Nghiên Cứu Về Thờ Cúng Các Nhân Vật Hội Thề Lũng Nhai Ở Thanh


chúng tôi, có thể tạm thống kê một số công trình tiêu biểu như: Khởi nghĩa Lam Sơn [70], Địa chí Thanh Hóa [125; 126; 127], Lê Lợi (1385- 1433) và Thanh Hóa trong khởi nghĩa Lam Sơn [67], Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa [144], Địa chí huyện Thọ Xuân [52], Địa chí huyện Đông Sơn [36], Địa chí Tp Thanh Hóa [139], Địa chí huyện Nông Cống [51], Địa chí huyện Hoằng Hóa [39], Địa chí huyện Bá Thước [49], Địa chí huyện Lang Chánh [50]...

Sách sử địa phương tiêu biểu như Lịch sử Thanh Hóa [7], trong chủ trương ngợi ca truyền thống anh hùng của vùng đất và con người Xứ Thanh khi viết về khởi nghĩa Lam Sơn, Thanh Hóa thời Lê, về thời gian nghĩa quân Lam Sơn chiến đấu ở Thanh Hóa với cảm hứng tự hào, ngợi ca. Đáng chú ý, có đề cập tới vai trò của đội ngũ công thần, quan lại Thanh Hóa trong thời Lê Sơ. Tài liệu cho biết, sau khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi đã tiến hành việc xét thưởng công lao của những người cùng ông tham gia khởi nghĩa. Nhờ vậy bản thân các vị và con cháu các công thần quan lại được hưởng nhiều ân lộc và những chức vụ quan trọng trong triều đình. Có tổng cộng 3 đợt định công, phong thưởng, ban tước. Đợt đầu vào tháng 2 năm Mậu Thân (1428), phong tước cho những hỏa thủ và quân thiết đột vì họ “có công khó nhọc ở Lũng Nhai”, với tổng cộng 121 người, chia làm 3 hạng, tất cả được mang họ vua [6, tr 98]. Đợt 2 (tháng 3- 1428) và đợt 3 (tháng 5- 1429) là phong các bậc trên dưới theo công trạng và phong tước. Trong số này, số lượng quan lại, công thần người Thanh Hóa chiếm số lượng đông đảo và giữ những chức vụ cao. Phần nhiều trong số đó có sự góp mặt của những người tham gia hội thề năm 1416 như Lê Văn Linh, Nguyễn Lý, Lê Văn An, Trương Lôi, Trương Chiến, Trịnh Khả...Chính vai trò của đội ngũ công thần không chỉ giữ những vị trí quan trọng, những cống hiến to lớn trong bảo vệ, xây dựng đất nước, mà uy tín của họ còn tác động sâu sắc đến quê hương Thanh Hóa được lịch sử thừa nhận và biến Thanh Hóa trở thành vùng đất “căn bản” của nhiều triều đại tiếp nối [7, tr 100].

Nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai chủ yếu là võ tướng, tham gia nhiều trận đánh, có mặt khắp nơi trong quá trình đi lên thắng lợi của khởi nghĩa Lam Sơn. Tiểu sử và cuộc đời của họ đã trở thành những câu chuyện tiêu biểu và cảm động về


lòng yêu nước, gắn bó với nhân dân làm nên chiến thắng vĩ đại trong thế kỷ XV của dân tộc ta. Nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh và võ công của các nhân vật hội thề Lũng Nhai như Lê Lai, Trịnh Khả, Trương Lôi, Nguyễn Thận, Võ Uy, Lê Liễu đã được sách Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc [121] phác dựng rõ nét để ta hiểu rõ hơn chân dung, phẩm chất con người của những người anh hùng hội thề năm xưa.

Tóm lại, những ghi chép về các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai qua các nguồn tư liệu lịch sử có thể có nhiều điểm chưa thống nhất (danh sách người tham dự, tên tuổi và quê hương của từng người…). Tuy nhiên, đó là những thông tin quý báu cho NCS trong quá trình nghiên cứu về đề tài này, đặc biệt là những vùng đất, địa phương, quê hương gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của các nhân vật là những chỉ dẫn quan trọng cho NCS trong quá trình điền dã, thực địa, khảo cứu.

1.1.3. Nghiên cứu về thờ cúng các nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh

Hóa

Các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai là đối tượng nghiên cứu của

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

nhiều công trình khác nhau. Với khối lượng đồ sộ của tư liệu, có thể nói, việc nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp, công trạng gắn liền với khởi nghĩa Lam Sơn của các nhân vật này chiếm dung lượng khá lớn. Tiêu biểu như: Đại Việt Sử ký toàn thư [72], Lam Sơn thực lục [85], Đại Việt thông sử [142], Lịch triều hiến chương loại chí [29], Khởi nghĩa Lam Sơn [70], Lịch sử Thanh Hóa [7]. Những tài liệu này khai thác các nhân vật chủ yếu dưới khía cạnh danh nhân, tiểu sử, chú trọng đề cập vai trò của họ trong tiến trình của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Một số công trình về sau này, trên cơ sở dựa vào những thông tin mà chính sử đã đề cập rồi thẩm định, đối chiếu với các thông tin trong gia phả và truyền thuyết dân gian để biên soạn các bài giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, công trạng của các nhân vật. Tiêu biểu như: Địa chí Thanh Hóa [127], Võ tướng Thanh Hóa trong lịch sử dân tộc [121], 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn [96]…

Ngoài những công trình nghiên cứu nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai dưới góc nhìn lịch sử, chúng ta bắt gặp không ít các công trình nghiên cứu về những

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 4


nhân vật này dưới góc độ văn hóa, văn học dân gian. Đó là những truyền thuyết, cổ tích, giai thoại, sự tích đang được lưu truyền ở Thanh Hóa mà được cho là có nguồn gốc ngợi ca khởi nghĩa Lam Sơn và anh hùng dân tộc Lê Lợi tiêu biểu như: Đất Lam Sơn [56], Lê Lợi và đất Lam Sơn [57], Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn [61], Nguyễn Trãi trên đất Thanh [60], Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn trong tâm thức dân gian [46]. Một số công trình khác, khai thác chủ đề quê hương, gia tộc các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai, đáng chú ý là Đất và người xứ Thanh [95]. Mặt khác, việc nghiên cứu những di sản văn tự hiện tồn còn lại trên quê hương, làng xã, dòng họ các nhân vật như văn bia, gia phả cũng được chú trọng. Các sách Lê triều Ngọc Phả [64] và gia phả các dòng họ khai quốc công thần tham gia hội thề Lũng Nhai như họ Lê Lai, Trịnh Khả, Lê Văn An, Võ Uy, Lưu Nhân Chú…đã được các nhà nghiên cứu giới thiệu đầy đủ cho độc giả.

Về thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai thì ở Thanh Hóa, số lượng các công trình nghiên cứu về hệ thống di tích, lễ hội, nghi lễ thờ cúng gắn với từng nhân vật còn khá ít ỏi. Tuy nhiên, những nghiên cứu này lại chứa đựng nhiều giá trị quý giá về mặt nội dung.

Liên quan đến nghiên cứu việc thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, qua việc phân tích tư liệu, NCS nhận thấy, có thể tạm chia các công trình này thành 2 nhóm cơ bản: Nhóm thứ nhất là các công trình nghiên cứu thờ cúng Lê Lợi. Nhóm thứ hai là các công trình nghiên cứu về những nhân vật còn lại. Đối với nhóm thứ nhất, nghiên cứu thờ cúng Lê Lợi dành được sự quan tâm chú ý nhiều hơn và chiếm phần lớn trong số các nghiên cứu có liên quan đến thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa.

Một điểm đáng lưu ý nữa là, trong các công trình nghiên cứu về thờ cúng anh hùng dân tộc Lê Lợi thì cơ bản mới chỉ dừng lại việc sáng tỏ về lăng tẩm, đền thờ, lễ hội tại quê hương ông ở khu vực Lam Sơn là chính và một số dấu vết thờ cúng ông còn lại ở Thanh Hóa. Những ghi nhận này cho chúng ta thấy được mức độ lan tỏa của các thực hành nghi lễ cũng như phác họa cơ bản được bức tranh về việc tín ngưỡng Lê Thái Tổ trong cộng đồng.


Đối với các nhân vật khác, có thể thấy mức độ và tần suất nghiên cứu, khảo sát về tập tục thờ cúng chưa được đầy đủ. Có thể với sự lôi cuốn về thân thế, sự nghiệp của người đầu lĩnh tạo nên thắng lợi vĩ đại của khởi nghĩa Lam Sơn, sáng lập vương triều Lê Sơ và đầy dấu ấn huyền thoại ở Thanh Hóa mà việc đẩy mạnh các nhận thức khoa học liên quan đến Lê Thái Tổ nhận được nhiều ưu ái hơn chăng?. Một số nghiên cứu tiêu biểu về thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai như nghiên cứu về Lê Lai được tập trung vào các hoạt động tâm linh, tế lễ và thờ phụng ở khu vực làng Tép quê hương ông và một số nơi ở Thanh Hóa, sau này là đất khai cơ lập nghiệp của con cháu ông trong thời Lê Sơ như Hoằng Hóa và Nông Cống. Với công lao to lớn, mang tính biểu tượng trong khởi nghĩa Lam Sơn, nghiên cứu về thờ cúng Lê Lai được nhắc đến trong các lễ hội Lam Kinh, lễ hội ở Đền Lê trong mối liên hệ gắn bó với Lê Lợi một phần trên phương diện đền thờ và lễ hội. Các nhân vật còn lại thì chỉ dừng lại ở việc khảo tả dấu vết thờ cúng và ghi nhận những tục lệ đời trước, đến nay vẫn được làng xã, dòng họ và địa phương duy trì.

Trong quá trình điều tra, khảo sát các di tích, lễ hội thờ cúng nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, NCS thấy rằng, trong số 19 nhân vật tham gia hội thề năm 1416 thì không phải tất cả được phụng thờ mà chỉ ghi nhận được việc thờ cúng đang được diễn ra tập trung vào các nhân vật như: Lê Lợi, Lê Lai, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Võ Uy, Lê Hiểm, Trịnh Khả, Lê Liễu, Trương Lôi, Trương Chiến. Riêng hai trường hợp Nguyễn Trãi và Nguyễn Thận thì không có điểm thờ chính với tư cách thần chủ mà được phối thờ tại một số đền thờ. Các nhân vật khác, trong danh sách người tham gia hội thề như: Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú, Lê Nanh, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan thì không ghi nhận được dấu vết các thực hành tín ngưỡng hiện tồn ở Thanh Hóa. Có thể nói, đối với các nhân vật không còn dấu vết thờ cúng như đã liệt kê trên ở đây cho thấy tính hướng đạo của chính quyền cũng như ký ức lịch sử của người dân đối với họ không bằng các nhân vật còn lại. Một phần do đặc điểm của tính vùng và tính cộng đồng địa phương quy chiếu nên việc thờ cúng các nhân vật như Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú không được phổ biến ở Thanh Hóa. Mặt khác, đối với những nhân vật địa phương như Lê


Nanh, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan thì vai trò của họ trong toàn bộ tiến trình phát triển của khởi nghĩa Lam Sơn đang còn ở mức độ vừa phải dù đã tham gia khởi nghĩa ngay từ giai đoạn đầu tiên nhưng số ít đã trận vọng như Lê Nanh, Trịnh Vô, số còn lại như các nhân vật Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan tuy được tài liệu chính sử nhắc đến trong một vài sự kiện quan trọng trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn nhưng truyền thuyết và gia phả về các nhân vật này không còn được lưu truyền tại địa phương. Đây có lẽ là một trong những lý do dẫn đến việc thực hành tín ngưỡng về các nhân vật này không còn được củng cố, duy trì. Tuy nhiên, vẫn còn những ngoại lệ như trường hợp Nguyễn Trãi, là một trong số ít người ngoài địa phương được thờ cúng ở Thanh Hóa. Điều này cũng cho thấy cảm quan lịch sử khá đặc biệt của người dân đối với nhân vật lịch sử đã trở thành một trong những biểu tượng của khởi nghĩa Lam Sơn.

Cũng trong quá trình khảo sát, điền dã tại điểm thờ cho thấy, nhiều vị trong danh sách nhân vật hội thề được thờ ít nhất từ 2 điểm trở lên như Lê Lai, Lê Hiểm, Võ Uy, Lê Văn An, Lê Văn Linh...Trường hợp được thờ nhiều nhất là Lê Lợi, cả trên phương diện thờ chính và phối thờ, tính tổng cộng được 9 điểm thờ (chỉ tính các di tích đã được xếp hạng). Theo thống kê trong Hồ sơ di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh [44] thì nơi thờ Lê Lợi ở Thanh Hóa khá nhiều, lên đến 15 điểm thờ (tất nhiên bao gồm cả di tích chưa được xếp hạng), về con số này thì hiện nay NCS chưa có điều kiện thực tế để kiểm chứng được.

Những thông tin đề cập về việc thờ cúng Lê Lợi đã có nhiều sách sử, thư tịch chép. Chẳng hạn như sau khi Ông qua đời, chôn cất ở đâu?, thờ cúng như thế nào? đã được sử ghi chép lại. Các thư tịch này cho biết, việc dựng điện Lam Kinh thực sự được tiến hành một cách quy mô là kể từ sau khi vua Lê Thái Tổ mất. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “các quan theo hầu về Tây Kinh dựng điện Lam Sơn”, tức là hầu Lê Thái Tông về Tây Kinh để làm tang lễ cho Lê Thái Tổ. Lê triều Ngọc Phả [64] thì cho biết: “Năm Thuận Thiên thứ sáu, năm Quý Sửu (1433), ngày 22 tháng 8 nhuận, giờ Mùi, đế băng hà ở Điện Chính Tẩm Đông Kinh, ở ngôi 6 năm, thọ 49


tuổi (...) đến ngày 22 tháng 9 thì hỏa táng ở điện Cảnh Phúc, ngày 23 tháng 10 đưa di cốt về an táng ở Vĩnh Lăng, Lam Sơn...” [64, tr 29-30].

Nơi thờ của Lê Thái Tổ đã được Phan Huy Chú mô tả khá chi tiết. Qua ghi chép chúng ta biết được quy mô xây dựng Lam Kinh khá to lớn, có các lăng mộ vua. Vĩnh Lăng là lăng của Lê Thái Tổ. Ông miêu tả về nơi an nghỉ của Lê Thái Tổ như sau: “Các lăng của nhà Lê đều ở đấy cả. Lăng nào cũng có bia”, kiến trúc điện “làm 3 ngôi bên nhau, kiểu chữ Công”. Bao quanh Lam Kinh có các hồ nước rộng, trên có cầu, nền điện cao. Ngoài cửa nghi môn có 2 con chó ngao bằng đá rất thiêng [81, tr 505]. Từ đó, ta có thể hình dung diện mạo và quy mô của Lam Kinh thực xứng đáng là nơi an nghỉ ngàn đời của bậc đế vương. Khi hoàng tộc nhà Lê xa giá về Lam Kinh để tế lễ vua Lê hàng năm, Đại Việt sử ký toàn thư [72] đều chép là “làm lễ yết lăng miếu”, “tế tổ”, “bái yết sơn lăng”, “làm lễ tấu cáo” hay “bái yết lăng miếu”. Và thực tế thư tịch cũng cho biết lễ hội Lam Kinh thời nhà Lê thực sự diễn ra vào “mùa xuân tháng hai âm lịch”, không thấy chép 22 tháng Tám Âm lịch như truyền ngôn “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” như dân gian hiện nay. Có thể nói, dựa vào những thông tin mà sách sử đã ghi chép thì Lê Lợi là người đầu tiên trong danh sách những người tham gia hội thề Lũng Nhai được dựng lăng mộ, thờ trong tôn miếu và có nghi lễ tuân thủ chặt chẽ, mang tính chất cung đình rõ nét. Theo cuốn Lễ tục, lễ hội truyền thống Xứ Thanh [81], tác giả Hoàng Anh Nhân cho biết: kể từ sau thế kỷ thứ XVI trở đi, khi Lam Kinh rơi vào hoang phế, bị hủy hoại thì lễ hội Lam Kinh bị thu hẹp trong đền Cham (ở làng Cham, sát cạnh Lam Kinh). Đến thời nhà Nguyễn do không thể khôi phục được nữa nên đã cho xây Đền Lê ở Bố Vệ và lúc này các nghi thức thờ cúng Lê Thái Tổ cũng chuyển hẳn về đây. Ở Lam Kinh chỉ còn lễ hội Đền Cham của làng Cham và các làng lân cận có mối quan hệ thờ cúng vua Lê nữa mà thôi [81, tr 512- 513]. Năm 2014, trong luận văn thạc sĩ Truyền thuyết và lễ hội về Lê Lợi ở Thanh Hóa [84], tác giả Mai Thị Nhung đã liệt kê 4 lễ hội có liên quan đến tôn vinh Lê Lợi gồm: lễ hội Lam Kinh, lễ hội làng Xuân Phả, lễ hội Căm Mương và lễ hội Đền Thi. Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát của NCS có thể thấy, chỉ có lễ hội Lam Kinh ở Thọ Xuân và lễ hội Căm Mương ở


Bá Thước là có liên quan trực tiếp đến thờ cúng anh hùng Lê Lợi, 2 lễ hội còn lại chỉ là những nghi thức mang ý nghĩa tôn vinh khởi nghĩa Lam Sơn và triều Lê mà thôi. Còn trong bài viết: “Văn hóa dân gian các dân tộc vùng Lam Sơn và người anh hùng dân tộc Lê Lợi” [6, tr 141], có cho biết là nhiều nơi Thanh Hóa, những lễ tưởng niệm gắn với tục thờ cúng Lê Lợi và các nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn đã đi vào đời sống văn hóa của đồng bào Thái, Mường ở một số địa phương khu vực các huyện Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lặc. Ở những nơi này người dân cho rằng, các tục lệ và thờ cúng đó có nguồn gốc từ thời khởi nghĩa Lam Sơn, với mục đích tôn vinh vua Lê và nghĩa quân trong thời gian nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở Thanh Hóa. Về nghi thức thờ cúng, bài viết nhận định:

Việc thờ cúng ở những nơi này khá giản dị nhưng cũng rất trang nghiêm. Ngoài những hương hoa và vật phẩm thông thường như rượu, thịt, đồng bào còn bày trên cỗ cúng khi thì một đĩa tép, khi thì bát canh rau quì, lúc thì đĩa gà thui, đĩa măng lam (hoặc không phải giang) tấm chè lam, khi thì tấm vải, chiếc váy thô…Thái độ trân trọng, thành kính đối với những vật phẩm dâng lên những người đã khuất đã thành tục lệ và được giải thích hết sức đơn giản: đó là những món ăn mà nghĩa quân Lam Sơn và đồng bào dành dụm được nuôi nấng trong những buổi khốn khó, gieo neo [6, tr 142].

Cũng trong chuyên khảo này, tác giả còn đề cập đến một số tục thờ, kiêng khem đã đi vào đời sống văn hóa hàng ngày của đồng bào Thái, Mường ở Thanh Hóa có liên quan mật thiết đến khởi nghĩa Lam Sơn và người anh hùng dân tộc Lê Lợi như người Mường kiêng ăn thịt ba ba, thịt cuốc, không đốn thân cây xé- một loại cây cổ thụ vì dân gian quan niệm đây là những “vật thần”, “cây thần” đã có công che chở cho Lê Lợi [6, tr 142].

Những khảo sát, đánh giá trên của tác giả Vương Anh đã cho thấy tập tục thờ cúng Lê Lợi không chỉ có trong cộng đồng người Kinh ở các làng xã, địa phương xứ Thanh mà còn trong tập tục, nghi lễ và đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số ở một số vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.


Trong sách Thanh Hóa chư thần lục [66] chép bách thần xứ Thanh dưới thời nhà Nguyễn có đề cập đến sự tích và nơi thờ cúng một số nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai như: Lê Lợi, Lê Văn An, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Võ Uy. Cụ thể sách chép như sau: Vua Lê Thái Tổ nơi thờ là ở “thôn Dựng Tú, xã Thái Lai thờ” (nay là xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) [66, tr 56- 80]. Lê Thận: Sách Vân Am (nay thuộc huyện Ngọc Lặc) thờ [66, tr 251]. Lê Văn An nơi thờ xã Mục Sơn (nay là thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân) [52, tr 942-949]. Trịnh Khả nơi thờ là thôn Thanh Điền, huyện Thụy Nguyên. [66, tr 270- 276]. Bùi Quốc Hưng nơi thờ ở “thôn Định Hòa, huyện Đông Sơn thờ” [66, tr 252- 253]. Võ Uy thờ ở thôn Mai (nay thuộc xã Định Hòa, huyện Yên Định) [66, tr 81]. Còn nơi thờ của các nhân vật khác thì không thấy Thanh Hóa chư thần lục đề cập.

Một số công trình địa chí và sách giới thiệu thắng tích Xứ Thanh đã khảo tả di tích thờ cúng các nhân vật Lê Lợi [15], Lê Lai [16; 17], Trịnh Khả [15], Võ Uy [15], Lê Văn An [52], Lê Hiểm [18], nhằm làm rõ tiểu sử, quê hương, dòng họ và tín ngưỡng phục vụ giới thiệu điểm đến du lịch. Chưa phải là các công trình nghiên cứu chuyên sâu tục thờ cúng dưới góc độ lý thuyết khoa học chuyên ngành.

Từ việc nhìn nhận tổng thể các công trình nghiên cứu về các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa, NCS nhận thấy:

Những công trình ghi chép, nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai dưới góc độ lịch sử còn tồn tại khá nhiều: từ các bộ thư tịch cổ cho đến sử sách ghi chép của các nhà sử học từ thế kỷ XX cho đến nay, các công trình khoa học, các bài viết… Nhìn chung, các công trình nghiên cứu của các nhà sử học đều nhìn nhận các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai gắn liền với giai đoạn lịch sử chống giặc Minh trong thế kỷ XV của dân tộc ta nhằm ghi nhận công lao, sự đóng góp của họ đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Những nghiên cứu về hệ thống di tích, thần tích, truyền thuyết, nghi thức thực hành thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai còn khá ít ỏi. Chủ yếu là tìm hiểu nhân vật gắn với dòng họ, quê hương, nơi thờ cúng và các nghi lễ tưởng niệm trong cộng đồng.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024