lơ lửng quanh mặt đất”. Những công việc kiến tạo trời đất hết sức khó khăn được đặt vào tay các vị thần. Mặc dù vậy, trong nhận thức của con người, những vị thần này không hề xa lạ. Thần cũng có thể mắc lỗi, có thể bị Then phạt như hai vợ chồng Chô Công Đin, Chô Công Nhả, vì không hoàn thành nhiệm vụ nuôi dạy con người cho biết làm ăn mà phải lấy sức mình chống trời, đội mây đến thành tên gọi (ông Chống Trời, bà Chống Mây). Các vị thần gần gũi và mang những đức tính, làm những việc làm của con người. Đến cả những con sông, con suối cũng biết nói biết cười, biết kết nghĩa anh em, biết yêu thương, hờn giận… Trong những thiên thần thoại, người Thái đã lấy khuôn mẫu của chính mình để xây dựng nên các vị thần, rồi cũng bằng cách ấy, họ trao cho các vị thần quyền năng sáng tạo ra vạn vật. Không những thế, những câu chuyện trên còn phản ánh quan niệm vạn vật hữu linh đồng thời thể hiện sự gắn bó, hòa hợp tuyệt đối giữa con người với tự nhiên trong buổi đầu khai thiên lập địa.
Muộn hơn một chút, trong thần thoại địa danh Thái ta gặp những chuyện phản ánh hình thái tín ngưỡng cổ xưa vào bậc nhất của con người - tục thờ vật tổ. Người Thái coi vật tổ của mình là con rồng mà họ gọi là vua Ngược hay tạo Ngược (truyện Sự tích Na Nọi Ỏi U, Phai đá suối Vì…). Trong những truyện này, rồng hầu hết là thần chủ của các dòng sông lớn như sông Rôm, sông Đà, sông Mã, là đấng trực tiếp sản sinh ra tổ tiên của người Thái (như trong Sự tích Na Nọi Ỏi U) hoặc giúp dân kiến tạo nên những công trình thủy lợi phục vụ sản xuất (như truyện Phai đá suối Vì). Và dù được xây dựng từ giác độ nào thì hình ảnh luông me, tô luông (rồng mẹ, tạo rồng) trong thần thoại Thái cũng là đối tượng được cộng đồng thờ phụng, tôn kính. Từ một gốc hình tượng vật tổ, người Thái ở mỗi địa phương xây dựng cho mình một hình ảnh riêng rồi dựng nên các huyền thoại để tôn vinh công trạng cho đối tượng khiến chho hình tượng vật tổ ngày càng trở nên lung linh, kỳ vĩ.
Sự tích Na Nọi Ỏi U kể rằng, “thần chủ của đầu nguồn sông Rôm là con rồng mẹ (luông me). Hàng năm vào ngày Giáp Thìn (cáp xi), rồng mẹ theo đường ống xuyên từ Nặm Rôm lên ngọn Ải Lao để giao duyên với rồng cha (luông po) vốn là thần chim phượng hoàng. Đó là những hôm trời nổi cơn mưa to gió lớn, sấm sét nổ ầm ầm, nước sông Rôm lũ dâng. Sau đó thần rồng mẹ rút khỏi đỉnh Ải Lao trở về sông nước và đến đẻ, ấp trứng ở Chong Năng, bỏ lại thần cha hóa chim phượng hoàng ở núi cao. Ngày nay ở đất Mường Then, bên bờ tả khúc Nặm Rôm thuộc địa phận bản Nà Nọi (xã Nà Tấu, huyện Điện Biên, Lai Châu) người ta còn thấy mấy phiến đá to mang tên Chong Năng có hình lòng chảo (Chong Năng nghĩa là:chậu của Nàng) và bên bờ hữu có ngọn núi mang tên Ải Lao.
Truyện cũng kể rằng, chính vào ngày Giáp Thìn (cáp xi) xửa xưa nào đó, trứng của nữ thần rồng đã nở ra Khun Bó Ruôm – thủ lĩnh đầu tiên của người Thái. Từ bản Na Nọi, Khun đã chỉ huy binh hùng tướng mạnh, mở đường để người Thái Bé (Thăy Nỏi) tới khai phá cánh đồng rộng lớn và lập ra Mường Then”. Truyện Phai đá suối Vì thì kể lại cuộc chiến đấu của rồng với thần sấm, sứ giả nhà trời. Sau cùng, nhờ con người giúp sức, rồng đã chiến thắng và trả ơn người bằng cách nhào nặn đất đá mà tạo nên con phai lớn, đem nước về cho dân trồng cấy.
Hình tượng con rồng trong tín ngưỡng thờ vật tổ của người Thái có những biến thiên ở từng địa phương, từng làng bản; cao hơn hết, rồng được tôn là chủ mường nước, sánh ngang với chủ mường trời và mường người. Tín ngưỡng thờ vật tổ tồn tại trong thời kỳ người Thái nói riêng và các tộc người nói chung còn tồn tại dưới chế độ thị tộc, bộ lạc lẻ tẻ, phản ánh lối tư duy tuy còn rất nguyên sơ nhưng đã gần gũi, cụ thể hơn quan niệm về các thần kiến tạo con người và vũ trụ giai đoạn trước. Dần dần, khi các tộc người anh em tập họp nhau lại, liên minh
thành những cộng đồng cư trú rộng lớn hơn, đông đảo hơn, trên đường tiến lên hình thành dân tộc, khi mà người Thái nhận ra xung quanh họ còn nhiều tộc người khác như người Xá, người Mèo, người Kinh… thì dạng truyện thần thoại mang tầm khái quát rộng lớn hơn dạng truyện vật tổ trước kia được ra đời. Một trong những dạng truyện điển hình cho dạng khái quát lớn này là truyện Quả bầu, truyện không những phổ biến ở các dân tộc anh em trong vùng lòng chảo Mường Thanh mà còn phổ biến ở nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á.
Trong số các thần thoại thuộc thể tài truyện kể địa danh, truyện Tẩu Pung kể về Tạo Suông, Tạo Ngần và công cuộc xây dựng các bản mường người Thái. Với những quả bầu và những chiếc mác đồng, sau khi đã gây dựng Mường Lò, Mường La…, Tạo đến Mường Theng (Mường Thanh). “Tạo dùng mác bổ một miếng trái bầu thì thấy người Thái chui ra. Nhát bổ thứ hai bằng rìu thì thấy người Lào và người Lự chui ra, cao lớn hơn người Thái. Sợ quả bầu bị nát, Tạo Ngần mới lấy một cái dùi cho vào lửa rồi cẩn thận dùi. Người Khả chui ra từ lỗ dùi, thấm phải than nên da đen hơn người Lào và người Thái. Sau đó Tạo Ngần dạy cho dân biết cách sống, biết nói, biết viết. Sau khi loài người chui ra hết, quả bầu còn vứt lại hóa thành quả núi mà ngày nay gọi là mak Tảu Pung (hòn Quả Bầu). Sau này người Thái lập ra bản làng ở ngay dưới chân núi, bản này cũng được gọi là bản Tảu Pung (thuộc xã Xam Mứn, thành phố Điện Biên) cho đến ngày nay".
Có thể bạn quan tâm!
- Khái Niệm Văn Hóa Tộc Người, Không Gian Văn Hóa Tộc Người Và Không Gian Văn Hóa Thái
- Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái Ở Việt Nam
- Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái – Thể Loại Thần Thoại
- Truyện kể địa danh của người Thái ở Việt Nam - 7
- Nội Dung Phản Ánh Các Vấn Đề Xã Hội
- Thời Gian Và Không Gian Nghệ Thuật Trong Truyện Kể Địa Danh Của Người Thái
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Nối tiếp quan niệm về nguồn gốc của dân tộc mình và các dân tộc anh em, trước những thành quả đạt được trong qúa trình xây bản dựng mường, thần thoại Thái nói riêng và thần thoại các dân tộc nói chung xuất hiện một dạng mới, đó là dạng truyện kể về những kỳ tích sáng tạo văn hoá buổi đầu. Trong những truyện kể địa danh thuộc thần thoại Thái, kỳ tích này được trao cho những vị khổng lồ hoặc những người có công lớn khai phá tự nhiên, diệt trừ thú dữ, lập nên làng
bản như Ải Lậc Cậc hay người khổng lồ Pu Té (truyện Ải Lậc Cậc hay Ông Chống trời, bà Chống Mây; Người khổng lồ Pu Té).
Ải Lậc Cậc được miêu tả là một giống người do Me Bẩu đúc ra với thân hình to lớn kỳ dị. Hai vợ chồng Ải thuộc thế hệ khổng lồ thứ hai được Then phái xuống trần gian thay cho các vị Chô Công. Lúc này, trần gian đã được các chúa Chô Công định nên hình dạng, hai vợ chồng Ải Lậc Cậc tiếp tục dụng công tạo dựng nên những cánh đồng rộng lớn như Mường Thanh, Mường Lò, Mường Than, Mường Tấc. Dấu tích công trạng của Ải còn để lại ở khắp nơi trên đất Điện Biên (Chuyện Ải Lậc Cậc và ông Chống Trời bà Chống Mây), Sơn La (Sự tích các làng bản vùng Sơn La) và ven sông Đà (Chuyện hai ông bà khổng lồ).
Không được biết đến nhiều như Ải Lậc Cậc nhưng người khổng lồ Pu Té cũng là người có công lớn với người Thái đất Mường Khòong (Thanh Hóa). Ông là người có công diệt hổ dữ, khai phá ruộng nương, thậm chí còn có ý định ngăn sông Mã lấy nước cho dân làm ruộng. Những công trạng của ông ngày nay vẫn còn được nhân dân ghi nhớ và được nhắc nhở trong dịp cúng cơm mới. Người Thái ở Cha Kỷ, Mường Khòong (Thanh Hóa) thờ cúng ông, tưởng nhớ công lao của người khổng lồ khai sơn phá thạch ở vùng này (Người khổng lồ Pu Té).
Như vậy, từ chỗ quan niệm một cách trừu tượng về tự nhiên, vũ trụ, đến đây con người đã dần nhận ra sức mạnh của chính mình. Chỉ có điều, dường như vẫn “ngỡ ngàng” với những thành quả hiện tại, một cách vô thức – con người “nhường công” cho những vị khổng lồ, trao cho họ quyền năng sáng tạo đáng lẽ ra thuộc về mình.
Gần gũi hơn cả, khi nhận ra sức mạnh của cộng đồng và vai trò của người đứng đầu trong công cuộc khai phá đất đai, làng bản, người Thái đất Mường Thanh hình dung ra hình ảnh người thủ lĩnh – Khun Bó Rồm. Khun là người
thuộc thế hệ người thứ ba được Then cử xuống, có khi được dân gian cho là con trai út của Then (Truyện Khun Bó Rồm), có khi lại được cho là con của nữ thần rồng - thần chủ đầu nguồn sông Rôm (nặm Rốm) (Sự tích Na Nọi Ỏi U). Nhưng dù có nguồn gốc xuất thân như thế nào thì Khun vẫn được coi là người có công trạng lớn lao đối với đồng bào Thái. Chính Khun cùng hai người vợ là Da nàng Láng và Da nàng Ét Keng đã đưa đoàn tùy tùng xuống Mường Then (Mường Thanh). Họ bổ những nhát cuốc đầu tiên lập nên làng bản, ruộng rẫy, làm nhà cửa cho dân cư ngụ. Về sau Khun Bó Rồm sinh hạ được bảy người con và cho đi “ăn” bảy mường là những vùng có cư dân Thái sinh sống ở khắp vùng phía Nam Trung Quốc và Đông Nam Á bây giờ. Hình ảnh Khun Bó Rồm được dựng lên từ lòng tôn kính của những cư dân Thái đầu tiên sống trên mảnh đất Mường Thanh với người thủ lĩnh, phản ánh phần nào quan niệm và ý thức của nhân về người có công trong việc khai phá văn minh.
Sau khi đã ổn định nơi ở và sản xuất, khi những thắc mắc về cội nguồn của vũ trụ, của bản thân đã tạm thời được giải đáp, xã hội Thái bắt đầu bước sang giai đoạn phân chia giai cấp. Giai đoạn này cũng để lại dấu ấn trong những câu chuyện thần thoại như truyện Phai đá suối Vì hay truyện Bản Nà Phà. Ở đây, sự phân hóa xã hội được thể hiện thông qua sự xuất hiện của hình thức nộp thuế, sự phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Truyện Phai đá suối Vì kể lại “Ngày xưa khi rồng còn biết nói, nước khe chảy róc rách thành tiếng sáo tiếng khèn. Người và vật trên mặt đất hàng năm phải nộp thuế cho Then. Ngày đó Rồng sống trên khúc suối Nậm Vì - mường Chỏng (nay và bản Vạn, Châu Sơn, Quỳ hợp Nghệ An), quanh năm đào núi mà bụng vẫn lép như hạt thóc trổ muộn. Nhà nghèo, rồng không tìm được óc đá, tim nước nộp cho Then, Then nổi giận sai thần sấm sét xuống hỏi tội Rồng. Thần sấm sét hẹn ba lần mặt trời thức giấc nếu Rồng không chịu nạp thuế thì sẽ phải chịu tội chết”. Trong truyện Bản Nà Phà thì sự
phân chia giai cấp lại được thể hiện qua sự phân chia giàu nghèo giữa hai bản, “bản Côồng toàn những gia đình khá giả, có đủ cả vợ chồng, còn bản nhỏ hơn gồm toàn những người nghèo, mẹ góa con côi nên đặt tên là bản Mế Mài (bản Đàn bà góa)”.
Điều này có cơ sở từ hiện thực, bởi khi trình độ sản xuất của con người còn thấp kém, vai trò của người đàn ông ngày càng quan trọng. “Xưa kia cứ đến mùa, đàn ông bản Côồng phải lo kiếm tre chẻ lạt để buộc lúa. Khi gặt vợ đi trước, chồng đi sau, vợ gặt đầu tay thì đưa cho chồng buộc lại thành bó lúa gọi là “va khảu”. Còn những bà góa không có ai chẻ lạt buộc lúa nên đành tự làm lấy”. Những gia đình chỉ có mẹ góa con côi dần dần không đảm đương hết được các công việc nặng nhọc, họ trở nên nghèo khó và bị đẩy xuống tầng lớp dưới. Ở đây, thái độ tôn sùng và đề cao tuyệt đối dành cho những vị thần hoặc những người khổng lồ đã không còn. Thần thoại bên cạnh nội dung phản ánh nhận thức còn mang một màu sắc mới, đó là thái độ bênh vực đối với những nhân vật phải chịu thiệt thòi như rồng hay những người đàn bà góa.
Nhìn lại những câu chuyện thần thoại trong tập hợp truyện kể địa danh có thể thấy sự phản ánh những mặt khác nhau trong nhận thức về vũ trụ, về thế giới tự nhiên tác động trực tiếp đến đời sống của con người là nội dung cơ bản. Đặc biệt, đối với con người thời đó, thiên nhiên, vạn vật đều có tâm hồn và đều thống nhất ở hành động. Việc con người lấy chính mình làm chuẩn mực và trừu tượng hóa một cách vô thức thành hình ảnh các vị Then, các vị thần hay những người khổng lồ một mặt phản ánh cách tư duy của thần thoại, mặt khác cũng cho biết tại sao những địa danh trong thần thoại ra đời và tồn tại cho đến ngày nay.
Địa danh giống như chiếc cầu nối giữa thế giới tưởng tượng và thế giới hiện thực, là “bằng chứng” để con người khẳng định rằng những tưởng tượng của họ là có cơ sở. Chỉ nguyên sự ra đời của các địa danh trong chuỗi những câu
chuyện về Ải Lậc Cậc, một vị khổng lồ có công lớn với cả cộng đồng người Thái (Chuyện Ải Lậc Cậc và ông Chống Trời bà Chống Mây; Sự tích các làng bản vùng Sơn La, Chuyện hai ông bà khổng lồ) đã cho thấy sự “nỗ lực” của họ trong việc khẳng định sự đúng đắn của tư duy. Người Thái ở đâu cũng kể chuyện Ải Lậc Cậc, người Mường Then (Mường Thanh) cho biết vì sao mảnh đất này lại có được cánh đồng phì nhiêu, màu mỡ; người Mường Muổi giải thích sự ra đời của những ngọn núi như Pú Khảu Chí (Núi Xôi Nướng), Pú Hin Kinh (Núi Đá Rơi); người Sơn La kể về những bản làng như bản Púng, bản Híp tồn tại cho đến ngày nay, trong khi đó người Hòa Bình lại kể về những địa danh ra đời trong công cuộc cải tạo sông Đà, diệt trừ thuồng luồng của vợ chồng Ải Lậc Cậc. Mỗi câu chuyện đều là kết quả sáng tạo của quần chúng nhân dân ở nhiều vùng trong nhiều quãng thời gian. Cùng với quá trình thiên di và sự phát triển của cộng đồng người Thái, truyện được thêm thắt, gắn thêm những yếu tố hiện thực ở những nơi con người mới đến. Cứ như vậy, truyện được kéo dài thêm.
Không những thế, sự ra đời của các địa danh còn phản ánh nhu cầu của con người trong việc định vị, khẳng định chủ quyền đối với nơi ở, nơi sản xuất của mình. Xung quanh người Thái còn có những dân tộc khác cùng sinh sống, tục ngữ Thái có câu “Người Thái ăn theo nước, người Xá ăn theo lửa, người H’Mông ăn theo sương mù”, bởi thế họ kể câu chuyện giải thích vì sao người Thái ở dưới thấp, gần nguồn nước, người Xá ở lưng chừng cao còn người H’Mông sống trên những vùng núi đá, sương mù, hẻo lánh. Họ chứng minh rằng sự phân chia lãnh thổ này hoàn toàn không phải là tự nhiên, tự phát mà rất có sức nặng, đó chính là sự “bảo trợ” của các Then, các vị thần hay những người khổng lồ. Người ta tin rằng, một khi đấng tối cao đã phân chia như vậy thì tộc người nào cũng phải tuân theo. Nói một cách hài hước là bằng cách ấy, lãnh thổ (mà lịch sử có thể chứng minh là họ xâm chiếm được) đã trở nên “hợp pháp”.
Cách thức này còn được bảo lưu cho tới tận những thế hệ con cháu về sau, đến cả những thủ lĩnh có tên tuổi của người Thái cũng “mượn” thần, thậm chí giả thần để có được vùng đất mà mình mong muốn.
2.2.2. Nội dung phản ánh lịch sử
Truyện kể địa danh có nội dung phản ánh lịch sử chính là truyền thuyết địa danh. Những truyện kể này nói về nguồn gốc tên gọi của các địa danh ở các địa phương mà có gắn với các sự kiện, nhân vật lịch sử có liên quan. Nội dung chính của truyền thuyết địa danh Thái tập trung giải thích nguồn gốc các địa danh thuộc các tỉnh từ Lai Châu, Điện Biên đến Thanh Hóa, Nghệ An, trong đó những địa phương diễn ra nhiều sự kiện lịch sử như Điện Biên, Mộc Châu (Sơn La), Hòa Bình, Thanh Hóa… là nơi truyện kể tập trung chủ yếu.
Hầu hết truyền thuyết địa danh Thái đều có chung nội dung phản ánh lịch sử thể hiện qua những khía cạnh khác nhau, nổi bật nhất là truyện kể xung quanh những cuộc chiến tranh giành đất và truyện kể xung quanh những cuộc chiến tranh giữ đất, trong đó bao hàm cả truyện về những vị thủ lĩnh, anh hùng và truyện về những vùng đất, địa danh được xác lập, định danh trong hoặc sau cuộc chiến. Bên cạnh đó, còn có một số ít truyền thuyết không mang nhiều nội dung lịch sử mà chủ yếu tập trung vào giải thích địa danh, tạm gọi đó là những truyền thuyết địa danh thuần túy.
Trước hết, truyện kể về những cuộc tìm đất và chiến tranh giành đất ghi nhớ công lao của những vị thủ lĩnh có công đầu trong việc tìm và giành lấy vùng đất mới. Lịch sử người Thái còn ghi lại “vào khoảng thế kỷ XI-XII, một bộ phận tổ tiên ngành Thái Đen từ Mường Ôm, Mường Ai, miền đất nằm giữa sông Nậm U và sông Hồng thuộc miền Nam Vân Nam do Tạo Ngần (hay Tạo Suông) lãnh đạo thiên di xuống chiếm miền Mường Lò mà cánh đồng Nghĩa Lộ là trung tâm. Đến thời con là Tạo Lò tiếp tục phát triển thế lực đến các miền xung quanh như