Chính quyền kháng chiến cùng với cơ sở y tế các cấp trong huyện có nhiều cố gắng trong việc chăm lo sức khoẻ cho nhân dân. Thực hiện phương châm “phòng bệnh là chính”, cuộc vận động nếp sống vệ sinh với phong trào “ba sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) phát triển rộng khắp trong toàn huyện.
Việc chữa bệnh được chú trọng, khi bị bệnh, ốm đau, bà con đã biết dùng thuốc để chữa bệnh. Hiện tượng “cúng ma”, “cầu ma” giảm dần. Hệ thống y tế cơ sở được xây dựng cùng với đội ngũ cán bộ y tế ngày càng phát triển; ý thức phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày càng được nâng cao. Nhờ đó trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, trên địa bàn huyện Định Hoá không có bệnh dịch nào xẩy ra.
Cuộc vận động thực hiện đời sống mới được tiến hành sâu rộng trong nhân dân. Đảng bộ huyện lãnh đạo các đoàn thể quần chúng vận động đồng bào các dân tộc ra sức xoá bỏ các tệ nạn cờ bạc, nghiện hút, mê tín dị đoan… do hậu quả của chế độ cũ để lại. Tại các làng, xã, thôn, bản, cuộc sống mới lành mạnh được xây dựng và ngày càng phát triển. Phong trào văn hoá, văn nghệ, công tác thông tin tuyên truyền trong vùng ATK được chính quyền địa phương hết sức chú trọng, đem lại cho nhân dân đời sống tinh thần phong phú, sôi nổi và lành mạnh.
Chế độ dân chủ mới đã đem lại cho nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá các quyền tự do, dân chủ trên nhiều lĩnh vực, làm thay đổi hẳn bộ mặt xã hội của một huyện miền núi vốn bị coi là vùng “ma thiêng nước độc”, lạc hậu vào loại nhất nhì tỉnh Thái Nguyên dưới thời Pháp thuộc. Chính quyền dân chủ nhân dân ở Định Hoá thực sự là của dân, vì dân, khối đoàn kết dân tộc được ngày càng củng cố. Đó chính là những nhân tố quan trọng bảo đảm cho ATK Định Hoá - trung tâm thủ đô kháng chiến tồn tại vững chắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
3.3. AN TOÀN KHU ĐỊNH HOÁ LÀ MỘT TRONG NHỮNG NƠI XÁC LẬP CÁC MỐI QUAN HỆ NGOẠI GIAO
Trong giai đoạn từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1950, trước khi nhận được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam đã kiên cường chiến đấu trong vòng vây của chủ nghĩa đế quốc và đã giành được những thắng lợi quan trọng. Trước Chiến dịch Biên giới, Việt Nam đã vượt qua thời kỳ khó khăn nhất, đánh bại âm mưu chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của thực dân Pháp; công cuộc kháng chiến, kiến quốc từng bước phát triển toàn diện và vững chắc.
Cũng cần phải thấy rằng, trong bốn năm đầu toàn quốc kháng chiến (1946 - 1949) chúng ta ở một vị trí địa - chính trị cực kỳ bất lợi. Phía Bắc, Trung Hoa dân quốc do Quốc dân đảng kiểm soát. Đến năm 1946, Đảng cộng sản Trung Quốc đã có các vùng giải phóng rộng lớn nhưng đang phải chống lại cuộc tiến công trên qui mô toàn quốc của quân Tưởng. Ở phía Tây và Tây Nam, Chính phủ Hoàng gia của cả hai vương quốc Lào và Campuchia đều theo Pháp. Về phía đông là biển và ta cũng không thể kiểm soát được cảng nào trong số ba cảng lớn: Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Nẵng. Chúng ta hoàn toàn ở thế bị bao vây tứ phía, không liên lạc được với lực lượng hoà bình, dân chủ thế giới. Bên ngoài chỉ hiểu cuộc kháng chiến của ta do những tin Việt Nam thông tấn xã và Đài Tiếng nói Việt Nam phát bằng những phương tiện viễn thông cũ của Pháp để lại.
