Chương 2
XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ TRONG CĂN CỨ ĐỊA KHÁNG CHIẾN VIỆT BẮC
2.1. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ
2.1.1. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
Sau khi thành lập, vấn đề xây dựng và bảo vệ ATK được đặt thành một yêu cầu bức thiết. Một trong những nội dung quan trọng nhất để đảm bảo cho sự tồn tại vững chắc của ATK là phải quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trước hết là xây dựng và phát triển tổ chức Đảng ở huyện.
Đảng bộ Định Hoá ra đời tháng 6 - 1946, trưởng thành ngay trong những năm tháng cùng toàn dân chuẩn bị kháng chiến và luôn nỗ lực vươn lên để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Huyện uỷ chú trọng lãnh đạo xây dựng chi bộ cơ sở và phát triển đội ngũ đảng viên. Ngày 6- 12- 1946, Huyện uỷ tổ chức thành lập Chi bộ phố Chợ Chu, gồm 3 đảng viên chính thức do đồng chí Nguyễn Thục Quế làm Bí thư. Ngay sau khi thành lập, Chi bộ phố Chợ Chu đã tổ chức kết nạp 13 quần chúng ưu tú vào Đảng, nâng tổng số đảng viên của Chi bộ lên 16 người. Tiếp theo, ngày 25- 12- 1946, với việc tổ chức kết nạp 4 quần chúng ưu tú vào Đảng, Chi bộ dự bị xã Thanh Định được thành lập, do đồng chí Ma Khắc Lượng làm Bí thư.
Để công tác phát triển tổ chức Đảng thu được kết quả tốt thì việc tuyên truyền về Đảng trong quần chúng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các đảng viên trong Đảng bộ huyện kết hợp công tác tuyên truyền với hành động gương mẫu của mình để giác ngộ, tập hợp quần chúng. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều quần chúng ưu tú được các chi bộ kết nạp vào Đảng.
Ngày 28 - 7 - 1947, tại Định Hoá, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra bản Chỉ thị về tổ chức kết nạp đảng viên "Lớp tháng Tám” nhằm tăng cường nhanh chóng đội ngũ của Đảng, đồng thời cũng là đợt sinh hoạt chính trị kỷ
niệm lần thứ hai ngày Cách mạng tháng Tám thành công. Theo Chỉ thị, đợt kết nạp đảng viên “Lớp tháng Tám”, được tiến hành từ ngày 19/8 đến ngày 2 - 9 - 1947.
Có thể bạn quan tâm!
- An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 1
- An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 2
- Quá Trình Hình Thành An Toàn Khu Định Hoá
- Công Tác Bảo Vệ An Toàn Khu Định Hoá
- An Toàn Khu Định Hoá Là Một Bộ Phận Quan Trọng Nhất Trong Căn Cứ Địa Việt Bắc Nói Chung Và An Toàn Khu Trung Ương Nói Riêng
- An Toàn Khu Định Hoá Là Một Trong Những Nơi Xác Lập Các Mối Quan Hệ Ngoại Giao
Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.
Thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đến tháng 9 năm 1947, số đảng viên của Đảng bộ Định Hoá đã tăng hơn hai lần so với cuối năm 1946. Đội ngũ đảng viên được tăng cường, hệ thống tổ chức cơ sở Đảng được củng cố và kiện toàn một bước, góp phần thúc đẩy mọi mặt hoạt động ở địa phương.
Tuy nhiên, do còn ít kinh nghiệm, trình độ đảng viên hạn chế nhiều mặt, nên trong quá trình tiến hành công tác phát triển Đảng, một số chi bộ đã mắc phải thiếu sót. Đó là tình trạng chạy theo số lượng để đạt chỉ tiêu mà chưa coi trọng đúng mức chất lượng, chưa chú ý đến công tác giáo dục, bồi dưỡng, kiểm tra. Điều này đã ảnh hưởng không tốt đến uy tín, năng lực lãnh đạo của Đảng bộ huyện.
Để khắc phục những thiếu sót trên, được sự giúp đỡ của các cơ quan Trung ương đóng tại địa phương, trực tiếp là cán bộ biệt phái bên cạnh cấp uỷ, Đảng bộ Định Hoá mở Hội nghị bàn về công tác phát triển Đảng. Hội nghị đã kiểm điểm nghiêm túc những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác phát triển Đảng và đề ra những chủ trương đúng đắn theo phương châm “trọng chất lượng hơn số lượng”. Trong khi tích cực kết nạp những quần chúng thực sự ưu tú vào Đảng, Huyện uỷ kiên quyết xử lý những đảng viên thoái hoá, biến chất, chú trọng công tác củng cố tổ chức cơ sở Đảng, đặc biệt ở những xã vùng cao, vùng sâu, những xã phong trào chưa mạnh.
Được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, đầu năm 1948, Ban chấp hành Đảng bộ huyện Định Hoá nhanh chóng kiện toàn Ban Tuyên huấn, Ban Đảng vụ; thành lập các Ban Thanh tra, Dân vận, Kinh tế - Tài chính. Huyện uỷ còn đề ra mục tiêu phấn đấu cho toàn Đảng bộ là mỗi xã phải xây dựng một chi
bộ, mỗi xóm có một tổ Đảng; phải củng cố vững chắc các xã vững mạnh, thực sự trong sạch để xứng đáng là khu an toàn của Trung ương.
Để đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng từ huyện xuống cơ sở, Đảng bộ tích cực đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ dân tộc ít người. Nhiều cán bộ được theo học các lớp chính trị, nghiệp vụ, văn hoá ở các trường do Khu và Trung ương tổ chức. Nhờ đó, trình độ lý luận và phương pháp công tác của cán bộ cơ sở từng bước được nâng lên.
Cuối năm 1949, đầu năm 1950, công tác phát triển Đảng ở Định Hoá có những chuyển biến tích cực. Nhiều quần chúng ưu tú, xuất thân từ thành phần cơ bản, có thành tích trong chiến đấu, sản xuất và công tác đã được các chi bộ bồi dưỡng, kết nạp. Hầu hết các chi bộ, các Ban chi uỷ được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, đại đa số đảng viên nêu cao tính tiên phong gương mẫu, lăn lộn với phong trào quần chúng.
Từ sau chiến thắng Biên giới Thu - Đông 1950, cục diện chiến trường thay đổi có lợi cho ta. Quân đội ta đã giành được quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính (Bắc Bộ). Biên giới Việt - Trung được khai thông. Các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ thế giới ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Trong bối cảnh lịch sử đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng (2 - 1951) được tổ chức tại xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang). Đại hội đã thông qua những nghị quyết quan trọng, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp kháng chiến trong cả nước nhanh chóng đi đến thắng lợi. Những sự kiện quan trọng trên đã có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong ATK Định Hoá.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng, Đảng bộ huyện Định Hoá tiến hành tổ chức Đại hội các cấp, vạch rõ
nhiệm vụ của huyện trong sự nghiệp kháng chiến - kiến quốc nói chung và trong công tác xây dựng, bảo vệ ATK nói riêng. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng được tăng cường. Việc học tập lí luận được tiến hành đều đặn, nội dung học tập là đường lối cách mạng và kháng chiến trong giai đoạn mới, nguyên tắc xây dựng Đảng, huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng, chính sách ruộng đất. Ngoài các đợt sinh hoạt chính trị, các buổi học tập, thảo luận trong và ngoài Đảng nhằm nâng cao giác ngộ chính trị cho đảng viên và quần chúng, các cấp uỷ Đảng còn chăm lo xây dựng và phát huy vai trò, chức năng của Ban Thông tin - Văn hoá của huyện. Đa số Ban Thông tin - Văn hoá đều do đảng viên phụ trách. Các buổi phát thanh lưu động, phát thanh buổi tối, các buổi nói chuyện về tình hình thời sự trong nước và thế giới được tổ chức thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng và Chính phủ. Thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện càng hiểu rõ hơn trách nhiệm và vinh dự của mình trong việc xây dựng và bảo vệ ATK Trung ương.
