Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 12


quy mô kiến trúc hết sức khiêm tốn. Đây chủ yếu là những đền thờ được nhân dân dựng lại trên nền cũ hay căn cứ vào tư liệu lịch sử để phục dựng lại làm chốn lui tới tín ngưỡng cho bà con. Mặc dù vậy, bản thân một số di tích có giá trị tư liệu rất cao như đền thờ Trương Lôi, Trương Chiến ở Tĩnh Gia còn lưu giữ các đạo sắc do nhà Lê Sơ phong tặng. Hay như đền Chiêu Anh gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Phật và các nhân vật lịch sử. Tại di tích này có ban thờ các vị công thần khai quốc triều Lê như Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Đạt, Lê Phần, Lê Bổng, Nguyễn Xí và đặc biệt còn có 2 ông trong danh sách hội thề là Lê Văn An, Lê Thận [PL8, ảnh 5, tr 228].

Về loại hình từ đường, qua thực tế khảo sát cho thấy, khác với di tích thờ các nhân vật như Lê Lợi, Lê Lai thường được thờ hoặc phối thờ trong các đền thờ quy mô lớn như Lam Kinh, Thái miếu nhà Lê, đền Tép. Các kiến trúc từ đường dòng họ nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai khác không có kiến trúc độ sộ, lộng lẫy mà thường xây khiêm tốn, giản dị. Được xây dựng trên chính làng xã, quê hương và đất khai phá, định cư của con cháu hậu duệ các vị. Những di tích này nhìn chung được xây cất và bảo vệ khá quy củ với kiểu thức mặt bằng phổ biến kiểu chữ Nhất, chỉ gồm 1 gian thờ chính. Có nơi cũng tách biệt cung cấm ngăn cách với nơi thờ phía ngoài. Các từ đường này là trung tâm thực hành tín ngưỡng của bà con họ tộc hậu duệ các vị trong những dịp lễ giỗ, tế tổ tiên hàng năm và trong từ đường phổ biến hơn cả là các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai không được thờ riêng biệt mà cùng phối thờ với nhiều nhân vật khác trong dòng họ, thân tộc.

Từ đường họ Lê Duy ở làng Kim Đính, xã Hoằng Tiến (huyện Hoằng Hóa), là một nhánh của dòng họ công thần Lê Lai, đây là nhà thờ họ có mối liên hệ khá mật thiết với đền An Lạc thờ Lê Lai ở Hoằng Hải (Hoằng Hóa). Ở Nông Cống cũng có một từ đường thờ cúng Lê Lai gọi là “từ đường Lê Tướng Công” ở xã Trung Ý, huyện Nông Cống. Chi họ này vẫn lấy tên là Lê Duy, có lẽ đây là một nhánh họ Lê Duy di cư từ vùng đất Hoằng Hóa về đây sinh cư lập nghiệp. Hiện trong từ đường này vẫn còn lưu giữ được sắc phong, thần phả và một số đồ thờ.

Ở làng Vân Nhưng, xã Đông Lĩnh (Tp Thanh Hóa) hiện nay có nhà thờ họ Đàm Lê. Gọi là họ Đàm nhưng thực tế đây là nhánh họ chính tông của vua Lê Thái


Tổ. Sau sợ nhà Mạc truy diệt nên đổi sang họ Đàm. Đây là di tích thờ các vị tôn thất nhà Lê. Theo tư liệu thì được khởi dựng từ năm Thuận Thiên thứ 2 rồi được trùng tu lại vào thời Lê Trung Hưng. Kiến trúc hiện nay được tu bổ lại khá khiêm tốn so với trước đây. Qua thời gian, nhà thờ vẫn lưu giữ được nhiều hiện vật cổ của dòng họ như sắc phong, gia phả, lệnh chỉ của các đời vua trước ban. Khảo sát tại di tích cho thấy, ở gian giữa di tích đặt hương án và tranh thờ Lê Lợi, các nhang án 2 bên tả hữu thờ các vị quận công trong họ. Đây là di tích có mối gắn kết rất lớn với các chi họ Lê Lợi ở Thanh Hóa.

Một số từ đường dòng họ nhân vật hội thề Lũng Nhai trong tỉnh còn lại có quy mô khiêm tốn như các nhà thờ họ Lê Văn Linh, Lê Văn An ở Thọ Xuân, nhà thờ họ Lê Hiểm ở Nông Cống, nhà thờ họ Lê Liễu ở Hoằng Hóa. Trong các nhà thờ họ này, đáng chú ý hơn cả là nhà thờ dòng họ Khắc quốc công Lê Văn An. Sau nhiều thế kỷ tồn tại, ngôi từ đường vẫn giữ được diện mạo kiến trúc ban đầu. Điều đặc biệt là, ở đây còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các di vật, đồ thờ bằng đá hết sức giá trị. Nhà thờ theo kiểu chữ Đinh, có Tiền đường và Hậu cung. Tiền đường là một ngôi nhà gỗ 4 gian, 3 vì kèo theo lối truyền thống. Hậu cung có diện tích 19,8m2 được bố trí làm hai cung: cung ngoài thờ hội đồng tổ tiên, cung trong thờ Khắc Quốc Công Lê Văn An [PL8, ảnh 11, tr 231]. Hiện nay trong nhà thờ còn lưu giữ được nhiều hiện vật vô cùng quý giá như: ngai thờ, thánh vị bằng đá, trên thánh vị còn dòng chữ Hán ghi “thánh tổ Lê Văn An”, hai cây đèn đá, ba đài thờ đá, đôi nến, mâm bồng đá…cùng với nhiều đồ thờ bằng gỗ như bài vị, mâm bồng.

Nhà thờ họ Lê Văn Linh là di tích mới tu tạo lại trên nền móng di tích cũ. Trương truyền kiến trúc xưa kia khá quy mô, gồm có cả hậu cung thờ Phật. Một số hiện vật minh chứng cho niên đại của di tích là 15 chân tảng đá còn xót lại. Vào năm 1990 nhà thờ được bà con dòng họ tu sửa lại, trong di tích vẫn còn lại một số lư hương, chân đèn bằng đồng, một số bát hương đá, mâm bồng gỗ, khay trầu, chấp kích, lộng tàn, long ngai và bài vị [PL8, ảnh 10, tr 230].

Các nhà từ đường họ Lê Liễu (Hoằng Hóa), họ Lê Hiểm (Nông Cống) trải qua thời gian tồn tại, đã bị xuống cấp khá nhiều, đây là những di tích đã được tu sửa

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.


lại, kiến trúc khá đơn giản. Tuy nhiên trong các từ đường này lại lưu giữ được không ít hiện vật và đồ thờ giá trị. Đặc biệt là nhà thờ họ Lê Hiểm, ở đây gìn giữ được đến 25 đạo sắc các thời phong cho dòng họ và nhân vật Lê Hiểm, các kiệu rước, ảnh thờ vẽ trên lụa mà theo nhiều nhà nghiên cứu có niên đại và giá trị nghiên cứu mỹ thuật thời Lê Trung Hưng.

Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 12

Có thể nói, các từ đường dòng họ của các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai thường được tạo lập bởi dòng họ là chính, nguồn lực kinh tế hạn chế cho nên kiến trúc thường nhỏ bé, khiêm tốn nhưng đó chính là bảo vật vô giá của các dòng họ để tưởng nhớ các bậc liệt tổ, liệt tông, thủy tổ dòng họ mình. Và đây chính là không gian thực hành tín ngưỡng thường xuyên đối với các nhân vật.

Ngoài những loại hình di tích như trên đã đề cập, đình làng được xem là loại di tích tương đối ít bắt gặp trong thờ cúng các nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa. Theo khảo sát của NCS, chỉ ghi nhận có 2 di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai ở đình làng. Tại các di tích này, các nhân vật tham gia hội thề được thờ với tư cách thành hoàng của làng. Mỗi dịp hội làng, thường tổ chức rước thần từ nhà thờ họ ra đình làng để nhân dân chiêm bái. Theo các cụ cao niên thôn Thái Sơn (xã Tân Phúc, Nông Cống) cho biết, trước đây, đền thờ Lê Hiểm vốn là đình làng, nay nhân dân vẫn hay gọi đình- đền lẫn lộn. Còn đình Phương Chính (xã Đông Lĩnh, Tp Thanh Hóa) dân vẫn quen gọi là đình Vân Nhưng. Theo thư tịch, nơi đây (làng Vân Nhưng) trước vốn là nơi thao luyện binh mã, do hai người cháu ruột của Lê Lợi được vua cử đến để trấn ải vùng phía Đông trong khởi nghĩa Lam Sơn. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận quyết chiến oanh liệt của nghĩa quân Lam Sơn. Về sau trở thành đất ban phong của vua Lê dành cho con cháu 2 ông Lê Thạch, Lê Khôi. Đến thời Mạc, do lo sợ bị tàn sát, tôn thất nhà Lê chạy loạn đổi thành họ Đàm, hợp binh mã dẹp loại nhà Mạc lập lại triều chính. Đình Phương Chính được xây dựng năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628) thời vua Lê Thần Tông, đến thời Nguyễn nằm trong khu Văn miếu của xã, được tu sửa lần cuối năm 1936, bị phá dỡ trong thời kỳ hợp tác xã, được khôi phục lại năm 2000. Đình thờ thành hoàng gồm: “Bạch Kê Đại vương, Đa Kê Đại vương” người giúp đô đốc Đàm Cảnh Tường chinh phạt giặc phương Nam,


các đô đốc văn võ quận công, quận chúa họ Đàm là những vị có công với làng nước. Đền thờ các đại công thần Lê Thạch, Lê Khôi, Lê Khang và Lê Thành, sau thờ vọng vua Lê Thái Tổ [PL8, ảnh số 7, tr 229].

Nhìn chung, từ các loại hình di tích thờ tự như đã nêu cho thấy diện mạo nơi thờ tự tập trung vào các nhân vật lịch sử hội thề Lũng Nhai là rất lớn, ở đó nó chứa đựng các giá trị quan trọng về nhiều mặt như nhận diện rõ hơn về sự nghiệp của các nhân vật lịch sử, niên đại khởi dựng và các lần hưng tạo và bổ sung thêm các nguồn sử liệu vô cùng quan trọng mà chính sử cho có điều kiện để ghi chép như các bản thần tích, thần phả, sắc phong, câu đối, đại tự, văn bia ghi chép về xây dựng di tích.

3.1.2. Bố trí điện thờ

Việc bố trí điện thờ thể hiện vị thế của thần chủ, nhân vật được phụng thờ. Sự khác biệt chính, phụ và ngôi vị trong thần điện là đặc điểm phản ánh diễn biến của quá trình thờ cúng cũng như những biến động của nó trong lịch sử tồn tại của di tích. Việc thờ cúng từng cá nhân hay phối thờ nhiều thần linh với các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai trong nhiều di tích cho thấy ý thức, thái độ của cộng đồng đối với các nhân vật. Đồng thời, quá trình khảo sát cũng cho thấy, việc sắp xếp, bố trí thứ tự và ngôi thứ trên dưới là một đặc điểm nổi bật trong việc thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai.

Qua tìm hiểu các điểm di tích thờ cúng nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, NCS nhận thấy các di tích có bố cục khá đa dạng, gồm nhiều kiểu thức khác nhau như: chữ Đinh (đền Tép), chữ Công (đền vua Lê Thái Tổ- Thọ Xuân), chữ Nhất (từ đường Lê Văn Linh- Thọ Xuân, đình Phương Chính- Tp Thanh Hóa, đền thờ Trương Lôi và Trương Chiến- Tĩnh Gia, đền thờ Võ Uy, từ đường họ Lê Hiểm- Nông Cống, nhà thờ họ Lê Liễu - Hoằng Hóa; đền thờ Lũng Nhai- Thường Xuân…) hay kiểu chữ Nhị (Thái miếu nhà hậu Lê –Tp Thanh Hóa, đền thờ Lê Hiểm- Nông Cống…). Kiểu chữ Tam điển hình như đền An Lạc (Hoằng Hóa). Tại những nơi thờ này, ngoài các di tích kiểu chữ Nhất thì đại đa số các nhân vật luôn được thờ ở hậu cung, vốn là nơi trang trọng, linh thiêng nhất. Thậm chí nhiều di tích chữ Nhất còn cố gắng tạo ra thêm một chuôi vồ để thành chữ Đinh làm tẩm


thờ đặt nhang án. Nhiều di tích thờ riêng các nhân vật nhưng cũng có di tích gộp thờ nhiều nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai hoặc các những người anh hùng hội thề Lũng Nhai được phối thờ với các vị thần khác.

Các di tích có sự phối thờ giữa các nhân vật hội thề Lũng Nhai với nhau, như: di tích hội thề Lũng Nhai (Thường Xuân) thờ 19 nhân vật nghĩa sỹ hội thề; đền thờ Lê Thái Tổ (huyện Thọ Xuân) và Thái miếu nhà Hậu Lê (Tp Thanh Hóa) thờ Lê Lợi và phối thờ Lê Lai, Nguyễn Trãi, nay tại đền Cham ở Xuân Lam (đền Lê Thái Tổ) lại còn bổ sung thêm bài vị các công thần khác như Lê Văn An, Lê Văn Linh.

Trong nhiều di tích có sự phối thờ nhân vật hội thề Lũng Nhai với họ hàng, thân tộc: tại nhà thờ họ Đàm (xã Đông Lĩnh, Tp Thanh Hóa) có thờ Lê Lợi với các quận công họ Đàm Lê (vốn là các ông Lê Khôi, Lê Thạch, cháu ruột của vua Lê Thái Tổ, đến thời Trịnh- Mạc vì sợ trả thù mà đổi thành họ Đàm Lê). Trong di tích này, ban thờ Lê Lợi được đặt ở chính giữa, các gian bên là con cháu họ Đàm Lê [PL8, ảnh 26, tr 238]. Thái miếu ở Lam Kinh hay Thái miếu nhà Hậu Lê ở Tp Thanh Hóa đều thấy xuất hiện nhang án và tượng Lê Lợi được đặt ở gian giữa chính điện, bên cạnh và phía sau thường là các vị vua và hoàng hậu triều Lê. Còn trong đền thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ (chính thất của Lê Lợi), tượng vua Lê Thái Tổ được đặt trang trọng ở gian chính giữa tiền đường, còn cung cấm ở hậu cung là nơi thờ thần phi. Đối với các di tích thờ Lê Lai ở Hoằng Hóa có thể nhận thấy sự phối thờ với các họ hàng thân tộc diễn ra theo mô thức thống nhất mà ở đó ông (Lê Lai) luôn giữ vị trí trung tâm, cao nhất. Như ở đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai (Ngọc Lặc) cung thờ Lê Lai và vợ ông được bố trí làm 2 không gian riêng biệt [PL8, ảnh 2, tr 226]. Hậu cung của đền chính, tại gian chính giữa thờ công thần Lê Lai còn gian bên thờ bà vợ ông bà Nương A Thiện mà dân gian quen gọi là Đền Mẫu, Cung Mẫu. Ở đền An Lạc (Hoằng Hóa) di tích thờ dòng tộc Lê Lai, ở đây bố trí hai hướng thờ chính. Hướng thứ nhất là những vị khai quốc công thần dòng họ Lê Lai. Hướng thứ hai là những thế hệ kế tiếp dòng họ Lê Lai có công trực tiếp và gián tiếp khai phá ra vùng đất Hoằng Hải ngày nay. Không gian thờ cúng chính là ở hậu cung. Thần điện ở hậu cung được bố trí như sau: gian chính giữa là nơi đặt hương


án, long ngai, bài vị thờ Trung Túc Đại Vương, bên tả đặt ngai thờ Lê Lâm. Gian hữu thờ Lê Niệm và Lê Khủng.

Những hiện tượng này thấy phổ biến trong hầu hết di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai. Như ở từ đường họ Lê Duy ở làng Kim Đính (xã Hoằng Tiến, Hoằng Hóa) ở vị trí gian giữa trang trọng nhất thờ 3 vị tổ dòng họ là Lê Lai, Lê Lâm (con), Lê Niệm (cháu). Phía trên nhang án có bức đại tự cổ chữ Hán khắc nổi chữ “Lê công thần” treo ở gian chính giữa. Đây là di tích thuộc chi 3 dòng họ con cháu Lê Lai ở huyện Hoằng Hóa. Ở di tích đền thờ Võ Uy (xã Tân Phúc, Nông Cống), gian giữa bố trí long ngai, giao ỷ, thần vị Võ Uy, gian hữu thờ con ông là Võ Thời An; gian tả bên là nhang án thờ chung các vị tổ khác trong dòng họ.

Thần điện ở đền thờ Trịnh Khả ở xã Vĩnh Hòa (Vĩnh Lộc) lại phân bố không theo hàng ngang mà theo lớp dọc gồm phía trên thân phụ của ông là Trịnh Quyện được tôn phong Thượng đẳng thần và thân mẫu là bà Trịnh Xuân Dung được gia phong Chinh uyển rực báo Trung hưng tôn thần và Trịnh Khả, Thượng đẳng phúc thần.

Nhà thờ họ Lê công thần (còn gọi tên khác là đền thờ Lê Liễu) ở xã Hoằng Sơn (Hoằng Hóa) thờ anh hùng hội thề Lê Liễu và con ông Lê Yến. Trong đền thờ nay vẫn còn khám thờ và nhiều câu đối ca ngợi công đức của Lê Liễu, Lê Yến và dòng tộc họ Lê công thần.

Tại điện thờ Lê Hiểm (Nông Cống) và đình Phương Chính (Đông Sơn) nơi thờ các nhân vật Lê Hiểm, Lê Lợi với tư cách thành hoàng làng. Ở những nơi này, theo tục lệ của làng, mỗi khi tổ chức lễ hội thì phải rước thần từ nhà thờ họ ra đền thờ hoặc đình làng (rước Lê Hiểm từ nhà thờ họ Lê Hiểm ra đền thờ Lê Hiểm, rước Lê Lợi từ nhà thờ họ Đàm Lê ra đình Phương Chính).

Mặt khác, việc bố trí điện thần ở các di tích thờ cúng các anh hùng hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa đều tuân thủ các nguyên tắc chặt chẽ mang tính tôn ty, trật tự, thứ bậc của nho giáo từ cách sắp xếp nhang án, bài vị, ngai thờ, tượng thần…cho phép chúng ta nghĩ rằng, văn hóa gia tộc là một đặc điểm nổi trội, chi phối việc thờ cúng.


Điều đáng chú ý là sự xâm nhập của đạo Tứ phủ vào điện thờ của một số nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Trong không gian thờ tự các nhân vật như Lê Lợi, Lê Lai như di tích đền thờ Lê Thái Tổ, đền Ngọc Lan công chúa (Thọ Xuân), đền Tép (Ngọc Lặc), đền An Lạc (Hoằng Hóa), nhà thờ họ Đàm (Đông Sơn) thì bên cạnh đền thờ chính, luôn có gian thờ Mẫu. Mặc dù vậy, việc phối thờ trên không làm phai nhạt ý thức tôn vinh nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc của cộng đồng, nhân vật về các những người anh hùng hội thề Lũng Nhai.

Việc phối thờ, gộp thờ đã trở thành hình thức phổ biến. Điều này có nhiều nguyên do, thứ nhất do di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai chủ yếu trong các tộc họ nên ngoài việc thờ các ông trên tư cách thủy tổ, còn có các vị tổ khác của họ ở nhiều đời khác nhau. Mặt khác, một số công thần Lũng Nhai sau khi mất không có nơi thờ, nhân dân đã gộp thờ các ông vào một di tích chung, điển hình như di tích đền thờ Ngọc Lan ở Thọ Xuân. Nhiều nơi, các di tích được dân lập ra mang ý nghĩa kỷ niệm sự kiện và danh nhân Lê Lợi, như các đền thờ Lê Lợi ở vùng đồng bào Thái, Mường các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước. Cho nên ở đây, đền thờ vua còn lồng vào thờ cúng các thần linh khác của riêng đồng bào. Sự diễn dịch này thể hiện sự uyển chuyển, linh hoạt trong tâm thức thờ cúng của dân gian, đồng thời cũng cho thấy, việc thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai trong quá trình tồn tại và phát triển đã có sự dung hợp nhiều hình thức tín ngưỡng dân gian khác. Qua đó có thể thấy, mức độ dung hợp, đan xen và hòa đồng trong tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.

Trong di tích phụng thờ nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa, ngoài việc bố trí nội thất biểu thị mạnh mẽ tính chất ngôi thứ, tôn ty, trật tự trên dưới nhiều đời của dòng họ nhân vật hội thề Lũng Nhai trên thần điện thì hệ thống di vật và đồ thờ tự gắn liền với tục thờ cúng này có trong thần điện còn lại đến nay cũng khá đồ sộ, với nhiều loại hình khác nhau, nhiều trong số đó có giá trị lịch sử, nghệ thuật và đều được các dòng họ, địa phương trân trọng, giữ gìn. Các hiện vật như bát hương đá mặt hổ phù có niên đại thế kỷ XVIII- XIX ở đền An Lạc (Hoằng Hóa) và vô số hiện vật, đồ thờ làm bằng đá trong từ đường họ Lê Văn An ở Thọ Xuân cho thấy trong di


tích tín ngưỡng của nhiều dòng họ nhân vật hội thề Lũng Nhai còn lưu giữ khá tốt các hiện vật, đồ thờ tự. Ở từ đường này, các hiện vật như thánh vị, đèn, hương, đài thờ, độc bình, nến, mâm bồng, khay, bát hương…đều làm bằng đá có niên đại hàng trăm năm. Một số kiệu rước ở đền Lê Hiểm (Nông Cống), đền Trịnh Khả (Vĩnh Lộc), Lam Kinh (Thọ Xuân), đình Phương Chính (Tp Thanh Hóa) cho đến các long ngai, giao ỷ, thần vị được sơn thếp lộng lẫy và chạm khắc vô cùng công phu, tỷ mỷ. Đền thờ Lê Hiểm có 1 chiếc kiệu có phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê và một bức tranh thờ chưa thẩm định được niên đại còn khá nguyên vẹn cùng với nhiều y phục tế lễ và nhiều sập thờ hội đồng. Đền thờ Lê Văn Linh lưu giữ được khá nhiều hiện vật như trống, chiêng, chuông bằng đồng, hạc và kiếm thờ. Đặc biệt là các tượng thờ xuất hiện khá nhiều trong di tích thờ cúng. Các tượng Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi ở Lam Kinh; Thái miếu; tượng Lê Lai ở đền Tép và đền An Lạc; tượng Lê Lợi ở đền thần phi Trịnh Thị Ngọc Lữ…đã cho thấy tính chất đa dạng của chủng loại đồ thờ tự. Ngoài ra, những hiện vật đồ thờ rất phổ biến bắt gặp trong các di tích thờ cúng nhân vật hội thề như hòm đựng sắc, chuông khánh, chấp kích, y môn, đại tự, câu đối với các chất liệu vải, gỗ, đá, đồng…còn lại khá nhiều, phần nhiều có niên đại cổ kính.

Tóm lại, nhìn từ cách thức bố trí thần điện trong các di tích phụng thờ nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa nổi lên những đặc điểm có tính chất tương đồng đó là, mặc dù quy mô hiện vật, đồ thờ, sắp đặt hay bài trí có sự khác nhau nhưng luôn biểu thị sự tôn vinh nhân vật hội thề Lũng Nhai, lấy hình tượng các nhân vật lịch sử làm trung tâm của thần điện.

3.1.3. Lễ hội, nghi lễ thờ cúng

3.1.3.1. Lịch thờ cúng

Nhìn chung, ở các di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai ngoài lịch cúng thường kỳ rơi vào các ngày lễ tiết thông thường trong năm theo truyền thống văn hóa của người Việt, đặc biệt ở các di tích là từ đường, đền thờ của dòng họ. Cứ mỗi khi có dịp lễ trọng của dòng họ theo gia phả chép lại là bà con dòng họ lại tổ chức nghi lễ tại di tích. Điểm chung có thể dễ nhận thấy là các nghi thức cúng tế

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/01/2024