mà nói, nhà Nguyễn ít nhiều đã đi ngược lại với dân tộc. Khác với các vương triều phong kiến trước đó thường thiết lập trên cơ sở thắng lợi của chiến tranh vệ quốc, giải phóng dân tộc, còn ở đây nhà Nguyễn không thắng lợi bằng thực lực mà phải dựa vào thế lực nước ngoài như các nhà Sử học Việt Nam đã nhận định: “Trong lịch sử nước ta, các vương triều tiến bộ trước đây đều được thiết lập trên thắng lợi của một cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, hoặc sau khi thiết lập đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc, củng cố thống nhất quốc gia. Đó là cơ sở chủ yếu tạo nên sức mạnh của các vương triều” [294]. Vì thế mà chính quyền triều Nguyễn nhanh chóng bị phân hóa nội bộ với thái độ nghi kỵ và hẹp hòi. Hàng loạt vụ biếm truất, giết hại công thần diễn ra, khủng bố gắt gao con cháu và hàng ngũ quan lại các triều vua cũ. Hậu quả của chính sách cai trị đó là quần chúng nổi dậy chống đối lại. Ví dụ như đầu đời Gia Long, Nguyễn Văn Thành cho phổ biến “Điểm mê khúc” để lên án những kẻ chống đối mà họ gọi phiến loạn, thì nhân dân đáp lại bằng “Tố khuất khúc” để vạch trần tội ác của vua quan nhà Nguyễn. Dù nhà Nguyễn tồn tại 143 năm, nhưng nếu tính từ ngày thiết lập vương triều (1802) cho đến khi Pháp xâm lược (1858) thì chỉ mới 56 năm, vậy mà triều đại này đã giữ kỷ lục về các cuộc khởi nghĩa nông dân trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam. Điều đó cũng góp phần giải thích tại sao khi triều đại này va chạm với một thế lực xâm lược mới thì lại nhanh chóng sụp đổ và dẫn đến mất nước bởi ngoại bang, là bởi triều đại đó đã làm mất lòng dân! Đành rằng việc mất nước, không chỉ do nguyên nhân vừa nêu, nhưng đó là một trong những nguyên nhân chính. Cũng cần lưu ý là, hiện tượng thực dân hóa này là có tính chất thời đại, diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, không chỉ riêng gì ở Việt Nam hay châu Á.
1.1.1.2. Suốt thế kỷ XVIII và nửa đầu XIX được sử sách ghi nhận và tôn vinh là thế kỷ nông dân khởi nghĩa. Nếu từ cuối thế kỷ XVII trở về trước, phong trào nổi dậy của quần chúng chỉ diễn ra lẻ tẻ thì sang thế kỷ XVIII trên đất nước ta đã diễn ra một phong trào nông dân khởi nghĩa liên tục, rộng khắp và quyết liệt, mạnh mẽ chưa từng thấy. Xin được nêu ra đây vài cuộc khởi nghĩa với quy mô lớn mạnh của những lãnh tụ kiệt xuất với một thời vang bóng làm các vương triều phong kiến điêu đứng như cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương từ 1741 đến 1750; của Quận He Nguyễn Hữu Cầu từ 1741 đến 1751; của Hoàng Công Chất từ 1736 đến 1796. Ngoài ra còn rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ khác diễn ra ở đồng bằng có, miền núi có, ở kinh đô lẫn nơi thôn xóm và người tham gia không chỉ dân đen mà còn có cả người tu hành lẫn người trong tôn thất hoàng tộc nhà Nguyễn. Như sử sách đã chép, trong 17
năm dưới triều Gia Long (1802-1819) có 50 cuộc khởi nghĩa; trong 20 năm trị vì của Minh Mạng (1920-1840) có đến trên 200 cuộc khởi nghĩa [xin xem: 267].
