Một Số Thành Tựu Của Truyện Ngắn Việt Nam Đương Đại

bằng một kết cục có hậu, giải quyết hoàn toàn các vấn đề. Truyện ngắn hiện đại thường chọn loại kết thúc mở, cũng có thể gọi là kết thúc không có hậu. Câu chuyện dừng lại nhưng vấn đề, sự kiện, nhân vật do nhà văn nêu ra vẫn ám ảnh, day dứt người đọc. Nhà văn không phải là người hướng dẫn, “răn dạy” bạn đọc mà họ chỉ gợi ra vấn đề bằng cách kể câu chuyện đó, còn người đọc thì tiếp nhận câu chuyện như một cuộc đối thoại ngầm về cuộc sống đang từng ngày biến động không ngừng.

Nhân vật là yếu tố quan trọng hàng đầu trong tác phẩm văn học. Theo Trần Đình Sử, nhân vật là khái niệm dùng để chỉ hình tượng các cá thể con người trong tác phẩm văn học – cái đã được nhà văn nhận thức, tái tạo, thể hiện bằng các phương tiện riêng của nghệ thuật ngôn từ. Các yếu tố thông thường của một nhân vật gồm có: tên gọi, nguồn gốc, ngôn ngữ, hành động, tâm lí, tính cách, số phận… Nhân vật là điều kiện thiết yếu đảm bảo cho sự miêu tả thế giới của văn học có được chiều sâu và tính hình tượng. Nhờ có nhân vật với những lời nói, hành động tương tác mà cốt truyện được hình thành. Nó được xem như là chìa khóa để nhà văn bước vào thế giới hiện thực, tiếp cận những đề tài, chủ đề mới mẻ, miêu tả và khái quát các loại tính cách xã hội. Và do đó, nhân vật văn học còn có khả năng giúp nhà văn thể hiện quan niệm nghệ thuật về thế giới và con người. Vì vậy việc tìm hiểu nhân vật không phải là liệt kê hàng loạt những chi tiết về nhân vật đó. Điều quan trọng là phân tích được, chỉ ra được dụng ý của tác giả, quan niệm tư tưởng của tác giả về cuộc sống, con người.

Không – thời gian nghệ thuật tức là không – thời gian được xây dựng trong tác phẩm nghệ thuật. Trong truyện ngắn đó là bối cảnh để nhân vật sinh sống, hoạt động. Tuy nhiên, nó không chỉ đơn thuần là cái bối cảnh sống của nhân vật mà nó còn thể hiện dụng ý nghệ thuật của nhà văn. Không – thời gian trong tác phẩm văn học chịu sự chi phối của quy luật tâm lí và ý đồ sáng tác

của tác giả. Tìm hiểu thi pháp không – thời gian nghệ thuật là tìm hiểu ý đồ nghệ thuật, quan niệm của nhà văn về cuộc sống.

Ngôn ngữ là chất liệu của tác phẩm văn học. Bởi văn học chính là nghệ thuật ngôn từ. Có ngôn ngữ mới có cốt truyện, có nhân vật, có không – thời gian nghệ thuật… Cũng từ ngôn ngữ đó mà hình thành giọng điệu của nhà văn. Viết như thế nào cho sâu sắc, cho hấp dẫn với nhà văn luôn là một thử thách. Với việc tiếp nhận thì ngôn ngữ, giọng điệu là một trong những yếu tố góp phần tạo nên vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng cho tác phẩm.

Trên đây là một số nét khái quát về thi pháp thể loại truyện ngắn. Có thể nhận thấy truyện ngắn là một thể loại văn học gần gũi với đời sống hàng ngày. Nó mang những đặc trưng rất riêng so với các thể loại khác. Tuy nhiên ở bất cứ thể loại nào cũng vậy, sự phân chia này chỉ mang tính chất tương đối để tiện cho việc tìm hiểu, nghiên cứu.

1.1.2. Bối cảnh truyện ngắn Việt Nam đương đại

Sau thành công của đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986, sự đổi mới tư duy văn học đã tạo nhiều điều kiện cho các thể loại vận động và phát triển.

Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nó thực hiện nhiệm vụ chính trị là phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu. Chính vì vậy, khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn, âm hưởng ngợi ca là những vấn đề chủ đạo chi phối đời sống văn học. Người ta đánh giá giá trị của tác phẩm thông qua nội dung phản ánh, lấy hiện thực được phản ánh trong tác phẩm làm thước đo cho sự tiến bộ của nghệ thuật. Đánh giá về giai đoạn văn học này, Nguyễn Minh Châu viết: “Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua, nền văn học cách mạng không có những cái hay, không để lại được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía cũng phải nói thật với nhau rằng: Mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá, vờn mây cho những khắc

khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn”.[20]

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

Bước ra khỏi cuộc chiến, hiện thực cuộc sống đã thay đổi, đặc biệt là dưới sự ảnh hưởng của không khí đổi mới, văn học đã thực sự được “cởi trói”. Tư tưởng tự do dân chủ đã mang đến cho văn học nước nhà một “luồng sinh khí mới”. Các nhà văn được quyền “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” [18]. Hiện thực phản ánh được mở rộng. Đó không chỉ là hiện thực cuộc chiến tranh trường kì gian khổ nhưng tất yếu thắng lợi của cả dân tộc mà nó còn là hiện thực đời sống ở mỗi cá nhân, mỗi số phận. Con người cũng được nhìn nhận đa chiều đa diện hơn. Bên cạnh âm hưởng ngợi ca thì âm hưởng phê phán những thói hư tật xấu, những khuyết tật của đời sống xã hội cũng trở nên đậm đặc. Có thể nói, sau “Lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”, nền văn học nước ta đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về số lượng và chất lượng sáng tác. Văn học giai đoạn này thực sự đã gặt hái được nhiều thành công trong việc phơi bày những góc khuất của hiện thực, nhận chân lại các giá trị lịch sử, “nói lên sự thật trần trụi, đưa ra khỏi bóng tối, phơi bày dưới mắt mọi người tất cả các mặt tiêu cực của xã hội, của đời sống đất nước sau chiến tranh, các mặt trước đây vẫn bị dồn nén lại, che dấu cẩn thận” [49]. Mỗi nhà văn bằng những trải nghiệm của mình đang dần xác lập một hệ tiêu chí mới cho văn học gắn bó với cuộc sống, với con người. Chính nhu cầu cách tân, nhu cầu tái tạo lại chính mình là khát khao thường trực của các nhà văn Việt Nam thời hiện đại. Hơn lúc nào hết họ ý thức được nhiệm vụ cao cả của mình, tự do sáng tạo theo quan điểm chính trị của riêng mình, với lập trường của nhân dân và dân tộc, khai thác cuộc sống và con người trên nhiều bình diện. Vì thế mà con người hiện lên trong văn học đương đại rất phức tạp, toàn diện, đa chiều. Nó không còn là những nhân vật lí tưởng, nguyên phiến, đơn trị, mà nó xuất hiện với tất cả những thói tật, cả rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ…

Có thể nói, văn học thời kì đổi mới đã có những khám phá tìm tòi mới khi đi vào phản ánh những ngổn ngang, bề bộn của cuộc sống con người thời hiện đại. Đó là sự chuyển đổi không chỉ về số lượng tác giả, chất lượng tác phẩm mà còn là sự chuyển đổi về tư duy nghệ thuật và cảm hứng sáng tạo. Đánh giá về văn học đương đại, một số độc giả cho rằng văn học hiện nay có cái nhìn bi quan về con người và cuộc sống bởi những mặt trái của xã hội và con người được thể hiện một cách lộ liễu trên trang giấy chứ không được chải chuốt bóng bẩy, lí tưởng hóa như trước. Nhưng trên thực tế, thể hiện những mặt trái của xã hội và con người không phải là cái nhìn bi quan mà đó là tiếng nói thẳng thắn, đầy lạc quan, hi vọng vào thiên lương, vào những mầm mống tốt đẹp ở đời. Đấy mới là điều cao cả mà văn học hướng tới. Ý thức được điều này, các nhà văn hôm nay luôn tự hoàn thiện ngòi bút của mình, nỗ lực cách tân trên mọi phương diện từ nội dung đến hình thức nghệ thuật để tạo nên những thành tựu mới đặc biệt ở thể loại văn xuôi tự sự trong đó có truyện ngắn.

Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 3

1.1.3. Một số thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại

Nằm trong mạch vận động chung của văn xuôi Việt Nam sau 1986, thể loại truyện ngắn với ưu thế đặc biệt đã đạt được những thành tựu đáng kể và ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trên văn đàn.

Đánh giá về thành tựu của truyện ngắn Việt Nam đương đại trước hết cần phải kể đến sự phát triển vượt bậc về số lượng tác phẩm và đội ngũ sáng tác. Qua một vài con số thống kê, ta có thể thấy được tốc độ phát triển của truyện ngắn. “Chỉ có ba cuộc thi truyện ngắn trên báo Văn nghệ, Hội nhà văn thành phố Hồ Chí Minh và tạp chí Văn nghệ quân đội đã tổ chức có gần 700 truyện ngắn dự thi. Nếu tính cả truyện ngắn đăng trên báo, tạp chí trong năm con số sẽ lên hàng vạn” ; “Cuộc thi truyện ngắn 2001 – 2002 do tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức có gần 2000 tác phẩm dự thi bằng số lượng truyện ngắn bốn năm 1978 – 1979, 1983 – 1984” [17]. Những thống kê đó cho thấy tiềm lực rất lớn của thể loại truyện ngắn. Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử văn học dân

tộc lại chứng kiến sự bùng nổ về số lượng tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn như ở giai đoạn văn học sau đổi mới. Từ Nguyễn Minh Châu với một loạt các tác phẩm như Cỏ lau, Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Chiếc thuyền ngoài xa, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bức tranh, Bến quê… đến Nguyễn Quang Lập với Tiếng gọi phía mặt trời lặn, Nguyễn Huy Thiệp với Tướng về hưu, Nguyễn Quang Thiều với Hai người đàn bà xóm trại, Tạ Duy Anh với Bước qua lời nguyền, Võ Thị Hảo với Biển cứu rỗi, Nguyễn Thị Thu Huệ với Hậu thiên, Y Ban với Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Phan Thị Vàng Anh với Khi người ta trẻ, Phan Hải Triều với Một tối ở quán bar… thực sự đã mang đến cho thể loại này một nguồn sinh lực tràn trề nhựa sống.

Về đội ngũ sáng tác thể loại truyện ngắn cũng khá đông đảo. Đó là cuộc chạy tiếp sức giữa ba thế hệ nhà văn, từ những cây bút đi tiên phong mở đường khai phá cho sự nghiệp đổi mới của văn học như: Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp… cho đến những nhà văn thuộc thế hệ sau đổi mới như: Phạm Thị Hoài, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Đỗ Hoàng Diệu… và thế hệ nhà văn thứ ba còn rất trẻ, được sinh ra từ những năm 70, 80 của thế kỉ trước đang nỗ lực sáng tạo những giá trị mới cho văn học. Nhiều phong cách truyện ngắn tài hoa xuất hiện với cá tính, sự sáng tạo khác nhau đã đem đến cho giai đoạn văn học này một diện mạo hết sức phong phú, mới mẻ và khác biệt.

Cùng với sự gia tăng nhiều tên tuổi mới và số lượng tác phẩm, truyện ngắn thời kì này đã mở ra nhiều hướng tìm tòi tiếp cận hiện thực đời sống. Bên cạnh việc tiếp tục đề cao những cái mới, tiến bộ, cái tốt, cái thiện, các nhà văn còn đào sâu khai thác những mặt trái của xã hội. Hiện thực cuộc sống hiện lên muôn màu muôn vẻ. Từ những mất mát của người lính trong chiến tranh đến những hận thù của dòng họ, gia tộc, sự khắc nghiệt của cái đói khát, nghèo khổ, cô đơn, niềm hân hoan hạnh phúc, xót xa cay đắng, những vấn đề thuộc về tâm linh, tiềm thức và vô thức... Bao nhiêu phức tạp của đời thường đều được

truyện ngắn phản ánh một cách chân thực. Truyện ngắn giờ đây không còn là “mũi khoan thăm dò nhỏ và nhẹ” (Nguyên Ngọc) mà đã mang sức nặng của sự khái quát. Ta có thể bắt gặp trong truyện ngắn hôm nay cái trật hẹp của cõi nhân gian rộng lớn và cái mênh mông thẳm sâu của cõi lòng nhỏ bé qua số phận của mỗi cá nhân. Các nhà văn dường như đều cảm nhận được sự đổ vỡ của những trật tự đời sống, sự đảo lộn của các thang bảng giá trị, sự mất niềm tin, bơ vơ, lạc loài, vong thân, tâm trạng hồ nghi tồn tại và tình trạng bất an của con người. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp đó là những câu chuyện về sự vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha, nhếch nhác của con người, sự bơ vơ, lạc loài của cái đẹp; Nguyễn Bình Phương lại bị ám ảnh bởi sự khủng hoảng niềm tin, sự băng hoại đạo đức và sự đổ vỡ của những trật tự đời sống xã hội và gia đình; sáng tác của Tạ Duy Anh là nỗi khắc khoải đi tìm bản ngã, tìm một giá trị thực sự nhân bản trên cái hiện thực đổ nát, điêu tàn, là sự loay hoay lí giải những nỗi đọa đày con người từ tiền kiếp…

Đáng kể nhất là sự đổi mới trên phương diện hình thức nghệ thuật. Đó là những đột phá về mặt thể loại làm nên thành công ở nhiều cây bút. Để truyền tải được hiện thực bộn bề, ngổn ngang và đầy biến động của xã hội hiện đại, các nhà văn đã không ngừng nỗ lực tìm tòi đổi mới cách viết. Các kĩ thuật viết truyện ngắn được chú trọng, cách tân như: dòng ý thức, sự thay đổi ngôi kể, điểm nhìn trần thuật, tính chất đa thanh của ngôn ngữ, tính cởi mở của cấu trúc tác phẩm, câu văn linh hoạt, đa dạng… Những chất liệu đời sống vào văn chương cũng nhiều hơn, mang theo cả cái ngổn ngang của hiện thực, cái oi nồng bụi bặm của phố phường. Ở nhiều tác phẩm giọng giễu nhại trở thành giọng chủ đạo. Hiện thực đời sống được nhìn qua lăng kính phóng đại, trào lộng. Nhà văn suy tư về những nghịch lí của đời người, những con người đời thường, cười cợt, mỉa mai, châm biếm mà cũng đầy xót xa.

Có thể nói, truyện ngắn Việt Nam sau 1986 đã thực sự khẳng định được vị thế trong các thể loại khi đáp ứng được nhu cầu của độc giả, tỏ ra là thể loại có

nhiều ưu thế trong chiếm lĩnh và phản ánh cuộc sống. Sự đổi mới trong tư duy sáng tạo và hình thức nghệ thuật đã đem lại cho truyện ngắn những mùa gặt bội thu cả về số lượng và chất lượng tác phẩm. Với những đóng góp vào thành tựu chung của nền văn xuôi đương đại, truyện ngắn đã khẳng định được vị trí và có tầm ảnh hưởng nhất đối với đời sống văn học thời kì đổi mới.

1.2.Hành trình truyện ngắn Tạ Duy Anh

1.2.1. Tạ Duy Anh – cuộc đời, sự nghiệp văn chương

Tạ Duy Anh tên thật là Tạ Viết Đãng, sinh ngày 9/9/1959 tại làng Đồng Trưa, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ngoài bút danh Tạ Duy Anh, ông còn nhiều bút danh khác: Lão Tạ, Chu Quý, Quý Anh, Bình Tâm. Ông tốt ngiệp khóa IV trường viết văn Nguyễn Du và được giữ lại trường giảng dạy bộ môn Sáng tác đến năm 2000. Ông từng làm cán bộ giám sát chất lượng bê tông tại nhà máy thủy điện Hòa Bình, làm trung sĩ bộ binh ở Lào Cai và hiện đang là biên tập viên văn học Nhà xuất bản Hội nhà văn.

Xuất hiện trên văn đàn từ thập niên 80 của thế kỉ XX, sự nghiệp văn chương của Tạ Duy Anh chưa thực sự dài so với các nhà văn cùng thời. Tuy nhiên trải qua hơn ba mươi năm cầm bút, ông đã cho ra đời sáu tiểu thuyết, hàng chục tập truyện ngắn, tản văn và truyện thiếu nhi. Trong đó có không ít các tác phẩm làm độc giả phải giật mình, gây “sốt” trong dư luận. Điều đó chứng tỏ sức lao động bền bỉ của một cây bút giàu nhiệt huyết và đam mê.

Vốn là một cậu bé “cơ thể còi cọc, mặt mũi đen đủi, xấu xí”, sinh ra ở một “làng quê hẻo lánh, thấm đẫm không khí thù hận”, Tạ Duy Anh không được chuẩn bị những điều kiện thuận lợi để trở thành nhà văn. Ông đã từng tâm sự: “Tôi không được chuẩn bị mảy may để trở thành nhà văn. Trừ cụ nội bốn đời của tôi có ít chữ nghĩa nhưng lánh tục, còn lại tôi không được thừa hưởng truyền thống văn chương như mọi người thường hỏi tôi về điều đó. Thậm chí tôi còn được thừa hưởng cái không ai muốn ấy là sự thất học” [12, tr.171].

Những dòng tâm sự có phần xót xa ấy rõ ràng một nỗi ám ảnh lớn đối với nhà văn. Không có may mắn thừa hưởng truyền thống văn chương từ gia đình nhưng dường như từ nhỏ Tạ Duy Anh đã có duyên với văn học. Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông nói đùa: “Ngẫm lại thấy có duyên với nhà văn từ bé, từ nhỏ tôi đã nhớ rất dai, đã thích phụ nữ, đã yêu rồi” [65]. Trong cuốn Tạ Duy Anh, Nhân vật – tác phẩm chọn lọc, ông cũng chia sẻ: “Bi kịch lớn nhất đời tôi là sự chối bỏ, từ trong ý thức sâu thẳm vùng đất mình sinh ra và lớn lên. Tôi chạy trốn nó như chạy trốn cái chết thường khiến tôi cô đơn ngay từ buổi chưa đi học”[12]. Như vậy, có thể thấy nỗi ám ảnh suốt tuổi thơ của Tạ Duy Anh là sự cô đơn, cô độc. Trong tâm trạng đó, ông đã tìm đến với những cuộc đối thoại tưởng tưởng với một cô bạn gái để hờn dỗi, sẻ chia: “Đó là cuộc đối thoại được nối với nhau bằng những sợi tơ ngũ sắc, toàn những lời có cánh, thấm đẫm niềm say mê và tinh thần xả thân. Đó là sự hiến mình của tôi cho cái mà sau này, tôi ý thức rất rõ ràng nó là văn chương nghệ thuật. Giống như dâng tặng tình yêu, tôi không hề băn khoăn, không hề để lại mảy may cho riêng mình như một sự phòng xa nào đó. Tôi kí thác một lần trọn vẹn và chung thân cho niềm đam mê cái đẹp” [12, tr.5]. Có lẽ ít ai ngờ rằng, chính những cuộc đối thoại vô thức đó đã mở ra cánh cửa để Tạ Duy Anh đến với văn chương nghệ thuật và trở thành một nhà văn tên tuổi.

Bước vào làng văn, Tạ Duy Anh luôn có ý thức tự giác về trách nhiệm và sứ mệnh của người cầm bút. Trong các cuộc trả lời phỏng vấn, ông đã khẳng định sự nghiêm túc, tỉnh táo và trách nhiệm của mình với nghề: “Khi viết, dù là bài báo, tôi cũng chú ý từng chữ một. Bất cứ sự buông thả nào đều phải trả giá” [14]. Ông luôn tâm niệm: “Tôi đứng ở giữa thời cuộc này để làm được điều gì đó cho những người xung quanh” [65]. Với Tạ Duy Anh, văn chương không phải là một thứ danh vọng mà nó thực sự là lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút. Ông viết “để cho cái ác không biến mất thì cũng vì những trang viết của tôi mà mỗi ngày ít đi một chút, một chút như những hạt bụi”

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 27/10/2023