Vận dụng Marketing địa phương trong phát triển du lịch Bắc Ninh - 14


Xây dựng các công trình du lịch tại các khu điểm du lịch văn hóa lịch sử ở Bắc Ninh cần phải tuân theo những quy định nghiêm ngặt về kiến trúc xây dựng, phù hợp với cảnh quan môi trường của khu vực.

Xây dựng và tăng số phòng khách sạn theo dự báo, nâng cấp hệ thống khách sạn, nhà hàng hiện có để đáp ứng nhu cầu du lịch. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% trong tổng số phòng đạt tiêu chuẩn xếp hạng 3 sao theo phân hạng của Tổng cục du lịch.

Khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài, các nhà đầu tư lớn đầu tư xây dựng hệ thống các khách sạn cao cấp tại các trung tâm du lịch của tỉnh, các khu du lịch mang tầm quốc gia.

Đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ở các làng nghề truyền thống, các lễ hội, các làng chèo truyền thống… để cải tạo, đầu tư mới một số dụng cụ, trang thiết bị và có chính sách giáo dục để bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tạo nên sự đa dạng, phong phú về sản phẩm du lịch văn hóa tại địa phương.

4.2.1.4 Marketing con người

Du lịch là ngành phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người so với các ngành khác, do vậy việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho ngành này cần thực hiện khắt khe, lao động trong ngành phải có tính chuyên môn, nghệp vụ cao, đòi hỏi phải có những kỹ năng giao tiếp, thuyết phục khách hàng. Việc làm hài lòng khách hàng không chỉ đòi hỏi người lao động có kỹ năng nghề nghiệp mà còn gây được sự tín nhiệm, lòng tin cao với khách hàng. Vì vậy việc phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch luôn là vấn đề quan trọng và cấp thiết.

Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, ngành du lịch tỉnh cần kết hợp nhiều các giải pháp như:


Thứ nhất: Cần tăng cường công tác tuyên truyền, hành động, vận động nhằm nâng cao ý thức cho bản thân lao động về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của ngành du lịch đối với phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Nội dung công tác tuyên truyền cần làm rõ vai trò của ngành du lịch địa phương trong việc giải quyết việc làm, nâng cao mức sống cho người dân địa phương, tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác, từ đó giáo dục ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 120 trang tài liệu này.

Thứ hai: Khi du lịch trong tỉnh phát triển, kéo theo đó là sự gia tăng mức lao động, bổ sung nguồn lao động từng thời kỳ, lao động cần bổ sung hàng năm là khá lớn, nhưng nguồn nhân lực hiện tại của tỉnh vẫn chưa đáp ứng đủ, hầu hết những lao động được đào tạo bài bản, qua trường lớp và đã có kinh nghiệm, có tính chuyên môn nghiệp vụ cao thường sau khi học xong sẽ ở lại các thành phố lớn lập nghiệp, chính vì thế, cần có các biện pháp, chính sách thích đáng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, những lao động co chuyên môn cao về sống, làm việc và cống hiến cho quê hương.

Thứ ba: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành nghề du lịch. Để làm được điều đó, Bắc Ninh cần có định hướng đúng đắn cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho du lịch. Vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong công tác quy hoạch và phát triển các loại hình du lịch gắn với củng cố, sắp xếp lại các cơ sở phục vụ kinh doanh du lịch và đưa ra chỉ tiêu đào tạo cho từng loại đối tương theo yêu cầu phát triên của ngành. Trong công tác tuyển dụng cần tuyển đúng người, đúng việc, có chính sách ưu đãi đối với nhân tài. Hằng năm, cần có sự tổ chức chặt chẽ cuộc thi tay nghề, cuộc thi nghiệp vụ như lễ tân, hướng dẫn viên, nhà kinh doanh..nhằm thúc đẩy và nâng cao vai trò thi đua và tôn vinh những người lao động giỏi trong ngành du lịch. Hơn nữa, tỉnh cần có sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành du lịch, đồng thời có cơ chế chính sách ưu tiên cho việc phát triển ngành.

Vận dụng Marketing địa phương trong phát triển du lịch Bắc Ninh - 14


Thứ tư: Các ban ngành và chính sách tỉnh cần đảm bảo tính hợp lý trong cơ cấu đào tạo đồng bộ từ nhân viên phục vụ đến cán bộ quản lý, tránh tình trạng chỉ tập trung vào đào tạo chỉ ở trình độ đại học, mà ít quan tâm đến đào tạo trung cấp hay nghề, kỹ năng cơ bản và cần thiết trong dịch vụ du lịch. Nên quan tâm sâu sát hơn đối với công tác đào tạo như các khâu tiếp thị, phục vụ, hướng dẫn viên…đồng thời cần tạo ra môi trường nghề thật sự trong các cơ sở đào tạo, học thật làm thật, học đi đôi với hành. Thực hiện đa dạng háo các hình thức đào tạo, như đào tạo lại, đào tạo mới, đào tạo nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, dài hạn, ngắn hạn cho tất cả các trình độ chuyên môn, chính trị, giao tiếp, ứng xử đặc biệt quan trọng là ngoại ngữ trong du lịch. Liên kết chặt chẽ với các cơ sở đào tạo về du lịch, nhà hàng khách sạn, dịch vụ lữ hành gắn vơi sử dụng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh. Xác định cơ cấu đào tạo phù hợp sẽ tránh được sự mất cân bằng cung cầu lao động và đặc biệt không gây lãng phí nguồn nhân lực của xã hội.

Thứ năm: Tăng cường công tác quản lý lao động trong doanh nghiệp, cần có sự quan tâm của các cơ quan có thẩm quyền đối với đời sống của người lao động, thực hiện chính sách đầy đủ, đảm bảo chi trả hợp lý cho người lao động, đóng bảo hiểm, và có những cơ chế chính sách đầy đủ để người lao động yên tâm công tác, yên tâm cống hiến sức mình cho quê hương đất nước; xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, chủ doanh nghiệp đủ năng lực điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch có hiệu quả theo cơ chế thị trường; mở rộng hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực với các cơ sở, tổ chức đào tạo chuyên môn nghiệp vụ du lịch; xã hội hóa công tác giáo dục để nâng cao nhận thức cho nhân dân và du khách về văn hóa du lịch; hỗ trợ giáo dục cộng đồng cho những người dân trực tiếp tham gia hoạt động du lịch; nâng cấp chất lượng các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch và thống nhất chương trình đào tạo khung tại các cơ sở chủ chốt, trên cơ sở đó xây dựng các chương trình đào tạo


phù hợp với nhu cầu của từng khu vực cụ thể; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý du lịch tại các địa bàn trọng điểm, phát triển du lịch bằng các biện pháp thu hút cán bộ quản lý có trình độ, kinh nghiệm, kết hợp với việc bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ các cán bộ trẻ có nhiều tiềm năng phát triển; gắn kết hoạt động của các cơ sở đào tạo du lịch của tỉnh với nhu cầu nguồn nhân lực du lịch tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch, nhằm thực hiện đào tạo theo nhu cầu thị trường; đẩy mạnh việc liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch giữa các cơ sở đào tạo trong tỉnh và ngoài tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp du lịch thực hiện đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân viên.

Mỗi cá nhân là một thực thể gắn kết xã hội, để phát triển bền vững cần có sự đồng lòng nhất trí cao của người lao động, và nền du lịch Bắc Ninh có phát triển lớn mạnh được hay không phụ thuộc rất lớn vào điều đó.

4.2.2 Giải pháp hoàn thiện quy trình Marketing địa phương trong phát triển du lịch tỉnh Bắc Ninh

4.2.2.1 Giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch đặc thù cùng với đa dạng hoá sản phẩm du lịch.

Để tăng mức độ hấp dẫn của điểm đến Bắc Ninh và nâng cao tính cạnh tranh du lịch Bắc Ninh, rất cần tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương đã được đề xuất trong phần trình bay trên. Đây được xem là giải pháp quan trọng góp phần tạo sự bứt phá của du lịch Bắc Ninh trong giai đoạn phát triển đến năm 2020. Ngoài sản phẩm du lịch đặc thù, Bắc Ninh cần tiếp tục đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch bổ trợ. Các sản phẩm bổ sung này vừa có tác dụng nâng cao sức cạnh tranh, sức hấp dẫn của sản phẩm đặc thù còn có tác dụng thu hút thêm các thị trường khách mới, nhằm đa dạng hoá thị trường khách, đảm bảo tính bền vững, ổn định, tăng cường khả năng chống đỡ với các diễn biến phức tạp của thị trường du lịch.


4.2.2.2 Rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch

Bắc Ninh còn rất nhiều các di tích lịch sử chưa được khai thác đúng mức, chưa hướng đến du lịch. Mặt khác nhiều loại hình du lịch cần phải đầu tư về cơ sở hạ tầng để có thể triển khai hoạt động kinh doanh du lịch. Chính vì những lý do đấy, ở đây là UBND tỉnh Bắc Ninh, Sở VH,TT&DL cần phải rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Thứ nhất là việc cải thiện khả năng dự đoán, đánh giá tiềm năng của du lịch tỉnh Bắc Ninh. Có như thế mới phục vụ tốt được cho quá trình lên kế hoạch và tổ chức thực hiện các chiến lược phát triển. Thứ hai, cần rà soát lại các dự án đầu tư cho du lịch, cần chọn lọc, đầu tư có trọng điểm vào các lĩnh vực, dự án có tiềm năng khai thác du lịch cao, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí, không hiệu quả trong quá trình hoạt động kinh doanh. Cuối cùng, cần chú trọng đến các công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hoá, gìn giữ giá trị truyền thống, bảo vệ môi trường nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

4.2.2.3. Giải pháp về ứng dụng khoa học, công nghệ

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế. Tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, xây dựng các chiến lược về thị trường – sản phẩm du lịch Bắc Ninh, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch đảm bảo các chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển, tiến tới hiện đại hoá ngành du lịch và tạo khả năng hội nhập của du lịch Bắc Ninh với hoạt động phát triển du lịch trong nước, khu vực và trên thế giới. Khuyến khích nghiên cứu khoa học phục vụ giải quyết các vấn đề bức xúc của ngành.

Khuyến khích ứng dụng khoa học – công nghệ, kết hợp với việc nâng cao ý thức của khách du lịch nhằm các mục tiêu tiết kiệm năng lượng, nước sạch, hạn chế rác thải… góp phần bảo vệ môi trường như việc xây dựng và khuyến khích áp dụng mô hình “khách sạn xanh”. Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ du lịch.


4.2.2.4 Giải pháp về liên kết vùng trong phát triển du lịch

Trong quá trình cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì liên kết hợp tác trong phát triển du lịch để cùng nhau phát triển trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hoạt động liên kết du lịch giữa các tỉnh như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Ninh Bình, Lạng Sơn cần được triển khai thực hiện đồng bộ. Đây là các tỉnh có giao thông di chuyển thuận lợi, cần có sự thiết lập, tạo nên những tour du lịch ; có thể thiết kế website chung, đăng các bài viết, các sự kiện chung, tạo ra được điểm đồng nhất, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của địa phương, khai thác triệt để các nét đặc trưng của mình để cùng nhau liến kết phát triển thành một hệ thống du lịch bền vững. Tạo ra nhiều hơn nữa những sản phẩm du lịch có chất lượng cao thông qua các tuyến, các điểm du lịch liên vùng. Nhưng cần có sự tổ chức thống nhất về giá cả, tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh làm mất niềm tin ở du khách.

4.2.2.5 Giải pháp về tổ chức, quản lý hoạt động du lịch

Xác định trong thời gian tới, Du lịch tỉnh Bắc Ninh sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ và đột phá. Chính vì lý do đấy, công tác tổ chức, quản lý hoạt động du lịch cần có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để theo kịp tốc độ phát triển cao đấy. Việc sẽ đưa vào khai thác nhiều loại hình du lịch mới như du lịch tâm linh, du lịch văn hoá gắn liền với làng quê, sinh thái… sẽ đòi hỏi cung cách về tổ chức và quản lý khác. Để chuẩn bị cho những bước chuyển đó, cần tổ chức các hội nghị - hội thảo khoa học về quản lý hoạt động du lịch tâm linh, văn hoá… Học hỏi kinh nghiệm một số tỉnh, địa phương đã có kinh nghiệm hoạt động du lịch hiệu quả. Và có thể tham quan, học tập các mô hình hoạt động du lịch của các địa phương nước ngoài có sự tương đồng về văn hoá như Thái Lan, Nhật Bản…


KẾT LUẬN

Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước trong hơn 20 năm qua, ngành du lịch đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng được ghi nhận. Một trong những định hướng phát triển kinh tế hiện nay của Việt Nam là phát triển ngành kinh tế du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, và là ngành đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân.

Bắc Ninh là một tỉnh giàu tiềm năng về du lịch, với các tài nguyên phong phú, các điểm đến hấp dẫn, Bắc Ninh đủ điều kiện để có thể phát triển và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh. Hiện nay, với tiềm năng và lợi thế rất lớn về du lịch, nắm bắt được nhu cầu và xu thế phát triển xã hội, Bắc Ninh đang từng bước khẳng định và hoàn thiện hơn trong các quy trình phát triển du lịch mình.

Với mục tiêu đó, luận văn đã nghiên cứu, khái quát hóa về marketing địa phương, tìm hiểu và phân tích các quy trình, các mô hình cụ thể có thể áp dụng trong việc xây dựng chiến lược. Luận văn đi sâu vào nghiên cứu, đánh giá hiện trạng địa phương, chỉ ra rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức ở thời điểm hiện tại, từ đó đưa ra những chiến lược cũng như các giải pháp cụ thể có thể áp dụng trong phát triển du lịch địa phương. Qua đó có thể phát huy hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong thời gian tới và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng tâm của tỉnh.

Luận văn hy vọng sẽ có những đóng góp đáng kể trong việc áp dụng và đưa ra những chiến lược, giải pháp, áp dụng marketing địa phương trong phát triển du lịch.

Do khuôn khổ nghiên cứu bị hạn chế về thời gian và nguồn lực nên luận văn chưa thể bao quát hết các vấn đề marketing địa phương, và áp dụng trong việc phát triển du lịch, đồng thời cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót nhất định. Mong nhận được sự nhận xét, đánh giá, góp ý của các chuyên gia và bạn đọc để luận văn có thể hoàn thiện hơn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


Tiếng Việt

1. Mai Thế Cường, 2005. Cách tiếp cận marketing trong thu hút FDI. Diễn dần Phát triển Việt Nam (VDF) và đại học Kinh tế quốc dân (NEU).

2. Nguyễn Văn Dung, 2009. Chiến lược và chiến thuật quảng bá Marketing Du lịch. Hà Nội: NXB Giao thông vận tải

3. Trần Minh Đạo, 2006. Marketing căn bản. Hà Nội: NXB Đại học Kinh tế quốc dân.

4. Don Sexton, 2007. Marketing 101. Hà Nội: NXB Lao động – xã hội.

5. Nguyễn Đức Hải, 2013. Marketing lãnh thổ nhằm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn thành phố Hà nội. Luận án tiến sỹ. Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương.

6. Nguyễn Trọng Hoài, 2004. Chiến lược marketing Thành phố Hồ Chí Minh qua phát triển du lịch. Tạp chí Phát triển kinh tế, số 4/2004.

7. Hồ Đức Hùng, 2005. Marketing địa phương với việc quảng bá thương hiệu TP. Hố Chí Mình. Viện nghiên cứu Kinh tế phát triển.

8. Lưu Văn Nghiêm, 2008. Marketing dịch vụ. Hà Nội: NXB Lao động – Xã hội.

9. Philip Kotler, 2010. Tiếp Thị Phá Cách. Hà Nội: Nhà Xuất Bản trẻ.

10. Philip Kotler, 2010. Quản Trị Marketing. Hà Nội: Nhà Xuất Bản Thống Kê.

11. Philip korler, 2005. Quản trị Marketing. Hà Nội: NXB Thống kê.

12. Philip korler, 2007. Marketing căn bản. Hà Nội: NXB lao đông xã hội

13. Phạm Công Toàn, 2013. Marketing lãnh thổ với việc thu hút và đầu tư tỉnh Thái Nguyên. Luận án tiến sỹ. Đại học kinh tế quốc dân.

Xem tất cả 120 trang.

Ngày đăng: 14/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí