Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 2

Khi đánh giá về Tạ Duy Anh, các nhà nghiên cứu đã quan tâm tìm hiểu trên cả phương diện nội dung cũng như nghệ thuật. Trong công trình Thế giới nghệ thuật Tạ Duy Anh, ba tác giả Nguyễn Thị Hồng Giang, Vũ Lê Lan Hương, Võ Thị Thanh Hà đã có những nhận xét hết sức khái quát về giá trị nội dung tác phẩm Tạ Duy Anh. Các tác giả này đánh giá: “Tạ Duy Anh đã mang đến cho độc giả những day dứt, trăn trở không nguôi trước ý nghĩa làm người. Xuyên qua một thế giới đầy những ám ảnh tăm tối, tàn ác vẫn lấp lánh niềm tin và sự thương xót con người” [24, tr.243]. Trên báo Pháp luật số 140/2004 cũng có bài viết khẳng định : “Tạ Duy Anh là tác giả tâm huyết, trăn trở với số phận con người, nhất là khi họ rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân cách. Trong lăng kính đa chiều, Tạ Duy Anh đã nhìn hiện thực một cách lí trí, lạnh lùng nhưng cũng đầy thương xót con người”. Báo Thể thao và Văn hóa số 47/2004 lại đưa ra nhận xét: “Có thể coi ông là nhà văn của đạo đức, văn chương ông có lúc hiện lên bằng một gương mặt thế sự, đớn đau, riết róng chuyện thánh thiện, tàn ác, liêm sỉ và vô lương nhưng không phải như những khái niệm truyền bản, chết khô mà thông qua sự cảm nhận đau đớn về số phận”. Tương tự, tác giả Thụy Khuê trong bài Tạ Duy Anh – người đi tìm nhân vật khi nghiên cứu về tiểu thuyết Tạ Duy Anh cũng nhận ra: “Mối quan tâm lớn nhất của Tạ Duy Anh là cái vong bản đánh mất mình của con người, dưới sự giằng giật, xiêu dạt của lịch sử. Trên con đường truy tìm lại chính mình cũng như khả dĩ gương mặt thực của quá khứ, con người vấp phải và bị phong tỏa bởi thói gian trá, đớn hèn, vật dục, tàn ác, kể cả trong mỗi cá nhân” [39]… Như vậy, các bài viết nêu trên dù nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau về nội dung tác phẩm Tạ Duy Anh nhưng hầu hết đều nhận thấy tác phẩm của ông đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhân sinh, nhân bản và số phận con người. Cho dù viết nhiều về những vấn đề gai góc nhưng chủ ý của Tạ Duy Anh vẫn là lay thức cái thiện, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp.

Không chỉ đánh giá về nội dung, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra sự đổi mới về nghệ thuật trong tác phẩm của Tạ Duy Anh. Trong bài viết Tạ Duy Anh

– Đi tìm nhân vật, tác giả Dương Thuấn đã khẳng định những cách tân của Tạ Duy Anh trong việc tiếp cận hiện thực. “Tác giả đã thoát khỏi hoàn toàn lối viết truyền thống, quen thuộc là hiện thực che phủ bởi nhiều lớp mùng màn, miêu tả dầm dề, hành động chậm chạp, ngôn ngữ sạch bóng, trơn tru. Anh chọn phương pháp tiếp cận hiện thực đa diện, đa chiều và gần nhất” [61].

Tác giả Việt Hoài trong bài Tạ Duy Anh giữa lằn ranh thiện ác thì ghi nhận Tạ Duy Anh đã bắt kịp với lối viết của các nhà văn trên thế giới “sự lao động nghiêm túc của nhà văn thể hiện nỗ lực tìm tòi, đổi mới cách viết của mình. Nhà văn đã dùng những kĩ thuật viết hiện đại của thế giới, những phá cách về mặt cấu trúc đa thanh, phức điệu, điểm nhìn mới từ một bào thai trong bụng mẹ và lăng kính nhận thức đa chiều, Việt hóa các mô típ trong văn học thế giới, cách viết ẩn dụ, ngôn ngữ hiện thực, huyền ảo”. Cũng trong bài viết này, tác giả đã nhận xét về thế giới nhân vật của Tạ Duy Anh. Việt Hoài cho rằng: “Nhân vật của Tạ Duy Anh không có sự trung gian, nhờ nhờ, xam xám về ngoại hình. Người xấu thì cực xấu như lão Khổ, lão Phụng… người đẹp thì như hoa như ngọc như Quý Anh, bà Ba, như những sản phụ chờ sinh. Nhưng bản chất con người thì luôn ở ranh giới thiện – ác. Nhân vật nào cũng luôn bị đặt trong trạng thái lựa chọn – đấu tranh với xã hội, với môi trường, với kẻ thù, với người thân, với chính bản thân mình”. [35]

Như vậy có thể thấy, xuyên suốt các bài viết các tác giả đều thống nhất khi xác nhận những nỗ lực của Tạ Duy Anh trong việc đổi mới văn học trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Các nhận xét, đánh giá đó đã phần nào cho thấy vị trí của Tạ Duy Anh trong giai đoạn văn học thời kì đổi mới.

2.2. Đánh giá về truyện ngắn Tạ Duy Anh

Tạ Duy Anh là cây bút xuất sắc không chỉ trong lĩnh vực tiểu thuyết mà thành công đầu tay của ông là truyện ngắn. Truyện ngắn của ông thường đi vào

những mảng tối khuất lấp của hiện thực với một cái nhìn đa diện, nhiều chiều soi rọi vào mọi ngóc cùng ngõ hẻm của đời sống, nhìn nhận lại những vấn đề của lịch sử, quá khứ và đi vào những vấn đề ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống thời hiện đại. Trong bất cứ trường hợp nào, văn ông luôn thể hiện một nỗi niềm ưu tư, một sự trăn trở về số phận con người, về sự tồn tại, sự mâu thuẫn giữa hai lằn ranh Thiện – Ác, giữa mặt thiên thần và ác quỷ trong mỗi tâm hồn con người.

Bắt tay vào cầm bút từ năm 1980 với truyện ngắn Để hiểu một con người được in trên báo Lao Động nhưng tên tuổi của Tạ Duy Anh thực sự được khẳng định sau thành công của truyện ngắn Bước qua lời nguyền (1989). Tác phẩm đã đoạt giải trong cuộc thi viết về nông nghiệp và nông thôn do tuần báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1989. Trong báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà thơ Hoàng Minh Châu nhận định về truyện ngắn Bước qua lời nguyền: “báo hiệu một tấm lòng lớn, một tầm nhìn xa và một tài năng viết về số phận con người”. Cũng theo Hoàng Minh Châu, thông điệp mà người đọc nhận được qua truyện ngắn Bước qua lời nguyền “bài học lớn về quan niệm đấu tranh giai cấp, về lòng nhân ái”.

Cụ thể hơn, nhà văn Nguyên Ngọc đã nhận xét: “Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh gói gọn trong mười trang cả một cuộc đời, một kiếp người, mấy kiếp người, vừa là tác giả vừa là nạn nhân của những bi kịch xã hội đằng đẵng một thời” và nhà văn đã khái quát “truyện ngắn chỉ mươi trang thôi mà sức nặng có vẻ còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết trường thiên” [48].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Hoàng Ngọc Hiến cũng có bài bình luận đăng trên báo Nông nghiệp số 50, tháng 12/1989, trong đó khẳng định “Đọc truyện của Tạ Duy Anh, một câu hỏi được đặt ra: giã từ thế kỉ XX bão táp và máu lửa này và chuẩn bị bước vào thế kỉ XXI “lí trí và nhân bản”, những lời nguyền nào là đáng nguyền rủa, những lời nguyền nào nhân loại trước sau phải bước qua? Phải chăng truyện ngắn Tạ

Duy Anh là tín hiệu của một dòng văn học mới, dòng văn học “Bước qua lời nguyền?” [31].

Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 2

Như vậy có thể thấy Bước qua lời nguyền không chỉ có giá trị nhân văn mà còn là một tư tưởng có tầm thời đại. Tác phẩm không chỉ là sự khởi đầu tốt đẹp đối với cá nhân nhà văn mà còn là sự đóng góp lớn vào công cuộc đổi mới nền văn học nước nhà.

Các khóa luận và luận văn thạc sĩ Ngữ văn cũng dành nhiều sự quan tâm đến truyện ngắn của Tạ Duy Anh.

Tác giả Phạm Thị Hương trong khóa luận Tạ Duy Anh từ quan niệm nghệ thuật đến những đổi mới trong sáng tác truyện ngắn (ĐHSP Hà Nội, 2005) đã nghiên cứu quan niệm sáng tác cũng như nỗ lực đổi mới trong truyện ngắn Tạ Duy Anh từ nhiều góc độ: hiện thực, con người, đổi mới về quan niệm nghệ thuật, gia tăng yếu tố kì ảo và chất tiểu thuyết trong truyện ngắn Tạ Duy Anh.

Luận văn Nông thôn trong sáng tác của Tạ Duy Anh của Nguyễn Thị Mai Loan (ĐHSP Hà Nội, 2004), nghiên cứu những đổi mới của Tạ Duy Anh về mặt tư tưởng và nghệ thuật trong sáng tác về đề tài nông thôn.

Nguyễn Thị Phương Thảo, trong luận văn Đặc điểm truyện ngắn Tạ Duy Anh (ĐH Vinh, 2010), đã tập chung nghiên cứu các đặc điểm nội dung cũng như nghệ thuật truyện ngắn Tạ Duy Anh. Trong luận văn, tác giả đã chỉ ra một số đặc điểm nghệ thuật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh. Tuy nhiên mới chỉ dừng lại ở những nhận xét khái quát, sơ bộ.

Luận văn Đặc điểm truyện ngắn Tạ Duy Anh của tác giả Trần Văn Viễn (ĐH sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 2009) đã tiến hành khảo sát về thế giới nhân vật và một số thủ pháp nghệ thuật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh.

Luận văn Nghệ thuật trần thuật trong Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh của tác giả Lê Thị Loan (ĐH Vinh) lại đi sâu nghiên cứu về nghệ thuật trần thuật trong tập Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh. Tác giả đã chỉ ra một vài khía cạnh về thi pháp thể loại truyện ngắn. Tuy nhiên, luận văn này mới chỉ

giới hạn nghiên cứu trong một tập truyện ngắn của Tạ Duy Anh, do đó chưa thực sự có tính bao quát.

Từ những kết quả nghiên cứu được tổng hợp ở trên, chúng tôi thấy, các tác giả ít nhiều đã quan tâm đến vấn đề thi pháp truyện ngắn Tạ Duy Anh. Nhiều khía cạnh đã được chỉ ra như: nhân vật, cốt truyện, kết cấu, không gian, thời gian nghệ thuật... Tuy nhiên để nhìn truyện ngắn Tạ Duy Anh từ phương diện thi pháp thể loại một cách có hệ thống thì chưa có. Những bài viết, công trình nghiên cứu trên chính là những gợi mở quý báu giúp người viết thực hiện được mục đích của luận văn này.

3. Nhiệm vụ nghiên cứu

Đề tài đi sâu tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Tạ Duy Anh thể hiện qua các bình diện: quan niệm nghệ thuật về con người, thế giới nhân vật và tổ chức trần thuật.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là truyện ngắn Tạ Duy Anh dưới góc nhìn thi pháp thể loại.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Để thực hiện đề tài, chúng tôi tiến hành khảo sát tất cả truyện ngắn Tạ Duy Anh từ trước đến nay, bao gồm các tập truyện ngắn sau đây:

- Bố cục hoàn hảo, Nxb Hội nhà văn, 2004

- Người khác, Nxb Hội nhà văn, 2007

- Tạ Duy Anh – truyện ngắn chọn lọc, Nxb Hội nhà văn, 2008

- Ba đào kí, Nxb Hội nhà văn, 2008

- Lãng du, Nxb Hội nhà văn, 2011

Ngoài ra, để nghiên cứu sâu hơn và làm nổi rõ những đóng góp của Tạ Duy Anh trong lĩnh vực truyện ngắn, chúng tôi có sử dụng những sáng tác của các tác giả cùng thời với Tạ Duy Anh để so sánh đối chiếu.

5. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi sử dụng một số phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp cấu trúc – hệ thống

- Phương pháp thống kê – phân loại

- Phương pháp phân tích – tổng hợp

- Phương pháp so sánh loại hình

- Tiếp cận theo hướng nghiên cứu thi pháp học

6. Đóng góp và cấu trúc của luận văn

6.1. Đóng góp của luận văn

Luận văn đi sâu nghiên cứu Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại, cung cấp một cách tiếp cận mới mang tính khái quát khoa học, phù hợp với bản chất của văn học. Qua đó hiểu thêm về truyện ngắn Tạ Duy Anh cùng với những đóng góp của nhà văn trên bước đường hiện đại hóa văn học Việt Nam.

Kết quả của luận văn có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho việc tiếp cận tác giả Tạ Duy Anh nói riêng và truyện ngắn Việt Nam thời kì đổi mới nói chung.

6.2. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được triển khai trong ba chương:

Chương 1: Truyện ngắn Tạ Duy Anh trong bối cảnh truyện ngắn Việt Nam đương đại

Chương 2: Từ quan niệm nghệ thuật về con người đến thế giới nhân vật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh

Chương 3: Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn Tạ Duy Anh

NỘI DUNG

Chương 1

TRUYỆN NGẮN TẠ DUY ANH

TRONG BỐI CẢNH TRUYỆN NGẮN VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI


1.1.Vài nét về truyện ngắn Việt Nam đương đại

1.1.1. Khái lược về truyện ngắn và thi pháp thể loại truyện ngắn

Truyện ngắn là một khái niệm quen thuộc nhưng cách hiểu về nó không đơn giản. Cho đến nay, có nhiều nhà nghiên cứu lí luận phê bình đã đưa ra cách hiểu về truyện ngắn:

Theo nhà văn người Nga Pautopxki thì: “Truyện ngắn là truyện viết ngắn gọn, trong đó cái không bình thường hiện ra như cái bình thường và cái bình thường hiện ra như cái không bình thường” [45]. Aimatov lại chú ý đến đặc trưng lao động nghệ thuật của truyện ngắn. Ông cho rằng: “Truyện ngắn giống như một thứ tranh khắc gỗ, lao động nghệ thuật ở đây đòi hỏi chặt chẽ, cô đúc, các phương tiện phải được tính toán một cách tinh tế, nét vẽ phải chính xác” [45]. Nhấn mạnh đến vai trò của chi tiết, Nguyễn Công Hoan quan niệm: “Truyện ngắn không phải là truyện mà là một vấn đề được xây dựng bằng chi tiết” [59].

Để có một cái nhìn thống nhất và toàn diện hơn về truyện ngắn, chúng tôi khảo sát một số khái niệm truyện ngắn trong các cuốn: Từ điển thuật ngữ văn học, Từ điển văn học 150 thuật ngữ văn học. Nhìn chung, các tác giả đều thống nhất coi truyện ngắn là “tác phẩm tự sự cỡ nhỏ”, “được viết bằng văn xuôi, đề cập đến hầu hết các phương diện của đời sống con người và xã hội” và “thích hợp với việc tiếp thu liền mạch, đọc một hơi không nghỉ”.

Truyện ngắn hiện đại là một kiểu tư duy mới, một cách nhìn cuộc đời, một cách nắm bắt đời sống rất riêng. Truyện ngắn so với tiểu thuyết thường có ít nhân vật, sự kiện hơn. Nếu như tiểu thuyết thường hướng tới chiếm lĩnh đời

sống trong sự đày đặn và tính toàn vẹn của nó thì truyện ngắn thường phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người. Xét về thi pháp thể loại truyện ngắn, người ta thường xét tới các yếu tố: cốt truyện, kết cấu, nhân vật, không – thời gian nghệ thuật, ngôn ngữ, giọng điệu…

Cốt truyện là chuỗi các sự kiện được tạo dựng trong tác phẩm tự sự và kịch. Truyện ngắn là thể loại thuộc phương thức tự sự vì vậy truyện ngắn cũng có cốt truyện. Cốt truyện là phương tiện để nhà văn tái hiện các xung đột xã hội, thể hiện cái nhìn của nhà văn đối với cuộc sống, có sức mạnh hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Chuỗi sự kiện, biến cố ấy được hình thành chủ yếu dựa trên hành động của nhân vật, được tổ chức theo quan hệ nhân quả hoặc quan hệ bộc lộ ý nghĩa. Trên cơ sở đó, mỗi tác giả và ngay ở mỗi tác phẩm cũng thể hiện một phương thức xây dựng riêng. Việc tìm hiểu thi pháp cốt truyện vì vậy không phải là tìm hiểu truyện đó kể cái gì mà là phát hiện dụng ý và quan niệm của tác giả được thể hiện trong tác phẩm.

Nhà văn khi sáng tạo truyện ngắn thường chú ý đến cách tổ chức tác phẩm. Kết cấu truyện ngắn do đó cũng đa dạng và phong phú như chính cuộc sống muôn màu trong thực tế. Truyện ngắn có thể được kết cấu xâu chuỗi theo trình tự thời gian hoặc theo hành động, sự kiện, kết cấu tâm lí, kết cấu lắp ghép hoặc kết cấu đồng hiện. Nhìn chung thì các thủ pháp kết cấu trong truyện ngắn thể hiện cá tính sáng tạo của nhà văn và quyết định sự thành công của truyện ngắn. Trong cách xây dựng truyện ngắn, nhà văn cũng chú ý đến phần mở đầu và đoạn kết câu chuyện. Có vô số cách mở đầu truyện ngắn. Nhưng quan trọng câu mở đầu phải là “một thứ âm chuẩn” giúp cho việc tạo nên âm hưởng chung cho toàn bộ truyện ngắn. Nhà văn một khi đã tìm ra được cách vào truyện tức là họ đã tìm ra cách dẫn câu chuyện đó theo một nhịp điệu riêng. Vì hướng tới hiệu quả tác động duy nhất, truyện ngắn cũng cần phải xây dựng đoạn kết một cách độc đáo và ấn tượng. Cách chấm dứt câu chuyện của mỗi nhà văn sẽ thể hiện tài năng sáng tạo của họ. Trước đây truyện ngắn thường được kết thúc

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 27/10/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí