nguyên”, mà quan niệm tinh thần này đã có từ lâu trong truyền thống văn hoá tư tưởng Việt trước và trong khi tiếp xúc với văn hoá Trung Hoa.
Đó là một trong vài nguyên nhân chính để lý giải vì sao lúc này các nhà nho lại tìm về với Phật, nghiên cứu về Phật, luận bàn về Phật về Thiền với một quan niệm dung hợp, rộng mở. Điều này, nhà bác học Lê Quý Đôn đã nhận xét trong thiên Thiền dật, sách Kiến văn tiểu lục:
“Giáo lý của Phật - Lão chuộng sự thanh đạm, thoảng không mọi nỗi, siêu việt thế tục, lắng hết căn trần, không để ngoại vật ràng buộc được bản thân. Đó là cách độc thiện kỳ thân của bậc cao minh. Những lời đàm luận sâu xa về đạo đức, rộng rãi về hình thần đều hàm chứa ý nghĩa thâm sâu huyền diệu. Nho sĩ chúng ta, nếu cứ giữ thành kiến kỳ thị đạo này đạo kia, mà điều gì cũng biện bác chê bai, thì sao cho phải?” [45,tr.187]
Chính sự đổi thay ít nhiều trong quan niệm tư tưởng, trong ý thức hệ đã góp phần làm nên diện mạo và thành tựu văn hoá – tư tưởng Đại Việt thế kỷ XVIII với những con người kiệt xuất, tài hoa, “những con người khổng lồ” về nhiều mặt, con người ấy là sản phẩm của thời đại nhân văn chủ nghĩa với những biểu hiện hết sức sâu sắc và sinh động. Chính bối cảnh văn hoá tư tưởng vừa nêu là tiền đề để Ngô Thì Nhậm và các pháp hữu của ông viết nên tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh vào những năm cuối của thế kỷ thứ XVIII.
1.2. TÁC GIẢ CỦA TÁC PHẨM TRÚC LÂM TÔNG CHỈ NGUYÊN THANH
Về kết cấu, tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanhcó nhiều phần: chính văn, thanh dẫn, thanh chú, thanh tiểu khấu, được nhiều người tham gia sáng tác. Sau đây, xin được giới thiệu các tác giả của tác phẩm luận thuyết này.
1.2.1. Ngô Thì Nhậm 吳時任
Ngô Thì Nhậm (1746-1803) là người viết phần chính văn Đại chân Viên giác thanh của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Ông là một tài năng đa dạng, uyên bác nhiều lĩnh vực, một danh nhân văn hóa của dân tộc, đã có những đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực như: văn hoá, triết học, văn học, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoại giao. Ông xứng đáng được tôn vinh là nhà văn hoá - tư tưởng, là danh nhân đất Việt nửa cuối thế kỷ XVIII.
Quê gốc của dòng họ Ngô Thì ở làng Động Phang, huyện Yên Định, trấn Thanh Hoa (nay thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá). Đầu đời Lê trung hưng, dòng họ này chuyển đến ở tại làng Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, trấn Sơn Nam
Có thể bạn quan tâm!
- Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh trong văn học Phật giáo Việt Nam thời trung đại - 2
- Xã Hội - Văn Hoá - Tư Tưởng Đại Việt Thế Kỷ Xviii
- Sự Suy Sụp Của Ý Thức Hệ Phong Kiến Và Sự Phát Huy Mạnh Mẽ Truyền Thống Nhân Văn Trong Thế Kỷ Nông Dân Khởi Nghĩa
- Theo Ngô Thì Nhậm Tác Phẩm, Tập 3, Tr.131 Thì Ông Sinh Năm Quý Dậu (1753).
- So Sánh Hai Bản Dịch Của Viện Hán Nôm Và Của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học
- Tịch Nhiên Vô Thanh (Tiếng Lặng Lẽ Không Có Tiếng):
Xem toàn bộ 216 trang tài liệu này.
(về sau thuộc tỉnh Hà Đông, nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội). Theo Ngô gia thế phả, tính từ cụ Phúc Cơ, khoảng đầu thế kỷ XVI, mở nghiệp dòng họ Ngô Thì, đến đời Ngô Thì Nhậm là mười ba đời. Theo Gia phả thực biên của Ngô Thì Đậu thì sau cụ Phúc Cơ một đời là tổ Mỹ Đức công mới thực sự khởi nghiệp quan trường cho dòng họ. Sách Ngô gia thế phả ghi lại mười lăm đời dòng họ Ngô Thì, đời nào cũng có người làm quan to. Đặc biệt là đời thứ mười hai và đời thứ mười ba có nhiều người nổi tiếng văn chương, đỗ đạt cao, làm quan to dưới các triều Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn như: Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Đạo, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Chí, Ngô Thì Trí, Ngô Thì Hoàng, Ngô Thì Hương, Ngô Thì Du, Ngô Thì Thập…
Ngô Thì Nhậm tên Phó 付 tự Hy Doãn 希尹, hiệu Đạt Hiên 達軒, khi thọ giới
nhà Phật lấy pháp danh Hải Lượng 海量1. Vì Ngô Thì Nhậm có tu thiền, viết sách,
dạy thiền nên được các pháp hữu tôn xưng là Hải Lượng đại thiền sư. Ông sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần và mất ngày 16 tháng 2 năm Quý Hợi (theo dương lịch là sinh ngày 25 tháng 10 năm 1746 và mất ngày 9 tháng 3 năm 1803) trong một thế gia vọng tộc có truyền thống đạo đức, khoa bảng và văn học. Vốn là con trưởng, lại được sự dạy dỗ nghiêm khắc của nội tổ và thân phụ nên Ngô Thì Nhậm sớm đã mang trong mình trách nhiệm nặng nề của dòng họ Ngô Thì và một bầu nhiệt huyết, hoài bão kinh bang tế thế.
Ngô Thì Nhậm bắt đầu đi học lúc bảy tuổi, mười một tuổi được cụ nội là Đan Nhạc công Ngô Trân dạy dỗ. Năm mười bốn tuổi, ông đã đọc hiểu các loại kinh sách, truyện sử (kinh, sử, tử, tập). Khi ông mười sáu tuổi, cụ Đan Nhạc quy tiên, lúc này ông được thân phụ là Ngô Thì Sĩ đích thân dạy dỗ. Cũng trong năm này (1761), ông đã soạn tác phẩm đầu tiên: Nhị thập thất sử toát yếu (hiện chưa tìm được). Mười bảy tuổi thân mẫu quy tiên. Cũng năm này, ông đi thi ở trường huyện, trường phủ cả hai lần đều được hạng ưu. Năm hai mươi mốt tuổi, ông theo học với Tham chính Thanh Hoa Đan Sĩ, năm sau ông đã soạn cuốn Tứ gia thuyết phả (1766, hiện chưa tìm được).
Dưới triều Lê trung hưng, năm 1768, lúc 23 tuổi, Ngô Thì Nhậm đi thi Hương đậu Hương nguyên, năm sau đỗ khoa Sĩ vọng, được bổ nhiệm chức Hiến sát phó sứ Hải Dương, hàm Chánh thất phẩm (1769), mở đầu cho sự nghiệp quan trường của ông.
1 Chỗ này, sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, trang 9, phần chữ Hán người biên soạn chép nhầm tự dạng
thành 海亮, sự nhầm lẫn này là do hiện tượng đồng âm dị thể, tức đọc âm Hán Việt giống nhau nhưng tự
dạng chữ viết thì khác nhau.
Hai năm sau (1771), vợ kế của Ngô Thì Sĩ mất, Ngô Thì Nhậm phải gánh vác việc nhà, chăm lo cho hai em cùng cha khác mẹ là Ngô Thì Trí và Ngô Thì Hoàng, ông xin cáo quan về nhà phụng dưỡng cha. Năm 1772, Ngô Thì Nhậm dự khảo khoá ở Quốc Tử Giám, đỗ loại ưu, nhưng cáo ốm không ra làm quan, có lẽ do ông còn để tâm chuyện Hoàng Ngũ Phúc trước đây đã vu oan, cách tuột chức tước của cha ông. Cùng năm ấy, ông hoàn thành tác phẩm Hải Dương chí lược (Hải Đông chí lược).
Năm 1775 (gần 30 tuổi), Ngô Thì Nhậm dự kỳ thi Đình, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, xếp thứ 5, được triều đình bổ chức Hộ bộ Đô cấp sự trung, năm sau thăng làm Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam, lại được cử làm quan Giám khảo trường thi Hương ở Hải Dương.
Năm 1778, cùng trong một ngày, hai cha con ông được triều đình nhà Lê trung hưng thăng chức: Ngô Thì Nhậm lại được thăng Đốc đồng Kinh Bắc; còn cụ thân sinh Ngô Thì Sĩ được thăng chức Đốc trấn Lạng Sơn. Cũng năm ấy, Ngô Thì Nhậm kiêm nhiệm chức Đốc đồng Thái Nguyên và soạn xong cuốn Công vụ thành thư (hiện chưa tìm thấy), năm sau (1779), ông được thăng chức Đông các Hiệu thư.
Vâng mệnh chúa Trịnh, Ngô Thì Nhậm soạn xong cuốn Thánh triều giám thư năm 1781, được thăng chức Nhập thị Bồi tụng, rồi giữ chức Đồn điền sứ lộ Trường Yên. Thời gian này, ông hoàn thành tác phẩm Bút hải tùng đàm (được viết khoảng 1769-1782).
Từ năm 1782 đến năm 1786, ông viết bộ Xuân Thu quản kiến và tập Thuỷ vân nhàn vịnh.
Năm 1786 Lê Hiển Tông băng, Lê Chiêu Thống nối ngôi, ban cho ông chức Hộ bộ Đô cấp sự trung, sau thăng lên Hiệu thảo kiêm Toản tu Quốc sử. Trong thời gian này, ông tu chỉnh bộ Ngũ triều thực lục của Ngô Thì Sĩ để lại.
Từ năm 1775 đến năm 1788, ông hoàn thành tác phẩm Kim mã hành dư. Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, chiêu hiền đãi sĩ, mời ông cộng tác với chức Hữu Thị lang Bộ Công. Kiệt tác Bang giao hảo thoại hoàn thành trong thời gian ông cùng Phan Huy Ích đảm nhiệm trọng trách bang giao với nhà Thanh, Trung Quốc. Do có công lớn trong việc ngoại giao, năm 1790, Ngô Thì Nhậm được thăng chức Binh bộ Thượng thư, đến năm 1791, thăng Thị lang Đại học sĩ, ban hiệu Dực vận công thần, rồi năm Nhâm Tý (1792) kiêm chức Quốc sử thự Tổng tài. Tác phẩm Ngọc đường xuân khiếu được hoàn thành vào năm này. Đó cũng là năm mà vua Quang Trung băng (ngày 29 tháng 7 nhuận năm Nhâm Tý). Ngô Thì Nhậm được triều đình Tây Sơn cử làm Chánh sứ sang gặp vua nhà Thanh báo tang và cầu phong cho Quang
Toản vào tháng 2 năm Quý Sửu (1793). Tác phẩm Hoàng hoa đồ phả được ông viết trong lần đi sứ này.
Sau khi Quang Trung mất, Ngô Thì Nhậm dành nhiều thời gian nghiên cứu tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập trước đây. Theo các soạn giả bộ sách Ngô Thì Nhậm toàn tập, ông lập Thiền viện Trúc Lâm khoảng từ năm Kỷ Mùi (1789) đến năm Canh Thân (1800) [tập 1, tr.21]. Trong thời gian đó (khoảng trước năm 1796), ông hoàn thành phần chính văn của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Cũng trong khoảng thời gian này, ông hoàn thành những tác phẩm: Cúc hoa thi trận, Cẩm đường nhàn thoại (1785-1797), Thu cận dương ngôn (1797-1798), Hào mân ai lục (1780-1800), Hàn các anh hoa (1789-1801), Liên hạ thi minh (1800) mà hiện chỉ tìm thấy bài Tự thuyết của sách chép trong bộ tùng thư Ngô gia văn phái.
Năm 1802 khi Gia Long thay thế vương triều Tây Sơn thì nhà vua đã cho hạch tội một số sĩ phu trước đây từng giúp triều Tây Sơn, trong đó có Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm. Vì thế mà ngày 09 tháng 3 năm 1803, Ngô Thì Nhậm qua đời sau trận đòn trả thù của Đặng Trần Thường ở Văn miếu trước đó không lâu.
Về pháp phái truyền thừa của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm có pháp danh là Hải Lượng và các pháp hữu của ông cũng có pháp danh bắt đầu bằng chữ “Hải”, vậy các ông là đệ tử của thiền sư nào? Theo truyền thống của nhà Thiền, pháp danh của đệ tử là do sư phụ dựa theo bài kệ truyền pháp của tổ sư mà đặt cho.
Dựa theo chữ “Hải” trong pháp danh, có thể nêu ra đây ba dòng kệ có thế hệ chữ “Hải”:
- Một là, dòng kệ của thiền sư Trí Bản Đột Không: “Trí huệ thanh tịnh/ Đạo đức viên minh/ Chân như tính hải/ Tịch chiếu phổ thông/ Tâm nguyên quảng nhuận/ Bản giác xương long/ Năng nhân thánh quả/ Thường diễn khoan hằng/ Tính truyền pháp ấn/ Chứng ngộ hội dung/ Truyền trì giới định/ Vĩnh kế tổ tông.” [Thích Như Tịnh (2009), Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Nxb Phương Đông, tr.557]
- Hai là, dòng kệ của thiền sư Minh Hành Tại Tại, đệ tử đắc pháp của thiền sư Viên Văn Chiết Chiết: “Minh chân như tính hải/ Kim tường phổ chiếu thông/ Chí đạo thành chính quả/ Giác ngộ chứng chân không.” [95,tr.538]
- Ba là, dòng kệ của thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667-1742): “Thiệt tế đại đạo/ Tính hải thanh trừng/ Tâm nguyên quảng nhuận/ Đức bổn từ phong/ Giới định
phúc tuệ/ Thể dụng viên thông/ Vĩnh siêu trí quả/ Một khế thành công/ Truyền trì diệu lý/ Diễn xướng chính tông/ Hành giải tương ứng/ Đạt ngộ chân không.” [95,tr.603]
Như vậy, bổn sư truyền pháp cho Hải Lượng Ngô Thì Nhậm và các pháp hữu của ông phải thuộc thế hệ chữ “Tính” (性), mà chữ “Tính” thì cả ba dòng kệ nêu
trên đều có.
Theo Lê Mạnh Thát thì Hải Lượng là đệ tử của thiền sư Tính Quảng 性廣
thuộc dòng kệ truyền pháp của thiền sư Trí Bản Đột Không:
“Tính Quảng có thể là bổn sư trao pháp danh Hải Lượng cho Ngô Thời Nhiệm, nếu ta căn cứ vào pháp danh của hai người này được đặt theo dòng kệ truyền pháp của phái Trí Bản Đột Không thuộc dòng Lâm Tế: “Trí tuệ thanh tịnh, Đạo đức viên minh, Chân như tính hải, Tịch chiếu phổ thông, Tâm nguyên quảng tục, Bản giác xương long, Năng nhân thánh quả, Thường diễn khoan hằng, Duy truyền pháp ấn, Chứng ngộ hội dung, Kiên trì giới hạnh, Vĩnh thiệu tổ tông”. Sau khi trình bày với Tính Quảng, một kế hoạch đã hoàn thành. Đó là lấy phần tiểu sử của Trần Nhân Tông trong Thánh đăng ngữ lục và bản niên phổ khắc trên bia đá dựng trước tháp Viên Thông của Pháp Loa tại chùa Thanh Mai cùng với bản Tổ gia thực lục để tạo nên sách Tam tổ thực lục ta hiện có cùng với mấy đoạn phiến các tác phẩm của ba vị tổ vừa nêu này đang nằm rơi rớt tại các chùa biết dưới tên Thiền đạo yếu học.” [230,tr.296-297] Và: “Việc trình bày lịch sử phát triển của Thiền phái Trúc Lâm qua ba vị tổ Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang có thể nói là một sáng tạo đặc biệt của Phật giáo Việt Nam thế kỷ 18, khi Tính Quảng và người học trò của mình là Hải Lượng Ngô Thời Nhiệm đã sao trích những mảng tư liệu khác nhau, để tập hợp lại và cho ra đời sách Tam tổ thực lục.” [230,tr.29]
Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật giáo sử luận thì thiền sư Tính Quảng còn được nhắc đến dưới vai trò là người đề tựa sách Thánh đăng lục, bản trùng san năm 1750 do Tính Lương thực hiện [107]. Trong chương mười một Trác thanh, tăng Hải Hoà có nhắc: “Chiết công (thiền sư Chiết Chiết) ta đi bộ đến phương Nam, ở lộ thiên dưới gốc cây ba tháng trời mới đến trụ trì ở chùa Nhạn Tháp ở Siêu Loại, sau đó phò mã Quốc công phải cờ quạt đến đón rước. Nay ở chùa còn thờ làm Tổ.” [175,tr.263]
Như vậy, Hải Lượng Ngô Thì Nhậm là đệ tử của Tính Quảng. Nhưng điều mà chúng tôi muốn lưu ý là, dù thiền sư Minh Hành Tại Tại là đệ tử của Viên Văn Chiết Chiết thuộc dòng Thiền Trí Bản Đột Không, nhưng sau khi ngài đắc pháp với thiền sư Viên Văn thì Minh Hành đã xuất kệ truyền pháp để tạo nên một chi phái Thiền riêng, bắt đầu bằng chữ “Minh”: Minh chân như tính hải/ Kim tường phổ chiếu thông... Minh Hành và Minh Lương là hai đệ tử xuất sắc của thiền sư Chiết Chiết. Minh Hành là người Trung Hoa, còn Minh Lương là người Đại Việt. Minh Lương là sư phụ của Chân Nguyên, ngọn đuốc sáng của Thiền học nước ta ở thế kỷ XVII, là người có công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm đời Trần mà sau này các vị đệ tử xuất sắc của ông là Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn, Như Trí… tiếp bước chấn hưng Thiền phái Trúc Lâm và trùng san những tác phẩm Phật học thời Lý - Trần. Năm 1750, khi Tính Lương trùng san Thánh Đăng Lục, có nhờ Tính Quảng đề tựa. Có thể Tính Lương và Tính Quảng là sư huynh đệ cùng thế hệ chữ “Tính” và cả hai đều là đệ tử của thế hệ chữ “Như”: Như Hiện, Như Trừng, Như Sơn, Như Trí…
Căn cứ trên văn bia Thừa Bình Tháp Ký tại chùa Dâu do Tính Quảng Thích Điều Điều soạn lập năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), thác bản lưu tại tủ sách Pháp Đăng, ghi lại hành trạng thiền sư Hải Mộ (còn ghi là Tính Mộ mà vài tư liệu khác đã đề cập). Trong văn bia có câu:
寔龍德元年壬子乃皈宗受教本師於雁塔寧福禪寺本師正芭蕉天心之法
子竹林龍洞之法孫系東都始祖之正脈也. Thật Long Đức nguyên niên Nhâm Tý nãi qui tông thụ giáo bản sư ư Nhạn Tháp Ninh Phúc thiền tự. Bản
sư chính Ba Tiêu Thiên Tâm chi pháp tử, Trúc Lâm Long Động chi pháp tôn, hệ Đông đô thủy tổ chi chính mạch dã. (Năm Long Đức 1, Nhâm Tý 1732, ngài quy tông thụ giáo bản sư ở chùa Ninh Phúc, Nhạn Tháp. Bổn sư chính là pháp tử của chùa Thiên Tâm, Ba Tiêu, là pháp tôn của Trúc Lâm Long Động thuộc hệ chính mạch Đông đô Thủy tổ).
Ở đây, Đông Đô thủy tổ tức hòa thượng Chiết Công Viên Văn do Thánh thiên tử Thần tông Uyên hoàng đế sắc tứ thụy năm Phúc Thái Giáp Dần 1674. Thiền sư Tính Quảng còn soạn văn bia Kết Liên hoa tuyển Phật đồ tại chùa Bảo Quang ở Bắc Ninh lập năm Cảnh Hưng thứ 24 (1763), mà thiền sư Minh Hành Tại Tại là đệ tử của thiền sư Viên Văn Chiết Chiết. Từ đó có thể nêu hệ thống truyền thừa như sau: Viên (Viên Văn) -> Minh (Minh Hành) -> Chân (Chân Nguyên) -> Như (Như Trừng, Như Sơn) -> Tính (Tính Quảng) -> Hải (Hải Lượng, Hải Huyền, Hải Hoà, Hải Âu…).
Trên cơ sở đó, có thể khẳng định vị sư phụ truyền pháp danh Hải Lượng cho ông Binh bộ Thượng thư, Thị trung Đại học sĩ, Hy Doãn công Ngô Thì Nhậm là thiền sư Tính Quảng Thích Điều Điều (1740-1780) thuộc dòng thiền Minh Hành
Tại Tại 明行在在 (1596-1659), sau thiền sư Chân Nguyên 眞原 (1646-1726) ba thế
hệ.
1.2.2. Phan Huy Ích
Phan Huy Ích 潘輝益 (1750-1822) là người viết lời Tựa cho tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Trước có tên là Phan Công Huệ 潘公惠, nhưng do trùng
tên của Đặng Thị Huệ - chính phi của chúa Trịnh Sâm - nên phải đổi thành Phan Huy
Ích 潘 輝 益 , tự Khiêm Thụ Phủ, hiệu Dụ Am, biệt hiệu Bảo Chân đạo nhân
葆眞道人. Ông sinh ngày 12 tháng chạp năm Canh Ngọ (1750)2, tại làng Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc, trấn Nghệ An (nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), về sau
cha ông dời đến làng Thụy Khuê, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây (nay là Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Ông mất năm 1822, thọ 74 tuổi. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, quan lại, có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to thời Lê - Trịnh. Thuở nhỏ ông nổi tiếng thông minh, được thân phụ là Tiến sĩ Phan Huy Cẩn (1722-1789) trực tiếp dạy học. Ông là con rễ của Ngô Thì Sĩ và là em rễ của Ngô Thì Nhậm. Năm 1772, lúc hai mươi hai tuổi ông đỗ đầu kỳ thi Hương ở trường Nghệ An, bốn năm sau thi Hội đỗ Hội nguyên, rồi thi Đình đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân (1776).
Một sự kiện hiếm thấy trong lịch sử nước nhà là cả ba cha con Phan Huy Cẩn (1722-1789), Phan Huy Ích ((1750-1822), Phan Huy Ôn (1755-1786) cùng đỗ đại khoa, cùng làm quan dưới triều Lê - Trịnh.
Sau khi đỗ Tiến sĩ, Phan Huy Ích phụng mệnh chúa Trịnh Sâm vào Quảng Nam phong tước cho Nguyễn Nhạc. Rồi ông được bổ chức Đốc đồng trấn Thanh Hoa, sau đó được triệu về kinh giữ việc Hình ở phủ Chúa.
Năm 1786, Phan Huy Ích được bổ làm Tán lý quân vụ Thanh - Nghệ để đối đầu với quân Nguyễn Hữu Chỉnh. Bị Chỉnh bắt, nhưng Chỉnh mến tài nên tâu xin vua bổ ông vào làm việc ở Toà Hàn lâm. Năm 1788, sau khi bình định được Bắc hà, Nguyễn Huệ đã mời Phan Huy Ích cộng tác. Phan Huy Ích nhận lời vào Phú Xuân đảm nhận chức Thị lang bộ Hình dưới triều Tây Sơn, và ông cùng với Ngô Thì Nhậm đảm trách việc bang giao với nhà Thanh. Năm 1792 ông được phong tước Thuỵ Nham hầu, thăng Thị trung Ngự sử ở toà Nội các. Năm 1800, khi Nguyễn Ánh chiếm được
2 Năm Canh Ngọ là năm 1750, nhưng ông sinh ngày 12 tháng chạp, tính dương lịch là tháng 1 năm 1751 và đây là lý do để các soạn giả bộ Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 9 B; Tinh tuyển văn học Việt Nam, tập 5, quyển 2, ghi năm sinh của ông là năm 1751.
Phú Xuân, Quang Toản chạy ra Bắc thành, ông được cử làm Thượng thư Bộ Lễ. Khi Tây Sơn sụp đổ ông bị tống giam cùng với Ngô Thì Nhậm, cả hai cùng bị Tổng trấn Bắc thành và Đặng Trần Thường đánh đòn trả thù trước Văn miếu. Sau khi bị đánh, Ngô Thì Nhậm bị đau mà mất. Còn ông, sau khi được thả ra, về quê mở trường dạy học cho đến cuối đời.
Phan Huy Ích là một trong những tác gia tiêu biểu của văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII, đã để lại cho đời nhiều tác phẩm Hán và Nôm xuất sắc. Hai tập Dụ Am ngâm lục (thơ), Dụ Am văn tập (văn) ra đời khoảng từ năm 1778 đến năm 1814, tất cả khoảng sáu trăm bài thơ và bốn trăm bài văn gồm đủ các thể tấu, biểu, chiếu, thư, bạt, văn bia, văn tế…
Mấy chục năm trở lại đây, các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào một số tư liệu mới phát hiện để khẳng định có thể ông là dịch giả bản Chinh phụ ngâm khúc bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn ra chữ Nôm thể song thất lục bát đang lưu hành và phổ biến hiện nay, mà trước đây theo lưu truyền thường cho bản dịch Nôm ấy là của bà Đoàn Thị Điểm3. Tập Tinh sà kỷ hành là tập thơ ông viết khi đi sứ Trung Quốc năm 1790. Hầu hết các tác phẩm của ông sáng tác trong khi làm quan cho nhà Tây Sơn, còn Vân du tuỳ bút có mười một bài thơ Nôm được làm vào đầu nhà Nguyễn. Những sáng tác
bằng chữ Nôm như văn tế, thơ… của ông góp phần xác định vị trí của thể loại này trong nền văn học dân tộc.
1.2.3. Ngô Thì Hoàng
Ngô Thì Hoàng4 吳時黄 (1770-1814), pháp danh Hải Huyền 海玄, trụ trì Trúc
Lâm thiền viện 竹林禪院 ở phường Bích Câu, Thăng Long, ông là thượng túc đệ tử và là em trai của Hải Lượng Ngô Thì Nhậm, là người viết Thanh dẫn của Trúc Lâm
tông chỉ nguyên thanh. Lúc nhỏ ông có tên là Hoàng 黄 , sau đổi thành Tịnh 並 , hiệu
Huyền Trai 玄齋, biệt hiệu Thạch Ổ cư sĩ 石塢居士. Ông là con trai thứ năm của cụ Ngô Thì Sĩ, em cùng mẹ với Ngô Thì Trí (1766-?), ông sinh năm Canh Dần (1770)5
và mất năm Giáp Tuất (1814). Lúc ông mới mấy tháng tuổi mẹ ông qua đời, rồi khi lên mười tuổi, cha ông cũng tạ thế. Từ đó, vợ chồng Ngô Thì Nhậm phải lo nuôi nấng, dạy dỗ, chăm sóc hai anh em của ông ăn học (Hoàng và Trí là hai em cùng cha
3 Vấn đề này có thể tham khảo thêm: Bài viết của Đông Châu Nguyễn Hữu Tiến trên Tạp chí Nam Phong (1926); Hoàng Xuân Hãn Chinh phụ ngâm bị khảo (Paris, 1953); Nguyễn Văn Xuân Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc (1971); các công trình của Nguyễn Văn Dương Thử giải quyết vấn đề diễn giả Chinh phụ ngâm (1964), Qua nghiên cứu các bài diễn ca A, B, C, D, xác định người dịch các bài diễn ca Chinh phụ ngâm (1991), và Thử giải quyết vấn đề dịch giả Chinh phụ ngâm (2008).
4Theo các soạn giả bộ Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, tr.131 thì ông tên là Ngô Thì Hoành.
5 Theo các soạn giả bộ Tinh tuyển văn học Việt Nam (2004), tập 5, quyển 2 thì ông sinh 1768 và mất 1814.