uyên bác (Nguyễn Văn Độ), v.v.. Một số bài thể hiện sự chia sẻ của các tác giả với triết gia Trần Đức Thảo: Xót xa suy nghĩ về một tài năng triết học lỗi lạc (Trường Giang), Người chiến binh của niềm hy vọng (Nguyễn Quyến), Trần Đức Thảo - một đời người (Trần Đạo), Chuyện ít người biết về người phụ nữ phía sau hai trí thức nổi tiếng triết gia Trần Đức Thảo và nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện (Trần Ngọc Hà), v.v..
Năm 2013, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của Trần Đức Thảo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã tổ chức hội thảo về Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo, thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, các giảng viên, giáo viên đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, đặc biệt có sự góp mặt của một số học giả quốc tế. Hội thảo có một Kỷ yếu [23] tập hợp các báo cáo tham luận của những học giả tham gia viết bài. Tới năm 2015, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật đã ấn hành cuốn sách Tư tưởng triết học và giáo dục của Trần Đức Thảo [24], chọn lọc những bài có chất lượng, chia làm 3 chương chính: Con người và sự nghiệp; Tư tưởng triết học Trần Đức Thảo; Các lĩnh vực khoa học khác trong tư tưởng Trần Đức Thảo.
Cuốn sách tập hợp bài của Hội thảo nêu trên (2015), có một số bài tập trung về chủ đề này. Có thể kể đến các bài tiêu biểu: Giáo sư Trần Đức Thảo sống mãi với quê hương đất nước [58] do Nguyễn Tuấn Khang (Bí thư Đảng ủy phường Châu Khê, Thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) phác thảo khái quát về con người Trần Đức với những phẩm chất và thiên hướng tư tưởng triết học nảy nở từ sớm. Tác giả chứng minh những thành công triết học của Trần Đức Thảo được hun đúc từ truyền thống yêu nước, yêu quê hương, truyền thống dòng họ, gia đình, đặc biệt là những tư chất thông minh của bản thân con người Trần Đức Thảo. Bài viết Trần Đức Thảo
- một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi [11] của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn tập trung khắc họa chân dung và nhân cách của triết gia Trần Đức Thảo, là một nhà khoa học, một trí thức dám dấn thân, vượt qua các khó khăn để theo đuổi chân lý. Tác giả khẳng định rằng, sự nghiệp và nhân cách của Trần Đức Thảo sau cùng đã được vinh danh, dù có hơi muộn màng.
Một số bài viết, ở góc độ này hay góc độ khác, chứng minh những nét nhân văn của con người, của dân tộc, truyền thống dòng họ, gia đình; tình thương yêu con người; phẩm chất thông minh, ham hiểu biết, chất trí tuệ và tinh thần khát khao khám phá chân lý trong bản chất con người Việt Nam, v.v.. như là những giá trị cốt lõi nhất tạo nên những phẩm chất và tinh thần con người Trần Đức Thảo. Chúng là nền tảng định hướng tính cách và hành động vì con người của triết gia này. Những
phẩm chất, tình cảm, trí tuệ, tính cách nhân văn đó được các nghiên cứu chứng minh rằng, đó chính là nguồn tư tưởng thường trực trong con người ông để sau này, trước những diễn biến thời cuộc, Trần Đức Thảo tìm đúng hướng triết học của ông là nghiên cứu con người. Nội dung đó thể hiện ở các bài: Biển quê hương dạt dào và trầm tư triết học (2014) [14] của tác giả Cù Huy Chử; Nhớ thầy Trần Đức Thảo
– một triết gia thông thái, một nhân cách đẹp (2015) [28] của GS. Hà Minh Đức;
Trần Đức Thảo – một nhân cách, một nhà triết học tư duy không mệt mỏi (2015)
[11] của GS. Nguyễn Trọng Chuẩn, v.v..
Cơ sở thực tiễn làm nền tảng cho hướng nghiên cứu con người của Trần Đức Thảo thể hiện đậm nét trong những nghiên cứu về con người, cuộc đời và sự nghiệp khoa học của ông. Ở góc độ này, các công trình dều khẳng định tư chất và trí thông minh, tinh thần ham hiểu biết và niềm say mê khoa học, tinh thần tìm tòi sáng tạo, sự thành đạt trong học tập, nghiên cứu và sáng tạo khoa học triết học sau này của Trần Đức Thảo. Về nội dung này phải kể đến các bài viết sau:
Có thể bạn quan tâm!
- Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 1
- Vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo - 2
- Về Bản Chất Con Người, Con Người Chung Và Con Người Cụ Thể, Con Người Xã Hội Và Con Người Giai Cấp
- Triết Học Phương Tây Hiện Đại Và Hiện Tượng Học Husserl
- Chủ Nghĩa Mác Cấu Trúc (Chủ Nghĩa Cấu Trúc Mới) Của Louis Althusser
Xem toàn bộ 177 trang tài liệu này.
Trần Đức Thảo – Nhà triết học (1993) [34] (GS Trần Văn Giàu), Người lữ hành vất vả [123] (Nguyễn Đình Thi); Cách cho của giáo sư Trần Đức Thảo [41] (Hoàng Ngọc Hiến), v.v.., - các bài viết đều ca ngợi phẩm chất và cá tính đẹp của con người Trần Đức Thảo, nhưng trong đó quan trọng nhất là đã phác họa và khẳng định những phẩm chất, năng lực và tinh thần triết học, đánh giá cao ý chí của một cuộc đời chỉ đam mê sáng tạo khoa học, ngay cả trong khi gặp khó khăn, trở ngại; thể hiện một con người chỉ vì khoa học, tìm kiếm và bảo vệ chân lý. Với bài Vị triết gia ngơ ngác giữa đời thường (2006) [46], nhà văn Tô Hoài viết về những cuộc gặp gỡ của mình với Trần Đức Thảo, ở đó ông khắc họa Trần Đức Thảo như một người sống giản dị, có lối sống không ngại ánh mắt đánh giá của người đời. Ông khẳng định rằng, chính nhân cách và niềm đam mê theo đuổi chân lý khoa học đã giúp nhà triết học giản dị này vượt qua những dị nghị đời thường và kiên trì định hướng nghiên cứu về con người. Trong bài Trần Đức Thảo – cuộc đời và triết học (2015)
[136] tác giả Nguyễn Đình Tường làm rõ các mốc sự kiện quan trọng trong cuộc đời Trần Đức Thảo cũng như các công trình chính của ông, chứng minh cuộc đời Trần Đức Thảo là cuộc đời của một nhà triết học chân chính, một trí thức giàu lòng yêu nước, kiên nhẫn đấu tranh bảo vệ các quan điểm triết học mácxít và vận dụng triết học mácxit vào thực tiễn Việt Nam. GS. Hà Minh Đức với bài Nhớ thầy Trần Đức Thảo – một triết gia thông thái, một nhân cách cao đẹp (2015) [28], ngợi ca nhân cách của nhà triết học lớn Trần Đức Thảo. Dù cuộc đời gặp nhiều bất trắc
nhưng nhà triết học vẫn lặng lẽ chịu đựng, theo đuổi nghiên cứu khoa học tới cùng. Với tư cách nhân chứng lịch sử, tác giả đã khẳng định Trần Đức Thảo không chỉ có một tầm vóc trí tuệ lớn mà còn có một nhân cách cao đẹp.
Nhìn chung, những bài viết trên đã đặt trọng tâm vào việc làm rõ sự hình thành tính cách, phẩm chất con người của triết gia này, cũng như đưa ra một số lý do và cơ sở thực tiễn khiến Trần Đức Thảo cuối cùng chọn vấn đề con người làm đề tài nghiên cứu. Nội dung và tinh thần chung của các bài viết là ca ngợi Trần Đức Thảo - một con người thông minh xuất chúng, một tài năng triết học với tư duy sắc sảo, một con người phương Đông với đời sống khó khăn đã tiếp thu tri thức khoa học hiện đại ở châu Âu, đã thành công và nổi tiếng trong triết học hiện tượng luận, trở thành một nhà triết học ngang tầm các nhà triết học châu Âu và thế giới. Sau cùng, ông lựa chọn triết học duy vật biện chứng mácxít và cũng gặt hái không ít thành quả trong nghiên cứu về con người.
Yếu tố thực tiễn tạo nên bước chuyển triết học Trần Đức Thảo từ hiện tượng học sang tham gia chính trị - xã hội, từ đó nghiên cứu vấn đề con người, có bài đáng quan tâm là Sự chuyển biến tư tưởng của Trần Đức Thảo từ Sartre đến Fanon (2016) [89] của Perrine Simon-Nahum. Bài viết phân tích ảnh hưởng của Trần Đức Thảo trong giai đoạn 1945-1950 đối với Jean Paul Sartre và Franz Fanon. Đây là khoảng thời gian mà Trần Đức Thảo đặt vấn đề thuộc địa vào trung tâm của một chất vấn triết học, song hành cùng với việc tham gia vào cuộc chiến chống thực dân trước khi tiếp cận chủ nghĩa Mác. Tác giả nhận định: “Thật vậy, các bài viết của Trần Đức Thảo xuất hiện như một bản án trực tiếp và dứt khoát đối với chính sách xâm lược và vị trí của Pháp tại Đông Dương. Bản án chống lại cường quốc thực dân này không mấy khó khăn khi dựa trên những sai lầm của một nền chính trị vừa vụng về vừa thiếu sự cân nhắc cẩn thận” [89, tr.318].
Những nghiên cứu nêu trên, dù trực tiếp hay gián tiếp, một mặt phản ánh thực chất con người Trần Đức Thảo về nhân cách, tài năng, ý chí và bản lĩnh không ngừng tìm kiếm chân lý triết học – triết học khoa học, triết học đời sống, triết học con người; mặt khác, là nguồn tư liệu sống động thể hiện khía cạnh thực tiễn đối với sự hình thành hướng nghiên cứu vấn đề con người của ông sau này.
Về tiền đề thực tiễn của sự hình thành vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo còn có một nguồn tư liệu phong phú và quan trọng, nhưng chưa được giới nghiên cứu về ông quan tâm khai thác. Đó là đời sống chính trị - xã hội của thế giới ở châu Âu nói chung, ở Pháp nói riêng thời kỳ sau Thế chiến I, khi Trần Đức
Thảo học tập và nghiên cứu tại Pháp, đặc biệt là thời kỳ ông trở về Việt Nam tham gia kháng chiến, là những năm đầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc Việt Nam.
Chúng ta đều biết, tư tưởng được hình thành từ đời sống hiện thực. Sự chuyển hướng nghiên cứu triết học nói chung của Trần Đức Thảo và sự chuyển sang nghiên cứu vấn đề con người nói riêng của ông không chỉ có được từ truyền thống nhân văn của dân tộc, của quê hương, dòng họ và phẩm chất con người Trần Đức Thảo. Một mảng đời sống hiện thực quan trọng của quá trình hình thành tư tưởng và sự chuyển hướng lựa chọn nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo là:
Thứ nhất, phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do của nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là của nhân dân Việt Nam thời bấy giờ;
Thứ hai, thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các nước đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sau Cách mạng Tháng Mười Nga với sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Có thể nói, cùng với tiền đề lý luận, đặc biệt là lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin với phép biện chứng duy vật đã đem đến cho Trần Đức Thảo quan điểm triết học về con người (mà một số nghiên cứu cho rằng, triết học Trần Đức Thảo là triết học duy vật biện chứng nhân bản [26]), thì sự vận động của đời sống chính trị - xã hội, nhất là phong trào đấu tranh của nhân loại cho những giá trị nhân văn, phát triển và tiến bộ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội là định hướng lớn cho sự lựa chọn nghiên cứu vấn đề con người của Trần Đức Thảo. Đây là mảng thực tiễn hết sức quan trọng của sự hình thành quan điểm về vấn đề con người của Trần Đức Thảo. Rất tiếc, nội dung này chưa được quan tâm nghiên cứu.
Về tiền đề thực tiễn hình thành vấn đề con người trong triết học Trần Đức Thảo không thể không nói đến tình huống đặc biệt trong cuộc đời ông. Việc ông bị quy tham gia “Nhân văn giai phẩm” có thể nói là một tình huống nghiệt ngã, thách thức bản lĩnh khoa học và thách thức nhân cách cao đẹp của ông. Một số bài viết ngợi ca tầm tư tưởng triết học vượt trước và sự trong sáng trong khoa học của ông, dẫn tới những trắc trở trên con đường sự nghiệp và cuối cùng ông phải nhận “một bi kịch”. Sau sự kiện “Nhân văn giai phẩm”, ông gần như mất tất cả, sống phần còn lại của cuộc đời trong khó khăn, tách biệt, cô đơn. Tuy nhiên, ông đã vượt lên, vẫn bình thản nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến. Sự bình thản tận hiến trong tình cảnh
bi đát đó càng làm nổi bật lên ở ông một nhân cách đáng trân trọng: trong ông luôn rực cháy ngọn lửa đam mê khoa học, tìm kiếm thông tin từ những nguồn tài liệu ít ỏi và vẫn tiếp tục viết sách. Tới những năm cuối đời, ông vẫn không ngừng nghiên cứu và công bố những tác phẩm có giá trị. Tiếc rằng, Trần Đức Thảo đã ra đi khi một số công trình chưa kịp hoàn thành.
1.2. Nghiên cứu về nội dung vấn đề con người trong triết học Trần Đức
Thảo
1.2.1. Về sự hình thành con người, hình thành ngôn ngữ và ý thức
Các nghiên cứu về quá trình tiến hóa từ con vật thành con người, sự hình
thành những tố chất người đầu tiên, sự hình thành ngôn ngữ và ý thức được Trần Đức Thảo tập trung viết sau khi về Việt Nam. Chủ đề này thu hút nhiều cuộc hội thảo, bài tạp chí, tiểu luận, của giới nghiên cứu trong và ngoài nước:
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Mai trong bài Chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản của Trần Đức Thảo qua tác phẩm Sự hình thành con người (2013) [64] đánh giá Trần Đức Thảo đã nhìn nhận con người ở nhiều khía cạnh, đa chiều, đa phương diện, mang tính cách mạng, điều này đã khắc phục được tính chất phiến diện, siêu hình của các triết thuyết trước đó. Tác giả cho rằng, Trần Đức Thảo đã làm sáng tỏ hơn những nội dung cơ bản của phép biện chứng duy vật trong nghiên cứu vấn đề con người - xã hội; đánh giá cao việc Trần Đức Thảo sử dụng những cứ liệu thời hiện đại để đưa ra những dẫn chứng cụ thể về sự phát triển của hệ thần kinh từ các động vật bậc thấp đến động vật bậc cao, về sự phát triển loài người và xã hội loài người từ cổ đại tới trung đại, cận đại và hiện đại. Bài viết cũng nêu lên sự khác biệt giữa phương pháp phân tích dẫn chứng của Trần Đức Thảo và C.Mác.
Tác giả Nguyễn Thái Sơn trong bài Về lời nói đầu tác phẩm Sự hình thành con người của Trần Đức Thảo (2015) [91] đã phân tích, đề cập tới sự phát triển của lịch sử loài người của Trần Đức Thảo, phát triển theo quan điểm vật chất có trước, tinh thần có sau, tinh thần tác động trở lại vật chất; hay nói cách khác là tự nhiên là cái có trước, lịch sử tự nhiên phát triển tạo ra lịch sử xã hội, con người. Tác giả tóm lược những đóng góp của Trần Đức Thảo qua việc mở rộng, đi sâu, phân tích biện chứng của lịch sử loài người, diễn đạt thành công quan điểm thực tiễn của Mác về mối quan hệ sở hữu tập thể nguyên thủy và cộng đồng nguyên thủy.
Trong bài Giáo sư Trần Đức Thảo với các vấn đề lịch sử (2016) [15], học giả Cù Huy Chử đã tóm lược một số ý của Trần Đức Thảo về quan điểm sự hình thành con người. Từ thông tin trong bức thư mà Trần Đức Thảo hồi âm cho giáo
sư Lucien Sève (năm 1990), tác giả đưa đến kết luận rằng, theo Trần Đức Thảo thì nguồn gốc của loài người xuất phát từ tập đoàn động vật Vượn người, nhưng đó là một giống loài xuất hiện trong một điều kiện lịch sử nhất định mà giờ không còn nữa. Khi loài vượn người biết chế tạo công cụ để sử dụng thay cho dụng cụ tự nhiên thì hệ thần kinh phát triển thành hệ tâm thần, phát triển âm hiệu và chỉ hiệu đặc thù đưa đến sự hình thành tiếng nói và ý thức. Theo quan điểm này thì mặc dù loài Vượn người đã tiến hóa thành loài người hiện không còn nữa, nhưng loài Vượn người đó vẫn có những điểm tương đồng với các loài khỉ cao cấp và tinh tinh ngày nay. Vì thế Trần Đức Thảo cho rằng chúng ta vẫn có thể quan sát và nghiên cứu thông qua những loài khỉ, tinh tinh này để có những kết luận về quá trình tiến hóa loài người.
GS. Daniel J. Herman (người chuyển dịch các công trình của Trần Đức Thảo sang tiếng Anh), trong bài Trần Đức Thảo và nửa thế kỷ trầm tư triết học, 2016 [40], khi nghiên cứu về lịch sử hình thành con người gắn liền với tiến trình phát triển năng lực chế tác công cụ lao động con người của Trần Đức Thảo, đã cho rằng, “Đối với Trần Đức Thảo, nguồn gốc con người, cụ thể là khoảnh khắc mà người Vượn trở thành Con người, trùng khớp với quá trình chế tác dụng cụ thành công cụ [40, tr. 608].
Trong Đề tài khoa học Trần Đức Thảo lĩnh hội triết học Mác (2019) [51], tác giả Đỗ Minh Hợp đã phân tích một cách sáng rõ quan điểm của Trần Đức Thảo về quá trình hình thành con người. Tác giả đã phân tích sâu khía cạnh về sự chuyển hóa và hình thành con người trên hai góc cạnh: a/ Cách tiếp cận duy vật khoa học tự nhiên với con người và b/ Cách tiếp cận lịch sử văn hóa xã hội với con người. Bàn về cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, tác giả đưa ra một số nhận xét về việc Trần Đức Thảo sử dụng phương pháp duy vật biện chứng để lý giải nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức, nguồn gốc vật chất của sự hình thành ý thức, từ đó khái quát quan niệm về bản chất ý thức của Trần Đức Thảo.
Tư tưởng về sự hình thành ngôn ngữ và ý thức được Trần Đức Thảo thể hiện trong công trình Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức; và đây là công trình được nhiều học giả nghiên cứu từ nhiều góc độ. Trên tạp chí La Pensée, tác giả Silvia Federici với bài viết “Viet Cong Philosophy: Tran Duc Thao” (Triết lý Việt Cộng: Trần Đức Thảo) (1970), đã đánh giá cao tư duy triết học Trần Đức Thảo thông qua phân tích sự độc đáo trong luận giải về quan hệ giữa ngôn ngữ và ý thức của triết gia Việt Nam; sau đó trên Tạp chí Telos [143], tác giả này đã bình luận, phân tích,
làm rõ những đóng góp của Trần Đức Thảo trong việc nghiên cứu động tác chỉ dẫn và ý thức cảm quan.
Với bài Trần Đức Thảo và cuốn Những nghiên cứu về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức (xuất bản lần đầu năm 1996, in lại năm 2016) [125], tác giả Đỗ Lai Thúy đã đánh giá tác phẩm Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức là một đóng góp triết học quan trọng của Trần Đức Thảo. Bởi theo tác giả, công trình này đã luận giải một cách sâu sắc tư tưởng lớn về vấn đề con người, đó là ý thức bắt nguồn từ đâu và có từ bao giờ. Trần Đức Thảo lý giải một cách độc đáo câu hỏi này theo hai con đường: Một là qua cử chỉ và ngôn ngữ ở trẻ nhỏ và hai là qua những tư liệu về người tiền sử. Cả hai phương pháp đó bổ trợ cho nhau, làm sợi chỉ chính xuyên suốt và bện ba phần nghiên cứu của Trần Đức Thảo thành một công trình hoàn chỉnh.
Hội thảo về Trần Đức Thảo do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2013 [23] cũng có một số bài viết về chủ đề nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức: Tác giả Nguyễn Thái Hòa với bài Đọc lại cuốn “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức” của Giáo sư Trần Đức Thảo [44] đã nhận định: 1) Trần Đức Thảo đã phát triển, mở rộng luận điểm về cội nguồn của ý thức và ngôn ngữ. 2) Ý thức và ngôn ngữ bắt nguồn từ hoạt động xã hội tính của con người. Từ đó, Trần Đức Thảo diễn giải sự hình thành và phát triển của ngôn ngữ và ý thức nhân loại, lý giải một cách thuyết phục “hạt nhân hợp lý” của học thuyết Freud. Tác giả Phạm Thị Quỳnh trong bài Cách tiếp cận của Trần Đức Thảo về cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức cho rằng, công trình của Trần Đức Thảo được giới học giả quốc tế đánh giá cao không chỉ vì giá trị học thuật, mà còn vì cách tiếp cận khoa học. Cái mới của ông là việc sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác cùng với phương pháp liên ngành khoa học (liên ngành về lý thuyết và liên ngành về phương pháp). Trần Đức Thảo đã sử dụng lý thuyết và phương pháp của nhiều ngành khoa học như: nhân học tiền sử, dân tộc học, tâm lý học, phân tâm học, v.v.. để phân tích và chú giải làm rõ nguồn gốc của ý thức trên lập trường duy vật biện chứng. Tác giả cho rằng, nhờ phương pháp nghiên cứu liên ngành cùng năng lực tư biện cao, Trần Đức Thảo đã bảo vệ và phát triển quan điểm của Mác về nguồn gốc, bản chất của ý thức trước sự “xét lại” của một số học giả nổi tiếng thế giới cùng thời. Một số nhận định thiếu chính xác của nghiên cứu này đã được Trần Đức Thảo bổ khuyết trong những tác phẩm sau như Sự hình thành con người.
Trong cuốn Triết gia Trần Đức Thảo - Di cảo, khảo luận, kỷ niệm (2016), ngoài các bài nghiên cứu của các tác giả trong nước, có một số bài của các học giả nước ngoài phân tích khá sâu về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức của Trần Đức Thảo. Trước hết phải nói đến bài Những luận đề gợi mở của Trần Đức Thảo về nguồn gốc của tiếng nói và ý thức [3] của Jacinthe Baribeau. Là một giáo sư tâm lý học của Đại học Ottawa (Canada), bà đưa ra sự đánh giá khách quan rằng, Trần Đức Thảo có cách tiếp cận lý thuyết độc đáo và mới mẻ, đáng lưu ý: kết hợp khéo léo ưu thế của khoa ngôn ngữ tâm lý học và nhân chủng học với đặc thù của phân tích hiện tượng luận. Trần Đức Thảo đã trình bày mô hình duy vật của mình về vai trò của âm hiệu và chỉ hiệu (ký hiệu học) trong sự trỗi dậy của người khôn từ vượn người. Mô hình của ông cố gắng kết hợp những lý thuyết hiện hành về tâm lý học phát triển ở trẻ em với những phát hiện mới trong ngành nhân chủng học về mối quan hệ giữa các công cụ lao động, hoạt động lao động sản xuất, các mối quan hệ xã hội, tiếng nói, sự phát sinh khách quan của quá trình tự ý thức; qua đó sản sinh ra cái mà ông gọi là “ký hiệu học của đời sống thực tế”. Tác giả cho rằng, hướng đi của Trần Đức Thảo có nhiều yếu tố gợi mở, mở ra những con đường mới cho các nghiên cứu nhân chủng học về ý thức. Đặc biệt, cuốn sách của Trần Đức Thảo đã trả lời sáng tạo cho câu hỏi hóc búa xưa cũ đầy tranh cãi giữa chủ nghĩa duy tâm và chủ nghĩa duy vật về những nguồn gốc của ý thức: “Nếu ý thức con người bao hàm cả sự diễn giải, và nếu ý thức xuất hiện đầu tiên cùng với sản xuất thông qua việc sử dụng các công cụ lao động, và nếu sự chế tác ra chính các công cụ lao động đó cũng bao hàm sự diễn giải - cụ thể là hình ảnh về cái sẽ được chế tác trong đầu óc người chế tác - thì các điều kiện về những nguồn gốc của ý thức cũng đã bao gồm những hình thái đầu tiên của ý thức” [3, tr.1020]. Trần Đức Thảo đã phá vỡ vòng tròn này bằng cách đặt câu hỏi theo cách khác, tương ứng với cách đặt vấn đề mang tính duy vật lịch sử: Ý thức xuất hiện đầu tiên với các diễn giải mang tính tiền ý thức, sau đó được thúc đẩy với các hình thức hoàn thiện của sản xuất và sự chế tác công cụ lao động.
Bài Từ hiện tại sống động đến vận động hiện thực, chủ nghĩa Mác và sự chuyển giao văn hóa ở Trần Đức Thảo (2016) [30] của Michel Espagne có một số đánh giá quan trọng về nghiên cứu nguồn gốc ý thức của Trần Đức Thảo. Michel cho rằng: “Chính khoa học mang tính khai phóng về nguồn gốc của ý thức là sợi chỉ đỏ xuyên suốt vượt ra khỏi sự chuyển hướng mácxít của Trần Đức Thảo, người đã nhấn mạnh đến sự kiện là vật chất có thể tiến hóa và trở thành sự sống và ý thức” [30, tr.358]. Tác giả nhận xét rằng, Trần Đức Thảo đã chỉ trích các huyền thoại đã