còn là cơ sở để phân loại án, là căn cứ cho việc thống kê số án tồn đọng. Vì vậy, việc xác minh điều kiện THADS có các ý nghĩa sau đây:
Thứ nhất, giúp cho việc phân loại án được chính xác, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THADS, giảm bớt áp lực đối với cơ quan THADS. Trong THADS thì án dân sự được phân làm hai loại là án dân sự có điều kiện thi hành và án dân sự chưa có điều kiện thi hành. Căn cứ để phân loại án dân sự có điều kiện thi hành và án dân sự chưa có điều kiện thi hành dựa trên điều kiện THADS. Vì vậy, xác minh điều kiện THADS là thủ tục quan trọng, cần thiết để xác định xem việc THADS đó có điều kiện thi hành hay chưa có điều kiện thi hành. Nếu xác minh điều kiện THADS được thực hiện đầy đủ và đúng quy định của pháp luật thì việc phân loại việc THADS (có điều kiện thi hành và chưa có điều kiện thi hành) sẽ chính xác, từ đó cơ quan THADS sẽ tập trung thời gian, nhân lực, chi phí cho việc thi hành những việc THADS có điều kiện thi hành và không phải mất thời gian, công sức vào những việc THADS chưa có điều kiện thi hành.
Thứ hai, góp phần bảo đảm quyền của người được THA. Trong các giao dịch dân sự, các bên thực hiện trên nguyên tắc tự do, tự nguyện, cam kết, thỏa thuận và được pháp luật bảo vệ. Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận. Mọi cam kết, thoả thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng” [77, khoản 2 Điều 3]. Pháp luật bảo vệ các giao dịch dân sự bằng cơ chế tài phán: Khi một trong các bên không tôn trọng, không thực hiện các cam kết, thỏa thuận thì tranh chấp phát sinh và các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Do các giao dịch dân sự được xác lập trên nguyên tắc tự nguyện, các bên tự thỏa thuận và tự giao kết giao dịch với nhau nên để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp thì các bên có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình (khác với vụ án hình sự). Người được THA có được THA hay không phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện THA của người phải THA. Do vậy, việc quy định người được THA có nhiệm vụ xác minh điều kiện THA của người phải THA cũng là một hình thức để bảo đảm quyền, lợi ích của người được THA.
Thứ ba, xác minh điều kiện THADS còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc THA. Căn cứ vào kết quả xác minh điều kiện THA, CHV sẽ tiến hành các công việc tiếp theo như áp dụng biện pháp bảo đảm THA, áp dụng
biện pháp cưỡng chế THA… Nếu người phải THA không tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án thì sau khi người được THA hoặc CHV tiến hành xác minh điều kiện THA thì họ sẽ có thể bị áp dụng biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA và họ chắc chắn phải chịu những chi phí phát sinh không đáng có. Do vậy, việc quy định về xác minh điều kiện THA góp phần nâng cao ý thức của người dân nói chung và ý thức của người phải THA nói riêng trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Thứ tư, xác minh điều kiện THADS góp phần bảo đảm hiệu lực các bản án, quyết định của Toà án. Thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng nhằm bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Với tầm quan trọng như vậy, THADS có mục đích và nhiệm vụ làm cho các quyết định của Tòa án trong các bản án, quyết định trở thành hiện thực trên thực tế. Tuy vậy, điều này lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực tế người phải THA có tài sản, thu nhập để THA hay không? Nói cách khác là người phải THA có điều kiện THA hay không? Vì vậy, trước khi tổ chức THA cần phải làm rò người phải THA có điều kiện THA hay không, tức là phải xác minh điều kiện THA của người phải THA. Chính vì vậy, việc pháp luật THADS quy định xác minh điều kiện THA là để bảo đảm việc tổ chức thi hành có hiệu quả các bản án, quyết định của Tòa án và bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Tóm lại, việc xác minh điều kiện THADS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả giải quyết việc THA, vì vậy, xây dựng các quy định pháp luật để đảm bảo hoạt động xác minh hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động THADS.
2.3. Nội dung điều chỉnh pháp luật về xác minh điều kiện thi hành án dân sự
2.3.1. Chủ thể xác minh điều kiện thi hành án dân sự
Chủ thể xác minh là người được pháp luật giao nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện việc tìm kiếm, thu thập tài sản, thu nhập, các điều kiện THA khác của người phải THA. Giữa các quốc gia trên thế giới không có sự thống nhất trong quy định pháp luật về chủ thể xác minh điều kiện THADS. Tuỳ thuộc vào mô hình tổ chức THADS mà pháp luật của quốc gia đó giao cho chủ thể có quyền xác minh điều kiện THADS. Hiện nay trên thế giới, các chủ thể có quyền xác minh là thẩm phán,
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Nghiên Cứu Về Thực Trạng Pháp Luật Về Xác Minh Điều Kiện Thi Hành Án
- Những Vấn Đề Cần Được Tiếp Tục Nghiên Cứu Trong Luận Án
- Đặc Điểm Xác Minh Điều Kiện Thi Hành Án Dân Sự
- Phương Thức Xác Minh Qua Tuyên Bố Của Người Phải Thi Hành
- Xác Minh Thu Nhập, Tài Sản Của Người Phải Thi Hành Án
- Trình Độ Chuyên Môn, Đạo Đức Của Chấp Hành Viên, Thừa Phát Lại, Thẩm Phán, Cán Bộ Toà Án
Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.
CHV, TPL và người được THA. Mỗi chủ thể có quyền hạn và giới hạn khác nhau trong xác minh điều kiện THADS.
2.3.1.1. Thẩm phán thi hành án hoặc nhân viên thi hành án thuộc toà án
Đây là loại chủ thể thuộc hệ thống tổ chức THA định hướng toà án (Court- oriented Systems). Nghĩa là tổ chức THADS là một bộ phận nằm trong toà án, trách nhiệm THADS thuộc về thẩm phán THA hoặc nhân viên THA thuộc toà án. Hệ thống định hướng của tòa án được tìm thấy ở Áo, Tây Ban Nha và cả ở Đan Mạch. Ở Áo, các tòa án địa phương tại nơi cư trú của người phải THA phải chịu trách nhiệm về các thủ tục THA, được thực hiện bởi nhân viên tòa án trong một thủ tục hoàn toàn riêng biệt. Ở Tây Ban Nha thẩm phán nào đã đưa ra phán quyết thì chịu trách nhiệm đối với việc thực thi bản án đó. Theo đó, thẩm quyền của tòa án Tây Ban Nha không được xác định bởi nơi cư trú hoặc nơi có tài sản của người phải THA mà thuộc về người đứng đầu toà án thẩm quyền chung. Do đó, hệ thống THA ở Tây Ban Nha dựa trên sự hợp tác tư pháp giữa các tòa án khác nhau. Ở Tây Ban Nha, thẩm phán chịu trách nhiệm chính cho việc thi hành các bản án [107, pg.46- 47]. Theo quy định của pháp luật Tây Ban Nha thì Toà án có thể tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan thuế khi tiến hành xác minh địa chỉ, tài sản của người phải THA [106, pg.24]. Hệ thống THA định hướng Toà án cũng tồn tại ở Italia [104, pg.6]. Theo quy định của pháp luật Italia thì người có thẩm quyền tổ chức THA là công chức, trợ lý của thẩm phán, hoạt động dưới sự giám sát của Chánh án toà án nơi người đó công tác. Khi xác minh tài sản, cán bộ toà án được quyền truy cập dữ liệu qua sổ đăng ký thuế và các dữ liệu công cộng khác để khám phá sự tồn tại của các tài sản của người phải THA. Ngoài ra, trong trường hợp người phải THA là một doanh nhân thương mại, điều khoản quy định nêu rò rằng việc xác minh tài sản có thể được mở rộng bằng việc kiểm tra tài khoản doanh nghiệp [103, pg.452]. Ở Trung Quốc, Toà án có trách nhiệm tìm kiếm và xử lý tài sản. Người được THA có thể nộp đơn lên Toà án để THA ngay cả khi họ không thể cung cấp bất kỳ manh mối tài sản nào. Trung Quốc có hệ thống điều tra và kiểm soát trực tuyến. Hệ thống này giúp toà án có thể nhanh chóng tìm ra và kiểm soát kịp thời các tài sản khác nhau bao gồm bất động sản, tiền gửi, tàu, xe, chứng khoán… sau khi họ tham gia thủ tục THA [103, tr.572].
Như vậy, pháp luật của các nước theo mô hình tổ chức THA định hướng toà án đã trao quyền xác minh điều kiện THADS cho thẩm phán THA hoặc nhân viên
THA thuộc toà án, là các công chức nhà nước, đồng thời, cũng được trang bị các quyền để có thể thực hiện việc xác minh điều kiện THADS hiệu quả như tìm kiếm sự giúp đỡ của cơ quan thuế, được quyền truy cập dữ liệu qua sổ đăng ký thuế và các dữ liệu công cộng… Điều này phù hợp với bản chất của hoạt động xác minh là luôn cần sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nắm giữ thông tin về tài sản của người phải THA.
2.3.1.2. Chấp hành viên
Đây là chủ thể thuộc mô hình tổ chức THA thuộc hệ thống hành chính. Ở châu Âu, mô hình này được tổ chức ở Thụy Điển, Phần Lan và một số quốc gia ở Liên Xô cũ và Đông Âu [104, tr.6-7]. Ở những nước này, việc THA được thực hiện bởi một cơ quan hành chính hoạt động hoàn toàn bên ngoài tòa án. Cơ quan THA Thụy Điển được tổ chức như một cơ quan hành chính (dưới sự giám sát của Bộ Tài chính) và chia thành 10 cơ quan khu vực mà chính họ được phân chia giữa 84 văn phòng [107, tr.46-47]. Theo pháp luật Thuỵ Điển, cơ quan THA có thể liên hệ với cơ quan đăng ký thuế để tìm ra địa chỉ và tình hình tài chính của người phải THA [106, tr.23].
Ở Nga, CHV là công chức thuộc Cục THA liên bang Nga do Bộ Tư pháp quản lý. Pháp luật Nga trao cho CHV quyền lực lớn, đăng nhập vào thông tin bí mật, bao gồm cả hệ thống thông tin cá nhân của công dân [103, pg.345]. Một trong những nhiệm vụ được giao cho Cục THADS liên bang Nga là truy tìm người phải THA và tài sản của họ. Để thực thi các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Cục THADS liên bang Nga có quyền yêu cầu các cơ quan quyền lực nhà nước Liên bang, các cơ quan quyền lực nhà nước của các chủ thể thuộc liên bang Nga, các cơ quan tự quản địa phương và các tổ chức bất kể có hình thức tổ chức về pháp lý như thế nào cung cấp chứng từ, tài liệu, hồ sơ cần thiết khác để giúp quyết định các vấn đề thuộc lĩnh vực hoạt động của mình [43].
Ở Việt Nam, CHV cũng là người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm, hoạt động dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Pháp luật Việt Nam giao cho CHV nhiệm vụ xác minh điều kiện THADS. Đồng thời, để thực hiện nhiệm vụ này, pháp luật cho phép CHV được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải THA [70, khoản 4 Điều 20]. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện THADS của người phải THA thì phải chịu trách nhiệm
trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường [75, khoản 7 Điều 44].
Tương tự như mô hình tổ chức THA định hướng toà án, việc giao cho CHV quyền xác minh cũng đảm bảo nguyên lý là việc tổ chức THA phải thuộc về cơ quan công quyền. Đồng thời, CHV cũng được quyền yêu cầu sự phối hợp của cơ quan đăng ký thuế, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác hoặc được đăng nhập vào hệ thống thông tin.
2.3.1.3. Thừa phát lại
Đây là chủ thể thuộc mô hình tổ chức THA tư nhân và bán tư nhân. Ở châu Âu, mô hình này được xây dựng ở các quốc gia như Pháp, Benelux và Scotland (cũng như ở nhiều nước Đông Âu và ở Bồ Đào Nha). Ở các quốc gia này, việc THA được thực hiện bởi các TPL đóng vai trò là những người do Nhà nước chỉ định, nhưng ngoài hệ thống tòa án. TPL được trả thù lao chủ yếu từ lệ phí. Ở Pháp, TPL cũng được tổ chức như các viên chức nhà nước hoạt động bên ngoài tòa án. Can thiệp tư pháp (và sự giúp đỡ) có thể nhận được bởi “thẩm phán THA”. Trong các khu vực pháp lý này, địa vị xã hội (và kinh tế) của TPL là rất cao [107, pg.46]. Xu hướng tư nhân hoá tất cả hoặc một phần của các dịch vụ THA có thể được tiến hành trên khắp châu Âu. Một số ví dụ bao gồm Estonia, Bỉ và Montenegro. Tuy nhiên, có rất ít hệ thống THA tư nhân hoàn toàn. Hầu hết là bán tư nhân và được xác định chủ yếu bởi trách nhiệm THA thuộc về các TPL độc lập, hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, chịu một số hình thức kiểm soát và quy định của nhà nước [104, tr.7].
Tại Pháp, văn phòng TPL có quyền nhận được các thông tin cần thiết nhưng sự hợp tác giữa chính quyền địa phương và trung ương và các văn phòng TPL không phải lúc nào cũng hiệu quả. TPL được quyền tìm kiếm sự giúp đỡ của phòng công tố. Hiện nay, pháp luật đang thực hiện cho phép TPL được liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế khi tìm kiếm địa chỉ và tài khoản ngân hàng của người phải THA [106, tr.23].
Tại Bulgaria, việc tổ chức THA được thực hiện theo mô hình hỗn hợp, nghĩa là có sự tồn tại song song của THA tư nhân và THA nhà nước. Vì vậy, pháp luật nước này cũng giao nhiệm vụ xác minh cho hai chủ thể là CHV (thuộc hệ thống THA nhà nước) và TPL (thuộc hệ thống THA tư nhân). Tuy nhiên, trong quy định của pháp luật thì thẩm quyền THA của TPL rộng hơn của CHV, do đó, việc theo đuổi người phải THA và tài sản của họ sẽ hiệu quả hơn [103, tr.419].
Theo kết quả so sánh về hệ thống THA nhà nước và THA tư nhân dựa trên kết quả của bảng câu hỏi do Hiệp hội quốc tế các chức danh tư pháp (UIHJ) đặt ra thì theo quan điểm thị trường một nhân viên THA tư nhân phải kiếm đủ lợi nhuận để có một cuộc sống thoải mái. Nhu cầu tạo ra lợi nhuận và cạnh tranh có thể dẫn đến một hệ thống mà con nợ không còn được coi là con người mà là "quả chanh bị vắt rồi vứt đi". Luật thị trường có thể là một thực tế tàn khốc [103, pg.354].
Đây là một trong các lý do mà nhiều quốc gia, trong tiến trình cải cách hệ thống THADS, băn khoăn về việc có xây dựng hệ thống THA tư nhân không. Tuy nhiên, nếu xét dưới khía cạnh của hoạt động xác minh điều kiện THADS cũng như trách nhiệm của người được THA trong quan hệ pháp luật tư và sự quá tải của hệ thống THA nhà nước thì việc xã hội hoá một số công đoạn ít có tác động đến các quyền cơ bản của con người như xác minh điều kiện THADS là có thể xem xét, cân nhắc.
2.3.1.4. Người được thi hành án
Loại chủ thể xác minh này xuất hiện ở các nước thuộc truyền thống pháp luật common law như Mỹ, Anh, Canada.
Pháp luật của các quốc gia này giao quyền xác minh điều kiện THA cho người được THA với sự hỗ trợ có hiệu quả từ phía toà án và chế tài nghiêm khắc đối với hành vi không cung cấp thông tin về tài sản của người phải THA.
Ở Mỹ, do cách tiếp cận của pháp luật Mỹ là coi hoạt động xác minh điều kiện THADS tương tự như hoạt động thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự nên người được THA được quyền sử dụng các biện pháp thu thập chứng cứ theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự để xác minh tài sản của người phải THA, và cũng được hưởng các bảo đảm và sự hỗ trợ của toà án như đối với hoạt động thu thập chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự. Theo khoản 2 Quy tắc số 69 Bộ quy tắc tố tụng dân sự của liên bang do Toà án tối cao Hoa Kỳ ban hành, để hỗ trợ cho việc THA, người được THA hoặc người thế quyền của người đó có thể tiến hành các biện pháp thu thập chứng cứ (discovery) từ bất kỳ người nào, bao gồm cả người phải THA, theo các quy định về thu thập chứng cứ được quy định trong Bộ quy tắc tố tụng dân sự của liên bang hoặc theo thủ tục tố tụng của bang nơi có toà án đã ra bản án. Các biện pháp thu thập chứng cứ có thể là: yêu cầu cung cấp chứng cứ, tài liệu; thẩm vấn; buộc cung cấp thông tin; lấy lời khai người phải THA và các bên thứ ba nhằm xác minh tài sản của người phải THA [112, Rule 69(2)]. Nếu người phải THA không hợp tác, không có mặt tại phiên trình diện để kiểm tra thì người
được THA có thể yêu cầu thẩm phán ban hành một lệnh bắt và nộp lệ phí áp dụng lệnh này [95, Điều 708.110].
Pháp luật Anh cũng quy định một thủ tục tương tự như pháp luật Mỹ để giúp người được THA xác minh tài sản của người phải THA. Theo đó, người được THA có quyền nộp đơn yêu cầu toà án ban hành lệnh cung cấp thông tin. Thủ tục này cho phép người được THA buộc người phải THA phải trình diện trước toà để trả lời câu hỏi (có tuyên thệ) về tình hình tài chính và tài sản của mình, từ đó, giúp người được THA quyết định có nên tiếp tục theo đuổi quá trình THA không hay nên dừng lại, và nếu tiếp tục thì nên sử dụng biện pháp cưỡng chế THA nào [102].
Ở Canada, Luật mẫu về THADS năm 2005 của Uỷ ban nhất thể hoá pháp luật Canada (đang được các bang Canada xem xét thông qua) dành hẳn một phần (Phần 8) quy định chi tiết về thủ tục buộc cung cấp thông tin về THA (Obtaining Disclosure) với sự hỗ trợ của toà án. Uỷ ban nhất thể hoá pháp luật Canada nhấn mạnh rằng, một quy trình hiệu quả để buộc người phải THA cung cấp thông tin về tài sản của người đó là yếu tố then chốt để thi hành bản án, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người được THA. Điều 45 Luật mẫu về THADS quy định người được THA có 4 biện pháp để buộc người phải THA phải cung cấp thông tin về tài sản phục vụ cho việc THA: Một là, người được THA gửi văn bản kèm theo một bảng câu hỏi để trực tiếp yêu cầu người phải THA phải trả lời và gửi lại cho CHV, trong đó nêu rò các thông tin chi tiết về mọi tài sản mà người phải THA có lợi ích trên đó, thông tin chi tiết về mọi khoản nợ của người khác phải trả cho người phải THA, bất kỳ thông tin hợp lý nào khác mà người được THA muốn thu thập và có thể hỗ trợ cho người được THA trong việc thi hành bản án, quyết định. Hai là, người được gửi văn bản yêu cầu người phải THA trình diện trước CHV hoặc một người được CHV chỉ định để trả lời (có tuyên thệ) về bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến các tài sản nêu trên. Ba là, người được THA nộp đơn yêu cầu toà án ban hành lệnh buộc người phải THA hoặc người khác phải cung cấp cho toà án thông tin về các tài sản nêu trên, hoặc buộc người phải THA trình diện trước CHV hoặc người do toà án chỉ định để thực hiện kiểm tra, xác minh tài sản và trả lời các câu hỏi liên quan đến các tài sản nêu trên. “Người khác” nắm giữ thông tin về tài sản của người phải THA có thể là vợ/chồng của người phải THA, cán bộ ngân hàng, kế toán viên hoặc người môi giới… “Người khác” cũng có thể là các cơ quan đang nắm giữ thông tin về tài sản, thu nhập của người phải THA mà chỉ tiết lộ thông tin nếu được sự cho phép của
người phải THA. Bốn là, người được THA nộp đơn yêu cầu toà án ban hành một lệnh buộc người phải THA phải lập văn bản uỷ quyền cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin về tài sản của người phải THA cung cấp thông tin đó cho người được THA hoặc CHV. Luật mẫu cung quy định rò hậu quả pháp lý của việc không cung cấp thông tin khi được yêu cầu. Trong trường hợp người được THA đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin hoặc yêu cầu trình diện để kiểm tra mà người phải THA không thực hiện, thì người được THA có thể yêu cầu toà án ban hành lệnh buộc người phải THA phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho CHV. Nếu người phải THA vẫn không cung cấp thông tin hoặc không trình diện để kiểm tra, hoặc nếu toà án xét thấy việc cung cấp thông tin hoặc trả lại tại phiên trình diện để kiểm tra là không đầy đủ, không chính xác, thì toà án có thể cho phép CHV hoặc người được CHV chỉ định tiếp cận bất kỳ địa điểm nào của người phải THA mà có cơ sở hợp lý cho rằng địa điểm đó cất giữ hồ sơ, tài liệu, thông tin về tài sản của người phải THA, và cho phép kiểm tra các hồ sơ, tài liệu đó, tạm thu giữ và sao chụp các hồ sơ, tài liệu. Toà án cũng có thể ban hành lệnh cấm người phải THA hoặc người thứ ba tiêu huỷ, cất giấu hoặc di chuyển các hồ sơ, tài liệu chứa đựng thông tin về tài sản của người phải THA. Luật còn quy định rò ràng lệnh cho phép CHV thâm nhập và tìm kiếm hồ sơ, tài liệu của người phải THA chỉ được ban hành nếu toà án xét thấy thông tin về tài sản của người phải THA không thể thu thập được bằng các biện pháp hợp lý khác. Hành vi không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin của người được THA hoặc lệnh buộc cung cấp thông tin của toà án bị coi là tội phạm [93].
Từ các phân tích ở trên, có thể thấy, dù pháp luật của các quốc gia giao cho các chủ thể khác nhau thực hiện nhiệm vụ xác minh điều kiện THA thì điểm chung của các quy định nói trên là song song với việc giao nhiệm vụ thì luôn xây dựng hành lang pháp lý phù hợp để các chủ thể đó thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Như vậy, dù người có nhiệm vụ xác minh là công chức nhà nước hay là những người hoạt động tự do hay thậm chí là các cá nhân, tổ chức có các quyền phát sinh từ bản án, quyết định (người được THA) thì để xác minh hiệu quả, pháp luật buộc phải chú trọng đến việc bảo đảm cho các chủ thể quyền được thu thập thông tin, xác minh điều kiện THA. Hai yếu tố cơ bản của một cơ chế xác minh điều kiện THADS hiệu quả chính là bảo đảm tính sẵn có, liên thông, dễ tiếp cận của thông tin và có chế tài đủ mạnh để buộc người phải THA và các chủ thể có liên quan cung cấp thông tin.