Những Công Trình Nghiên Cứu Về Thờ Cúng Các Nhân Vật Lịch Sử Của Người Việt


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU, CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA BÀN NGHIÊN CỨU‌

1.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

1.1.1. Những công trình nghiên cứu về thờ cúng các nhân vật lịch sử của người Việt

Việc phụng thờ nhân thần và các nhân vật lịch sử của người Việt nói chung và ở Thanh Hóa nói riêng là mảng đề tài được khá nhiều các nhà nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau: văn hóa dân gian, văn hóa học, nhân học, dân tộc học, ngôn ngữ học...

Nhiều tác giả đã lựa chọn và nghiên cứu về việc phụng thờ các nhân thần, nhân vật lịch sử cụ thể như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Không Lộ Thiền sư, Trần Nguyên Hãn…Dưới góc độ văn hóa dân gian, thông qua truyền thuyết, điện thần, di tích và lễ hội, luận án Tín ngưỡng Hai Bà Trưng ở vùng châu thổ sông Hồng năm 2008 [86] tác giả Phạm Lan Oanh đã tìm hiểu về nhân vật Hai Bà Trưng, sự chuyển hóa từ một nhân vật lịch sử, một anh hùng dân tộc trở thành đối tượng thờ cúng theo niềm tin dân gian. Từ đó, làm sáng tỏ bản chất tín ngưỡng Hai Bà Trưng: một nữ thần nông nghiệp, phúc thần và là “nhân vật đặc biệt có quyền lực và linh pháp trong lịch sử và tâm thức dân gian Việt Nam” [86, tr.14].

Trên Tạp chí Văn hóa học, có bài viết “Truyền thuyết, di tích và việc thờ cúng Mai Hắc Đế trong dòng chảy thời gian” [4] của tác giả Trần Thị An. Thông qua chuỗi truyền thuyết gắn liền với nơi sinh, nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ giữa ý thức và việc thờ tự diễn ra tại cộng đồng. Đồng thời khẳng định sự tồn tại của huyền tích, tín ngưỡng có vai trò to lớn trong sáng tạo văn hóa của dân gian và lịch sử vùng đất.

Nhìn nhận mối quan hệ gắn bó mật thiết hữu cơ giữa truyền thuyết- lịch sử - lễ hội đặt trong bối cảnh triều đại và các nhân vật lịch sử, được giải mã với một số biểu tượng văn hóa gắn với lịch sử và truyền thuyết, Luận văn Khảo sát truyền thuyết và lễ hội Đinh Lê ở Ninh Bình [90] của Giang Thị Thu Phương đã


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

tìm hiểu về cách thức huyền thoại hóa lịch sử để lưu giữ ký ức cộng đồng. Đi đến nhận định khoa học quan trọng rằng các anh hùng văn hóa, nhân vật lịch sử không chỉ sống trong những lời kể mà còn sống trong những nghi lễ thờ cúng với những nghi thức, những tập tục sinh động.

Đi theo hướng khảo sát truyền thuyết và lễ hội còn có Khảo sát hiện tượng Từ Đạo Hạnh ở Hà Nội [48] của Vũ Thị Huế. Nghiên cứu này đã khảo sát hiện tượng Từ Đạo Hạnh- một nhân vật lịch sử, là một vị thiền sư đời Lý trong văn học và trong lễ hội dân gian từ đó chứng minh rằng hiện tượng Từ Đạo Hạnh không chỉ là một truyền thuyết, một lễ hội bó hẹp trong một địa phương nhất định mà nó được sinh ra và lưu truyền, có sức sống bền bỉ về mặt thời gian và ảnh hưởng rộng lớn về mặt không gian.

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 3

Trong những nghiên cứu về thờ cúng, tín ngưỡng hóa nhân vật lịch sử, có lẽ các công trình nghiên cứu của tác giả Phạm Quỳnh Phương đối với nhân vật Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn) nhận được sự quan tâm nhất. Điểm đáng lưu ý trong các nghiên cứu về Trần Hưng Đạo của tác giả là đặt nhân vật được thờ trong lăng kính đa chiều, với nhiều chiều kích, góc độ khác nhau. Chẳng hạn các nghiên cứu đi theo hướng truyền thống là khảo sát truyền thuyết, lịch sử và lễ hội [87]. Trong công trình khác lại nghiên cứu hiện tượng thờ Đức Thánh đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam đương đại [151]. Ở một công trình khác tín ngưỡng Đức Thánh Trần như một hiện tượng văn hóa đa nghĩa [88]. Các không gian thiêng về ông gắn liền với hệ thống di tích [89] ở Việt Nam cũng được tác giả khảo sát dưới khía cạnh nhân học. Trong bài viết Tín ngưỡng Trần Hưng Đạo [154, 155] tác giả Phạm Quỳnh Phương nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Trần Hưng Đạo trong số các anh hùng dân tộc được tôn thờ, bởi ảnh hưởng sâu rộng của nhân vật lịch sử này trong đời sống dân tộc và tâm linh. Từ một nhân vật lịch sử, Trần Hưng Đạo trở thành một vị Thánh là do hiện tượng văn hóa này đáp ứng được cả ba nhu cầu: nhu cầu của những người lãnh đạo quốc gia ở nhiều thời đại (cần một biểu tượng đề cao tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng trước mọi biến cố xã hội); nhu cầu của tầng lớp trí thức (cần một biểu


tượng về “địa linh nhân kiệt”, một anh hùng lịch sử văn hóa và tấm gương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ nối tiếp); nhu cầu của quần chúng bình dân (cần biểu tượng một sức mạnh siêu phàm trợ giúp sức khỏe, trừ mọi tà ma bệnh tật).

Một số công trình đáng chú ý khác, chẳng hạn như Góp phần nghiên cứu một vị thành hoàng Việt Nam: Lý Phục Man (1938) của tác giả Nguyễn Văn Huyên. Bằng cách tiếp cận dân tộc học/nhân học, tác giả đã sử dụng phương pháp phân tích từ nhiều góc độ trên cơ sở các nguồn tư liệu truyền thuyết trong thư tịch và truyền thuyết được truyền miệng trong mối liên hệ với di tích, phong tục, tín ngưỡng [2, tr 22]. Hay trong một số chuyên khảo khác, đáng kể như Truyền thuyết anh hùng trong thời kỳ phong kiến [43] của tác giả Kiều Thu Hoạch hoặc Mối liên hệ giữa truyền thuyết người Việt và lễ hội về các anh hùng [63] của tác giả Lê Kỳ đã cho thấy nghi lễ và các phong tục không chỉ là một bộ phận của tín ngưỡng mà qua đó còn góp phần làm rõ thêm về lai lịch và ảnh hưởng của nhân vật lịch sử trong đời sống văn hóa của cộng đồng.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, nhiều tác giả đã lựa chọn những phương pháp nghiên cứu mới, áp dụng các lý thuyết nghiên cứu mới trên thế giới trong nghiên cứu như đề tài Hệ thống truyền thuyết và lễ hội về võ tướng Dương Tự Minh ở Thái Nguyên [128] của Nguyễn Thị Phương Thủy. Từ những phân tích theo khuynh hướng tiếp cận liên ngành và khuynh hướng nghiên cứu ngữ văn, áp dụng lý thuyết nghiên cứu mới của giới nghiên cứu folklore thế giới, công trình đã phân tích, tìm hiểu về hình tượng nhân vật, nội dung thi pháp của truyền thuyết, mối quan hệ giữa truyền thuyết và lễ hội. Đặc biệt đặt nhân vật trong môi trường văn hóa tín ngưỡng, phong tục và lễ hội để nhận diện đầy đủ hơn đặc trưng và sức sống của nhân vật.

Nhìn chung, nghiên cứu về phụng thờ các nhân vật lịch sử đã được các tác giả tiếp cận dưới nhiều bình diện như quá trình vận động, chuyển hóa, nguồn gốc, bản chất, vai trò của việc thờ cúng trong đời sống văn hóa cộng đồng…Mặc dù không trực tiếp bàn đến các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai và việc phụng thờ các nhân vật này nhưng các hướng nghiên cứu của các công trình nghiên cứu nêu trên là


những định hướng, gợi mở mà NCS đã kế thừa được rất nhiều trong quá trình thực hiện luận án, dưới tư cách là tiếp cận về một hiện tượng tín ngưỡng, nghi lễ.

1.1.2. Nghiên cứu về hội thề Lũng Nhai và các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai

Các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 nằm trong chủ đề khởi nghĩa Lam Sơn, vốn từ lâu đã trở thành chủ đề hấp dẫn giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Nhiều vấn đề về nhân vật lịch sử, sự kiện trong khoảng thời gian này được xem xét, bình luận dưới nhiều góc độ khác nhau. Riêng về những công trình khảo cứu, tìm hiểu về các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa được nghiên cứu trên cả góc độ sử học, địa lý, nhân học, văn học tộc người...

Về phương diện sử học, các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khởi đầu bằng sự kiện hội thề Lũng Nhai và kết thúc bằng hội thề Đông Quan. Với hội thề Đông Quan, thư tịch có cổ ghi chép tương đối đầy đủ, chính xác cũng như thành phần tham gia… Trong khi đó, hội thề Lũng Nhai và những người tham gia hội thề Lũng Nhai thì thông tin thư tịch cổ ghi chép còn khá sơ sài.

Cho đến nay, các sử liệu chỉ cho biết rằng, đã có một cuộc hội thề giữa anh hùng Lê Lợi và 18 người thân tín nhất tại một địa điểm bí mật gọi là Lũng Nhai thuộc hương Lam Sơn, ẩn sâu trong vùng rừng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Hội thề đó được tổ chức vào một ngày tháng Hai năm Bính Thân (1416). Mục đích là tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức đồng lòng chuẩn bị phát động khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Minh. Hội thề đó là cơ sở cho việc tổ chức cuộc khởi nghĩa Lam Sơn sau đó hai năm (1418). Sau hội thề này, nhiều anh hùng hào kiệt và những người yêu nước khắp nơi đã theo Lê Lợi tụ nghĩa.

Hiện nay, các ý kiến về sự kiện lễ thề, lời văn thề và người tham gia còn chưa có sự đồng nhất. Dựa vào thư tịch sớm nhất chép về khởi nghĩa Lam Sơn là Lam Sơn thực lục [85]. Bản chính biên soạn vào năm Thuận Thiên thứ 4 (1431), tức là sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi 5 năm do Lễ bộ Thượng thư Đàm Văn Lễ y sao bản chính thời Thuận Thiên để ban cấp cho hoàng tộc và gia tộc một số công


thần thì ở đoạn cuối cùng của quyển 3 bản Lam Sơn thực lục có chép nguyên văn lời Văn thề như sau:

Thiên Khánh năm đầu, sao Tuế đóng ở Bính Thân, tháng Hai Kỷ Mão, sóc vượt qua ngày 12, Canh Dần, An Nam, lộ Khả Lam, tôi Phụ đạo chính, tên là Lê Lợi cùng bọn Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiệm, Võ Uy, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân chú, Trịnh Vô, Phạm Lôi, Lê Lý, Đinh Lan và Trương Chiến kính cẩn dâng lễ sinh huyết, kết lòng thành [85, tr. 212].

Sau này ta thấy nội dung bài văn thề còn được ghi chép trong gia phả của một số gia đình công thần Lũng Nhai như: Dòng họ Lưu Nhân Chú xã Vân Yên (huyện Đại Từ, Thái Nguyên), họ Lê ở phường Đông Vệ (thành phố Thanh Hóa), họ Đinh ở xã Trung Chính (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), họ Nguyễn ở xã Thọ Diên (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa)…Qua phân tích cho thấy, lời văn của văn bản Hội thề Lũng Nhai trong các tư liệu trên tương đối giống nhau; nhưng danh sách 19 người tham gia có đôi chỗ khác nhau.

Lê Quý Đôn trong Đại Việt thông sử [142] giúp xác tín sự tin cậy của sự kiện hội thề cũng như những người có tham gia. Về sau, một số công trình tìm hiểu, khảo sát về hội thề Lũng Nhai, đặc biệt là những nghiên cứu của các tác giả như Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Lê…đã một lần nữa khẳng định hội thề Lũng Nhai do Phụ đạo Lê Lợi và 18 nghĩa sỹ diễn ra vào ngày 1 tháng 2 năm Bính Thân (1416) là có thật trong lịch sử.

Năm 1966, tác giả Hoàng Xuân Hãn đã cho công bố các bản văn thề gọi là Những lời thề của Lê Lợi in trong chuyên khảo đặc biệt trên tập san Sử- địa (Sài Gòn) trên cơ sở khảo chứng kỹ lưỡng các bản văn thệ được tìm thấy ở làng Kiều Đại (nay thuộc phường Đông Vệ, Tp Thanh Hóa), trong đó bao gồm 1 bản chữ Hán và 2 bản chữ Nôm sao năm 1931 (niên hiệu Bảo Đại, thời Nguyễn). Tác giả đã khẳng định sự thật lịch sử của sự kiện hội thề Lũng Nhai diễn ra năm 1416 và danh sách người dự được phản ánh qua bản văn thề cụ thể như sau:


Năm đầu niên hiệu Thiên Khánh, là năm Bính Thân, tháng Hai, qua ngày Kỉ Mão là ngày sóc đến ngày thứ mười hai là ngày Canh Dần. Nước Hà Nam, phụ đạo lộ Khả Lam, tôi Lê Lợi, Lê Lai, Lê Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Lê Nanh, Lê Kiệm, Võ Uy, Nguyễn Trãi, Đinh Liệt, Lê Nhân Chú, Lê Bồi, Lê Lí, Đinh Lan, Trương Chiến, kính cẩn đem lễ vật, sanh huyết thành kính dâng lời tâu cáo cùng Hạo thiên thượng đế, Hậu thổ Hoàng địa kỳ cùng các tôn linh thần bậc thượng, trung, hạ coi sông núi ở các xứ nước ta. Cúi xin rủ lòng soi xét cho [42, tr 12].

Thậm chí, lời văn trong bản thề còn biểu thị ý chí quyết tâm diệt giặc của 18 nghĩa sỹ cùng với Lê Lợi trước thần linh, sông núi: “...Lê Lợi cùng Lê Lai cho đến Trương Chiến mười chín người đều hiệp lực đồng tâm chống giữ địa phương được an cư trong cõi xóm. Sống chết cùng nhau không quên lời thề tâm huyết. Tôi cúi xin trời đất và các thần thiêng giáng trăm tai ương xuống từ thần tôi đến nhà; họ hàng con cháu đều chịu giết hết...” [42, tr 12- 13].

Năm 2013, nhân sự kiện tổ chức hội thảo bàn về địa điểm tổ chức hội thề Lũng Nhai do Viện Sử học phối hợp với UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Tác giả Hà Mạnh Khoa có bài viết: Quê hương và các danh tướng người Thanh Hóa trong danh sách tham gia hội thề Lũng Nhai [144, tr 124]. Trong bài viết này, dựa trên tổng hợp thông tin từ các thư tịch như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử, Lam Sơn thực lục và một số gia phả dòng họ, tác giả đã đối chiếu các thông tin về họ tên, gốc gác liên quan đến những người tham dự lễ thề ở Lũng Nhai...Trong danh sách này có 3 người quê được xác định không thuộc Thanh Hóa là Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú và Bùi Quốc Hưng còn đại đa số các nhân vật đều có quê quán gốc là người ở các huyện Thụy Nguyên, huyện Lương Giang (thuộc phần đất các huyện Thọ Xuân, Ngọc Lặc ngay nay). Từ những thông tin trên, chúng ta biết vẫn còn những điều chưa được giải trình cho người đọc được thỏa kiến về không những họ, tên và quê gốc của các danh tướng, vì sự thay đổi của thời gian, trình độ của người ghi chép và nhất là tài liệu do đời sau sao lục mà hiện tại chưa có


điều kiện để khảo cứu lại. Nhưng có thể từ đó tìm hiểu và sáng tỏ những người mà sử liệu ghi nơi xuất thân gần gũi với nơi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa.

Trên nguyên tắc đối chiếu thông tin từ tài liệu chính sử kết hợp so sánh với gia phả các dòng họ công thần, kể cả điền dã thực địa về văn hóa dân gian của các khu vực xung quanh địa danh đất Lam Sơn ngày nay và đặc biệt là khảo dị các bài văn thề Lũng Nhai trước đây đã được tác giả Hoàng Xuân Hãn giới thiệu. Tác giả Phan Huy Lê đã khảo cứu tỉ mỉ, cẩn thận về thời gian sự kiện, địa điểm, người tham dự hội thề trong chuyên khảo xuất bản năm 2014 với nhan đề: Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn, văn bản và người tham dự [69]. Về những người đã tham gia hội thề lịch sử năm 1416, tác giả đã đối chiếu, so sánh 8 bản văn thề Lũng Nhai được tìm thấy gồm: (1) sách tại đền thờ vua Lê ở làng Kiều Đại, Tp Thanh Hóa; (2) gia phả dòng họ Lê Nhân Chú ở Đại Từ, Thái Nguyên; (3) sách của dòng họ Lê Sát ở Định Hải, Yên Định, Thanh Hóa; (4) gia phả dòng họ Đinh Liệt ở Trung Chính, Nông Cống; (5) gia phả dòng họ Nguyễn Thận ở Thịnh Mỹ, Thọ Xuân và (6) bản chép trong gia phả dòng họ Đỗ Bí được sách Lam Sơn lịch đại đế vương sự tích ghi lại. Ngoài 6 bản trên còn có 2 bản mới được phát hiện gồm: (7) gia phả dòng họ Lê Văn An ở Thọ Lâm, Thọ Xuân và (8) bản Trịnh Tộc gia phả của dòng họ Trịnh Khả tìm thấy được tại xã Cự Đà, huyện Thanh Oai (nay thuộc Tp Hà Nội). Tác giả đã thống kê cẩn thận tên tuổi, số người tham gia và đi đến khẳng định 19 nhân vật gồm có: Lê Lợi, Lê Lai, Lê (Nguyễn) Thận, Lê Văn An, Lê (Trần) Văn Linh, Trịnh Khả, Trương Lôi, Lê Liễu, Bùi Quốc Hưng, Vũ Uy, Nguyễn Trãi, Lê Lý, Trương Chiến, Lê Kiệm (hay Lê Hiểm), Đinh Lan, Lưu Nhân Chú, Phạm Lôi, Lê Nanh, Trịnh Vô [69].

Đề cập về thân thế, sự nghiệp, cuộc đời của 19 nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai và từng cá nhân cũng là mảng đề tài được giới sử học quan tâm. Tuy nhiên, các sách sử chép về các nhân vật tham gia hội thề này nhìn chung đều gắn liền với các thông tin liên quan đến các diễn biến, mốc sự kiện trọng đại của khởi nghĩa Lam Sơn cho nên thông tin về các nhân vật đều hết sức sơ lược, vắn tắt. Ngoài Bình định vương Lê Lợi được Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử,


Lam Sơn thực lục chép khá kỹ về quê hương, xuất thân, gia đình, ngày giờ vua sinh, thì các nhân vật khác lại không được đề cập chi tiết về các thông tin cá nhân. Người ta thấy ở các phần Liệt truyện trong sách Đại Việt thông sử [142] và Nhân vật chí trong Lịch triều hiến chương loại chí [29] có đề cập đến thông tin tiểu sử các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai tương đối rõ ràng. Ở các ghi chép về tiểu sử các nhân vật, đều có những đoạn gần giống nhau như: “Năm Bính Thân (1416) vua cùng 18 vị tướng thân cận liên danh hội thề, nguyện sống chết có nhau, ông cùng dự trong số đó” [142, tr 191, 251, 255]. Các nhân vật được chép kỹ gồm có Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Thận, Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả và danh sách những người tham gia đôi chỗ còn chưa có sự đồng nhất. Chẳng hạn như Phan Huy Chú còn liệt kê cả trường hợp Đinh Liệt có mặt trong hội thề hay Nguyễn Trãi có tham gia hội thề Lũng Nhai trong những ngày đầu tiên của khởi nghĩa hay không thì chưa thấy Đại Việt thông sử đề cập đến.

Những năm gần đây, do số lượng du khách đến tham quan Lam Kinh ngày một đông, nhu cầu hiểu biết về cuộc khởi nghĩa, cũng như thân thế, sự nghiệp của các công thần, danh tướng ngày một nhiều. Năm 2017, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa kết hợp với Ban quản lý DTQGĐB Lam Kinh tổ chức sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn cuốn 35 vị khai quốc công thần Lam Sơn [96] nhằm sáng tỏ thông tin liên quan đến các nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, những người dự hội thề Lũng Nhai nói riêng. Dựa trên các nguồn tài liệu chính sử khá dồi dào về các nhân vật như: Lê Lai, Nguyễn Trãi, Lê Văn Linh, Lê Văn An, Nguyễn Thận, Trịnh Khả...Sách đã giới thiệu cho độc giả chân dung 35 gương mặt công thần triều Lê Sơ, trong đó có đầy đủ những người tham dự hội thề năm 1416. Dù được biên soạn theo thể loại tiểu sử nhân vật trên cơ sở các nguồn tài liệu chính sử nhưng thông tin về các vị còn được bổ sung thêm các truyền thuyết, thần sắc, di tích, gia phả và bia ký liên quan.

Mảng tài liệu lịch sử khá đồ sộ trong đương đại viết về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó có ghi chép tỉ mỉ về những người dự hội thề Lũng Nhai mà chúng tôi chưa có điều kiện liệt kê hết cũng góp nhiều tư liệu quý cho việc tham khảo của

Ngày đăng: 22/01/2024