Hoạt Động Hướng Nghiệp Cho Học Sinh Sinh Viên

Tác giả Mai Công Hùng với đề tài “Quản lý hoạt động hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho sinh viên Học viện Ngân hàng” [18]. Tác giả đã nghiên cứu thực trạng hoạt quản lý hoạt động hướng nghiệp và tư vấn việc làm của trường Học viện Ngân hàng, từ đó đưa ra các giải pháp đẩy mạnh hoạt động này nhằm giúp cho sinh viên có những lựa chọn ngành nghề một cách đúng đắn để sau khi ra trường áp dụng được những tri thức đã học vào thực tế công việc.

Đến nay, với sự phát triển về quy mô đào tạo, các trường đại học và cao đẳng ngày càng khẳng định vị thế và đặc biệt chú trọng từ các khâu xét tuyển đầu vào, quá trình đào tạo đến sản phẩm đầu ra, làm thế nào tư vấn cho sinh viên tiếp cận được nhiều nguồn thông tin, các nhà tuyển dụng để sinh viên dễ dàng lựa chọn việc làm phù hợp nhất. Việc đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được các trường đại học và cao đẳng đặc biệt quan tâm, nhất là tạo điều kiện cho sinh viên học tập tốt nhất, trang bị những kiến thức sát với thực tế và việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

Những nghiên cứu này đã ít nhiều khái quát hoá và làm rõ được những vấn 1

Những nghiên cứu này đã ít nhiều khái quát hoá và làm rõ được những vấn đề lý luận và đề xuất những biện pháp quản lý góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho người học.

Trong đó lựa chọn nghề nghiệp chỉ là một giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Vì vậy có thể thấy việc định hướng nghề nghiệp và tư vấn việc làm cho sinh viên là một quá trình liên tục và kéo dài cho đến những năm cuối cùng của bậc đại học, cao đẳng. Tức là sinh viên hiện nay sau khi đã lựa chọn ngành nghề ở trường đại học, cao đẳng sinh viên năm nhất cần tiếp tục được hướng dẫn những kỹ năng cần thiết như làm thế nào có thể hòa nhập môi trường đại học, cao đẳng, làm thế nào để có phương pháp học hiệu quả, làm thế nào để lựa chọn được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp.

Sinh viên năm cuối cần được đào tạo kỹ năng để tìm được công việc tốt, kiến thức xây dựng một kế hoạch nghề nghiệp cho năm năm, mười năm…Như vậy có thể thấy sinh viên cần được hướng dẫn hướng nghiệp và tư vấn việc làm một cách liên tục trong giai đoạn học đại học, cao đẳng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng sinh viên hiện nay chưa thực sự hiểu biết về nghề mình đã lựa chọn, việc chọn ngành nghề hầu hết phụ thuộc vào ý kiến của phụ huynh (thường có xu hướng chọn trường tốt trước khi chọn ngành) hay độ “hót” của ngành trong thời điểm hiện tại. Do vậy, quá trình chuẩn bị tinh thần, kiến thức cho hoạt động hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong trường đại học, cao đẳng cũng như quản lý hướng nghiệp và tư vấn việc làm cho sinh viên vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu.

1.2. Một số khái niệm của đề tài

1.2.1. Quản lý

Ngày nay, thuật ngữ quản lý đã trở nên phổ biến và có nhiều cách định nghĩa khác nhau tùy theo cách tiếp cận khác nhau.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 122 trang tài liệu này.

Theo James Stoner và Stephen Robbins: “Quản lý là tiến trình hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát những hoạt động của các thành viên trong tổ chức và sử dụng tất cả các nguồn lực khác của tổ chức nhằm đạt nhũng mục tiêu đã đề ra” [dẫn theo 13, tr.12]. Theo định nghĩa này, quản lý là thực hiện một quy trình tác động đến không chỉ các thành viên trong tổ chức mà còn các yếu tố bên ngoài để đạt mục tiêu đã đề ra.

Theo tác giả Trần Kiểm: “Quản lý là những tác hoạch định của chủ thể quản lý trong việc huy động, kết hợp, sử dụng, điều chỉnh, điều phối các nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) trong và ngoài tổ chức (chủ yếu là nội lực) một cách tối ưu nhằm đạt được mục đích của tổ chức với hiệu quả cao nhất” [26]. Định nghĩa này cho thấy quản lý là thực hiện một quy trình tác động đến không chỉ các nguồn lực trong tổ chức mà còn các nguồn lực bên ngoài để đạt được mục đích đã đề ra.

Trong cuốn “Quản lý giáo dục” cùng với quan điểm của James Stoner và Stephen Robbins song các tác giả Bùi Minh Hiền, Vũ Ngọc Hải, Đặng Quốc lại quy mối quan hệ của nhiều thành phần về thành mối quan hệ giữa hai thành phần là chủ thể quản lý và đối tượng quản lý: “Quản lý là sự tác động có tổ chức, có hướng đích của chủ thể quản lý tới đối tượng quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra” [13, tr.12].

Trong khi đó, tác giả Nguyễn Ngọc Quang đưa ra khái niệm cụ thể hóa quy trình và mối quan hệ trong quản lý hơn so với các khái niệm trên: “Quản lý là những tác động có định hướng, có kế hoạch của chủ thể quản lý đến đối tượng bị quản lý trong tổ chức để vận hành tổ chức, nhằm đạt mục đích nhất định”. [34]

Khái niệm về Quản lý cho đến nay có rất nhiều định nghĩa khác nhau nhưng về cơ bản đều thống nhất với nhau về nội dung và bản chất. Trong đề tài này sử dụng cách hiểu quản lý là một quá trình tác động có chủ đích của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý thông qua thực hiện các chức năng quản lý để đạt được mục tiêu đề ra.

1.2.2. Hướng nghiệp

Lâu nay chúng ta vẫn tưởng rằng hướng nghiệp chỉ là sự lựa chọn một nghề nghiệp mà mình yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp với mình, tuy nhiên đây chỉ là phần ngọn của một quá trình, một hoạt động trong số rất nhiều các hoạt động của hướng nghiệp. Các nhà khoa học đã xác định thuật ngữ hướng nghiệp (career mentoring) nếu được hiểu chính xác nó chính là sự kết hợp của nhiều lĩnh vực như: đánh giá nghề nghiệp (career asseessment), quản lý nghề nghiệp (carrer management), phát triển nghề nghiệp (carrer devolopment)…

Theo UNESCO: “Hướng nghiệp là một quá trình cung cấp cho người học những thông tin về bản thân, về thị trường lao động và định hướng cho người học có các quyết định đúng đối với sự lựa chọn nghề nghiệp“[40]. Ngày nay, người ta đã nhận thấy chỉ cung cấp thông tin là không đầy đủ mà cần phải chỉ ra sự phát triển về mặt cá nhân, xã hội, giáo dục và nghề nghiệp của học sinh. Một sự thay đổi khác có ảnh hưởng lớn đến hoạt động hướng nghiệp là nó được nhận thức như là một quá trình phát triển, đòi hỏi một cách tiếp cận chương trình chứ không đơn giản là các cuộc phỏng vấn cá nhân tại các thời điểm quyết định.

Thuật ngữ “Hướng nghiệp – Profession Orientation” do Parson F. đề xướng vào năm 1908, theo Ông hướng nghiệp là: “Quá trình định hướng cho cá nhân tìm hiểu nghề, đối chiếu với phẩm chất cá nhân rồi lựa chọn lấy một nghề phù hợp”[dẫn theo 25].

+ Theo quan điểm kinh tế:

“Hướng nghiệp là những mối quan hệ kinh tế – đào tạo, giúp cho từng thành viên xã hội phát triển năng lực xã hội và đưa họ vào một lĩnh vực hoạt động cụ thể phù hợp với sự phân bố lực lượng lao động xã hội” [14].

+ Theo quan điểm giáo dục:

Tác giả Đặng Danh Ánh cho rằng: “Hướng nghiệp là một hệ thống các biện pháp tác động của nhà nước, nhà trường, gia đình và toàn xã hội nhằm giúp cho học sinh lựa chọn và xác định được vị trí nghề nghiệp của mình trong cuộc sống trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường, năng lực, của cá nhân, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của các thành phần kinh tế” [3]

Nhà nghiên cứu Phạm Tất Dong cho rằng: “Hướng nghiệp là một hệ thống tác động của xã hội về giáo dục, về y học, kinh tế học nhằm giúp thế hệ trẻ chọn được nghề vừa phù hợp với hứng thú, năng lực, nguyện vọng, sở trường của cá nhân, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực của các lĩnh vực sản xuất trong nền kinh tế quốc dân” [8, tr30].

Theo các tác giả Nguyễn Văn Hộ và Nguyễn Thị Thanh Huyền: “Hướng nghiệp là sự tác động của một tổ hợp các lực lượng xã hội, lấy sự chỉ đạo của một hệ thống sư phạm làm trung tâm vào thế hệ trẻ, giúp cho các em quen biết với số ngành nghề phổ biến để khi tốt nghiệp ra trường, các em có thể lựa chọn cho mình một cách có ý thức nghề nghiệp tương lai” [16].

Qua việc phân tích các quan điểm trên cho thấy hướng nghiệp là hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp với nhau, giúp cho người học chọn được nghề phù hợp với nhu cầu xã hội và nguyện vọng, sở trường của cá nhân.

Hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường của cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội” (Điều 9 – Luật Giáo dục 2019) [33]. Trong đề tài này sử dụng cách hiểu hướng nghiệp chính là quá trình hướng dẫn chọn nghề, quá trình chuẩn bị cho thế hệ trẻ bước vào cuộc sống lao động sản xuất. Đây là một hệ thống các biện pháp tác động của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ đạo, nhằm hướng dẫn người học tìm hiểu thế giới nghề nghiệp và chọn một nghề phù hợp với năng lực và nguyện vọng của bản thân, để sẵn sàng bước vào lao động, đáp ứng nhu cầu lao động của địa phương và đất nước.

1.2.3. Hoạt động hướng nghiệp cho học sinh sinh viên

Hoạt động hướng nghiệp là hoạt động của các tập thể sư phạm, của cán bộ các cơ quan, xí nghiệp tiến hành với mục đích giúp học sinh chọn nghề phù hợp với năng lực, thể chất và tâm lý của cá nhân, với nhu cầu kinh tế xã hội.” [9]

Phân tích các quan điểm về hướng nghiệp cho thấy hoạt động hướng nghiệp là hoạt động của nhiều cơ quan, tổ chức phối hợp với nhau, giúp cho học sinh – sinh viên chọn được nghề phù hợp với nhu cầu của xã hội và nguyện vọng, sở trường của cá nhân.

Như vậy, hoạt động hướng nghiệp thực hiện ba loại công việc chính sau:

Một là: Giúp cá nhân có hiểu biết về thế giới nghề nghiệp, về nội dung, yêu cầu của những nghề mà cá nhân mong muốn lựa chọn, đồng thời giúp cá nhân nắm bắt và phân tích được những thông tin về thị trường lao động của địa phương và khu vực,… để làm căn cứ lựa chọn nghề nghiệp.

Hai là: Giúp cá nhân nhận thức về bản thân, đánh giá được những năng lực và khả năng của bản thân, thấy được giá trị của bản thân cũng như những khả năng thành công trong tương lai… qua đó giúp cá nhân hình thành thái độ đúng đắn trong lựa chọn nghề nghiệp.

Ba là: Giúp cá nhân đưa ra được các quyết định chọn nghề phù hợp trên cơ sở tìm ra sự trùng khớp giữa mong muốn, khả năng, năng lực, điều kiện hoàn cảnh bản thân và yêu cầu của nghề cũng như nhu cầu của nghề đó trong xã hội.

Với những phân tích trên, tác giả cho rằng: Hoạt động hướng nghiệp là các hoạt động của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò chủ đạo, nhằm hướng dẫn học sinh tìm hiểu thế giới nghề nghiệp và chọn một nghề phù hợp với nguyện vọng và năng lực của bản thân để sẵn sàng bước vào lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực của địa phương và đất nước.

1.2.4. Tư vấn việc làm

1.2.4.1. Tư vấn

Trong tiếng anh tư vấn được gọi là “Consulting” với nghĩa được hiểu là việc đưa ra những lời lẽ lý giải hay những lời khuyên, có tính chất quan hệ một chiều (như tư vấn bảo hiểm, tư vấn tâm lý, tư vấn luật pháp…)

Theo Điều 5, Nghị định 87/2002/NĐ-CP ngày 5/11/2002 về hoạt động tư vấn chuyên nghiệp thì: Tư vấn là hoạt động thu thập, xử lý thông tin, vận dụng kiến thức chuyên môn, phát hiện vấn đề, đề xuất giải pháp, phương án, lập dự án và giám sát đánh giá do các tổ chức chuyên môn, cá nhân người Việt Nam thực hiện độc lập, khách quan theo yêu cầu của người sử dụng tư vấn [32].

Như vậy có thể thấy: Tư vấn là góp ý kiến về một vấn đề được hỏi nhưng không có quyền quyết định.

Xem tất cả 122 trang.

Ngày đăng: 31/10/2021
Trang chủ Tài liệu miễn phí