Theo Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm, Tập 3, Tr.131 Thì Ông Sinh Năm Quý Dậu (1753).


khác mẹ với Nhậm). Ông lớn lên và học hành cùng với người cháu ruột là Ngô Thì Điển6, mà Ngô Thì Điển là con trưởng của Ngô Thì Nhậm.

Sinh ra trong thời loạn lạc, đất nước có nhiều biến cố, gia đình lại gặp nhiều chuyện tang thương, nên việc học hành và công danh không được như các anh của ông. Ông trưởng thành dưới thời Tây Sơn và sống hơn mười năm đầu thời Nguyễn, đến lúc ba mươi tuổi, ông mới đỗ Sinh đồ vào năm 1800 (Đinh Mão), nhưng theo các soạn giả bộ Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, trang 131, thì mãi đến năm Gia Long thứ 6 (1807) ông mới thi đỗ Tú tài.

Ông không ra làm quan, chỉ thích sống ẩn dật, lấy việc dạy học làm vui và thích nghiên cứu, hành thiền theo phương pháp tu tập của Thiền phái Trúc Lâm do Đệ nhất Tổ Trần Nhân Tông sáng lập. Cùng với Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, ông là một trong những nhân vật chính chủ trương khôi phục và xiển dương những giá trị tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm đời Trần, mà cơ bản là tông chỉ nhập thế cứu đời trên tinh thần vô ngã tại Trúc Lâm thiền viện, phường Bích Câu, Thăng Long do ông trụ trì. Sáng tác của ông không nhiều, nhưng có nét độc đáo riêng. Tác phẩm còn lại gồm thơ, văn xuôi, phú được tập hợp thành bộ Thạch Ổ di chương trong tùng thư Ngô gia văn phái.

1.2.4. Vũ Trinh

Vũ Trinh 武 楨 (1759-1828), tự là Duy Chu, hiệu Lai Sơn, còn có hiệu là Nguyên Hanh, Lan Trì ngư giả, pháp danh là Hải Âu 海 鷗 , là người viết Thanh chú

của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhcùng với Nguyễn Đăng Sở. Ông sinh ra ở làng Xuân Lan, huyện Lương Tài, trấn Kinh Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Ninh), xuất thân trong một gia đình trí thức quan lại, vợ ông là Nguyễn Thị Diên, con gái của Bồi tụng Nguyễn Khản, như vậy Vũ Trinh là cháu rễ của thi hào Nguyễn Du, gọi thi hào là chú vợ.

Năm 17 tuổi, ông đỗ Hương cống, được bổ Tri phủ Quốc Oai. Năm 1787, sau khi Lê Chiêu Thống (1765-1793) lên ngôi, ông được vời vào triều thân cận vua. Khi Vũ Văn Nhậm (?-1788) thừa lệnh Quang Trung đem quân ra Bắc hỏi tội làm phản



Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.

6 Sách Ngô gia thế phả không ghi năm sinh và mất của Ngô Thì Điển, nhưng căn cứ vào bài thơ của ông nội là Ngô Thì Sĩ viết mừng cháu nội vừa sinh thì có thể khẳng định ông sinh năm Tân Mão (1771). Ngô Thì Điển tự là Kính Phủ, hiệu là Tĩnh Trai. Căn cứ vào tuổi tác của Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Hoàng, cùng căn cứ vào sáng tác của ông, có thể nói, dưới đời Tây Sơn, Ngô Thì Điển đã trưởng thành. Ông từng theo học ở Quốc tử giám, có dạy học ở Bắc Giang và từng ở Huế khoảng 10 năm, nhưng không rõ ông có làm quan cho triều Nguyễn hay không. Về sáng tác, ông để lại tập Dưỡng chuyết thi văn, mà phần lớn là những sáng tác dưới triều Nguyễn, dù ông không bằng lòng với thực tại ở triều đại bấy giờ, với ông, dường như những năm tháng chống giặc giữ nước dưới triều Tây Sơn mới là điều hấp dẫn lớn. Ông là người góp công chính trong việc sưu tập thơ văn để làm bộ tùng thư Ngô gia văn phái.


Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 6

của Nguyễn Hữu Chỉnh, thì cha con Vũ Trinh đã bán hết gia sản chu cấp việc quân và hộ vệ Chiêu Thống tỵ nạn. Cho nên, khi Chiêu Thống trở về khôi phục ngôi vua, Vũ Trinh được gọi về triều thăng chức Tham tri chính sự nhưng giữ chức này chẳng được bao lâu. Khi Quang Trung (1753-1792) đánh bại giặc Thanh xâm lược, Vũ Trinh ẩn mình ở Hồ Sơn. Tại đây, ông vừa dạy học vừa thu thập các câu chuyện lưu hành trong dân gian để viết nên tập truyện truyền kỳ Lan Trì Kiến văn lục (Chép những chuyện thấy và nghe của Lan Trì).

Năm 1802, Gia Long (1762-1819) chiếm xong Bắc Hà, cho gọi Vũ Trinh ra, phong chức Thị trung học sĩ, ông đành theo Gia Long về Phú Xuân nhận chức. Đến năm 1804, nhân việc đưa hài cốt Lê Chiêu Thống về nước, ông xin từ quan, nhưng không được chấp thuận. Năm 1807, triều đình cử ông làm Giám thí trường thi Sơn Tây. Năm 1809, ông được cử đi sứ nhà Thanh, dịp này ông viết Sứ Yên thi tập (Tập thơ đi sứ Yên Kinh, nay đã thất lạc). Lúc trở về, nhận lệnh cùng Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành (1757-1817) và Trần Hựu soạn Hoàng Việt luật lệ (Luật lệ của nước Hoàng Việt). Nhân mối quan hệ này, Nguyễn Văn Thành cho con là Nguyễn Văn Thuyên theo học ông. Năm 1813, ông được thăng Hữu tham tri Bộ Hình, làm Giám thí trường thi Quảng Đức. Năm 1816, Nguyễn Văn Thuyên bị tố cáo làm thơ có ngụ ý phản nghịch, Vũ Trinh ra sức bênh vực Thuyên, nên bị đày vào Quảng Nam. Mười hai năm sau, ông được ân xá, trở về quê nhà vài ngày sau thì qua đời.

Tác phẩm tiêu biểu nhất của Vũ Trinh là Lan Trì Kiến văn lục, thường gọi tắt là

Kiến văn lục.

1.2.5. Nguyễn Đăng Sở

Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở 阮 登 楚 (1754-1840) hiệu là Kiên Trai, pháp danh Hải Hòa 海 和 , quê ở Hương Triện, Gia Bình, Bắc Ninh. Cùng với Vũ Trinh, ông là

người viết Thanh chú của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Ông sinh ngày 16 tháng 9 năm Giáp Tuất (1754)7 đời Cảnh Hưng, trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Ông nội là Nguyễn Đăng Hài, đỗ Tiến sĩ năm 1721, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thị chế. Bố là Nguyễn Đăng Tôn, nho sinh trúng thức Chiêu văn quán. Nối nghiệp nhà, năm ông 21 tuổi đỗ Hương cống. Đến khi thi Hội thì gặp sự kiện Tây Sơn ra Thăng Long, ông phải sống ẩn dật, vừa làm lụng vừa học tập “cơm ăn áo mặc

không đủ, gian khổ vô cùng” như lời văn bia “Sùng Đức bi ký” có ghi. Tháng mười năm Đinh Mùi (1787), lúc 34 tuổi ông dự kỳ thi Hội, đỗ Hoàng giáp, đứng tên thứ 2 trong 14 người thi đỗ (cùng khoa với Bùi Dương Lịch, Trần Danh Án, Nguyễn Thế


7 Theo Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, tr.131 thì ông sinh năm Quý Dậu (1753).


Lịch...). “Đỗ được 5 ngày thì nhà Lê cáo chung, ý lớn chỉnh đốn khuông phò triều chính không được toại nguyện, bèn ẩn nhẫn chờ thời, mở trường dạy học” như lời văn bia “Hương Triện lưu thạch” có ghi. Năm 38 tuổi ông lấy vợ người họ Lê ở Đại Mão mới 19 tuổi, là con gái Tiến sĩ Đại Nham hầu Lê Doãn Giản, Tả Thị lang bộ Hình.

Tuy ông không phò Lê nhưng lòng thì vẫn hướng về nhà Lê, nên ông đã không hợp tác với Tây Sơn. Khi Ngô Thì Nhậm thành lập Bích Câu thiền viện với mục đích khôi phục Thiền phái Trúc Lâm thì ông lại tham gia với pháp danh là Hải Hòa. Những lời luận đàm, vấn đáp của ông có ghi trong sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh đã chứng tỏ ông là người am hiểu Phật pháp sâu sắc, đồng thời là nhà tư tưởng của phái Trúc Lâm. Khi nhà Nguyễn thay thế nhà Tây Sơn, Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở đã được vua Gia Long trọng dụng trong buổi đầu, đặc biệt là quan hệ bang giao phức tạp với Bắc triều, trong đó quốc hiệu Việt Nam có thể là do ông đề xuất8.

Ông làm đến chức Quốc tử giám Tư nghiệp (khoảng năm 1820-1827) dưới triều Minh Mạng, và cũng trong thời gian này ông đã ba lần dâng sớ xin cáo quan về quê dạy học.

Năm 1840 ông qua đời, thọ 87 tuổi. Năm 1844 học trò dựng bia mộ, ghi tên đúng 87 người, bằng tuổi thọ của thầy. Danh tiếng và công đức của Hoàng giáp Nguyễn Đăng Sở ở quê hương rất sâu đậm, được dân hai làng Hương Triện và Khoái Khê tôn làm Á thánh phối thờ ở đình, có lập bia đá năm 1859 ghi công đức của ông để lưu truyền cho hậu thế.

1.2.6. Nguyễn Đàm

Nguyễn Đàm9 阮 倓 (1771-1824) còn có tên là Hành , tự là Tử Kính 子敬, hiệu Nam Thúc, biệt hiệu là Ngọ Nam, Nhật Nam, pháp danh Hải Điền 海佃, là

người viết Thanh tiểu khấu của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Ông sinh năm Tân Mão (1771) và mất năm Giáp Thân (1824), quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là con trai thứ của Điền Nhạc hầu Nguyễn Điều, là cháu nội của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, và là cháu gọi Nguyễn Du bằng chú ruột (Nguyễn Điều là anh cùng cha khác mẹ với Nguyễn Du).



8 Xin xem: bài viết của Nguyễn Triệu trên Văn hoá nguyệt san số 41, 6-1959; bài viết của Phan Thuận Thành, trên báo Bắc Ninh: baobacninh.com.vn,1/8/2008; các tác giả đã căn cứ vào sách Kiên Trai hành trạng tự sự mà khẳng định vấn đề này.

9 Theo Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội, tr.1140, ghi tên ông là Đạm.


Nguyễn Đàm là người thông minh, học rộng, giỏi thơ, cùng với Nguyễn Du là hai trong năm nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy đương thời, được tôn xưng “An Nam ngũ tuyệt”.

Về tên của ông, hiện tư liệu ghi chưa có sự thống nhất. Phần lớn các nhà nghiên cứu đều ghi “Đạm” như Từ điển văn học bộ mới, trang 1140; các bộ sách có viết về Ngô Thì Nhậm đều ghi “Đàm” chẳng hạn như Ngô Thì Nhậm tác phẩm; còn theo công trình của Viện Nghiên cứu Hán Nôm: Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, trang 15, chép nhầm là “Viêm” do thiếu bộ nhân đứng, ở trang 404, và lại phiên âm là “Đàm”.

Nguyễn Đàm trưởng thành trong thời Nguyễn Tây Sơn, nhưng không hợp tác với Tây Sơn, mà cam chịu cuộc sống bần hàn, ăn nhờ ở đậu. Đến khi Nguyễn Ánh thay thế Tây Sơn, ông vẫn không hưởng ứng với tân triều, mà vẫn tiếp tục cuộc sống thanh bần trong sự hoài ức về nhà Lê với quan điểm nhất quán “Trung hiếu chi gia ninh sự nhị” (Nhà trung hiếu không sao lại thờ hai vua), dù khi nhà Lê còn tồn tại, ông vẫn chưa trưởng thành và cũng chưa nhận được ân sủng gì từ triều đại này. Phải chăng chính cách hiểu chữ “trung” một cách cứng nhắc như thế nên ông có thái độ bất hợp tác nếu không muốn nói là thù địch với Tây Sơn, lơ là với cả triều Nguyễn, và dường như chính quan điểm này đã ảnh hưởng suốt cả cuộc đời ông?

Quan Đông hải (xem biển Đông), Minh Quyên thi tập (tập thơ chim quyên kêu) và Đại chân Viên giác thanh tiểu khấu trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, đều viết bằng chữ Hán là những gì ông để lại cho đời. Ngoài ra, theo wikipedia.org, ông còn viết tập Thiên địa nhân vật sự ký mà hiện chưa tìm ra. Nhận định về thơ của ông, Từ điển văn học bộ mới viết: “Hầu hết những tác phẩm của ông sáng tác dưới triều Nguyễn, nhưng chống đối Tây Sơn là cảm hứng chủ đạo. Bên cạnh đó, cái nghèo khổ, phiêu bạt đeo đẳng cả đời, nên ông hay viết về cảnh khổ của mình, đả kích những quan lại giàu có, ăn chơi trác táng trong sự đồng cảm với những người nghèo khổ” [63,tr.1140]. Nguyễn Thạch Giang trong Tinh tuyển Văn học Việt Nam tập 5 đã đánh giá: “Thơ ông giản dị, ý thiết tha, cực tả nỗi cay đắng của sự đói rét bịnh tật mà bản thân từng nếm trải, phần nào đó cũng đã nói lên được tấm lòng của kẻ sĩ trước sự đảo điên của thế thái nhân tình, trước nỗi khổ của dân chúng trong một hoàn cảnh xã hội bề ngoài có vẻ thanh bình nhưng bên trong đầy rẫy những điều phi lý bất công dưới thời nhà Nguyễn.” [261,tr.793]

1.3. VỀ VĂN BẢN TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH

1.3.1. Nhan đề tác phẩm


Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn có tên Đại chân Viên giác thanh bởi gọi theo phần chính văn của tác phẩm. Cũng còn gọi là Nhị thập tứ thanh là bởi căn cứ vào lời Tựa của tác phẩm do Phan Huy Ích viết vào cuối năm 1796. Và trong Dụ Am ngâm lục Phan Huy Ích cũng có viết:

“Tập Nhị thập tứ thanh mà thai huynh biên soạn nhận thức rất sáng suốt, hơn hẳn xưa nay, có lẽ vẫn giữ đúng ý nghĩa xây dựng ngôi chùa Tam giáo ở động Nhị Thanh của tiên công ta. Người đời kiến thức mập mờ kẻ nói le, người nói vịt, hiểu sao thấu được lẽ đó. Thai huynh đã nhiều lần bảo tôi làm bài tựa, từ chối mãi cũng không được…” [82,tr.24]

Có khi còn gọi tác phẩm này là Nhị thập tứ chương kinh vì nội dung chính của nó gồm hai mươi bốn chương, hay đơn giản là kinh Viên giác mới vì tác phẩm đã kế thừa và tiếp thu tư tưởng của Đại phương quảng Viên giác kinh.

Ngoài ra, theo bản dịch năm 1971 của Á Nam Trần Tuấn Khải, tác phẩm còn có tên là Tam tổ hành trạng. Nhưng Tam tổ hành trạng chỉ là phần sưu tầm biên soạn, in ở đầu tập sách này, chứ không phải công trình sáng tác, nên theo thiển ý, nếu gọi tên sách như vậy e không phù hợp. Theo nhà nghiên cứu Hà Thúc Minh thì do văn bản sách gốc khi Á Nam Trần Tuấn Khải sử dụng để dịch thì cuốn sách này bị rách mất tờ đầu, mà phần Tam tổ hành trạng trên cùng, nên người đóng ghi phần đầu làm tên sách [169,tr.137].

Nhan đề sách Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh có nghĩa là những âm thanh đầu tiên của tông chỉ Trúc Lâm. Chúng ta có thể hiểu nghĩa của tiêu đề sách này là cốt

tuỷ giáo lý đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm, vì chữ thanh ở đây nghĩa là âm

thanh, lời nói, tức giáo lý.

1.3.2. Giới thiệu tác phẩm

Nguyên tác Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, bản in mang ký hiệu A.460 và bản in mang ký hiệu A.2181 lưu trữ ở Thư viện Khoa học Xã hội, Hà Nội. Tác phẩm gồm nhiều phần do nhiều người viết như trên có giới thiệu, mà hạt nhân của tác phẩm là phần chính văn: Đại chân Viên giác thanh. Các phần còn lại: Tựa, Thanh dẫn, Thanh chú, Thanh tiểu khấu, Tam tổ hành trạng, Nhị thập tứ phối khí ứng sơn chi đồ được các tác giả hoàn thành đều dựa trên phần chính văn này.

Mở đầu là Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh tự (bài Tựa của Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh) do Phan Huy Ích viết. Trong từng Thanh có các phần: Thanh dẫn, Chính văn, Thanh chú và Thanh tiểu khấu. Thanh dẫn là phần dẫn dắt giới thiệu chung cho mỗi thanh, do Ngô Thì Hoàng viết. Chính văn là phần cốt lõi của


tác phẩm gồm 24 thanh nên có tên Đại chân Viên giác thanh, do Hải Lượng Ngô Thì Nhậm viết. Thanh chú là phần chú thích, giảng giải nội dung các thanh, do Vũ Trinh và Nguyễn Đăng Sở viết. Thanh tiểu khấu là phần tóm tắt yếu chỉ của các thanh, do Nguyễn Đàm viết. Phần sau tác phẩm còn có: Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ (Biểu đồ 24 thanh phối với các tiết trong năm). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông (Đầu mối, điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Tam tổ hành trạng (Hành trạng của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm).

Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một viên ngọc quý hiếm của kho tàng triết học và văn chương Việt Nam thời trung đại. Âm thanh là cảm hứng chính để sáng tạo nên tác phẩm. Ở đó, tác giả đã dung hợp cả ba hệ tư tưởng, nhất là dung hợp Phật - Nho nói riêng, nhằm xiển dương tinh thần thực tiễn và nhập thế cứu đời của Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập thời Trần. Bằng bút pháp luận thuyết, các tác giả đã truyền tải một cách tài tình hầu hết những nội dung cốt yếu của những bộ kinh điển quan trọng trong cả ba hệ tư tưởng như: các bộ kinh đại thừa Phật giáo gồm: Viên giác, Lăng già, Kim cang, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Bát nhã, Duy Ma Cật; của Lão - Trang: Đạo đức kinh, Nam hoa kinh; của Đạo gia: Ngọc Hoàng cốt tuỷ; của Nho gia: Tứ thư, Ngũ kinh. Nhưng chủ yếu nhất vẫn là kinh điển của nhà Phật và nhà Nho. Vấn đề liên quan đến ba hệ tư tưởng này là vấn đề đã được các bậc trí giả đã bàn, nhưng phương pháp luận giải sự dung thông tư tưởng của ba nhà quy về một mối dựa trên những luận chứng cụ thể và thuyết phục rút ra từ chính kinh điển của ba nhà một cách có hệ thống như trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh thì thật sự đã góp một tiếng nói vào lĩnh vực văn hoá tư tưởng của nước nhà. Đây là một tác phẩm xuất sắc có nội dung tư tưởng uyên áo và hàm súc nên rất cần quan tâm được nghiên cứu chuyên sâu nhằm làm sáng tỏ những giá trị của tác phẩm mà Ngô Thì Nhậm đã gửi gắm cho hậu thế.

1.3.3. So sánh các bản dịch phần Chính văn của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh

Trong thư tịch Việt Nam, bên cạnh văn bản Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh

bằng chữ Hán, hiện có 4 bản dịch sang tiếng Việt chữ Quốc ngữ.

Ở đây, trong quá trình nghiên cứu về tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh để viết luận án, so với văn bản chữ Hán, chúng tôi nhận thấy các bản dịch ở phần chính văn Đại chân Viên giác thanh có một số chỗ xuất nhập, cần phải bổ chính, ngõ hầu ít nhiều góp phần giúp cho bản thân và những ai quan tâm có thể hiểu rõ hơn về tác phẩm luận thuyết triết lý tôn giáo này.


Từ trước đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào so sánh đối chiếu các bản dịch tiếng Việt chữ Quốc ngữ của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Trước đây, trong công trình dịch thuật thơ văn Ngô Thì Nhậm Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm, hai quyển, Nxb KHXH, Hà Nội, 1978, do hai học giả Cao Xuân Huy và Thạch Can chủ biên, ở quyển 2, tuyển tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh mà tại phần Khảo luận văn bản nhà nghiên cứu Hà Thúc Minh, có miêu tả văn bản gốc của tác phẩm này chứ không nói về bản dịch.

1.3.3.1. Về các bản dịch “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” hiện hành

Hiện nay, tại các thư viện có tất cả bốn bản dịch tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Căn cứ vào sự chỉ dẫn trong phần Khảo luận của Hà Thúc Minh trong bộ sách Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, trang 126-127 [169], chúng tôi tham khảo bản dịch của Á Nam Trần Tuấn Khải có kèm theo bản chép tay chữ Hán số MC 4207 TG lưu giữ trong chi nhánh Văn khố Đà Lạt, do Quốc vụ khanh đặc trách Văn hoá Sài Gòn xuất bản năm 1971 với nhan đề Tam tổ hành trạng. Chúng tôi cho rằng, đây là bản dịch chữ Việt hoàn thành sớm nhất của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nhưng do, bản chữ Hán này là bản sao chép bằng tay theo bản khắc in ký hiệu A. 2181 lưu giữ tại Thư viện Khoa học Xã hội, vốn đã bị rách mất nhiều tờ, lại còn chép sai sót rất nhiều chỗ, nên người dịch cũng theo đó mà dịch sai nghĩa. Vì thế, chúng tôi cũng chỉ xem bản dịch này là bản để tham khảo.

Bộ Tuyển tập Thơ văn Ngô Thì Nhậm, tập 1 (Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh), của Ban Hán Nôm thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam xuất bản năm 1978, Nxb Khoa học Xã hội. Bản dịch trong sách này ghi là của Cao Xuân Huy; Hà Thúc Minh là người phụ trách biên dịch, khảo luận và chú thích; Lâm Giang viết tiểu sử Ngô Thì Nhậm; Mai Hồng viết chữ Hán các phần: Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh tự, Đại chân Viên giác thanh Đại chân Viên giác thanh tiểu khấu.

Bộ sách Ngô Thì Nhậm tác phẩm, gồm 4 tập, của Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Mai Quốc Liên chủ biên do Nxb Văn học và Trung tâm Nghiên cứu Quốc học xuất bản năm 2002. Trong đó, tập 3 là tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, gồm phần khảo luận do Hà Thúc Minh viết. Các phần: Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tự, Đại chân Viên giác thanh Tam tổ hành trạng do Cao Xuân Huy dịch. Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong bộ này chỉ có phần chữ Hán và dịch nghĩa, không có phần phiên âm. Ngay cả phần dịch nghĩa, cũng chỉ dịch: Trúc Lâm đại chân Viên giác thanh tự, Đại chân Viên giác thanh, Đại chân Viên giác


thanh tiểu khấu Tam tổ hành trạng, lược bớt các phần: Ngữ lục, Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ Tướng thanh nhị thập tứ Bồ tát.

Về dịch giả bản dịch tác phẩm này, gần đây trong bài viết Vài ghi nhận về nhà sư Trí Hải (1906-1979), Chương Thâu đã xác nhận rằng, lúc ông đang công tác ở Ban Lịch sử Tư tưởng Việt Nam thuộc Viện Triết học, thì từ năm 1971-1972, Hoà thượng Thích Trí Hải đã dịch cho Viện ba tác phẩm quý giá là Khoá hư lục của Trần Thái Tông, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm và Phật giáo triết học của Tiểu Dã Thanh Tú (Nhật Bản). Riêng về bản dịch Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, nhà nghiên cứu Chương Thâu nói rõ về nguyên uỷ bản dịch như sau:

“Bởi vậy, để hiểu cho đúng, cho sâu về những tư tưởng của Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm này thật không mấy dễ dàng và để chuyển ngữ từ Hán văn sang Việt ngữ hiện đại cũng thật hiếm người có đủ trình độ kiến thức tư tưởng Nho - Phật để thực hiện. Do vậy, chúng tôi lại phải nhờ nhà sư Trí Hải. Cụ đã vui vẻ nhận lời biên dịch và chú giải như đã dịch chú tác phẩm KHOÁ HƯ LỤC. Sau mấy tháng cần cù lao động dịch thuật, dù gặp phải nhiều khó khăn vì thiếu sách công cụ tra cứu, tham khảo (Cụ ít khi đến các Thư viện ở Hà Nội), nhưng cuối cùng, Cụ đã hoàn thành bản dịch TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH cho Viện Triết học để làm “tài liệu tham khảo”. Liền sau đó, bản dịch này được chuyển đến nhờ giáo sư Cao Xuân Huy thẩm định và hiệu đính lại thật chu đáo. Sau đó được bạn Hà Thúc Minh (lúc này chuyển sang công tác tại Ban Hán Nôm) gia công khảo cứu văn bản, bổ sung ít nhiều ở phần chú thích, bạn Mai Hồng chép phần nguyên văn chữ Hán và bạn Lâm Giang viết tiểu sử Ngô Thì Nhậm. Đến năm 1978, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành, phổ biến. Từ đó, chúng ta có bản in tiếng Việt TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH lưu hành hiện nay. Nhân đây, chúng tôi xin nói rõ “nguyên uỷ” của bản dịch này như trên để bạn đọc biết được công lao của cụ Trí Hải và để đính chính lại những dòng ghi sai ở trang 4 của cuốn sách Thơ văn Ngô Thì Nhậm, Tập I: TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1978 (dòng thứ nhất: Người dịch là Trí Hải và người hiệu đính là Cao Xuân Huy mới đúng. Dòng thứ 6-8: Cán bộ Ban Hán Nôm phụ trách biên dịch? Phải ghi đúng là biên dịch trên cơ sở bản dịch của cụ Trí Hải do Viện Triết học quản lý bản thảo đầu tiên.

Xem tất cả 216 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí