan tới: gia tăng chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao khả năng sinh lời; và nâng cao khả năng tín dụng, thanh khoản của BIDV.

8. Kết cấu của luận án

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục chữ viết tắt, danh mục bảng biểu, đồ thị, hình vẽ và các phụ lục, tài liệu tham khảo, nội dung luận án được trình bày trong 3 chương:

Chương 1: Lý luận về ngân hàng thương mại và hiệu quả kinh doanh của ngân hàng thương mại

Chương 2: Thực trạng hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

Chương 3: Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 28/04/2022