Mường Min (Tú Lệ), Than Uyên, Dương Quỳ, Văn Bàn ven sông Hồng. Sau con út của Tạo Lò là Lạng Chượng cầm quân đánh thắng dần các bộ tộc Nam Á, từ Nghĩa Lộ qua Sơn La và tới Điện Biên. Tuy được sự giúp đỡ của triều đình Việt Nam và các nhóm người Thái đã ở Tây Bắc từ trước nhưng Lạng Chượng chật vật lắm mới đánh bại được các tù trưởng các dân tộc Nam Á ở miền Sơn La” [47, tr.59].
Trong số những truyện kể địa danh Thái, có lẽ truyện về Lạng Chượng là truyền thuyết xa xưa nhất. “Lạng Chượng là con út Tạo Lò (chủ đất Mường Lò). Đến khi trưởng thành, các anh em đều được chia đất cả, riêng Tạo thì không, vì vậy Tạo xưng chúa và sang Lào học võ nghệ. Ở Lào tám năm Lạng Chượng trở về Mường Lò chiêu binh mộ tướng đánh miền Sơn La, Lai Châu ngày nay. Quân lính được luyện tập rất công phu. Họ bắn tên rất giỏi, phát tên nào cũng trúng giữa lưỡi dao và tên bị chẻ ra thành hai phần đều nhau. Quần áo binh lính của Lạng Chượng màu sắc rất sặc sỡ. Riêng Lạng Chượng mặc áo như con công, khi ra bãi tập tành thường bắt chước công múa để đường kiếm được dẻo”. Quá trình Tạo dẫn quân đi đánh chiếm các vùng Sơn La, Lai Châu thực gian nan. Để chiếm được Mường Thanh tạo đã phải nếm nhiều thất bại và sau cùng phải dùng kế giết chết Ăm Poi, người tù trưởng tài giỏi của người Xá và cũng là bố vợ mình để giành lấy địa vị và phải chịu một cái chết thảm khốc.
Ngoài việc phản ánh lịch sử, mẩu truyền thuyết về Lạng Chượng còn cho thấy tình cảm, thái độ của tác giả dân gian đối với vị thủ lĩnh của mình. Một mặt, mưu mô của Lạng Chượng để giành lấy ngôi vị đã không được nhân dân đồng tình. Chi tiết “ít lâu sau, con trai Lạng Chượng không ốm đau gì mà chết”, lời Tạo khóc con cùng cái chết bi thương của ông thể hiện quan niệm ở ác gặp ác của tác giả dân gian. Mặt khác, sự tài giỏi và công lao của Lạng Chượng vẫn được nhân dân ghi nhớ và tôn kính. Bên cạnh những miêu tả về sự đẹp đẽ, tài ba
của ông, nhân dân còn thể hiện tình cảm qua việc địa danh hóa những địa điểm liên quan đến cuộc đời lừng lẫy và cái chết bi thảm của Lạng Chượng (như đồi Pom Loi, đồi Pom Ca...). Những điều trên cũng cho thấy sự thẳng thắn, công bằng, yêu ghét rất rạch ròi trong quan niệm của tác giả dân gian Thái.
Quá trình người Thái đến định cư trên đất Việt Nam là một quá trình rất lâu dài. Trải qua nhiều đợt thiên di, người Thái từ hai trung tâm Mường Lò, Mường Thanh tràn đi khắp nơi, sang cả đất Lào và ngược trở lại vùng Vân Nam (Trung Quốc) [2]. Trong suốt nhiều thế kỷ, dòng người di cư từ Lào và các lãnh thổ khác của người Thái tới Việt Nam cũng chưa bao giờ dứt. Quá trình thiên di và mở rộng lãnh thổ theo nhiều hướng như vậy được phản ánh trong nhiều truyền thuyết. Truyện Sự tích Mường Sang, Sự tích Mường Mùn, Nguồn gốc tên gọi Mường Lay, Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca kể về những vị thủ lĩnh như Pha Nha Nhọt Chom Cằm, Tạo Lang Bôn, nàng Ăm Ca... là những người có công lớn đối với cộng đồng người Thái vùng Mộc Châu, Mường La (Sơn La) và Hòa Bình ngày nay. Nội dung mỗi câu chuyện kể lại quá trình những vị thủ lĩnh đưa đoàn người đi chiếm vùng đất mới. Vì người Thái đến định cư ở nước ta khá muộn nên hầu hết đất đai đã là nơi định cư của các tộc người khác như người Lự, người Kháng... muốn có đất ở, người Thái buộc phải trở thành những kẻ đi chiếm đất.
