Hạn Chế Của Đề Tài Và Hướng Nghiên Cứu Tiếp Theo: 100970


nuôi tôm, hình thức, tập huấn và số lượng công lao động. Trong đó, yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất tôm hùm đó là mật độ nuôi tôm, xuất xứ giống tôm hùm, chi phí cải tạo lồng và số lượng thức ăn được sử dụng.

Kết quả phân tích, tính toán hiệu quả kỹ thuật cho thấy việc sử dụng các yếu tố đầu vào tại các hộ nuôi tôm trên địa bàn điều tra hiện nay là có năng suất theo qui mô giảm dần. Phân tích hiệu quả kinh tế sử dụng các yếu tố đầu vào cho thấy hiện nay các nông nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào như giống, thức ăn. Đặc biệt là việc sử dụng lượng thức ăn quá nhiều làm giảm đáng kể lợi nhuận tôm hùm.


Chương 6: KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT.‌

6.1 Kết luận‌

Đề tài “Ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả kinh tế nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên” với các ba mục tiêu chính là: xác định, phân tích tác động của các yếu tố đầu vào đối với năng suất tôm hùm ở tỉnh Phú Yên; phân tích hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả kinh tế; và đề xuất các giải pháp và gợi ý một số chính sách nhằm góp phần làm tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên.

Dựa trên nền tảng vận dụng cơ sở lý thuyết có liên quan, các nghiên cứu trước đây, các số liệu sơ cấp và số liệu thứ cấp để thực hiện được đề tài. Số liệu thứ cấp được thu thập trên cơ sở các câu hỏi khảo sát bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện với kích thước mẫu 200 hộ nuôi tôm thuộc 05 phường, xã thuộc thị xã Sông Cầu – nơi tập trung 80% Hộ nuôi tôm hùm tại tỉnh Phú Yên. Số liệu sau khi thu thập được xử lý, nhập liệu và được tính toán, phân tích bằng phần mềm Excel và Stata.

Lực lượng lao động tham gia nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Phú Yên có độ tuổi trung bình là 44 tuổi. Trình độ học vấn vẫn còn ở mức thấp tập trung ở cấp trung học cơ sở. Có 35,5 % các chủ hộ ngoài việc nuôi tôm còn làm thêm các nghề khác. Kinh nghiệm nuôi tôm của các chủ hộ trung bình là 11 năm.

Quy mô lồng nuôi trung bình là 14 lồng với 02 kiểu lồng nuôi là lồng chìm và lồng nổi. Có 47,8% giống tôm hùm là loại có xuất xứ trong tỉnh. Mật độ nuôi tôm hùm trung bình là 5,1 com/m3. Thời gian nuôi tôm nằm trong khoảng 15-18 tháng.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 128 trang tài liệu này.

Thức ăn nuôi tôm hùm hiện nay là thức ăn tươi (động vật giáp xác, động vật thân mềm, cá tạp). Lượng thức ăn sử dụng trong nuôi tôm hùm trung bình là 83,71 kg/m3. Công lao động trung bình 7,57 ngày công/m3. Chi phí sử dụng thuốc trung bình 27.000 đồng/m3, chi phí cải tạo lồng nuôi trung bình 47.100 đồng/m3. Tất cả các hộ nuôi tôm được khảo sát đều có tôm bị bệnh. Bệnh sữa và bệnh đen mang


Ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả kinh tế nuôi tôm hùm tỉnh Phú Yên - 11

chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều này cho thấy việc nguồn nước nuôi tôm ngày càng bị ô nhiễm gây ra việc lây lan dịch bệnh.

Đa phần các hộ nuôi tôm tham gia tập huấn hàng năm từ 1 lần đến 2 lần (chiếm 80,5%). Nội dung tập huấn chủ yếu tập trung vào vấn đề tôm bệnh và khuyến cáo quy trình kỹ thuật. Phần lớn các hộ nuôi tôm cho rằng tập huấn có ích nhưng mức độ vận dụng các thông tin được tập huấn ở mức bình thường. Theo số liệu điều tra, 100% các hộ nuôi tôm sau khi thu hoạch đều bán tôm cho thương lái. Điều đó làm cho hộ nuôi tôm gặp khó khăn lớn nhất về giá cả chưa được ổn định do bị thương lái ép giá.

Năng suất tôm hùm trên địa bàn được điều tra trung bình 3,16 kg/m3. Giá bán tôm trung bình là 1.579.960 đồng/kg. Tổng chi phí yếu tố đầu vào mà các hộ nuôi tôm đã đầu tư là 4.306.490 đồng/m3. Sau khi tôm được thu hoạch trừ đi chi phí thì lợi nhuận của các hộ nuôi tôm trung bình là 1.491.890 đồng/m3.

Qua kết quả phân tích hồi quy cho thấy năng suất tôm hùm phụ thuộc 10 yếu tố: trình độ chủ hộ nuôi tôm, chủ hộ nuôi có thêm nghề khác, thời gian nuôi, số lượng lồng nuôi, xuất xứ giống tôm hùm, mật độ nuôi, nuôi xen với các loài khác, số lượng thức ăn, chi phí cải tạo lồng, chi phí thuốc. Trong đó, yếu tố có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất tôm hùm đó là mật độ nuôi tôm, xuất xứ giống tôm hùm, chi phí cải tạo lồng và số lượng thức ăn được sử dụng.

Tổng giá trị của các hệ số hồi qui là 0,8723< 1. Qua đó cho thấy việc sử dụng các yếu tố đầu vào của các hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên có năng suất theo quy mô đầu tư giảm dần. Có nghĩa là nếu gia tăng việc sử dụng các yếu tố đầu vào k lần thì năng suất chỉ tăng 0,8723 lần. Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên cũng chưa sử dụng có hiệu quả các yếu tố đầu vào để đạt được lợi nhuận cao nhất. Để đạt được hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm hùm, các hộ

nuôi cần tăng lượng giống tôm nuôi 2,417 con/m3 để tận dụng các yếu tố đầu vào

khác. Đồng thời, các hộ nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên cần hạn chế việc


sử dụng quá nhiều lượng thức ăn, cần giảm 65,85 kg/m3 thức ăn trong khi vẫn giữ nguyên giá trị trung bình các yếu tố còn lại.

Qua đó, kết quả nghiên cứu đáp ứng được các mục tiêu mà đề tài đã đặt ra. Kết quả nghiên cứu của đề tài cũng sẽ là tài liệu tham khảo cần thiết cho các nghiên cứu khác về nuôi trồng tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên nói riêng và các tỉnh khác nói chung. Ngoài ra, đề tài cũng đã cho thấy việc nuôi tôm hùm hiện nay chịu nhiều tác động của các yếu tố khách quan như môi trường nước, dịch bệnh hơn yếu tố chủ quan như tuổi, kinh nghiệm của chủ hộ, việc có tham gia tập huấn hay không.

6.2. Đề xuất một số giải pháp, chính sách:‌

Căn cứ vào kết quả mô hình hàm sản xuất cùng với việc phân tích hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế của việc nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên, tác giả đề xuất một số giải pháp, chính sách để nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm hùm của các hộ nuôi tôm:

Thứ nhất, khuyến cáo các hộ nuôi tôm hùm điều chỉnh lượng yếu tố đầu vào một cách hợp lý để thu được lợi nhuận cao nhất.

-Theo quy định nuôi tôm hùm mật độ nuôi nên thả 3-5 con/m3 (xem thêm phụ lục 4.1) nhưng để đạt được hiệu quả kinh tế hộ nuôi tôm có thể tăng mật độ nuôi lên để tận dụng được các yếu tố đầu vào khác. Tuy nhiên, hộ nuôi tôm cần phải đảm bảo cho tôm có điều kiện phát triển thoải mái.

- Các hộ nuôi tôm nên giảm lượng thức ăn. Lượng thức ăn hiện nay các hộ nuôi tôm sử dụng quá dư thừa. Lượng thức ăn dư thừa chẳng những làm tăng chi phí mà còn gây ra hiện tượng ô nhiễm lồng nuôi. Hàng ngày, người nuôi tôm nên kiểm tra, theo dõi tình trạng sức khỏe, hoạt động của tôm và mức độ sử dụng thức ăn để có sự điều chỉnh hợp lý.

Ngoài ra, việc sử dụng thuốc tuỳ tiện, chủ yếu là thuốc kháng sinh làm giảm năng suất và gây ảnh hưởng không tốt đến phát triển và chất lượng tôm.


Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Yên nên hướng dẫn, giám sát từng khâu trong quá trình nuôi tôm của các nông hộ. Trong khi chưa sản xuất được thức ăn công nghiệp thì phải nghiên cứu cung ứng thức ăn tự nhiên phù hợp để tránh ô nhiễm môi trường. Bởi nếu không thay thế được thức ăn tươi tự nhiên thì nghề lưới kéo ven biển sẽ ảnh hưởng đến nguồn lợi ven bờ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần nghiên cứu thêm nhiều loại thuốc trị đúng bệnh và không gây hại cho sự phát triển của tôm cũng như người tiêu thụ.

Thứ hai, tránh nuôi tôm với quy mô lồng quá nhiều. Theo kết quả nuôi tôm, quy mô lồng nuôi tôm càng nhiều thì lợi nhuận càng giảm. Các hộ nuôi tôm cần chú ý khi nuôi số lượng tôm hùm càng nhiều thì có thể giảm được chi phí cố định, chi phí lao động nhưng chi phí giống và chi phí thức ăn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí tăng lên nhiều hơn. Kết quả mô hình còn cho thấy việc nuôi tôm hùm có năng suất giảm theo quy mô các yếu tố đầu vào nên khi lượng yếu tố đầu vào tăng lên k lần thì năng suất tăng nhỏ hơn k lần. Việc nuôi tôm hùm tràn lan và thiếu quy hoạch làm cho tình trạng ô nhiễm càng nặng nề và năng suất thu được ngày càng giảm.

Để làm được điều này, các cơ quan chức năng cần thiết phải quy hoạch các vùng nuôi tôm hùm trong tỉnh và triển khai đến các hộ nuôi tôm. Điều đáng mừng là tỉnh Phú Yên đã xây dựng đề án quy hoạch vùng nuôi. ”Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến năm 2020 tỉnh Phú Yên chủ trương duy trì ổn định sản lượng trên cơ sở tổ chức lại các vùng nuôi tôm hùm truyền thống trong đầm, vịnh với khoảng 18.000 lồng nuôi; giảm 6.000 lồng so hiện nay.” (Báo Điện tử Đảng Cộng Sản, 2016).

Thứ ba, việc tập huấn cần thiết phải tập trung vào chất lượng hơn về số lượng. Các hộ nuôi tôm hùm đều thấy việc tập huấn là rất cần thiết. Tuy nhiên, mức độ vận dụng thực tế thì chưa cao bởi vì nội dung tập huấn chưa đi sâu vào thực tế và có thể cũng chưa được kịp thời, đúng thời điểm. Cần lắm những buổi tập huấn kịp thời mỗi khi dịch bệnh bắt đầu xuất hiện để các hộ nuôi tôm có thể phòng tránh cũng như trị bệnh để tránh được tổn thất ở mức thấp nhất.


Cán bộ kỹ thuật trong các buổi tập huấn cần đưa ra các chủ đề trọng tâm để các học viên cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm lẫn nhau và cùng nhau giải đáp những thắc mắc về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và quản lý nhằm mang lại hiểu quả tốt nhất. Các cơ quan chức năng, viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông cần mở rộng, đa dạng hóa các hình thức phổ biến thông tin tới hộ nuôi tôm như thực hành tại buổi tập huấn, phổ biến qua tờ rơi, qua truyền hình, sách báo, bảng thông báo, truyền thanh địa phương, internet...

Bên cạnh đó, các hộ nuôi tôm được khảo sát cho biết việc họ học hỏi kinh nghiệm ngoài từ bản thân còn phần lớn thông qua bạn bè cùng nuôi tôm và các đoàn thể, tổ chức. Do đó, các cơ quan chức năng nên khuyến khích và tạo điều kiện để các hộ thành lập các hội nuôi tôm để họ dễ dàng và thường xuyên trao đổi kinh nghiệm thực tế.

Thứ tư, cần nâng cao trình độ của các chủ hộ nuôi. Trình độ học vấn có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất tôm hùm. Trình độ học vấn càng cao thì khả năng tiếp thu kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, khả năng sáng tạo, tính toán càng tốt. Các hộ nuôi tôm hiện nay có trình độ học vấn chưa cao nên cần phải tự trau dồi, nâng cao trình độ. Các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, tạo điều kiên nếu các chủ hộ nuôi muốn học tập thêm để góp phần nâng cao năng suất.

Thứ năm, môi trường nước cần được sạch sẽ để tôm phát triển tốt và phòng tránh dịch bệnh. Theo thời gian và sự phát triển của tôm, lượng thức ăn đưa xuống nước ngày một nhiều. Nguy cơ ô nhiễm là thường trực do thức ăn thừa, xác lột của tôm, do phân và các chất bài tiết mà tôm thải ra. Do đó, các hộ nuôi tôm cần loại bỏ thức ăn thừa, vỏ lột xác; định kỳ vệ sinh lồng nuôi tránh bị rong rêu, sum/hà bám làm bít lỗ lưới để tạo sự lưu thông nước tốt, hạn chế ô nhiễm. Đặc biệt khâu cải tạo lồng nuôi hết sức quan trọng và không nên xem thường. Ngoài ra, cần kết hợp nuôi xen với các loài khác như vẹm, hàu để làm sạch nước.

Về phía cơ quan chức năng cần chú ý đến các vấn đề sau:


- Các cơ quan chức năng cần nắm tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường (thường xuyên, định kỳ); phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn, nhất là giữa lực lượng thanh tra môi trường và cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản để phát hiện, ngăn chặn và xử lí kịp thời, triệt để những hành vi gây ô nhiễm môi trường của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; trang bị các phương tiện kỹ thuật hiện đại để phục vụ có hiệu quả hoạt động của các lực lượng này.

- Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; xây dựng ý thức sinh thái, làm cho mọi người nhận thức về mối quan hệ mật thiết giữa tự nhiên - con người - xã hội một cách tự giác.

- Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản cần tăng cường thử nghiệm, nghiên cứu, ban hành quy trình phòng, chống dịch bệnh trên tôm hùm; thực hiện quan trắc môi trường, thông báo kịp thời kết quả quan trắc và dự báo tình hình cho các địa phương và người nuôi để phòng tránh. Đồng thời tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới như nuôi tôm hùm trên bờ, trong bể xi măng đang được áp dụng tại các quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc...

Thứ sáu, cần nghiên cứu và có chiến lược để sản xuất được giống tôm hùm. Theo kết quả điều tra, tôm hùm bông có xuất xứ trong tỉnh thì năng suất tôm thu hoạch cao hơn. Điều này có thể được giải thích là giống tôm hùm có xuất xứ trong tỉnh thì dễ thích nghi với môi trường nước, nhiệt độ, khí hậu trong tỉnh nên cho phát triển tốt hơn. Hiện tại, cả nước đa phần khai thác tôm hùm giống ngoài tự nhiên nhưng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu người nuôi nên giá tôm hùm giống cao và có khi còn buộc phải nhập tôm hùm giống từ các nước khác. Các cơ quan chức năng cũng như các viện nghiên cứu cần tăng cường nghiên cứu tạo ra các đề tài có chất lượng để có thể sản xuất được con giống nhân tạo. Điều này đồng nghĩa các cơ


quan chức năng cần quy hoạch mặt bằng và thiết kế khu hạ tầng cơ sở để có trang trại giống thủy sản bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh sinh học.

6.3. Hạn chế của đề tài và hướng nghiên cứu tiếp theo:‌

6.3.1. Hạn chế của đề tài:‌

Đề tài đã giải quyết được các mục tiêu đề ra và cũng là một tài liệu tham khảo cần thiết cho các đề tài nghiên cứu tôm hùm khác. Song đề tài chưa thể khảo sát được hết các loại tôm hùm đang nuôi trên địa bàn mà chỉ tập trung vào loại tôm hùm bông có giá bán cao nhất, bởi vì sự khác nhau về thời gian thu hoạch.

Ngoài ra, một số vấn đề cần được khảo sát sâu để có kết quả hoàn thiện hơn. Cụ thể là: cần lấy mẫu điều ra lớn hơn, chi phí thuốc, chi phí cải tạo lồng cần khảo sát chi tiết hơn để tìm ra giá; cách xác định, phân tích hiệu quả kỹ thuật chưa sâu. Đề tài chưa thể đánh giá định lượng yếu tố môi trường tác động đến năng suất mà chỉ thông qua biến định tính là nuôi xen với các loài khác và chi phí cải tạo lồng.

6.3.2. Hướng nghiên cứu tiếp theo:‌

Nghiên cứu về ảnh hưởng của các yếu tố đầu vào đến hiệu quả kinh tế nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên với số mẫu điều tra lớn hơn 200 mẫu ở tất cả các loại tôm hùm; phân tích hiệu quả kỹ thuật dựa vào phương pháp màng bao dữ liệu (DEA); nghiên cứu chi tiết hơn về chi phí cải tạo lồng, chi phí thuốc và nghiên cứu sâu vào yếu tố môi trường để từ đó có cơ sở thực tiễn hoàn thiện hơn cho việc đề xuất một số giải pháp cũng như gợi ý một số chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế việc nuôi tôm hùm trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Xem tất cả 128 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí