Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 5


Trong tất cả các công trình mà NCS đã tập hợp chưa có công trình nào nghiên cứu một cách tổng thể, hệ thống về thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa. Những nghiên cứu đi trước chưa phản ánh được toàn diện bản chất, nội dung và quá trình chuyển hóa của tục thờ cúng mà mới chỉ nhìn nhận như một hiện tượng văn hóa đơn lẻ. Trên thực tế, việc thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa diễn ra khá phổ biến ở nhiều làng xã, địa phương trên đất Thanh Hóa và nó đã trở thành sợi dây liên kết tâm thức trong cộng đồng. Do đó, để nghiên cứu tục thờ cúng này cần có những phương pháp đúng đắn trên cơ sở lý thuyết khoa học chuyên ngành phù hợp.

1.2. Cơ sở lý luận

1.2.1. Các khái niệm công cụ

- Tín ngưỡng: Theo tác giả Đào Duy Anh, tín ngưỡng là: “lòng ngưỡng mộ, mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa” [5, tr 283].

Tác giả Ngô Đức Thịnh thì sử dụng khái niệm tín ngưỡng với tư cách như một hình thức thể hiện niềm tin vào cái linh thiêng của con người, của một cộng đồng người nào đó ở một trình độ phát triển xã hội cụ thể [119, tr 124].

Xem tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của văn hóa thông qua nghi lễ thờ cúng, tác giả Nguyễn Chí Bền thì cho rằng: “Tín ngưỡng là một bộ phận cấu thành của văn hóa thể hiện thông qua nghi lễ thờ cúng, là lòng ngưỡng mộ, thành kính, với những thế lực có ảnh hưởng trong quan hệ với con người” [24, tr 21].

Trong đề tài luận án, NCS sẽ vận dụng và kế thừa một cách linh hoạt các quan điểm phát biểu này để nhận thức rõ hơn các khía cạnh khác nhau của thực hành sinh hoạt văn hóa trong cộng đồng đối với việc tôn vinh và tưởng niệm nhân vật hội thề Lũng Nhai đang diễn ra trên đất Thanh Hóa.

- Tục thờ: theo sách Văn hóa Việt Nam hỏi và đáp thì tục thờ được định nghĩa như sau: “tục thờ là thói quen thể hiện lòng thành kính thần thánh, vật thiêng hoặc linh hồn người chết bằng hình thức nghi lễ, cúng bái đã trở thành lâu đời trong đời sống nhân dân được mọi người nói chung công nhận và làm theo[83, tr 83].


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

Còn theo quan điểm của tác giả Hoàng Bá Tường: “Tục thờ là một thành tố của văn hóa truyền thống. Nó là hiện tượng văn hóa tâm linh phản ánh ước vọng thiêng liêng của con người trong cuộc sống, đồng thời thể hiện thế ứng xử của con người với tự nhiên và xã hội, qua đó hình thành nên những giá trị văn hóa” [130, tr 42].

Từ các quan điểm còn khác nhau về tục thờ, NCS cho rằng: tục thờ là một hiện tượng sinh hoạt văn hóa tâm linh trong đời sống của người dân/cộng đồng, đó là những hoạt động có ý thức hướng về đối tượng được phụng thờ hoặc các biểu tượng về những người được tôn thờ, gắn liền với các thực hành nghi lễ được thực hiện thường xuyên và đã trở thành các tập tục, các sinh hoạt văn hóa mang tính bền vững trong cộng đồng.

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 5

- Nhân vật lịch sử:

Cho đến nay, định nghĩa về “nhân vật lịch sử” vẫn còn chưa thực sự thống nhất. Nhiều ý kiến cho rằng nhân vật lịch sử phải là những nhân vật chính diện, tức là con người đó có công trạng gắn liền với một giai đoạn lịch sử cụ thể, được nhìn nhận tích cực và phân biệt với những nhân vật lịch sử phản diện. Mặc dù tài năng và hoạt động của những con người được coi là nhân vật lịch sử phản diện đã được lịch sử đánh giá nhưng trong ý thức cộng đồng họ thường mang ý nghĩa tiêu cực, kìm hãm sự phát triển của lịch sử. Có thể nói, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, việc nhìn nhận và đánh giá về các nhân vật lịch sử cũng đều bị cho phối bởi các quan điểm chính trị và hoàn cảnh lịch sử- xã hội cụ thể.

Mặc dù còn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về nhân vật lịch sử, nhưng đặt trong đối tượng nghiên cứu của đề tài, NCS mạnh dạn đưa ra quan điểm của cá nhân về nhân vật lịch sử như sau: Nhân vật lịch sử là những con người có thật (đích thực), xuất hiện và tham gia trong các sự kiện lịch sử mà hoạt động cá nhân của họ có tác động và ảnh hưởng mang ý nghĩa tích cực đến sự phát triển của quốc gia hoặc địa phương (làng, xã, vùng, miền) trong các thời kỳ lịch sử, được cả nhà nước và cộng đồng thừa nhận, tôn vinh và ghi nhận công lao đóng góp.

- Tục thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai:


Với một thực hành văn hóa có tính chất địa phương và biểu hiện yếu tố phong tục, tập quán rõ nét gắn với đời sống sinh hoạt văn hóa của nhiều cộng đồng các dân tộc ở Thanh Hóa liên quan đến việc tôn vinh, tưởng niệm nhân vật hội thề Lũng Nhai ở địa phương. Từ việc nhận diện các thực hành nghi lễ thông qua các hình thái văn hóa còn tồn tại, NCS sử dụng thuật ngữ “tục thờ” đối với thực hành sinh hoạt văn hóa này và cho rằng tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai là một bộ phận trong đời sống tinh thần của cộng đồng nhân dân địa phương ở Thanh Hóa, nằm trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ cúng anh hùng dân tộc, thể hiện sự tôn vinh của cộng đồng đối với các nhân vật lịch sử có công đóng góp cho thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, được nảy sinh, tồn tại và phát triển thông qua các thực hành nghi lễ thờ cúng mang tính ổn định, bền vững.

1.2.2. Lý thuyết nghiên cứu

Để làm rõ vấn đề nghiên cứu, luận án áp dụng một số lý thuyết, quan niệm, quan điểm tiêu biểu của các học giả trong và ngoài nước để tiếp cận nghiên cứu các hiện tượng văn hóa xã hội cụ thể, đặc biệt là đối với các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo.

* Lý thuyết cấu trúc- chức năng:

Có thể nói, việc tiếp cận các hiện tượng xã hội như tín ngưỡng, tôn giáo đã được đẩy mạnh ở phương Tây từ lâu và đã sản sinh ra không ít tên tuổi nổi bật như Bronislaw Malinowski, Claude Lévi-Strauss, Emile Durkheim, Radcliffe-Brown, Clifford Geertz, Sigmund Freud và kể cả Herbert Spencer với nhiều lý thuyết thực chứng để nghiên cứu rõ các hiện tượng này.

Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu theo trường phái lý thuyết chức năng, mỗi hiện tượng văn hóa hay xã hội đều được cấu thành bởi những bộ phận hay yếu tố nhất định, trong đó mỗi bộ phận hay yếu tố đều phải đảm bảo một hoặc nhiều chức năng.

Trên cơ sở tìm hiểu chức năng của các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo, để trả lời cho câu hỏi tín ngưỡng tôn giáo phục vụ mục đích gì, đáp ứng nhu cầu như thế nào đối với xã hội. Lévi-Strauss cho rằng tín ngưỡng tôn giáo là “mơ ước của ý thức tập thể” [31, tr 125]. Ở một quan niệm khác C.Geertz lại nhìn nhận “tôn giáo như


một hệ thống văn hóa” [37, tr 321] mà ở đó các biểu tượng của nó là một trong những chiều kích quan trọng của tín ngưỡng tôn giáo, cũng tức là chiều kích văn hóa. Từ quan điểm này ông cũng cho rằng khi nghiên cứu về tôn giáo, tín ngưỡng thì cần phải nhìn nhận theo những biểu tượng với các chức năng tương ứng, cụ thể, trong niềm tin tôn giáo nó là “những biểu tượng thiêng có chức năng tổng hợp giá trị tinh thần đạo đức” [140, tr 311]. Xem xét tín ngưỡng tôn giáo từ khía cạnh chức năng và giá trị của nó. Theo Malinowski thì các niềm tin và lễ nghi là những bước khởi đầu sớm nhất của cuộc sống con người. Ông cũng nhấn mạnh đến chức năng của tín ngưỡng tôn giáo là nhằm phục vụ ai, để làm gì và khẳng định là “chúng ta không thể định nghĩa cúng tế và tín ngưỡng bằng đối tượng của chúng, nhưng có lẽ chúng ta có khả năng hiểu được chức năng của việc cúng tế và tín ngưỡng này” [140, tr.165]. Tín ngưỡng hay “niềm tin vào ma quỷ, thánh thần” [74, tr 210] theo ông là phạm trù siêu nhiên. Phạm trù này thống lĩnh tất cả các hình thái của tín ngưỡng tôn giáo thuở sơ khai, được nhấn mạnh bởi những nghi thức mà người ta thể hiện với chức năng làm giảm nỗi lo sợ của con người khi đối mặt với những bất trắc trong cuộc sống. Và như vậy, theo lý thuyết của Malinowski thì tín ngưỡng tôn giáo, kể cả ma thuật đều có chức năng mang lại cho con người niềm tin, lòng can đảm, hy vọng vào chiến thắng đối với sự sợ hãi. Nó đồng thời còn là lý do đem lại sự tồn tại của mọi tín ngưỡng tôn giáo.

Trong công trình Tôn giáo như một hệ thống văn hóa, Clifford Geertz đã đề xuất quan điểm nghiên cứu các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo thông qua biểu tượng. Ông cho rằng văn hóa là “biểu thị một khuôn mẫu được truyền theo lịch sử của ý nghĩa hàm chứa trong những biểu tượng” [37, tr 310], ở đây tác giả cho rằng những biểu tượng thiêng đều “có chức năng tổng hợp giá trị tinh thần đạo đức” [37, tr 311] để từ đó khuyến cáo khi nghiên cứu về các hiện tượng này thì cần được nhìn nhận theo những biểu tượng với các chức năng tương ứng. Cụ thể, trong niềm tin tôn giáo, những biểu tượng thiêng (với những đặc tính bản chất của nó) trong tín ngưỡng tôn giáo “là những dạng biểu đạt hữu thể của ý niệm, sự trừu tượng từ trải nghiệm thể hiện trong những dạng thức có thể nhận biết được, những thể thức cụ


thể của ý tưởng, thái độ, đánh giá, mong muốn và niềm tin” [37, tr 313]. Mặt khác, từ chức năng biểu đạt ý niệm tôn giáo thành hữu thể của biểu tượng, Geertz đã nhận diện ra tính tôn giáo qua yếu tố niềm tin được thấy như “một tâm trạng kính sợ cụ thể nào đó” [37, tr 321], và niềm tin tôn giáo ấy biểu trưng cho một số chân lý tối cao siêu việt. Qua đây chúng ta thấy được niềm tin chính là yếu tố có vai trò quan trọng để tạo nên một thực thể tín ngưỡng tôn giáo. Khi niềm tin thể hiện qua các biểu tượng và trở thành chân lý thì dù biểu tượng đó được sử dụng như thế nào trong bất cứ một loại hình thiết chế nghi lễ nào nó vẫn hoàn toàn giữ nguyên ý nghĩa và giá trị của nó.

Trên cơ sở tiến hóa luận, Herbert Spencer cho rằng thiết chế xã hội nào giúp xã hội có khả năng thích nghi, tồn tại và phát triển được trong môi trường sống đầy rủi ro, bất trắc thì thiết chế đó được duy trì và củng cố. Từ quan điểm này thì theo ông ba thiết chế: Gia đình và dòng tộc; Thiết chế nghi lễ; thiết chế tôn giáo là những thiết chế mang tính bền vững. Việc ông đặc biệt nhấn mạnh: “Thiết chế nghi lễ để đáp ứng nhu cầu liên kết xã hội và kiểm soát các quan hệ xã hội ở quy mô lớn thông qua các thủ tục, biểu tượng, kí hiệu, nghi thức” và “chức năng của nghi lễ trong việc tạo ra sự gắn kết và phối hợp giữa các hoạt động của các bộ phận cấu thành xã hội; mối tương quan giữa quyền lực và nghi lễ, mức độ tập trung quyền lực trong xã hội càng cao thì mức độ bất bình đẳng về nghi lễ càng lớn” [47]. Cũng như vậy, trong quan điểm tín ngưỡng tôn giáo với tư cách là một thiết chế xã hội, Spencer cho rằng nó: “có yếu tố cơ bản là tập hợp các cá nhân cùng chia sẻ niềm tin và tham gia hoạt động nghi lễ đặc thù của tôn giáo; có chức năng củng cố chuẩn mực giá trị, niềm tin tinh thần để duy trì sự ổn định trật tự xã hội” [47]. Từ quan niệm này có thể thấy rằng việc thờ cúng các vị thần linh trong nhiều trường hợp cũng là nhằm để các đối tượng thờ cúng tham gia một cách hữu hiệu vào duy trì sự ổn định trật tự xã hội và thông qua hệ thống nghi lễ nó không chỉ có chức năng đáp ứng nhu cầu tâm linh của cá thể mà còn củng cố tính liên kết cộng đồng và thực hiện chức năng liên kết xã hội.


Tóm lại cho dù tiếp cận với tín ngưỡng tôn giáo ở giác độ nào từ phân loại học hay nghiên cứu dựa vào bản chất hoặc chức năng của tín ngưỡng tôn giáo thì cuối cùng vẫn cho thấy niềm tin tín ngưỡng tôn giáo, thực hành nghi lễ và sự tồn tại của các đối tượng thiêng và đức tin của cộng đồng vào đối tượng thiêng vẫn là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất của mọi hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo.

Như vậy, trong quan điểm của các nhà lý thuyết cấu trúc- chức năng, họ quan tâm đến các hiện tượng tín ngưỡng tôn giáo như một chỉnh thể thống nhất giữa các bộ phận, thành tố như thiết chế, nghi lễ, biểu tượng, niềm tin và giữa chúng có mối quan hệ qua lại, tác động, phụ thuộc lẫn nhau, không tách biệt.

Từ lập trường của các nhà lý thuyết cấu trúc- chức năng, áp dụng trong đề tài luận án, NCS nhận thấy việc thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa là một “hiện tượng văn hóa mang tính tổng thể” với các thành tố DSVH và hệ thống thờ cúng đã được thực hành thường xuyên, bền vững. Giữa các thành tố này đảm trách những chức năng khác nhau nhưng có tác động chi phối qua lại với nhau tạo nên hiện tượng thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa. Vì vậy, luận án tiếp cận tục thờ cúng này vừa với tư cách là một hiện tượng tín ngưỡng nhưng đồng thời cũng xem xét nó trong một phức hợp tổng thể các thành tố văn hóa liên quan. Việc áp dụng các lý thuyết này trong đề tài sẽ giúp NCS có thể nhận thức rõ vai trò, ảnh hưởng của các nhân vật trong đời sống văn hóa của cộng đồng cũng như thái độ, ứng xử của nhà nước và cộng đồng đối với tục thờ cúng.

* Tiếp cận các luận điểm về hiện tượng thiêng hóa nhân vật lịch sử

Ở Việt Nam, tín ngưỡng là một hiện tượng lịch sử thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội. Nó góp phần phản ánh nhận thức, nguyện vọng của con người trước thực tại của đời sống, có tác dụng giáo dục đạo đức, phát huy tinh thần đoàn kết và bảo tồn văn hóa dân tộc. Đã có nhiều công trình tiếp cận tín ngưỡng dưới góc độ của một hiện tượng văn hóa mang tính tổng thể và chỉ ra quá trình thần hóa/thánh hóa các nhân vật tín ngưỡng của người Việt xuất phát từ các cơ sở văn hóa- xã hội được củng cố, xác lập một cách bền vững. Nghiên cứu nổi bật nhất


trong chủ đề này là tìm hiểu về quá trình Thánh hóa nhân vật lịch sử Trần Hưng Đạo của tác giả Phạm Quỳnh Phương [87], [88], [89], [151], [154], [155]. Trong các công trình đã công bố của mình, thông qua khảo sát truyền thuyết, di tích và lễ hội, tác giả đã chỉ ra khuynh hướng huyền thoại hóa cuộc đời và chiến công của các nhân vật lịch sử đã góp phần nảy sinh một hiện tượng tín ngưỡng trong đời sống văn hóa dân gian người Việt, mà ở đây là tín ngưỡng hóa nhân vật lịch sử Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Đó là sự đan cài giữa các yếu tố lịch sử và dân gian trong cùng một hiện tượng tín ngưỡng.

Tác giả Phạm Quỳnh Phương cho rằng, từ một nhân vật lịch sử, Trần Hưng Đạo trở thành một vị Thánh là do hiện tượng văn hóa này đáp ứng được cả ba nhu cầu: nhu cầu của những người lãnh đạo quốc gia ở nhiều thời đại (cần một biểu tượng đề cao tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng trước mọi biến cố xã hội); nhu cầu của tầng lớp trí thức (cần một biểu tượng về “địa linh nhân kiệt”, một anh hùng lịch sử văn hóa và tấm gương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp); nhu cầu của quần chúng bình dân (cần biểu tượng một sức mạnh siêu phàm trợ giúp sức khỏe, trừ mọi tà ma bệnh tật) [88]. Tác giả Ngô Đức Thịnh cũng có quan điểm tương đồng khi lý giải mối quan hệ giữa triều đình (thế lực phía trên) với dân chúng (thế lực phía dưới) trong các điều kiện lịch sử- xã hội cụ thể đã dẫn đến quá trình Thánh hóa Đức Thánh Trần như sau:

Hiện tượng sùng bái người anh hùng với việc lập sinh từ khi còn sống, lập đền thờ sau khi mất là những dạng thức sơ khai của tín ngưỡng. Sau đó, việc các vương triều cầu khấn sự trợ giúp khi đất nước có họa xâm lăng, nhân dân kêu cầu khi ốm đau bệnh tật đã dần dần làm cho tín ngưỡng mang thêm những màu sắc mới. Thái độ cởi mở đối với tín ngưỡng dân gian của Đạo giáo của các quý tộc vương hầu, kể cả chính sách của một số vương triều, nhất là sự phát triển nhu cầu tâm linh của dân chúng trong điều kiện xã hội biến động và ý chí độc lập dân tộc được đề cao, đã hình thành khuynh hướng dần xác lập một tín ngưỡng hoàn chỉnh hơn [119, tr 181].


Ở đây những hồi ức về lịch sử, đậm màu sắc dân gian được dân chúng bảo tồn, tiềm ẩn trong cõi sâu thẳm của tâm linh, và được truyền tụng từ đời này sang đời khác với một vòng hào quang thần thánh. Trong dòng tâm thức sùng kính đến mức thần hóa những người có công với nước với làng. Cùng với đó là ý thức về lòng yêu nước và tự tôn dân tộc đã trở thành một đặc trưng sâu đậm của tâm thức dân gian người Việt và đó chính là lý do chủ yếu của việc hình thành và tồn tại tín ngưỡng Đức Thánh Trần: “dư âm hào hùng của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và kỳ tích của vị Tiết chế thống lĩnh quân đội Trần Hưng Đạo đã tạo ra một bối cảnh lịch sử - văn hóa thuận lợi cho khuynh hướng tâm linh muốn dựng một tín ngưỡng mới thuộc dòng đạo nội, gắn bó chặt chẽ với ý chí độc lập tự cường của dân tộc” [154].

Từ sự giải mã hiện tượng tín ngưỡng Đức Thánh Trần quy chiếu với việc thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, NCS nhận thấy: đây là tục thờ cúng có từ lâu đời, với đầy đủ loại hình DSVH và các thực hành nghi lễ để tạo nên một hệ thống thờ cúng được vận hành thường xuyên, liên tục. Từ đó định hình nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, phân bố tập trung trên các khu vực đã từng là địa bàn hoạt động của khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa cũng như trên quê hương các nhân vật. Thời gian văn hóa của tín ngưỡng phụng thờ kéo dài qua nhiều thời kỳ, giai đoạn lịch sử, ngay từ giữa thế kỷ XV, với việc phong cấp, ban thưởng khi nhân vật lịch sử còn sống cho đến việc lập đền thờ, dựng bia, cấp tự điền và cho phép cộng đồng thờ cúng sau khi chết dưới các triều đại phong kiến. Trải qua những biến động, thăng trầm của lịch sử, tục thờ luôn vận động, biến đổi, tác động qua lại với các hình thức tín ngưỡng dân gian khác nhưng ý thức tôn vinh, thờ cúng nhân vật lịch sử là chủ yếu. Tục thờ cúng này là kết quả của quá trình thiêng hóa các nhân vật lịch sử cùng những chính sách của các vương triều Lê Sơ, Lê Trung Hưng, Nguyễn đối với những anh hùng dân tộc, đặc biệt là chiến công của các nhân vật trong khởi nghĩa Lam Sơn. Bản thân các nhân vật lại được cộng đồng ngợi ca về tài năng, khí phách, đức độ, tấm gương trung hiếu và lòng tín

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024