Tạo Lập Ẩn Dụ Với Những Hình Ảnh Thơ Tràn Đầy Cảm Xúc Trạng Thái Mạnh Mẽ, Say Mê, Trẻ Trung, Giầu Nhiệt Huyết


Cũng như bao thi sĩ, Tố Hữu cũng sáng tạo nhiều hình ảnh thơ gợi cảm xúc từ mùa xuân. Mùa xuân chiếm một vị trí đặc biệt và trở thành hình tượng ẩn dụ xuyên suốt sáng tác của Tố Hữu. Biểu tượng mùa xuân thấm sâu, có sức lan tỏa mạnh trong thơ của người thi sĩ cộng sản. Mùa xuân không chỉ là hình ảnh của không gian, thời gian, xuân trong thơ Tố Hữu còn mang ý nghĩa biểu trưng cho cái đẹp, cho sức mạnh của tuổi trẻ, cho tương lai tươi sáng của dân tộc, cho những con người đẹp đẽ, kiên trung, cho niềm vui ngập tràn hạnh phúc, và rộng lớn hơn là xuân của thời đại, của kỉ nguyên mới xã hội chủ nghĩa. Cả một thế giới xuân đầy ắp sức sống trong 34 bài thơ với muôn sắc điệu: buổi xuân đào, vườn đầy xuân, đào xuân thắm, bạc xuân rắc, mùa xuân lại nhà, xuân của chúng ta, xuân của lòng dũng cảm, xuân đang vẽ, một khúc ca xuân, ta vẫn là xuân, xuân ơi !…Mỗi hình ảnh gợi một liên tưởng sâu xa và thú vị.

Tố Hữu là nhà thơ cách mạng, thơ ông là tiếng nói chung của dân tộc, của thời đại. Đất nước kinh qua hai cuộc kháng chiến thần thánh và đã đóng những dấu son chói lọi với những chiến công hiển hách. Thời đại này cũng đã sản sinh ra biết bao người con anh hùng, những "chàng Thạch Sanh của thế kỉ hai mươi". Do đó, cảm hứng ngợi ca cách mạng là cảm hứng chủ đạo của thơ Tố Hữu. Với nguồn cảm xúc ấy, lẽ tự nhiên, thơ Tố Hữu phải tìm đến những hình ảnh mang kích cỡ lớn lao, kỳ vĩ, huyền thoại. Có thể nói, cảm hứng nghệ thuật là yếu tố chi phối cách lựa chọn kiểu hình ảnh ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu. Và chính kiểu hình ảnh ẩn dụ ấy cũng đã góp phần tạo nên một phong cách thơ mang đậm tính sử thi và cảm hứng lãng mạn cách mạng.

2.2.3. Tạo lập ẩn dụ với những hình ảnh trong thế giới tự nhiên thân thuộc, gần gũi với con người và quê hương, đất nước.

Tố Hữu là người con của xứ Huế, miền đất nổi tiếng thơ mộng, trữ tình. với biết bao hình ảnh tươi đẹp của cảnh vật và con người đã đi vào thơ ca, nhạc họa. Dường như, chất Huế đã thấm vào tâm hồn, máu thịt của thi sĩ trên mỗi trang thơ. Xem xét các hình ảnh ẩn dụ thơ ông người đọc dường như


được sống giữa không gian Huế, cảm xúc Huế. Đã bao lần Tố Hữu cất lên tiếng gọi tha thiết, đau đáu và cháy bỏng của hồn mình: Nỗi niềm chi rứa, Huế ơi !, Hương Giang ơi, dòng sông êm. Hình ảnh Huế đã được nhà thơ nhân hóa tựa như hình ảnh của một người mẹ tảo tần, người yêu chung thủy để từ đó nhà thơ cất lên tiếng gọi da diết. Huế và dòng sông quê hương ấp ủ bao tình thương nỗi nhớ. Và khi ông bước chân ra đời, thì như một lẽ tự nhiên, không gian quê hương từ xứ Huế đã trải rộng trên khắp nẻo đường kháng chiến. Có biết bao những cái tên thân thương được cất lên như: Hòn Nẹ, Hanh Cát, Hanh Cù, Tây Nguyên, Sài Gòn…Dường như đó không còn chỉ là những cái tên ghi trong bản đồ địa lí, lịch sử mà nó đã trở thành những tâm hồn, những mảng đời gắn bó máu thịt với nhà thơ. Biết bao cảm xúc thân thương, sâu nặng khi ông gọi tên mảnh đất mà mấy mươi năm trước đã từng cưu mang, che chở cho những đứa con chiến sĩ: Hòn Nẹ ta ơi, mảng về chưa đó/ Nhớ nhau chăng hỡi Hanh Cát, Hanh Cù ?, hay khi ông cất tiếng gọi Tây Nguyên anh dũng, trung kiên: Tây Nguyên ơi ! Bước truân chuyên Và nhức nhối, băn khoăn, day dứt trong lời hoài vọng: Sài Gòn ơi, lại phải đi bao ngày

