Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 10


Nguyễn thì được chép thêm vua Lê Chiêu Thống. Ngoài việc chép đầy đủ thế thứ hoàng tộc, các ngày kỵ giỗ những người trong họ của hoàng triều. Bản gia phả ghi nhận công đức to lớn của Lê Lợi, vị tiên tổ khai sáng vương triều. Điều này được chính vua Lê Hiển Tông viết: “Hoàng triều ta từ khi dấy binh ở Lam Sơn, sự nghiệp thật gian nan, được nước thật chân chính, công tích bày tỏ trong Thực lục sáng tỏ khắp trước sau” [64, tr 92]. Qua gia phả chép về Lê Lợi trong Lê Triều Ngọc Phả cho thấy, có nhiều thông tin trùng lặp đã được Lam Sơn thực lục Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như Đế nhận được gươm thần, ấn báu; tìm đất táng tổ tiên ở xứ Phật Hoàng, động Chiêu Nghi; chuyện thần Cáo trắng; truyện Lê Lai chết thay vua; chuyện đế lên ngôi, sai Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại Cáo...Sự miêu tả từ gia phả cho thấy sự hòa quyện giữa các thông tin chính sử lẫn giả sử- một điều gắn chặt với quá trình khởi binh, dựng nghiệp trong cuộc đời ông.

Gia phả họ Lê công thần của hậu duệ dòng họ Lê Lai ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) cho biết nhiều thông tin quý giá. Ngoài ghi chép thế thứ và những người trong họ tộc. Gia phả cũng miêu tả kỹ về hội thề Lũng Nhai và lời thề của các tướng sỹ (đồng chí), con cháu công thần khai quốc đồng lòng nhớ ơn Lê Lai. Ngoài ra, gia phả còn cho biết, thời Lê Thánh Tông, Lê Niệm là cháu nội công thần Lê Lai và các con cháu được triều đình ân sủng, ban cho 100 quân sỹ về đóng trại ở Hoa Sơn (nay là núi Linh Trường, huyện Hoằng Hóa) để khai khẩn và lập trang ấp bảo vệ đường thủy từ Sơn Nam đến Quảng Nam. Từ đó con cháu ông mới chọn đất Hoằng Hóa làm nơi lập cư. Về công thần Lê Lai, gia phả chép: “Tiên tổ nguyên sách Dựng Tú, thôn Bộ Đạo, cha là Lê Kiều, mẹ là Thị Kiệu, sinh 2 con trai, Lê Lai là con thứ, cùng Thái Tổ khởi nghiệp ở đất Lam Sơn, chống quân Minh, sau bị trận vong” [65, tr 120- 121]. Nói chi tiết về cái chết của Lê Lai, gia phả ghi lại: “Ngày 9...bị bức vây. Vua và quân ở núi Lạc Thủy, trong lúc đánh nhau với giặc ở xứ Mỹ Mỹ, tình thề bức bách gian nan phải phá vòng vây, vua khiến Lê Lai mặc áo bào thay vua, về sau lệnh vua có lời thề về sau này con cháu đều được hưởng phú quý” [65, tr 122]. Đồng thời cho biết các con ông Lê Lư, Lê Lộ, Lê Lâm cả ba đều nối nghiệp nhà, theo chí người đi trước, tận trung hết lòng vì việc nước giúp Thái Tổ


Cao hoàng đế bình dẹp giặc Ngô, về sau con cháu các ông đều được nhà Lê hết sức ân sủng.

Về công thần Võ Uy, một người theo Lê Thái Tổ rất sớm, sau bị trận vong, được vua Lê cho thờ ở đền Cham. Về sau, ông là một trong số ít công thần có con cháu được các các vua Lê nâng đỡ, trọng dụng. Nội dung gia phả cho biết, đến đời Võ Thời An (thời Lê- Trịnh), con cháu ông là một trong những dòng họ công thần được ban cấp nhiều lộc điền, trang ấp nhất trong số những công thần khởi nghĩa Lam Sơn ở Thanh Hóa với trên 47 trang ấp khắp Thanh Hóa như Nga Sơn, Hậu Lộc, Hà Trung, Hoằng Hóa, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Nông Cống, Yên Định...Về vị thủy tổ dòng họ Võ, gia phả chép: “Thủy tổ (Võ Uy) theo giúp Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn, có công bình Ngô khai quốc, được phong Thiếu úy Tuy quốc công...” [144, tr 150]. Theo Thế phả họ Vũ các trang ở Thanh Hóa còn cho rằng Võ Uy trước là người gốc Chiêm Thành, sau theo giúp Lê Lợi khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh [144, tr 150- 151]. Tuy nhiên, tài liệu dẫn từ gia phả họ Võ ở Nông Cống được Địa chí huyện Nông Cống khảo sát lại cho thấy gia phả không thấy ghi ông là người gốc Chiêm. Tài liệu ngờ rằng ông có lẽ là người Việt ở đất Chiêm lâu đời, sau trở về Vĩnh Lộc [51, tr 530].

Trong gia phả họ Lê- Trần ở Hải Lịch (Thọ Xuân) cho biết khai quốc công thần Lê Văn Linh vốn gốc họ Trần, sau được Lê Thái Tổ ban quốc tính nên mang họ Lê. Dòng họ Lê Văn Linh phát đạt và phân chi ở nhiều nơi, mỗi chi có một đền thờ và gia phả riêng.

Gia phả dòng họ Khắc quốc công Lê Văn An, chép thế thứ dòng họ ông và không quên đề cập sâu về sự kiện hội thề Lũng Nhai năm 1416 cũng như các trận đánh mà ông tham gia. Nhắc về sự kiện năm 1416, gia phả cho biết ông cùng với các tướng và Lê Lợi bí mật tụ họp ở một nơi hẻo lánh gọi là Linh Sơn. Gia phả họ Lưu Nhân Chú (Vân Yên, Đại Từ) thì cho biết: ba cha con Lưu Trung, Lưu Nhân Chú và Phạm Cuống từ Thái Nguyên lặn lội tìm vào Lam Sơn từ rất sớm. Khi ba người đến gặp Lê Lợi, lúc ấy Lê Lợi mới khoảng 25 tuổi (khoảng năm 1409-1410). Được Lê Lợi đón tiếp nồng hậu và coi như người nhà, ba người quyết định ở lại đất


Khả Lam (Lam Sơn) cùng Trương Lôi cày ruộng để làm kế sinh nhai và cùng Lê Lợi mưu việc lớn [144, tr 158- 159]. Thuật lại chuyện được minh chủ thu dùng, gia phả kể lại như sau: Hôm sau, ba người đến yết kiến (Lê Lợi), nói thác rằng: “Nghe lời đồn đại quan nhân là người nhân nghĩa, có lượng cả bao dung, xin làm bề tôi, có chỗ dung thân, mong được nhờ cậy”. Vua mới hỏi tên tuổi, quê quán ở đâu? Làm sao mà đến đây? Bọn Lưu Trung tình thực trình bày: “Vốn trước kia cha ông chúng tôi là quan phiên trấn, quê ở hai xã Văn Lãng và Thuận Thượng, vì bị quân Ngô bạo ngược, cho nên ẩn giấu tông tích làm nghề bán dầu, tìm thẳng đến quan nhân, mong được dung nạp”. Vua nói chuyện với ba người rất vui, tiếp đãi rất hậu. Từ đó ba người thường qua lại, khi thì ở với vua, lúc lại cày ruộng ở động Chiêu Nghi với Trương Lôi. Trong nhà có việc gì tin cẩn đều giao phó cho hết. Sau này Lê Lợi tổ chức lễ ban thưởng công thần, gia phả cho biết, Lưu Trung được ban 100 mẫu lộc điền, còn Phạm Cuống và Lưu Nhân Chú mỗi người được ban 500 mẫu. Đây là bổng lộc rất lớn so với mức ban thưởng lúc bấy giờ mà không phải bất cứ bậc công thần nào cũng có được [144, tr 168].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.

Ngoài một số gia phả nhân vật hội thề Lũng Nhai đã được NCS khảo sát, còn lại không ít gia phả của các dòng họ công thần Lũng Nhai khác đang được lưu giữ trong dòng họ con cháu hậu duệ các công thần ở Thanh Hóa và các địa phương trong nước như: gia phả họ Đinh, họ Đỗ Bí, họ Lê Hiểm ở Nông Cống, gia phả họ Lê Sát ở Yên Định, gia phả dòng họ Nguyễn Mậu (con cháu hậu duệ Lê Thận) ở Thọ Xuân, gia phả dòng họ Lê Liễu ở Hoằng Hóa...Một số địa phương khác trong nước còn có gia phả dòng họ Nguyễn Nhị Khê (con cháu Nguyễn Trãi), gia phả họ Bùi Quốc Hưng ở thôn Đạo Ngạn, Chương Mỹ (Hà Nội), gia phả họ Trịnh Khả (Trịnh tộc gia phả) ở Cự Đà, Thanh Oai (Hà Nội)...cũng như không ít gia phả các dòng họ nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn khác còn đề cập đến nhiều thông tin hết sức quý giá, có liên quan đến cuộc đời, hoạt động của các nhân vật hội thề Lũng Nhai năm 1416. Nhìn chung, các bản tộc phả này có những điểm tương đồng là, ngoài việc ghi lại các thông tin quan trọng về nguồn gốc xuất xứ gia tộc, thủy tổ và thế thứ, ngày sinh, húy kỵ của những người trong tộc họ, việc cúng bái, tế tự, văn khấn,


Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 10

khu mộ,... Các gia phả này đều dành một dung lượng đáng kể để ghi chép các thông tin liên quan đến các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai (phần nhiều thông tin tương đồng nhau, nhưng cũng có không ít sai biệt, cần được kiểm chứng thêm chẳng hạn như thời gian, danh sách người tham gia hội thề trong các gia phả mỗi bản mỗi khác). Các thông tin này đều chú trọng vào một số nội dung như: đề cập về ngày sinh, mất, chiến công, tước hiệu của tổ tiên. Đặc điểm dễ nhận thấy trong các bản gia phả này là không thể thiếu được các ghi chép về hội thề Lũng Nhai năm 1416 và các truyền thuyết khác như: chuyện gươm thần, ấn báu; Lê Lai liều mình cứu chúa, thời kỳ hoạt động của quân Lam Sơn ở vùng rừng núi Thanh Hóa…việc ban tước, thưởng công của vua Lê Thái Tổ cho các công thần sau Khởi nghĩa Lam Sơn.

2.2.4. Bia ký

Cho đến nay, những bia ký liên quan đến các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 còn lại khá ít ỏi. Trong 19 nhân vật thì chỉ ghi nhận có 4 người được thờ cúng còn lại bia ký gồm: Lê Lợi, Trịnh Khả, Lê Văn Linh và Võ Uy. Riêng đền thờ và lăng mộ Võ Uy có đến 3 văn bia. Tuy văn bia về mặt số lượng không nhiều, song giá trị và nội dung bia ký lại là nguồn tài liệu vô giá góp phần khẳng định công trạng, cuộc đời và sự nghiệp của các nhân vật.

Nổi tiếng về giá trị tư liệu có thể kể đến văn bia Vĩnh Lăng ở Lam Sơn. Toàn bộ nội dung văn bia ghi về ngày mất, ngày an táng và ca ngợi công lao của Lê Lợi bình định giặc Minh trong 10 năm. Về nguồn gốc xuất thân của Lê Lợi. Văn bia viết: “vua họ Lê, tên húy là Lợi, tổ ba đời tên húy là Lê Hối, người phủ Thanh Hóa. Thường ngày đến chân núi Lam thấy chim bay lượn giống vẻ đông người tụ họp, bèn rời nhà đến ở, sau ba năm thì thành sản nghiệp” [111, tr 134, PL3, tr 181]. Đồng thời văn bia cũng cho biết, Lê Lợi vốn là một người khác thường, có chí hướng giải phóng đất nước quê hương: “Tuy gặp thời loạn mà chí lại càng bền, giấu mình chốn núi rừng, lấy việc cấy cày làm nghiệp. Vì phẫn nỗ lũ cường tặc hung bạo, càng chuyên tâm vào thao lược binh thư, dốc hết nhà cửa khoản đãi tân khách” [111, tr 135, PL3, tr 181]. Đoạn sau của văn bia nói về hoạt động của Lê Lợi, kể từ


lúc khởi binh năm Mậu Tuất (1418) đến khi Vương Thông đầu hàng (1427) với vô vàn chiến công anh dũng. Văn bia cũng đánh giá về tầm nhìn thao lược của ông, sau chiến tranh, giữ tình hòa hiếu lân bang với quân Minh, cấp hàng trăm thuyền, lương ăn và ngựa cũng như tha tội chết cho hàng ngàn tù binh đầu hàng. Uy quyền của vua làm cho các chư hầu Ai Lao, Chiêm Thành nể sợ, quy phục. Đó chính là tính cách khoan dung, độ lượng mang tầm vóc của đấng quân vương. Điểm đặc biệt của văn bia là lời ca ngợi đó xuất phát từ những người đồng chí cùng vào sinh ra từ với ông, một nhân vật hội thề Lũng Nhai nổi tiếng là Nguyễn Trãi. Cảm thán trước công đức to lớn của một vị vua khai sáng, giành lại giang sơn từ quân giặc tàn bạo, văn bia kết luận: “vua thức khuya, dậy sớm phàm thảy sáu năm mà đất nước thịnh trị, đến nay thì băng hà” [111, tr 136, PL3, tr 182]. Có thể nói, sau hơn 600 năm kể ngày Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, những thông tin đề cập trong văn bia Vĩnh Lăng phản ánh khá chân thực các thông tin mà trước đó các sách sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Lam Sơn thực lục, Đại Việt thông sử đã đề cập. Đó là nguồn gốc xuất thân, quê hương, gia đình và vai trò lãnh đạo các trận đánh của ông trong khởi nghĩa Lam Sơn.

Trong số các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai, số bia ký có liên quan đến công thần Võ Uy còn lại đến nay gồm 3 đơn vị gồm: Thanh Ban bi ký, Đa Căng lăng mộ bi chí Đa Căng miếu bi. Đây có lẽ là số bia nhiều nhất được ghi nhận có đề cập trực tiếp về một nhân vật của hội thề Lũng Nhai. Trong Thanh Ban bi ký dựng ở xã Vạn Hòa (huyện Nông Cống) lập ngày mồng 1 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 5 (1664), đời vua Lê Huyền Tông với nội dung ghi từ Tiền tổ nhập nội Thiếu úy Võ Uy có công bình Ngô khai quốc, đến 6 thế hệ tiếp theo đều có công phù Lê diệt Mạc, được phong tước hầu. Mở đầu Văn bia viết như sau:

“Nhâm Thìn niên, Đặc tiến Khai phủ doãn đồng tam ty Nhập nội Bình chương Thái phó kiểm hiệu quân quốc trọng sự, tiền cổ khai quốc trung hưng công thần, Thiếu úy Tuy quốc công Võ Uy, tứ quốc tính Lê Uy.

Sinh Bổ Thịnh hầu Võ Thời An: Sinh nhị nam Chấn Dũng hầu Võ Đình Tung, Khánh Khê hầu Võ Đình Thắng: sinh Hào Lục hầu Võ Đình Tiến: sinh Triêu


Lễ hầu Võ Đình Lâm: sinh Triêu Định hầu Võ Đình Nghiêm ốc cư Nông Cống, Lôi Dương,Thụy Nguyên, Yên Định đẳng huyện tôn tính Trưởng chi Võ Đình Đạt, Thứ chi Võ Đình Trọng, Võ Đình Nghị đẳng..”

Tạm dịch: Năm Nhâm Thìn, Đặc tiến khai phủ doãn đồng tam ty nhập nội bình chương Thái phó kiêm hiệu quân quốc trọng sự, trước đây khai quốc trung hưng công thần, Thiếu úy Tuy quốc công Võ Uy được ban quốc tính là Lê Uy. Võ Uy sinh ra Võ Thời An, Võ Thời An sinh ra Võ Đình Tung, Võ Đình Thắng…[51, tr 475- 476].

Văn bia ghi lại vai trò của Võ Uy thời kỳ hoạt động ở Lam Sơn như sau: Tiền cao tổ cố thiếu úy Tuy quốc công vâng hầu Thái Tổ Cao hoàng đế năm Thìn (1424), nhiều lần sai phái lên trước, phá trận Trấn Năng, vâng lệnh bắt được voi, ngựa, chiêng trống, cờ quạt, khí giới, bắt được tướng ngụy, lại đuổi chúng đến hết các huyện Thụy Nguyên, Nông Cống, Lôi Dương, Yên Định...quét sạch giặc Ngô, hy sinh trước trận tiền, có công ở triều đình [51, tr 476]. Còn trong Đa Căng lăng mộ bi chí dựng năm Thành Thái triều Nguyễn năm 1892 có nhắc đến mộ gốc của Võ Uy ở Lam Sơn, về sau con cháu nối nghiệp mở mang nên dời họ về vùng Vạn Hòa (Nông Cống), bia ghi: “Mộ chí tỵ tổ ta ở Đa Căng là cổ lắm. Từ xưa đến nay hàng năm lễ đón xuân, có người trong họ than thở, kính cẩn xét Văn tổ Võ quốc công ta lớn mạnh, buổi đầu dụng binh thuộc Lê Thái Tổ được nhận phong Nhập nội Thiếu úy. Về sau đánh giặc Minh ở Trấn Năng, định chí Nông, Thụy, Yên, Lôi các huyện. Riêng dùng sức mạnh bẻ gãy quân địch, báo đền ơn nước. Triều đình phong tặng là bậc công thần mở nước thượng tướng quân, Thiếu úy, Thái quốc công, tính trung tiết” [51, tr 478]. Tấm bia thứ 3 là Đa Căng miếu bi thì chủ yếu lược ghi gia phả họ Võ từ khi con ông là Võ Thời An gặp chúa Trịnh Kiểm, dẹp giặc Mạc, được phong thưởng số lượng lớn các lộc điền, trang ấp ở Thanh Hóa.

Bia Đại Nam quốc Thái úy từ đường bi minh ở xã Vĩnh Hòa (huyện Vĩnh Lộc) soạn năm 1447 đời vua Lê Nhân Tông cho biết các thông tin về quê quán, tên tuổi của công thần Trịnh Khả. Ông còn có tên gọi khác là Trịnh Công Khả. Dòng dõi trước có công chống quân Nguyên Mông. Nghe tin Thái Tổ phất cờ tụ nghĩa,


ông đến xin gia nhập, vua cho nhận chức Trì khu, ban thêm cho chức Thái giám nội ngoại đi sứ các lộ Nghệ An, Diễn Châu, Tây Kinh. Văn bia cũng đánh giá Trịnh Khả là bậc nguyên lão đại thần dưới ba triều Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông. Được ban cho túi vàng, phù hiệu bạc, tước Quận thượng hầu, rồi lại tước Liệt quốc công [111, tr 156- 157, PL3, tr 182]. Trong bia Tặng thư quận công thần đạo bi dựng đời Hồng Đức thứ 28 (1497) ghi về ông Trịnh Công Đán, người huyện Vĩnh Ninh, trấn Vĩnh Lộc, là con trai của khai quốc công thần Trịnh Khả. Văn bia có một phần đề cập về công đức, sự nghiệp và xuất thân của công thần Trịnh Khả như sau: “cha tên húy là Khả, thuở bấy giờ Lê Thái Tổ sáng nghiệp ông quyết chí theo nghiệp binh nhung cùng xông pha trận mạc, giúp cho thiên hạ thái bình, được vua Lê Thái Tổ- Thái Tông thăng thưởng nhiều chức tước trong triều cũng như ngoài chiến trận. Khi vua Thái Tông tuần phủ phương Đông, mất ở ngoài, ông được trông coi mệnh lớn lập vua Lê Nhân Tông lên kế vị” [111, tr 162].

Bia công thần Lê Sao là Hoàng Việt khai quốc công thần bi ký ở Xuân Lam (Thọ Xuân) có nhắc đến một sự kiện liên quan đến nhân vật hội thề Lũng Nhai là Lê Văn Linh, văn bia viết: “Thái Tổ Cao hoàng đế phất cờ dậy nghĩa, tụ họp anh tài để trừ ác diệt tà...vua biết được lòng trung thành của ông (Lê Sao) nên rất mực mến nhường. Giao cho cùng Thái phó Lê Văn Linh, Thị trung Lê Lễ, lập tức qua các trang ấp sách dân mà lâu nay các vị thần quân chưa phục, kêu gọi tụ nghĩa, đóng góp lương thực và họ đều một lòng nguyện theo” [111, tr 159]. Qua nội dung đề cập trong đoạn văn bia này, có thể thấy ngoài việc họp bàn chính sự, bày mưu kế phá giặc thì còn một vai trò khác của Lê Văn Linh trong khởi nghĩa Lam Sơn cũng quan trọng không kém, là cùng các tướng khác chịu trách nhiệm “tuyên huấn”, thu phục nhân tâm và kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ về hậu cần của nhân dân cho nghĩa quân.

Năm 1962 ở chân núi Mục Sơn thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, bà con nhân dân đã phát hiện một tấm bia mộ ghi “Mục Sơn Lê tộc từ chỉ bi ký” được soạn năm Tự Đức thứ 3 (1850). Nội dung chính của văn bia này ghi về một người họ Lê, gốc Nguyễn có tên húy là Lai, tên tự là An: “thủy tổ húy là Lai, tự là An được ban họ Lê”. Theo bài văn bia thì người này “đã lấy thân thay Thái Tổ trong


cơn nguy hiểm, gần chết mà sống lại”, về sau được phong là “Suy thành tán trị hiệp mưu bảo chính công thần trấn quốc đại tướng quân, tiến nhập nội kiểm hiệu đại tư không thượng trụ quốc bình chương quân quốc trọng sự”, chết năm Thiệu Bình thứ 4 (1437), táng ở chân núi Mục Sơn. Mặt bên kia của tấm bia là bài sắc phong thần cho Lê Văn An đề ngày 20 tháng 3 năm Tự Đức thứ 4 (1851) [65, tr 27]. Chúng tôi ngờ rằng đây là tấm bia ghi công tích, sự nghiệp của Lũng Nhai công thần Khắc quốc công Lê Văn An, bởi đối chiếu với chức tước và năm mất của Lê Văn An ghi trong chính sử thì thấy phù hợp với bài văn bia.

Một số bia khác về các công thần khai quốc triều Lê Sơ ở Thanh Hóa như Quốc triều tá mệnh công thần chi bi (bia công thần Nguyễn Chích) ở Đông Ninh (Đông Sơn), Đại Việt khai quốc Khánh quận công chi bi ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân), Cung Vũ thạch bi (bia công thần Lê Lộng) ở Triệu Sơn ...mặc dù nội dung chính là ghi lại công tích các công thần Nguyễn Chích, Lê Sao, Lê Lộng nhưng các thông tin đề cập luôn nhắc đến Lê Lợi với tư cách một vị minh chúa sáng suốt, biết thu phục nhân tâm, đồng lòng tướng sỹ cùng diệt giặc. Hơn nữa, các thông tin về những sự kiện quan trọng trong khởi nghĩa Lam Sơn được đề cập cũng cho ta hình dung được sự tham gia và công lao của nhiều công thần khởi nghĩa Lam Sơn khác, trong đó có các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai.

Tiểu kết

Trên cơ sở phân tích, so sánh thông tin ghi chép về các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 có trong các tài liệu sách sử để đi đến phác thảo chân dung lịch sử của các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416, chủ yếu dưới góc độ khảo sát tiểu sử, cuộc đời và sự nghiệp của nhân vật. Đặc biệt là các hoạt động của họ trong thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn. Đồng thời, có một số nhân vật sau này đã tham gia sâu vào hoạt động chính trị thời Lê Sơ như các ông Trịnh Khả, Nguyễn Trãi, Lưu Nhân Chú, Bùi Quốc Hưng, Lê Văn An, Lê Văn Linh...Có thể khẳng định các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 là những nhân vật lịch sử đích thực, họ là những người đã tham gia trực tiếp vào tiến trình phát triển của khởi nghĩa Lam Sơn và sau này là các hoạt động chính trị của triều Lê Sơ. Đại đa số

Ngày đăng: 22/01/2024