Tác giả Trần Trọng Thuỷ (2002), Những vấn đề để luận về trí tuệ và chỉ số IQ [75] quan niệm trí tuệ cảm xúc trong công việc bao gồm hai phần: những yếu tố bên trong, làm thế nào để phát triển và sử dụng nó trong sự quan tâm với chính bản thân và những yếu tố liên quan đến người khác, làm thế nào để ảnh hưởng đến những quan hệ với người khác [75, tr.55].
Schulze Ralf, Roberts D.Richard (EDS) (2005), Trí tuệ cảm xúc[102] nhắc đến nghiên cứu của C.Spearman (2002), L.Thurstone (1938), J.P.Guilford (1988), Eysenck (1998). C.Spearman với mô hình trí tuệ tâm trắc đơn nhân tố (Psychometric g) đề xuất lý thuyết trí tuệ nổi tiếng nhất, cho rằng có hai nhân tố đặt nền tảng cho phương pháp đo nghiệm trí tuệ: nhân tố tổng quát - “g” (General) và nhân tố chuyên biệt -“s” (Special). Spearman tuyên bố chỉ duy nhất nhân tố g là quan trọng về mặt tâm lý [Dẫn theo 102, tr.4]. L.Thurstone với mô hình các năng lực trí tuệ nguyên thuỷ đã xác định được bảy nhân tố trí tuệ mà ông gọi là “năng lực trí tuệ nguyên thuỷ” (PMAs) [Dẫn theo 103, tr.5]. Bảy nhân tố này bao gồm: Tính toán bằng số, Thông hiểu ngôn ngữ, Tưởng tượng không gian, Trí nhớ liên tưởng, Suy luận, Lưu loát về từ ngữ, Tốc độ tri giác. Mô hình cấu trúc trí tuệ của J.P.Guilford đề xuất mô hình 3 chiều của trí tuệ con người. Mô hình này được tạo thành từ 6 loại thao tác, 5 kiểu nội dung, 6 hình thức sản phẩm tạo thành 180 nhân tố. [Dẫn theo 103, tr.6]. Nghiên cứu của Eysenck đã tổng hợp các quan niệm và kết quả nghiên cứu lý thuyết cũng như phương pháp đánh giá trí tuệ từ trước đến nay để đề xuất mô hình 3 tầng bậc của trí tuệ, bao gồm: Tiêu chí khái niệm (Conceptual criterion): phải gắn kết về mặt khái niệm, có thể phân biệt rõ ràng với những đặc điểm nhân cách và năng khiếu bẩm sinh; Tiêu chí tương quan (Corelational criterion): phải tương quan với các trí tuệ khác ở một mức độ vừa phải; Tiêu chí phát triển (Developmentalcrit criterion): có sự thay đổi theo lứa tuổi và kinh nghiệm [Dẫn theo 102, tr.10].
Julia Wood, Ann Schweitzer (2016), Cuộc gặp gỡ hàng ngày - Giới thiệu về giao tiếp giữa các cá nhân [113] dựa trên quan niệm phổ biến về mối quan hệ theo dòng họ của các cảm xúc và sự biến hoá vô tận của chúng để đưa ra
một mô hình cảm xúc. Các cảm xúc không chỉ được mô tả theo dòng họ, chỉ rõ mức độ thay đổi của chúng, mà còn chỉ ra các cảm xúc nào là đối cực nhau và sự kết hợp của các họ/ bộ cảm xúc gần nhau tạo nên cảm xúc mới.
Trong mô hình này, cảm xúc không chỉ tồn tại đơn thuần ở bản thân, người khác hay bối cảnh nhất định và được cá nhân nhận dạng. Phạm vi của việc nhận thức về cảm xúc mở rộng hơn nhiều bao gồm việc đòi hỏi cá nhân cần trải nghiệm và cần hiểu một cảm xúc được thay đổi, phát triển từ trung tâm đến đầu mút của cánh hoa và ngược lại như thế nào; cái gì tác động đến việc làm thay đổi một cảm xúc cụ thể trong một bối cảnh cụ thể của một con người cụ thể; cần chủ động tạo ra cảm xúc nào ở bản thân hay người khác trong các hoạt động khác nhau để đạt đến mục đích tốt đẹp,... [113].
Nguyễn Thị Hồng (2018), Trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non [30] đưa ra cấu trúc của trí tuệ xã hội của sinh viên sư phạm mầm non bao gồm năm thành tố sau: (1) Nhận thức xã hội; (2) Thiết lập, duy trì các quan hệ xã hội; (3) Năng lực hoà nhập vào môi trường xã hội; (4) Khả năng giải quyết tốt các tình huống trong tương tác xã hội; (5) Khả năng thích ứng vào môi trường xã hội. Cá nhân cần có hiểu biết về những gì xung quanh mình cũng như phải hiểu và giải thích được những trạng thái xúc cảm diễn ra ở đối tượng. Từ đó cá nhân biết cách xây dựng các mối quan hệ mang tính chất phong phú, đa dạng và có tính chất lâu dài. Trong một mối quan hệ, cá nhân phải nhanh chóng hoà nhập với những người xung quanh cũng như nắm bắt được những cơ hội và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống chủ động và tích cực [30, tr.47].
Nguyễn Thị Thanh Huyền (2018), “Ứng dụng mô hình trí tuệ cảm xúc của J.Mayer và P. Salovey để xác định các yếu tố trí tuệ cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non” [33], đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc trong hoạt động nghề nghiệp của giáo viên mầm non bao gồm bốn thành tố:
- Nhóm năng lực nhận biết các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Có thể bạn quan tâm!
- Trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an - 2
- Các Công Trình Nghiên Cứu Liên Quan Đến Trí Tuệ Cảm Xúc
- Hướng Nghiên Cứu Về Biện Pháp Phát Triển Trí Tuệ Cảm Xúc
- Điều Tra Viên Ở Cục An Ninh Điều Tra Thuộc Bộ Công An
- Trí Tuệ Cảm Xúc Của Điều Tra Viên Ở Cục An Ninh Điều Tra Thuộc Bộ Công An
- Trí Tuệ Cảm Xúc Của Điều Tra Viên Ở Cục An Ninh Điều Tra Thuộc Bộ Công An
Xem toàn bộ 261 trang tài liệu này.
- Nhóm năng lực sử dụng các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Nhóm năng lực hiểu các cảm xúc trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Điều chỉnh cảm xúc của bản thân từ hướng tiêu cực chuyển sang hướng tích cực trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ em. [33, tr.21].
Như vậy, kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học trước đã đề cập khá đa dạng các cách thức, tiêu chí đánh giá và thang đo trí tuệ cảm xúc. Theo đó, luận án sử dụng mô hình trí tuệ của J.Mayer và P.Salovey để xác định các thành phần biểu hiện của trí tuệ cảm xúc của điều tra viên bao gồm 4 mặt biểu hiện: năng lực nhận biết cảm xúc, năng lực thấu hiểu cảm xúc, năng lực vận dụng cảm xúc và năng lực điều khiển cảm xúc. Đồng thời, sử dụng các trắc nghiệm EI để định lượng trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra hiện nay.
1.2. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề đặt ra luận án tiếp tục nghiên cứu
1.2.1. Giá trị của các công trình khoa học đã tổng quan
Từ kết quả nghiên cứu các công trình khoa học tiêu biểu đã công bố của các tác giả trong và ngoài nước có liên quan đến trí tuệ cảm xúc, có thể khái quát một số vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu trí tuệ cảm xúc là một lĩnh vực phức tạp và có tính chất liên ngành. Điều đó cho thấy đây là vấn đề được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, dễ dàng nhận ra các công trình nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc xét trên tổng thể thường chỉ được được lồng ghép trong các nghiên cứu về cảm xúc, quản lý cảm xúc và giao tiếp xã hội. Đặc biệt việc nghiên cứu chuyên sâu, có tính chất hệ thống và khảo sát, đánh giá thực trạng trí tuệ cảm xúc ở đối tượng là điều tra viên hiện nay chưa thấy có và nó vẫn là khoảng trống cần được quan tâm nghiên cứu.
Hai là, hầu hết các tác giả ở Việt Nam và trên thể giới khi nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc đều ít nhiều đề cập đến các thành phần cấu trúc và biểu hiện của
trí tuệ cảm xúc. Có thể nói, đây là hướng nghiên cứu có số lượng đông đảo nhất, nội dung đa dạng nhất, nhưng cũng tồn tại nhiều nhiều quan điểm khác nhau nhất. Điều này được lý giải là do ở nghiên cứu của từng tác giả thường có cách tiếp cận, đối tượng, phạm vi và mục đích nghiên cứu khác nhau. Do vậy, ở từng hoạt động và đối tượng cụ thể thì trí tuệ cảm xúc của cá nhân lại được biểu hiện ra bên ngoài theo các chỉ báo khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, đa số các nghiên cứu đều coi trí tuệ cảm xúc là một năng lực tổng hợp và mô hình trí tuệ cảm xúc của Peter Salovey và David J.Sluyter (1997) chỉ ra các mặt biểu hiện gồm: Nhận thức và đánh giá chính xác cảm xúc của bản thân; Biểu lộ tình cảm, cảm xúc với những người khác một cách đúng đắn, phù hợp; Nhận biết tốt về cảm xúc của người khác và từ đó có những hành vi phù hợp; Điều chỉnh cảm xúc của bản thân và người khác một cách hiệu có hiệu quả để đạt đến mục đích hành động cụ thể; Sử dụng những cảm xúc của mình để giải quyết vấn đề bằng những hành vi phù hợp hoàn cảnh là mô hình có tính thống nhất cao. Đây là cơ sở khoa học quan trọng có thể kế thừa để tìm ra các biểu hiện của trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục điều tra thuộc Bộ Công an hiện nay.
Ba là, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc ít được đề cập trực tiếp trong kết quả nghiên cứu của các công trình đã được công bố trước đây. Song, ở kết quả nghiên cứu của các tác giả trong nước và trên thế giới cũng đã chỉ ra khá đa dạng các yếu tố ảnh hưởng và thường được khái quát trên 2 nhóm yếu tố chủ quan, khách quan, như: trình độ đào tạo; nhận thức của chủ thể; giới tính; tính cách, khí chất; vốn sống, kinh nghiệm là những yếu tố chủ quan có ảnh hưởng đến đến năng lực trí tuệ cảm xúc của cá nhân. Các yếu tố khách quan như: môi trường hoạt động, yêu cầu nhiệm vụ, công tác, ứng xử của gia đình và cấp trên,.v.v… Đây là những nội dung có thể kế thừa, phát triển để xác định những yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên hiện nay.
Bốn là, đề cập đến thang đo và biện pháp phát triển trí tuệ cảm xúc trong những nghiên cứu ở Việt Nam còn khá khiêm tốn, chủ yếu dựa trên kết
quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài. Bên cạnh đó, các nghiên cứu thường tập trung vào các nhóm đối tượng như: nhà quản lý, giám đốc, lãnh đạo, học sinh hay giáo viên tiểu học.v.v… Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra biện pháp phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra những cơ sở, phương pháp luận và cách thức tiếp cận để xây dựng thang đo và đề xuất biện pháp phát triển trí tuệ cảm xúc. Theo đó, ở luận án sử dụng mô hình trí tuệ của J.Mayer và P.Salovey để xác định các chỉ báo và sử dụng các trắc nghiệm EI để định lượng trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Đồng thời, dựa trên các cơ sở lý luận, đặc điểm hoạt động của điều tra viên và kết quả nghiên cứu thực trạng để đề xuất các biện pháp phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra một cách khả thi, khoa học và hiệu quả.
Có thể nói, những kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học đã được công bố liên quan đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều thuộc Bộ Công an là những nội dung có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở khoa học để kế thừa, bổ sung và phát triển trong quá trình nghiên cứu của đề tài luận án. Đồng thời, quá trình hệ thống lại các nghiên cứu có liên quan cũng cho thấy hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên. Đây chính là “khoảng trống” và cũng là lý do cấp thiết để tác giả xác định và thực hiện nghiên cứu đề tài luận án này.
1.2.2. Những vấn đề đặt ra luận án tiếp tục nghiên cứu
Khi tiến hành nghiên cứu luận án: “Trí tuệ cảm xúc của cán bộ điều tra ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an”, tác giả luận án xác định năm vấn đề trong luận án cần tập trung giải quyết như sau:
Thứ nhất, hệ thống lại, phân tích, đánh giá các công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước và trên thế giới đã công bố có liên quan đến đề tài luận án, từ đó chứng minh tính độc lập, mới mẻ, không trùng lặp cũng như tính cấp thiết của vấn đề nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an hiện nay.
Thứ hai, mặc dù đã những công trình nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc, kỹ năng quản lý cảm xúc lo âu của sinh viên, về một số biểu hiện cảm xúc tiêu cực, tự điều chỉnh cảm xúc, trí tuệ cảm xúc của học sinh hay của giáo viên, v.v… ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng quan niệm và cách tiếp cận nghiên cứu trí tuệ cảm xúc giữa các tác giả còn rất nhiều quan điểm khác nhau. Do vậy, để nghiên cứu một cách khách quan, khoa học về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an, trước hết phải tập trung xây dựng hệ thống khái niệm công cụ, phục vụ trực tiếp cho việc nghiên cứu luận án như: cảm xúc và trí tuệ cảm xúc; Điều tra viên; trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra. Bên cạnh đó, việc khái quát các đặc điểm hoạt động của điều tra viên là vấn đề hết sức quan trọng.
Thứ ba, trong phạm vi luận án này, trí tuệ cảm xúc được xem là một vấn đề có vị trí quan trọng trong quá trình giao tiếp. Hơn nữa, các nghiên cứu liên quan đến trí tuệ cảm xúc ở trong nước và ngoài nước chưa đề cập đến nội dung, biểu hiện và tiêu chí đánh giá trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an. Do đó một trong những vấn đề hết sức quan trọng đặt ra trong quá trình thực hiện luận án là phải xác định và chỉ rõ các mức độ biểu hiện và tiêu chí đánh giá trí tuệ cảm xúc ở điều tra viên. Trong luận án, tác giả dựa trên mô hình trí tuệ cảm xúc của J.Mayer, P.Salovey, D.Caruso để đưa ra bốn mặt biểu hiện trong trí tuệ cảm xúc của điều tra viên (năng lực nhận biết cảm xúc, năng lực thấu hiểu cảm xúc, năng lực vận dụng và năng lực điều khiển cảm xúc) và 3 mức độ biểu hiện trí tuệ cảm xúc của điều tra viên (mức cao, trung bình và mức thấp) dựa trên đặc trưng của hoạt động nghề nghiệp.
Thứ tư, trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an chịu tác động ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau. Đồng thời, nhiệm vụ của luận án không chỉ dừng lại ở việc làm sáng tỏ các vấn đề về mặt lý luận mà còn đi sâu nghiên cứu, khảo sát thực tế
nhằm đánh giá đúng thực trạng trí tuệ cảm xúc cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an. Do đó, trong luận án cần xác định, tập trung làm rõ các chỉ báo cụ thể để xây dựng tiêu chí, làm cơ sở cho việc xây dựng bảng hỏi, lập phiếu điều tra, lập các mẫu phiếu quan sát và phỏng vấn sâu; tiến hành xin ý kiến các chuyên gia Tâm lý học về những nội dung dự định nghiên cứu; điều tra thử, kiểm định tính khoa học, độ tin cậy, độ hiệu lực của các thang đo. Đánh giá đúng thực trạng trí tuệ cảm xúc và thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an hiện nay.
Thứ năm, trên cơ sở lý luận đã xác định, kết hợp với quá trình phân tích, đánh giá kết quả điều tra thực trạng trí tuệ cảm xúc và sự ảnh hưởng của các yếu tố trí tuệ cảm xúc của điều tra viên; phân tích chân dung tâm lý điển hình về trí tuệ cảm xúc. Từ đó, đề xuất biện pháp tâm lý - xã hội nhằm phát triển trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an một cách hiệu quả và bền vững.
Trên đây là những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu mà luận án cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu trên cơ sở kế thừa, bổ sung và phát triển các kết quả nghiên cứu của các nhà Tâm lý học trong và ngoài nước về trí tuệ cảm xúc.
Kết luận chương 1
Trí tuệ cảm xúc là vấn đề được Tâm lý học quan tâm nghiên cứu từ rất lâu, các nghiên cứu được tiến hành dưới nhiều góc độ và các hướng khác nhau, được đề cập đến nhiều đối tượng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Trong chương 1 tác giả luận án đã tổng quan những nghiên cứu của các nhà khoa học trong và ngoài nước có liên quan đến đề tài luận án được tiếp cận, nghiên cứu và hệ thống lại trên bốn hướng nghiên cứu bao gồm: (1) Nghiên cứu về cấu trúc, biểu hiện của trí tuệ cảm xúc; (2) Nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng của trí tuệ cảm xúc; (3) Nghiên cứu về biện pháp phát triển trí tuệ cảm xúc; (4) Nghiên cứu về mô hình, thang đó trí tuệ cảm xúc.
Các công trình khoa học đã được công bố liên quan đến trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra là hệ thống tri thức trên nhiều nội dung quan trọng đối với những vấn đề được triển khai nghiên cứu trong luận án. Kết quả nghiên cứu của các công trình nêu trên được khái quát lại ở bốn khía cạnh và xác định năm vấn đề luận án cần tiếp tục giải quyết. Thông qua đó để phân tích, đánh giá, kế thừa có chọn lọc, bổ sung và phát triển những thành tựu nghiên cứu phục vụ cho quá trình nghiên cứu về trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra. Đồng thời, việc hệ thống lại các công trình nghiên cứu trước đây cũng cho thấy đề tài luận án là một công trình độc lập, mới mẻ không trùng lặp với các công trình khoa học đã được công bố, có tính cấp thiết và giá trị lý luận, thực tiễn cao.
Nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra cần sự kế thừa có chọn lọc những kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, luận án xác định nghiên cứu trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra là một dạng năng lực tổng hợp thuyết phục trong cấu trúc nhân cách điều tra viên. Đây là cơ sở lý luận, để chúng tôi tiến hành nghiên cứu, làm sáng tỏ biểu hiện và tiêu chí đánh giá trí tuệ cảm xúc của điều tra viên ở Cục An ninh điều tra thuộc Bộ Công an.