Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 6


nghĩa. Đó chính là những điều kiện lịch văn –xã hội và văn hóa góp phần nảy sinh và ra đời của tục thờ cúng này.

Ngoài ra chúng tôi còn tham khảo và vận dụng thêm một số lý thuyết khác nhằm làm sáng tỏ các nội dung có liên quan đến đề tài luận án như lý thuyết nghiên cứu về thể loại truyền thuyết trong các công trình nghiên cứu của tác giả Trần Thị An [2] và những căn cứ thể loại để phân tích truyền thuyết- chuỗi, truyền thuyết có tính chất dã sử trong nhóm truyền thuyết Lam Sơn đang được lưu hành tại địa phương có nội dung liên quan đến các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416. Ở đây, “bằng các truyền thuyết, người kể chuyện muốn kết nối thiên nhiên với các nhân vật, sự kiện lịch sử và thông qua đó để thể hiện nhu cầu tinh thần về sự tôn vinh lịch sử, nhắc nhở thế hệ sau niềm tự hào về truyền thống dân tộc” [2, tr 54]. Đồng thời, các truyền thuyết được gắn chặt với hệ thống thực hành nghi lễ các nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa cho chúng ta thấy được tính lịch sử đậm đặc và tính cộng đồng địa phương trong diễn xướng truyền thuyết lịch sử. Đây cũng là một bằng chứng lý giải tại sao một số nhân vật ngoài địa phương Thanh Hóa trong danh sách những người tham gia hội thề như Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú lại không được thiêng hóa, thánh hóa cao độ, không được thờ như những vị nhân thần chính tại các di tích mà mới chỉ có số ít người được phối tự như trường hợp của công thần Nguyễn Trãi.

Như vậy, nền tảng lý luận mà chúng tôi áp dụng để làm rõ vấn đề nghiên cứu trong luận án là lý thuyết cấu trúc - chức năng của các học giả nước ngoài và các luận điểm về thiêng hóa nhân vật lịch sử trở thành nhân vật được phụng thờ; lý thuyết nghiên cứu về thể loại truyền thuyết và mối quan hệ của nó đối với sự lan tỏa các thực hành tín ngưỡng; các tiền đề văn hóa- xã hội để nảy sinh và định hình tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật lịch sử đã được các nhà nghiên cứu trong nước tổng kết, thực chứng. Chúng tôi coi đây là con đường và cách tiếp cận phù hợp để tìm hiểu và nhận thức đúng đắn về tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa.


1.3. Khái quát về địa bàn nghiên cứu

Ở Thanh Hóa, các dấu tích của khởi nghĩa Lam Sơn tập trung hầu hết ở nhiều địa bàn trong tỉnh, trong đó phổ biến và đậm đặc hơn cả là ở khu vực vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa và xung quanh vùng đất Lam Sơn quê hương Lê Thái Tổ. Bởi đây vốn là những nơi in dấu hoạt động trong giai đoạn đầu, thời kỳ cầm cự, nếm mật nằm gai của nghĩa quân Lam Sơn ở Thanh Hóa. Theo các tài liệu sử học cho biết, trong 10 năm khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược thì có đến gần hai phần ba thời gian nghĩa quân Lam Sơn hoạt động ở khu vực vùng rừng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa và khu vực quanh Lam Sơn ngày nay. Điều đó cho thấy các dấu vết vật chất của cuộc khởi nghĩa này có mức độ tập trung cao chủ yếu ở các địa bàn từng diễn ra các trận đánh, lui binh, cầm cự, tiến công của nghĩa quân Lam Sơn trên đất Thanh Hóa.

Trên cơ sở ghi nhận các thực hành nghi lễ liên quan đến tưởng niệm, tôn vinh và phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở các khu vực, vùng địa bàn ảnh hưởng của khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa hiện nay. NCS đã nghiên cứu tập trung gồm 11 huyện: Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Vĩnh Lộc, Đông Sơn, Hoằng Hóa, Tp Thanh Hóa, Nông Cống, Tĩnh Gia. Đây vừa là những địa bàn liên quan trực tiếp đến các sự kiện của khởi nghĩa Lam Sơn trên đất Thanh Hóa và một số nơi vốn được xem là quê hương, dòng họ của nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai.

Vùng lõi của địa bàn nghiên cứu được xác định là khu vực nay thuộc về đất các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân và Thọ Xuân. Với tâm điểm là khu vực Lam Sơn, nơi có di tích Lam Kinh nổi tiếng. Đây cũng là quê hương của vua Lê Thái Tổ và nhiều nhân vật khác trong danh sách những người tham gia hội thề Lũng Nhai như Nguyễn Thận, Lê Văn An, Lê Văn Linh... Trên địa bàn các khu vực này, có thể nhận thấy một hệ thống DSVH có liên quan đến các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai như truyền thuyết, huyền thoại, lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, di tích gắn liền với chủ đề khởi nghĩa Lam Sơn, với anh hùng dân tộc Lê Lợi và các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Đó là các dấu


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

vết thờ cúng và nghi lễ trong cộng đồng về các sự kiện, nhân vật của khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai nói riêng trải dài trên hầu hết các huyện vùng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa như Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân. Tác giả Vương Anh, khi nghiên cứu về sức lan tỏa và sự ảnh hưởng của khởi nghĩa Lam Sơn đến đời sống, tập quán của đồng bào các dân tộc Thái, Mường khu vực miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đã cho rằng, toàn bộ các huyện Thọ Xuân, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước xuống các khu vực đồng bằng và duyên hải ở một số nơi của tỉnh Thanh Hóa cho thấy sự đậm đà các dấu vết truyền thuyết và di tích có chủ đề tôn vinh nhân vật và sự kiện khởi nghĩa Lam Sơn, trong đó có các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai và những chuyện kể dân gian này đã tạo thành một “vùng truyền thuyết Lam Sơn, phổ biến không chỉ ở người Kinh mà cả ở người Mường” [6, tr 9]. Các huyện như Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Ngọc Lặc, vốn được xem là địa bàn gắn bó chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong giai đoạn đầu tiên. Sự kiện hội thề Lũng Nhai đã được diễn ra ở làng Mé, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân và ngày nay ở đây đã phục dựng lại di tích kỷ niệm sự kiện hội thề Lũng Nhai để tưởng nhớ sự kiện Lê Lợi cùng 18 nhân vật cùng đồng tâm thề diệt giặc cứu nước. Khu vực huyện Ngọc Lặc là quê hương công thần Lê Lai, người có công đổi áo bào cứu chúa trong sự kiện 1419 đã trở thành biểu tượng bất tử của tinh thần trung nghĩa. Trên quê hương Lê Lai có 2 di tích nổi tiếng là đền Tép thờ Trung Túc Vương và Đền Lai thờ vua Lê Thái Tổ ở xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc. Ngược lên các huyện Bá Thước, Lang Chánh thì các dấu vết thờ cúng nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở đây chủ yếu gắn với lễ giỗ vua Lê Thái Tổ như đền thờ Lê Lợi ở bản Năng Cát, xã Trí Nang; đền Tiên Púa (còn gọi là Đền Vua) ở xã Giao Thiện (huyện Lang Chánh). Và đặc biệt là lễ hội Căm Mương được tổ chức nhằm vào dịp 22 tháng 8 hằng năm của đồng bào Thái Mường Ký khu vực các huyện Văn Nho và Kỳ Tân của huyện Bá Thước. Có thể nói, những sinh hoạt tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở đây chủ yếu gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường.


Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 6

Từ tâm điểm Lam Sơn, địa bàn thờ cúng và tưởng niệm các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai còn lan tỏa tới một số khu vực trung du, đồng bằng và duyên hải ở Thanh Hóa. Nằm trên triền sông Mã, xã Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh (nay là xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc) vốn là quê hương của công thần Trịnh Khả, ngày nay vẫn còn di tích thờ ông tại địa phương. Đây là khu vực cận kề thành Tây Đô trong khởi nghĩa Lam Sơn và về đường chim bay cũng gần với đại bản doanh của Lê Lợi ở Lam Sơn.

Một số khu vực đồng bằng của tỉnh như Đông Sơn, Nông Cống, Tp Thanh Hóa cũng có nhiều di tích quan trọng phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai điển hình như Thái miếu nhà Hậu Lê; di tích phụng thờ Lê Lợi và các quận công họ Đàm Lê (dòng chính vua Lê Thái Tổ đổi sang họ Đàm) ở Tp Thanh Hóa. Đây vốn là những vùng đất được phong cấp cho các công thần, nghĩa sỹ của triều Lê sơ trước đây và sau này nơi đây cũng là quê hương của các hoàng hậu triều Lê Trung Hưng. Các sự kiện như việc di dời điện Hoằng Đức ở Thăng Long về làng Kiều Đại (nay là phường Bố Vệ) thuộc Tp Thanh Hóa để làm nơi thờ cúng các vua và hoàng hậu triều Lê sau khi Lam Kinh bị hủy hoại đã được các tài liệu sách sử nhắc tới, càng thêm chứng tỏ vị thế của vùng đất “ngoại thích” của vương triều đối với các nhân vật tiền triều, bao gồm Thái Tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi.

Ở huyện Nông Cống, nơi tập trung rất nhiều di tích thờ cúng nhân vật lịch sử khởi nghĩa Lam Sơn nói chung như Đinh Liệt, Đỗ Bí thì còn lại các di tích phụng thờ nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai tiêu biểu là Võ Uy và Lê Hiểm. Thực tế, đây là đất phân phong của triều Lê dành cho đội ngũ công thần sau các đợt phong hạng, ban thưởng của vua Lê Thái Tổ sau khi lên ngôi. Các tài liệu như Lam Sơn thực lục cho biết, Lê Hiểm và Võ Uy vốn là người gốc Mường, Lê Hiểm gốc quê ở thôn Ngọc Châu, hương Lam Sơn, nay thuộc xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Còn Võ Uy là người thôn Thụ Mệnh, hương Lam Sơn, là công thần nghĩa sỹ trận vong trong khởi nghĩa Lam Sơn. Sau này con cháu ông rất được Lê Thánh Tông trọng dụng và phong cho thực ấp rất lớn ở làng Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống. Sang đến thời Lê Trung Hưng, gia tộc Võ Uy đã trở thành


một dòng họ có thế lực không chỉ ở khu vực đất Nông Cống mà trên bình diện toàn tỉnh Thanh Hóa với các trang sở kéo dài đến Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn, Hậu Lộc và nhiều nơi khác trong tỉnh. Với hệ thống đền thờ, lăng mộ, từ đường, đình làng có liên quan đến thờ cúng các nhân vật Võ Uy, Lê Hiểm tập trung ở xã Tân Phúc, huyện Nông Cống. Có thể nói đây là một trong các khu vực hành chính có mật độ di tích thờ cúng nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai vào dạng nhiều nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Hai huyện Hoằng Hóa và Nông Cống cũng là những địa phương còn in lại dấu tích thờ cúng công thần Lê Lai ở nhiều xã trên địa bàn như Hoằng Hải, Hoằng Tiến (Hoằng Hóa), Trung Ý (Nông Cống), thờ nhân vật hội thề Lũng Nhai Lê Liễu ở xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa). Đây vốn là đất dựng nghiệp của người cháu nội khá nổi tiếng của Lê Lai, về sau đã trở thành công thần của các triều vua Lê sơ đó là Lê Niệm. Dưới thời Lê Thánh Tông, dòng họ Lê Lai ở xã Hoằng Hải đã trở thành một dòng họ quyền thế, có ảnh hưởng lớn đến vùng đất duyên hải phía Đông Bắc của tỉnh Thanh Hóa. Công thần Lê Liễu thì quê gốc cũng được xác định không phải ở Hoằng Hóa mà là người quê nay thuộc xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, ông cũng hy sinh từ sớm trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, mặc dù có tên trong danh sách tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 nhưng các tài liệu ghi chép về hoạt động trong khởi nghĩa Lam Sơn còn lại khá ít. Căn cứ vào gia phả dòng họ lập vào năm 1883 thời vua Tự Đức lưu giữ tại nhà thờ ở làng Bản Định, xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa cho thấy, ít nhất đến thời nhà Nguyễn, con cháu Lê Liễu đã có mặt và lập cư ở vùng đất Hoằng Hóa ngày nay.

Nằm về phía Nam của tỉnh, thôn Quan Nội, xã Hải Hòa (Tĩnh Gia) là quê hương hậu duệ con cháu 2 vị khai quốc công thần triều Lê sơ, 2 vị Lũng Nhai công thần Lê Trương Lôi, Lê Trương Chiến. Cũng như Võ Uy, cha con Trương Lôi, Trương Chiến vốn là người thôn Thụ Mệnh, lộ Khả Lam (nay thuộc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân). Tham gia khởi nghĩa cùng Lê Lợi từ rất sớm, tài liệu chính sử mô tả Trương Lôi thân cận với vua như người nhà, được giao các việc cày cấy, sản xuất trong gia tộc dòng họ Lê Lợi. Sau khởi nghĩa Lam Sơn, con cháu 2 ông được


nhà Lê cấp lộc điền, cho khẩn hoang và sinh cơ tại xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia ngày nay.

Như vậy, có thể nói, những dấu vết thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai phân bố trải đều ở các địa phương trong toàn tỉnh Thanh Hóa, từ vùng núi phía Tây của tỉnh xuống đến khu vực đồng bằng và một số huyện duyên hải như Hoằng Hóa, Tĩnh Gia. Các dấu tích thờ cúng này có mức độ tập trung nhiều ở vùng đất Lam Sơn, đại bản doanh hoạt động của quân Lam Sơn trước đây. Về quê quán các nhân vật, mặc dù các tài liệu đã khẳng định gốc gác thực tế các nhân vật căn cứ vào tầm tra và san định các thông tin sử liệu. Tuy nhiên, trong đề tài luận án, NCS chủ yếu tập trung vào nghiên cứu ở các địa bàn đã ghi nhận có các thực hành tín ngưỡng liên quan đến các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, đó là phạm vi 11 huyện đã được trình bày như trên.

Tiểu kết

Với mục đích xác lập nền tảng lý thuyết làm cơ sở nghiên cứu, trong chương 1, NCS đã tập trung vào các vấn đề tổng quan tình hình nghiên cứu, cơ sở lý luận và khái quát về địa bàn nghiên cứu.

Trên cơ sở hệ thống hóa tư liệu, nhìn nhận và đánh giá tổng thể các công trình đã công bố, ghi chép về các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai từ góc độ sử học và văn hóa, NCS nhận thấy rằng: mặc dù đã có nhiều sách vở bàn về hội thề Lũng Nhai và nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai dưới nhiều góc độ, song bàn về tín ngưỡng, thờ cúng các nhân vật tham dự hội thề lịch sử này thì hoàn toàn mới mẻ. Những nghiên cứu đi trước chưa phản ánh được một cách hệ thống và toàn diện về tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, đặc biệt là diễn biến của tục thờ cúng này trên đất Thanh Hóa, vốn là nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như là nơi đã diễn ra sự kiện hội thề Lũng Nhai trong lịch sử. Những điều này đã gợi mở cho NCS lựa chọn và xác định những vấn đề thuộc nội dung luận án mà NCS cần và sẽ tập trung giải quyết, từ đó có thể đóng góp thêm những thông tin có giá trị về mặt nhận thức khoa học và thực tiễn.


Luận án làm rõ các khái niệm về tín ngưỡng, tục thờ, nhân vật lịch sử, tục thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai. Trong đó xác định tục thờ cúng này là một bộ phận trong đời sống văn hóa của cộng đồng nhân dân địa phương, đã được nảy sinh, tồn tại và phát triển qua các giai đoạn lịch sử với nội dung chủ yếu là thể hiện sự tôn vinh các nhân vật lịch sử của khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai nói riêng.

Dựa trên lập trường của các nhà lý thuyết cấu trúc- chức năng, áp dụng trong đề tài luận án, luận án tiếp cận tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa như một “hiện tượng văn hóa mang tính tổng thể” với các thành tố DSVH và hệ thống thờ cúng đã được thực hành thường xuyên, bền vững. Giữa các thành tố như thiết chế, nghi lễ, tập tục đảm trách những chức năng khác nhau nhưng có tác động chi phối qua lại với nhau tạo nên hiện tượng thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa. Đồng thời từ sự tiếp cận các luận điểm thiêng hóa nhân vật lịch sử của các nhà nghiên cứu trong nước, giúp NCS nhận thức rõ vai trò, ảnh hưởng của các nhân vật trong đời sống văn hóa của cộng đồng cũng như thái độ, ứng xử của nhà nước và cộng đồng đối với tục thờ cúng.

Ở xứ Thanh, việc tôn vinh và phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai đã trở thành truyền thống văn hóa và đã đi vào đời sống tín ngưỡng của người dân từ lâu đời. Sau hơn 600 năm đã trôi qua, những âm hưởng hào hùng, bi tráng của khởi nghĩa Lam Sơn gắn với những nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 vẫn còn đọng lại trong ký ức, tình cảm của cộng đồng nhân dân địa phương ở xứ Thanh. Và đã để lại cả một hệ thống các di tích, lễ hội, nghi lễ, diễn xướng và phong tục tập quán phong phú, nhiều loại hình có chủ đề liên quan đến sự tôn vinh các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Do đó, NCS tìm hiểu về các khu vực đã từng là vùng địa bàn hoạt động của khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa và quê hương, dòng họ của các nhân vật lịch sử này để làm rõ cơ sở hình thành và đặc điểm của sinh hoạt tín ngưỡng gắn với phụng thờ các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa.


Chương 2

CÁC NHÂN VẬT LỊCH SỬ THAM GIA HỘI THỀ LŨNG NHAI NĂM 1416

2.1. Chân dung các nhân vật qua thư tịch

Từ các nguồn sử liệu, chúng ta có thể thấy rằng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai là những nhân vật lịch sử có thực và là những người anh hùng chống giặc Minh trong thế kỷ thứ XV. Các nhân vật này tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng với Lê Lợi từ buổi đầu trong sự kiện hội thề Lũng Nhai năm 1416 đã được các sách sử chép lại. Các vị đều có tên tuổi, lai lịch rõ ràng, thậm chí ngày đến Lam Sơn, ngày tham gia hội thề, thứ tự trong cuộc lễ thề, những chiến công và ngày mất cũng đều được đề cập khá cụ thể. Xét về quê quán, trong 19 nhân vật tham gia hội thề thì có đến 16 người chắc chắn ở Thanh Hóa, chỉ có 3 người từ nơi khác đến tụ nghĩa, đó là Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng và Lưu Nhân Chú [144, tr 267].

Sau khởi nghĩa Lam Sơn, một số nhân vật thậm chí đã trở thành trụ cột của triều đình, tham gia hoạt động chính sự trải dài qua các đời vua Lê Sơ như Lê Văn An, Lê Văn Linh, Trịnh Khả, Nguyễn Thận, Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng, Lưu Nhân Chú…Xuyên suốt qua hơn 10 năm “nếm mật nằm gai” cùng với Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai đã được triều đình Lê Sơ phong hạng, ban thưởng, hầu hết đều có tên trong số những người được ban biểu ngạch công thần vào năm Thuận Thiên thứ 2 (1429) và thậm chí việc thi hành “chính sách đối với người có công” đối với các nhân vật Khởi nghĩa Lam Sơn nói chung, các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai nói riêng còn được tiến hành làm nhiều đợt. Chính sử ghi nhận có đến 3 đợt phong hạng, ban thưởng lần lượt vào tháng 2/1428, tháng 3/1428 và tháng 5/1429. Trong đợt 1 (tháng 2/1428) còn nói rõ là “phong chức cho các quân nhân trong đội quân thiết đột vì có công siêng năng, khó nhọc trong những ngày ở Lũng Nhai” [142, tr 234]. Những nhân vật hy sinh trước khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi như Lê Lai, Lê Liễu, Lê Nanh, Đinh Lan, Võ Uy hoặc các trường hợp oan sai vì bị hãm hại như Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Trịnh Khả ...thì đều được các vua sau của triều Lê Sơ sửa sai, truy tặng, trả lại

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024