Trần Đình Hượu với bài viết “Về xu hướng Tam giáo đồng nguyên trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” (1986) đã xác định xu hướng tư tưởng chủ đạo của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhlà Tam giáo đồng nguyên. Đồng thời tác giả bài viết có lưu ý rằng quan niệm đồng nguyên của Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm cũng chưa vượt ra ngoài quỹ đạo của Chu Hy thời Tống ở Trung Hoa.
Mai Quốc Liên với sáu chương tiểu luận về Ngô Thì Nhậm trong tập một của bộ “Ngô Thì Nhậm tác phẩm” (2001) đã khái quát những vấn đề về tư tưởng và thi pháp của Ngô Thì Nhậm, khẳng định thơ văn của Ngô Thì Nhậm là đỉnh cao, là tiêu biểu đứng đầu của văn học yêu nước thời Tây Sơn.
Lê Giang trong luận án Tiến sĩ “Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam” (2001) cho rằng Ngô Thì Nhậm thật sự là một nhân vật lịch sử lớn, một nhà tư tưởng lớn mà bộ môn lịch sử tư tưởng Việt Nam phải dành nhiều trang hơn nữa để viết về ông. Ông là đại biểu cho loại ý thức văn học của nhà Nho – chính trị gia trong thời hậu kỳ trung đại Việt Nam, cốt lõi là Nho nhưng không bị bó hẹp ở Nho giáo nguyên thuỷ mà tiếp thu tinh hoa của nhiều loại tư tưởng khác.
Thích Phước An trong “Từ Nguyễn Trãi đến Ngô Thì Nhậm và con đường lên đỉnh núi Yên Tử” (2002) khẳng định Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV và Ngô Thì Nhậm ở thế kỷ XVIII là hai khuôn mặt lỗi lạc cùng leo lên đỉnh núi Yên Tử. Cả hai đều nhận ra rằng, chỉ có con đường mà Trần Nhân Tông, Tổ sư khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã vạch ra là con đường thực tiễn nhất để giải quyết mâu thuẫn giằng co giữa sự thanh tịnh tâm linh cho chính mình mà vẫn phụng sự cho đất nước hay cho cả mọi sinh linh đang quằn quại trong khổ đau. Ngô Thì Nhậm cố đem ánh sáng tư tưởng Phật giáo để rọi sáng ý thức hệ Nho giáo hầu giải quyết những vấn đề thực tiễn xã hội cuối thế kỷ XVIII đã đặt ra mà Nho giáo không giải quyết được.
Trên Tạp chí Triết học số 1-2003, nhà nghiên cứu Trương Văn Chung có bài “Tìm hiểu tư tưởng Thiền học của Ngô Thì Nhậm” đã chỉ ra những nét đặc sắc trong tư tưởng Thiền học, nhất là sự dung hợp Nho - Phật trong tư tưởng của Ngô Thì Nhậm.
Trong bài viết “Xu hướng hội nhập Tam giáo trong tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII” (2004), Nguyễn Kim Sơn thông qua cái nhìn đồng đại và lịch đại, đã lý giải nguồn gốc, sự vận động, khung cảnh hội nhập Tam giáo trong tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII. Tác giả bài viết khẳng định nhà Nho chính là chủ thể tiến hành hội nhập Tam giáo và mục đích của việc hội nhập là nhằm tự bảo vệ vị trí chủ cán của Nho gia trong giai đoạn này.
Nguyễn Bá Cường trong “Tư tưởng của Ngô Thì Nhậm về con người và giáo dục con người” (2006) đã xác định vấn đề con người được Ngô Thì Nhậm quan tâm trước nhất. Ngô Thì Nhậm tiếp cận vấn đề con người và bản tính con người trên cơ sở thiên tính tự nhiên và trong mối quan hệ xã hội phức tạp. Từ đó, bài viết chỉ ra vai trò của giáo dục và điều kiện kinh tế với sự hình thành và thay đổi bản tính con người.
Trần Phước Thuận trong bài “Tìm hiểu đôi điều về khái niệm “Không thanh” của Ngô Thì Nhậm trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh” (2007) đã khẳng định Ngô Thì Nhậm đã dùng lý luận nhà Nho để giải thích Thiền học, đậm nét nhất là Lý học của Tống Nho. Hải Lượng thiền sư dàn dựng những hình ảnh mang tính Lý học Tống Nho để thực hiện chủ ý “Chỉ vật truyền tâm” của thiền gia. Dù Ngô Thì Nhậm đã làm một chiếc cầu nối giữa Phật và Nho trong thời kỳ các nhà Nho bảo thủ để kình chống Phật giáo, nhưng ông chưa phải là thiền sư đạt ngộ.
Có thể bạn quan tâm!
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 1
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 2
- Sự Suy Sụp Của Ý Thức Hệ Phong Kiến Và Sự Phát Huy Mạnh Mẽ Truyền Thống Nhân Văn Trong Thế Kỷ Nông Dân Khởi Nghĩa
- Tác Giả Của Tác Phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh
- Theo Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm, Tập 3, Tr.131 Thì Ông Sinh Năm Quý Dậu (1753).
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
Lâm Giang trong bài viết “Tư tưởng Nho - Phật hoà đồng trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Ngô Thì Nhậm” (2007) đã đi từ phân tích sự hoà đồng nhất trí của Phật - Nho trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh qua các phạm trù nhân quả, luân hồi, định mệnh, tâm tính... đến kết luận là sự nhất trí ấy do Phật kế thừa từ Nho. Hơn nữa Phật của Ngô Thì Nhậm là Phật hành sự trong thực tiễn không yếm thế, chán đời.
Trần Ngọc Ánh trong “Nhận thức luận của Ngô Thì Nhậm – bước tiến của tư tưởng triết học Việt Nam thế kỷ XVIII” (2009) đã xác định Ngô Thì Nhậm góp phần tạo ra một bước tiến của lịch sử tư tưởng triết học của dân tộc thế kỷ XVIII. Mặc dù Ngô Thì Nhậm có kế thừa Lý học của Tống Nho, nhưng ông đã có những đóng góp riêng về mặt nhận thức luận như, không dừng lại ở hiện tượng mà đi sâu vào bản chất; sự thống nhất giữa nội dung và hình thức, giữa cái bên trong và cái bên ngoài.
Doãn Chính - Nguyễn Thị Hồng Phương trong “Ngô Thì Nhậm – Hải Lượng đại thiền sư” (2010) cho rằng, khuynh hướng chủ đạo trong bản thể luận của Ngô Thì Nhậm là hướng đến sự dung hoà Tam giáo với sự kế thừa tư tưởng các vị Tổ khai sáng Thiền phái Trúc Lâm. Ngô Thì Nhậm không kế thừa, dung hợp triết lý Tam giáo như các học giả đời Tống, mà chỉ sử dụng các phạm trù tâm, tính, lý, dục của Tống Nho để giải thích trở lại các quan điểm triết học Phật giáo.
Nhìn chung, tất cả những thành tựu như vừa nêu là rất đáng quý, tất cả là chỗ dựa, là những gợi ý quan trọng để người viết luận án này suy nghĩ, tiếp thu và triển khai nội dung, ý tưởng khi thực hiện đề tài.
3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Đề tài của luận án là “Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại”. Như vậy đối tượng nghiên cứu chính của luận án là tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Nhưng để thấy được nét đặc thù về tư tưởng, về nghệ thuật của tác phẩm luận thuyết triết lý tôn giáo thuộc loại hình văn - sử - triết bất phân này, nhất là sự kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm đời Trần thì cần phải đối sánh nó với những tác phẩm văn học Phật giáo thời Lý - Trần, đặc biệt là những tác phẩm của Trúc Lâm tam Tổ: Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, cùng những tác phẩm của các vị trước đó đã đặt nền móng quan điểm tư tưởng cho Thiền phái: Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng sĩ, Trần Thánh Tông và ít nhiều có so sánh với những tác phẩm thuộc bộ phận văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại mà những tác phẩm này ra đời trước tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Điều đó có nghĩa, tuy luận án chỉ khảo sát một tác phẩm văn học dược viết vào cuối thế kỷ XVIII, nhưng lại phải mở ra một diện tương đối rộng để khảo sát, so sánh, đối chiếu từ đó mới có thể rút ra những kết luận khoa học về tác phẩm được nghiên cứu.
4. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Để triển khai nội dung đề tài, luận án sẽ vận dụng phương pháp văn học sử là chủ yếu, cụ thể là phương pháp phân tích tác phẩm; bên cạnh sử dụng các phương pháp: phương pháp loại hình, phương pháp hệ thống, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh, phương pháp nghiên cứu văn bản học, các phương pháp liên ngành. Ở đây, trong quá trình thực hiện luận án, người viết sẽ vận dụng từng phương pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Như sử dụng phương pháp thống kê, phân loại để làm cứ liệu phân tích; phương pháp đối chiếu so sánh để làm rõ hơn vấn đề cần xem xét, nhất là tìm hiểu sự phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm từ đời Trần đến cuối đời Lê trung hưng thông qua các tác phẩm của Thiền phái này; dùng phương pháp liên ngành vì đề tài này có liên quan đến tư tưởng - triết học và lịch sử; dùng phương pháp loại hình để khảo sát loại hình thể loại, loại hình tư tưởng, cấu trúc; dùng phương pháp văn bản học để khảo sát và khảo đính văn bản (nếu có thể), bởi những tác phẩm trên đều viết bằng chữ Hán, cần phải đọc và nghiên cứu từ văn bản chữ Hán.
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một luận thuyết triết lý mang nội dung về Phật về Thiền, thuộc thể loại văn học chức năng, với phạm vi văn - sử - triết bất phân, cho nên khó có thể dùng tư duy duy lý lôgic thông thường để tiếp cận tác
phẩm, mà cần phải dùng trực cảm để chiêm nghiệm, lĩnh hội vấn đề, tức dùng phương pháp tĩnh lự, thiền quán - trực cảm tâm linh để có thể thấu rõ bản chất và đặc điểm của đối tượng nghiên cứu.
Thật ra, việc phân chia phương pháp nghiên cứu như trên chỉ là tương đối, vì trong khi thực hiện, người viết sẽ vận dụng tổng hợp, đan xen các phương pháp sao cho có hiệu quả nhất nhằm mục đích là giải quyết các yêu cầu khoa học mà bản thân đề tài luận án đã đặt ra.
5. ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
- Lần đầu tiên trong văn học sử Việt Nam, tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là đối tượng được nghiên cứu một cách có hệ thống từ diện mạo, cấu trúc văn bản đến các tác giả tham gia viết các phần trong tác phẩm; so sánh các văn bản dịch hiện hành, có đối chiếu với nguyên tác, nhằm mục đích giúp cho việc hiểu văn bản một cách đúng nhất.
- Từ tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, bước đầu luận án đã nêu lên những đặc trưng chủ yếu của thể loại luận thuyết triết lý tôn giáo.
- Trên cơ sở đó, luận án chỉ ra những giá trị nội dung tư tưởng cùng giá trị nghệ thuật của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
- Cuối cùng, luận án nêu lên vị trí và đóng góp của tác phẩm trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam và trong tiến trình phát triển của văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại.
6. GIỚI THIỆU CẤU TRÚC LUẬN ÁN
Luận án có dung lượng 188 trang chính văn. Ngoài phần Mở đầu trình bày những vấn đề chung mang tính trường quy như vừa nêu (tr.1-tr.15), trọng tâm của luận án được dàn dựng thành bốn chương như sau:
Chương 1. Xã hội – Văn hoá – Tư tưởng Đại Việt thế kỷ XVIII và tác phẩm
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, 48 trang (tr.16-tr.63).
Chương 2. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh nhìn từ nội dung tư tưởng, 47 trang (tr.64-tr.110).
Chương 3. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh nhìn từ hình thức nghệ thuật, 36 trang (tr.111-tr.146).
Chương 4. Vị trí và đóng góp của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại, 36 trang (tr.147-tr.182).
Cuối cùng là Kết luận 06 trang (tr.183-tr.188); Danh mục các công trình của tác giả đã công bố có liên quan đến đề tài luận án: 19 bài (tr.189-tr.190); Tài liệu tham
khảo với 359 danh mục, gồm 303 tài liệu tiếng Việt, 06 tài liệu tiếng Anh, 47 tài liệu chữ Hán và tiếng Trung, 03 tài liệu trang mạng điện tử (tr.191-tr.208).
Với kết cấu như trên, chương 1 là chương nền, tìm hiểu văn hoá tư tưởng ở nước ta thế kỷ XVIII; trên cơ sở đó, giới thiệu các tác giả của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, cũng như tìm hiểu quá trình hình thành văn bản. Chương 2 và chương 3 là hai chương trọng tâm của luận án. Chương 2 trình bày giá trị nội dung tư tưởng của tác phẩm như: Tư tưởng Phật giáo Thiền tông; Tinh thần dung hợp các hệ tư tưởng; Tinh thần nhập thế yêu nước. Chương 3 tìm hiểu về giá trị hình thức nghệ thuật của tác phẩm, cụ thể là thể loại, kết cấu, n ngữ. Chương 4 nêu lên vị trí và đóng góp của tác phẩm trong lịch sử tư tưởng Phật giáo Việt Nam, cụ thể là dấu ấn của kinh Viên giác trong tác phẩm; sự kế thừa và phát triển tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm đời Trần và vị trí của tác phẩm trong bộ phận văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại.
CHƯƠNG 1
XÃ HỘI - VĂN HOÁ - TƯ TƯỞNG ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XVIII
VÀ TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH
1.1. XÃ HỘI - VĂN HOÁ - TƯ TƯỞNG ĐẠI VIỆT THẾ KỶ XVIII
1.1.1. Sự suy yếu của chế độ phong kiến và bi kịch lịch sử của dân tộc
1.1.1.1. Nhìn lại tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, có thể thấy từ đầu thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài đã diễn ra một cuộc khủng hoảng trầm trọng trong toàn bộ cơ cấu của xã hội phong kiến. Cuộc khủng hoảng này đã được báo hiệu từ mấy thế kỷ trước, tức từ hai thập niên đầu của thế kỷ XVI dưới triều Lê sơ với những tên hôn quân vô đạo như Uy Mục, Tương Dực mà sử sách gọi là “vua lợn”, “vua quỷ”. Năm 1527, nhà Mạc thay thế nhà Lê, tình thế ban đầu ít nhiều có cứu vãn, đưa đất nước bước sang một chặng đường mới, nhưng con cháu nhà Lê ở Thanh Hóa và các cựu thần nhà Lê vẫn còn đó, nhà Lê trung hưng được thành lập năm 1533. Từ đó, đất nước bị chia cắt phân tranh bởi hai tập đoàn: Bắc triều nhà Mạc, Nam triều nhà Lê trung hưng. Nội chiến Nam - Bắc triều diễn ra khốc liệt từ đó cho đến gần cuối thế kỷ XVI. Từ nửa cuối thế kỷ XVI, tại Nam triều lại diễn ra một cục diện khác: Trịnh và Nguyễn, dù cả hai đều tôn phò nhà Lê trung hưng. Nếu từ khoảng giữa thế kỷ thế kỷ XVI chiến tranh giữa hai tập đoàn Lê - Mạc đã diễn ra cho đến gần cuối thế kỷ, nhà Lê trung hưng mới giành lại Thăng Long, đuổi nhà Mạc chạy lên Cao Bằng (1592), tiếp theo, chiến tranh giữa chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong kéo dài hơn một thế kỷ. Cuộc chiến nội bộ tương tàn ấy đã làm cho đất nước suy thoái, nhân dân lầm than. Nhiều cuộc khởi nghĩa của quần chúng nông dân nổi dậy chống lại phong kiến diễn ra khắp nơi. Vì thế, đến cuối thế kỷ XVIII chế độ phong kiến Việt Nam đã bước sang giai đoạn mục nát trầm trọng không phương cứu chữa. Chiếc ngai vàng của chế độ phong kiến vốn đã lung lay, giờ đây lại thêm rệu rã và mục ruỗng.
Chưa bao giờ chế độ phong kiến và giai cấp phong kiến Việt Nam lại bộc lộ bản chất phản động một cách sâu sắc và toàn diện như ở giai đoạn này trên mọi phương diện quản lý kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, ngoại giao, văn hóa, tư tưởng… của đất nước.
Trên lĩnh vực kinh tế, nông nghiệp vốn đã lạc hậu giờ đây bị đình trệ trầm trọng. Nền sản xuất hàng hóa vốn đã nẩy nở từ trước đến giai đoạn này thì bị trì trệ, kìm hãm bởi chiến tranh liên miên, bởi đất nước bị chia cắt và cũng bởi chính sách
bảo thủ của chế độ phong kiến. Thực trạng này đã được nhiều sử sách ghi lại. Chẳng hạn, sách Lịch triều tạp kỷ của Lê Cao Lãng có chép: “Ruộng đất tư của dân nghèo phần nhiều rơi vào tay kẻ hào phú” và “dân nghèo không còn miếng đất cắm dùi” [dẫn lại: 294] mà việc này chúa Trịnh đã thừa nhận. Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí mục Quốc dụng chí có ghi:
“Vào khoảng năm Giáp Thìn (1724), xét trong dân gian, ai có nghề nghiệp gì là chiếu bổ thuế thổ sản. Vì sự trưng thu quá mức, vật lực kiệt không thể nộp nổi đến nỗi người ta bần cùng mà phải bỏ cả nghề nghiệp. Có người vì thuế sơn mà phải chặt cây sơn, có người vì thuế vải lụa mà phải chặt khung cửi. Cũng có kẻ vì phải nộp gỗ mà phải bỏ rìu, búa, vì phải bắt cá tôm mà xé lưới chài, vì phải nộp mật mía mà không trồng mía nữa, vì phải nộp bông chè mà bỏ hoang vườn tược. Làng xóm náo động.” [27]
Vì thế mà các nhà Sử học thời nay đã kết luận: “Quan hệ sản xuất phong kiến đã trở thành vật chướng ngại trên con đường tiến lên của sức sản xuất, chế độ phong kiến đã đối lập với sự phát triển của xã hội.” [294]
Trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao, giai cấp phong kiến càng trở nên hủ bại hơn bao giờ hết. Chưa bao giờ lịch sử nước ta lại xuất hiện những tên vua tên chúa vô sỉ như giai đoạn lịch sử này mà tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có ghi lại hình ảnh những con người đại diện cho giai cấp ấy. Đó là Lê Hiển Tông chỉ biết hưởng thụ chứ không nghĩ đến nhân dân đất nước: “Trời sai chúa phò hộ ta, chúa gánh cái lo, ta hưởng cái vui, mất chúa cái lo lại về ta, ta còn vui gì”; Đó là Trịnh Sâm chỉ biết ăn chơi, mê đắm Đặng Thị Huệ, để cho Đặng Mậu Lân là em của Huệ làm những điều xằng bậy giữa thanh thiên bạch nhật nơi kinh thành, hay như việc chúa phế trưởng lập thứ nên mới dẫn đến cái loạn kiêu binh; Đó là Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà”, mà việc làm này đã dọn đường cho Nguyễn Ánh bắt chước vào những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí có chép lại về mối quan hệ giữa Lê Chiêu Thống và tướng nhà Thanh là Tôn Sĩ Nghị như sau:
“Tuy là hoàng thượng được phong vương nhưng giấy tờ được đưa đi các nơi vẫn viết niên hiệu Càn Long, vì Nghị còn ở đấy nên không dám viết niên hiệu Chiêu Thống”, và: “Ngày ngày tan buổi chầu, ngài (chỉ Lê Chiêu Thống) tự đến dinh Nghị chờ nghe việc quân quốc… Nghị cũng ngông nghênh tự đắc, hoàng thượng đến dinh có khi Nghị không buồn tiếp, chỉ cho
người đứng trên linh các truyền rằng: Nay không có việc quân quốc, hãy về
cung nghỉ”. [161]
Trên phương diện sinh hoạt đạo đức, đây là lúc xuất hiện những bạo chúa khét tiếng dâm ô, tàn ác như Trịnh Giang (1728-1740), Trịnh Sâm (1767-1782); những tham quan chuyên vơ vét của dân như Trương Phúc Loan ở Đàng Trong; những quốc thích lộng hành như Đặng Mậu Lân ở Đàng Ngoài. Tất cả bọn chúng đã được sử sách ghi lại không phải vì công to đức lớn mà là vì những hành động xấu xa, bạo ngược.
Nét nổi bật nhất của giai đoạn này là tình trạng rối ren hỗn loạn về chính trị xã hội nảy sinh trên cơ sở đấu tranh giai cấp quyết liệt và tình trạng phân liệt dữ dội trong nội bộ hàng ngũ giai cấp phong kiến. Xung quanh cái ngai vàng mục ruỗng là một mớ bùng nhùng của những tập đoàn, phe phái giữa Lê - Trịnh, Trịnh - Nguyễn, Trịnh Tông - Trịnh Cán… tranh chấp, chém giết lẫn nhau để giành ngôi vị. Một đất nước với tình trạng cát cứ: chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, rồi vua Lê chúa Trịnh, cung vua phủ chúa tồn tại song song khoảng 200 năm, bắt đầu từ cuộc Lê - Mạc phân tranh (Nam - Bắc triều) hồi giữa thế kỷ XVI là một thực trạng trái với nguyên tắc đạo lý và tổ chức Nho gia “Thiên vô nhị nhật, quốc vô nhị quân.” (Trên trời không có hai mặt trời, trong nước không có hai ông vua).
Tình trạng cát cứ đó đến gần cuối thế kỷ XVIII mới chấm dứt bởi cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Phong trào Tây Sơn nổi dậy tiêu diệt chúa Nguyễn ở Đàng Trong, rồi chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, tôn phò vua Lê, nhưng vua Lê chẳng làm nên trò trống gì, lại “rước voi giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà” nên Bắc Bình vương Nguyễn Huệ mới xưng hoàng đế kéo đại binh ra Bắc tiêu diệt quân Thanh xâm lược, để lập nên triều đại Tây Sơn với hai đời vua: Quang Trung (1789-1792), Quang Toản (1792- 1802).
Nhưng từ năm 1790, tại Xiêm La (Thái Lan ngày nay), cháu của chúa Nguyễn là Nguyễn Ánh tiến hành công cuộc khôi phục quyền bính. Nhân cơ hội Quang Trung đột tử, nội bộ Tây Sơn lục đục, Nguyễn Ánh chuyển sang thế phản công, được sự trợ lực của ngoại viện, đã kéo quân về nước chiếm lại Sài Gòn - Gia Định, chiếm lại Quy Nhơn (1799) rồi Phú Xuân (1801), đề sau đó lên ngôi lập nên nhà Nguyễn vào năm 1802.
Sau khi đánh đổ Tây Sơn, nhà Nguyễn đã thiết lập chính quyền phong kiến thống nhất từ Nam ra Bắc. Đây là công lao rất lớn của nhà Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Nhưng nếu đứng trên lập trường dân chủ, dân tộc và nhân dân, thì công bằng