?. Nghệ thuật nhân hóa góp phần tạo cho tiếng thơ của Tố Hữu thân thương, ruột rà hơn bội phần. Ngoài ra, tâm hồn người đọc còn được rong ruổi cùng nhà thơ trên mọi miền đất nước cùng những nỗi niềm riêng khó nói thành lời… Và biết bao tên đất, tên làng, tên núi, tên sông của nước non yêu dấu này đã đi về trong thơ ông như một niềm day dứt khôn nguôi.

Màu sắc gợi cảm của những hình ảnh ẩn dụ gần gũi thân thương, giàu cảm xúc cũng là một cơ sở để khiến cho thơ Tố Hữu mang khuynh hướng của thơ trữ tình - chính trị.

2.2.3. Tạo lập ẩn dụ với những hình ảnh thơ tràn đầy cảm xúc trạng thái mạnh mẽ, say mê, trẻ trung, giầu nhiệt huyết

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Một tính chất nổi bật khác nữa không thể không kể đến của ẩn dụ trong thơ Tố Hữu là sự xuất hiện của hàng loạt hình ảnh ẩn dụ gợi cảm xúc,


ẨN DỤ TU TỪ TRONG THƠ TỐ HỮU - 8

trạng thái mạnh mẽ, mê say như: say mùi hương chân lí, hồn ta chạy, lòng ta múa, mắt Bác Hồ cười, lửa vui, chim reo, gà mừng, gió lộng, mạch suối trẻ, rung rinh quả ngọt, không gian hồng, rạo rực muôn màu sắc, đường thơm tho, đường óng ả, ga hồng đôi má…

Chẳng hạn, khi nói về lý tưởng cách mạng, nhà thơ đã có những sáng tạo hết sức độc đáo:

Khi đã say mùi hương chân lí

(Như những con tàu)

Hương tự do thơm ngát cả ngàn ngày

(Tâm tư trong tù)

Chân lí, tự do là những khái niệm trừu tượng nhưng đã được nhà thơ gắn cho chúng một mùi hương. Nhà thơ khi ấy đang là một chàng thanh niên say mê lý tưởng, giầu cảm xúc, nhiệt huyết đã cảm nhận được tất cả sự thơm tho, tinh khiết tuyệt diệu của nó. Ở đây, phép chuyển đổi cảm giác làm cho những tư tưởng cách mạng vốn mang tính chính trị khô khan trở nên hấp dẫn, say cuốn hơn. Con người như ngây ngất, đắm say trong hương thơm ngào ngạt. Phải chăng, đó là vẻ đẹp và sức hấp dẫn của lý tưởng cách mạng và cuộc sống tự do? Không chỉ những khái niệm trừu tượng, mà cả những cảnh, những vật quen thuộc trong đời cũng được cảm nhận thông qua sự chuyển đổi cảm giác tài tình của nhà thơ:

Đường thơm tho như mật bọng trưa hè

(Hy vọng)

Từ những hình ảnh thị giác, nhà thơ lại cảm được những cảm nhận của vị giác như hương thơm ngọt ngào của đường thơm tho. Chính sự chuyển đổi này làm cho cảnh vật như được bao bọc trong hương thơm. Con đường vàng, thơm mùi lúa chín, mùi rơm rạ ven đường, hương thơm của hoa đồng cỏ nội và cả hương vị trong tưởng tượng của một tâm hồn lãng mạn.


Tố Hữu cũng có nhiều hình ảnh ẩn dụ nhân hóa kết hợp với ẩn dụ chuyển đổi để đem đến những cảm xúc mạnh mẽ, trẻ trung, tràn đầy khí huyết:

Hồn ta chạy sáng ngời trên ngọn đuốc Lòng ta múa lồng lên theo đám rước

(Vui bất tuyệt)

Niềm vui chiến thắng - niềm vui bất tuyệt ùa về làm xôn xao, rạo rực những dòng thơ. Động từ chạy múa được nhà thơ gắn cho hồn ta lòng ta thật sống động. Hàng loạt hình ảnh, sắc màu lộng lẫy, động tác mạnh mẽ, âm thanh sôi động đã diễn tả một niềm vui lớn đang trào dâng trong tâm hồn, cảm xúc của con người.

Chính những hình ảnh ẩn dụ tràn đầy cảm xúc như thế cũng đã góp phần làm cho tiếng thơ Tố Hữu trở thành tiếng nói của những "tình cảm lớn, niềm vui lớn" giữa cuộc sống lớn lao của dân tộc.

2.2.4.Tạo lập hình ảnh vật hóa để miêu tả bản chất của kẻ thù

Như phần khảo sát ở mục 2.1, Tố Hữu cũng sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ vật hóa. Những hình ảnh này được sử dụng tập trung với nội dung biểu đạt bản chất xấu xa của kẻ thù: bầy chó dữ, bầy sói tanh hôi, quỷ dữ, thằng dạ chó, hùm sói, lũ diều hâu, lũ sói beo, quạ đen, lũ chó đê hèn và lũ vật tanh hôi…Ở đây, những đặc tính của các loài thú dữ đã được gán cho quân giặc cướp nước và bè lũ bán nước để thể hiện sự hung bạo, tàn ác của chúng, đồng thời diễn tả thái đội coi thường, khinh bỉ và căm giận của nhà thơ. Tuy nhiên, đây cũng là những môtíp ẩn dụ quen thuộc mang tính cũ mòn, không phải là những ưu thế nổi bật của phép ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu.

TIỂU KẾT

Qua khảo sát và phân loại ẩn dụ trong thơ Tố Hữu, ta nhận thấy ẩn dụ tu từ trong thơ ông có một số đặc điểm:

Ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu xuất hiện với nhiều kiểu loại đa dạng. Nổi bật nhất phải kể đến ẩn dụ hình tượng, trong đó ẩn dụ chỉ đặc điểm, tính


chất xuất hiện nhiều hơn cả. Ẩn dụ bổ sung và biến thể của ẩn dụ như nhân hóa và vật hóa cũng chiếm một tỉ lệ khá lớn… Phương thức tu từ ấy có mặt trên các trang thơ với mức độ và hiệu quả thẩm mỹ khác nhau. Nó góp phần thể hiện đời sống tâm hồn phong phú, tinh tế của nhà thơ.

Ẩn dụ tu từ mang tính sáng tạo riêng của người viết. Cùng chỉ một đối tượng nhưng trong ngữ cảnh khác nhau, ở mỗi tác giả và trong mỗi thời đại lại có những cách diễn đạt khác nhau. Chính điều đó góp phần làm phong phú diện mạo văn học của mỗi dân tộc. Thi nhân xưa và nay thường nói đến sóng tình, thuyền tình hay thuyền trăng. Còn Tố Hữu lại nói sóng cách mạng hay thuyền cách mạng. Nếu trong ca dao trữ tình, hình ảnh mặt trời thường được ví với trái tim nóng bỏng tình yêu đôi lứa: Thấy anh như thấy mặt trời thì nhà thơ của lý tưởng cộng sản lại dùng hình ảnh mặt trời để chỉ tình cảm đối với lý tưởng cách mạng và thời đại. Ẩn dụ tu từ in đậm dấu ấn trong suốt 7 tập thơ của người thi sĩ cách mạng, nó xuất hiện hầu hết trên trong các bài thơ và trên mỗi trang thơ.

Trước sau, tiếng thơ Tố Hữu luôn kiên định với lý tưởng cách mạng mà ông trọn đời dâng hiến. Ông là nhà thơ cách mạng, nhà thơ của lý tưởng cộng sản. Ông say sưa ca ngợi lý tưởng, ca ngợi Đảng vĩ đại và nhân dân anh hùng, ca ngợi cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Mọi biểu hiện nghệ thuật của thơ ông đều quy tụ về tâm điểm này. Ẩn dụ tu từ trong các tập thơ cũng không nằm ngoài quỹ đạo ấy. Điều đó được thể hiện ở trở đi trở lại của một số hình ảnh ẩn dụ chủ đạo trong các tập thơ. Đặc biệt là sự thống nhất của một số tính chất trong các hình ảnh ẩn dụ của thơ ông. Đó là chuỗi hình ảnh ẩn dụ thuộc về thế giới tự nhiên có tầm vóc lớn lao, kỳ vĩ, mang màu sắc sử thi, huyền thoại. Hay chuỗi hình ảnh ẩn dụ mang thuộc tính bền vững, có giá trị vĩnh cửu. Và những hình ảnh ẩn dụ tràn đầy cảm xúc trạng thái mạnh mẽ, say mê, trẻ trung, giầu nhiệt huyết. Những tính chất này không chỉ thể hiện những nét sáng tạo riêng của ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu mà từ đó còn cho thấy đặc điểm nổi bật của phong cách thơ Tố Hữu.


Chương 3

CHỨC NĂNG CỦA ẨN DỤ TRONG THƠ TỐ HỮU


Ẩn dụ tu từ là một cấu tạo ngôn ngữ hết sức mềm dẻo. Quy luật biểu hiện của nó là cách nói có vẻ xa xôi bóng gió và kín đáo nhưng lại rất gần, rất cụ thể, công khai và rõ ràng. Không gọi thẳng tên đối tượng nhưng nó lại nói được rất nhiều về đối tượng. Đó là quy luật của một lối diễn đạt lấy cực nọ để biểu hiện cực kia; lấy xa nói gần, lấy vòng nói thẳng; lấy kín nói hở, lấy ít nói nhiều.

Ẩn dụ tu từ khai thác khả năng biểu hiện của các đơn vị ngôn ngữ, thông qua thao tác lựa chọn và thao tác kết hợp trong quá trình tổ chức và cấu trúc văn bản. Các từ ngữ liên quan với nhau và tạo ra nội dung ngữ nghĩa của toàn cấu trúc, khác với nghĩa của từng yếu tố riêng lẻ. Sẽ không lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa và tiềm ẩn của lời thơ nếu các từ ngữ được sử dụng trong ẩn dụ tu từ lại nằm ngoài văn cảnh, ngoài cấu trúc văn bản. Chính cách thể hiện đặc biệt ấy đã góp phần tạo cho thơ ca những khả năng kì diệu.

Là hình thức hiện đại của thơ tiếng Việt, thơ Tố Hữu "mở cửa cho những tiếng lòng gần gũi, mang cái hổn hển, dào dạt của đời vào thơ. Nó mở cửa cho tiếng nói hàng ngày, chất văn xuôi đủ cung bậc, lĩnh vực có thể vào thơ. Nó mở cửa thông sang truyền thống dân gian. Nó mở ra cho các hình thức tư duy mới mẻ, cho phép sử dụng các ẩn dụ, liên tưởng đầy nghịch lí bất ngờ. Và dĩ nhiên, nó cho phép cá tính nhà thơ bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết" [51, tr. 186]. Ẩn dụ tu từ đã đem lại cho thơ Tố Hữu vẻ đẹp độc đáo, bất ngờ và đầy sức lôi cuốn. Có thể nhận thấy một số chức năng quan trọng của ẩn dụ tu từ trong thơ Tố Hữu.

3.1. CHỨC NĂNG XÂY DỰNG HÌNH TƯỢNG


Hình tượng nghệ thuật là bức tranh sinh động của cuộc sống được xây dựng nhờ trí tưởng tượng, óc sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ


trước thế giới. Mỗi loại hình nghệ thuật có cách xây dựng hình tượng khác nhau. Âm nhạc dùng âm thanh, điêu khắc dùng đường nét và hội họa dùng màu sắc… Còn trong thơ ca: "Hình tượng thơ là một bức tranh sinh động và tương đối hoàn chỉnh về cuộc sống được xây dựng bằng một hệ thống các đơn vị ngôn ngữ có tính chất vần, điệu với trí tưởng tượng sáng tạo và cách đánh giá của người nghệ sĩ" [12, tr. 100]. Trên cơ sở chất liệu ngôn từ, hình tượng nghệ thuật trong các tác phẩm đã cho ta những hình ảnh hiển hiện, sống động của cuộc sống và thế giới tâm hồn phong phú của con người. Nếu việc tạo dựng hình tượng nghệ thuật trong thơ văn của người cầm bút cũng tựa như việc tỉ mỉ đẽo gọt một bức phù điêu của nhà điêu khắc thì ẩn dụ chính là những nét chạm khắc xuất thần làm cho hình tượng hiện lên luôn luôn sống động và đầy biến ảo. Ẩn dụ đã cho thấy sự liên tưởng tinh tế của người nghệ sĩ tới những điểm giống nhau giữa các đối tượng mà trong thực tế chúng có thể rất cách biệt để tạo nên sự bất ngờ, mới lạ, hấp dẫn trong bản thân những cái vốn quen thuộc quanh ta. Nghĩa ẩn dụ bao giờ cũng bóng bẩy, mềm mại, giàu hình ảnh với những hàm ý mà người đọc phải suy ra mới hiểu được. Và có thể nói, Tố Hữu cũng là một người thợ tài hoa khi sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để tạo dựng hình tượng nghệ thuật. Nhờ có ẩn dụ tu từ mà có thể diễn đạt ngắn gọn, cô đọng và súc tích điều mình muốn nói.

Chẳng hạn, Tố Hữu đã dùng hình ảnh mùa xuân để gợi tả không khí tưng bừng, khởi sắc của miền Bắc trong những ngày đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội:

Xuân ơi xuân em mới đến năm năm Mà cuộc sống đã tưng bừng ngày hội

(Bài ca mùa xuân 1961)

Xuân trong câu thơ trên được Tố Hữu dùng để gọi chủ nghĩa xã hội. Mùa xuân là mùa đầu của một năm, mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa của những lễ hội rộn rã, tưng bừng…Có thể nói, đó là mùa tươi đẹp nhất trong năm. Còn chủ nghĩa xã hội lại là một khái niệm trừu tượng. Cuộc sống mới


với những đổi thay lớn lao mà chủ nghĩa xã hội đem đến cho miền Bắc khó có thể diễn tả trong một câu, một đoạn thậm chí một bài. Vậy mà, chỉ với một hình ảnh mùa xuân Tố Hữu đã nói được tất cả: Sắc màu tươi mới tràn đầy sức sống của hoa lá, cỏ cây, con người, vạn vật; không khí tưng bừng, rộn ràng, náo nức của một ngày hội lớn, và sâu xa hơn nữa, là một cuộc sống đầy tương lai, hứa hẹn những ngày mai ấm no hạnh phúc.

Còn khi viết về miền Nam chia cắt dưới gót thù xâm lược, Tố Hữu lại dùng hình ảnh cành lá quế. Cành quế đã lìa cây, rời cội, héo khô, cạn kiệt nhựa sống mà chẳng thể nhạt phai vị thơm cay, ngọt bùi. Cũng như miền Nam đi trước về sau, đau thương mà quật cường, anh dũng. Có thể nói, đây là một hình ảnh thơ có sức gợi lớn:

Hương đâu thơm lựng rừng hè Nhặt cành lá quế mà tê tái lòng Trà My đây, hỡi Trà Bồng

Có hay cây quế đợi trông tháng ngày?

Nâng cành quế héo trên tay

Càng thương quế ngọt càng cay cùng người!

(Nước non ngàn dặm)

Ta cũng bắt gặp hình tượng miền Nam chiến đấu trong một hình ảnh gần gũi, thân thương - chiếc mũ tai bèo của anh phóng quân:

Ôi cái mũ vải mềm dễ thương như một bàn tay nhỏ Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành

Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc Mạnh hơn tất cả đạn bom, làm run sợ cả

Lầu năm góc!

(Bài ca xuân 68)

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 26/04/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí