gán cho con người và ý thức của con người một nguồn gốc siêu nhiên, thủ tiêu con người trong sự hiện hữu tự nhiên của họ và khẳng định họ trong vị thế tồn tại đúng thật, rốt cuộc nghĩa là kẻ sở hữu. Vì kẻ sở hữu muốn độc quyền nên ý thức về sự sở hữu phủ định đối tượng như là hạn định nó vào sự độc quyền của giai cấp thống trị. Một ý khác, tác giả nhận thấy cái độc đáo trong phương pháp tiến hành nghiên cứu tính cảm quan - vận động từ động vật cho đến con người và ý thức con người của Trần Đức Thảo đó chính là sự chồng lợp (imbrication) cực đoan giữa các phản tư về sự sinh triển vật chất và động vật của ý thức với các phản tư về những mô-men của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa.
GS. Daniel J. Herman cũng đánh giá nghiên cứu của Trần Đức Thảo về nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức là “...những đóng góp đặc sắc của Thảo cho các lĩnh vực nhân chủng học, ngôn ngữ học, và tất nhiên là cả triết học” [40, tr.607]. Trong bài Trần Đức Thảo và nửa thế kỷ trầm tư triết học (2016) [40], tác giả này đã khảo sát nhiều công trình của Trần Đức Thảo và đánh giá cao quan điểm về nguồn gốc ý thức của ông: “...ý thức phụ thuộc vào sự phát triển của tiếng nói, mà đến lượt nó, tiếng nói được hình thành bởi lao động của con người trong quá trình phát triển của các điều kiện vật chất - chính những yếu tố đã làm cho lao động cá nhân trở thành lao động xã hội” [40, tr.607].
Nhân dịp GS. Trần Đức Thảo được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, tác giả Phan Ngọc đã viết Về công trình Những nghiên cứu về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức của cố Giáo sư Trần Đức Thảo (2016) [78]. Trong bài viết của mình, học giả Phan Ngọc đã khái quát những nội dung chính liên quan đến nguồn gốc của tiếng nói và ý thức theo quan điểm của Trần Đức Thảo. Ông cho rằng, Trần Đức Thảo đã vận dụng chủ nghĩa Mác để trả lời chính vấn đề hóc búa nhất của triết học là nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ, nơi mà các học thuyết duy tâm đang làm bá chủ. Phan Ngọc cho rằng, nếu như C.Mác và V.I.Lênin có đưa ra nhận xét quan trọng về cách tiếp cận thì Trần Đức Thảo đã tiếp bước nghiên cứu đi sâu hơn. Ông đã sử dụng phương pháp luận của Mác, cụ thể là phương pháp trong bộ Tư bản, để chứng minh giá trị của chủ nghĩa duy vật biện chứng ngay chính trên cơ sở những thành tựu khoa học của thế kỷ XX về khảo cổ học, nhân chủng học, ngôn ngữ học, tâm lý trẻ em, v.v.. nhằm chứng minh quan điểm duy vật biện chứng, cung cấp cách luận giải khoa học, hợp lý nhất cho chúng ta tiếp cận vấn đề ngôn ngữ và ý thức. Tác giả đánh giá cao nghiên cứu của Trần Đức Thảo về quá trình hình thành ngôn ngữ và ý thức, sử dụng phương pháp duy vật biện chứng từng được các nhà khoa
học thế kỷ XX nêu lên nhưng chưa được hệ thống, thậm chí nhường chỗ cho các cách lý giải duy tâm. Phan Ngọc đánh giá cao Trần Đức Thảo trong cách luận giải quá trình hình thành ngôn ngữ và ý thức khi kết hợp cứ liệu của các ngành khảo cổ, tâm lý trẻ em, ngôn ngữ học; hơn nữa, sự luận giải còn có tính hệ thống và thống nhất. Trần Đức Thảo đã phối hợp sự khảo sát các chặng đường của sự hình thành công cụ với sự hình thành ngôn ngữ ở trẻ em để cung cấp cho lý luận của ông những cơ sở cần thiết. Phan Ngọc cho rằng, đóng góp lớn của Trần Đức Thảo ở nghiên cứu này là ông đã chứng minh ưu thế của phương pháp luận mácxít trong các lĩnh vực triết học, khảo cổ, phân tâm, ngôn ngữ học. Quan trọng hơn là Trần Đức Thảo đã cố gắng một mình nghiên cứu trong hoàn cảnh không thuận lợi, xa cách tài liệu thế giới.
Liên quan chủ đề này, học giả Masoud P. Tochahi có bài Nguồn gốc của sự trừu tượng hóa và vấn đề bước chuyển từ sự chỉ dẫn đến ý nghĩa ở Trần Đức Thảo (2017) [129]. Tác giả đánh giá cao sự táo bạo của Trần Đức Thảo khi nghiên cứu vấn đề ngôn ngữ - vấn đề mà Husserl đã tránh phân tích. Bên cạnh đó, tác giả phân tích, đưa ra một số phê phán về một số quan điểm chưa rõ ràng, mang tính chất áp đặt cá nhân của Trần Đức Thảo. Theo Masoud, Trần Đức Thảo khi kết luận vấn đề thì gặp mâu thuẫn trong chính nghiên cứu của mình: “Thú nhận “sự bất cập” trong việc thực hiện đề án phức hợp mà người khéo léo (homo habilis) cần có để cải tiến các công cụ, Trần Đức Thảo đột ngột kết thúc sự nghiên cứu của mình mà vẫn không giải đáp câu hỏi trên, đó là làm thế nào cử chỉ chỉ trỏ với tư cách là nguồn gốc của ý thức và ngôn ngữ biến đổi thành sự biểu thị ý nghĩa” [129, tr.289]. Tuy nhiên, tác giả cho rằng, câu hỏi trên không chỉ là dành riêng cho Trần Đức Thảo, mà là cho toàn bộ triết học duy vật, ngôn ngữ và các ngành liên quan cùng trả lời. Hiện tượng học có cách giải thích về vấn đề trên nhưng cũng không đủ sức thuyết phục tác giả. Masoud đánh giá cao Trần Đức Thảo trong nghiên cứu ngôn ngữ và ý thức, nhưng cũng phê bình Trần Đức Thảo trong việc quá giữ vững niềm tin vào một quan điểm, dẫn đến ngăn cản ông phát triển rộng, khách quan hơn về chủ đề này.
1.2.2. Về bản chất con người, con người chung và con người cụ thể, con người xã hội và con người giai cấp
Có một số công trình đề cập đến bản chất con người, con người xã hội, con người nói chung của Trần Đức Thảo, nhưng phần lớn chúng chỉ được thể hiện dưới dạng giới thiệu hoặc phân tích một cách khái lược, chung chung, lướt qua. Hiện tại
chưa có công trình nào trình bày một cách hệ thống về chủ đề này. Có một số bài đáng quan tâm sau:
Trong Hội thảo của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013, tác giả Bùi Thị Phương Thùy với bài Vấn đề bản chất con người trong tác phẩm Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người của Trần Đức Thảo [124] đã phân tích quan điểm của Trần Đức Thảo về vấn đề bản chất con người thể hiện trong riêng cuốn sách trên ở 4 điểm cơ bản: Phương pháp nghiên cứu bản chất con người của Trần Đức Thảo; Bảo vệ quan điểm triết học Mác về vấn đề bản chất con người; mối quan hệ giữa bản chất con người nói chung và bản chất giai cấp; đấu tranh chống tha hóa con người trong xã hội có giai cấp. Với bài Bản chất con người trong quan niệm của Trần Đức Thảo [74] trong Hội thảo trên, Nguyễn Thị Nga và Ngô Thị Nụ đi sâu tìm hiểu về nghiên cứu bản chất con người có nhiều tầng của Trần Đức Thảo. Tác giả cho rằng, từ việc kết hợp những phương pháp đúng đắn trong nghiên cứu và phân tích, Trần Đức Thảo đã bóc tách các lớp đối tượng, đưa vấn đề bản chất con người ra ánh sáng, chấm dứt mọi sự tranh cãi giữa con người giai cấp và con người nói chung.
Trên Tạp chí Triết học (số 7/2016) có bài Vấn đề nguồn gốc của ngôn ngữ, ý thức và bản chất con người trong triết học Trần Đức Thảo [131] của tác giả Nguyễn Xuân Trung. Bài viết tập trung trình bày ba nội dung. Đầu tiên là quan điểm của Trần Đức Thảo về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức; sau đó là quan điểm về bản chất của con người và cuối cùng, tác giả trình bày giá trị lý luận và thực tiễn trong quan điểm của Trần Đức Thảo về nguồn gốc của ngôn ngữ, ý thức và bản chất con người.
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 1
- Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 2
- Nghiên Cứu Về Nội Dung Vấn Đề Con Người Trong Triết Học Trần Đức
- Triết Học Phương Tây Hiện Đại Và Hiện Tượng Học Husserl
- Chủ Nghĩa Mác Cấu Trúc (Chủ Nghĩa Cấu Trúc Mới) Của Louis Althusser
- Phong Trào Đấu Tranh Cho Độc Lập, Tự Do Của Các Dân Tộc Trên Thế Giới
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
Học giả Lê Nguyên Cẩn trong bài Diễn giải của Trần Đức Thảo về phức cảm Oedipe (2015) [6] đi sâu phân tích một khía cạnh mới, khía cạnh văn hóa trong nghiên cứu bản chất con người của Trần Đức Thảo, đó là phần bi kịch sinh học của người phụ nữ và sự ra đời người chế tác, chỉ những dẫn chứng cho lập luận của Trần Đức Thảo về sự tiến hóa của con người đi từ tự nhiên lên văn hóa. Theo tác giả, cách lý giải của Trần Đức Thảo về phức cảm Ơdipe đã tạo ra một cách tiếp cận khoa học có chiều sâu, cho phép tường minh quá trình đi từ cái con đến cái người, để tái hiện con đường con người vượt lên bản ngã của nó để tự hoàn thiện mình, để xứng đáng mang tầm vóc chủ nhân của nó.
Hai tác giả Cù Huy Chử và Cù Huy Song Hà trong bài viết chung Về hai tác phẩm cuối đời của giáo sư Trần Đức Thảo (2016) [17] nhắc tới chủ đề con người
nói chung, con người cá thể, cá nhân – nhân cách và con người xã hội. Khi phân tích Luận cương thứ VI về Phoiơbắc của Mác, Trần Đức Thảo đã thể hiện sự sáng tạo là khẳng định con người luôn luôn thống nhất trong nó con người nói chung và con người cá thể, cá nhân – nhân cách. Bên cạnh đó, Trần Đức Thảo đặc biệt nhấn mạnh đến tính xã hội của tiếng nói và ý thức, giải nghĩa lại quan điểm “Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy” của Mác.
Viết về vai trò của lao động trong quá trình hình thành nên mặt xã hội của con người trong triết học Trần Đức Thảo, tác giả Trần Ngọc Quang đã có bài Trần Đức Thảo và sự đóng góp của trí tuệ Việt Nam vào tiến trình nhận thức của nhân loại (2016) [82]. Bài viết có đoạn phân tích về nguồn gốc loài người của Trần Đức Thảo. Tác giả tâm đắc với những lập luận của Trần Đức Thảo về khoảng khắc mà Vượn người trở thành Con người trùng khớp với quá trình chế tác dụng cụ thành công cụ: “Chính ở nút thắt này, Trần Đức Thảo đã chỉ ra sự khác biệt độc đáo lớn lao đầy sống động giữa dụng cụ (mang tính cá nhân) và công cụ (mang tính tập thể – xã hội). Quá trình nhân hóa tự nhiên thông qua lao động là cách thức mà vật chất trở nên có một đời sống, và qua đó hình thành giá trị con người. Từ đó, con người đã làm nên lịch sử. Cho nên, quá trình đi từ thú tính đến nhân tính rồi sang sử tính là một chứng minh dựa trên căn cứ của nhân chủng học tiền sử, được phối hợp với các cặp phạm trù của biện chứng pháp duy vật cùng biện chứng pháp duy tâm” [82, tr.763].
Bàn về bản chất con người, con người chung và con người riêng, có một số bài đáng quan tâm. Bài viết Vấn đề con người trong các công trình của giáo sư Trần Đức Thảo (2018) [12] của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn là một bài viết tổng quát về những đóng góp của Trần Đức Thảo về vấn đề con người. Tác giả ca ngợi Trần Đức Thảo trong điều kiện sống khó khăn nhưng vẫn hết mực cống hiến cho khoa học. Bằng những tri thức tìm được từ sinh học, tâm lý học, Trần Đức Thảo đã đưa ra những tác phẩm nghiên cứu từ vấn đề nguồn gốc con người; sự phát triển của hệ thần kinh; những đóng góp trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, v.v.. Tác giả cho rằng, nếu Trần Đức Thảo có nguồn tài liệu phong phú hơn thì cống hiến của ông sẽ còn lớn hơn nữa.
1.2.3. Về con người tha hóa và giải tha hóa con người
Bản tham luận của tác giả Đào Thị Nhung với nhan đề Vấn đề tha hóa con người trong triết học Trần Đức Thảo (2013) [79] đã khái quát một cách sơ lược quan điểm về tha hóa con người của các nhà triết học trong lịch sử, cụ thể là Hêghen và C.Mác. Từ đó tác giả phân tích quan điểm về vấn đề tha hóa, nguyên
nhân của nó và con đường giải tha hóa con người trong xã hội. Tác giả tóm lược Trần Đức Thảo bàn về sự tha hóa con người trong xã hội tư bản chủ nghĩa, trong xã hội xã hội chủ nghĩa rồi đi đến giải tha hóa theo hai con đường là xóa bỏ tàn tích của chế độ xã hội cũ và hai là xây dựng thành công chế độ xã hội chủ nghĩa.
Học giả Michel Espagne cũng dành một phần quan trọng của bài viết Từ hiện tại sống động đến vận động hiện thực, chủ nghĩa Mác và sự chuyển giao văn hóa ở Trần Đức Thảo (2016) [30] để bàn về chủ đề tha hóa. Michel cho rằng Trần Đức Thảo trong quá trình chuyển hướng mácxít đã làm xuất hiện lại một quan điểm về sự tha hóa, là thứ “...đã được giải quyết trong chính kết quả của lao động khoa học, tức là con người nhận ra chính mình trong giới tự nhiên mà mình xuất hiện ra như là mô-men tối cao” [30, tr.354].Theo tác giả, Husserl sau này cũng có quay lại khái niệm “sự tha hóa” nhưng cũng chỉ là người đến sau. Tác giả nhận định đối với Trần Đức Thảo, sự tha hóa của ý thức là sự hấp thụ sức lao động vào trong tiến trình vận động của tư bản. Tư tưởng đó cũng tương ứng với chủ nghĩa Mác cổ điển, nhưng sự giải phóng vẫn là một hiện tượng gắn liền với khoa học và ý thức: “Trong tính phổ biến hiện thực của xã hội cộng sản ...chấm dứt sự tha hóa là cái đã tước mất của con người sự vui hưởng đời sống hiện thực, và ý thức nhận ra được chính mình trong sự hiện hữu tự nhiên của nó, ở đó mọi tồn tại đều coi mình là một giá trị vô hạn, vì ý thức là bản thân giới tự nhiên trong sự trở thành - người” [30, tr.354].
Trong bài Sự chuyển biến tư tưởng của Trần Đức Thảo, từ Sartre đến Fanon (2016) [89], học giả Perrine Simon - Nahum bàn đến nguồn gốc quan điểm về sự tha hóa con người của Trần Đức Thảo. Bài viết tập trung vào hai nhánh chính: 1/ Sự ảnh hưởng của Trần Đức Thảo đến Franz Fanon - một học trò của Merleau Ponty; 2/ Trần Đức Thảo là một chiến sĩ chống chủ nghĩa thực dân. Trong bài viết, tác giả đề cập tới Merleau Ponty đã dành luận án của mình với nhan đề Da đen/ Mặt nạ trắng (Peau noire, masques blancs) cho vấn đề về sự tha hóa được tiếp cận từ quan điểm y học, đồng thời từ cả quan điểm xã hội và chính trị. Luận án có đề cập tới một câu hỏi “Làm sao người da đen có thể về lại với chính mình để sống trong sự đích thực của mình?” - làm nền tảng cho việc Fanon thực hành việc chữa trị bằng phân tâm học, đóng góp một vai trò trung tâm trong việc định nghĩa sự tha hóa (aliénation) [Xem 89, tr.330]. Vậy việc Trần Đức Thảo viết về sự tha hóa và giải tha hóa con người trong các nghiên cứu sau này có khi nào lấy một chút nguồn cảm hứng từ câu chuyện của Fanon không?
Hội thảo Trần Đức Thảo và triết học ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XX - một vài nghiên cứu so sánh [21] tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn -
Đại học quốc gia Hà Nội năm 2017 có bài Một số vấn đề về phương pháp luận và nội dung nghiên cứu lịch sử tư tưởng tôn giáo của giáo sư Trần Đức Thảo (Qua tác phẩm Lịch sử tư tưởng trước Mác) [43] của tác giả Mai Quang Hiện. Bài viết đề cập tới những cống hiến của Trần Đức Thảo về tư tưởng triết học về tôn giáo thông qua tập bài giảng Lịch sử tư tưởng trước Mác [104], trong đó có một số nội dung đề cập tới vấn đề tha hóa. Theo tác giả, Trần Đức Thảo cho rằng mê tín dị đoan chính là một hiện tượng tha hóa, sự tha hóa đã có từ xã hội nguyên thủy. Từ đây tác giả cũng đưa ra những phân tích của Trần Đức Thảo về hiện tượng tha hóa này qua các thời kỳ khi mà đạo giáo còn chiếm vị trí lớn. Bài viết chỉ ra những đóng góp lớn của Trần Đức Thảo trong triết học Việt Nam cũng như thế giới. Ông không những là một trong những người tiên phong trong nghiên cứu lịch sử triết học Mác, mà còn cả về lịch sử tư tưởng tôn giáo.
Cũng trong hội thảo này, tác giả Nguyễn Minh Hoàn và tác giả Bùi Thị Phương Thùy cũng nhắc tới quan điểm tha hóa của Trần Đức Thảo trong bài viết Vấn đề con người trong quan niệm của Trần Đức Thảo [47]. Hai tác giả đề cập tới việc đấu tranh chống tha hóa con người trong xã hội có giai cấp cần giải quyết từ bề sâu mỗi con người. Ở trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tha hóa không phải toàn diện nên chúng ta có thể chống tha hóa bằng việc đưa con người trở lại nguồn gốc bản chất con người với những giá trị và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là đấu tranh giai cấp. Bài viết gợi mở về vấn đề xây dựng con người trong thời đại mới theo quan điểm của Trần Đức Thảo.
Trong bài Vận dụng cách tiếp cận của Giáo sư Trần Đức Thảo để nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa bản chất con người và bản chất giai cấp (2017) [54], tác giả Phạm Thị Hương bàn về nghiên cứu bản chất con người và tha hóa con người của Trần Đức Thảo. Tác giả đánh giá cao Trần Đức Thảo trong việc làm rõ thêm logic của chủ nghĩa Mác về nội dung bản chất con người và tha hóa con người. Trong Triết gia Trần Đức Thảo - di cảo, khảo luận, kỉ niệm [60], Trần Ngọc Quang cũng đề cập tới vấn đề này trong Trần Đức Thảo và sự đóng góp của trí tuệ Việt Nam vào tiến trình nhận thức của nhân loại [82]. Tác giả cho rằng, lý do Trần Đức Thảo viết về sự tha hóa là do nhìn thấu được những nguyên nhân sâu xa và hậu quả khôn lường của sự tha hóa nhân cách con người trong tiến trình lịch sử từ nguồn gốc tiến hóa Loài: “...Trần Đức Thảo đã chỉ ra được những sai lầm triết học “chết người” và sự sa đoạ nhân cách ngay từ trên chín tầng cao của thượng tầng kiến trúc xã hội” [60, tr.766]. Trần Đức Thảo tìm cách
cảnh báo cho mọi người về một mô hình xã hội trong tương lai, mà ngay cả giới trí thức tinh hoa cũng có thể bị lưu manh hóa.
Một số bài viết khác trong tập kỷ yếu này như Trần Đức Thảo và Karl Popper: Những cách tiếp cận chủ nghĩa Mác [53] (Bùi Lan Hương); Những hy vọng của một thế hệ: Trần Đức Thảo và những công trình xuất bản bằng tiếng Pháp của ông [140] (Nicolas de Warren) có nhắc tới quan điểm tha hóa của Trần Đức Thảo. Các tác giả này phân tích, chỉ rõ quan niệm về con người tha hóa của Trần Đức Thảo, đồng thời chỉ ra một số điểm về sự kế thừa chủ nghĩa Mác của ông về con người tha hóa và giải tha hóa con người.
1.3. Nghiên cứu về thành công và hạn chế của Trần Đức Thảo và những vấn đề đặt ra đối với luận án
1.3.1. Về thành công và hạn chế
Về những thành công trong nghiên cứu của Trần Đức Thảo: Có nhiều học giả phương Tây đánh giá Trần Đức Thảo với tư cách một triết gia giỏi và họ cho rằng, hiện tượng học của ông sánh ngang các tác giả tiêu biểu phương Tây. Tuy nhiên ở Việt Nam, cho đến nay, có nhiều quan điểm khác nhau, thậm chí trái chiều nhau, Trần Đức Thảo là một triết gia nổi tiếng của Việt Nam hay của phương Tây ? Thành tựu và đóng góp cho phát triển triết học của ông ở tầm cỡ nào ? Đa số các nghiên cứu ở Việt Nam cho rằng, Trần Đức Thảo là nhà triết học lớn của Việt Nam, đóng góp lớn không chỉ trong hiện tượng học, mà cả cho Triết học mácxít. Có một số ý kiến cho rằng, Trần Đức Thảo chủ yếu đóng góp về hiện tượng học, còn chủ nghĩa duy vật biện chứng ở ông chỉ là thuyết minh và vận dụng vào nghiên cứu vấn đề con người.
Nghiên cứu, đánh giá thành công, hạn chế trong nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo có thể nói là không nhiều và thiếu tập trung. Các bài viết đánh giá cao tính độc đáo, tính sáng tạo trong cách đặt vấn đề, cách xác định nội dung và đặc biệt là phương pháp tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, giải quyết vấn đề. Những bài viết tiêu biểu về đánh giá thành quả nghiên cứu của Trần Đức Thảo phải kể đến:
Đánh giá Trần Đức Thảo với tư cách một triết gia, GS. Trần Văn Giàu viết: “Nói về phương diện tư tưởng triết học thì anh Thảo là người suy nghĩ sâu sắc, có những vấn đề anh đóng góp cho Châu Âu chứ không phải chỉ đóng góp cho xứ mình mà thôi... Mình không có truyền thống triết học, nếu có thể nói có một nhà triết học thì... người đó là Trần Đức Thảo.” [34].
Hội thảo Hành trình Trần Đức Thảo: Hiện tượng luận và chuyển giao văn hóa tổ chức ở Paris (năm 2012), do chính Đại học Ecole Normale - ngôi trường mà
Trần Đức Thảo theo học chủ trì. Hội thảo thu hút nhiều bài tham luận và những phát biểu của các học giả có tiếng như Jocelyn Benoist, Michel Espagne, Giovannangeli, Daniel Hemery, Simon Nahum, Jérôme Melancon, v.v.. [4]. Các tác giả bàn luận lại về công lao của Trần Đức Thảo trong đóng góp hiện tượng học Husserl nói riêng và triết học thế giới nói chung. Một số bài viết so sánh Trần Đức Thảo với các nhà hiện tượng học tên tuổi như Meleau Ponty và Jacques Derrida. Đó là báo cáo của giáo sư Claude Imbert – giảng viên Trường Sư phạm cao cấp Paris với tên Jean Cavaillès, Maurice Merleau-Ponty, Trần Đức Thảo: Ba nhà triết học ra trường trong những năm 1940, chỉ ra những điểm khác biệt trong quan điểm của Trần Đức Thảo về hiện tượng học với hai đồng môn kia. Bên cạnh đó, bài viết Husserl giữa Trần Đức Thảo và Derrida của Daniel Giovannageli (GS. triết học Đại học Liège - Bỉ) nêu lên sự khác biệt trong hướng phân tích hiện tượng học của Trần Đức Thảo với những người cùng thời là Derrida, Riccoeur, Lyotard, v.v.. Ngoài ra, ở bài viết Chống chủ nghĩa thực dân và li khai: Trần Đức Thảo và tạp chí Thời đại mới, tác giả Melancon đề cập tới mối quan hệ giữa triết học và chính trị – xã hội của Trần Đức Thảo, tác động quan trọng của ông tới nội dung chống thực dân của tạp chí Les Temps Modernes những năm 1946 – 1948, v.v..
Hiện tại, nội dung hội thảo đã được dịch sang tiếng việt và biên tập thành sách mang tên Hành trình của Trần Đức Thảo: Hiện tượng học và chuyển giao văn hóa (2016) [4]. Đây là nguồn tài liệu mang tính khách quan do các bài viết đều do giới học giả nước ngoài viết. Thêm nữa, cuốn sách có hàm lượng tri thức lớn cùng chuyên môn cao, hứa hẹn sẽ cung cấp căn cứ khoa học thuyết phục cho việc chứng minh đóng góp triết học của Trần Đức Thảo.
Đánh giá cao việc lựa chọn vấn đề con người làm đối tượng nghiên cứu, học giả Cù Huy Chử cho rằng, Trần Đức Thảo là người có công phát triển chủ nghĩa duy vật biện chứng lên mức chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Một số tác giả khác cũng đánh giá cao bản chất nhân văn trong triết học Trần Đức Thảo như Lê Văn Đoán, Nguyễn Thị Thanh Mai, Đinh Thanh Xuân, v.v.. Các tác giả này đánh giá cao quá trình nhận thức, chuyển hóa tư tưởng của Trần Đức Thảo từ hiện tượng học sang chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản, và cuối cùng lựa chọn vấn đề con người như một đối tượng nghiên cứu triết học quan trọng nhất.
Tác giả Lê Văn Đoán trong bài viết Trần Đức Thảo - con đường đến với chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản (2015) [26] đã nêu nguyên nhân cơ bản Trần Đức Thảo đến với triết học nhân văn là xuất phát từ lòng yêu nước, khát