Sự tích Mường Sang kể lại quá trình Pha Nha Nhọt Chom Cằm chiếm đất Mộc Châu. Khi đó “đất Mường Sang đã có chủ rồi. Dòng tộc này được người Thái gọi là “Xá lếm, Xá lé” (chi nhánh của người Khơ Mú). Pha Nha Nhọt Chom Cằm đến sau cũng đòi ở nơi này nên đã xảy ra tranh chấp giữa hai bên. Cuối cùng họ thống nhất sẽ thi bắn tên, bên nào bắn được mũi tên vào vách đá sẽ thắng cuộc. Cuộc thi được diễn ra vào buổi trưa, khi trời đã nắng to. Người Xá dùng cây nỏ cứng và mũi tên bằng đồng bắn cả ba phát đều không cắm được
mũi tên vào vách núi. Đến lượt người Thái, họ dùng nỏ cánh cung bằng tre với mũi tên tre có bịt sáp ong. Khi mũi tên chạm vào vách núi thì sáp ong cũng chảy ra khiến cả ba lần tên đều dính vào vách đá. Vậy là người Thái thắng cuộc. Nhưng người Xá đã sống lâu đời ở đất này nên không muốn dời đi, họ không chịu và đòi cả hai bên làm lễ cúng ma mường, để ma mường phán xem ai được làm chủ đất. Biết vậy Pha Nha Nhọt Chom Cằm bèn bố trí cho tướng Khăm Phông “áp nắm phấng” (tắm mật ong) và tẩm bông trắng lên khắp người giả làm “ma mường” rồi trèo lên nấp sẵn trên vách đá. Khi hai bên bắt đầu làm lễ cúng thì “ma mường” liền “hiện ra” và phán rằng: “Đất này người Thái ở mới phát, người Xá ở sẽ chết”. Thế là phía “Xá liếm, Xá le” đành phải bỏ đi nơi khác còn người Thái ở lại nơi này.
Có thể bạn quan tâm!
- Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái Ở Việt Nam
- Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái – Thể Loại Thần Thoại
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 6
- Nội Dung Phản Ánh Các Vấn Đề Xã Hội
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Những Truyền Thuyết Mang Nội Dung Phản Ánh Lịch Sử
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Pha Nha Nhọt Chom Cằm được lên làm Chẩu Mường đất Mường Sang mới đặt tên cho ngọn núi là “pom phả Khí Xút” (vách núi Sáp Ong) và chia con cháu đi bản dưới, mường trên làm chủ bản, chủ mường. Các con cháu, mỗi người đều được chia một cây mác đồng, số còn lại đều được đem đúc thành tượng đồng đặt tại chùa Bản Vặt. Pha Nha Nhọt Chom Cằm chính là ông tổ của họ Sa trị vì đất Mường Sang từ xa xưa.”
Câu chuyện lập mưu chiếm đất của Pha Nha Nhọt Chom Cằm được lặp lại trong Sự tích Mường Mùn khi tạo Lang Bôn dẫn người Thái đến chiếm Mường Mùn (Mai Châu – Hòa Bình ngày nay). Mưu kế của các vị thủ lĩnh thực ra là sự tiếp thu cách thức mà tổ tiên người Thái đã dùng từ thuở xa xưa (được phản ánh trong thần thoại), khi mà họ “nhờ” các vị thần phân định ranh giới đất đai, làng bản của mình. Chỉ khác là cánh rừng thiêng hay vách núi đá - những “chứng tích” về cuộc thi tài giữa các tộc người – được người Thái ở mỗi vùng ghi nhớ ở những địa điểm khác nhau. Điều này một mặt thể hiện ý thức sở hữu, ý thức chủ quyền của người Thái với vùng lãnh thổ của mình, mặt khác phản ánh thực tế về
nhu cầu địa phương hóa và hiện thực hóa các truyện kể dân gian. Người ta cố gắng tin rằng câu chuyện là có thực, đồng thời làm tăng sức thuyết phục bằng cách gắn những sự kiện diễn ra trong đó với những địa danh cụ thể (trong khi hiện thực có thể không hoàn toàn như vậy).
Truyền thuyết đi mở đất còn ghi nhận một thực tế khác. Đó là sự khó nhọc của công cuộc khai phá, mở mang vùng đất mới để xây dựng bản mường cũng như sự kiên trì, nhẫn nại và đức tính thông minh của người Thái. Tập Quám tố mướng (Kể chuyện bản mường) còn ghi lại: “chúa Cầm Cong dựng nhà ở bản Giảng nên gọi là Viêng Giảng. Chúa lấy nàng Ngần Đăm ở Chiềng Khừa con tạo Ten sinh ra nàng Cầm Ăm Ca. (...) Nàng cưới Tóng Đón và xin phép vua cha cho đi vỡ đất, xây dựng bản mường (...) Khi cùng chồng thay cha lãnh dạo nhân dân khai phá vùng Văng Môn, nàng đã có công trong việc hô hào nhân dân khai phá vùng bùn lầy nước đọng xưa thành nơi bản mường đông đúc. Để kỷ niệm việc làm trên, nàng đặt tên mường mới xây dựng chỗ Văng Môn là Vằng hay Bằng tức là vũng nước. Nay vẫn gọi chỗ này là xã Mường Bằng” [47, tr.193]. Mặc dù Quám tố mướng không phải là một cuốn sách lịch sử theo tiêu chuẩn chính thống nhưng cho đến nay nó trở thành một nguồn tư liệu vô cùng quý giá, có thể tin cậy được và hầu như không có nghiên cứu nào về lịch sử, văn hóa Thái không tìm đến. Tương ứng với những điều ghi trong lịch sử, truyền thuyết Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca kể về quá trình người Thái đến khai phá Mường Bằng. Truyện kể rằng, khi đoàn người mới đến “ Người thưa, bản nhỏ vì ít ruộng. Một số dân muốn theo vì thiếu ruộng tạm quay trở lại. Tạo, nàng cùng dân phát lau sậy thành ruộng, vỡ vạc đồi thành nương. Ruộng ít, rẫy nhỏ, lại thiếu nước...”. Những dấu tích của bản làng được kể lại trong truyện cho thấy nơi đây vốn đã có người ở, nhưng có lẽ điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt, ruộng ít, nước thiếu nên họ đã bỏ đi. Không chịu khuất phục, những người thủ
lĩnh Thái đã cùng nhân dân khai mương, đắp phai, làm guồng đưa nước, dẫn thủy nhập điền, biến những vùng đất hoang thành bản làng trù phú. Câu chuyện thần thuồng luồng giúp dân Mường Bằng làm phai làm đập để khai khẩn rộng nương chính là sự phản ánh công cuộc khai phá vùng đất mới. “Có ruộng dân mới tụ về theo đông. Hai vợ chồng liền mổ trâu cúng thần thuồng luồng, thần núi, thần đất, thần thập phương xin giúp để khai khẩn ruộng vườn. Số là khi trước dân chưa tới ở, có một gia đình mẹ goá con côi lấy cây tre ngăn nước làm phai. Đang làm có một người mặc áo xanh từ dưới nước hiện lên hứa giúp đỡ, chỉ đòi mỗi năm cho ăn một trâu. Hai mẹ con xin dâng lợn vì quá nghèo. Trời bỗng nổi cơn mưa sấm sét ùng ùng. Người áo xanh biến mất. Dân làng sợ không dám làm tiếp. Vì vậy phai nhỏ, được ít nước, ít ruộng.
Thuồng luồng nhận làm phai giúp Tạo, giúp nàng nếu được ăn trâu hàng năm. Tạo ưng, bày cỗ trâu ở thác phai lớn cúng. Nhưng vì còn nghèo họ chỉ mổ được con nghé. Thương tình, thần thuồng luồng cũng nhận. Trời đang nắng to, bỗng tối sầm lại sấm chớp đùng đùng. Nhiều con thuồng luồng màu xanh màu đỏ nhô lên nhô xuống trong vực, theo sau vua thuồng luồng. Thần đến báo Tóng Đón, Ăm Ca tìm chỗ đắp phai, ưng đâu cắm mốc đánh dấu cho rõ và dặn, nếu trời long, đất lở, bão táp, mưa rơi, đó là việc trời. Tạo, nàng và dân chúng đừng lo sợ, đừng kêu la, than khóc nếu không việc sẽ không xong...”. Thấy mưa to gió lớn, dân sợ hãi kêu khóc. Thần thuồng luồng sợ Then phạt tội nên không dám giúp nữa, thế là dân phải tự bỏ sức mình làm đập làm phai. “Thần nói: dân phải tự làm thôi, gắng làm phai lớn cho vững, cho bền. Chỗ ghềnh thần làm dở, hãy xếp nhiều cây thay vào đấy, đan liếp dài rải xuống cho kín mặt phai, rồi đổ đất cát phủ lên cho phai to, phai lớn, nước sẽ dâng cao tràn vào mương ra ruộng. Bây giờ nước chảy chưa nhiều, ít lâu sau mùa mưa đến, nước dâng lên ào ào
chảy vào cửa mương, lúc đó dân theo mương khai phá quyết được cánh đồng to lớn.”
Sự khắc nghiệt của thiên nhiên, gió bão; hiện thực về công cuộc lao động bền bỉ, sáng tạo để đưa được nước vào ruộng vào nương; sự vất vả, cực nhọc; sức kiên trì và ý chí quyết tâm xây dựng bản mường... được thể hiện rất rõ trong truyện. Theo lời kể của tác giả dân gian, con người nơi đây đã phải trải qua ít nhất ba lần cải tạo thiên nhiên để biến một vùng ruộng ít, phai nhỏ, đất đai khô cằn thành bản làng trù phú, dân mường đông đúc, ấm no. Công cuộc chinh phục và cải tạo thiên nhiên còn được đề cập đến trong nhiều truyền thuyết khác. Truyện Chiềng Sại, Mường Ký, Mường Mùn... đều ít nhiều phản ánh những gian nan, đồng thời khẳng định, ngợi ca sức lao động và ý chí kiên cường của người Thái trong buổi đi mở đất.
Một yếu tố khá đặc biệt trong những truyền thuyết xung quanh các cuộc tìm và chiếm đất, đó là hầu như sau mỗi sự kiện, mỗi diễn biến của câu chuyện đều có một địa điểm, một bản làng hoặc một sự vật (núi, đồi, sông, suối...) nào đó được định danh. Đoàn người của Pha Nha Nhọt Chom Cằm đến Mường Sang phải đi qua khu vực bản Chiềng Đi (thuộc thị trấn Thảo Nguyên, Mộc Châu, Sơn La ngày nay). Đây vốn là nơi có địa hình cao nhất trên thảo nguyên Châu Mộc, nhìn ra xung quanh thấy một bên là thảo nguyên bát ngát, cỏ cây tươi đẹp, một bên là thung lũng màu mỡ, suối sâu cá nhiều, hòn đá thần liền reo lên “chiêng đị!” (tiếng Thái có nghĩa là đây rồi), Pha Nha liền đặt tên cho bản là Chiềng Đi (đọc chệch của chiêng đị) từ đó. Cũng như thế, khi đoàn quân của người Thái đến Mường Lay, nơi đây đã là đất của người Kháng. “Chúa Thái lập mẹo buộc sáp ong vào đuôi hàng trăn con dê, đốt lửa xua dê vào nơi ở của người Kháng. Người Kháng nhìn thấy hàng trăm con quái vật với những đốm lửa nhảy nhót lao tới thì hốt hoảng tưởng là thiên thần sai quái vật về đốt phá
bản làng nên hò nhau chạy toán loạn.” Đất vừa chiếm được, người Thái liền đặt tên đất là Mường Lay (lay tiếng Thái có nghĩa là đuổi). Không những thế, “để phòng người Kháng quay lại, họ đặt ra các chức Ló, chức Lé (nay thành tên bản Ló, bản Lé) để trông chừng cảnh giác. Họ còn đặt ra các chức dịch để lo việc cai quản và cúng tế như ông Luông (nay là bản Ho Luông), ông Nghe (nay là bản Nghe Toong), ông Mo, ông Chay (nay là bản Mo, bản Chay)” (truyện Nguồn gốc tên gọi Mường Lay). Ý thức khẳng định sự tồn tại của cộng đồng dân tộc cũng được thể hiện rất rõ trong truyện Chàng Tóng Đón và nàng Ăm Ca. Từ khi chưa gặp Tóng Đón, Ăm Ca đã thể hiện ý thức của một vị thủ lĩnh. Nơi nào đi qua nàng cũng đặt tên cho đất, cho mường. “Trưa đến đói lòng, nàng sai trải lau lót ngồi nghỉ ăn trưa. Nàng đặt tên chỗ nghỉ là bản Ô (...). Ăn xong, đoàn tiếp tục đi qua rừng măng lay tới một bản lớn, rộng vượt tầm mắt gọi là bản Phiêng Luông (phiêng luông nghĩa là bãi đất rộng) (...) Đoàn tiếp tục đi về hang Bó Nà. Nàng khát nước, uống ở mạch nước đó và sai đổi tên là Bó Ẩn...”
Theo chân những vị thủ lĩnh tài ba đi mở đất, đến đâu nhân dân cũng gieo ngay “hạt giống” của mình để đánh dấu vùng lãnh thổ vừa tìm thấy hay giành được. Hạt giống đó là những tên bản tên mường, những tên núi tên sông được đặt theo cách tư duy, tập quán sinh hoạt hoặc canh tác của người Thái. Trong những truyền thuyết nói trên, nội dung phản ánh lịch sử và nội dung giải thích địa danh hòa quện. Nổi bật hơn cả là nhu cầu, ý đồ “đánh dấu” địa vực cư trú, khẳng định quyền sở hữu qua việc định danh cho đất đai, khe vực, núi sông.
Khác với truyền thuyết xung quanh những cuộc tìm và chiếm đất, truyền thuyết về chiến tranh giữ đất chủ yếu kể về những nhân vật lịch sử, những vị anh hùng đứng đầu các cuộc khởi nghĩa, các cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Truyền thuyết nàng Han và truyện Suối nàng Han đều kể về người anh hùng được nhân dân âu yếm gọi là nàng Han (tiếng Thái han có nghĩa là dũng
cảm), vị thủ lĩnh đứng đầu các cuộc khởi nghĩa chống giặc phương Bắc của người Thái. Truyện Suối nàng Han kể nguồn gốc của nàng ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại quân xâm lược. “Sau khi thắng trận, Nàng Han cho quân sĩ tắm rửa sạch sẽ bên dòng Nặm So rồi mở tiệc khao quân. Trong khi mọi người đang ăn mừng chiến thắng, nàng ra suối tắm rồi biến mất. Mọi người bảo Nàng đã bay lên trời thành tiên rồi. Từ đó, dòng suối Nặm So còn được gọi là suối Nàng Han”. Dân bản lập miếu thờ nàng bên bờ suối và từ đó đến nay cứ đến ngày 30 tháng giêng âm lịch hàng năm lại tổ chức rước cờ Nàng Han để tưởng nhớ công tích của nàng. Trong khi đó, Truyền thuyết nàng Han lại kể về người con gái đất Mường Lò tập hợp binh tướng chống lại giặc Cờ Vàng. Hang động mà nàng cùng nghĩa quân trú ngụ về sau được nhân dân gọi là Thẩm Han (tức Hang Han, nay thuộc xã Sơn A, huyện Văn Chấn tỉnh Yên Bái). Từ đó đến nay, cứ vào ngày rằm tháng giêng âm lịch, người dân Mường Lò lại tổ chức lễ hội Thẩm Han để tưởng nhớ công lao của người con gái dũng cảm đã hi sinh vì bản mường [38].
Tất cả các cuộc chiến đấu chống giặc Phẻ (ám chỉ giặc phương Bắc) hay giặc Cờ Vàng đều được ghi lại trong Quám tố mướng của người Thái. Nhân vật nàng Han gắn với những cuộc khởi nghĩa ấy, tuy nhiên những lời kể về nàng đã trở thành huyền thoại, chất hiện thực không còn nhiều. Ngay chính cái tên nàng Han (nàng Dũng Cảm) cũng chỉ là một tên gọi rất tượng trưng, nếu nhìn rộng ra có thể thấy những dân tộc khác (người Mường, người Khơ Mú) cũng có truyện Nàng Han. Bởi vậy chúng tôi cho rằng những câu chuyện kể trên đều xuất phát từ một nguồn gốc, có một người con gái của bản mường sinh ra trong thời kỳ loạn lạc đã dũng cảm đứng lên chống giặc. Công lao của nàng không chỉ có ý nghĩa với cộng đồng người Thái mà với cả các dân tộc