Đỉnh cao của phong trào nông dân khởi nghĩa là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với chiến công quét sách một lúc ba tập đoàn phong kiến trong nước và chiến công vệ quốc vĩ đại đánh tan hai trăm ngàn quan Thanh xâm lược trong một cuộc hành quân thần tốc và chiến thắng chớp nhoáng. Cuộc khởi nghĩa này bùng nổ ở Tây Sơn, Bình Định vào năm 1771, đánh dấu bằng chiến công vẻ vang của lãnh tụ áo vải Nguyễn Huệ, mở đầu cho triều đại Tây Sơn: chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (1784-1785) đã đập tan quân ngoại viện Xiêm La đưa vào giúp Nguyễn Ánh; ra Bắc lần thứ nhất (1786) tiêu diệt cơ đồ trên 200 năm của chúa Trịnh, khôi phục quyền lực cho vua Lê, nhưng vua Lê lại lúng túng như gà mắc tóc, không biết xoay xở, lại dựa vào bọn cơ hội, để khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần nữa thì vua tôi nhà Lê lại cầu viện nhà Thanh. Lần ra Bắc vào đầu năm 1789 với chiến công đại thắng quân Thanh xâm lược là ánh hào quang chói lọi của phong trào nông dân khởi nghĩa và cũng là của vương triều Tây Sơn mà lịch sử mãi mãi vinh danh.
Chính sự bùng nổ đấu tranh của quần chúng trong lòng xã hội cuối thời trung đại như thế ít nhiều sẽ tạo nên nhân tố mới để chuyển hóa sang loại hình thời cận đại và sẽ dẫn đến sự ra đời của một tầng lớp mới, một giai cấp mới, tuy giai cấp này chưa phát triển đầy đủ và toàn diện, đó là tầng lớp thị dân.
1.1.1.3. Tầng lớp thị dân này đã hình thành trong giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến và gắn liền với nền kinh tế hàng hóa cùng thế lực đồng tiền, mà nền kinh tế hàng hóa ở nước ta đã có manh nha từ trước, đến thế kỷ XVI-XVII có nhiều bước phát triển đáng kể, nhất là khi ta tiếp xúc và giao lưu với các thương gia qua các tàu buôn phương Tây, để sang thế kỷ XVIII thì phát triển đủ mạnh về lực và lượng. Mặc dù các triều đại phong kiến thường thi hành chính sách “trọng nông ức thương” nhưng do yêu cầu phát triển của xã hội, các lĩnh vực công thương nghiệp vẫn phát triển, các tầng lớp thương nhân và thợ thủ công ngày càng đông đảo, tập trung ở các thương cảng, ở các đô thị và hoạt động của họ đã kích thích sản xuất hàng hóa phát triển. Dù các tầng lớp này ở nước ta bấy giờ chưa phát triển đến độ chín muồi và hoàn chỉnh để trở thành một lực lượng giai cấp mới để tác động tích cực đến sự phát triển chính trị, văn hóa, xã hội, nhưng do sinh hoạt kinh tế, họ đã phần nào ly khai với quan hệ sản xuất phong kiến. Tầng lớp thương nhân - thị dân với cuộc sống nay đây mai đó, giao tiếp rộng rãi với nhiều tầng lớp khác nhau, kể cả với thương nhân nước ngoài, do vậy cuộc sống và suy nghĩ của họ tương đối rộng mở, tự do hơn nếu
so với cuộc sống của tầng lớp nông dân thường bị cột chặt vào mảnh vườn thửa ruộng hay so với cuộc sống của tầng lớp nho sĩ luôn bị ràng buộc với những thể chế giáo điều chính thống. Tầng lớp thương nhân, thợ thủ công này ở phố thị ít nhiều cũng có mâu thuẫn với giai cấp phong kiến trên lĩnh vực kinh tế, nên nhiều người trong số họ đã đứng vào hàng ngũ nông dân khởi nghĩa, và ít nhiều đã đưa lại những làn gió mới thổi vào đời sống tư tưởng, tinh thần của thời đại.
Có thể bạn quan tâm!
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 1
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 2
- Xã Hội - Văn Hoá - Tư Tưởng Đại Việt Thế Kỷ Xviii
- Tác Giả Của Tác Phẩm Trúc Lâm Tông Chỉ Nguyên Thanh
- Theo Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm, Tập 3, Tr.131 Thì Ông Sinh Năm Quý Dậu (1753).
- So Sánh Hai Bản Dịch Của Viện Hán Nôm Và Của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
Thời đại hoàng kim của chế độ phong kiến Lý - Trần - Lê sơ (từ thế kỷ X đến
XV) chỉ còn vang bóng, nên đến thế kỷ XVIII, nhất là vào giữa thế kỷ XIX khi va chạm và đối địch với một thế lực đến từ phương Tây, dù giai cấp phong kiến Việt Nam có cố gắng chống lại nhưng cuối cùng vẫn bị rơi vào bi kịch mất nước, nô lệ.
1.1.2. Văn hoá - Tư tưởng Đại Việt thế kỷ XVIII
1.1.2.1. Sự suy sụp của ý thức hệ phong kiến và sự phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn trong thế kỷ nông dân khởi nghĩa
Đây là một đặc điểm nổi bật của lịch sử - văn hoá - tư tưởng ở nước ta vào thế kỷ XVIII và nửa đầu thế kỷ XIX.
Những biến cố của lịch sử đầy bão táp đã làm rung chuyển, thay đổi, đảo lộn cả một nền nếp hệ thống tư tưởng phong kiến ngự trị trên tám trăm năm. Lúc này ý thức phong kiến vẫn giữ địa vị chính thống nhưng không còn đủ sức để kìm hãm con người. Tư tưởng của giai cấp thống trị tự bộc lộ những mâu thuẫn và đang đi vào con đường khủng hoảng đến độ vô phương cứu chữa; đồng thời trong bản thân nó lại bị tấn công bởi những khuynh hướng tư tưởng nhân văn của quần chúng và lúc này có một tôn giáo mới xuất hiện: Kitô giáo từ bên ngoài xâm nhập, mà tôn giáo này hoàn toàn xa lạ và “dị đoan” với các tư tưởng, tôn giáo truyền thống.
Trước hết là sự suy yếu của ý thức hệ phong kiến. Cùng với sự hủng hoảng của toàn bộ cơ cấu xã hội phong kiến, nho giáo - rường cột tinh thần của chế độ đã từng giữ địa vị gần như độc tôn trong nhiều thế kỷ trước - đến lúc này đã khủng hoảng nghiêm trọng. Sự suy yếu này chủ yếu xuất phát từ sự công phá của trào lưu tư tưởng nhân văn xuất hiện từ trong phong trào đấu tranh của quần chúng nhằm tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc tươi đẹp; từ thái độ muốn tìm nguồn an ủi trong tư tưởng từ bi khoan dung của nhà Phật; từ khuynh hướng phiêu diêu tự tại hòa với thiên nhiên, xa lánh cuộc đời, chán ghét công danh lợi lộc của Lão - Trang; từ ảo tưởng duy tâm mê tín của Đạo giáo… nhưng quan trọng hơn, sự phá sản này đã nảy sinh ngay trong hàng ngũ giai cấp đã tôn sùng và nuôi dưỡng Nho giáo. Lúc này, những khuôn vàng thước ngọc của Nho giáo như “Tam cương Ngũ thường” bị sụp đổ thảm hại. Điều
này tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái có ghi lại sắc nét. Chẳng hạn, việc Vũ Văn Nhậm được Bắc Bình vương Nguyễn Huệ phái ra Bắc để dẹp loạn và trấn an, nhưng Lê Chiêu Thống vì quá sợ hãi mà bỏ chạy khỏi kinh đô, khi qua sông Như Nguyệt phải nhờ Trấn thủ Nguyễn Cảnh Thước cho người đưa đò sang sông, ông Trấn thủ này đã mở hòm lấy 40 lạng vàng còn lại của vua, rồi khi vua qua sông, ông ta còn cho người chạy theo lột chiếc ngự bào đang mặc, nhà vua ứa nước mắt mà cởi chiếc ngự bào đưa cho chúng. Hay như Tuần huyện Trang đã tự ý nộp chúa Trịnh Tông cho Tây Sơn để lĩnh thưởng, Lý Trần Quán đã quở trách hắn “Chúa là chúa của thiên hạ mà ta là thầy của ngươi” thì hắn nói “Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu thân”. Lý tưởng tôn quân ấy giờ đây không còn thì nói gì đến các chữ trung, hiếu, tiết, nghĩa. Cái xã hội bấy giờ nói theo Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút là “đời suy thói tệ”, “thế đạo ngày một sút kém”, “danh phận lung tung không còn ai biết đâu mà thuận với nghịch nữa”. Thực trạng suy thoái đạo lý ấy đã dẫn đến tâm lý khủng hoảng về lý tưởng trong sĩ phu bấy giờ: lý tưởng về chí nam nhi, với tâm trạng buồn đau, bế tắc như thơ của Nguyễn Du (bài Tạp thi), của Lê Hữu Trác (bài Thuật hoài), của Cao Bá Quát (bài Sa hành đoản ca, v.v..) là minh chứng.
Thứ đến là sự phát huy mạnh mẽ truyền thống nhân văn và tác động của nó đối với tầng lớp nho sĩ tiến bộ. Tư tưởng nhân văn vốn là một phẩm chất truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta từ lâu đời. Đến thế kỷ XVIII trước sự khủng hoảng của ý thức hệ phong kiến, trước những biến động của thởi đại lịch sử, con người có điều kiện vùng lên đòi quyền sống, tự do, hạnh phúc. Nội dung nhân văn chủ nghĩa của thế kỷ nông dân khởi nghĩa biểu hiện chủ yếu và trước hết là ở mối quan hệ chống đối giữa quần chúng lao động với giai cấp thống trị và với hệ tư tưởng phong kiến. Những cuộc khởi nghĩa của nông dân bùng nổ liên tục và dồn dập chính là bộc lộ tâm trạng bất mãn, thể hiện sự phẫn nộ của quần chúng đối với giai cấp thống trị, đối với hiện thực xã hội phong kiến, đồng thời thể hiện khát vọng về một cuộc sống tự do hạnh phúc, thoát khỏi những ràng buộc khắt khe, những thế lực hắc ám của xã hội phong kiến.
Thế thì truyền thống nhân văn, tinh thần chống đối và khát vọng giải phóng của thời đại đã tác động đến tầng lớp trí thức nho sĩ phong kiến như thế nào? Trong xã hội phong kiến, nho sĩ bao giờ cũng là tầng lớp chủ đạo của xã hội và cũng là đội ngũ chính trên văn đàn. Thơ văn của tầng lớp trí thức phong kiến chân chính tiến bộ này đã chịu sự tác động sâu sắc của truyền thống nhân văn chủ nghĩa, làm nên một sự chuyển biến về chất trong khuynh hướng tư tưởng xã hội. Họ đã thoát khỏi chỗ
đứng của giai cấp mình để đồng cảm với cuộc sống lao khổ, đói cơm rách áo của quần chúng nhân dân, đồng thời họ sẽ đồng tình với quần chúng và đứng vào hàng ngũ của quần chúng trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến. Trong nhận thức, trong thế giới quan và trong thái độ chính trị của trí thức nho sĩ bấy giờ có sự chuyển biến mạnh mẽ. Chữ “Trung” đối với họ giờ đây không phải hiểu và thực hiện một cách cứng nhắc, mà được vận dụng một cách mềm dẻo linh hoạt. Theo Tống Nho, lý tưởng trung quân của kẻ sĩ là “trung thần bất sự nhị quân”, nhưng ở triều đại Tây Sơn, nhiều trí thức phong kiến đã từng làm quan cho triều Lê - Trịnh thì giờ đây họ đã tập hợp dưới ngọn cờ nghĩa của Tây Sơn. Bộ sử Việt sử thông giám cương mục và tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí đã có ghi rằng: những người (chỉ những trí thức từng làm quan dưới triều Lê - Trịnh) không ra làm quan với Quang Trung vẻn vẹn chỉ còn 7, 8 người. Triều đại Tây Sơn đã thu hút số đông kẻ sĩ Bắc hà đến với mình một phần là do sự tác động của chiến công vệ quốc oai hùng vĩ đại do người anh hùng áo vải tạo nên và một phần còn là do chính sách chiêu hiền đãi sĩ của vua Quang Trung. Tất nhiên, trong số đó cũng không loại trừ một số vì ham danh vụ lợi, vì tư tưởng cầu an bảo mạng như trường hợp của Bùi Dương Lịch (1757-1827) có mặt trong ba triều đại: Lê - Trịnh, Tây Sơn và Nguyễn để đến nỗi người đương thời làm thơ chế giễu: “Cảnh Hưng cử Tiến sĩ, Tây ngụy nhập Hàn lâm. Bản triều vi Đốc học, Dữ thế cộng phù trầm.” (Đời Cảnh Hưng thi đỗ Tiến sĩ, Triều Tây Sơn làm ở viện Hàn lâm. Đến triều Nguyễn làm Đốc học, Ông ta thật đúng là chìm nổi cùng với cuộc đời). Trừ vài trường hợp cơ hội, thì đa phần đều là những nho sĩ chân chính với nhân cách tiết tháo, họ đã nhận thức được chính nghĩa của dân tộc, ý thức được chủ quyền độc lập nên đã đến với Tây Sơn. Ngay cả người trí thức tuyệt vời cao cả suốt đời ẩn cư nơi thôn xóm như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, sau bao nhiêu lần vua Quang Trung ân cần mời mọc, cuối cùng ông đã ra giúp với chức vụ Viện trưởng Sùng Chính viện lo việc văn chương từ hàn; hay như Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, v.v.. đều là những vị quan cao cấp triều Lê - Trịnh, thì giờ đây các vị này là những cộng sự đắc lực của vương triều Tây Sơn trong việc bang giao và cải tổ đất nước, trị quốc an dân.
Bên cạnh thái độ chính trị với ý thức hệ, còn có khuynh hướng phát triển những đòi hỏi của cuộc sống cá nhân mà nổi bật là khát vọng giải phóng tình cảm lứa đôi. Tình yêu trai gái, vốn đã có nét tự do rộng mở trong ca dao, còn trong văn học viết trước đây ít nhiều cũng đã có mầm mống, nhưng đến giai đoạn này mới có thêm những biểu hiện mới mẻ và phát triển đến mức độ sâu sắc. Yêu cầu giải phóng tình
dục, một biểu hiện của khát vọng nhân văn, cũng là một hiện tượng đáng lưu ý. Đọc lại Vũ trung tùy bút mới thấy Phạm Đình Hổ hay lên án cái cảnh “trên bộc trong dâu”, có sự phê phán này, chắc là cái cảnh ấy đã xảy ra khá phổ biến lúc bấy giờ. Dĩ nhiên cái chuyện tình yêu tự do, chuyện trăng gió vốn là nhu cầu rất nhân bản của con người mà trước đó các câu chuyện của Nguyễn Dữ trong Truyền kỳ mạn lục như: Mộc miên thụ truyện, Tây viên kỳ ngộ ký đã phản ánh, đến thời Lê - Trịnh (thế kỷ
XVIII) được thể hiện đậm nét, đặc biệt nhất là trong Hoa viên kỳ ngộ tập ra đời vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Nhưng điều quan trọng là qua những chuyện ấy, cái nhìn của nhân dân rộng mở hơn so với cái nhìn của nho gia đầy tỏa chiết. Đó cũng là lý do để lý giải những câu thơ đầy nhục cảm trong Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, trong những vần thơ “nổi loạn” đầy táo bạo của Hồ Xuân Hương hay ỡm ờ đến trắng trợn của Chiêu Hổ mà giai thoại văn chương có ghi nhận. Dĩ nhiên tư tưởng nhân văn ấy là của nhân dân trong giai đoạn suy tàn của chế độ phong kiến. Tư tưởng ấy được trui rèn và nẩy nở trong thực tiễn đấu tranh giải phóng giai cấp, dù còn thiếu tính tự giác, thiếu hệ thống lý thuyết và tư tưởng này có sự dung hợp với những yếu tố tích cực trong hệ thống tư tưởng Phật - Lão - Nho và với cả tư tưởng phi chính thống của tầng lớp thị dân đương thời. Tư tưởng đó đã tác động tích cực đến tầng lớp nho sĩ tiến bộ thân dân lúc bấy giờ, mà ít nhiều họ đã thể hiện trong sáng tác văn chương của mình.
Tư tưởng ấy đã tạo nên bước phát triển mới của tinh thần dân tộc. Chính ánh hào quang rực rỡ của phong trào Tây Sơn chiến thắng ngoại xâm, thống nhất giang sơn đã đưa đến một bước phát triển mới của chủ nghĩa yêu nước, của ý thức dân tộc, thể hiện cốt cách Việt Nam, tâm hồn Việt Nam hoàn chỉnh ở bề rộng và kết tinh rực rỡ ở chiều sâu. Sự kết hợp truyền thống yêu nước và nhân văn của dân tộc ở thế kỷ này đã tạo nên một diện mạo văn hóa mới với những thành tựu rực rỡ và phong phú chưa từng có trong lịch sử Việt Nam thời trung đại.
1.1.2.2. Vài thành tựu văn hoá - tư tưởng tiêu biểu
Có một nghịch lý là xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII đang đi vào khủng hoảng trầm trọng rồi dẫn đến bi kịch lịch sử mất nước vào giữa thế kỷ XIX, thì ngược lại các lĩnh vực văn hóa - tư tưởng, văn học nghệ thuật giai đoạn này lại phát triển mạnh mẽ, phồn thịnh.
Thời kỳ thịnh đạt của chế độ phong kiến trải qua các triều đại Lý - Trần - Lê sơ với những chiến công chống ngoại xâm: phá Tống, bình Chiêm, diệt Nguyên Mông, đánh tan giặc Minh và công cuộc xây dựng quốc gia phong kiến Đại Việt hùng mạnh
đến gian đoạn này chỉ còn là vang bóng. Những khủng hoảng nội bộ bắt đầu xuất hiện. Sau và đồng thời với chiến tranh nội chiến tương tàn (các thế kỷ XVI, XVII,
XVIII) là phong trào nông dân khởi nghĩa. Tuy nội tình đất nước đang đi dần vào suy vong dẫn đến bi kịch nhưng sự nghiệp xây dựng văn hóa của thời đại trước đến đây vẫn tiếp tục thực hiện trong điều kiện đặc biệt ấy. Ở Việt Nam lúc này dù chưa xuất hiện một giai cấp mới với hệ tư tưởng tiên tiến của lý tưởng dân chủ tư sản chống phong kiến, nhưng văn hóa Việt Nam lại phát triển theo hướng tinh thần dân tộc truyền thống, tư tưởng nhân văn truyền thống được kết tinh trong văn hóa dân gian kết hợp với yếu tố dân chủ, tự do của quần chúng được phát huy trong cao trào đấu tranh chống phong kiến qua các cuộc khởi nghĩa của nông dân, do vậy đã tạo nên một diện mạo văn hóa mới. Đây là “một hiện tượng mang tính nghịch lý” giữa sự phát triển xã hội và sự phát triển văn hóa, như Viện sĩ M.B.Khrapchenko đã đúc kết trong Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển văn học [142].
Chính tinh thần dân tộc và truyền thống nhân văn ấy đã tạo nên một luồng sinh khí lành mạnh để thổi vào tâm hồn và trí tuệ của những con người của thời đại, vào đời sống văn hóa và học thuật, vào đời sống văn học nghệ thuật để tạo nên một diện mạo mới, mà những nhân cách văn hóa ưu tú - kiệt xuất của dân tộc trong giai đoạn này đã biết tìm về dân tộc, hướng đến nhân dân như Ngô Thì Sĩ, Lê Quý Đôn, Lê Hữu Trác, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Du, Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, v.v.. Cho nên có thể nói thế kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX, nhất là thế kỷ XVIII là thế kỷ phát triển đột biến về văn hóa tư tưởng. Ý thức dân tộc đến thế kỷ này đã trưởng thành toàn diện, biểu hiện ở những hiện tượng kết tinh văn hóa rực rỡ chưa từng có trong suốt mười thế kỷ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập ở thời trung đại.
Điều cần lưu ý là về điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho sự phát triển văn hóa thì ở thế kỷ này cũng chưa có gì hơn hẳn nếu so với các giai đoạn trước. Nghề in có phát triển đôi chút, sách in và xuất bản trong nước đã xuất hiện nhiều hơn là nhờ chúa Trịnh ra lệnh cấm nhập các sách in từ Trung Quốc, tuy vậy số lượng bản in cũng không nhiều là bao, lại là in mộc bản, chứ chưa có phương pháp dùng chữ in rời. Ở kinh đô đã có một số cơ sở kinh doanh bằng nghề in sách như Tích Thiện đường, Lạc Thiện đường, v.v..; trong Sài Gòn - Chợ Lớn có Duy Minh Thị, v.v.. Phương tiện lưu thông phát hành vẫn còn bị hạn chế, phổ biến vẫn là lưu hành bằng cách chép tay rồi chuyền cho nhau. Nhà văn chưa phải là một nghề sinh sống, sách được in nhưng tác giả vẫn không được hưởng nhuận bút như ở thời hiện đại.
Giai đoạn này có một số thi xã xuất hiện. Phong trào sinh hoạt văn nghệ dân gian nơi các vùng văn hóa diễn ra khá mạnh mẽ, chính phong trào này góp phần hình thành các tác gia ưu tú của dân tộc, mà thi hào Nguyễn Du là sự kết tinh đó. Hát ả đào là một thể loại gắn liền với văn học và nghệ thuật đến giai đoạn này thịnh hành và phát triển. Âm nhạc và sân khấu (tuồng, chèo) không chỉ là món tiêu khiển của giới quý tộc nơi cung đình mà còn là nhu cầu thưởng thức của nhiều tầng lớp quần chúng. Kiến trúc và điêu khắc phát triển đến đỉnh cao với nhiều công trình độc đáo, kiệt tác của thế kỷ này cho đến nay vẫn là niềm tự hào của dân tộc, mà đa số những công trình này thường gắn với chùa chiền Phật giáo.
Học thuật lúc này có những bước tiến và có nhiều thành tựu với nhiều công trình mang tính bách khoa thư thuộc các chuyên ngành nghiên cứu lịch sử, địa lý, y học, văn học. Ở đó, thế giới tự nhiên như: cương vực, phong thổ, canh tác, phẩm vật, vũ trụ, tinh vân… và thế giới con người như: tư tưởng triết học, luân lý đạo đức, phong tục tập quán, văn hóa nghệ thuật là đối tượng nghiên cứu của nhiều học giả, kết tinh ở nhiều công trình của những danh sĩ tên tuổi như Lê Hữu Trác (1720-1791) với bộ y học nổi tiếng với bộ Hải Thượng Lãn Ông Y tông tâm lĩnh gồm 66 tập; Lê Quý Đôn (1726-1784) với 15 bộ sách đồ sộ bao quát nhiều ngành khoa học xã hội và tự nhiên như Đại Việt thông sử (30 quyển), Toàn Việt thi lục (20 quyển), Hoàng Việt văn hải, Vân đài loại ngữ (9 quyển), Quần thư khảo biện, Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục…; Ngô Thì Sĩ (1726-1780) với Việt sử tiêu án đã khảo sát và phê bình lịch sử trên quan điểm khách quan và tinh thần duy lý; Phan Huy Chú (1781-1840) với bộ Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển đã khảo cứu ghi chép về 10 loại chí (10 bộ môn) thuộc các lĩnh vực khoa học như Dư địa, Nhân vật, Quan chức, Lễ nghi, Khoa mục, Quốc dụng, Hình luật, Binh chế, Văn tịch, Bang giao mà theo nhận định của các nhà nghiên cứu ở Viện Sử học Việt Nam thì sự phân loại và hệ thống hoá của Phan Huy Chú trong bộ sách này lại phân minh, rành mạch, hệ thống hoá hơn nếu so với bộ sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn.
Về mặt ý thức hệ và tư tưởng, như trên có nêu, tư tưởng Nho giáo, một hệ ý thức chính thống của giai cấp phong kiến, đến thế kỷ XVIII, không còn đủ sức để ảnh hưởng và toả chiết con người, nhất là đối với trí thức nho sĩ. Lúc này ý thức thị dân và con người cá nhân trỗi dậy với khát vọng đòi quyền sống. Nhà nho mất chỗ dựa, mất phương hướng, nên để khẳng định sự tồn tại của mình, một mặt, họ tìm về cội nguồn tinh thần và truyền thống nhân văn của dân tộc; mặt khác, họ còn tìm về Phật, về Đạo với tư tưởng Lão - Trang trên cơ sở quan niệm “Tam giáo đồng