Có thể nói, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác xây dựng và phát triển Đảng ở Định Hoá được triển khai mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả. Đầu năm 1954, toàn Đảng bộ có 24 chi bộ, bao gồm 670 đảng viên. Tổ chức Đảng trong huyện được củng cố, xây dựng ngày càng lớn mạnh.
Một trong những vấn đề hết sức quan trọng để tạo ra cơ sở chính trị vững mạnh ở địa phương, bảo đảm cho sự tồn tại của ATK, đó là củng cố, kiện toàn bộ máy chính quyền và đoàn thể cách mạng.
Sau ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện chủ trương của Trung ương, Đảng bộ đã lãnh đạo việc chuyển Uỷ ban bảo vệ thành Uỷ ban kháng chiến, đồng thời tập trung chỉ đạo củng cố và kiện toàn Uỷ ban hành
chính các cấp. Những cán bộ, đảng viên có năng lực và phẩm chất, tư cách được giao trọng trách trong bộ máy chính quyền.
Cuối năm 1947, Đảng bộ huyện Định Hoá đã chú trọng chỉ đạo nhanh chóng việc hợp nhất Uỷ ban hành chính và Uỷ ban kháng chiến thành Uỷ ban kháng chiến - hành chính. Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp trong huyện được tổ chức đúng nhiệm kỳ, tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân các dân tộc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính quyền và đoàn thể được quan tâm đúng mức. Hàng năm, cán bộ từ xã đến huyện, đều được cử theo các lớp huấn luyện chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ do tỉnh và Liên khu Việt Bắc tổ chức.
Cùng với việc tăng cường cử cán bộ đi học các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ công tác, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Định Hoá chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã điển hình để cán bộ các xã đến học tập , rút kinh nghiệm. Năm 1950, huyện chọn xã Phượng Tiến để xây dựng xã kiểu mẫu với các mục tiêu: Đoàn kết chặt chẽ; Bộ máy kháng chiến hành chính giỏi; Lực lượng dân quân , du kích mạnh; Có trường học cao ráo; Bỏ được nhiều tục lệ xấu; có phong trào sản xuất tốt và triệt để bài trừ nạn mù chữ…Từ kết quả thí điểm xây dựng cấp xã ở Phượng Tiến, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện Định Hoá tổ chức cho cán bộ các xã trong huyện đến học tập, rút kinh nghiêm, nhân rộng ra toàn huyện.
Trong quá trình xây dựng và phát triển cơ sở Đảng, củng cố và kiện toàn bộ máy chính quyền, đoàn thể quần chúng, cũng như các địa phương khác trong ATK, huyện Định Hoá luôn luôn nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Khu uỷ và sự giúp đỡ to lớn của các cơ quan Trung ương. Việc dìu dắt Đảng bộ và chính quyền địa phương thuộc ATK nói chung và Định Hoá nói riêng được coi là một nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương. “Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Ban căn cứ địa Trung ương cử cán bộ có năng lực,
có trách nhiệm phối hợp với cấp uỷ địa phương giải quyết những công việc hàng ngày có liên quan đến khu căn cứ. Trung ương Đảng cũng chỉ thị cho các cơ quan, xí nghiệp, các đơn vị bộ đội đóng quân ở xã nào, phải cử cán bộ, giúp đỡ xã đó xây dựng phong trào, củng cố cơ sở. Một số cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng và Chính phủ, dù bận rộn công tác chuyên môn, vẫn bố trí thời gian tham dự các cuộc hội nghị xã hội, huyện bộ ở địa phương giải quyết được nhiều việc khó” [37, tr.361].
