Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 7


điền sản hoặc lục dụng con cháu “để biểu dương người có công lao cũ” [142, tr 234].

Có thể nói, trong hầu hết sách sử thì Đại Việt Sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục Lịch triều hiến chương loại chí được coi là những tài liệu chủ yếu ghi chép cụ thể về khởi nghĩa Lam Sơn và những người trong danh sách các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Các sách này mô tả tương đối cụ thể về chân dung lịch sử các nhân vật hội thề Lũng Nhai. Ở đó, tên tuổi, công trạng, tài năng và đức độ của từng nhân vật được tái hiện đầy đủ, chân thực. Hầu hết các nhân vật này đã trở thành những người được lịch sử và nhân dân thừa nhận.

2.1.1. Về Bình Định Vương Lê Lợi

So với các nhân vật trong danh sách tham gia hội thề Lũng Nhai, chân dung Lê Lợi được đề cập hết sức cụ thể. Phải nói rằng, không một nhân vật nào trong cuộc lễ thề ở Lũng Nhai được lịch sử ưu ái, ghi chép nhiều như ông. Khách quan có thể thấy, do vị trí chủ soái, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa, chủ trì tổ chức hội thề và các hoạt động của ông đều gắn liền với diễn tiến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Do vậy, mọi thông tin về ông đều được ghi chép tương đối rõ ràng.

Các sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục đều đề cập rõ xuất thân, gia tộc của Lê Lợi: “Cụ cố ba đời của vua Lê húy tên là Hối…người thôn Như Áng, hương Lam Sơn, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa” [71, tr, 285, 287, 288]. “Một hôm, Lê Hối đi chơi, thấy có đàn chim cứ bay lượn lòng vòng trên một khu đất dưới chân núi Lam Sơn, trông tựa như một đám người đang tụ hội, liền nghĩ chỗ đất ấy tất phải là đất lành, bèn dời nhà đến đấy mà ở hẳn, rồi khai phá ruộng vườn, tự chăm lo cày cấy, được ba năm thì thành sản nghiệp. Từ đấy, đời đời là hùng trưởng cả một phương” [71, tr, 285, 287, 288]. Đến ông nội là Lê Đinh có được 2 con trai là Lê Tòng và Lê Khoáng. Sau này Lê Khoáng lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương, người làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương sinh ra được 3 người con là Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi. Tác giả Lê Quý Đôn cho biết: “Vua sinh giờ Tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu (1385) tại làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương. Nguyên trước xứ Du Sơn, thôn Như Áng hậu thuộc làng này” [142, tr 35-35]. Đại Việt sử ký toàn thư


mô tả về dáng vẻ ông như sau: “Vua sinh ra thiên tư tuấn tú khác thường, thần sắc tinh anh kỳ vĩ, mắt sáng, miệng rộng, mũi cao, trên vai có một nốt ruồi, tiếng nói như chuông, dáng đi tựa rồng, nhịp bước tựa hổ, kẻ thức giả biết vua là bậc phi thường” [71, tr 239]. Trong các sách Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử cũng mô tả về ông như vậy.

Xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp địa chủ là một tầng lớp đang phát triển và đang có vai trò tích cực lúc bấy giờ, lại là một người yêu nước và cương trực, nên Lê Lợi rất đau lòng trước cảnh nước mất, nhân dân lầm tham cơ cực. Từ lâu ông đã nuôi ý chí diệt giặc cứu nước. Lê Lợi từng thổ lộ lòng ham muốn tột bực của ông qua ý chí quyết tâm quyét sạch giặc Minh xâm lược khỏi bờ cõi, dành lại độc lập, tự do cho dân tộc, những phát biểu này đã được lịch sử ghi lại. Chính vì vậy ông không ngừng dùi mài kinh sử, nuôi chí lớn chờ ngày đứng lên đánh giặc cứu nước. Lam Sơn thực lục nhận định về ý chí, cốt cách ông trong giai đoạn này: “tuy gặp đời rối loạn, mà chí giữ càng bền; lẩn giấu ở núi rừng làm nghề cày cấy; tự mình vui với Kinh, Sử, nhất là càng chuyên tâm về sách Thao Lược; hậu đãi các tân khách; chiêu nạp kẻ trốn, kẻ làm phản; ngầm nuôi các kẻ mưu trí; bỏ của, phát thóc để giúp cho kẻ côi cút, nghèo nàn; hậu lễ, nhún lời, để thu bọn anh hùng hào kiệt, đều được lòng vui vẻ của họ” [85, tr 212-213]. Tất cả những việc làm này của ông là nhằm hướng đến một mục tiêu cao cả và duy nhất, là quyết tâm khởi nghĩa chống quân Minh, đúng như lời ông tự đánh giá: “ta cất công đánh giặc, không phải là có lòng ham muốn phú quý, mà chính vì muốn để ngàn năm về sau, người đời biết ta không chịu làm tôi tớ cho bọn giặc tàn ngược” [71, tr, 240].

Kể từ đó, với địa bàn trọng điểm Lam Sơn, Lê Lợi đã trở thành người dẫn dắt cuộc khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của ông, các anh hùng hào kiệt từ bốn phương bí mật tìm về Lam Sơn tụ nghĩa, sát cánh cùng Lê Lợi để tập hợp nhân dân đồng lòng cứu nước.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

Đầu năm Bính Thân (1416), dưới sự tổ chức của Lê Lợi, 18 đồng chí thân tín cùng ông đã làm lễ tuyên thệ chống giặc Minh ở Lam Sơn, sách sử đã gọi sự kiện này là hội thề Lũng Nhai lịch sử.


Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 7

Từ khi cuộc kháng chiến chính thức bùng nổ vào năm Mậu Tuất (1418) cho đến ngày thắng lợi hoàn toàn (1427), lên ngôi hoàng đế, lập ra triều đại Lê Sơ, ông đã cùng với nghĩa quân của mình trải qua hàng trăm trận chiến lớn nhỏ mà mỗi trận đều là những thử thách sống còn, đặc biệt là trong giai đoạn nghĩa quân đang còn ở thế trận phòng thủ giai đoạn 1416- 1419. Thời gian này được sách sử chép là có đến 3 lần phải lui binh về vùng rừng núi Chí Linh khi quân Minh vây ráp, chặn hết mọi ngả đường, đó là lúc: “lương thực ít, tuyệt đường đi về Chí Linh, Mường Cốc…quân lính chịu khổ, đói rét vất vả hàng trăm ngày liền, đào củ nâu ăn cầm hơi, tìm mật ong làm nước uống, người ngựa đều đói khốn” [85, tr 241]. Đã có lúc tưởng chừng sự thấy bại là không thể tránh khỏi, ông phải cùng với nghĩa quân ăn măng, cây, củ rừng để duy trì sự sống và cầm cự với giặc. Cũng chính trong giai đoạn khó khăn cực độ của buổi “nếm mật nằm gai” này đã thử thách tài năng, bản lĩnh của người chủ tướng Lam Sơn Lê Lợi. Phải là một con người có nghị lực phi thường cùng ý chí quyết tâm cao độ và đương nhiên có cả vận may thì ông mới đưa quân Lam Sơn vượt qua được giai đoạn sống còn khi tiềm lực và năng lực tác chiến của quân đội Lam Sơn đang ở trong thế vô cùng yếu so với sức mạnh vượt trội của quân nhà Minh. Trong thời kỳ này, riêng những trận đánh diễn ra trên đất Thanh Hóa với các tướng nhà Minh như Mã Kỳ, Lý Bân, Chu Quảng, Trần Trí đã trở thành một cuộc đấu trí, đấu sức cam go thực sự gắn liền với các địa danh đã đi vào lịch sử như Lạc Thủy, Mường Cốc, Linh Sơn, Mường Một, Mường Chính, Nga Lạc, Quan Du…

Kể từ sau sự kiện tiến công vào đất Nghệ An theo đề xuất của Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi đã phá vỡ thế trận phòng thủ, chuyển sang thời kỳ phát triển rộng khắp trong cả nước và đi đến ngày thắng lợi hoàn toàn vào năm 1427. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của ông, hàng loạt các tướng lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn lập hết chiến công này đến thắng lợi khác trong việc bao vây, diệt giặc, công thành, diệt viện binh của giặc Minh từ Tây Đô, Đông Quan, Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng, Xương Giang…


Khi nhìn lại những người anh hùng lãnh đạo nhân dân diệt giặc ngoại xâm trong lịch sử của dân tộc ta, có thể thấy Lê Lợi là một con người đặc biệt, ông không xuất thân từ tầng lớp quý tộc Trần- Hồ, trong bối cảnh “đất nước không có vua”, vì nhà Trần đã mất, nhà Hồ đã diệt vong. Với xuất thân khiêm tốn so với tầng lớp quý tộc cùng thời, bằng tài năng và trí tuệ kiệt xuất, với đường lối và chiến thuật chiến tranh đúng đắn ông đã dẫn dắt và lãnh đạo nhân dân ta chiến đấu, giành chiến thắng để kết thúc 20 năm thống trị của của giặc Minh, khôi phục nền độc lập lâu dài cho tổ quốc.

Sau khi đuổi hết giặc Minh về nước, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Mặc dù ở ngôi chỉ 6 năm ngắn ngủi nhưng ông đã có nhiều cố gắng lớn nhằm khắc phục những hậu quả của thời Minh thuộc, xây dựng lại đất nước, củng cố nền độc lập và thống nhất như tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Đánh giá về công đức sáng nghiệp của Thái Tổ, Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Vua hăng hái dấy nghĩa binh đánh dẹp giặc Minh, 20 năm mà thiên hạ đại định. Đến khi lên ngôi, định luật lệ, chế lễ nhạc, mở khoa thi, đặt cấm vệ, lập quan chức, lập phủ huyện, thu góp sách vở, mở trường học, có thể gọi là có mưu lớn, sáng nghiệp” [71, tr 241].

Năm 1433 vua mất, triều đình cho xây dựng Lam Kinh làm nơi an táng, tôn miếu hiệu là Thái Tổ. Để tôn vinh ông, Nguyễn Trãi đã phụng soạn bia Vĩnh Lăng vô cùng súc tích về cả gia tộc, thân thế, sự nghiệp và công đức của Thái Tổ Cao hoàng đế, sự gian khổ trong thời kỳ đánh đuổi giặc Minh cũng như lòng khoan dung, độ lượng của ông đối với quân giặc khi chúng chiến bại. Chỉ cần đọc lời cuối của bài văn bia: “Vua thức khuya dậy sớm, phàm thảy sáu năm mà đất nước thịnh trị, đến nay thì băng hà” [111, tr 136] cũng đã cho hậu thế thấy được hình ảnh một vị minh quân hết lòng vì giang sơn xã tắc.

2.1.2. Các nhân vật khác

Ngoại trừ trường hợp Bình Định Vương Lê Lợi, 18 nhân vật còn lại trong danh sách người dự hội thề Lũng Nhai đã được ghi chép trong các tài liệu, sách sử. Mặc dù, vẫn còn đôi chỗ sai biệt chút ít về tên người dự, thứ tự tham gia trong cuộc


hội thề. Đến nay, sau nhiều lần đối chiếu, so sánh và hợp thái trên cơ sở các nguồn thư tịch như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử và các bản gia phả dòng họ công thần đã cho danh sách tên người đầy đủ trong 18 nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Và với sự kết hợp với các nguồn tư liệu khác, kể cả chính sử lẫn dã sử, chân dung các nhân vật lịch sử cùng Lê Lợi tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã được phác dựng đầy đủ và chi tiết hơn.

Từ các nguồn sử liệu phổ biến hiện nay, có thể thấy những nhân vật như Lê Lai, Nguyễn Trãi, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú... được đề cập tương đối cụ thể. Một số nhân vật khác như Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Nanh, Đinh Lan, Trương Chiến, Lê Liễu... thì tư liệu viết về những người này còn lại rất ít ỏi. Một phần vì họ không thể có mặt cùng quân Lam Sơn đến trận đánh cuối cùng, mặc dù tất cả họ đã được triều Lê Sơ truy phong, phong hạng sau chiến tranh. Tuy nhiên, qua danh sách xác nhận sự có mặt trong bản văn thề Lũng Nhai cũng như việc tham gia vào các trận đánh lớn nhỏ từ thuở nghĩa quân còn hoạt động phòng thủ tại vùng rừng núi Thanh Hóa cho đến năm 1427 toàn thắng và sự tham gia vào nhiều hoạt động chính trị khác dưới các triều Lê Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông đã cho chúng ta thấy được toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp để phác họa chân dung của các gương mặt lịch sử này.

Trong những người tham gia hội thề ở Lũng Nhai thì Lê Lai được coi là nhân vật đặc biệt nhất sau Lê Lợi. Bởi lẽ, với thời gian tham gia khởi nghĩa khá ít ỏi nhưng tên tuổi của ông đã trở thành biểu tượng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Theo sử liệu cho biết, ông là một trong số ít những người thân tín nhất với Lê Lợi: “kể từ Lê Đinh, đến Lê Khoáng và sau này đến Lê Lợi, mối quan hệ với dòng họ sinh ra Lê Lai vẫn được duy trì bền chặt và đạt tới đỉnh cao là quan hệ giữa Lê Lai và Lê Lợi” [104, tr 96]. Nếu không có mối quan hệ này thì không thể giải thích được lý do tại sao Lê Lai là nhân vật thứ 2 sau Lê Lợi trong hội thề Lũng Nhai và sau đó: “ông được trao chức Tổng quản phủ Đô tổng quản, tước Quan nội hầu” [142, tr 191], chuyên trách việc lo hậu cần cho quân đội, một việc vốn dĩ chỉ được trao cậy cho người vô cùng thân tín của bất kỳ lãnh tụ cuộc khởi nghĩa nào. Và đặc biệt, ngay từ


ngày đầu mới khởi nghĩa, nghĩa quân Lam Sơn bị giặc Minh tập trung lực lượng để đàn áp và trong một trận chiến đấu không cân sức, Lê Lai đã đóng giả là Lê Lợi để cứu lực lượng nghĩa quân thoát khỏi nguy cơ bị quân Minh tiêu diệt. Hành động “quên thân mình vì chủ tướng” của Lê Lai không chỉ nói lên lòng quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn mà ở một khía cạnh nào đó còn cho thấy quan hệ vô cùng đặc biệt giữa 2 người. Sự hy sinh này đã trở thành bất tử và tấm gương Lê Lai về sau luôn được vua Lê nhắc nhở để răn dạy con cháu và các bậc công thần về một bậc trung liệt. Trong Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, vua Tự Đức nhà Nguyễn đã đánh giá về Lê Lai: “vua nhà Lê đã có tài như vua nhà Hán là cao tổ, tôi nhà Lê lại cũng trung liệt như tôi nhà Hán là Kỷ Tín, nghìn năm bất hủ” [71, tr 357]. Sau khi Lê Lai mất, vị minh chủ của khởi nghĩa Lam Sơn đã căn dặn: “chúng bay phải nhớ công ơn Lê Lai năng hết lòng vì Trẫm đổi áo cho trẫm chẳng có tiếc mệnh cùng Trẫm mà chịu chết thay. Công ấy chăng cả thay. Trẫm đã táng Lê Lai trong Đền Lam để mai ngày cho con cháu Lê Lai ở hết lòng cùng con cháu Trẫm thế vậy cho kẻo lòng thương nó...cho đến con cháu Trẫm mà quên ơn Lê Lai thời cho trong thảo điện này nên rừng, trong điện này nên nước” [85, tr 257]. Vua Lê đã phong ông là công thần hạng nhất, còn sai Nguyễn Trãi viết 2 đạo “Tiên ước thệ từ” và “Lai công thệ từ” cất giấu trong rương vàng để đời đời ghi nhớ công lao của Lê Lai.

Trong khởi nghĩa Lam Sơn, không chỉ có mình bản thân ông tham gia mà còn có cả anh trai ông Lê Lâm và các con Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm và tất cả đã trở thành những vị võ tướng anh dũng của khởi nghĩa Lam Sơn. Có thể nói tấm gương Lê Lai cùng với sự tham gia và hy sinh của gia đình ông trong khởi nghĩa Lam Sơn là một dấu ấn đặc sắc hiếm có trong tất cả các cuộc khởi nghĩa trước đó và sau này, thể hiện sức mạnh của tinh thần yêu nước, một biểu tượng sáng ngời của sự tận hiến.

Sau Lê Lai, những người khác trong danh sách hội thề thì phần đa số là người gốc Thanh Hóa, đó là các ông Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả,


Trương Lôi, Lê Liễu, Lê Nanh, Lê Kiệm, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến.

Đối với Lê Thận, ông là người chỉ đứng sau Lê Lai theo thứ tự trong danh sách, cũng là một trong những nhân vật nổi bật gắn với Lê Lợi trong truyền thuyết “gươm thần”. Theo Lam Sơn thực lục [85] và Địa chí huyện Thọ Xuân [52] thì ông là người sách Mục Sơn, huyện Lôi Dương (bên cạnh làng Cham của Lê Lợi) nay thuộc xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân. Tuổi tráng niên làm nghề chài lưới, từng là phụ đạo sách Mục Sơn nên nhân dân trong vùng gọi ông là Đạo Mục. Lê Thận có mối quan hệ thân thiết với Bình Định Vương từ thuở nhỏ. Trong những ngày đầu chuẩn bị cho việc dựng cờ khởi nghĩa chống giặc Minh xâm lược, đặc biệt là sau hội thề Lũng Nhai, Lê Thận đã dốc hết lòng giúp vua Lê chuẩn bị lương thực đợi thời cơ khởi nghĩa. Ngày 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh giặc, Lê Thận được tín nhiệm giao chức Thứ thủ kỵ binh trong quân Thiết đột [96, tr 26]. Trong suốt những năm nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở vùng rừng núi miền Tây Thanh Hóa (1418-1424), tuy ít trực tiếp cầm quân đánh trận nhưng Lê Thận đã góp công to lớn trong việc xây dựng lực lượng cho nghĩa quân, giữ mối quan hệ giữa quân và dân trong vùng, bảo vệ Lê Lợi thoát khỏi bao phen nguy hiểm khi bị giặc Minh bao vây. Đến cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 1423, quân Lam Sơn hòa hoãn để về căn cứ Lam Sơn xây dựng lực lượng, ông trở về sách Mục Sơn tổ chức khai hoang để tiếp tục cuộc chiến đấu lâu dài với quân Minh. Năm 1426, Lê Thận được giao nhiệm vụ cùng với các tướng Lê Ngân, Lê Văn An, Lê Văn Linh và một số tướng khác vây hãm thành Nghệ An. Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, trong buổi luận công xếp hạng những người có công theo vua từ hồi ở Lũng Nhai, Lê Thận được xếp vào hàng thứ hai. Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) được phong Á hầu. Đến đời vua Lê Thái Tông (1434) ông được phong là Nhập nội thiếu úy tham tri việc quân các vệ thuộc Tây đạo [96, tr 28]. Ông làm quan trải qua nhiều đời vua Thái Tông, Nhân Tông, Thánh Tông với nhiều chức vụ quan trọng trong triều chính. Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), Lê Thận được tặng Thái phó Hoằng quận công. Con cháu ông đều được hưởng ấm phong, đời đời làm quan võ.


Sau khi ông mất, triều đình cho lập đền thờ ông tại quê hương sách Mục Sơn, ngay bên bờ sông Chu.

So với các nhân vật khác, Lê Văn Linh được sử sách đánh giá là số ít những người có trình độ học vấn cao “bản tính thông minh, học rộng, hiểu sâu, giỏi đủ cả y, nho, lý, số” [96, tr 31]. Một số tài liệu cho biết ông là vốn là người gốc họ Trần, vì được vua ban họ vua nên thường gọi Lê Văn Linh [52, tr 769]. Cũng là số ít nhân vật không thuộc dòng võ quan được Lê Lợi hết sức trọng dụng, dùng làm mưu sỹ chuyên bàn việc quân cơ, bàn kế sách đánh giặc. Ông cũng là người được giao soạn thảo các văn bản quan trọng, như chiếu thư chiêu dụ Ai Lao, chiêu hàng tướng giặc hoặc nghị hòa với quân Minh, văn tài được đánh giá sánh ngang cả vạn hùng binh. Trong khởi nghĩa Lam Sơn, ông tham gia nhiều hoạt động quan trọng, là một trong những người có công mật bàn mưu hạ thành Nghệ An năm 1427. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi xét thưởng khai quốc công thần, ông được phong Khang thượng hầu. Sau này ông vừa là khai quốc công thần, cũng vừa là nguyên lão đại thần của 3 triều Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, trải qua nhiều chức vụ trọng yếu. Ông có 3 người con trai đều làm quan trong triều Lê Sơ. Sau nay còn có nhiều hậu duệ làm quan dưới hai triều Lê, Nguyễn. Bản tính thâm trầm, giàu mưu lược, được Đại Việt Sử ký toàn thư đánh giá là người: “am hiểu chính sự, ý kiến bàn bạc ở triều chính thường rất sáng suốt” [96, tr 34].

Đối với Lê Văn An, các tài liệu cho biết rằng, cùng với Lê Thận (cùng người sách Mục Sơn) và Lê Lai (thôn Dựng Tú) với Lê Thái Tổ ở làng Cham, được cho là con người văn võ song toàn, ngay từ thời niên thiếu đã có mối quan hệ bằng hữu khá thân thiết. Trong danh sách hội thề, ông đứng thứ 5. Khi khởi nghĩa Lam Sơn nổ ra, Lê Lợi cho ông làm Thứ thủ vệ kỵ binh quân Thiết đột. Ông theo Lê Lợi đánh nhiều trận lớn nhỏ, lập được nhiều công lao. Một trong những trận đánh ghi danh thời đầu khởi nghĩa của ông là trận Khả Lưu. Sau đó ông tham gia vây hãm thành Nghệ An. Sau những chiến công vang dội này, ông được coi là một trong những tướng lĩnh có công xuất sắc. Trong trận vây hãm thành Xương Giang, ông cùng các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Lý, Lê Vấn…chém đầu được hơn 5 vạn tên, bắt sống các

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024