Điều Kiện Kinh Tế - Xã Hội Của Vùng Biển Đảo Vân Đồn

Vân Đồn có nhiều tiểu vùng khí hậu. Lượng mưa bình quân trên 2000mm/năm, độ bức xạ lớn, nhiều sương mù, mưa phùn và gió bão lớn. Vân Đồn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, từ tháng 3 đến tháng 8, gió Đông Nam từ biển thổi vào mát mẻ, từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi về, bởi vậy, hay gây ra sương mù. Lượng mưa trung bình năm ở khu vực quần đảo Cái Bầu là 1.748mm, ở Bản Sen thuộc quần đảo Vân Hải là 2.442mm.

Là một huyện miền núi, hải đảo nên Vân Đồn có địa hình rất đa dạng, song có thể chia làm hai loại phổ biến: Loại thứ nhất là các đảo đá vôi có vách đứng, đỉnh hình răng cưa tạo ra rất nhiều cảnh quan. Loại thứ hai là các đảo mang dáng chung đỉnh cao, sườn dốc đôi khi thấp thoải tùy thuộc vào sự bào mòn của nước mưa. Các đảo đất này không chỉ tạo ra những bãi tắm đẹp: Bãi Dài, Quan Lạn, Minh Châu, Sơn Hào… mà còn ẩn chứa trong đó nhiều hang động kỳ vĩ như: hang Soi Nhụ, hang Hà Giắt,…

Cũng giống như tất cả các đảo trong Vịnh Bắc Bộ, các đảo của huyện Vân Đồn trước kia là các đỉnh núi của thềm lục địa, ở vị trí Tây Bắc Vịnh Bắc Bộ, các đỉnh núi này còn sót lại, nằm nổi trên mặt biển tạo thành các đảo độc lập thuộc hai vùng biển của Vịnh Bắc Bộ là Vịnh Bái Tử Long và Vịnh Hạ Long. Các ngọn núi trên đảo tiêu biểu gồm có: núi Nàng Tiên ở đảo Trà Bàn, trên địa phận xã Bản Sen, cao 450m; núi Vạn Hoa ở đảo Cái Bầu cao 397m.

* Đảo Ngọc Vừng

Đảo Ngọc Vừng hay còn gọi là Đảo Ngọc - hòn đảo xinh đẹp nằm giữa hai đảo đá nhỏ là Hòn Nét và đảo Phượng Hoàng. Đảo có tổng diện tích 45km2, cách cảng Cái Rồng 34km. Xung quanh đảo có nhiều bãi biển đẹp, có núi Vạn Xuân cao 182m, có di chỉ khảo cổ thuộc Văn Hoá Hạ Long rộng 45.000m2; có bến cảng cổ Cống Yên thuộc hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn thế kỷ XI; có di tích thành cổ nhà Mạc và nhà Nguyễn.

Cho tới ngày nay có nhiều truyền thuyết về đảo Ngọc Vừng. Có truyền thuyết cho rằng sở dĩ có tên là đảo Ngọc Vừng vì xưa kia vùng này có vô số

loài trai ngọc quý hiếm. Đêm đêm những viên ngọc trai phát sáng cả một vùng biển rộng lớn. Vì thế có tên gọi là đảo Ngọc Vừng (tức vừng ngọc sáng). Một số người già trên đảo giải thích rằng do giữa đảo có ngọn núi nhỏ,

gọi là núi Ngọc, nên gọi là Ngọc Vầng, lâu dần biến thành Ngọc Vừng. Như vậy, chỉ có thể nói rằng Vựng hay Vầng đều là tên cũ của đảo Ngọc Vừng ngày xưa. Trong thời kỳ chiếm đóng vùng mỏ Quảng Ninh, người Pháp đã gọi tên đảo Ngọc Vừng là Danh Do La. Hiện nay vẫn chưa có tài liệu nào giải thích rõ nguồn gốc, ý nghĩa của danh từ này.

Đảo Ngọc Vừng có bề dày lịch sử lâu đời. Năm 1937, nhà khảo cổ học người Thuỵ Điển tên J.Anderson đã đến nghiên cứu và phát hiện trên bãi cát giữa đảo những chiếc rìu đá xinh xắn, hòn kê, bàn mài rãnh hình chữ U và rất nhiều mảnh gốm có bề mặt rỗ như Bánh Quy…Sau khi phát hiện thêm một loạt các di tích khác có tính chất tương đồng ở ven bờ và một số đảo trên Vịnh Hạ Long, ông đã đặt tên cho nền văn hoá ấy là văn hoá Danh Do La. Tên gọi này đã tồn tại mấy thập kỷ, trước khi nó được các nhà khảo cổ học Việt Nam đổi thành Văn hoá Hạ Long vào năm 1967.

Do vị trí quan trọng của đảo, năm Minh Mạng thứ 20 (1840) triều đình nhà Nguyễn đã cho xây dựng đồn Tĩnh Hải trên đảo Ngọc Vừng. Theo Đại Nam nhất thống chí, đồn Tĩnh Hải có chu vi 134 trượng 8 thước, cao 5 thước, có 150 lính, 1 quản vệ và 3 thuyền lớn. Khoảng 5-6 năm về trước, dấu tích này còn khá rõ trên những đoạn tường được xếp bằng đá cao trên dưới 1m. Nhưng sau khi khu đất này được xã giao cho một hộ dân đấu thầu để làm trang trại, người ta đã san gạt và dấu tích đồn nay không còn nữa.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Ngọc Vừng trở thành nơi máy bay Mỹ bắn phá ác liệt. Số bom chúng ném xuống đây chiếm tới 2/3 số lượng bom đạn mà chúng ném xuống huyện Cẩm Phả. Ngày 4/12/1972 đã đi vào lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Quảng Ninh, khi quân và dân đảo Ngọc Vừng đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 20 của Mỹ trên bầu trời Quảng Ninh.

Không chỉ có bề dày truyền thống lịch sử, đảo Ngọc Vừng còn có cảnh quan đẹp. Bãi tắm Ngọc Vừng dài hơn 2km, cát vàng, nông, thoải và rộng. Đặc biệt nơi đây không hề có vỏ sò, vỏ ốc, con hà, con hầu. Phía sau bãi là rừng phi lao xanh tốt nên môi trường ở đây rất sạch, cát mịn, trắng. Tất cả những tiềm năng đó là những điều kiện thuận lợi để Ngọc Vừng phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 6

Hiện nay, đảo Ngọc Vừng là một đơn vị hành chính cấp xã có diện tích khoảng 45 km2 nhưng dân số thưa thớt chưa đến 1000 người. Ngoài lợi thế cảnh quan hoang sơ, thiên nhiên kỳ vĩ, đảo Ngọc Vừng còn có khu lưu niệm Bác Hồ, thành cổ Ngọc Vừng được nhà Mạc xây dựng, sau đó nhà Nguyễn tu sửa,...hàng năm thu hút hàng nghìn lượt du khách đến thăm quan nghỉ dưỡng.

* Đảo Quan Lạn

Đảo Quan Lạn thuộc vùng vịnh Bái Tử Long, đây là tuyến đảo phía ngoài cùng của Vịnh Bắc Bộ, toàn đảo có diện tích 11km2, trên đó có cư dân sống trong thôn làng. Đảo Quan Lạn trải dài theo hướng Đông Tây, từ chân dãy núi Vân Đồn tới núi gót với những ngọn núi cao phía Đông tạo nên bức tường thành ngăn sóng gió từ biển khơi bảo vệ cho cư dân.

Đảo Quan Lạn với hình thế và vị trí đặc biệt, chạy gần như song song với đất liền, ngăn thành một vùng biển kín gió, nước sâu, dòng rộng, thuyền bè đi lại an toàn, đã cấu thành một tuyến đường biển quan trọng. Con đường thủy này đã được nhà Lý và cho thành lập thương cảng Vân Đồn.

Trên đảo có đình Quan Lạn (chữ Hán trong đình ghi là Quang Lạn) trong đó có thờ Lý Anh Tông là người ra quyết định thành lập thương cảng Vân Đồn [hình 9, phụ lục 8].

Năm 1288, khi quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt lần thứ III, quân dân nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư và 3 anh em họ Phạm đã chiến đấu quyết liệt trong suốt 10 ngày với đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, và tiêu diệt đoàn thuyền này. Hiện có đền thờ 3 anh em họ Phạm và đền thờ Trần Khánh Dư. Năm 1990 cụm di tích Quan Lạn được Bộ Văn hoá - Thông

tin (này là Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch) xếp hạng với hệ thống đình - chùa - miếu nghè công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Đến đời Lê Sơ (1428-1527), triều đình thi hành nhiều chính sách khắt khe với ngoại thương, hoạt động giao thương trở lên sa sút. Đến thời nhà Mạc (1527-1677) rồi thời Lê Trung Hưng (1533-1789), tình hình được khôi phục phần nào, nhà Lê còn chú trọng phát triển cộng đồng dân cư.

Đến cuối thế kỷ XVII, Kẻ Chợ, Phố Hiến, Hội An nổi lên thành các trung tâm giao thương mới, nơi đây mất dần sự sầm uất. Sang thời Nguyễn, thương cảng đã đi vào giai đoạn lụi tàn không còn hoạt động.

Đầu thế kỷ XIX, người Pháp đã cho xây dựng ở đây ngọn hải đăng để xác định vị trí và tọa độ cho các tàu buôn. Ngọn đèn này có thể chiếu xa trong vòng bán kính 40 km tương đương 22 hải lý.

Hàng năm, vào ngày 18/6 âm lịch, lễ hội Quan Lạn được tổ chức, trong đó có hoạt động bơi thuyền được nhân dân và du khách mong đợi. Ngoài ra, Quan Lạn nổi tiếng với những bãi tắm biển hoang sơ nước trong và cát trắng thu hút du khách từ khắp nơi đến du lịch.

Có thể nói, Vân Đồn có điều kiện tự nhiên phong phú và đa dạng. Trong giới hạn của luận án, tác giả không có điều kiện khảo sát hết các địa điểm trên vùng biển đảo Vân Đồn mà chỉ tập trung vào khu vực vùng biển đảo ở Cái Bầu và đảo Quan Lạn. Đây là hai đảo lớn, có vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa, kinh tế của Vân Đồn.

1.3.2. Điều kiện kinh tế - xã hội của vùng biển đảo Vân Đồn

Đặc điểm nổi bật của nền kinh tế trên địa bàn huyện Vân Đồn truyền thống là cơ cấu cơ bản: nông - lâm - ngư nghiệp. Hiện nay cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch nhất định theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ, du lịch và thuỷ sản, giảm tỷ trọng các ngành nông - lâm nghiệp. Bên cạnh đó kinh tế ngoài quốc doanh tăng lên tương đối nhanh so với kinh tế quốc doanh.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cho tới nay vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của huyện, đặc biệt là sản xuất chế biến thuỷ sản. Đất nông nghiệp của toàn huyện là 1.242 ha trong đó: đất trồng lúa khoảng 600 ha, và gần 100 ha cây ăn quả. Đất canh tác tập trung ở các xã: Đoàn Kết, Bình Dân, Đông Xá. Cơ cấu cây trồng khá đa dạng: ngô, lạc, khoai, sắn, rau…Người nông dân chủ yếu tập trung vào hai mùa vụ chính: vụ hè thu và vụ đông xuân. Ngoài diện tích đất canh tác, nơi đây có hàng ngàn ha đất trống đồi trọc và bãi biển có thể cải tạo được để đưa vào trồng cây công nghiệp, cây ăn quả và nuôi trồng hải sản.

Kinh tế biển - một lĩnh vực lợi thế tiềm năng của địa phương đang được phát huy mạnh. Vùng biển của huyện có nhiều chủng loại hải sản quý: tôm he, các mực, sá sùng, cua, ghẹ, ngọc trai, bào ngư,… Nghề khai thác hải sản có từ lâu đời, song chủ yếu là đánh bắt trong lồng bè và ven bờ. Từ năm 1995 tới nay, Vân Đồn phát triển đánh bắt xa bờ. Huyện đã thực hiện thành công việc nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như nuôi ngọc trai, tu hài, hàu, điệp, quạt... đem lại nguồn lợi kinh tế lớn cho huyện, đồng thời tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong những năm qua nuôi nhuyễn thể phát triển mạnh góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, môi trường huyện. Toàn huyện có 1.479 tàu thuyền khai thác thuỷ sản, trong đó có 471 tàu công suất máy từ 90 CV trở lên. Tổng sản lượng thuỷ sản các năm đều đạt và vượt kế hoạch: năm 2007 đạt 256 tỷ đồng; năm 2008 đạt 330 tỷ đồng [143]. Ngoài ra, Vân Đồn còn đẩy mạnh các hoạt động quản lý, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; các hoạt động về quốc phòng - an ninh, tăng cường quản lý Nhà nước về kinh tế biển...

Vân Đồn có hàng ngàn ha rừng, hàng năm cung cấp gỗ cho ngành khai thác than của tỉnh và làm đồ gia dụng. Rừng có nhiều cây dược liệu quý: Ba Kích, Đằng Đằng…và một số động vật quý như tắc kè, khỉ vàng…

Công nghiệp khai khoáng gồm: than đá được khai thác từ thời pháp thuộc, ở mỏ than Kế Bào, trữ lượng hiện còn khoảng 107 triệu tấn. Mỏ quặng sắt Cái Bầu có trữ lượng lớn khoảng 145.000tấn. Mỏ cát trắng Vân Hải có trữ lượng trên 13 triệu tấn, hiện đang khai thác với sản lượng 20.000 tấn/năm. Vàng sa khoáng và vàng trong đới quặng sắt có ở đảo Cái Bầu [143]. Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có các nghề đóng thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ mộc, chế biến hải sản.

Có thể nói rằng, thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất này nhiều tiềm năng, thế mạnh và những điều kiện thuận lợi tạo điều kiện phát triển nền kinh tế đa thành phần, góp phần vào sự phát triển kinh tế huyện nói chung và của tỉnh Quảng Ninh nói riêng.

1.3.3. Đặc điểm dân cư vùng biển đảo Vân Đồn

Vân Đồn hiện có 12 đơn vị hành chính gồm thị trấn Cái Rồng và 11 xã: 6 xã trên đảo Cái Bầu và các đảo nhỏ trong vùng biển phụ cận đảo Cái Bầu, ở phía Tây Bắc của huyện là: Đông Xá, Hạ Long, Bình Dân, Đoàn Kết, Đài Xuyên, Vạn Yên. Năm xã thuộc tuyến đảo Vạn Yên vòng ra ngoài khơi ôm lấy rìa phía Đông của vịnh Bái Tử Long là các xã: Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Bản Sen, Thắng Lợi1.

Theo thống kê năm 2017, Vân Đồn có khoảng 45.700 người, mật độ dân số trung bình là: 78,6 người/km2. Phân bố dân cư không đồng đều, dân cư tập chung ở các đảo lớn như Cái Rồng bao gồm 6 xã. Quy mô kinh tế của huyện Vân Đồn ước đạt 234,049 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt khoảng 60,15 triệu đồng (tương đương khoảng 2.650 USD)2.

Vân Đồn từ rất sớm đã là nơi tụ cư của nhiều tầng lớp cư dân cổ. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, cổ sinh học, nhân học,… cho thấy đã có ba nền văn hóa phát triển mang tính nối tiếp từ tiền sử đến sơ sử. Văn hóa Soi Nhụ (cách ngày nay khoảng 15.000-6000 năm), văn hóa Cái Bèo (cách ngày nay 6.000-

4.500 năm) và văn hóa Hạ Long (cách ngày nay 4.500 đến 3.500 năm).


1Dữ liệu từ UBND huyện Vân Đồn cung cấp, tháng 12/2017.

2 UBND huyện Vân Đồn, Báo cáo kết quả thực hiện kinh tế xã hội năm 2017, nhiệm vụ trọng tâm 2018.

Văn hóa Hạ Long được kiến tạo, hình thành dựa trên cốt cách, môi sinh, văn hóa bản địa. Các phát hiện khảo cổ học tại các di chỉ hậu kỳ đá mới ở Ngọc Vừng, Hạ Long trong mấy thập kỷ gần đây cho thấy mật độ cư trú khá cao và ổn định của các nhóm cư dân cổ vùng duyên hải. Không chỉ tiến hành khai thác, canh tác tại chỗ, những người định cư ở đây còn tiến hành giao lưu, trao đổi với các nhóm cư dân khác ở phía Nam Trung Quốc, Đài Loan, Philippines và các khu vực khác của Đông Nam Á. Điều đó cho thấy chủ nhân văn hóa Hạ Long đã có sự giao lưu, hòa hợp với cư dân và các truyền thống văn hóa khu vực trong một phổ văn hóa rộng. Họ cũng có một truyền thống giao lưu sớm, khá mạnh mẽ với thế giới bên ngoài. Kết quả là “cùng với các công cụ đá, còn có những hạt chuỗi nhỏ, dẹt, hình đĩa chế tác từ vỏ nhuyễn thể cũng thấy nhiều ở Philippines. Tất cả những phát hiện đó chứng tỏ chủ nhân văn hóa Hạ Long không chỉ có những đóng góp, quan hệ văn hóa trong phạm vi Việt Nam, Nam Trung Quốc liền kề, mà họ còn có những mối quan hệ văn hóa vượt đại dương tới những vùng đảo xa xôi ở Đông Nam Á.”[88; tr.38-39].

Trên cơ sở các phát hiện khảo cổ học, cổ sinh học,… các nhà khoa học cũng cho rằng đến giai đoạn hậu kỳ đá mới, ở Vân Đồn đã xuất hiện những làng biển thịnh vượng như Ba Vũng. Đó chính là sự khởi đầu của nền văn hóa Hạ Long. Kế thừa truyền thống Ba Vũng, các cư dân thuộc văn hóa Hạ Long ở Ngọc Vừng cũng như Đông Trong I và II đã hướng tới một lối sống thích nghi và dần làm quen với môi trường khai thác biển. Vậy là với những tài liệu hiện có, có thể thấy vùng biển đảo Đông Bắc đã tạo dựng và góp phần định thành nên những thành tố cốt lõi, đặc trưng văn hóa của các nhóm cư dân thời tiền - sơ sử. Trong ý nghĩa đó, không gian văn hóa Hạ Long là một trong những trung tâm hình thành các nền văn hóa lớn của khu vực [67; tr.193].

Đến thời văn hóa Đông Sơn và các giai đoạn lịch sử tiếp theo, vùng biển Đông Bắc vẫn tiếp tục duy trì và phát triển mối quan hệ rộng lớn với nhiều quốc gia khu vực Đông Á. Các nền văn hóa đó trong quá trình hình

thành, phát triển thông qua các tuyến giao thương khu vực, quốc tế, đã có nhiều mối giao lưu mật thiết với khu vực miền Nam Trung Hoa, với các đảo Hải Nam, Đài Loan, vùng biển đảo Ryukyu (Lưu Cầu), vùng Tây Nam Nhật Bản và nhiều nền văn hóa biển, văn hóa của cư dân bán đảo Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, trong lịch sử vùng biển đảo Đông Bắc không chỉ có vị trí địa chiến lược quan trọng mà còn là nơi chứa đựng, sản sinh ra nhiều nguồn tài nguyên phong phú. Tuy đất canh tác nông nghiệp không thật trù phú và thời tiết có phần khắc nghiệt do những đợt gió lạnh tràn về vào mùa đông nhưng cư dân bản địa người Việt và một số cộng đồng dân tộc thiểu số đã sớm đến đây sinh sống, khai thác khoáng sản, phát triển kỹ năng nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và giao thương, vận tải biển. Vùng Đông Bắc không chỉ là khu vực thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi với các thương nhân ngoại quốc, mà khu vực này còn có nhiều nguồn hàng có giá trị kinh tế cao. Cư dân địa phương và khách thương ngoại quốc đã khai thác, trao đổi nhiều nguồn sản vật nổi tiếng như ngọc trai, sá sùng, tôm rồng, bào ngư,… cùng nhiều loài sản vật quý [67; tr.199-200].Vào thời Trần, trên nhiều đảo ở Vân Đồn đã có các khu định cư tương đối trù mật. Sự phân bố và độ trù mật của các nếp nhà cổ, công trình kiến trúc tôn giáo ở vùng Cống Đông - Cống Tây hay Cống Cái, Cái Làng… cho thấy điều đó.

Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều mảnh gốm sứ, tiền đồng các loại và cho rằng: địa điểm Vân Hải là một khu mộ táng lớn, lâu đời của cư dân Vân Đồn. Sự xuất hiện của nhiều hiện vật gốm sứ, tiền kim loại qua các thời kỳ là biểu hiện về sự phồn vinh của thương cảng Vân Đồn xưa. Cùng với việc phát hiện khu đồn binh, địa bàn cư trú, bến cảng…, khu mộ táng nằm trên đảo Vân Hải gần với bến Con Quy đã góp thêm những nhận thức mới, toàn diện hơn về tính hệ thống, quy mô và phức hệ thương cảng Vân Đồn. Tại khu vực Cống Cái và địa bàn xã Minh Châu (những địa danh gần với Cửa Đối), suốt một dải bờ biển của xã này đều xuất lộ các hiện vật sành, gốm Việt Nam, Trung Quốc. Ở nhiều nơi, cùng với các

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/02/2024