Được sự quan tâm giúp đỡ của cơ quan Trung ương, cùng với sự vững mạnh của chính quyền địa phương, các tổ chức quần chúng ở Định Hoá ngày càng thu hút được đông đảo nhân dân tham gia vào các hoạt động của kháng chiến. Mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương với đồng bào các dân tộc huyện Định Hoá ngày càng gắn bó.
2.1.2. Xây dựng nền kinh tế kháng chiến tự cấp, tự túc
Khi bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nền kinh tế nước ta vốn nghèo nàn lạc hậu do chế độ cũ để lại, lại bị địch tăng cường phá hoại bằng nhiều thủ đoạn, song nhu cầu kháng chiến ngày càng lớn nên mặt trận kinh tế cũng không kém phần quyết liệt.
Việt Bắc - căn cứ địa kháng chiến của cả nước nằm trong sự bao vây, phong toả của địch, sự thông thương giữa Việt Bắc với các vùng tự do khác hết sức khó khăn, vấn đề xây dựng nền kinh tế tự cấp tự túc là một nội dung cơ bản đối với việc xây dựng căn cứ địa.
Nằm trong tình trạng chung của căn cứ địa Việt Bắc, kinh tế vùng ATK Định Hoá cũng gặp nhiều khó khăn. Là một địa phương miền núi, kinh tế kém phát triển, mang nặng tính tự túc tự cấp, sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo nhưng ruộng đất canh tác ít, lại phân tán, manh mún và lệ thuộc nhiều vào tự nhiên nên năng suất thấp, sản xuất không ổn định. Trận lũ năm
1947 và năm 1950 đã gây thiệt hại nặng nề trong huyện. Đặc biệt trận mưa lũ năm 1953 đã phá huỷ phần lớn hệ thống mương phai trong toàn huyện Định Hoá. Đập nước Tân Dương, công trình thuỷ lợi duy nhất của huyện cũng bị phá huỷ gần như hoàn toàn. Sau trận mưa lũ là hạn hán kéo dài, làm cho hàng trăm mẫu lúa và hoa màu bị thất thu.
Bên cạnh thiên tai, sự tàn phá của địch gây thiệt hại rất lớn. Trong cuộc tấn công vào căn cứ địa Việt Bắc Thu - Đông năm 1947, giặc Pháp càn quét vào huyện Định Hoá. Hàng trăm mẫu lúa bị địch tàn phá, hơn 100 con trâu bị bắn chết. Trong những năm sau, giặc Pháp cho máy bay phá hoại hệ thống thuỷ nông, bắn giết trâu bò, càng làm cho sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Nhiệm vụ của nhân dân các dân tộc Định Hoá là phải nỗ lực xây dựng một nền kinh tế có khả năng tự cấp tự túc, vừa đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc kháng chiến, vừa từng bước đảm bảo đời sống của nhân dân, của cán bộ và quân đội, vừa phải đấu tranh chống lại sự phá hoại của địch.
Trong hoàn cảnh đó, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong huyện thực hiện chương trình “Kinh tế tự túc”. Ban Canh nông, Thuỷ nông huyện tổ chức, hướng dẫn nhân dân khai hoang, phục hoá, làm thêm hệ thống mương phai, đắp đập. Ban Tín dụng có chính sách hỗ trợ sản xuất cho nông dân nghèo vay vốn sản xuất. Năm 1948, quỹ tín dụng cho vay 40.000 đồng; năm 1950 là 1.669.850 đồng, nhờ đó nông dân trong huyện có thể mua trâu, bò, nông cụ để phát triển sản xuất.
Nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân, khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất, nhiều địa phương trong ATK tích cực thực hiện chính sách giảm tô, chính sách thuế nông nông nghiệp do Đảng và Chính phủ đề ra.
Cùng với việc thực hiện tốt chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ và chính quyền Định Hoá đã chú ý đến việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất. Phong trào đổi công và thí điểm mô hình hợp tác xã được triển khai
trong huyện. Năm 1949, đầu năm 1950 toàn huyện đã có 100 tổ đổi công, năm 1953 lên tới 605 tổ.
Để khắc phục hậu quả do giặc Pháp tàn phá, đồng thời hưởng ứng phong trào “Thi đua yêu nước”, Huyện uỷ và Uỷ ban kháng chiến - hành chính cử nhiều cán bộ, đảng viên có năng lực xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo phong trào tăng gia sản xuất, vận động nhân dân thi đua sản xuất. Nhờ sự cố gắng vượt bậc của nhân dân, trong hai năm 1948, 1949 Định Hoá được mùa, số gia đình thiếu đói giảm hẳn, khối lượng lương thực cung cấp cho cơ quan, bộ đội ở ATK cũng tăng dần lên.
Nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, với khẩu hiệu “Toàn dân canh tác”, Huyện uỷ, Uỷ ban kháng chiến hành chính huyện đã vận động nhân dân, nhân viên các cơ quan, các đơn vị bộ đội đóng trên địa bàn huyện tích cực tham gia phong trào thi đua sản xuất. Chưa kể số diện tích do các cơ quan, đơn vị bộ đội tự túc gieo trồng, riêng bà con nông dân huyện Định Hoá đã cấy được 11.901 mẫu lúa, trên 2000 mẫu hoa mầu. Kết quả sau một năm thi đua “Toàn dân canh tác”, nhân dân trong huyện đã thu được 5.668 tấn thóc và hơn 476 tấn màu.
Từ năm 1952 đến năm 1954, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá tiếp tục tham gia phong trào thi đua sản xuất rất sôi nổi. Hàng ngàn nông dân tích cực làm thủy lợi, đào mới và sửa chữa hệ thống mương phai chủ động nguồn nước cho sản xuất; cải tiến kĩ thuật; tổ chức chống hạn; khắc phục hậu quả lũ lụt. Nhờ đó mà diện tích gieo cấy trong toàn huyện được mở rộng.
Huyện Định Hoá có thế mạnh về chăn nuôi.Trong những năm kháng chiến chống Pháp, được sự giúp đỡ của tỉnh về giống, vốn, ngành chăn nuôi của huyện đã có bước phát triển khá. Nhờ đó, Định Hoá đã giải quyết vấn đề sức kéo cho nông nghiệp và cung cấp thực phẩm cho các cơ quan Trung ương. Cuối năm 1950, toàn huyện Định Hoá có trên 6.650 con trâu bò, 2.000
con dê và ngựa, 7.000 con lợn và 44.000 con gà, vịt… [24, tr.49]. Nhờ đó, nông dân đã đủ sức kéo, đủ nhu cầu thực phẩm và còn cung cấp mỗi năm hàng trăm tấn thực phẩm cho các cơ quan Trung ương và quân đội đóng trên địa bàn.
Chính quyền và đoàn thể các cấp trong huyện còn tích cực vận động nhân dân khai thác lâm, thổ sản để trao đổi hàng hoá hoặc bán cho mậu dịch quốc doanh. Năm 1953, giá trị lâm sản thu được là 1.694.000 đồng. Tuy chưa phải là lớn, nhưng kết quả này vừa tăng thu nhập cho nhân dân, vừa góp phần bổ sung ngân sách cho huyện.
Trong khi tiến hành lãnh đạo nhân dân khôi phục và phát triển kinh tế, các cấp Đảng bộ và chính quyền trong huyện đã tích cực vận động đồng bào các dân tộc Dao và Cao Lan - Sán Chí bỏ cuộc sống du canh, du cư xuống định canh, định cư ở vùng thấp làm ruộng nước. Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến, hầu hết các gia đình vùng cao đã chuyển xuống vùng thấp định canh định cư, có ruộng cày cấy, đời sống từng bước được cải thiện. Đây là một thành công lớn của Đảng bộ, chính quyền các cấp huyện Định Hoá trong việc tổ chức, lãnh đạo đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối xây dựng, phát triển kinh tế, văn hoá và chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ.
Quán triệt đường lối “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc” của Đảng, với trách nhiệm là huyện được Trung ương chọn là ATK, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc Định Hoá tập trung mọi cố gắng vào việc phát triển sản xuất. Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp và một số ngành công nghiệp, tuy mới là bước đầu, nhưng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại của ATK Trung ương.
2.1.3. Đẩy mạnh công tác văn hoá - giáo dục, y tế
Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, các cấp Đảng bộ và chính quyền Định Hoá đã chú trọng phát triển văn hoá, giáo dục, y tế.
Công tác tuyên truyền, văn hoá, văn nghệ được đẩy mạnh. Từ những ngày đầu cuộc kháng chiến, công tác văn hoá ở Định Hoá chủ yếu nhằm vào các nội dung là bài trừ mê tín dị đoan, xoá bỏ tệ ma to, cưới lớn và các tập tục lạc hậu khác, thực hiện nếp sống mới, nam nữ bình quyền. Thời gian sau, theo chủ trương của cấp trên, công tác văn hoá có thêm nội dung xây dựng xã kiểu mẫu. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc xây dựng ATK.
Được sự giúp đỡ, hướng dẫn trực tiếp của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn huyện, phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, thực hiện nếp sống mới ở Định Hoá diễn ra rất sôi nổi. Những bài ca cách mạng, những bài hát truyền thống được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi. Các buổi liên hoan văn nghệ, các buổi biểu diễn lưu động của các đoàn văn công, các buổi chiếu bóng có tác dụng rất lớn trong việc xây dựng nếp sống văn hoá mới và cổ vũ đồng bào các dân tộc Định Hoá hăng hái tham gia kháng chiến.
Công tác thông tin tuyên truyền ở Định Hoá trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng được chú trọng. Hầu hết các xã trong toàn huyện đã thành lập được Ban Thông tin từ cuối năm 1946. Đến năm 1950, huyện đã có 7 nhà thông tin, 70 chòi phát thanh [24, tr.67]. Ngoài ra còn làm báo địa phương, báo tường, các bản tin của xóm… đã kịp thời thông báo tin tức của xã của huyện, của tỉnh, của đất nước, tình hình thời sự quốc tế và tin chiến thắng của quân, dân ta trên các chiến trường. Thông qua các hình thức tuyên truyền phong phú đó, nhân dân trong huyện hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng và những nhiệm vụ cụ thể của địa phương mình.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ngành giáo dục phổ thông Định Hoá gặp nhiều khó khăn vì thiếu giáo viên và cơ sở vật chất nghèo nàn, trường lớp bị tàn phá trong cuộc tấn công của địch lên Việt Bắc năm 1947. Sau chiến thắng Việt Bắc Thu - Đông 1947, hoạt động của ngành giáo dục trong ATK nói chung và huyện Định Hoá nói riêng dần dần được ổn
định. Phong trào bình dân học vụ, tất cả các xóm bản, thu hút cả đồng bào Dao. Từ sau ngày Cách mạng thành công đến năm 1950, toàn huyện đã có gần 50% số dân thoát nạn mù chữ [24, tr.59].
Nhằm củng cố và mở rộng phong trào bình dân học vụ và bổ túc văn hoá, được sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn Định Hoá, huyện đã mở các lớp bồi dưỡng văn hoá, chuyên môn cho giáo viên và cử nhiều giáo viên theo học các lớp bồi dưỡng do tỉnh tổ chức. Nhờ đó, đến năm 1954, đội ngũ giáo viên bổ túc văn hoá và bình dân học vụ ở huyện vẫn được duy trì khá đông đảo. Số người thoát nạn mù chữ ngày càng tăng. Số người theo học bình dân học vụ và bổ túc văn hoá ngày càng nhiều. Có nhiều xã cơ bản thanh toán xong nạn mù chữ ngay từ đầu năm 1954.
Đối với giáo dục phổ thông, chủ trương của Đảng thực hiện nền giáo dục dân chủ nhân dân, từ bậc tiểu học trở lên thuộc hệ thống Quốc gia giáo dục, có sự bảo trợ của nhân dân; các trường tư chuyển thành trường công; nội dung giáo dục thống nhất ở bậc tiểu học.
Từ năm học 1948 - 1949, Định Hoá đã thực hiện có kết quả chủ trương trên. Công tác bồi dưỡng, đào tạo giáo viên được chú ý. Trên cơ sở đội ngũ giáo viên được bổ sung, từ năm học 1949 - 1950, huyện đã có điều kiện để mở thêm trường tiểu học ở những xã trước đây chưa có, vì vậy năm học này số lượng học sinh tăng gần gấp đôi so với năm học trước.
Năm 1950, huyện Định Hoá đã triển khai công cuộc cải cách giáo dục nhằm mục đích dân chủ hoá và dân tộc hoá nhà trường để thiết thực phục vụ giai đoạn cách mạng trước mắt. Một hệ thống giáo dục phổ thông duy nhất 9 năm được xây dựng, chia thành 3 cấp: cấp 1: 4 năm, cấp 2 : 3 năm , cấp 3 :2 năm. Sách giáo khoa được biên soạn lại theo nội dung dân tộc, dân chủ và khoa học.
Để đảm bảo cho cuộc cải cách giáo dục đạt kết quả tốt, nhiều đợt học tập chính trị và nghiệp vụ được tổ chức cho giáo viên, giúp họ phân định được ranh giới giữa nhân dân, dân tộc với đế quốc và phong kiến. Thông qua đó, những cán bộ làm tốt công tác giáo dục thêm phấn khởi, tin tưởng, ra sức chỉnh đốn tổ chức, tác phong, cải tiến giảng dạy, biến nhà trường thành công cụ sắc bén của kháng chiến.
Nhờ có chủ trương cải cách giáo dục, chỉnh huấn cán bộ cũ, đào tạo cán bộ mới, thi đua giảng dạy, thi đua học tập mà “bộ mặt nhà trường trong kháng chiến đã thay đổi hẳn. Các trường vừa giảng dạy học tập, vừa tham gia sản xuất, tuyên truyền đánh giặc, đi dân công" [60, tr.207].
Các cấp bộ Đảng và chính quyền Định Hoá đã đề ra nhiều biện pháp cụ thể đối với từng cấp học, tăng cường bồi dưỡng trình độ chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, vận động giáo viên trong toàn huyện thực hiện phong trào “rèn cán, chỉnh cơ”, đẩy mạnh việc tu sửa và xây dựng trường, lớp… Nhờ đó giáo dục phổ thông của huyện đã có nhiều tiến bộ đáng kể. Đến cuối năm 1950, tất cả các xã trong huyện đều có trường cấp I với 80 lớp và 1330 học sinh; huyện đã có trường cấp II (năm đầu mới mở đến lớp 5, đến năm học 1953 - 1954 mở toàn cấp) [24, tr .63].
Công tác y tế, chăm lo sức khoẻ cho cán bộ và nhân dân cũng được chú ý. Mặc dù trong hoàn cảnh kháng chiến có nhiều khó khăn, thuốc chữa bệnh, phương tiện chữa bệnh và đội ngũ thầy thuốc đều thiếu, song mạng lưới cán bộ y tế được bố trí ở khắp các địa phương trong huyện. Đến năm 1947, cơ quan y tế huyện được thành lập và có phòng thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Từ năm 1948, các đội tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh đã xuống các cơ sở hướng dẫn nhân dân thực hiện ăn, ở vệ sinh, phòng ngừa bệnh tật. Năm 1949, cơ quan y tế huyện đã mở lớp đào tạo cán bộ hộ sinh và vệ sinh viên; tổ chức