- Phải trù bị lương thực, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tổ chức việc tiếp tế cho mau chóng.
- Gây dựng cơ sở quần chúng làm nền tảng vững chắc quanh nơi căn cứ địa ..v.v.. [7, tr.14]
Ngày 12 - 5 - 1949, Ban bảo vệ ATK được thành lập với các nhiệm vụ cụ thể sau đây:
- Quân sự hoá cơ quan:
+ Cất giấu tài liệu
+ Hạn chế sự đi lại của tất cả nhân viên, chia ra từng đội nhỏ, có Ban bảo vệ cơ quan.
+ Chuẩn bị sẵn chỗ rút lui khi địch nhảy dù và định địa điểm liên lạc.
+ Khi rút lui, phải xoá không còn dấu vết cơ quan
+ Kế hoạch nghi binh (giấu người, dấu cơ quan)
+ Kiểm soát chặt chẽ những người lạ mặt ra vào khu.
Có thể bạn quan tâm!
- Quá Trình Hình Thành An Toàn Khu Định Hoá
- Xây Dựng Nền Kinh Tế Kháng Chiến Tự Cấp, Tự Túc
- Công Tác Bảo Vệ An Toàn Khu Định Hoá
- An Toàn Khu Định Hoá Là Một Trong Những Nơi Xác Lập Các Mối Quan Hệ Ngoại Giao
- Atk Định Hoá Khẳng Định Rõ Hơn Tầm Nhìn Chiến Lược Của Trung Ương Đảng Và Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
- An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 9
Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.
- Định hướng rút khi địch chiếm đóng lâu dài.
- Dân vận: Kế hoạch giải thích cho dân đánh giặc, cất giấu lương thực, tổ chức giao thông liên lạc và báo hiệu, canh phòng và kiểm soát lưu động; huy động dân quân cản địch.
Thực hiện nguyên tắc bảo mật, các cơ quan đều thực hiện triệt để phân tán bí mật và quân sự hoá. Mỗi cơ quan bắt buộc phải chia thành hai bộ phận nặng và nhẹ. “Bộ phận nặng gồm máy móc, bàn in, kho tàng, tài liệu, sách vở lưu trữ để hẳn nơi xa mặt trận …. Gần địa điểm bộ phận này, phải có những hầm hố bí mật… Bộ phận nhẹ gồm các nhân viên văn phòng và một ít giấy tờ, sổ sách cần thiết cho công việc hàng ngày”. [7, tr.125]]
Cán bộ, nhân viên các cơ quan ăn mặc hợp với y phục của nhân dân địa phương. Sự đi lại của mọi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan được qui định cụ thể. Các cơ quan trọng yếu được đặt tại những địa điểm cơ động.
Những biện pháp tổ chức canh gác, phòng gian được đặt ra cụ thể cho từng khu vực trong ATK. Đảng bộ và Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện thường xuyên đôn đốc việc canh gác trong các ngả đường (riêng tuyến đường từ Đại Từ vào Định Hoá có 3 trạm gác: Khuôn Ngàn, Quán Ông Già và Quảng Nạp), huấn luyện cho các trạm canh biết một số điều thông thường về cách xem giấy tờ, cách nhận dạng người, cách ứng cứu nhau nếu xảy ra biến cố…..
Trách nhiệm lớn nhất của quân và dân Định Hoá là bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ, Mặt trận, Quân đội, các cơ quan, kho tàng, nhà máy. Đây là những mục tiêu hàng đầu mà kẻ thù luôn âm mưu tìm diệt, bởi vì chúng cho rằng đánh tan cơ quan đầu não kháng chiến của ta thì cuộc chiến tranh sẽ mau chóng kết thúc và chúng sẽ là người chiến thắng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ của Trung ương lại quá mỏng, lực lượng vũ trang của địa phương đã được hình thành và phát triển nhanh chóng, nhưng phải làm nhiệm vụ bảo vệ trên một địa bàn rộng, do đó một lực lượng bảo vệ quan trọng cho ATK chính là nhân dân địa phương.
Được sự giáo dục, nhắc nhở thường xuyên, đồng bào các dân tộc trong huyện coi việc phòng gian, bảo mật, bảo vệ các cơ quan Trung ương, bảo vệ ATK chính là bảo vệ quê hương, làng, bản của mình. Do đó, tất cả mọi người từ cụ già đến em nhỏ, đều tự giác phòng gian, giữ bí mật và thực hiện khẩu hiệu “ba không”. Suốt thời gian kháng chiến, không một điều bí mật nào bị tiết lộ. Bọn gián điệp đi đâu cũng chỉ thấy rừng sâu núi thẳm. Người lạ muốn hỏi, chỉ được đáp lại: không biết. Có thể nói, bảo vệ cơ quan, giữ gìn bí mật trở thành công việc thường xuyên của mọi người dân Định Hoá.
Việc theo dõi, cảnh mật ở các địa bàn do quần chúng đảm nhận được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, linh hoạt và sáng tạo. Từ người
bán hàng rong, người làm nghề sửa chữa xe đạp, thợ cắt tóc, rèn đúc, đan lát… được bố trí tại các tụ điểm dân cư, hoặc trên các ngả đường quan trọng, cho đến người đi đốn củi trong rừng, người làm nương rẫy, em bé chăn trâu.. cũng đều là những chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ ATK. Không có một việc gì xảy ra ở đây, không có một người lạ mặt nào ra vào khu vực ATK lại có thể lọt qua được tai, mắt của nhân dân địa phương. Chính nhờ những thông tin nhanh chóng, chính xác của quần chúng nhân dân, lực lượng công an và bộ đội cảnh vệ mới kịp thời phát hiện và phá tan mọi âm mưu, hành động phá hoại của địch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Trong suốt thời kì Hồ Chủ tịch và Trung ương, Chính phủ, quân đội ở Định Hoá chưa một lần kẻ địch tung được gián điệp, biệt kích vào ATK, mặc dù chúng biết Chính phủ kháng chiến ở Định Hoá. Mọi hoạt động, sự đi lại của Hồ Chủ tịch, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ hoàn toàn được giữ kín không phải vài ba tháng mà trong nhiều năm cho đến kháng chiến thắng lợi. Có thể nói, nhân dân các dân tộc Định Hoá là lực lượng quan trọng, có tính chất quyết định công tác bảo mật, phòng gian, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não trong vòng vây của kè thù.
Bảo mật, phòng gian là nguyên tắc hàng đầu trong công tác bảo vệ ATK, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Biết giữ bí mật tức là đã nắm chắc một phần thắng lợi trong tay” [50,tr.232]. Là Tổng Tư lệnh tối cao của cuộc kháng chiến, Hồ Chủ tịch đặc biệt quan tâm đến vấn đề quân sự hoá trong các cơ quan Trung ương ở Định Hoá cũng như trong ATK. Người chỉ thị bất cứ ở đâu trong thời kỳ kháng chiến cũng phải đảm bảo bí mật, nhà ở trong rừng không để lộ cho máy bay địch phát hiện được nơi có cơ quan, cũng như không để lộ cho người ở nơi khác qua lại biết địa điểm của cơ quan. Mỗi người trong cơ quan phải có ba lô, đồ đạc gọn gàng, bất kể ngày đêm khi cần di chuyển thì sau 15 - 20 phút có lệnh hành quân được ngay. Tài liệu, sách báo thường được đút vào ống tre mang đi rất tiện lợi, thấy địch từ xa thì
quẳng vào bụi rậm, rất khó phát hiện. Những hình thức bảo mật, phòng gian đơn giản nhưng vô cùng linh hoạt và hiệu quả trên đã góp một phần quan trọng đảm bảo an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương ở ATK Định Hoá trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp.
Công tác bảo vệ là một trong những nhiệm vụ quan trọng có tính thiết yếu của ATK nói chung và ATK Định Hoá nói riêng. Đồng bào các dân tộc Định Hoá bảo vệ an toàn tuyệt đối Trung ương Đảng, Chính phủ và các cơ quan kháng chiến không chỉ bằng sự giác ngộ, lòng trung thành với cách mạng, với kháng chiến, với lãnh tụ Hồ Chí Minh mà còn bằng cả xương máu của mình. Trong chiến đấu, nhiều cán bộ chiến sĩ bộ đội địa phương và dân quân du kích đã nêu cao tấm gương kiên quyết hy sinh để bảo vệ an toàn đầu não kháng chiến. Hàng trăm chiến sĩ và nhân dân đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ ATK trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947.
Như vậy, trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ATK Định Hoá được chú trọng xây dựng một cách toàn diện. Chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng được từng bước củng cố và kiện toàn. Khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được mở rộng. Nền kinh tế tự cung tự cấp đạt được nhiều thành quả, về cơ bản đã tự túc một phần lương thực, thực phẩm để cung cấp cho kháng chiến. Văn hoá, giáo dục và y tế từng bước chuyển biến. Nhờ được xây dựng toàn diện, ATK Định Hoá thực sự đã trở thành nơi đứng chân vững chắc cho cơ quan đầu não kháng chiến.
Cùng với quá trình xây dựng, công tác bảo vệ ATK được đặc biệt coi trọng. Bằng mọi lực lượng vũ trang và nhân dân địa phương, công tác bảo vệ ATK Trung ương ở Định Hoá được thực hiện với nhiều hình thức và biện pháp phong phú, sáng tạo. Nhờ đó, các cơ quan Trung ương được bảo vệ tuyệt đối an toàn trong suốt thời kỳ kháng chiến.
Chương 3
VỊ TRÍ, VAI TRÕ CỦA AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC.
3.1. AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT BỘ PHẬN QUAN TRỌNG NHẤT TRONG CĂN CỨ ĐỊA VIỆT BẮC NÓI CHUNG VÀ AN TOÀN KHU TRUNG ƯƠNG NÓI RIÊNG
Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến, một hệ thống căn cứ địa đã được xây dựng trên phạm vi toàn quốc, đáng chú ý là vùng tự do Thanh - Nghệ - Tĩnh (Liên khu IV), vùng tự do Liên khu V, chiến khu Dương Minh Châu, Đồng Tháp Mười… Đó là những căn cứ địa mang tính địa phương, thuộc phạm vi của một khu, hay một tỉnh. Căn cứ địa chính của cả nước (căn cứ địa kháng chiến Trung ương) được đặt tại vùng rừng núi Việt Bắc.
Nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc, các huyện Định Hoá, Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên), Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang) được chọn làm địa bàn xây dựng An toàn khu Trung ương.
ATK Trung ương trong căn cứ địa Việt Bắc được phân định thành hai khu vực:
Khu vực trung tâm vòng trong gồm 4 huyện (Định Hoá, Sơn Dương, Yên Sơn và Chợ Đồn) là nơi đặt các cơ quan đầu não kháng chiến (Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy, Bộ Tổng tham mưu). Ở khu vực trung tâm, ATK Định Hoá là bộ phận quan trọng nhất, bởi đó “là ATK tuyệt mật nhằm bảo đảm an toàn và ổn định để các đồng chí lãnh đạo chủ chốt lúc bấy giờ làm việc ít phải di chuyển”, [10, tr.10]. “Cơ quan của Bác, cơ quan của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ đều tập trung đóng ở Định Hoá, tuy cũng có thời gian chuyển sang Sơn Dương hay Bắc Kạn nhưng với thời gian ngắn rồi lại trở về Định Hoá, có khi
đôi ba lần. Ví dụ: Bác ở Tỉn Keo, Khuôn Tát tới bốn, năm lần. Cơ quan Chính phủ ở cả đất của hai tỉnh, thường trực Chính phủ, anh Lê Văn Hiến ở bên Sơn Dương là chủ yếu, nhưng Hội đồng Chính phủ khi họp ở Định Hoá, khi họp ở Đại Từ, khi ở Sơn Dương. Cơ quan Trung ương Đảng, cơ quan đồng chí Trường Chinh thường ở gần cơ quan Bác và Tổng Quân uỷ, Bộ Tổng Tư lệnh, chủ yếu là ở Lục Rã (Phú Đình), cũng có lúc cơ quan chuyển sang Tân Trào nhưng ít lâu sau lại trở về chỗ cũ" [10, tr.10]. Đây là những cơ quan quan trọng bậc nhất, như trung ương thần kinh,chỉ đạo mọi mặt hoạt động kháng chiến, kiến quốc trong cả nước.
Khu vực ngoại vi vòng ngoài, bao gồm các huyện Đại Từ, Phú Lương, Võ Nhai, Chiêm Hoá, là nơi đặt các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương, các kho tàng, công xưởng…
Phía ngoài khu vực ngoại vi ATK Trung ương là vùng tự do rộng lớn, trong đó “có căn cứ, hậu phương nhỏ hơn của các khu, tỉnh, huyện, xã được tổ chức độc lập hoặc liên hoàn với nhau tuỳ theo địa thế từng nơi” [14, tr.158]. Vùng này tựa như "vành đai" quân sự - chính trị cho hạt nhân bên trong, là nơi thường bị địch uy hiếp, quấy rối, tấn công lấn chiếm. Do đó, phải coi trọng cả hai yếu tố "Địa - quân sự" và "Địa - chính trị". Phương châm hoạt động của vùng này là chiến đấu và xây dựng, nhưng đặc biệt coi trọng nhiệm vụ chiến đấu, vừa sẵn sằng chiến đấu và chiến đấu tốt, vừa xây dựng và bảo vệ tốt.
Rõ ràng, ATK Trung ương là khu vực an toàn nhất và quan trọng trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Trong đó, ATK Định Hoá là bộ phận quan trọng nhất của ATK Trung ương. Có thể nói, ATK Trung ương là hạt nhân của căn cứ địa Việt Bắc, là "Thủ đô kháng chiến", còn ATK Định Hoá là hạt nhân của ATK Trung ương, là trung tâm của Thủ đô kháng chiến. Đó là mối
quan hệ giữa "hạt nhân trong hạt nhân". Vùng này cách xa địch, có lực lượng vũ trang tương đối mạnh trực tiếp bảo vệ, lại có khu vực ngoại vi và vùng tự do khá rộng bao quanh che chắn, bảo vệ. Cho nên vùng này lấy yếu tố "Địa - chính tri" làm đầu, xây dựng, tự bảo vệ, cảnh giác sẵn sằng chiến đấu là chính, chỉ chiến đấu khi thật cần thiết. “Yêu cầu tối thượng và tuyệt đối là phải bảo đảm được “an toàn” cho các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước, thậm chí khi phải tạm thời sơ tán thì phải sơ tán an toàn người và tài liệu là chính chứ không phải chiến đấu là chính. Chiến đấu về mặt quân sự khi kẻ địch từ ngoài vào (không phải địch nhảy dù đột nhập bất ngờ) thì đã có vỏ bọc của An toàn khu căn cứ địa chịu trách nhiệm hàng đầu” [10, tr.56].
Là nơi đặt các cơ quan đầu não quan trọng bậc nhất trong ATK Trung ương, phạm vi và ảnh hưởng của ATK Định Hoá không phải giới hạn trong không gian nhỏ hẹp, mà rộng khắp cả nước. Chính từ nơi này, những quyết định quan trọng của Nhà nước Việt Nam đã ra đời và đã chôn vùi số phận quân đội viễn chinh.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tại ATK Định Hoá đã diễn ra nhiều hoạt động có ý nghĩa chiến lược của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy quân dân cả nước kháng chiến.
Một tháng sau khi đặt chân đến ATK Định Hoá, nhân kỷ niệm cuộc kháng chiến toàn quốc tròn 6 tháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi” gửi đồng bào và toàn thể các chiến sĩ Vệ quốc quân, dân quân tự vệ. Trong “Lời kêu gọi”, Người khẳng định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhất định thắng lợi, “vì kháng chiến của ta là chính nghĩa; vì đồng bào ta đại đoàn kết; vì tướng sĩ ta dũng cảm; vì chiến lược ta đúng; vì ta nhiều bầu bạn” [50, tr.290].
Cùng thời gian trên, từ ATK Trung ương ở Định Hoá, hàng loạt bài viết của Tổng Bí thư Trường Chinh đăng trên báo “Sự thật”, tiếp tục được toả đi các vùng đất nước, củng cố lòng tin và chỉ ra phương hướng hành động cho toàn dân bước vào kháng chiến. Tháng 9 năm 1947, nhân dịp kỷ niệm 2 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, các bài báo ấy được tập hợp, chỉnh lý, bổ sung và xuất bản thành sách, mang tên “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Cuốn sách trở thành cẩm nang cho cán bộ các ngành, các cấp trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.
“Lời kêu gọi” (19 - 6 - 1947) của Chủ tịch Hồ Chí Mình và tác phẩm của Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh là những văn kiện quan trọng đầu tiên được xuất bản ở ATK Định Hoá, mở đầu cho rất nhiều văn kiện tiếp theo đề ra chủ trương chính sách về các mặt của Đảng và Chính phủ, nhằm từng bước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi.
Tại ATK Định Hoá, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã có nhiều cuộc họp quan trọng, quyết định những vấn đề lớn về đường lối kháng chiến toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, và nghiên cứu định ra phương châm hoạt động thích hợp với từng chiến trường.
Một ngày sau khi quân Pháp nhảy dù xuống Bắc Kạn, ngày 8 - 10 - 1947, Bộ Tổng chỉ huy đã ra nhật lệnh kêu gọi bộ đội và dân quân chiến đấu đánh bại cuộc tiến công của chúng, bảo vệ Việt Bắc. Ngày 15 - 10 - 1947, tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc, huyện Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng chỉ huy đã họp bàn và ra Chỉ thị “Phải phá tan cuộc tấn công mùa đông của giặc Pháp”. Chỉ thị đã có tác dụng quyết định thắng lợi trong cuộc phản công Việt Bắc Thu - Đông 1947 của quân và dân ta.
Tại ATK Định Hoá, Bộ Tổng tư lệnh - Bộ Tổng tham mưu đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về dân quân, du kích và phát triển bộ đội chủ lực, các
hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3 và lần thứ 4. Trong Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 3, lần đầu tiên một số vấn đề về chỉ đạo tác chiến được xác định thành nguyên tắc; đó là giữ vững quyền chủ động, hiểu địch, hiểu ta; biết dùng lực lượng dự bị, tập trung binh lực, điều động kịp thời, nghi binh đánh lạc hướng địch, đánh bất thần, xuất kỳ bất ý; lợi dụng điểm yếu của địch, phối hợp chiến đấu giữa các đơn vị, giữa chủ lực và địa phương; đánh tiêu diệt, đánh có kế hoạch. Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ 4 nêu lên một cách cụ thể phương thức hành động và mối liên hệ giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương.
Cuộc kháng chiến càng phát triển, lực lượng vũ trang càng lớn mạnh thì yêu cầu nâng cao trình độ cán bộ các cấp càng trở nên cấp thiết. Chính tại ATK Định Hoá, Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng đã cho ra đời nhiều quyết định quan trọng về việc thành lập các Phân hiệu võ bị Trần Quốc Tuấn, các trường lục quân, các lớp bổ túc cán bộ quân sự… Ngày 12 - 3 - 1948, Bộ Quốc phòng ra nghị định thành lập Trường Trung cấp Quân chính. Chương trình huấn luyện gồm đường lối kháng chiến, xây dựng căn cứ địa, xây dựng và tổ chức huấn luyện dân quân, du kích, chiến lược, chiến thuật, chiến dịch và tổ chức chỉ huy chiến đấu. Tính đến tháng 5 - 1950, Trường liên tục mở được 5 khoá học, với 675 học viên, kịp thời bổ sung nguồn cán bộ chỉ huy cho các đơn vị bộ đội trên khắp các chiến trường toàn quốc, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và chiến đấu của quân đội ta trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Từ sau năm 1947 đến năm 1951, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang ba thứ quân, Bộ Quốc phòng chủ trương xây dựng các đơn vị chủ lực lớn mạnh của quân đội. Các đơn vị chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam như (Đại đoàn 308 (Quân Tiên Phong), , Trung đoàn pháo cao xạ 376, Trung
đoàn 72…) lần lượt ra đời trên cơ sở quyết định từ tổng hành dinh đóng ở Định Hoá.
Những chiến dịch quan trọng (Biên giới, Trung du, Đường số 18, Hà - Nam - Ninh, Hoà Bình, Tây Bắc, (Thượng Lào) đều được quyết định tại ATK Định Hoá. Đặc biệt tháng 9 năm 1953, tại Tỉn Keo (Phú Đình, huyện Định Hoá), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị, Tổng Quân uỷ họp thông qua chủ trương chiến lược Đông - Xuân 1953 - 1954. Cũng tại nơi đây, ngày 6- 12-1953 đã diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị để hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
ATK Định Hoá là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký nhiều sắc lệnh quan trọng để chỉ đạo cuộc kháng chiến, kiến quốc, là nơi Trung ương Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh thường xuyên nhận được tin tức về tình hình kháng chiến, kiến quốc ở các địa phương và có những chủ trương, biện pháp chỉ đạo kịp thời, đẩy mạnh hoạt động ở các khu, các tỉnh, trên các chiến trường. Nổi lên là chủ trương giữ vững quyền chủ động chiến lược, đẩy mạnh tác chiến trên qui mô lớn trong những năm 1950 - 1954, chủ trương phát triển kinh tế kháng chiến trong điều kiện đã mở rộng giao lưu quốc tế; chủ trương mở Đại hội lần thứ 2 của Đảng, đẩy mạnh kháng chiến.
Những sự kiện nêu trên chứng tỏ ATK Định Hóa tồn tại trong lòng căn cứ địa Việt Bắc thực sự trở thành khu vực an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ trong suốt thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chính tại nơi đây, những quyết sách lớn của Đảng về hai nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc đã ra đời, dẫn dắt quân và dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. ATK Định Hoá xứng đáng là trung tâm của Thủ đô kháng chiến, là một bộ phận quan trọng nhất trong căn cứ địa Việt Bắc nói chung và ATK Trung ương nói riêng.
3.2. AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NƠI THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ MỚI
Là một trong những địa phương thuộc địa bàn căn cứ địa và khu giải phóng, nhân dân các dân tộc Định Hoá sớm được hưởng những quyền lợi do cách mạng đem lại.
Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, với niềm phấn khởi, tự hào vì được sống trong độc lập, tự do, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá hoà với không khí chung của cả nước hăng hái đi bỏ phiếu, bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã phát huy quyền làm chủ của mọi tầng lớp nhân dân. Bộ máy chính quyền dân chủ nhân dân từ xã đến huyện ở Định Hoá từng bước được củng cố, kiện toàn, có đủ khả năng lãnh đạo nhân dân toàn huyện thực hiện nhiệm vụ kháng chiến - kiến quốc trong giai đoạn cách mạng mới.
Trong những năm toàn quốc kháng chiến, chính sách “người cày có ruộng” được thực hiện ở Định Hoá. Đảng bộ và chính quyền địa phương đã tịch thu ruộng đất của đế quốc và Việt gian chia cho nông dân cày cấy; tích cực thi hành chính sách giảm tô, giảm tức. Có ruộng đất, đồng bào hăng hái thi đua sản xuất, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nhờ đó, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá càng thêm tin yêu Đảng và Chính phủ, hăng hái tham gia đóng góp cho kháng chiến, kiến quốc.
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, Đảng bộ huyện lãnh đạo triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng về khuyến khích và phát triển sản xuất nông nghiệp. Nông dân được vay vốn để sản xuất, được hỗ trợ khi bị thiệt hại do lũ lụt. Bà con nông dân trong huyện còn được tiếp thu các biện pháp kĩ thuật, được hướng dẫn tổ chức sản xuất, thành lập các tổ đổi công. Ngay từ vụ mùa năm 1950, toàn huyện đã xây dựng được 100 tổ đổi công. Nhờ đó, huyện đã khắc phục được những khó khăn về sức lao động, tạo
điều kiện cho nông dân sản xuất kịp thời vụ. Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Định Hoá là một trong những huyện có phong trào xây dựng tổ đổi công mạnh nhất tỉnh Thái Nguyên. Thông qua đó, nông dân các dân tộc trong huyện làm quen dần với phương thức làm ăn tập thể, ý thức lao động tập thể, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong đồng bào ngày càng được phát huy.
Định Hoá cũng như một số huyện trong ATK là nơi đầu tiên thể nghiệm chính sách thuế nông nghiệp (5 - 1951) của Chính phủ. Theo biểu thuế luỹ tiến, phần đóng góp của nông dân được giảm nhẹ so với trước. Nói chung, bần nông đóng góp 6 đến 10%, trung nông từ 15 - 20% và địa chỉ từ 30 - 50% tổng thu nhập về ruộng đất. Chính sách thuế nông nghiệp góp phần rất quan trọng cải thiện đời sống của nông dân nghèo.
Không những là nơi thể nghiệm các chính sách về kinh tế, tài chính, từng bước thoả mãn quyền lợi vật chất cho đồng bào các dân tộc, ATK Định Hoá còn là nơi được chú trọng chỉ đạo xây dựng cuộc sống mới có văn hoá.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, nhất là từ khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, với vị trí ATK của Trung ương, hơn bất cứ nơi nào khác, Định Hoá càng có điều kiện để xây dựng cuộc sống mới cho đồng bào các dân tộc.
Hệ thống trường lớp giáo dục phổ thông được lập ra ở nhiều nơi trong huyện. Năm 1950, cùng với việc thực hiện cải cách giáo dục, mỗi xã đã có một trường phổ thông, với tổng số 80 lớp gồm 1230 học sinh và 38 giáo viên [24, tr.91]. Bằng sự nỗ lực của mình, đến năm học 1953 - 1954, Định Hoá đã xây dựng được hệ thống giáo dục phổ thông từ cấp I đến cấp II, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhờ đó, trình độ văn hoá của các dân tộc trong huyện được nâng dần lên.