Quá Trình Hình Thành An Toàn Khu Định Hoá

Lo sợ trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng, tháng 9 - 1943 thực dân Pháp đã mở một cuộc vây ráp, khủng bố kéo dài gần 10 ngày ở hầu khắp các xã trong huyện Định Hoá. Bị tấn công bất ngờ, ta không kịp chủ động đối phó, nên bị tổn thất nặng. Mười hai cán bộ chủ chốt của phong trào bị địch bắt giam ở nhà tù Hoả Lò, nhà tù Sơn La; nhiều cơ sở quần chúng bị phá vỡ; một số cán bộ còn lại bị địch truy lùng ráo riết buộc phải tạm lánh đi nơi khác.

Trước sự khủng bố ác liệt của thực dân Pháp, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống, song nhân dân Định Hoá vẫn một lòng son sắt tin vào cách mạng. Cán bộ và quần chúng được tôi luyện qua thử thách và rút ra được nhiều bài học quý báu trong đấu tranh cách mạng.

Sau hội nghị họp tại Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang) tháng 2 - 1942 do đồng chí Hoàng Quốc Việt - uỷ viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập, chia Chiến khu Hoàng Hoa Thám thành 2 phân khu. Định Hoá thuộc Phân khu B (Phân khu Nguyễn Huệ). Được tăng cường cán bộ, phong trào cách mạng Định Hoá dần dần được khôi phục lại sau đợt khủng bố của địch. Các tiểu tổ tự vệ, tổ trung kiên được thành lập ở nhiều xã. Nhân dân toàn huyện, mà nòng cốt là hội viên Hội Cứu quốc tích cực tham gia các cuộc đấu tranh chống thuế, chống đi phu, chống trồng thầu dầu. Đơn vị Cứu Quốc quân III (thành lập tháng 2 - 1944, tại Khuổi Kịch) và một bộ phận Cứu Quốc quân II lấy Định Hoá làm nơi đứng chân. Từ giữa năm 1944, nhiều cán bộ chỉ huy của Phân khu B đã lấy Định Hoá làm địa bàn hoạt động, chỉ đạo công việc của toàn Phân khu.

Thực hiện Chỉ thị “Sửa soạn khởi nghĩa” của Tổng bộ Việt Minh (ngày 7

- 5 - 1944), từ giữa năm 1944, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa ở Định Hoá rất sôi nổi. Quần chúng cách mạng hăng hái góp tiền, gạo, muối để nuôi cán bộ

và chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền; tích cực quyên góp sắt thép để rèn đúc vũ khí. Các đội tự vệ vũ trang Bãi Hội, Bãi Lệnh, Khuôn Nhà được thành lập. Dưới sự huấn luyện của Cứu Quốc quân, các chiến sĩ tự vệ tích cực luyện tập quân sự và đây là lực lượng xung kích của địa phương trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền sau này.

Trước sự lớn mạnh phong trào cách mạng, vấn đề cung cấp cán bộ lãnh đạo đã trở thành một yêu cầu cấp bách. Vì vậy, Trung ương Đảng chủ trương tổ chức cho cán bộ, đảng viên đang bị giam cầm trong các nhà tù đế quốc vượt ngục, nhanh chóng trở về hoạt động và đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa phương. Được Xứ Uỷ Bắc Kỳ giao nhiệm vụ, Chi bộ nhà tù chợ Chu phối hợp với Ban chỉ huy Cứu Quốc quân và cơ sở cách mạng ở Định Hoá đã tổ chức cho 12 cán bộ của Đảng vượt ngục* vào ngày 11 - 10 -1944. Sau gần 10 ngày luồn rừng, leo núi, 12 đồng chí đã về đến Khuổi Kịch (Sơn Dương, Tuyên Quang) an toàn. Đây là nguồn cán bộ rất quan trọng của Đảng tăng cường cho phong trào cách mạng ở nhiều địa phương, trong đó có huyện Định Hoá. Sang đầu năm 1945, phong trào cách mạng ở Định Hoá phát triển khá mạnh. Cán bộ và quần chúng cách mạng tích cực chuẩn bị mọi mặt tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Trong thời gian này, nhiều đội tự vệ vũ trang được thành lập ở các xã Bảo Cường, Phúc Chu, Kim Sơn, Định Biên Thượng, Định Biên Trung, Định Biên Hạ. Các đội tự vệ được trang bị súng kíp, súng trường, thường xuyên huấn luyện về quân sự và chính trị, có thể sẵn sàng đánh địch.


* Đó là các đồng chí Nguyễn Văn Khương (Song Hào), Nguyễn Duy Phương (Hiến Mai), Tạ Tiến (Tạ Xuân Khu), Ngô ngọc Tín (Nhị Quý), Phạm Ngọc Bổng (Chì), Vũ An Sinh (vũ Phong), Chu Nhữ (Chu), Nguyễn Quang Lộc (Hoàng Bá Sơn), Nguyễn Củng (Lê Trung Đình), Nguyễn Cao (Lý), Nguyễn Văn Tý (Trần Tùng) và Trần đình Thìn (Trần Thế Môn).

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, phong trào kháng Nhật cứu nước ở Định Hoá phát triển mạnh mẽ. Trước tình thế mới của cách mạng, cán bộ lãnh đạo địa phương cùng với đơn vị Cứu Quốc quân đang hoạt động ở Định Hoá quyết định phát động quần chúng nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang tiêu diệt lực lượng quân sự địch, xoá bỏ bộ máy thống trị của địch ở Định Hoá. Theo phương án tác chiến, ba giờ sáng ngày 26 -3 - 1945, Cứu Quốc quân và tự vệ chiến đấu của huyện nổ súng tiến công đồn lính khố xanh. Bọn lính khố xanh vứt vũ khí, hốt hoảng tháo chạy. Quân ta làm chủ châu lỵ. Định Hoá hoàn toàn giải phóng. Ngày 27 - 3 -1945, Cứu Quốc quân cùng với lực lượng tự vệ chiến đấu tiến lên Chợ Đồn (Bắc Kạn) chi viện cho huyện bạn khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ngày 26 - 3 - 1945 đã đập tan bộ máy thống trị của địch, đem lại quyền tự do cho đồng bào các dân tộc huyện Định Hoá. Ngày 18 - 4 - 1945, 130 đại biểu của 30 xã và thị trấn thay mặt cho hơn 15 ngàn đồng bào các dân tộc trong huyện họp tại Bản Lác, xã An Lạc để bầu ra UBND cách mạng lâm thời châu do đồng chí Ma Đình Tương làm Chủ tịch

Từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 năm 1945, hầu hết các huyện thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên đã khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, mở ra một vùng giải phóng liên hoàn, rộng lớn giữa núi rừng Việt Bắc. Lực lượng Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Tổng bộ Việt Minh từ căn cứ địa Cao Bằng, chuyển dần hoạt động về Bắc Kạn, Thái Nguyên, lấy Định Hoá làm căn cứ. Cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1945, các đơn vị Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu Quốc quân đã tập kết về Định Hoá (gồm 13 đại đội với khoảng 1000 người), sẵn sàng chờ lệnh tiến về các tỉnh miền xuôi phát động nhân dân vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Cùng thời gian này, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh đưa nhiều cán bộ có kinh nghiệm vận động quần chúng về Định Hoá, toả xuống

An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 3

các xã củng cố chính quyền và các đoàn thể cách mạng, xây dựng lực lượng tự vệ chiến đấu, động viên nhân dân đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho cách mạng, phối hợp với lực lượng vũ trang xây dựng trận địa sẵn sàng đánh Nhật, bảo vệ căn cứ, bảo vệ thành quả cách mạng.

Ngày 15 - 5- 1945, tại Định Biên Thượng đã tổ chức trọng thể lễ hợp nhất Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và Cứu Quốc quân thành Việt Nam Giải phóng quân và ra mắt Bộ chỉ huy Quân Giải phóng. Từ lúc này, Định Hoá là căn cứ của Tổng bộ Việt Minh, đại bản doanh đầu tiên của Việt Nam Giải phóng quân.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng bộ Việt Minh và Bộ chỉ huy quân giải phóng, chính quyền cách mạng và nhân dân Định Hoá khẩn trương, dồn sức chuẩn bị kháng Nhật, cứu nước. Đầu tháng 5- 1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời quyết định thành lập Ban Quân sự từ châu xuống đến các xã, thành lập trung đội du kích tập trung của châu và tiểu đội du kích của xã. Các đơn vị vũ trang này được trang bị và huấn luyện sẵn sàng phối hợp với Quân Giải phóng đánh Nhật. Ban Quân sự châu đã cử nhiều cán bộ quân sự các xã đi học lớp Quân chính kháng Nhật do Tổng bộ Việt Minh tổ chức tại bản Quằng, xã Định Biên để sau đó về chỉ huy và huấn luyện quân sự cho du kích ở các xã. Cùng với công tác quân sự, Mặt trận Việt Minh còn đẩy mạnh cuộc vận động nhân dân trong huyện thực hiện khẩu hiệu “vườn không nhà trống”, ủng hộ lương thực, thực phẩm gây quỹ dự trữ nuôi Quân Giải phóng và tự vệ đánh giặc. Tính đến cuối tháng 5 - 1945, nhân dân trong huyện đã ủng hộ gần 100 tấn thóc, gạo và hàng ngàn ngày công làm kho lán cất giấu lương thực.

Về phía phát xít Nhật, sau khi tạm thời chiếm giữ được một số vị trí xung yếu ở các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, vào trung tuần tháng 5 - 1945 chúng tổ chức một cuộc tấn công quy mô lớn vào căn cứ của ta. Mục tiêu chủ yếu là càn quét vây tiêu diệt căn cứ Núi Hồng nằm trên đất 3 huyện Định Hoá, Đại

Từ (Thái Nguyên) và Sơn Dương (Tuyên Quang), trong đó Định Hoá làm tâm điểm, nơi mà chúng coi là căn cứ chính của Việt Minh.

Quân Nhật chia làm 3 mũi tấn công, một cánh quân từ Bắc Kạn qua Chợ Mới, tấn công vào Định Hoá, một cánh quân từ Tuyên Quang, qua Sơn Dương, tiến đánh vào chân Núi Hồng, một cánh quân từ Thái Nguyên đến ngã ba Bờ Đậu, chia làm 2 mũi, một mũi tiến sang Tây Bắc Đại Từ để từ đây đánh xuyên sang Quảng Nạp, Bình Thành; một mũi ngược lên Km 31 (Quốc lộ 3 ), hành quân theo đường 38 vào Quán Vuông, Chợ Chu.

Ngày 26 - 5 - 1945, cánh quân Nhật từ Chợ Mới càn vào xã Tân Cương bị du kích chặn đánh quyết liệt, nhưng do tương quan lực lượng và vũ khí giữa quân Nhật và quân ta quá lớn, nên cuối cùng Quân Giải phóng và tự vệ Cứu quốc phải rút. Quân Nhật vào Chợ Chu, chiếm đóng các lô cốt và pháo đài của quân Pháp để cố thủ. Cùng ngày, cánh quân Nhật từ Thái Nguyên đến Km 31 phải dừng lại vì mặt đường 38 đi Chợ Chu bị ta phá và dựng nhiều vật cản, hơn nữa, lại bị lực lượng tự vệ phối hợp với Quân Giải phóng chặn đánh quyết liệt. Ngày 27 - 5 - 1945, địch buộc phải điều một đơn vị công binh từ Thái Nguyên kết hợp với bộ binh vừa đánh lấn vừa mở đường tiến vào Chợ Chu. Quân Giải phóng và lực lượng du kích, tự vệ đã nổ súng chặn đánh địch quyết liệt ở cầu Tà Ma, Bản Lác, Quán Vuông, đình Bản Then, Phố Ngữ … gây cho chúng một số thiệt hại. Địch phải co cụm về Chợ Chu cố thủ và hàng ngày từ đây chúng tổ chức những cuộc hành quân càn quét vào các xã lân cận. Nhưng mỗi lần ra quân càn quét là mỗi lần quân Nhật phải khiếp đảm bởi tiếng trống, mõ, tù và nổi lên và lan truyền khắp mọi bản làng trong huyện, đồng thời lại bị quân và dân ta nổ súng tiêu diệt.

Chiếm giữ thị trấn Chợ Chu được một thời gian, quân Nhật lâm vào tình trạng khốn đốn. Con đường tiếp tế chi viện từ Thái Nguyên lên huyện Định Hoá thường xuyên bị quân ta chặn đánh, nhân dân trong huyện nhất loạt thực hiện

“vườn không, nhà trống” triệt nguồn lương thực. Vì vậy, ngày 8- 8- 1945, Bộ chỉ huy quân Nhật hạ lệnh cho quân rút khỏi cứ điểm Chợ Chu. Một lực lượng lớn từ Thái Nguyên được lệnh lên tiếp ứng đồng bọn rút chạy. Từ đó cho đến khi toàn dân ta Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phát xít Nhật không dám đánh vào Định Hoá. Định Hoá hoàn toàn được giải phóng.

Khi cao trào kháng Nhật cứu nước dâng lên khắp toàn quốc, thời cơ cho nhân dân ta nổi dậy Tổng khởi nghĩa nhanh chóng chín muồi. Huyện Định Hoá nằm trong dự định của lãnh tụ Hồ Chí Minh chọn làm nơi Người "dừng chân ở đây một thời gian để cơ mưu việc lớn". Về sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại: "Sau ngày Nhật đảo chính pháp (9- 3- 1945), tôi đã cùng đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tiến về Chợ Chu (Định Hoá- Thái Nguyên) và thống nhất hai đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân với đội Quân cứu quốc thành Việt nam quân giải phóng tại Định Biên Thượng (Định Hoá). Tiếp đó, tôi nhận được chỉ thị của Bác Hồ bố trí cho Bác về làm việc ở Chợ Chu. Tôi bàn với hai anh Tấn và Song Hào đề nghị Bác chọn Tân Trào, vì Chợ Chu tuy cơ sở chính trị, kinh tế đều tốt nhưng có đường thông thương với Thái Nguyên dễ bị uy hiếp; còn Tân Trào, dân cư thưa thớt, kinh tế khó khăn nhưng địa thế hiểm trở hơn. Châu Sơn Dương còn cách tỉnh lỵ Tuyên Quang bởi con sông Lô, tiện bảo vệ" [10, tr.9]. Ngày 21- 5 -1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) về đến Tân Trào, Sơn Dương để lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Tại Tân Trào, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu giải phóng ngày 4 - 6 - 1945. Trung tâm Khu giải phóng trong những ngày tháng đầu là 3 huyện Định Hoá, Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) và Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đến cuối tháng 7 đầu tháng 8, mọi cơ quan đầu não của cách mạng dồn về Tân Trào. Huyện Định Hoá là nơi đảm bảo hậu cần chủ yếu và trực tiếp cho Thủ đô cách mạng. Tính đến đầu tháng 8 năm 1945, nhân dân Định Hoá đã ủng hộ và chuyển sang Tân Trào hơn 100 tấn thóc, gạo, 100 con trâu bò, hơn 100 con lợn, hàng tạ muối.

Là cửa ngõ phía đông nam Thủ đô cách mạng, Định Hoá còn làm tròn nhiệm vụ che chắn, bảo vệ an toàn khu vực trung tâm Khu giải phóng, bảo vệ lãnh tụ Hồ Chí Minh, bảo vệ cán bộ và các đại biểu tham dự Hội nghị đại biểu Đảng toàn quốc và Đại hội quốc dân được tổ chức tại Tân Trào*.

Từ sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cơ sở và phong trào cách mạng ở Định Hoá phát triển mạnh mẽ. Đảng bộ huyện được xây dựng và củng cố vững mạnh, đáp ứng nhu cầu lịch sử của thời kỳ “kháng chiến kiến quốc” ở địa phương. Các tổ chức đoàn thể phát triển rộng rãi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân Định Hoá đấu tranh xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Phong trào tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để kháng chiến, kiến quốc được đẩy mạnh trong toàn huyện và thu được nhiều kết quả. Sản xuất nông nghiệp của huyện nhanh chóng được khôi phục, giải quyết được nạn đói, nhân dân có điều kiện giúp đỡ đồng bào đói nghèo từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ phiêu dạt lên ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, cuộc vận động xoá nạn mù chữ phát triển sôi nổi, hàng ngàn người dân được thoát nạn mù chữ, lạc hậu, có điều kiện tham gia xây dựng bảo vệ chế độ mới. Lực lượng vũ trang địa phương được xây dựng và phát triển vững mạnh. Trình độ chính trị, tổ chức, kỉ luật chiến đấu và trang bị của bộ đội địa phương, dân quân, du kích trong huyện được nâng lên rõ rệt, có thể đảm nhận được nhiệm vụ cách mạng trong thời kì mới.


* Cuối tháng 7 - 1945, Bác Hồ lâm bệnh nặng, tình trạng sức khoẻ của Người ngày càng nguy kịch. Các đồng chí Trung ương và Tổng bộ Việt Minh cử người đi tìm thuốc chữa bệnh cho Bác. Được biết cách mạng cần có hai con sâm để chữa bệnh cho cán bộ thượng cấp, ông Ma Đình Tập (xã Thanh Định) ủng hộ 1,5 con sâm và ông Bang Dương (Chợ Chu) ủng hộ nửa con. Tấm lòng của bà con các dân tộc Định Hoá đã góp phần phục hồi sức khoẻ của Bác, nhờ đó Người đã chủ trì được Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng và Đại hội quốc dân.

1.3. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ

Trong những tháng đầu sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, tình hình mọi mặt ở nước ta hết sức phức tạp. Không những phải lo giải quyết muôn vàn khó khăn về kinh tế, văn hoá…, nhân dân ta còn phải đối phó với mọi hành động chống phá quyết liệt của các thế lực ngoại xâm và nội phản. Thực dân Pháp đã bám theo gót quân Anh trở lại Nam Bộ với ý đồ đặt lại nền thống trị thực dân kiểu cũ trên toàn bộ bán đảo Đông Dương. Ở chiến trường Nam Bộ, Nam Trung Bộ, quân Pháp liên tục tiến công chiếm đóng vùng giải phóng.

Ngay sau ngày kí Hiệp định sơ bộ (6- 3) và Tạm ước (14- 9- 1946), với bản chất phản động, hiếu chiến, thực dân Pháp đẩy mạnh các hoạt động khiêu khích, xâm lược. Trước tình hình đó, ngày 19- 10- 1946, Hội nghị quân sự toàn quốc được triệu tập dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh. Hội nghị nhận định: “Không sớm thì muộn, Pháp sẽ đánh mình và mình cũng nhất định đánh Pháp” [55, tr.64]. Ban Thường vụ Trung ương Đảng tập trung chỉ đạo cả nước chuẩn bị bước vào chiến tranh. Ngày 19 - 12 - 1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh quân và dân cả nước đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Đối tượng tác chiến của quân và dân ta là một đội quân viễn chinh nhà nghề giàu kinh nghiệm đi xâm lược, được trang bị vũ khí hiện đại. Nước Pháp là một cường quốc tư bản, có nền công nghiệp phát triển, nên tiềm lực kinh tế và quân sự mạnh hơn ta gấp nhiều lần. Ngược lại, nước ta là một nước nông nghiệp lạc hậu, tiềm lực kinh tế và quân sự còn nhỏ yếu, sức dự trự kháng chiến rất mỏng manh; lực lượng vũ trang chưa được rèn luyện trong chiến đấu nên trình độ kĩ thuật, chiến thuật thấp kém, trang bị vũ khí rất thô sơ và thiếu thốn… Trong điều kiện so sánh lực lượng vật chất hết sức chênh lệch giữa ta và địch, muốn đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi, chúng ta không thể “đem

toàn lực dốc vào một vài trận hòng phân thắng bại” [59, tr.293], mà phải có thời gian để chuyển hoá lực lượng, tức là phải kháng chiến lâu dài.

Điều kiện cơ bản để kháng chiến lâu dài là phải bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến, đồng thời phải xây dựng được những khu căn cứ vững chắc, an toàn, không chỉ có địa hình thuận lợi, mà phải có cơ sở và phong trào quần chúng vững mạnh. Vùng núi rừng Việt Bắc nói chung và huyện Định Hoá nói riêng là nơi có đầy đủ các yếu tố " địa lợi" và " nhân hoà", đảm bảo cho việc đặt các cơ quan đầu não để lãnh đạo cuộc kháng chiến toàn quốc đi tới thắng lợi.

Vì vậy, ngay sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, trên cơ sở dự đoán chính xác chiều hướng phát triển của tình hình và khẳng định sớm hay muộn thực dân Pháp sẽ quay lại đánh chiếm nước ta một lần nữa, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề cần phải củng cố cái nôi của cách mạng là căn cứ địa Việt Bắc. Đồng chí Phạm Văn Đồng và một số cán bộ khác được phân công ở lại Việt Bắc một thời gian để củng cố căn cứ địa. Đến cuối tháng 10- 1946, khi nguy cơ chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ngày càng tới gần, Trưởng ban Tài chính Trung ương Đảng Nguyễn Lương Bằng được giao nhiệm vụ trở lại Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Một số địa điểm thuộc huyện Định Hoá (Thái Nguyên), Nam Chợ Đồn (Bắc Kạn) được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ trong trường hợp phải rút khỏi Hà Nội.

Đầu tháng 11 - 1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập Đội công tác đặc biệt gồm đại biểu các ngành quân sự, an ninh, chính quyền, đoàn thể…. do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách để làm nhiệm vụ nghiên cứu đường di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Giữa tháng 12 - 1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên vùng Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian nghiên cứu tình hình cụ

thể, cân nhắc kỹ lưỡng về mọi mặt, Đội công tác đặc biệt đã chọn địa bàn giáp ranh ba tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn làm nơi xây dựng An toàn khu (ATK) của Trung ương. An toàn khu trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc là nơi ở và làm việc của các cơ quan đầu não kháng chiến, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Chính phủ, Mặt trận và Quân đội. Định Hoá là một trong những địa phương được đảm nhận nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang này.

Nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh uỷ Thái Nguyên cử nhiều cán bộ về huyện Định Hoá, cùng với cán bộ địa phương xuống các xã động viên, tổ chức toàn dân trong huyện quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng. Các đội công tác của Trung ương, của tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp trong nhân dân để xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân với cán bộ, bộ đội như cá với nước, giáo dục nhân dân địa phương nêu cao cảnh giác, giữ gìn bí mật, kịp thời phát hiện bọn gián điệp lọt vào căn cứ.

Trong khi các đội xây dựng ATK và các tổ công tác của tỉnh triển khai công tác vận động quần chúng thì một bộ phận được tăng cường về các xã phía Nam và Tây Nam huyện: Trung Lương, Sơn Phú, Bình Thành, Phú Đình, Điềm Mặc, Đồng Thịnh, Định Biên, Bảo Linh xây dựng đại bản doanh.

Cuối năm 1946, đầu năm 1947, các cơ quan Trung ương rời khỏi Hà Nội, chuyển dần về phía Tây Nam, thuộc địa phận tỉnh Hà Đông, Sơn Tây. Phần lớn các cơ quan, cơ sở hậu cần quân đội được chuyển ra vùng ven các thành phố, thị xã rồi chuyển dần lên Việt Bắc.

Các cán bộ cao cấp của Đảng, Chính phủ, quân đội: Trường Chinh, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp... lần lượt lên ATK. Nhiều nhân sĩ, trí thức, các đại biểu Quốc hội,

thành viên của Chính phủ, các nhà khoa học… theo lời kêu gọi cứu nước thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, vượt núi, trèo đèo lên căn cứ phục vụ kháng chiến.

Đầu năm 1947, hầu hết các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, các cơ quan kinh tế, văn hoá, giáo dục… đều có mặt tại căn cứ địa Việt Bắc - ATK.

Nà Mọn (Phú Đình), Phụng Hiển (Điểm Mặc)…. là những nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Tổng Bí thư Trường Chinh. Thẩm Khảm, Thẩm Giạc (Phú Đình) là nơi ở và làm việc của Chính phủ và Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bộ Quốc Phòng- Tổng chỉ huy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng ở và làm việc tại xóm Bảo Biên (Bảo Linh), Bản Piềng (Yên Thông), Phú Đình, Quy Kỳ, Bình Yên, Quảng Nạp. Bộ Tổng tham mưu đóng tại Đồng Đau (Định Biên), bản Quyên (Điềm Mặc), Yên Thông, Phú Đình, Thanh Định. Ban Kiểm tra Trung ương đặt tại Phụng Hiển (Thanh Định)… Xưởng Quân giới được xây dựng ở Trung Lương, Định Biên, Đồng Thịnh. Trường Nguyễn Ái Quốc ở Bình Thành, Báo Sự Thật ở Bảo Cường. Tất cả 24 xã của huyện Định Hoá đều có các cơ quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu, cơ quan báo chí, ngoại giao đoàn, các xưởng chế tạo vũ khí, nhà máy in tiền, các kho dự trữ vật tư chiến lược…

Ngay từ những ngày đầu kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chuyển về phía Tây Nam Hà Nội. Trên đường di chuyển lên ATK, mờ sáng ngày 4 - 3 - 1947, Người rời Sơn Tây, qua bến đò Trung Hà sang đất Phú Thọ. Cùng đi với Người có 8 cán bộ, vừa làm cảnh vệ, vừa làm liên lạc và cấp dưỡng. Từ ngày 2 - 4 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại làng Xảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đêm ngày 11 - 5 - 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cuộc tiếp xúc với Pôn Muýt - đặc phái viên của Cao uỷ Bôlae tại một địa điểm trong thị xã Thái Nguyên.

Sau cuộc hội kiến với Pôn Muýt tại thị xã Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại Sơn Dương (Tuyên Quang). Một thời gian ngắn sau đó, tối ngày 19 - 5 - 1947 từ làng Xảo (Sơn Dương, Tuyên Quang), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các cán bộ cảnh vệ, giúp việc sang AKT Định Hoá. Ngày 20 - 5 - 1947, Người đến ở và làm việc tại đồi Khau Tý, thôn Điềm Mặc (nay là xã Điềm Mặc). Để giữ bí mật, từ năm 1947 đến 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên thay đổi nơi ở và làm việc trong các ATK Trung ương ở Định Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn, Chợ Đồn. Song, phần lớn trong khoảng thời gian ấy Người làm việc tại Định Hoá. Riêng tại Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc tại xã Điềm Mặc từ ngày 20 - 5 đến 11 - 10 - 1947, Khuôn Tát (xã Phú Đình) từ ngày 20 - 11 - 1947 đến 28 - 11 - 1947, Nà Lọm (xã Phú Đình) từ ngày 7 - 3 đến 12 - 9 - 1948 và cuối năm 1951, bản Pèo (xã Phú Đình) từ ngày 12 - 5 đến 1 - 6 - 1949.

Tóm lại, với vị trí chiến lược rất cơ động, có địa thế hiểm yếu, nhân dân giàu truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, cơ sở cách mạng vững chắc, huyện Định Hoá có đầy đủ các điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi cho các cơ quan chỉ huy tối cao đặt đại bản doanh để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước.

Từ tháng 3 - 1947, Định Hoá (Thái Nguyên) đã trở thành một trong những ATK Trung ương quan trọng trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, là địa bàn tập trung các cơ quan đầu não quan trọng nhất. Sự hình thành ATK Trung ương ở Việt Bắc nói chung, Định Hoá (Thái Nguyên) nói riêng là một trong những bước chuẩn bị quan trọng có ý nghĩa quyết định cho Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân và toàn dân kiên trì kháng chiến chống thực dân Pháp đi tới thắng lợi.

Xem tất cả 87 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí