[35]. Chính vì vậy, trong suốt hơn ba mươi năm cầm bút, Tạ Duy Anh không lúc nào thôi trăn trở về sự “thay đổi”. Bắt đầu từ thay đổi nghề, thay đổi cách sống, đến thay đổi cách nghĩ, thay đổi lối viết, văn phong… Tạ Duy Anh đã thực hiện một cuộc thay đổi về mặt bút pháp và tư tưởng. Hành trình nghệ thuật của ông là các chặng đường sáng tạo: “Với tôi, mỗi cuốn sách chưa viết đều là một chặng đường mới và khi viết xong rồi thì chặng đường đó đã ở lại phía sau” [46]. Và cứ sau mỗi tác phẩm trình làng, nhà văn lại nhân thêm “hi vọng mình làm thay đổi được điều gì đó theo chiều hướng tốt lên” [69]. Có lẽ chính vì vậy mà ông luôn có đủ sự bình tĩnh trước những sóng gió của dư luận. Vượt lên tất cả những luồng ý kiến khen chê, những sự bài xích, thậm chí bị cấm xuất bản, Tạ Duy Anh vẫn lặng lẽ sáng tác, cần mẫn trên cánh đồng chữ nghĩa để cho ra đời những tác phẩm thực sự có giá trị.
Là người khơi mở “dòng văn học bước qua lời nguyền”, Tạ Duy Anh đã gắt hái được thành công trên nhiều thể loại. Bên cạnh truyện ngắn thì tiểu thuyết là sự khẳng định chắc chắc tên tuổi của Tạ Duy Anh trên văn đàn. Năm 1992, tiểu thuyết Lão Khổ ra đời được giới nghiên cứu phê bình đánh giá là một bước tiến dài của Tạ Duy Anh trên hành trình sáng tạo nghệ thuật. Hoàng Ngọc Hiến trong một bài bình luận đăng trên Tạp chí văn học số 4/1992 đã khẳng định: “Tạ Duy Anh Bước qua lời nguyền để đi đến Lão Khổ. Đây là một cuốn tiểu thuyết rất quan trọng … thêm một giả thuyết văn học về bản chất và thân phận người nông dân”.
Không tự thỏa mãn với chính mình, đầu năm 2002 Tạ Duy Anh lại làm cho dư luận bùng lên ồn ào xoay quanh tiểu thuyết Đi tìm nhân vật. Tác phẩm đã cho ta thấy “một Tạ Duy Anh khác nhiều so với Tạ Duy Anh của “Bước qua lời nguyền” hay “Lão Khổ”. Nhà văn đã đạt đến lối viết đa âm hiện đại, từ cách đặt vấn đề đầu tiên đến cấu trúc tiểu thuyết, phong cách ngôn ngữ… đều khá lạ lẫm với những gì chúng ta được biết về dòng tiểu thuyết non trẻ Việt Nam. Tuy nhiên cuốn sách sau khi ra đời đã bị thu hồi bởi những hàm ngôn ẩn dụ, những
truyện cổ tích dùng làm vĩ thanh không thuyết phục được nhãn quan tuyên huấn mặc dù được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao. Song cũng chính điều đó lại kích thích sự tò mò của độc giả, càng bị cấm nó lại càng được tìm đọc nhiều hơn.
Cuối năm 2004, nhà văn tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết Thiên thần sám hối ghi nhận những nỗ lực không mệt mỏi của tác giả trong việc tìm kiếm những giá trị mới cho văn học. Tác phẩm là sự thể nghiệm lối viết hoàn toàn mới từ việc sáng tạo nhân vật người kể truyện (bào thai) đến lối dẫn truyện, cách thức kết cấu… đều thể hiện rõ tinh thần cách tân ở tiểu thuyết hiện đại. Những yếu tố phi lí, hoài nghi, tra vấn là nét riêng của tác phẩm, để lại nhiều ám ảnh trong lòng người đọc.
Tác phẩm gần đây nhất Giã biệt bóng tối (2008) cũng là một hiện tượng văn học gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hầu hết các nhà nghiên cứu đều khẳng định tác phẩm đã đạt đến độ chín ở sự “làm mới” trên nhiều phương diện như: quan niệm nghệ thuật về con người, nghệ thuật xây dựng nhân vật, điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu…
Có thể nói, với những nỗ lực của Tạ Duy Anh ở nhiều thể loại, văn nghiệp của ông thực sự góp phần không nhỏ làm phong phú nền văn học Việt Nam sau đổi mới.
1.2.2. Tạ Duy Anh với thể loại truyện ngắn
Không chỉ thành công ở thể loại tiểu thuyết mà Tạ Duy Anh còn khẳng định mình ở thể loại truyện ngắn. Người đọc biết đến bút danh Tạ Duy Anh cũng chính từ thể loại này.
Năm 1980, Tạ Duy Anh bắt đầu hành trình sáng tạo nghệ thuật với truyện ngắn đầu tay “Để hiểu một con người” in trên báo Lao động. Tuy nhiên tác phẩm này chưa để lại ấn tượng với độc giả. Không nản lòng, ông tiếp tục viết truyện Viết ở công trường và Nắng sông Đà nhưng cũng không gây được sự chú ý. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt khiến ông trở thành nhà văn chuyên nghiệp
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 1
- Truyện ngắn Tạ Duy Anh nhìn từ thi pháp thể loại - 2
- Một Số Thành Tựu Của Truyện Ngắn Việt Nam Đương Đại
- Sự Đổi Mới Quan Niệm Nghệ Thuật Về Con Người Trong Văn Học Sau Năm 1975
- Nhân Vật Mang Bi Kịch Của Sự Tha Hóa
- Nhân Vật Đối Diện Với Những Ẩn Số Về Thời Thế Và Nhân Thế
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
là việc ông trở thành học viên khóa IV trường Viết văn Nguyễn Du. Chính ở nơi đây, những bài học lí luận về sáng tác được thu nhận đã giúp ông có định hướng sáng tác mới. Ông bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về quê hương mình, về những kí ức ở làng Đồng. Ông nghiệm ra rằng: “Chính là làng tôi, làng Đồng Trưa của tôi, đây là đất nước thu nhỏ, vũ trụ thu nhỏ, làng ấy, đất nước ấy, vũ trụ ấy, là nơi tôi sinh ra, tôi khám phá, tôi viết, đủ cho tôi viết đến hết đời” [65]. Quá trình bừng ngộ đó đã giúp ông bắt tay sáng tác truyện ngắn Lũ vịt trời và Bước qua lời nguyền gây được tiếng vang lớn. Tác phẩm đã đoạt giải trong cuộc thi viết về nông thôn do tuần báo Văn nghệ, báo Nông nghiệp Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam phối hợp tổ chức năm 1989. Riêng truyện ngắn Bước qua lời nguyền còn đánh dấu tên tuổi của Tạ Duy Anh trên văn đàn. Tác phẩm đã được Hoàng Ngọc Hiến dùng làm tên gọi cho một dòng văn học mới – dòng văn học “bước qua lời nguyền”. Nó đánh dấu một bước ngoặt trong hành trình sáng tác của Tạ Duy Anh. Khi nhận xét về đặc điểm truyện ngắn thời kì đổi mới, nhà văn Nguyên Ngọc có viết: “Đặc điểm nổi bật lần này là cầm cái truyện ngắn trong tay có thể cảm thấy cái dung lượng của nó nặng trĩu, có những truyện ngắn chỉ mươi trang thôi, mà sức nặng có vẻ còn hơn cả một cuốn tiểu thuyết trường thiên”. Và nhà văn đã lấy tác phẩm Bước qua lời nguyền để làm minh chứng cho luận điểm của mình: “Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh gói gọn trong mươi trang cả một cuộc đời, một kiếp người, mấy kiếp người, vừa là tác giả, vừa là nạn nhân của những bi kịch xã hội đằng đẵng một thời” [48]. Nhận định này cho thấy được sức khái quát cao độ cũng như những giá trị của truyện ngắn Tạ Duy Anh. Bước qua lời nguyền đã đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp của nhà văn nói riêng và cũng là thành công của nền văn học mới nói chung.
Sau thành công của Bước qua lời nguyền, một số người đã tưởng Tạ Duy Anh sẽ “ngủ quên trên vinh quang”, sẽ cũng trở thành “nhà văn một tác phẩm” như nhiều cây bút trẻ triển vọng khác. Nhưng vốn mang trong mình khát vọng
thay đổi, khát vọng sáng tạo mãnh liệt, Lão Tạ đã “bước qua lời nguyền” của chính mình để tiếp tục cống hiến cho độc giả nhiều tập truyện ngắn với nội dung phong phú và những cách tân nghệ thuật độc đáo, mới lạ. Có thể kể đến như: Gã và nàng (2000), Những truyện không phải trong mơ (2002), Truyện ngắn chọn lọc Tạ Duy Anh (2003), Ba đào kí (2004), Bố cục hoàn hảo (2004), Người khác (2007), Lãng du (2011)…
Với khát vọng “phá bỏ thị hiếu thông thường của người đọc” và tinh thần sẵn sàng “chấp nhận sự bài xích, thậm chí nguyền rủa để tạo ra một cảm nhận khác, một tư duy khác” [15], con đường nghệ thuật của Tạ Duy Anh chắc hẳn sẽ còn đi xa hơn nữa.
1.3.Vị trí của truyện ngắn Tạ Duy Anh trong truyện ngắn Việt Nam đương đại
Trong văn chương nghệ thuật, nhà văn cần phải tự khẳng định sự tồn tại của mình bằng một lối viết riêng, một sự sáng tạo riêng. Nhà văn Nam Cao trong một truyện ngắn của mình đã đề xuất quan điểm về sự khổ công sáng tạo của người nghệ sĩ: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Đời thừa).
Tạ Duy Anh xuất hiện trên văn đàn khi những đột phá về nhận thức xã hội, quan niệm văn chương, sự đổi mới lối viết, các thể nghiệm hình thức trần thuật không còn quá lạ lẫm. Đó dường như là một thuận lợi nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nhà văn. Trong bối cảnh chung của công cuộc đổi mới, Tạ Duy Anh không được phép lặp lại lối mòn của người đi trước và càng không được lặp lại chính mình. Chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, bản lĩnh và tài năng của ông càng được bộc lộ rõ nét hơn. Ông liên tiếp cho ra đời những tác phẩm gây chấn động dư luận, tạo nên nhiều tranh cãi khen – chê. Và thực sự khi nói đến văn chương sau đổi mới, người ta không thể không nhắc
đến Tạ Duy Anh như một hiện tượng văn học đã có những thể nghiệm tìm tòi, làm đảo lộn các kinh nghiệm cũ, thay đổi lối nhìn đơn giản xuôi chiều quen thuộc và làm thức dậy nhu cầu nhận thức, tự nhận thức những vấn đề của hiện tại và quá khứ.
Cho đến nay, Tạ Duy Anh đã thực hiện cuộc hành trình nghệ thuật dài hơn ba mươi năm. Tương ứng với khoảng thời gian đó là hành trình đầy biến động trong tâm hồn người Việt. Cùng với các nhà văn Việt Nam đương đại, Tạ Duy Anh đã cố gắng phản ánh vào trong các sáng tác của mình đời sống đương đại với nhiều bi kịch nhức nhối mà nhiều người gọi đó là cuộc khủng hoảng tinh thần của con người hiện đại. Con người hôm nay đang bị “sốc”, đang cần tìm lối thoát trước cuộc đời vốn dĩ đa đoan, đa sự. Cái cô đơn, tuyệt vọng và cả sự rách nát trong tâm hồn con người là hiện thực có thật trong đời sống tinh thần con người. Do đó, việc từ bỏ lối nhìn đơn giản, dễ dãi, xuôi chiều về hiện thực và con người đã trở thành một hướng tiếp cận mới mà văn học hướng tới. Trong các sáng tác của mình, Tạ Duy Anh đã ngày càng đi sâu tìm hiểu những góc khuất của hiện thực, đào sâu vào những vực thẳm tội lỗi, tìm hiểu những biến thể của tội ác, lí giải cái ác để người ta ghê sợ. Hiện thực cuộc sống và con người được phản ánh trong những sáng tác của ông luôn đem đến cho người đọc những cảm giác phức tạp: vừa đau đớn, xót xa, vừa nghẹn ngào, thương cảm… Những cảm giác đó chứng tỏ các tác phẩm của Tạ Duy Anh đã áp rất sát đời sống, xông thẳng vào các “mắt bão” của cuộc đời và nêu ra được những vấn đề nhức nhối với con người thông qua những số phận có tính bi kịch.
Hơn ba mươi năm cầm bút, với hàng chục tập truyện ngắn đã xuất bản, Tạ Duy Anh đã kịp chứng tỏ là một cây bút đầy bản lĩnh, nhiều tâm huyết với nghề và có khả năng nắm bắt đời sống một cách tinh tế. Lũ vịt trời và Bước qua lời nguyền là những truyện ngắn tiêu biểu về đời sống làng quê Việt Nam với những thăng trầm của nó. Qua tác phẩm, Tạ Duy Anh đã cung cấp một cái nhìn mới về đề tài nông thôn Việt Nam những năm sau cải cách ruộng đất. Không
còn nhìn về nông thôn với những cảnh điền viên trống rong cờ mở, nông thôn hiện lên trong các sáng tác của Tạ Duy Anh với đầy những khổ đau, tăm tối, thù hận. Ở đó không thiếu những điều xấu xa, tồi tệ, vừa khóc vừa cười, vừa đau lòng, vừa đáng thương… Viết về đề tài nông thôn, nhà văn tập trung xoáy sâu tìm hiểu những hạn chế, sai lầm của lịch sử, của thời đại để phơi bày trên trang giấy những thực trạng đau lòng khiến người ta bừng tỉnh. Dưới ngòi bút của ông cuộc sống của những người nông dân trong thời đại làm chủ rồi mà vẫn còn chịu biết bao khổ cực, ngang trái. Họ không thoát khỏi những ràng buộc, o ép từ chính những người của làng mình, những cán bộ nhân danh Đảng và công lí, rồi những thiết chế cũ, những định kiến cổ hủ lạc hậu của một thời vẫn xiết chặt họ trong vòng vây của sự u mê, ngu muội. Chỉ qua một vài lát cắt về số phận của những người nông dân, Tạ Duy Anh đã làm tái hiện lại một không khí tù túng, ngột ngạt của những năm tháng làng quê luôn sôi sục, nhức nhối bởi các vụ quy kết, các cuộc đấu tố triền miên, thói quan liêu, hống hách, ở đó trắng đen lẫn lộn, công lý tồn tại trong tay những kẻ chuyên quyền, xuyên tạc… Cùng với Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng… các tác phẩm của Tạ Duy Anh đã góp phần hoàn thiện thêm bức tranh hiện thực về làng quê Việt Nam những năm sau cải cách ruộng đất.
Bên cạnh những nỗ lực đổi mới trong cách nhìn về hiện thực và con người, Tạ Duy Anh cũng đã khẳng định được mình trong những thể nghiệm táo bạo về hình thức nghệ thuật. Ông luôn quan niệm: “Sáng tác đồng nghĩa với việc tìm tòi kĩ thuật viết… Kĩ thuật viết xét cho đến cùng là sự nỗ lực tạo ra hình thức và hiệu quả cao nhất cho tác phẩm” . Từ Bước qua lời nguyền đến Lão Khổ, rồi từ Lão Khổ đến Đi Tìm nhân vật, Thiên thần sám hối, Giã biệt bóng tối… là những cố gắng liên tục của Tạ Duy Anh để ngày càng làm mới mình ráo riết hơn. Sử dụng cấu trúc phân mảnh, lắp ghép, hiện tượng phân rã cốt truyện, kết cấu theo dòng ý thức, ngôn ngữ dung tục, đời thường…. đều là những đóng góp của Tạ Duy Anh cho phong trào văn học thời kì đổi mới.
Trong suốt hành trình sáng tạo nghệ thuật của mình, Tạ Duy Anh vẫn tự nhận mình đứng ở một vị trí khiêm nhường: “Tôi chỉ nói những điều chẳng có gì mới”, nhưng thực chất đó là cả một hành trình lao động nghệ thuật nghiêm túc để kiếm tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng độc giả.
Từ những đóng góp của Tạ Duy Anh trong nền văn học đương đại, có thể khẳng định rằng ông là tác giả tạo nên được nét phong cách riêng trong sáng tạo nghệ thuật và luôn làm mới thế giới nghệ thuật của mình. Trong hành trình truyện ngắn đương đại Việt Nam, Tạ Duy Anh là một hiện tượng văn học, một dòng riêng giữa muôn dòng chung đang đổ về biển khơi của văn chương nghệ thuật.
Chương 2
TỪ QUAN NIỆM NGHỆ THUẬT VỀ CON NGƯỜI
ĐẾN THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN TẠ DUY ANH
2.1. Quan niệm nghệ thuật về con người của Tạ Duy Anh
2.1.1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học
M.Gorki từng nói: “Văn học là nhân học”. Trong nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, con người là trung tâm của sự phản ánh và thể hiện. Mỗi nhà văn khi sáng tạo ra hình tượng nghệ thuật đều nhằm mục đích thể hiện quan niệm của mình về cuộc sống và con người. Chính vì vậy khi đánh giá thành tựu của một nền văn học hay một xu hướng, một tác giả, một giai đoạn văn học, chúng ta không thể không quan tâm đến quan niệm nghệ thuật về con người của nền văn học ấy.
Theo Trần Đình Sử: “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lí giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con người đã hóa thân thành các phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị thẩm mĩ cho các hình tượng văn học” [56, tr. 43]. Ông cũng xác định thêm rằng, không phải bất cứ cách cắt nghĩa, lí giải nào về con người cũng là quan niệm nghệ thuật về con người, mà chỉ là những cắt nghĩa có tính phổ quát tột cùng, mang ý vị triết học, thể hiện cái giới hạn tối đa trong việc miêu tả con người.
Các tác giả cuốn Từ điển thuật ngữ văn học định nghĩa: “Quan niệm nghệ thuật là hình thức bên trong của sự chiếm lĩnh đời sống, là hệ quy chiếu ẩn chìm trong hình thức nghệ thuật, nó gắn với các phạm trù phương pháp sáng tác, phong cách nghệ thuật, làm thành thước đo của hình thức văn học và là cơ sở của tư duy nghệ thuật” [29, tr. 275].
Như vậy, quan niệm nghệ thuật về con người là nguyên tắc cảm nhận thẩm mĩ về con người, nằm trong cách miêu tả, thể hiện của tác giả qua tác phẩm. Nói cách khác, quan niệm nghệ thuật về con người là cách cắt nghĩa,