vọng giải phóng dân tộc khỏi chế độ áp bức, bóc lột để xây dựng chủ nghĩa xã hội, và cả từ sự so sánh triết học Mác - Lênin với các trào lưu triết học trong lịch sử. Tác giả khái quát 5 lý do cơ bản của việc Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng: a/ Xuất phát từ con người, đặt con người ở vị trí trung tâm trong nghiên cứu triết học của mình; b/ Nghiên cứu sâu sắc về lịch sử triết học, nhận thức lại chủ nghĩa hiện sinh, quyết định từ giã nó và đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng; c/ Phê phán quan điểm duy tâm, siêu hình của các nhà triết học khi bàn về xã hội; c/ Có cơ hội thâm nhập, trải nghiệm thực tiễn, tiếp cận các trào lưu triết học trước C.Mác để so sánh với triết học Mác; Xuất phát từ lòng yêu nước và chất nhân đạo trong con người ông.
GS. Nguyễn Đình Chú, trong bài Triết gia Trần Đức Thảo – Niềm tự hào lớn của chúng ta (2015) [8] đồng tình với nhận định và đánh giá của các tác giả trên và cho rằng: “...có thể định danh như thế (tức Trần Đức Thảo là người phát triển triết học duy vật biện chứng lên triết học duy vật biện chứng nhân bản – theo nghiên cứu sinh) về triết gia Trần Đức Thảo trên hành trình triết học của mình. Bởi lẽ cảm hứng chủ đạo dọc suốt đại lộ triết học của triết gia vẫn lấy con người, đặc biệt là con người tự nhiên sinh học làm trung tâm cốt lõi cho công cuộc khám phá, phát hiện...” [8, tr.27].
Về phương pháp nghiên cứu, tác giả Nguyễn Thái Sơn (2015) [91] nhận thấy cái độc đáo trong tiếp cận và nghiên cứu của Trần Đức Thảo. Ông đã sử dụng phương pháp nghiên cứu của C.Mác để chứng minh giá trị của của chủ nghĩa duy vật biện chứng, dùng các tư liệu khảo cổ học, nhân chủng học, tâm lý học trẻ em, ngôn ngữ học để chứng minh sự hình thành ngôn ngữ và ý thức một cách khoa học. Còn Jacinthe Baribeau [3] đánh giá cao cách tiếp cận độc đáo và mới mẻ của Trần Đức Thảo ở sự kết hợp khéo léo ưu thế của ngành ngôn ngữ tâm lý học và nhân chủng học với đặc thù của phân tích hiện tượng luận.
Với Trần Đức Thảo - con đường đến với chủ nghĩa duy vật nhân bản (2015) [26], tác giả Lê Văn Đoán đưa ra một cách suy nghĩ dẫn tới việc Trần Đức Thảo tập trung nghiên cứu vấn đề con người. Tác giả khẳng định sự sáng tạo của Trần Đức Thảo đi từ hiện tượng học đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trần Đức Thảo đã có đóng góp cho việc sáng tạo ra chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Ông vận dụng sáng tạo quan điểm tư duy biện chứng trong nghiên cứu lý giải về sự hình thành và phát triển con người, quan hệ giữa con người với cộng đồng và xã hội. Theo tác giả, khi nhìn nhận về con người, Trần Đức Thảo
đã sử dụng nguyên tắc khách quan, nguyên tắc toàn diện, nguyên tắc lịch sử cụ thể, nguyên tắc phát triển cùng các quy luật, phạm trù của phép biện chứng duy vật. Trên cơ sở đó, Trần Đức Thảo luôn nhìn nhận con người và lịch sử xã hội, lịch sử dân tộc thống nhất trong vận động biện chứng của những hệ thống riêng trong những hệ thống chung, thống nhất con người nói chung trong sự vận động, phát triển của lịch sử giống loài, lịch sử dân tộc và nhân loại.
Tác giả Triệu Tử Truyền với bài viết Thành tựu tư duy của Trần Đức Thảo trong Triết gia Trần Đức Thảo: Di Cảo, khảo luận, kỷ niệm (2016) [60] cũng đánh giá cao phương pháp nghiên cứu của Trần Đức Thảo. Tác giả nêu lên hai thành tựu của Trần Đức Thảo: thứ nhất, đó là sáng lập ra hiện tượng luận biện chứng; thứ hai là chỉ ra con đường từ ý thức, nhân tính đến sử tính. Tác giả cho rằng, đây là lối tư duy hoàn toàn mới, nó vượt lên các học thuyết cũ, giúp thế hệ sau có thời cơ giải quyết bế tắc trong triết học hiện đại, khai thông dòng chảy lịch sử văn minh – lối tư duy khai thông dòng chảy này được Trần Đức Thảo vận dụng vào nghiên cứu và giải quyết các nhiệm vụ của vấn đề con người. Tác giả còn đánh giá cao sự sáng tạo của Trần Đức Thảo ở chỗ, Trần Đức Thảo đã viết nên lý thuyết về sự logic của thời hiện tại sống động. Ở lý thuyết này, Trần Đức Thảo đã phân tích logic vận động của cuộc sống loài người, từ cái quá khứ đến cái hiện tại rồi đến cái tương lai như một dòng chảy liên tục, làm nên sự chuyển động của cuộc sống. Lý thuyết này, theo tác giả, không chỉ kế thừa duy lý phương Tây mà còn lấy Phật học – Đạo học phương Đông làm nền tảng, sẽ mở ra cánh cửa triết học bị tạm đóng từ cuối thế kỷ XX cho đến nay trên phạm vi toàn cầu.
Tác giả Trần Thị Thanh Mai trong Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo qua tác phẩm “Sự hình thành con người”(2013) [64] đánh giá cao phương pháp nghiên cứu của ông. Tác giả cho rằng, đối với đối tượng này, Trần Đức Thảo có phương pháp nghiên cứu khác – nhiều phương diện, đa chiều, mang tính cách mạng và mới, nhất là trong quá trình đi tìm lời giải về nguồn gốc con người.
Trong bài Trần Đức Thảo mở đầu sự sáng tạo chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản (2016) [16], tác giả Cù Huy Chử cho rằng tác phẩm Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng [102] là tác phẩm mở đầu sự sáng tạo “Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản”, là tư tưởng mà Trần Đức Thảo đã chung thủy, sáng tạo cho đến tận cuối đời. Tới tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức, Trần Đức Thảo đã trình bày sáng rõ lý thuyết về cái trung giới của các quá trình vận động
biện chứng, từ đó nhận thức rõ ràng sự chuyển hóa giữa hoạt động của năng lực thần kinh sang năng lượng tâm thần người. Trần Đức Thảo đã làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa năng lực thần kinh và năng lượng tâm thần trong bộ óc người. Theo học giả Cù Huy Chử, diễn đàn triết học thế giới đã đánh giá Trần Đức Thảo là nhà sáng tạo triết học Mác và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Cùng một số tác phẩm khác nữa, Trần Đức Thảo tìm đến cái đích cuối cùng của mình là Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản.
