Khái Quát Về Điều Kiện Địa Lý - Tự Nhiên Và Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội, Dân Cư Ở Vùng Biển Đảo Vân Đồn

Văn hóa biển được một số nhà nghiên cứu xem là một trong những cội nguồn của văn minh nhân loại; văn hoá Hy Lạp cổ đại và văn hoá Địa Trung Hải là những nền văn hoá biển điển hình và là cội nguồn của văn hóa phương Tây. Văn hóa biển là một bộ phận quan trọng thuộc sở hữu của con người do nền văn minh vật chất và tinh thần tạo nên. Văn hóa biển là một hiện tượng văn hoá hình thành dưới tác động của môi trường biển lên cuộc sống và lao động của con người, lên các giá trị, lên thực tiễn tinh thần và sức sản xuất vật chất của xã hội. Văn hóa biển được định nghĩa là văn hóa có liên quan tới đại dương, bắt nguồn từ trong hoạt động sáng tạo văn hóa trong một thời gian dài của cư dân vùng duyên hải sống trong sự tương tác trực tiếp với biển, hình thành bởi tác động của các tục lệ biển, các giá trị và các biểu tượng văn hoá hữu hình và vô hình khác.

Ở Việt Nam, văn hóa biển là một khái niệm khá mới mẻ. Quan niệm về văn hóa biển, nổi bật có hai quan điểm tương đồng về nội hàm. Trần Ngọc Thêm cho rằng văn hóa biển “là hệ thống hóa các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại, lấy biển cả làm nguồn sống chính...Văn hóa biển phải thỏa mãn các yếu tố đặc trưng có tính hệ thống về giá trị nhân văn, tính lịch sử, không gian, môi trường..”[108]. Bên cạnh đó tác giả Ngô Đức Thịnh cho rằng văn hóa biển là quá trình nhận thức, là khoảng thời gian mà con người tiếp xúc và nhận lại những tri thức từ biển. Ở đó, văn hóa biển “là hệ thống tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị và biểu tượng rút ra từ những hoạt động sống trong môi trường ấy. Cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trường biển" [115; Tr.15].

Từ những quan điểm khác nhau về văn hóa biển, dưới góc độ của văn hóa học, có thể hiểu Văn hoá biển là hệ thống các giá trị do con người sáng tạo ra và tích lũy được trong quá trình tồn tại lấy biển làm nguồn sống chính. Theo định nghĩa này, có hai đặc trưng riêng làm nhiệm vụ khu biệt văn hoá biển với các dạng thức văn hoá khác: Thứ nhất là đặc trưng về không gian tồn tại: “lấy

biển cả làm nguồn sống”. Thứ hai là đặc trưng định lượng về không gian tồn tại ấy: biển cả không chỉ là nguồn sống mà phải là “nguồn sống chính”. Văn hóa biển của người Việt có thể nhìn nhận từ phương diện vật chất (chiếm hữu, khai thác, bảo vệ), phương diện tinh thần (gắn bó với biển, hướng biển, tư duy về biển, các sinh hoạt tinh thần trong mối quan hệ với biển).

Ở Việt Nam, văn hóa biển là một thực thể có sự vận động trong không gian và thời gian của văn hóa Việt Nam. Cùng với các không gian núi rừng và châu thổ, biển đã góp phần hợp thành, định diện truyền thống, bản sắc văn hóa, cơ sở kinh tế, tư duy… của nhiều cộng đồng cư dân Việt Nam. Trong các yếu tố cấu thành nên văn hoá Việt, yếu tố biển giữ vai trò và vị trí quan trọng ngày càng được bộc lộ đậm nét. Theo nhận định của Nguyễn Văn Kim: “Từ những thế kỷ trước, sau Công nguyên, chủ nhân các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Champa, Óc Eo- Phù Nam… đã dấn thân với biển, khai thác tài nguyên biển để duy tồn cuộc sống, phát triển văn hóa. Hình thành trong những điều kiện tự nhiên và có không gian phân bố, đặc tính kinh tế, xã hội khác nhau nhưng các nền văn hóa hình thành ở ba miền Bắc - Trung - Nam, từ thời đá mới đến kim khí, từ tiền sử đến sơ sử và lịch sử, để sớm thể hiện những dấu ấn sâu đậm của môi trường văn hóa biển. Biển đã nuôi dưỡng, là bộ phận hợp thành của những nền văn hóa truyền thống nhưng đồng thời biển cũng là môi trường năng động, rộng lớn để các nền văn hóa cổ giao lưu với thế giới bên ngoài” [65; tr.24]. Biển có mối quan hệ mật thiết đến sự định hình và phát triển của các nền văn hóa cổ ở đất nước ta

Nếu phân loại theo quan niệm của UNESCO, văn hóa biển đảo Việt Nam gồm có văn hóa vật thể gồm tàu thuyền, ngư cụ; văn hóa phi vật thể như tín ngưỡng, lễ hội, bí quyết nghề nghiệp, tri thức bản địa, v.v… Tuy nhiên, theo địa bàn cư trú, sẽ có hai dạng thức: văn hóa của ngư dân ven biển mà Ngô Đức Thịnh gọi là “văn hóa cận duyên” và văn hóa của cư dân đảo và quần đảo. Giữa hai dạng thức này vẫn có những khác biệt.

Trên thực tế, với một quốc gia vừa có tính chất lục địa vừa có tính chất hải đảo như Việt Nam, có thể nhận định rằng yếu tố văn hóa biển giữ vai trò

quan trọng trong việc cấu thành nên văn hóa Việt. Nguyễn Văn Kim đã có một đề xuất khá hợp lý khi cho rằng, nghiên cứu văn hóa biển đảo Việt Nam, phải dựa trên một cái nhìn về biển, với những phương pháp và cách tiếp cận mới [69; tr.59-76].

Tuy nhiên, đặc điểm của văn hóa biển ở mỗi vùng, miền của Việt Nam không giống nhau. Điều này đã được tác giả Ngô Đức Thịnh, đối với bộ phận người Việt từ Móng Cái tới Nghệ Tĩnh, thì yếu tố biển trong văn hóa không thật đậm nét. Việc khai thác nguồn tài nguyên biển chưa thật mạnh, đây đó đều thấy sự kết hợp khá chặt chẽ giữa nông nghiệp và ngư nghiệp trong từng cộng đồng dân cư. Điều này có cội nguồn xa xưa, thứ nhất, biển vịnh Bắc Bộ là biển nông, biển nội địa, ít có dòng hải lưu lớn, do vậy mật độ tụ tập của cá không cao; thứ hai, nguồn gốc cư dân ven biển nơi đây chủ yếu là dân nông nghiệp di cư từ trung du và đồng bằng tới, mang theo truyền thống của người làm nông nghiệp để ra khai thác biển. Đối với bộ phận cư dân ven biển của người Việt từ Nghệ Tĩnh vào Nam thì truyền thống biển trong văn hóa đậm nét hơn. Hơn thế nữa, các làng ngư nghiệp ở vùng này cũng thuần nhất hơn, việc khai thác thủy hải sản chiếm tỷ lệ cao hơn so với nông nghiệp. Điều này có thể giải thích bằng nhiều nguyên nhân. Trước nhất, vùng biển này sâu hơn (khoảng trên 200 m), có hải lưu nóng và lạnh đi qua nên có nhiều động vật phù du, khiến đàn cá hội tụ với mật độ cao, do vậy sản lượng đánh bắt lớn hơn so với vịnh Bắc Bộ. Thứ hai, người Việt vào nơi đây đã tiếp thu truyền thống khai thác biển của người Chăm và qua thời gian dần dần họ chính là những người giữ vai trò chủ yếu trong việc khai thác và cung cấp nguồn sản phẩm biển (hải sản, muối) cho cư dân nông nghiệp ở trong đất liền. Nhận định trên của tác giả là có cơ sở vì đặc điểm vùng biển ở khu vực

Bắc Bộ khác với khu vực khác. Khu vực Bắc Bộ có hai đặc điểm quan trọng về địa hình là: bên trong đất liền là một vùng đồng bằng rộng lớn do châu thổ các con sông lớn tạo nên và bên ngoài là vịnh Bắc Bộ với đáy biển nông. Theo nguyên tắc lựa chọn nhu cầu, khi sống ở vùng đồng bằng rộng lớn phì

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

nhiêu đủ nuôi sống con người, người Việt gần như không cần tới cả rừng lẫn biển (“xa rừng nhạt biển”), nhất là khi biển cả chứa đựng quá nhiều hiểm nguy. Do vậy, dễ hiểu là tại sao cư dân Bắc Bộ chủ yếu phát huy tối đa thế mạnh của nghề trồng lúa, nên sinh ra tâm thức quay lưng lại với biển, chỉ tìm cách “quai đê, lấn biển”, “thau chua, rửa mặn” để trồng lúa mà thôi.

Mặt khác, do bên trong là đồng bằng với các con sông lớn nên độ dốc ra biển rất yếu và độ bồi đắp phù sa thì rất cao, thiếu các bãi biển thuận tiện cho việc ra khơi. Trong khi đó thì vịnh Bắc Bộ lại rất nông (vào thời biển thoái nơi đây từng là đất liền), các dòng hải lưu không ghé vào đây, cá tôm không tụ tập nhiều, khiến việc khai thác biển nếu có thì cũng rất ít hiệu quả, càng khiến tâm thức quay lưng lại với biển có điều kiện phát triển.

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 5

Tất nhiên là những đặc điểm trên không giống nhau hoàn toàn trên suốt khu vực. Dễ thấy là đặc tính “xa rừng nhạt biển” đậm nét nhất là ở quãng giữa, ở vùng trung tâm đồng bằng châu thổ (Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình) và nhạt hơn ở hai đầu của khu vực này (Quảng Ninh - Hải Phòng ở phía Bắc và Thanh Hóa ở phía Nam). Khu vực Vân Đồn - không gian nghiên cứu của đề tài cũng có những đặc điểm chung của văn hóa vùng biển cận duyên ở khu vực Bắc Bộ.

Để hiểu rõ hơn về đặc điểm của văn hóa cư dân vùng biển đảo Việt Nam, cần chỉ rõ chủ thể, nội dung của nó.

Thứ nhất, chủ thể của văn hóa cư dân vùng biển đảo: Đó là các cư dân sinh sống ở vùng biển đảo, lấy biển đảo là không gian sinh tồn. Ở góc độ này, văn hóa biển đảo với văn hóa của cư dân vùng biển đảo là đồng nhất, nhằm nhấn mạnh của thể của văn hóa ấy.

Ở Việt Nam, cư dân vùng biển có thành phần và nguồn gốc khá đa dạng, do vậy cơ cấu tổ chức làng xã cũng rất phong phú. Cho tới nay cư dân vùng biển đều định cư trên bờ, một vài địa phương còn hình thức sinh sống trên thuyền thành các làng thủy cư, như ở vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Cửa Sót (Hà Tĩnh). Ở vịnh Hạ Long vẫn còn một số cư dân sinh sống trên

thuyền và đánh bắt cá trong vịnh. Họ tập hợp thành các vạn chài, thường ngày tản mát đi đánh bắt cá, mỗi năm một vài lần tụ họp nhau để cúng giỗ.

Đại bộ phận cư dân vùng biển (từ Hải Vân trở ra phía bắc) sinh sống định cư trên đất liền thành các thôn làng, một hình thức tổ chức xã hội cơ bản như phần lớn cư dân nông nghiệp khác. Trước nhất, làng hay thôn là điểm tụ cư của cư dân ở ngay trên bãi cát sát biển hay lùi xa vào phía trong bãi một chút. Cư dân các làng này vẫn còn giữ lại hồi ức là họ từ một nơi nào đó tới lập cư ở đây.

Thứ hai, nội dung của văn hóa cư dân vùng biển đảo Việt Nam. Dựa theo góc độ tiếp cận của khái niệm văn hóa văn hóa của cư dân biển đảo, nội dung của văn hóa cư dân biển đảo bao gồm những khía cạnh chủ yếu sau:

- Sinh kế của cư dân vùng biển đảo: Phản ánh đời sống kinh tế, phương thức mưu sinh, cách thức lao động gắn với môi trường biển đảo. Do chịu sự quy định của điều kiện địa lý - tự nhiên nên sinh kế của cư dân mỗi vùng miền có sự khác nhau. Đối với cư dân vùng biển đảo, sinh kế của họ gắn liền với biển, chịu sự quy định về điều kiện địa lý - tự nhiên của biển nên cách thức kiếm sống, lao động sản xuất của họ cũng do môi trường biển quy định. Kết cấu nghề nghiệp của cư dân vùng biển cũng rất đa dạng, họ vừa đánh bắt cá vừa làm nông nghiệp, nghề muối, thủ công, buôn bán. Cách thức tổ chức hoạt động lao động sản xuất đã tạo nên văn hóa sinh kế của cư dân vùng biển đảo. Sinh kế của cư dân vùng biển đã hình thành nên hệ thống tri thức bản địa của cư dân nơi đây. Đó là những kinh nghiệm, tri thức của cư dân được hình thành và tích lũy trong hoạt động gắn liền với biển đảo. Đây là yếu tố quan trọng trong cấu thành nên văn hóa của cư dân vùng biển đảo bởi chính những kinh nghiệm của con người vật lộn với sóng gió của biển cả đã tích lũy được vốn kinh nghiệm, tri thức rất phong phú. Các kinh nghiệm đó không chỉ mang lại cho cư dân “miếng cơm manh áo” mà còn là “cẩm nang” để họ thích nghi với biển, vượt qua hiểm nguy, cứu lấy tính mạng trước sự đe dọa của thiên nhiên trên biển.

Hệ thống tri thức của ngư dân thể hiện trên các lĩnh vực: về môi trường biển, về chế tạo dụng cụ, các kỹ thuật đánh bắt và chế biến thủy hải sản... Kho tàng tri thức bản địa của cư dân ven biển trước nhất là tri thức về môi trường biển tại mỗi địa phương, thể hiện trên các phương diện, đó là tri thức về các dòng hải lưu, về thủy triều và các “con nước”, về các luồng lạch, các cửa sông và đầm phá ven biển, về khí hậu các mùa gắn với chế độ gió mùa, về tập đoàn các sinh vật, động vật sống dưới biển hết sức phong phú và đa dạng, về các mùa cá tôm, về các kiến thức thời tiết và thiên văn được sử dụng khi đi đánh bắt trên biển... Các tri thức này được tích lũy trong trí nhớ của ngư dân, trong thực hành nghề nghiệp, trong các câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò, vè, truyện cổ... Ngoài ra còn có trí thức trong việc chế tạo công cụ dùng trong thu lượm, đánh bắt hải sản. Hệ thống công cụ như thuyền, bè, chài, các loại lưới (rùng, đáy, rê, te, chã, săm, vó, đăng) các loại đó, câu..., trong đó nổi bật là thuyền bè đi biển. Có thể nói, thuyền bè đi trên biển là tiêu chí quan trọng nhất chứng tỏ khả năng chinh phục biển của con người, nó có vai trò còn hơn cả cái cày đối với canh tác nông nghiệp trồng lúa. Bên cạnh đó, còn có tri thức bản địa về các kỹ thuật khai thác liên quan tới đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy hải sản tương ứng với các vùng sinh thái khác nhau, như khơi, lộng (ra khơi vào lộng), cửa sông, đầm phá, rừng ngập mặn... Không thể thiếu được trong tri thức bản địa của cư dân vùng biển là tri thức về bảo quản và chế biến thủy hải sản. Nếu việc đánh bắt chủ yếu do nam giới đảm nhiệm thì việc chế biến và tiêu thụ là công việc của phụ nữ… Những tri thức bản địa này là đặc điểm riêng có của văn hóa cư dân vùng biển đảo, không bị trộn lẫn với văn hóa của cư dân các vùng miền khác như vùng đồng bằng, miền núi…

- Hệ thống các phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội: Đó là những khía cạnh của đời sống sinh hoạt, tinh thần của cư dân gắn với môi trường biển đảo. Đối với cư dân vùng biển đảo, tín ngưỡng tôn giáo và nghi lễ chiếm vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của họ. Điều đó xuất phát

từ việc biển đảo vừa mang lại cho con người điều kiện, môi trường sống nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của họ. Vì thế, cư dân vùng biển vừa có tâm lý hướng biển, muốn vươn xa ra biển xong cũng đồng thời lại có tâm lý sợ biển. Do vậy, tôn giáo, tín ngưỡng là điểm “bấu víu” gần như duy nhất, tạo nên ở họ niềm tin trước biển cả bao la, hùng vĩ. Hơn thế nữa, với cư dân vùng biển, hệ thống tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục còn thể hiện sự nhận thức của con người về thế giới biển khơi mà họ gắn bó và đương đầu. Cũng như người nông dân, ngư dân ở các làng ven biển luôn tôn thờ tổ tiên, ông bà. Họ lập bàn thờ nơi trang trọng nhất trong nhà và tiến hành cúng lễ vào dịp giỗ và các lễ tiết trong năm. Ngoài ra, các làng ven biển đều có chùa thờ Phật, đền thờ Thần và đình thờ Thành hoàng. Nhiều làng ven biển theo đạo Công giáo còn có nhà thờ thờ Chúa.

Cũng do đặc điểm về địa lý - tự nhiên nên tuy hình thức bề ngoài, làng cư dân vùng biển có một chút khác biệt với làng của nông dân, nhưng cách thức phân chia thành xóm, ngõ, phe, giáp, phường, các công trình kiến trúc công cộng cũng tương tự như ở một làng nông nghiệp và như đình, đền, chùa và một số nơi có cả nhà thờ công giáo.

Trong các làng của cư dân vùng biển vẫn sử dụng hương ước như một loại luật tục của làng xã, đó là hương ước. Ở một số làng ven biển hay trên các đảo vẫn có giữ lại những bản hương ước quy định luật tục tại địa phương và còn được lưu trữ cho đến ngày nay, chẳng hạn như làng Trà Cổ (Quảng Ninh).

Ở một số làng ngư dân còn tồn tại một số hình thức tổ chức xã hội mang tính nghề nghiệp như ở làng Kẻ Mom (Thanh Hóa) có hình thức hội các lái. Hội bao gồm chủ thuyền và những người trực tiếp đi biển như thợ cả (như là trưởng thuyền) và ông lão (phó thuyền, thợ bạn, trai chèo...). Mỗi năm hội các lái họp một lần vào rằm tháng 7 là dịp thanh toán hợp đồng một năm giữa chủ thuyền và thợ, giải quyết các tranh chấp và bình chọn thợ cả giỏi trong năm.

1.3. Khái quát về điều kiện địa lý - tự nhiên và tình hình kinh tế - xã hội, dân cư ở vùng biển đảo Vân Đồn

1.3.1.Điều kiện địa lý - tự nhiên ở vùng biển đảo Vân Đồn

Vân Đồn là một huyện đảo nằm ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc, có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là 551,33km2, chiếm 9,3% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh, phần vùng biển rộng 1.620km2, hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải. Trong đó, đảo Cái Bầu là rộng nhất 17.212ha, gồm thị trấn Cái Rồng và 6 xã. Với toạ độ từ 20040’ đến 21012’ vĩ độ Bắc và từ 107019’ đến 107042’ kinh độ Đông.

Huyện lỵ là thị trấn Cái Rồng trên đảo Cái Bầu cách thành phố Hạ Long gần 50km, cách Cửa Ông 7km; phía Bắc giáp vùng biển huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà; phía Tây giáp thị xã Cẩm Phả, ranh giới là lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn; phía Đông giáp vùng biển huyện Cô Tô; phía Nam giáp vịnh Hạ Long và vùng biển Cát Bà (Hải Phòng).Vân Đồn nằm trên đường quốc lộ 18A từ Hà Nội đi Móng Cái, cách cửa khẩu quốc tế Móng Cái trên 100km.

Huyện đảo Vân Đồn hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và đảo Vân Hải. Đảo lớn nhất của Vân Đồn là Cái Bầu, có diện tích 17.212 ha, chiếm khoảng gần một nửa diện tích đất đai của huyện, nằm ở phía Tây Bắc huyện kề cận đất liền lục địa, cách đất liền bởi lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn. Tuyến đảo Vân Hải nằm ở phía Đông Nam của huyện, gồm các đảo lớn như: Trà Bàn, Cao Lô, Cảnh Tước, Đông Chén, Thẻ Vàng, Ngọc Vừng…và nhiều đảo nhỏ khác, tạo thành một vành đai che chắn ngoài khơi vịnh Bái Tử Long.

Vân Đồn có ít sông ngòi, núi có nhiều nhưng không cao, mà chủ yếu là núi đá vôi. Các đảo lớn gần đất liền có núi cao trên 300m, các đảo nhỏ và xã chỉ có núi cao dưới 200m. Địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình là 40m so với mặt biển; độ dốc trung bình 250, ít bằng phẳng và thường bị chia cắt.

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí