các làng chuẩn bị. Ngoài ra, thường thì mỗi làng sẽ dâng một con lợn, một mâm xôi và mâm hoa quả để đem ra Thái miếu (Lam Kinh) cúng tế vào ngày 22 tháng 8.
Lễ hội Lam Kinh trước đây quy định rất cẩn trọng về lễ vật tế. Sách sử cho biết: “tháng hai năm Bính Tý (1456), vua Lê Nhân Tông về bái yết Lam Kinh đã chỉ huy cho các quan coi lăng ở Lam Sơn rằng phàm các việc ở đền thờ cần phải thành kính, tinh khiết, như việc chặt cây tre, kiếm lấy củi đóm. Tế tẩm miếu đường dùng 4 con trâu, đánh trống đồng, quân lính hò reo ứng theo” [81, tr 508].
Một số điểm thờ còn có tổ chức lễ tế chúng sinh (đền An Lạc) thì phải chuẩn bị kẹo bánh, hoa quả như một lễ chúng sinh thông thường để tế lên cung thờ Mẫu trong di tích, kết thúc buổi lễ thì chia phát cho mọi người. Còn ở đền Lê Hiểm, do tổ chức lễ khao quân nên phải chuẩn bị đầy đủ cháo hoa, rượu thịt, xôi chè cho dân làng đến thụ hưởng khi lễ tất.
Trong nghi lễ của người Thái Mường Ký ở Bá Thước ngày nay vẫn còn duy trì việc dâng cúng lễ vật lên vua Lê trong ngày giỗ do đồng bào tổ chức. Các lễ vật dâng lên vua trong ngày này ngoài các vật phẩm thông thường thì không thể thiếu được đồ lễ gồm thịt chó thui, xôi, gà nướng, măng luộc, canh uôi, rượu cần, mà theo người dân nơi đây truyền lại rằng, đó là những đồ ăn mà bản làng dâng lên vua Lê để tỏ lòng thành kính.
Ngày nay, khi các lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Tép, Thái miếu nhà Lê đã trở thành lễ hội cộng đồng thì vật lễ cho các buổi tế được chuẩn bị kỳ công, vẫn tuân theo các tục xưa phổ biến trong các lễ hội truyền thống. Ngoài các lễ vật được chuẩn bị sẵn sàng trong ngày tế lễ, do chính quyền, đoàn thể ở địa phương vận động nhân dân hoặc phân công cho ban tổ chức chịu trách nhiệm thì đến chính hội, nhân dân và bà con thập phương vẫn nô nức tự chuẩn bị các lễ riêng của mình dâng lên các Ngài. Theo khảo sát của NCS tại lễ hội Lam Kinh hằng năm, số các lễ vật dâng cúng lên ngai thờ ở các cung trong đền Lê Thái Tổ nhiều đến mức kín đặc, thậm chí không còn chỗ đặt [PL8, ảnh 28, tr 239]. Tại một số di tích, trong những ngày lễ hội, tế lễ nhân vật hội thề Lũng Nhai, ngoài cỗ và đồ lễ được ban quản lý di tích tại địa phương hoặc dòng họ chuẩn bị, người dân còn dâng lên vị thần của mình các đồ
lễ và vật phẩm dâng cúng khá phong phú. Ghi nhận qua quá trình khảo sát tại một số di tích cho thấy, đồ lễ chay như hoa quả, trái cây được người dân mang đến khá nhiều (chiếm 93,3%). Nhiều người được hỏi cho biết dâng lễ cá nhân hoặc gia đình có cả đồ lễ chay và đồ lễ mặn chiếm 52,8%, còn đồ lễ mặn thường bắt buộc đối với việc tế lễ các nhân vật trong dòng họ, chiếm 54,6%. Những người hành hương cốt thể hiện lòng thành kính bằng cái tâm thì dâng lên các vị bằng vàng, sớ (chiếm 45,7%) [PL5, tr 198]. Như lễ tế tại đền An Lạc ở xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), theo các cụ cao niên trong họ cho biết, có năm các chi còn dâng lên Ngài (Lê Lai) bằng cả thủ lợn hoặc gà nguyên con được luộc chín đặt trên xôi nếp và có cả vật lễ chay như hương nến, bánh kẹo, hoa quả. Vị đại diện dòng họ cũng cho biết, việc vật dâng lễ ở đền không có quy định bất di bất dịch mà tôn trọng cái tâm và lòng thành kính của con em dòng họ và các chi về dự. Từ nhiều lễ tế và một số lễ hội tôn vinh nhân vật hội thề Lũng Nhai mà NCS được tham gia, có thể nói mặc dù lễ vật dâng lễ của người dân đến di tích có khi khá đơn giản nhưng khi nào cũng đề cao sự thành kính, tôn nghiêm.
3.1.3.5. Các tập tục, kiêng kỵ trong lễ hội, tế lễ
Trong việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa thì những tập tục, kiêng kỵ gắn với đời sống và sinh hoạt văn hóa của bà con, đồng bào đã trở thành những dấu ấn riêng của cộng đồng, góp phần tạo nên tính đặc sắc và giá trị đặc biệt của tín ngưỡng.
Có thể bạn quan tâm!
- Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 11
- Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 12
- Tục thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416 ở Thanh Hóa - 13
- Biểu Đồ Thể Hiện Sự Linh Thiêng Của Thần Ở Di Tích
- Biểu Đồ Tỷ Lệ Về Giới Khi Thực Hành Tế Lễ Tại Di Tích
- Thờ Cúng Nhân Vật Lịch Sử, Thờ Cúng Nhân Thần
Xem toàn bộ 250 trang tài liệu này.
Theo các tài tài liệu thư tịch chép lại cho biết, gắn với mỗi lễ hội, lễ tế liên quan đến thờ cúng các nhân vật lịch sử tham gia hội thề Lũng Nhai trong các dòng họ, làng xã ở Thanh Hóa có không ít các nghi lễ, tập tục mang tính chất kiêng kỵ độc đáo. Đó là những kiêng kỵ trong nghi thức hành tế lễ, tuyệt đối nghiêm cẩn trong lễ hội Lam Kinh và lễ hội Thái miếu xưa. Đồng thời, với mỗi làng xã, dòng họ thờ các nhân vật lịch sử hội thề Lũng Nhai của làng xã và dòng họ mình, lại có những tập tục mang tính chất địa phương. Có khi lại còn cả thêm dấu ấn sinh hoạt văn hóa tộc người nữa.
Theo khảo cứu của tác giả Hoàng Anh Nhân, trong lễ giỗ vua ở Thái miếu xưa có nhiều quy định nghiêm ngặt. Đó là tục “trai giới”, nó bắt buộc phải được tuân thủ nghiêm túc đối với chủ tế, bồi tế, chức dịch và những người phục vụ tại đền: “Trước đây, trước 3 ngày bước vào lễ hội thì thì ở kinh đô (nhà Nguyễn) bộ lễ đưa thị vệ dâng lên vua Lê (Lê Lợi) một tượng nhỏ bằng đồng, hai tay chắp vào ngực cầm một chiếc bài trên khắc hai chữ “trai giới”. Cũng trước 3 ngày bước vào ngày hành lễ thì quan lớn đầu tỉnh và các chức dịch ở địa phương phục vụ tại đền phải thực hiện trai giới nghĩa là phải ăn chay, giữ mình thật thanh tịnh, trong sạch” [138, tr 114]. Lễ hội Lam Kinh xưa cũng xem trai giới là trách nhiệm tự nhiên từ vua cho đến các quan dự tế. Ngoài vua ra, ai sai phạm dù là lỗi nhỏ đều có quan Đàn hặc giám sát và bị biếm truất hay phạt tiền [81, tr 516]. Luật tục trai giới đảm bảo cho những người trực tiếp cử hành buổi tế và các chấp sự, giúp việc phải thực hiện tắm gội sạch sẽ, ăn chay, không uống rượu, thậm chí không được tự ý quan hệ nam nữ...để giữ mình được thuần khiết trước khi cúng lễ thần. Chắc chắn, các lễ hội Lam Kinh và đền Lê Bố Vệ khi xưa được cử hành theo các nghi thức cung đình cho nên những yêu cầu này được thực hiện rất quy củ và bất di bất dịch.
Ngoài ra còn có “lễ quán tẩy”, đó là quy định làm sạch sẽ, vệ sinh chân tay trước khi vào lễ tế được duy trì và thực hiện ở nhiều điểm cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai ở Thanh Hóa. Ở đền Lê bắt buộc trước khi vào tế, chủ tế, bồi tế và các chấp sự làm lễ quán tẩy trong một cái chậu mới [138, tr 121], tục này nay vẫn còn được duy trì trong lễ hội. Ở đền An Lạc (Hoằng Hóa), quy định việc lau dọn ban thờ, nhang án, thần vị để đảm bảo vệ sinh trước ngày tế giỗ Lê Lai 29/4 được chuẩn bị từ 3 hôm trước, người thực hiện việc này không ai khác là trưởng tộc. Dịp hội đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, trước 1 ngày (20/8 ÂL), các cụ trong ban thờ tự và lễ nghi của làng Tép tiến hành lau chùi, đánh bóng các đồ thờ, rửa tượng. Công việc lau chùi được giao cho những người có uy tín trong làng. Trước khi tiến hành lau dọn người ta phải thắp hương, dâng lễ. Nước lau chùi, rửa tượng phải là nước ngũ vị hương, trầm hương. Những việc làm này cốt để cho tượng thần, đồ thờ và
những gì liên quan đến thần và di tích được trong sạch, tinh khiết, đảm bảo tính thiêng cho lễ hội.
Cũng có một số tục hiện nay đã không còn, chỉ thấy được chép trong sách sử và các tài liệu lưu truyền trong dân gian. Như tục “gieo quẻ xin âm dương” bằng cách 3 que nứa, nghi thức ngày được cử hành để xin phép trước khi khai hội. Nay thì việc xin quẻ bằng que nứa đã được thay bằng đài âm dương thông thường. Nhưng chúng tôi ngờ rằng, cách thức gieo quẻ “độc đáo” này có lẽ bắt nguồn từ phong tục của người Mường sống ở vùng Ngọc Lặc trước đây.
Tục lệ “ban thưởng” trong ngày hội cũng được nhắc đến trong các tài liệu khi mô tả về lễ hội Lam Kinh xưa. Theo mô tả, nghi thức này thường tổ chức vào cuối lễ hội. Vua đương triều về dự lễ “bái yết sơn lăng” sẽ ban thưởng cho các quan theo hầu, ban thưởng cho người trong gia tộc, ban thưởng cho dân chúng theo sự tâu trình của địa phương và ban bố các điều cấm kỵ bổ sung vào việc tu sửa tôn tạo hay các điều cấm kỵ về Lam Kinh [81, tr 516]. Rất tiếc nay việc “ban thưởng” như lễ xưa nay không còn nữa. Trong lễ hội Lam Kinh ngày nay mới phục dựng, người ta có phần vinh danh, khen thưởng cho con cháu họ Lê học hành, thi cử đỗ đạt, nghi thức được tổ chức sau phần Đại tế. Phải chăng nghi thức này nhằm mô phỏng lễ tục xưa của các vua nhà Lê?.
Một số tục lệ khác trong lễ hội, tế lễ gắn với việc thờ cúng các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai hoặc đã bị thay đổi, hoặc chỉ còn thực hiện một phần, có khi được lược bớt cho phù hợp hơn với đời sống hiện đại. Chẳng hạn như theo tục xưa, mỗi lần lễ giỗ Lê Lợi được tổ chức ở đền Lê thì một số dòng họ con cháu các công thần như Đinh Liệt, Võ Uy, Lê Hiểm ở Nông Cống, dòng họ Lê Lai ở Hoằng Hóa, họ Đàm Lê ở Đông Sơn trước đây (nay là Tp Thanh Hóa) phải cử trưởng tộc về dự và dâng lễ Lê Lai, Lê Lợi ở Thái miếu. Những tục này đến nay không còn bắt buộc thực hiện nữa, nhưng qua khảo sát tại các lễ hội như Lam Kinh, Thái miếu hiện nay thì vẫn có một số con em các dòng họ trên đi dâng lễ một cách tự nguyện trong dịp lễ hội được tổ chức.
Trong lễ hội Căm Mương của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Ký (Kỳ Tân, Bá Thước), vào dịp lễ giỗ Vua 22 tháng 8 âm lịch, trước ngày vào lễ hội thì “Tạo bản” cử một người nhanh nhẹn, tháo vát xách cồng đi rao trong bản nhắc nhở mọi người không được vi phạm những điều cấm kỵ trong 3 ngày lễ. Trong lời rao tiếng Thái có câu: “Làu bàu đáy hắm, Nắm bàu đáy tặc, Phặc bàu đáy xóc, Phải bàu đáy pìa, Mia bàu đáy cót” (Củi không được đốn, Nước không được vác, Rau không được hái, Vải không được dệt, Vợ chồng không được ôm ấp) [46, tr 176]. Nay thì tục này cũng không còn nhưng các nghi thức và đồ dâng cúng vua Lê vẫn được tuân thủ chặt chẽ. Còn hiện nay, đồng bào dân tộc Thái ở Giao Thiện (Lang Chánh) vẫn còn giữ tục “dâng lễ vật thịt lợn luộc chín dở” [106, tr 349] trong dịp cúng vua tại đền Pù (hay đền Tiên Púa) để tưởng nhớ những ngày gian khó của Bình Định Vương và nghĩa quân phải dùng cả thịt chưa kịp chín để gấp rút hành quân.
Còn trong lễ hội làng Thái Sơn ở Tân Phúc (Nông Cống), mỗi khi làng tổ chức tưởng nhớ công thần Lê Hiểm. Người ta tổ chức nghi thức “lễ xuất quân” và “lễ khao quân mừng chiến thắng”. “Buổi tế xuất quân phải có đồ mã bằng giấy cắt hình chiến sĩ có vũ khí, gươm giáo, cung nỏ, voi ngựa và chiến thuyền. Trong buổi khao quân chủ tế đọc văn bản mừng chiến thắng rồi chia cháo hoa, rượu thịt, xôi chè cho dân làng” [70, tr 138]. Tuy nhiên hiện nay, tục này chỉ còn lại nghi thức cúng tế mang tính chất biểu tượng, việc tế các đồ mã mô phỏng chiến binh, gươm giáo, cung nỏ, voi ngựa, chiến thuyền bằng giấy nay đã được thay thế bằng đồ cúng mặn.
Không ít những tập tục mang tính kiêng khem nay đã trở thành nét đẹp sinh hoạt văn hóa gắn với lễ hội tưởng nhớ nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai ở một số nơi trong tỉnh. Chẳng hạn như, từ khi lễ tế ở Thái miếu nhà Hậu Lê được khôi phục lại, việc cử hành nghi lễ trong chính hội hoàn toàn do phụ nữ điều hành. Điều này có nguyên do là trước khoảng năm 1990, các bà ở hội khuyến thiện địa phương đứng ra tổ chức khi Thái miếu còn chưa được tu sửa lại nên sau dần thành lệ. Ngày nay, đến dịp lễ vẫn thấy các bà, các chị trong áo thụng, hia hài phân công nhau các chức việc như chủ tế, bồi tế, chấp sự, đông xướng, tây xướng cử hành theo đúng
trình tự của một buổi tế. Còn trong lễ hội đền Tép, nay đến hội chúng ta vẫn có thể nhận thấy đội hình rước kiệu gồm các trai gái trong sắc phục dân tộc Mường cùng với biểu diễn múa kiếm, đánh cồng rất đẹp mắt. Tinh thần Việt- Mường còn được thể hiện thông qua nghi thức đón tiếp giữa hai làng “kết chạ”. Đến nay vẫn còn giữ lệ, bô lão làng Tép phải ra đầu làng thực hiện nghi lễ tiếp đón đại biểu của làng Cham. Sáu đó mới rước kiệu Lê Lai từ làng Tép (quê Lê Lai) về làng Cham (quê Lê Lợi).
Một số trò diễn trong lễ hội, hội làng có thể gắn trực tiếp với di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai hoặc ở những làng xã chỉ tổ chức để tưởng nhớ công ơn Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn dịp tháng 8 âm lịch hằng năm đến nay sau một thời gian mai một đã dần được phục hồi lại và xuất hiện trong lễ hội Lam Kinh ở Thọ Xuân, lễ hội đền Lê ở Tp Thanh Hóa như các trò “chạy chữ”, trò “phá trận”. Ở trò phá trận người ta tái hiện cuộc đấu giữa quân Minh và quân Lam Sơn, chia làm 2 phe và kịch bản luôn luôn là: kết thúc phần đấu quân ta chiến thắng, quân Minh thua chạy. Hay trò “chạy chữ”, thực ra là kéo chữ “thiên hạ thái bình” nhằm mục đích ca ngợi công ơn của Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn thắng giặc ngoại xâm, đưa đất nước trở nên thanh bình. Mặc dù không có di tích thờ cúng nhân vật hội thề Lũng Nhai nhưng dân làng Chuộc ở xã Thiệu Tiến (huyện Thiệu Hóa) hàng năm ở đây vẫn duy trì tục diễn trò múa rối “Lam Sơn khởi nghĩa” trong hội làng. Trò được biểu diễn gồm các tích như: Lê Lợi đi cày, Lê Lợi đánh Liễu Thăng, Lê Lợi dạo chơi trên hồ Hoàn Kiếm…Các nghệ nhân làm những con rối người to bằng em bé 10 - 11 tuổi, con rối ngựa cũng to bằng con dê. Ở đoạn “Lê Lợi đánh Liễu Thăng”, bà con vẫn thường gọi là trò “Đấu Mã”. Trên sân rối, nghệ nhân đưa ra các tạo hình Lê Lợi và Liễu Thăng. Hai bên xưng danh rồi hỏi đáp nhau, thách thức, đoạn xông vào giáp chiến. Liễu Thăng bị chém đứt đầu. Lê Lợi thắng trận. Còn trong lễ hội Lam Kinh ngày nay, các trò thuộc hệ thống “Xuân Phả” nổi tiếng với các tích: Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc, Tú Huần...biểu diễn những hình người đeo mặt nạ, với các nghi thức tiến cống vua Lê nhằm mục đích tái hiện không khí cung đình triều Lê được tổ chức đều đặn trong dịp chính hội hằng năm.
Tục lệ xưa được tuân thủ đến ngày nay có lẽ là tục kiêng gọi tên húy của các nhân vật tham gia hội thề Lũng Nhai. Ở Thanh Hóa, việc làm này được coi là “phạm thượng”, vượt mặt của người dưới đối với các bậc tiền nhân. Có lẽ chính vì lý do đó cho nên đây là một trong những tập tục kiêng kỵ được bảo tồn và tuân thủ bền vững nhất. Khi hành lễ, người ta tránh gọi tên húy của thần mà gọi là các Ngài hoặc phải bằng tên vua ban, tên phong tước như Thái Tổ Cao Hoàng đế (Lê Lợi), Trung Túc Đại vương (Lê Lai). Ở một số làng xã và dòng họ (ngoại trừ Lê Lợi) người ta gọi các vị là “cụ tổ” hoặc nếu đọc chính tên thì luôn kèm theo họ quốc tính (Lê) được ban như: cụ Lê Lôi, Lê Chiến, Lê Khả, Lê Uy...và đây cũng là một cách xưng tên thần phổ biến không những đối với các vị công thần Lũng Nhai mà còn là các nhân vật khởi nghĩa Lam Sơn khác ở Thanh Hóa.
3.2. Thái độ của nhà nước và cộng đồng đối với tục thờ cúng
3.2.1. Thái độ của nhà nước
Thông qua các tài liệu, sách sử đã chép lại, có thể thấy, từ nhà nước quân chủ phong kiến Lê Sơ, Lê Trung Hưng, nhà Nguyễn đều đã có những chính sách mạnh mẽ để ghi nhận công lao, sự đóng góp của các nhân vật lịch sử đối với dân tộc. Minh chứng là, sau khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã tổ chức đến 3 đợt phong thưởng, ban tước cho các công thần, với bổng lộc và đặc ân rất lớn, kể cả “những người hy sinh trong chiến trận như Lê Lai, Võ Uy, Đinh Lễ cũng được truy tặng” [85, tr 36]. Việc Lê Lợi ban phong quốc tính “Lê” cho đại đa số các công thần trong hàng ngũ quân đội Lam Sơn thời đó cũng bắt đầu cho thấy tâm lý họ tộc bắt đầu trong thời kỳ được đề cao. Các công thần, tướng lĩnh trở thành những người cùng họ với vua. Để từ đó, sự thúc đẩy việc xây dựng từ đường, lăng mộ dòng họ trở nên mạnh mẽ.
Trước đó, sử cũ đã chép việc Lê Lợi cho quy tập các anh hùng, nghĩa sỹ như Lê Lai, Võ Uy và những người khác để thờ chung trong đền Lam ở Lam Sơn. Rất tiếc đến nay đền Lam đã không còn nhưng chắc hẳn đó phải là một “miếu thờ liệt sỹ” được vua Lê hết sức xem trọng và được làm khá cấp tập sau khi lên ngôi. Như vậy, rõ ràng Lê Lợi trước đây và nhà Lê về sau rất quan tâm đến vấn đề tâm linh đối với những người vì nước chống giặc mà hy sinh.
Thái độ, chính sách của triều Lê Sơ hoàn toàn không tự phát mà đã có cơ sở thực tiễn từ trước khi Lê Lợi lên ngôi. Lam Sơn thực lục và Đại Việt thông sử còn ghi lại nhiều câu chuyện chạy giặc ly kỳ của Lê Lợi thuở mới khởi binh và trong thời gian cầm cự ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Các truyện về thần cáo trắng (Hồ Ly phu nhân), bà Quốc Mẫu, bà chúa Trầm và nhiều vị thần linh khác có công giúp đỡ vua trong lúc hoạn nạn. Truyện lời hứa với bà Phạm Thị Ngọc Trần để hiến tế vợ mình cho thần Phổ Hộ ở cửa biển Triều Khẩu (Hưng Nguyên, Nghệ An) trong sự kiện tiến công thành Nghệ An...Nhớ ơn những người vì mình mà xả thân, vì mình mà giúp rập. Sau này lên ngôi vua, ông cho lập đền thờ và phong những nhân vật này lên hàng quốc mẫu, phu nhân. Được tôn phong làm thần linh, thành hoàng, cấp sắc phong, xây đền thờ và cho nhân dân quanh năm hương khói. Những điều đó vừa thể hiện lòng biết ơn và lời hứa của bậc quân vương vì nước, vì mình mà xả thân.
Sách sử cũng ghi lại việc sau ngày lên ngôi, vua sai công thần Nguyễn Trãi viết các lời thề tướng sỹ, con cháu công thần cùng đồng lòng nhớ ơn Lê Lai, cho cất vào “kim quỹ” (rương vàng) để làm gương răn dạy con cháu về một tấm gương trung liệt [142, tr 157]. Ông từng nói: “Lê Lai có công đổi áo. Sau này Trẫm cùng con cháu, và các tướng tá, hay con cháu các công thần, nếu không thương đến công ấy, thì đền cờ này hóa thành rừng núi, ấn báu hóa thành cục đồng, lưỡi gươm thần này hóa thành dao mác thường” [65, tr 30]. Tháng 12 năm 1429 vua chiếu chỉ cho thôn Dựng Tú lập đền thờ tại làng Tép và cắt cho 10 mẫu điền để phục vụ tế lễ tứ thời bát tuyết. Truyền thuyết dân gian cũng lưu truyền rằng, trước khi băng hà, vua còn dặn dò con cháu nhà Lê sau này bao giờ cũng làm giỗ Lê Lai vào trước ngày giỗ mình. Vì vậy, tuân theo ý vua, dân đã viếng Lê Lai trước khi cúng tế Lê Lợi, vì vậy mới có câu thành ngữ: “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” [61, tr 33]. Mặc dù chưa thấy các tư liệu lịch sử nhắc đến điều này. Tuy nhiên, chắc chắn với sự ứng xử đặc biệt với công thần Lê Lai trước khi mất, chúng ta có thể tin tưởng ý nguyện này của vua Lê là xuất phát từ tình cảm sâu đậm với một người đồng chí trung kiên của mình. Các vua nhà Lê về sau nói chung đều đánh giá rất cao tấm gương hy sinh anh dũng của Lê Lai. Các vua như Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông đều truy phong để