Về sự hình thành ngôn ngữ và ý thức, trong bài Trần Đức Thảo và sự đóng góp của trí tuệ Việt Nam vào tiến trình nhận thức của nhân loại (2016) [82], tác giả Trần Ngọc Quang ca ngợi Trần Đức Thảo là một trong 18 nhà khoa học có công trình được nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II (năm 2000), đồng thời so sánh đóng góp của Trần Đức Thảo với một số danh nhân đất Việt trong một số lĩnh vực đã góp phần tạo nên âm vang Việt Nam trên diễn đàn thế giới. Tác giả cũng cung cấp cho người đọc thông tin là biện chứng pháp trong tác phẩm Tìm cội nguồn ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo đã được tiến sĩ Phật học Lê Mạnh Thát sử dụng trong luận án và đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ triết học trước Hội đồng khoa học thuộc Đại học Wisconsin – Madison (Hoa Kỳ) vào năm 1974.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 2
- Nghiên Cứu Về Nội Dung Vấn Đề Con Người Trong Triết Học Trần Đức
- Về Bản Chất Con Người, Con Người Chung Và Con Người Cụ Thể, Con Người Xã Hội Và Con Người Giai Cấp
- Chủ Nghĩa Mác Cấu Trúc (Chủ Nghĩa Cấu Trúc Mới) Của Louis Althusser
- Phong Trào Đấu Tranh Cho Độc Lập, Tự Do Của Các Dân Tộc Trên Thế Giới
- Yếu Tố Gia Đình, Dòng Tộc, Bản Thân Con Người Trần Đức Thảo
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
Cách tiếp cận của Trần Đức Thảo về Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức được tác giả Phạm Thị Quỳnh trong Hội thảo khoa học quốc tế Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo (2013) [23] đánh giá là độc đáo ở cách tiếp cận liên ngành: lấy phương pháp luận của chủ nghĩa Mác làm cơ sở, kết hợp với các phương pháp nhân học tiền sử, dân tộc học, tâm lý học và phân tâm học. Tác giả cũng đánh cao giá trị học thuật – các nội dung nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức, như là một sự phát triển triết học Mác về nghiên cứu con người.
Đánh giá công trình Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức của Trần Đức Thảo, tác giả Trần Văn Nam có bài Việt ngữ tương giao trong văn học và triết học Việt từ năm 1950 của giáo sư Trần Đức Thảo (2016) trong Triết gia Trần Đức Thảo: Di Cảo, khảo luận, kỷ niệm [60]. Bài viết nêu lên những suy nghĩ về lý do vì sao Trần Đức Thảo viết cuốn Triết lý đã đi đến đâu [114] và giá trị của tác phẩm đó. Tác giả nhận định đây là một cuốn sách kén người đọc, phải vừa giỏi tiếng Pháp (đã từng đọc qua lịch sử triết học) và vừa giỏi tiếng Việt thì mới hiểu được nội dung cuốn sách này. Tác giả cho rằng, Trần Đức Thảo viết cuốn sách để tỏ rõ sự ủng hộ triết học Mác. Vào năm 1950, dường như chưa có tập từ điển triết học nào bằng Việt ngữ, nên có một số từ ngữ triết học do Trần Đức Thảo sáng tạo, nhân đó ông
đã đóng góp vào kho Việt ngữ bộ môn triết học. Cuối bài viết, tác giả cho rằng mục đích viết cuốn sách của Trần Đức Thảo “…có lẽ mang ý nguyện khởi đầu việc đóng góp tác phẩm vào nền học thuật Việt Nam” [60, tr.891].
Thành công trong lý giải những đặc điểm, những quy định của con người xã hội: Tác giả Nguyễn Thái Sơn trong Về Lời nói đầu tác phẩm “Sự hình thành con người” của Trần Đức Thảo (2015) [91] đánh giá cao phương pháp tiếp cận cũng như nội dung giải quyết các khía cạnh của bản chất và con người xã hội trong triết học Trần Đức Thảo. Tác giả cho rằng, triết gia này sáng tạo ở chỗ: “…ông đã chỉ rõ cái gọi là “các mối quan hệ xã hội” của C.Mác cần được hiểu theo quan điểm luôn vận động, biến đổi theo quy luật…Các quan hệ xã hội phát triển theo quy luật biện chứng đã được các thế hệ nối tiếp nhau tiếp nhận để hình thành bản chất con người của mình. Cái bản chất ấy góp phần tạo ra cái gọi là con người nói chung – tồn tại trong từng con người cá thể, cá nhân – nhân cách nói riêng” [91, tr.389-390].
Trong bài Về hai tác phẩm cuối đời của giáo sư Trần Đức Thảo (2016) [17], Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà đều cho rằng, thông qua tác phẩm Một hành trình, Trần Đức Thảo đã khẳng định tư tưởng của ông là chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản với nội dung: “Khẳng định lịch sử tự nhiên phát triển đưa đến lịch sử xã hội - con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa tự nhiên và xã hội - con người, mối liên hệ biện chứng giữa hoạt động và đời sống sản xuất vật chất của xã hội - con người với hoạt động sản xuất đời sống tinh thần của xã hội - con người, khẳng định mối liên hệ biện chứng giữa các mặt sinh vật, xã hội và tâm thần. Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản đặt con người ở vị trí trung tâm để nhận thức sự hài hòa, thống nhất giữa con người nói chung với con người cá thể, cá nhân - nhân cách. Từ đó khẳng định trong tất yếu mãi mãi con người vươn tới tự do, để con người cá nhân - nhân cách tự do phát triển toàn diện, làm điều kiện và tiền đề cho xã hội phát triển toàn diện” [17, tr.1073].
Đánh giá đóng góp của Trần Đức Thảo về bản chất con người, tác giả Trần Văn Phòng và Bùi Phương Thùy trong bài Vấn đề bản chất con người trong quan niệm của Trần Đức Thảo (2015) [80] đã nhận định rằng, dựa trên phương pháp tư duy biện chứng duy vật, ông đã xây dựng nên lý thuyết về con người nói chung, từ đó bảo vệ chủ nghĩa Mác trước những quan niệm siêu hình, duy tâm xung quanh vấn đề con người; làm rõ vấn đề con người chung và con người cụ thể, về bản chất con người bằng các tầng bản chất con người.
Về những hạn chế trong nghiên cứu của Trần Đức Thảo:
Jacinthe Baribeau với bài viết Những luận đề gợi mở của Trần Đức Thảo về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức (in lần đầu năm 1986, dịch lại tiếng việt năm 2016) [3] nhận định rằng, Trần Đức Thảo đã sai lầm khi rũ bỏ hoàn toàn những nghiên cứu trước đây của ông về hiện tượng học, nên những nghiên cứu về triết học nói chung và con người nói riêng của ông có những nét na ná chủ nghĩa hiện sinh của Sartre. Tuy nhiên, do công trình của Trần Đức Thảo khá độc lập với nhân chủng học chính thống, nên cách tiếp cận lý luận cơ bản của ông đã đem tới một số kết quả mới mẻ. Baribeau cho rằng, Trần Đức Thảo gặp những khó khăn trong việc sử dụng một số thuật ngữ thuần túy về sinh lý học thần kinh. Đây là những hạn chế mà các nhà triết học thường gặp phải do lo ngại rơi vào quy giản luận sinh học. Bên cạnh đó, tác giả cho rằng quan điểm về cơ chế di truyền của Trần Đức Thảo mang nhiều yếu tố tư biện thuần túy. Tuy nhiên, Baribeau cho rằng, những đề xuất của Trần Đức Thảo trong công trình này mang tính gợi mở cho các nghiên cứu nhân chủng học về ý thức.
Masoud P. Tochahi trong Nguồn gốc của sự trừu tượng hóa và vấn đề bước chuyển từ sự chỉ dẫn đến ý nghĩa ở Trần Đức Thảo (in lần đầu năm 2012) phân tích và chỉ ra những ưu, nhược điểm trong quan điểm của Trần Đức Thảo khi ông áp dụng quan điểm duy vật biện chứng vào nghiên cứu nguồn gốc của ý thể và hành vi tạo nghĩa. Trần Đức Thảo chưa thể luận giải rõ ràng bước chuyển từ động tác chỉ dẫn được nâng lên cấp độ của ý nghĩa ra sao. Tác giả Tochahi nhận định, ngay khi Trần Đức Thảo thừa nhận sự thiếu hụt trong nghiên cứu này, ông đã đột nhiên kết thúc nghiên cứu của mình trong khi câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp triệt để.
Tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn trong Vấn đề con người trong các công trình của giáo sư Trần Đức Thảo (2018) [12] đã đề cập đến những hạn chế trong các nghiên cứu về con người của Trần Đức Thảo. Các lý giải về việc loài vượn chỉ nhờ có lao động mà trở thành con người là đúng hướng, nhưng chưa đủ sức thuyết phục. Theo sinh học hiện đại, cụ thể là di truyền học, sự biến đổi bộ nhiễm sắc thể của vượn – người bậc cao dưới tác động của các tác nhân đột biến đã tạo nên bước ngoặt quan trọng dẫn đến sự hình thành loài người. Tác giả cho rằng, nếu như Trần Đức Thảo có điều kiện cập nhật các tài liệu mới nhất từ khoa học hiện đại, ông có thể đã đưa ra những lý giải mới về chủ đề này.
1.3.2. Những vấn đề đặt ra đối với luận án
- Tình hình nghiên cứu trên đặt ra một số vấn đề sau:
+ Số công trình nghiên cứu về triết học chung của Trần Đức Thảo là khá phong phú, chủ yếu tập trung nhận định, đánh giá thành công và đóng góp của ông trên chủ đề hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng. Một vài công trình còn nâng triết học của ông thành chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Việc đánh giá cao triết học Trần Đức Thảo còn được thể hiện ở nhiều công trình của các học giả có uy tín nước ngoài càng làm tăng thêm tính khách quan về giá trị và ý nghĩa khoa học trong các công trình nghiên cứu của ông.
+ Lượng tài liệu nghiên cứu về lĩnh vực con người và vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo là không nhiều. Có một số bài tạp chí, tiểu luận, luận văn luận chứng sự quan tâm của Trần Đức Thảo về vấn đề con người, về nội dung và phương pháp nghiên cứu độc đáo của ông. Nhưng tiếc rằng, những chứng minh, những đánh giá đó là chưa nhiều, hơn nữa, chưa thật tập trung, chưa thật bám sát vào những nghiên cứu đặc sắc của ông.
+ Hạn chế rõ nhất của việc nghiên cứu về vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo là chưa có tính hệ thống, còn rời rạc, nghĩa là các bài nghiên cứu chỉ đi từng nội dung, khía cạnh của vấn đề con người - nguồn gốc con người, sự hình thành ngôn ngữ và ý thức, phương pháp nghiên cứu, v.v..
Chính điều đó làm cho người đọc chưa thấy được ý đồ tư tưởng, cách tiếp cận và logic triển khai nội dung có tính hệ thống của ông. Thực tế, Trần Đức Thảo đã nghiên cứu vấn đề con người theo một chủ đích có hệ thống với các khía cạnh, các nội dung rất căn bản và tương đối chặt chẽ, mặc dù thời gian công bố các tác phẩm là không theo trình tự chặt chẽ.
+ Về sự hình thành vấn đề con người ở Trần Đức Thảo, nghiên cứu Tiểu sử tự thuật (nhất là sự chuyển biến hướng nghiên cứu từ hiện tượng học sang chủ nghĩa duy vật biện chứng đến nghiên cứu Con người), nghiên cứu sinh nhận thấy có những tiền đề lý luận và thực tiễn phong phú. Tuy nhiên, việc nghiên cứu của giới triết học về hai tiền đề này chưa đầy đủ, do đó không rõ. Phong trào đấu tranh cho độc lập, tự do của các dân tộc, cho chủ nghĩa xã hội và sự dấn thân của Trần Đức Thảo vào các phong trào đó là tiền đề thực tiễn hết sức quan trọng, nhưng nội dung này chưa được nghiên cứu.
--Để thực hiện mục đích đã đề ra, luận án sẽ tập trung khắc phục những hạn chế và bất cập nêu trên bằng cách:
+ Nghiên cứu vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo một cách hệ thống, làm rõ ý tưởng, các khía cạnh, nội dung của vấn đề con người trong triết học của ông theo một trật tự, cố gắng thể hiện ý đồ và nội dung nghiên cứu của ông.
+ Phân tích, luận giải, chứng minh để khái quát những nội dung chủ yếu của vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo: từ tiền đề hình thành vấn đề con người cho đến sự hình thành và phát triển con người (phẩm chất con người, những đặc điểm, những quy định xã hội, bản chất con người, sự tha hóa và giải tha hóa con người).
+ Nghiên cứu, làm rõ cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu có giá trị, ý nghĩa quan trọng của ông. So sánh, đánh giá kết quả (thành công và hạn chế) từ phương pháp nghiên cứu cho đến sự luận giải các khía cạnh, nội dung trong vấn đề con người của Trần Đức Thảo.
CHƯƠNG 2
NHỮNG TIỀN ĐỀ HÌNH THÀNH VẤN ĐỀ CON NGƯỜI TRONG TƯ TƯỞNG TRẦN ĐỨC THẢO
2.1. Tiền đề lý luận
2.1.1. Triết học phương Tây hiện đại và hiện tượng học Husserl
- Tiếp xúc và lĩnh hội tư tưởng triết học phương Tây hiện đại
Tư tưởng của các trường phái triết học phương Tây hiện đại, trong đó đặc biệt là hiện tượng học Husserl, có thể nói là luồng tư tưởng đầu tiên được Trần Đức Thảo tiếp xúc, chúng có ảnh hưởng và tác động mạnh mẽ tới triết học nói chung của Trần Đức Thảo, là tiền đề lý luận đầu tiên và quan trọng đối với sự hình thành ý tưởng, nội dung, phương pháp nghiên cứu vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo.
Những năm học tập và nghiên cứu, mở ra con đường triết học của Trần Đức Thảo ở Trường Sư phạm cao cấp ở phố Uhm, Paris, Pháp là thời gian hết sức quan trọng để Trần Đức Thảo làm quen và khám phá các tư tưởng Triết học đương đại như: Hiện tượng học Husserl, chủ nghĩa hiện sinh Heidegger, Jean Paul Sartre, Merleau Ponty, v.v.. Năm 1941, Trần Đức Thảo bắt đầu nghiên cứu I.Kant và đặc biệt là Hêghen. Sau đó, với sự chỉ dẫn của Jean Cavaillès (giáo sư đại học Sorbonne, nhà toán học và triết học lừng danh, theo chủ nghĩa xã hội), Trần Đức Thảo chuyển sang nghiên cứu triết học Husserl. Năm 1941 - 1942, Trần Đức Thảo bắt đầu nghiên cứu cho luận văn cao học (chương trình mới) về phương pháp hiện tượng học của Husserl dưới sự hướng dẫn của Cavaillès [Xem 39, tr.75-76].
Cũng trong thời gian này, Trần Đức Thảo tìm hiểu, nghiên cứu hiện tượng học và triết học hiện sinh của các trường phái khác nhau: Ngoài Husserl, Heidegger, Sartre, ông còn nghiên cứu sâu hiện tượng học của A. Kojève - nhà chủ nghĩa hiện sinh vô thần và nhị nguyên luận bản thể; Merleau
- Ponty - người làm thạc sĩ phụ đạo tại trường Sư phạm Paris, luôn mong muốn một sự tổng hợp giữa Husserl, Hêghen và C.Mác; chủ nghĩa cấu trúc mới của Louis Althusser - người sau này phủ nhận vấn đề con người trong triết học Mác; v.v.. Đây là luồng tư tưởng phương Tây hiện đại mà thời kỳ đầu Trần Đức Thảo được tiếp xúc, nghiên cứu và có thể nói là đắm mình trong đó, nó cuốn hút ông khai phá và đồng thời, nó cũng đặt ra cho Trần Đức Thảo nhiều câu hỏi lớn về vấn đề con người, mà về sau ông tìm cách giải đáp.