Do đó, phá vòng vây để mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè, nêu rõ lập trường chính nghĩa của nhân dân ta và tố cáo tội ác của thực dân Pháp là một vấn đề chiến lược về mặt quân sự, chính trị và ngoại giao.
Ngay từ những năm đầu kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã hết sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhằm sớm đưa cuộc kháng chiến của dân tộc thoát ra khỏi thế bị bao vây, phong toả.
Là trung tâm của ATK Trung ương trong căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc, tại ATK Định Hoá đã diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Xây Dựng Nền Kinh Tế Kháng Chiến Tự Cấp, Tự Túc
- Công Tác Bảo Vệ An Toàn Khu Định Hoá
- An Toàn Khu Định Hoá Là Một Bộ Phận Quan Trọng Nhất Trong Căn Cứ Địa Việt Bắc Nói Chung Và An Toàn Khu Trung Ương Nói Riêng
- Atk Định Hoá Khẳng Định Rõ Hơn Tầm Nhìn Chiến Lược Của Trung Ương Đảng Và Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
- An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 9
- An toàn khu định hoá trong căn cứ địa kháng chiến việt bắc - 10
Xem toàn bộ 87 trang tài liệu này.
Sau cuộc gặp gỡ, trao đổi với Pôn Muýt, đại diện Cao uỷ Pháp ở Đông Dương tại thị xã Thái Nguyên, từ ngày 20 - 5 - 1947, Hồ Chủ tịch đã đến ở và làm việc tại ATK Định Hoá.
Ngày 21 - 5 - 1947, tại ATK Định Hoá, Hồ Chủ tịch đã tuyên bố: “Chỉ cần Chính phủ Pháp công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam thì chiến sự sẽ chấm dứt tức khắc và tất cả các vấn đề khác sẽ giải quyết dễ dàng. Các quyền lợi kinh tế và văn hoá của Pháp ở Việt Nam sẽ được tôn trọng.”
Ngày 25 - 5 - 1947, Hồ Chủ tịch gửi thư đến nhân dân Pháp, thông báo cho họ biết về cuộc hội kiến với Pôn Muýt, chỉ ra rằng bọn quân phiệt thực dân Pháp mù quáng trước những thắng lợi tạm thời đã ngăn cản Việt Nam và Pháp gần gũi nhau, chúng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc chiến tranh tiếp diễn. Chúng “đã buộc chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng”. Người kêu gọi nhân dân Pháp “Hãy giúp chúng tôi cứu lấy tính mạng bao nhiêu thanh niên Pháp và Việt, cứu lấy tình thân thiện giữa hai dân tộc và cứu lấy khối liên hiệp Pháp” [43, tr.358-362].
Trong năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp phái viên của Chu Ân Lai, tại xã Phú Đình (Định Hoá) bàn về sự phối hợp chiến đấu giúp đỡ lẫn nhau giữa Quân đội cách mạng hai nước. Sau đó, vào tháng 4 - 1949, lãnh đạo phong trào du kích Quảng Tây (Trung Quốc) đề nghị Quân đội Việt Nam phối hợp chiến đấu, giúp đỡ quân Giải phóng
Trung Quốc đánh quân Tưởng để xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm liền với biên giới Đông - Bắc của nước ta.
Được sự đồng ý của Trung ương Đảng, ngày 23 - 4 - 1949, Bộ Tổng tư lệnh giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Liên khu I giúp Quân Giải phóng Trung Quốc xây dựng một khu giải phóng ở vùng Ung - Long - Khâm. Bộ chỉ huy chiến dịch được thành lập, lấy danh hiệu là Bộ Tư lệnh khu Thập Vạn Đại Sơn. Suốt năm tháng trời chiến đấu trên đất bạn, trong điều kiện vô cùng gian khổ, thiếu thốn, bộ đội Việt Nam đã cùng Quân Giải phóng và du kích khu Thập Vạn Đại Sơn tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng và củng cố vững chắc vùng căn cứ. Chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn kết thúc thắng lợi, bộ đội Việt Nam được lệnh rút về nước “Để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân địa phương về tinh thần quốc tế của một quân đội cách mạng” [30, tr.349].
Sau ngày cách mạng Trung Quốc thành công, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những chuyển biến thuận lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao và tuyên truyền quốc tế, nhằm làm cho nhân dân thế giới, trước hết là nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa hiểu rõ, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam toàn diện hơn.
Ngày 14 tháng 1 năm 1950, từ ATK, thay mặt Chính phủ kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi Chính phủ các nước trên thế giới. Bản Tuyên bố nêu rõ: “Trải qua mấy năm kháng chiến, nước Việt Nam từng được nhân dân toàn thế giới đồng tình ủng hộ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyên bố với Chính phủ các nước trên thế giới rằng: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ
quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”. [44, tr.334-335].
Đầu năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời ATK Định Hoá, lên đường đi thăm Trung Quốc và Liên Xô, hội đàm với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và Liên Xô. Tại Mátxcơva, Người còn gặp gỡ đại diện Đảng cộng sản Pháp và nhiều tổ chức quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới đối với cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến đi này đã tăng thêm sự hiểu biết của các nước anh em với Việt Nam, thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu tranh thủ sự chi viện quốc tế, tạo thêm thuận lợi cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Từ đó, cuộc kháng chiến của nhân dân ta tiếp nhận được sự chi viện ngày càng lớn của lực lượng cách mạng thế giới, nhất là của nhân dân Trung Quốc.
Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã cử một số cố vấn sang Việt Nam, thường xuyên làm việc tại ATK, giúp đỡ Chính phủ ta về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính.
Sau chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc và Liên Xô, tháng 4 - 1950, tại ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp đồng chí Lêôphighe, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn Thanh niên Cộng sản Pháp sang thăm Việt Nam để tìm hiểu cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Trong cuộc tiếp xúc với đồng chí Lêôphighe, Hồ Chủ tịch đã tỏ rõ lời hoan nghênh phong trào phản đối chiến tranh ở Việt Nam của nhân dân Pháp.
Được trực tiếp trao đổi với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Định Hoá và hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam, khi trở về Pháp, đồng chí Lêôphighe đã viết cuốn: “Tôi từ Việt Nam tự do về”. Cuốn sách đã làm cho nhân dân Pháp hiểu rõ thêm về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và tăng thêm sự đồng tình, ủng hộ với Việt Nam. Đó là sự cống hiến quý báu vào việc tuyên truyền quốc tế, giành sự hiểu biết và đồng tình ủng hộ của các lực lượng hoà bình thế giới đối với cuộc kháng chiến của ta.
Từ sau khi đồng chí Lêôphighe sang thăm Việt Nam và sau khi các đoàn thể dân chủ Pháp tuyên bố ý định đứng ra làm trung gian giải quyết hoà bình cuộc chiến tranh Pháp - Việt, ta đã tăng cường phối hợp đấu tranh mạnh hơn giữa chiến trường Việt Nam và dư luận Pháp.
Mùa hè năm 1950, tại nơi ở và làm việc trong ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cố vấn công an Trung Quốc được cử sang giúp đỡ và trao đổi kinh nghiệm với công an Việt Nam về công tác bảo vệ căn cứ địa, bảo vệ An toàn khu, bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ. Sau đó, Người còn tiếp đại diện các đoàn cố vấn Trung Quốc, đặc biệt là đoàn cố vấn quân sự sang giúp cách mạng Việt Nam theo đề nghị của Hồ Chủ tịch trong chuyến thăm Trung Quốc đầu năm 1950.
Tháng 6 - 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đón tiếp Chủ tịch Xu - va- nu - vông tại ATK Định Hoá, tăng cường tình đoàn kết và phối hợp chiến đấu chống kẻ thù chung giữa nhân dân Việt Nam, Lào nói riêng và nhân dân ba nước Đông Dương nói chung.
Cũng từ ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí của Người đã viết nhiều bài báo gửi đăng trên các tạp chí nước ngoài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng Ấn Độ và Pakixtan tuyên bố độc lập; gửi điện tỏ
rõ sự đồng tình và ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Inđônêxia; điện trả lời Chi bộ Đảng Xã hội Pháp ở Sài Gòn và báo Mỹ International News service về những vấn đề liên quan đến Việt Nam.
Trong thời gian ở ATK Định Hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đoàn
điện ảnh Liên Xô và nhà đạo diễn nổi tiếng Cácmen, nhiều nhà ngoại giao, nhà báo quốc tế và bày tỏ khát vọng hoà bình, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam. Qua đó, báo chí và dư luận các nước ngày càng quan tâm ủng hộ mạnh mẽ cuộc kháng chiến của ta, tố cáo sự xâm lược và gây chiến của các đế quốc Pháp, Mỹ.
Những hoạt động ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng và Chính phủ tại ATK Định Hoá - Trung tâm thủ đô kháng chiến trong căn cứ địa Việt Bắc đã làm cho nhân dân thế giới ngày càng hiểu rõ sự nghiệp kháng chiến chính nghĩa của nhân dân ta; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ về tinh thần ,vật chất cho cuộc kháng chiến, nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
3.4. ATK ĐỊNH HOÁ LÀM TRÕN VAI TRÕ HẬU PHƯƠNG KHÁNG CHIẾN.
Là một địa phương nằm ở trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, nhân dân các dân tộc Định Hoá luôn ý thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình đối với sự nghiệp kháng chiến của dân tộc.
Ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, đồng bào các dân tộc Định Hoá giàu truyền thống cách mạng đã không tiếc công, của, đóng góp hàng chục vạn ngày công, hàng triệu cây tre, nứa, lá, gỗ… để xây dựng nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương, xây dựng kho tàng… Khi chưa kịp xây dựng lán trại, đồng bào Định Hoá sẵn sàng nhường nhà của mình làm trụ sở cơ quan, nơi ở cho cán bộ hoặc làm kho của Nhà nước trong suốt thời kỳ kháng chiến. Nhà cụ Vi, cụ Học (xã Bình Thành), nhà bà Phùng Thị Vân, nhà
ông Nông Đình Lập (xã Điềm Mặc) đã vinh dự được đón các đồng chí lãnh đạo về ở và làm việc, cơ quan Trung ương Đảng làm trụ sở. Tại xã Điềm Mặc, nhà ông Ma Đình Tương đã được đón Hồ Chủ tịch khi Người từ làng Xảo (xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) sang ATK Định Hoá; nhà ông Nông Đình Lăng ở bản Bắc là nơi ở của đồng chí Tôn Đức Thắng; nhà ông Ma Khánh Bình là nơi đóng cơ quan Tổng bộ Việt Minh…
Là một huyện miền núi, kinh tế còn nhiều khó khăn, lại thường xuyên bị thiên tai tàn phá, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Định Hoá đã có nhiều biện pháp tích cực tăng gia sản xuất để không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế, cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ các cơ quan đầu não kháng chiến và các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện.
Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, địch chiếm đóng một số cứ điểm dọc Đường số 3. Nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm ở các tỉnh miền xuôi bị địch phong toả, đường bộ bị phá hoại, đường sông bị máy bay địch săn đuổi thuyền bè chở gạo, muối lên Thái Nguyên rất khó khăn, giá cả thị trường tăng vọt. Tình trạng khan hiếm lương thực ở thị trường đã đẩy cán bộ, công nhân, bộ đội ở ATK Định Hoá vào hoàn cảnh thiếu ăn.
Để khắc phục tình trạng trên, Huyện uỷ Định Hoá đã kịp thời đề ra nhiều biện pháp huy động cấp tốc lương thực, thực phẩm cung cấp cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ và quân đội đóng tại ATK Định Hoá. Mặc dù phải trải qua cuộc chiến đấu ác liệt những ngày cuối năm 1947, mùa màng bị tàn phá trong những trận càn quét của quân Pháp, nhưng nhờ thực hiện “vườn không nhà trống”, cất giấu lương thực tốt, nên ngay sau khi phong trào “Toàn dân đóng góp lương thực, thực phẩm” được phát động, nhân dân toàn huyện đã tích cực hưởng ứng. Ngoài việc đóng thóc công lương, điền thổ, các đoàn thể Cứu quốc còn có sáng kiến lập “Hũ gạo nuôi quân”. Nhờ đó, số thóc huy
động trong nửa đầu năm 1948 được hàng trăm tấn, góp phần giải quyết khó khăn về lương thực đối với các cơ quan Trung ương, Chính phủ và quân đội ở Định Hoá.
Năm 1949, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Bán thóc khao quân”, nhân dân Định Hoá đã bán cho Nhà nước 63 tấn thóc. Năm 1950, quán triệt Chị thị “Hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng phản công”, Định Hoá đã đóng góp cho kháng chiến gần 570 tấn thóc, trong đó có 72 tấn thóc khao quân.
Phong trào “Nhân dân đỡ đầu địa phương quân” do Chính phủ phát động được nhân dân Định Hoá hăng hái tham gia. Nhiều bà mẹ nhận nuôi đỡ đầu vợ, con cán bộ. Nhiều gia đình năm nào cũng đón bộ đội, cán bộ về ăn tết. Nhiều nơi, bà con ủng hộ bộ đội ruộng đất, nông cụ, trâu bò để tăng gia tự túc lúa gạo. Nhân dân còn góp tiền để bộ đội mua sắm trang bị, vũ khí. Kết quả của phong trào này, toàn huyện đã ủng hộ bộ đội địa phương 52 mẫu ruộng, hai con trâu và 380.000 đồng.
Bước sang năm 1954, hướng về Chiến dịch Điện Biên Phủ với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, “Tất cả cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”, nhân dân các dân tộc huyện Định Hoá đóng góp hàng trăm tấn thóc gạo, hàng chục tấn thịt, góp phần giúp bộ đội ngoài mặt trận ăn no đánh thắng quân thù.
Bên cạnh việc đóng góp của cải cho kháng chiến, nhân dân huyện Định Hoá còn tích cực tham gia các đợt làm đường, sửa đường; các đợt đi dân công phục vụ tiền tuyến, sửa chữa, xây dựng nhà ở, cơ quan, kho tàng tại ATK.
Sau Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, nhiều nhà ở, lán trại của các cơ quan Trung ương, đơn vị quân đội bị hư hỏng, nhu cầu cho kháng chiến ngày một lớn, các cơ quan được mở rộng, tăng thêm nhân viên, thêm phương
tiện làm việc, nhiều cơ quan mới được thành lập, nhiều kho tàng cần được xây dựng, do đó cần phải có một số lượng lớn dân công. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tuyệt đối bí mật nơi cơ quan đầu não kháng chiến, không thể huy động dân công ở nơi khác đến. Dân công của 9 xã Sơn Phú, Phú Đình, Bình Thành, Điềm Mặc, Thanh Định, Đồng Thịnh, Bình Yên, Định Biên, Bảo Linh (huyện Định Hoá) đã được huy động và đảm đương nhiệm vụ trên.
Nhằm khôi phục mạng lưới giao thông sau đợt tấn công, càn quét của quân Pháp vào Định Hoá cuối năm 1947, ngay từ đầu năm 1948, Huyện uỷ Định Hoá đã phát động toàn dân tham gia sửa chữa cầu, đường. Đông đảo cán bộ, nhân dân xung phong ra mặt trận, đào đắp hàng nghìn mét khối đất, đá, khai thác và vận chuyển hàng chục mét khối gỗ, hoàn thành việc sửa chữa toàn bộ các tuyến đường nội hạt để phục vụ vận chuyển nội bộ ATK, bao gồm 20 km đường Chợ Chu - Km 31 Quốc lộ 3, 18 km đường Quán Vuông - Phú Minh; sửa chữa và làm thêm 11 cầu, cống. Nhân dân địa phương cũng làm mới 2 km đường rải đá từ thị trấn Chợ Chu đi nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ, không kể hàng chục km đường nhánh.
Năm 1948, toàn huyện đã huy động hàng vạn ngày công phục vụ ATK và sửa chữa cầu, đường. Riêng năm 1950, thực hiện “Chuẩn bị chuyển mạnh sang Tổng phản công”, Định Hoá đã đóng góp 22.000 lượt người cho chiến dịch cầu, đường và đã thành lập 18 tổ gồm 200 người ở 9 xã có đường giao thông chính đi qua, sẵn sàng ứng cứu cầu, đường do địch đánh phá hoặc lũ lụt làm hư hỏng. Những tổ này đã tồn tại và hoạt động cho đến tháng 7 - 1954.
Sự đóng góp của nhân dân Định Hoá trong việc khôi phục mạng lưới giao thông đã bảo đảm được yêu cầu vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hoá vào ATK và vận tải vũ khí, trang bị, lương thực, thực phẩm từ hậu phương ra tiền tuyến.
Ngày 6 - 12 - 1953, tại ATK Định Hoá, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ toạ của Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ tịch “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế", toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tập trung hoàn thành cho kỳ được. Cả nước dồn ra mặt trận. Huyện uỷ Định Hoá động viên toàn dân ra tiền tuyến. Ngoài 5.951 lượt dân công phục vụ tại ATK, đầu năm 1954, huyện còn huy động một lực lượng lớn, thành lập nhiều đoàn dân công hoả tuyến tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng kết chiến dịch, đoàn dân công hoả tuyến của huyện được Hội đồng Cung cấp Trung ương tặng cờ danh dự, được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Là hậu phương của cuộc kháng chiến, Định Hoá đã tích cực tổ chức xây dựng lực lượng dân quân, du kích, bộ đội địa phương phối hợp cùng bộ đội chủ lực chiến đấu bảo vệ quê hương, đồng thời chi viện sức người cho các mặt trận. Toàn huyện đã có 3000 thanh niên tham gia các đơn vị chủ lực của Bộ, của Liên khu. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, huyện Định Hoá có 675 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu.
Đặc biệt, Định Hoá với nhiều loại địa hình, lại là vùng hậu phương an toàn, có khả năng huy động sức người, sức của, đã là nơi diễn ra nhiều cuộc luyện quân, nhiều lần diễn tập của các binh đoàn chủ lực trước ngày xuất phát, đi tới những trận đánh lớn trong Đông xuân 1953 - 1954.
Những đóng góp của quân và dân Định Hoá trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp so với cả nước tuy còn nhỏ bé, nhưng trong điều kiện của một huyện miền núi, dân cư thưa thớt, kinh tế tự cấp tự túc thì mới thấy được những đóng góp, hy sinh đó quả là to lớn cả về sức người, sức của, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của toàn dân tộc.
Tóm lại, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Việt Bắc là căn cứ địa của cả nước. Tại đây, một số huyện thuộc các tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang được chọn làm nơi đặt các cơ quan đầu não để lãnh đạo sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trong cả nước, trở thành An toàn khu (ATK) của Trung ương. Với đầy đủ các yếu tố địa lợi và nhân hoà, được các cơ quan tuyệt mật đặt bản doanh, Định Hoá đã trở thành bộ phận quan trọng nhất trong ATK Trung ương. Chính tại nơi đây, nhiều quyết sách quan trọng của Trung ương được phát đi trong cả nước, soi sáng cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi. ATK Định Hoá chính là trung tâm của Thủ đô kháng chiến trong căn cứ địa Việt Bắc.