Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Trí Tuệ Cảm Xúc


Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI LUẬN ÁN

1.1. Các công trình nghiên cứu liên quan đến trí tuệ cảm xúc

1.1.1. Hướng nghiên cứu về cấu trúc, biểu hiện của trí tuệ cảm xúc

C.E.Izard (1992), Những cảm xúc của con người [37] đưa ra thuyết các cảm xúc phân hoá và cho rằng cảm xúc có cấu trúc tầng bậc, gồm những cảm xúc nền tảng và những cảm xúc phức hợp. Mỗi cảm xúc trọn vẹn phải được tạo thành bởi ba yếu tố, đó là: cơ chất thần kinh chuyên biệt bị chế ước bên trong, những phức hợp biểu cảm nét mặt đặc trưng và sự thể hiện chủ quan khác biệt. Hay nói cách khác thì cảm xúc chính là sự thống nhất giữa các biểu hiện bên ngoài và cảm xúc bên trong. Theo đó, cấp bậc thứ nhất gồm mười cảm xúc nền tảng là (1) Hứng thú, (2) Vui sướng, (3) Ngạc nhiên, (4) Đau khổ, (5) Căm giận, (6) Ghê tởm, (7) Khinh bỉ, (8) Khiếp sợ, (9) Xấu hổ, (10) Tội lỗi. Cấp bậc thứ hai là các phức hợp cảm xúc được tạo nên từ “những tổ hợp có biến thiên của các cảm xúc nền tảng và các quá trình xúc động” [37, tr.112]. Như vậy, với quan điểm này đã cho thấy, ở cá nhân tồn tại những trạng thái xúc cảm khác nhau, những xúc cảm này được nhận biết rõ qua các phương tiện biểu cảm.

Peter Salovey & David J.Sluyter (1997), Phát triển trí tuệ và trí tuệ cảm xúc [95] công bố một tài liệu về đóng góp chung của cảm xúc và tính đa cảm (emotion & emotionality) vào nhân cách và đưa ra cấu trúc của trí tuệ cảm xúc bao gồm: (a) Nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân, (b) Biểu lộ tình cảm, cảm xúc với những người khác một cách đúng đắn, phù hợp, (c) Nhận biết tốt về cảm xúc của người khác và từ đó có những hành vi phù hợp, (d) Điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu có hiệu quả để đạt đến mục đích hành động cụ thể (ví dụ: để cải thiện tâm trạng của chính mình và của người khác) và (e) Sử dụng


những cảm xúc của mình để giải quyết vấn đề bằng những hành vi phù hợp hoàn cảnh. Bất kỳ quá trình giao tiếp nào cũng cần phải có sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng giao tiếp. Sự tương tác đó không chỉ dừng lại ở trong quá trình trao đổi thông tin mà nó còn là sư trao đổi về mặt tinh thần. Do đó, hiểu được cảm xúc của bản thân và của người khác, cũng như sử dụng nó hợp lý mới đạt được mục đích đề ra [95, tr.10].

D.Goleman (2002), Trí tuệ cảm xúc: Làm thế nào để những cảm xúc của mình thành trí tuệ? [13] xem xét các cảm xúc theo các họ (familles) hay theo các chiều (dimensions). Ông đưa ra nhận định cho rằng những họ chính của cảm xúc là: sợ hãi, giận dữ, buồn rầu, thoả mãn, xấu hổ. Mỗi họ này có một một hạt nhân cảm xúc căn bản làm trung tâm, các cảm xúc có họ hàng với nó thì nằm xung quanh như những làn sóng nối tiếp nhau của vô số những biến đổi. Ở ngoại vi có những tâm trạng (hemeurs) mà xét về mặt kỹ thuật, chúng ít sinh động hơn và kéo dài lâu hơn nhưng cảm xúc đích thực. Sau các tâm trạng đến các tính khí (tempérament), một thiên hướng gây ra một cảm xúc hay một tâm trạng nào đó, khiến người ta trở thành u buồn, nhút nhát hay vui vẻ. Sau đó là những rối nhiễu tâm lý (troubles) thật sự, như sự trầm cảm lâm sàng hay sự lo hãi mãn tính [13, tr.625].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 261 trang tài liệu này.

Schulze Ralf, Roberts D.Richard (EDS) (2005), Trí tuệ cảm xúc [102] đã đề cập đến nghiên cứu của Carroll với việc tổng kết và kết hợp hơn 400 nghiên cứu theo phương pháp phân tích nhân tố truyền thống. Ông đưa ra một mô hình 3 tầng bậc: Tầng bậc đầu tiên bao gồm các năng lực tinh thần chủ yếu; tầng thứ hai bao gồm sự phong phú của miền rộng lớn các năng lực nhận thức; tầng thứ ba gồm các thành tố trí tuệ chung Tầm quan trọng của khái niệm do Carroll đã ảnh hưởng lớn đến sự tác động của giáo dục, chính sách xã hội trong đánh giá, và những vấn đề xã hội [Dẫn theo 102]. Quan điểm này cũng định hướng cho những lý thuyết và những nghiên cứu về sự khác biệt cá nhân trong một số yếu tố dữ liệu, về một lĩnh vực kiến thức hành vi, lĩnh vực


Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - 3

này tương đối độc lập với cấu trúc tầng thứ hai. Ông cũng gợi ý rằng lĩnh vực này đòi hỏi những nghiên cứu cẩn thận và hệ thống hơn là cách thức tiến hành cho đến thời điểm của ông.

Ciarrochi Joseph, Forgas P.Joseph, Mayer D.John (EDS) (2006), Trí tuệ cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày [94] đã đề cập đến nghiên cứu của Bar-On (2000), Petrides và Furnham (2001). Bar-On xem xét những đặc điểm nhân cách được cho là quyết định sự thành công trong cuộc sống nằm ngoài trí tuệ nhận thức và xác định được 5 khía cạnh rộng lớn. Ông coi những khía cạnh này như những nhân tố chủ chốt của trí tuệ cảm xúc, được chia thành 15 nhân tố:

1. Kỹ năng về bản thân: Tự đánh giá bản thân; Sự quả quyết; Tự hiện thực hoá; Tính độc lập.

2. Kỹ năng tương tác với những người khác: Sự thấu cảm; Có trách nhiệm xã hội; Mối quan hệ tương tác với những người khác.

3. Khả năng thích nghi: Giải quyết vấn đề; Kiểm tra thực; Tính linh hoạt.

4. Kiểm soát stress: Chịu được stress; Kiểm soát kích động.

5. Tâm trạng ổn định: Hạnh phúc; Lạc quan.

Bar - On giới thiệu khái niệm EI đã chỉnh sửa và gọi là mô hình trí tuệ cảm xúc - xã hội, bao gồm 10 nhân tố lấy từ cấu trúc 15 nhân tố ban đầu là “Tự đánh giá bản thân; Tự nhận biết cảm xúc bản thân; Sự quả quyết; Sự thấu cảm; Mối quan hệ tương tác với những người khác; Chịu được Stress; Kiểm soát kích động; Kiểm tra thực tế; Tính linh hoạt và Giải quyết vấn đề. Năm nhân tố còn lại của mô hình ban đầu được coi là những nhân tố tạo điều kiện hơn là những nhân tố tạo thành trí tuệ xã hội - cảm xúc gồm: Tự hiện thực hoá, Tính độc lập, Có trách nhiệm xã hội, Hạnh phúc và Lạc quan” [94, tr.14].

Petrides và Furnham đưa ra một cấu trúc EI gồm bốn nhân tố (1) Hạnh phúc, (2) Tự kiểm soát, (3) Tính nhạy cảm, (4) Tự hoà đồng với 15 biểu hiện. Với góc độ tiếp cận này, EI được đặt trong hệ thống nhân cách và được các tác giả đánh giá là “hợp nhất được các kết quả nghiên cứu lẻ


tẻ trước đây vào một khung lý thuyết toàn diện, được đặt tên là “EI đặc điểm” hay còn gọi là “Tự hiệu quả về cảm xúc, trong nỗ lực nhằm nhấn mạnh cách tiếp cận hướng đến đặc điểm nhân cách hơn là các năng lực nhận thức” [Dẫn theo 94, tr.10].

Luận án tiến sĩ Tâm lý học do Nguyễn Thị Dung thực hiện (2008), Trí tuệ cảm xúc của giáo viên chủ nhiệm lớp trường trung học cơ sở và con đường nâng cao trí tuệ này [6] cũng đã phân tích về trí tuệ cảm xúc, cấu trúc trí tuệ cảm xúc của một nhóm khách thể ở một nghề nghiệp cụ thể. Theo đó, trí tuệ cảm xúc gồm: khả năng nhận ra cảm xúc thật sự của bản thân, của người khác; khả năng biết hoà mình vào cảm xúc của những người cùng tham gia với mình trong giáo dục học sinh, không để cảm xúc trở thành tiêu cực; khả năng điều khiển, điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực. Nhận ra cảm xúc của bản thân và người khác có nghĩa là cá nhân biết mình hay người khác đang có cảm xúc gì; vì sao lại xuất hiện cảm xúc đó và khi bản thân cá nhân đó có cảm xúc như vậy thì sẽ như thế nào? Cần phải làm gì để có thể loại bỏ những cảm xúc mang tính chất tiêu cực [6].

Luận án tiến sĩ Tâm lý học do Dương Thị Hoàng Yến thực hiện (2010), Trí tuệ cảm xúc của giáo viên tiểu học [92] cho rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm 4 thành tố:

(1) Năng lực nhận thức, đánh giá và biểu hiện cảm xúc: năng lực hiểu được cảm xúc của bản thân; năng lực hiểu và đồng cảm với những khó khăn tâm lý;

(2) Năng lực sử dụng cảm xúc để tạo điều kiện thúc đẩy tư duy: năng lực tạo môi trường thuận lợi, năng lực sử dụng các tác động sư phạm một cách nhạy bén, năng lực xem xét sự việc một cách đa chiều, năng lực giải quyết tình huống sư phạm một cách kịp thời,

(3) Năng lực sử dụng tri thức về cảm xúc: năng lực sử dụng phương tiện ngôn ngữ, phi ngôn ngữ;

(4) Năng lực nhận biết sự chuyển đổi cảm xúc; năng lực sử dụng tri thức để thấu hiểu được cảm xúc phức hợp [92, tr.74].


Julia Wood, Ann Schweitzer (2016), Cuộc gặp gỡ hàng ngày - Giới thiệu về giao tiếp giữa các cá nhân [113] trong nghiên cứu của mình đã dẫn ra tuyên bố của Theodore Kemper khi cho rằng chỉ có bốn cảm xúc được di truyền qua con đường sinh học là: sợ hãi, giận dữ, buồn rầu, thoả mãn. Ông tin rằng cá nhân nào cũng đều trải qua bốn cảm xúc này bởi con người bị chi phối về mặt sinh học để thực hiện điều đó. Đây cũng chính là bốn cảm xúc giữ vai trò nền tảng của trí tuệ cảm xúc của cá nhân [113, tr.133].

Có rất nhiều công trình nghiên cứu về cấu trúc và biểu hiện trí tuệ cảm xúc. Mỗi một công trình lại chỉ ra một khía cạnh khác nhau của vấn đề này, nhưng chưa có công trình nào đề cập đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Tuy nhiên đây là những cơ sở để chúng tôi xác định cấu trúc cũng như biểu hiện của trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Theo đó, chúng tôi đồng thuận theo mô hình của tác giả Peter Salovey & David J.Sluyter (1997), Trí tuệ cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày [95] cho rằng trí tuệ cảm xúc bao gồm: (a) Nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân, (b) Biểu lộ tình cảm, cảm xúc với những người khác một cách đúng đắn, phù hợp, (c) Nhận biết tốt về cảm xúc của người khác và từ đó có những hành vi phù hợp, (d) Điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu có hiệu quả để đạt đến mục đích hành động cụ thể (ví dụ: để cải thiện tâm trạng của chính mình và của người khác) và (e) Sử dụng những cảm xúc của mình để giải quyết vấn đề bằng những hành vi phù hợp hoàn cảnh [95, tr.10].

Kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và người nước đã chỉ ra nhiều nội dung về cấu trúc và biểu hiện của trí tuệ cảm xúc như: Nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân; Biểu lộ tình cảm, cảm xúc với những người khác một cách đúng đắn, phù hợp; Nhận biết tốt về cảm xúc của người khác và từ đó có những hành vi phù hợp; Điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu có hiệu quả để đạt đến mục đích hành động cụ thể; Sử dụng những cảm xúc của mình để giải quyết vấn đề bằng những hành vi


phù hợp hoàn cảnh; Năng lực nhận thức, đánh giá và biểu hiện cảm xúc; Năng lực sử dụng cảm xúc để tạo điều kiện thúc đẩy tư duy; Năng lực sử dụng tri thức về cảm xúc; Năng lực nhận biết sự chuyển đổi cảm xúc và nhiều nội dung khác. Đây là những cơ sở khoa học quan trọng để tìm ra các biểu hiện của trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục điều tra thuộc Bộ Công an hiện nay.

1.1.2. Hướng nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc

Daniel Goleman (2007), Trí tuệ cảm xúc, ứng dụng trong công việc [14] đã chỉ ra: Nhìn chung nữ giới thực hành các kỹ năng cá nhân nhiều hơn nam giới, ít nhất trong các nền văn hoá như Mỹ, nơi mà nữ giới nổi lên là hoà hợp về cảm xúc và các sắc thái của mình hơn nam giới. Đối với vấn đề này, không có sự khác nhau về giới tính trong các trường hợp mà con người đang cố che giấu cảm xúc thực của mình, cũng như không có trường hợp khi thách thức là cảm thấy được suy nghĩ không xác định của một ai đó trong một cuộc chạm trán đang tiếp diễn. Tuy nhiên, sự khác biệt về giới tính trong việc đọc được những xúc cảm khép lại khi các cảnh quay gồm những ám hiệu cảm xúc mà dễ điều khiển hơn nét mặt. Con người giỏi trong việc điều khiển nét mặt hơn điều khiển giọng nói. Cử chỉ cơ thể hoặc lướt nhanh qua " vi cảm xúc & quot; thoáng hiện chỉ một giây trên khuôn mặt. Sự biểu lộ cảm xúc càng nhiều, con người càng giỏi hơn trong việc đọc được cảm xúc ở người khác. Những khác biệt về giới tính trong sự thấu cảm hướng đến biến mất trong nhiều trường hợp kinh doanh hàng ngày, như là buôn bán hoặc thương lượng, nơi mà con người không thể đơn giản điều khiển tất cả các kênh của cơ thể đối với việc biểu hiện cảm xúc [14, tr.58].

Shamira Malekar, R.P. Mohanty (2009), “Thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của học sinh tại Ấn Độ” [96] cho rằng yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến trí tuệ cảm xúc của học sinh một trường ở Ấn Độ là trình độ nhận thức của chính cá nhân đó; ngoài ra phụ huynh, giáo viên và cán bộ quản lý. Trong đó, khi học sinh nhận thức được vai trò quan trọng của trí tuệ cảm xúc đối với bản thân sẽ luôn hình thành cho bản thân những cảm xúc


mang tính chất tích cực và sẽ không để những cảm xúc tiêu cực lấn át đến hành vi của mình. Mặt khác, sống trong môi trường gia đình có bầu không khí tâm lý vui vẻ sẽ bồi dưỡng được những cảm xúc tích cực cho cá nhân đó. Định hướng của giáo dục cũng như các hoạt động của nhà trường sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hình thành hành vi ứng xử của học sinh với nhau cũng như chi phối đến trạng thái cảm xúc của cá nhân các em [96, tr.8].

Tác giả Dương Thị Hoàng Yến (2010), Trí tuệ cảm xúc của giáo viên tiểu học [92] chỉ ra trí tuệ cảm xúc của giáo viên tiểu học chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố khác nhau: tuổi đời; tuổi nghề, trình độ đào tạo; địa bàn cư trú; kiểu giáo dục gia đình; nghề nghiệp của cha mẹ; nhận thức của cá nhân về vai trò trí tuệ cảm xúc; mức độ hài lòng với công việc và thu nhập thực tại. Trong đó, với tư cách là một loại trí tuệ thì trí tuệ cảm xúc sẽ có sự thay đổi theo độ tuổi và kinh nghiệm. Với tư cách là một loại trí tuệ xã hội, gắn liền với hoạt động nghề nghiệp đặc trưng trí tuệ cảm xúc sẽ chịu ảnh hưởng của thâm niên công tác, trình độ đào tạo, văn hoá môi trường sống và làm việc, yêu cầu công tác [92, tr.75].

Theo tác giả Phan Trọng Nam (2012), Trí tuệ cảm xúc của sinh viên Đại học sư phạm [52] các yếu tố chủ quan và khách quan có ảnh hưởng khác nhau đến trí tuệ cảm xúc của sinh viên. Trong đó, nhóm yếu tố chủ quan được xác định bao gồm: Mục tiêu, nội dung, chương trình đào tạo; hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm; hoạt động tham quan, thực tế giáo dục của sinh viên; hoạt động thực tập sư phạm; hoạt động sinh hoạt tập thể của sinh viên; hành vi ứng xử của bạn bè; Sự giáo dục của gia đình; sự tác động của môi trường xã hội bên ngoài. Nhóm các yếu tố chủ quan thuộc về nhận thức của sinh viên; nhu cầu vận dụng và thay đổi trí tuệ cảm xúc của sinh viên; tính tích cực rèn luyện để nâng cao trí tuệ cảm xúc cho bản thân [52, tr.57].

Trần Thị Thu Mai (2013), Trí tuệ cảm xúc của sinh viên Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh [50] đã chỉ ra trí tuệ cảm xúc của sinh viên chịu sự ảnh hưởng của cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan ở mức độ gần tương đương nhau. Trong nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ cảm xúc của


sinh viên, nguyên nhân từ giáo dục gia đình có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, cụ thể đó là sự ảnh hưởng từ cách ứng xử hay thể hiện tình cảm của những thành viên trong gia đình. Việc cha mẹ ứng xử với con cái, con cái ứng xử với cha mẹ sẽ là tấm gương phản chiếu trong môi trường này khiến cá nhân sẽ bị tương tác hai chiều. Kế đến là nguyên nhân từ nhu cầu, mong muốn nâng cao trí tuệ cảm xúc và ảnh hưởng từ hoàn cảnh sống của sinh viên. Yếu tố có ảnh hưởng ít nhất đó chính là nghề nghiệp của cha mẹ [50, tr.76].

Nguyễn Thị Thanh Tâm (2013), Trí tuệ cảm xúc của cán bộ chủ chốt cơ sở trong giao tiếp công vụ [69] đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc của cá nhân chịu sự chi phối của các yếu tố chủ quan và yếu tố khách quan. Cụ thể: vốn kinh nghiệm sống (trải nghiệm cuộc sống) là một trong những yếu tố chủ quan có ảnh hưởng đến mọi năng lực tâm lý nói chung, đến năng lực trí tuệ cảm xúc nói riêng của cá nhân. Những kiến thức mà cán bộ chủ chốt được đào tạo liên quan đến lĩnh vực cảm xúc, tình cảm sẽ có ảnh hưởng đến năng lực trí tuệ cảm xúc của họ với tiêu chí tiên quyết là những kiến thức này phải được cá nhân đó lĩnh hội, chuyển hoá vào trong bản thân mình. Tính cách và khí chất mỗi cá nhân cũng chi phối đến năng lực trí tuệ cảm xúc của cá nhân. Ngoài ra trí tuệ cảm xúc còn chịu tác động của các yếu tố từ môi trường sống. Môi trường sống có ảnh hưởng đến trạng thái cảm xúc cũng như hành vi ứng xử của cá nhân đó [69, tr.76].

Luận án tiến sĩ của Trần Hà Thu (2019), Trí tuệ cảm xúc của học sinh trung học cơ sở [72] khi nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc, tác giả đưa ra nhận định có 3 yếu tố ảnh hưởng, bao gồm: (1) Tính cách; (2) Hành vi ứng xử của cha mẹ; (3) Các mối quan hệ cá nhân. Tác giả cho rằng người có nét tính cách hướng ngoại thường nhìn nhận mọi việc theo hướng tích cực và có khả năng tương tác xã hội; người có nét tính cách nhiễu tâm thì ngược lại, có xu hướng nhìn nhận sự việc một cách tiêu cực và sống khép kín hơn; hai nét tính cách cởi mở và nhiễu tâm có mối quan hệ gắn bó nhất với trí tuệ cảm xúc, bởi lẽ trí tuệ cảm xúc lại được thể hiện thông qua khả năng điều chỉnh, đánh giá cảm xúc và tính hiệu quả các cảm xúc. Hành vi ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng đến đặc điểm tâm lý

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 14/10/2022