Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con - 8


vụ kiện có liên quan đến vấn đề này, trong đó có khoảng 40% tổng số vụ kiện được tòa án chấp thuận áp dụng học thuyết “vén màn công ty”.

Do đặc thù của chế độ liên bang, nơi có sự độc lập giữa các bang với hệ thống liên bang và giữa các bang với nhau, án lệ của các bang cũng không có sự thống nhất hoàn toàn về cơ chế xuyên phá bức màn công ty. Ví dụ, bang Delaware có tiêu chuẩn áp dụng cơ chế “vén màn công ty” tương đối ngặt nghèo. Cụ thể, Tòa án chỉ áp dụng biện pháp này trong trường hợp công ty được thành lập một cách “giả tạo” và sự tồn tại của công ty thực chất chỉ là phương tiện để lừa đảo. Trong khi đó, với tiêu chuẩn thông thoáng hơn, tòa án bang California sẽ quyết định “vén màn công ty” khi hội tụ đủ hai yếu tố: 1) có sự thống nhất về lợi ích và sở hữu giữa công ty và cá nhân, tổ chức điều khiển nó đến mức độ hai chủ thể không còn tư cách pháp lý độc lập với nhau; 2) nếu đối xử với hai chủ thể đó như hai chủ thể độc lập sẽ dẫn đến hoạt động lừa đảo hay đối xử bất công. Theo hệ thống án lệ của bang Indiana thì phạm vi áp dụng biện pháp “vén màn công ty” tương đối phong phú. Tòa án tối cao bang Indiana nhận định trong án lệ được viết bởi thẩm phán Frank Sullivan, Jr.43 rằng: để áp dụng biện pháp này, nguyên đơn phải chứng minh sự tồn tại của một hay một số các yếu tố sau:

Thứ nhất, công ty ngay tại thời điểm thành lập đã không được góp đủ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh và hứng chịu những rủi ro đi kèm với hoạt động kinh doanh đó44.

Thứ hai, công ty hoạt động mà không lưu giữ tài liệu của doanh nghiệp theo quy định như các biên bản họp đại hội đồng cổ đông và hội đồng quản trị, tài liệu giấy tờ ghi lại hoạt động khác của cổ đông và hội đồng quản trị, sổ sách kế toán, danh sách cổ đông và một số loại văn bản được quy định phải lưu trữ khác45.

Thứ ba, cổ đông hoặc thành viên hội đồng quản trị của công ty có hành vi lừa dối (fraudulent representation) mà nguyên đơn cần chứng minh các yếu tố cấu thành gồm: 1) bị đơn đã cố ý truyền đạt thông tin sai sự thật; 2) nguyên đơn đã tin tưởng



43 Án lệ Price v. Aronson năm 1994 tại bang Indiana.

44 Nguyên tắc này về sau được áp dụng vào vụ kiện Longhi v. Mazzoni năm 2009 của bang Indiana.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.

45 Nguyên tắc này về sau được áp dụng vào vụ kiện Community Care Center, Inc. v. Hamilton năm 2002 của bang Indiana.


Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con - 8

vào thông tin sai lệch do bị đơn truyền đạt; 3) nguyên đơn thực tế đã chịu thiệt hai do tin tưởng vào thông tin sai lệch đó46.

Thứ tư, tài sản của công ty bị sử dụng cho các nghĩa vụ của riêng các cổ đông.

Thứ năm, giữa chủ sở hữu hay thành viên, cổ đông của công ty và công ty không có sự tách bạch rõ ràng về mặt tài sản và công việc.

Thứ sáu, công ty không tuân thủ các thủ tục luật định trong thành lập và quản lý, điều hành công ty, bao gồm: thủ tục thành lập công ty, thủ tục phát hành cổ phiếu, bầu thành viên hội đồng quản trị, thủ tục ban hành nghị quyết để thông qua một giao dịch và thủ tục ghi biên bản họp của công ty.

Thứ bảy, những hành vi khác của cổ đông như bỏ qua, điều khiển hay lợi dụng cơ chế trách nhiệm hữu hạn của hình thức công ty cổ phần.

Các yếu tố trên đây tuy được liệt kê trong một án lệ nhưng là kết quả đúc kết, tổng hợp kinh nghiệm xét xử từ nhiều vụ việc khác nhau, với những tình tiết khác nhau và không chỉ áp dụng đối với các chủ sở hữu, cổ đông là cá nhân mà còn áp dụng cả với các chủ sở hữu/cổ đông là tổ chức, tức là công ty mẹ của công ty bị kiện. Tuy nhiên, không phải khi có sự xuất hiện của một yếu tố nào trong số những yếu tố trên đây là đương nhiên đồng nghĩa với việc tòa án sẽ áp dụng biện pháp “vén màn công ty” mà trên thực tế, các tòa án sẽ đánh giá một cách tổng thể các yếu tố trước khi khẳng định có hay không sự vi phạm từ phía chủ sở hữu (hay công ty mẹ) dẫn đến việc phải chịu trách nhiệm cho các nghĩa vụ của công ty con. Trong quá trình đánh giá này, các tòa án cũng xem xét trên nhiều bình diện, như mục đích của bị đơn khi thực hiện hành vi, mức độ nghiêm trọng của hậu quả từ hành vi của bị đơn, thiệt hại trên thực tế của nguyên đơn, sự tồn tại của quy định của luật thành văn về vấn đề đang được tranh chấp, và nhiều yếu tố khác.

Hiện tượng “vén màn công ty” trong nhóm công ty xuất phát từ thực tế có những trường hợp công ty con được thành lập để gánh chịu rủi ro của công ty mẹ đối với hoạt động đầu tư có rủi ro cao. Công ty mẹ có thể phải chịu trách nhiệm cho nghĩa vụ của công ty con trong một số trường hợp khi có các dấu hiệu: 1) Công ty con bị vận hành một cách bất công (ví dụ lợi nhuận của công ty con được tập trung về công ty



46 Được áp dụng tại vụ kiện Johnson v. Wysocki năm 2013 tại bang Indiana.


mẹ trong khi lỗ tích tụ tại công ty con như trong trường hợp chuyển giá); 2) công ty con thường xuyên được thể hiện là một phần của công ty mẹ, gây nhầm tưởng công ty con là chi nhánh hay văn phòng đại diện của công ty mẹ; 3) không có sự tách bạch giữa công ty mẹ và công ty con trong hoạt động thành lập, quản lý và điều hành doanh nghiệp; 4) công ty mẹ và công ty con đều kinh doanh một mặt hàng hay dịch vụ và công ty con thì bị thiếu vốn; 5) không có sự phân biệt rõ ràng về việc một giao dịch được tiến hành bởi công ty mẹ hay công ty con. Thậm chí, trong một số án lệ tại Mỹ, một công ty cũng có thể phải chịu trách nhiệm cho nghĩa vụ của công ty khác mặc dù không có mối quan hệ công ty mẹ - công ty con. Cụ thể, trong một án lệ của bang Indiana, tòa án nhận định rằng một công ty sẽ phải chịu trách nhiệm cho nghĩa vụ của một công ty khác nếu hai công ty không hoạt động hoàn toàn độc lập, hay một công ty chỉ là một “bản thể khác” (alter-ego) của công ty còn lại47.

Tựu trung lại, học thuyết “vén màn công ty” được các tòa án Hoa Kỳ áp dụng khi có bằng chứng cho thấy công ty (công ty con) bị chủ sở hữu (công ty mẹ) lợi dụng khiến nó không còn là một pháp nhân độc lập mà chỉ còn là công cụ để chủ sở hữu (hay công ty mẹ) trục lợi hay trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với bên thứ ba.

Có thể nói, những đóng góp của các học giả Mỹ cho học thuyết “vén màn công ty” đều mang tính thực dụng cao. Mặc dù không phải các quy định thành văn cụ thể và rõ ràng nhưng khi được vận dụng bởi các tòa án, những học thuyết này đã trở thành những công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cơ quan tài phán của Hoa Kỳ, góp phần đáng kể giúp cho pháp luật công ty tại Mỹ trở nên năng động hơn, linh hoạt hơn, vừa giữ vững được những nguyên lý nền tảng của pháp luật công ty, vừa tránh được những bất công có thể gặp phải của chủ nghĩa tư bản.

Tại Anh, các tòa án rất tuân thủ nguyên tắc tư cách pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn và thường không dễ dàng quyết định “vén màn công ty”. Sau vụ tranh chấp Salomon nổi tiếng năm 1897, các án lệ tại quốc gia này liên quan đến việc “vén màn công ty” đã phát triển theo hai hướng trái ngược mà càng về sau các tòa án càng có xu hướng thận trọng hơn khi “vén màn công ty”, thể hiện thái độ khẳng định sự vững chắc và tính nền tảng của nguyên lý pháp nhân độc lập và trách nhiệm hữu hạn trong



47 Án lệ Smith v. McLeod Distributing, Inc. năm 2000.


pháp luật về công ty48. Hiện tượng này cũng được ghi nhận trong án lệ ở một số quốc gia như Canada hay Úc. Trong đó, Úc đã có hai án lệ mà tòa án từ chối “vén màn công ty” mặc dù đã xem xét đến trách nhiệm trực tiếp của công ty mẹ trong sơ suất do áp dụng sự kiểm soát đối với công ty con.

Tại một quốc gia đại diện cho hệ thống dân luật là Cộng hòa Liên bang Đức, cũng tương tự như ở Anh và Mỹ, luật doanh nghiệp không qui định buộc các cổ đông hay nhà quản lý, điều hành của công ty phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty. Về nguyên tắc, tài sản của công ty và của các cổ đông luôn tách biệt nhau. Nguyên tắc này cũng được áp dụng đối với nhóm công ty. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo tính công bằng, các nhà làm luật Đức cũng đã phát triển một cơ chế riêng để buộc các chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ của công ty trong một số trường hợp đặc biệt. Họ gọi cơ chế này là “Durchgriffshaftung”, một giải pháp tương tự như cơ chế “vén màn công ty” ở Anh, Mỹ. Cũng giống như cơ chế “vén màn công ty”, giải pháp này ở Đức cũng không được ghi nhận trong luật thành các quy định cụ thể bởi ở Đức việc “vén màn công ty” bị xem là một nguy cơ phá vỡ nền tảng quan trọng của pháp luật về công ty. Chính vì vậy, giải pháp này chủ yếu do Tòa án áp dụng trong những trường hợp đặc biệt để giải quyết các xung đột lợi ích có liên quan đến nhóm công ty, nhằm đảm bảo rằng các chủ doanh nghiệp không tìm cách chuyển rủi ro của mình sang các chủ nợ của công ty một cách không công bằng.

Như vậy, pháp luật công ty của các quốc gia nhìn chung vẫn chưa có quy định về việc công ty mẹ phải chịu trách nhiệm về hành vi hay các khoản nợ của công ty con. Việc “vén màn công ty” mặc dù được áp dụng trong một số vụ tranh chấp ở các quốc gia theo hệ thống thông luật song cũng chưa đủ để các nhà làm luật xem xét điều chỉnh hay đưa ra những ngoại lệ đối với nguyên tắc công ty là một thực thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong pháp luật về công ty. Tuy nhiên, pháp luật công ty dù là luật cơ sở điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công ty song lại không phải ngành luật duy nhất điều chỉnh về trách nhiệm pháp lý của công ty,




48 Radu Mares (2019), “Liability within corporate groups: Parent company’s accountability for subsidiary human rights abuses”, Research Handbook on Human Rights and Business, Raoul Wallenberg Institute of Human Rights and Humanitarian Law, trang 10


đặc biệt là của công ty mẹ. Vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ còn được điều chỉnh trong một số luật khác, cụ thể như trong phần 2.1.2 và 2.1.3 dưới đây.

Pháp luật về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (tort law) và lý thuyết về trách nhiệm cẩn trọng (duty of care)

Như Chương 1 đã nêu về các loại trách nhiệm pháp lý, trong trách nhiệm dân sự có trách nhiệm dân sự phát sinh từ hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Tại nhiều quốc gia, chế định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng được thể chế hóa trong các quy định về hành vi có lỗi (tort law). Theo đó, một cá nhân hay tổ chức nếu có hành vi có lỗi, gây ra thiệt hại cho người khác thì sẽ phải có trách nhiệm trực tiếp về hành vi đó và với người bị thiệt hại. Điều đó có nghĩa là vẫn có một cơ sở pháp lý để yêu cầu công ty mẹ phải có trách nhiệm với thiệt hại của một bên thứ ba nếu công ty mẹ trực tiếp góp phần vào việc gây ra thiệt hại đó. Lúc này, trách nhiệm của công ty mẹ không còn là trách nhiệm liên đới mà là trách nhiệm trực tiếp của người gây ra hậu quả, nó khác với trách nhiệm theo học thuyết “vén màn công ty”. Do đó, để buộc công ty mẹ có trách nhiệm theo chế định trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng, trách nhiệm của người chứng minh lỗi không phải là chứng minh công ty mẹ đã kiểm soát công ty con đến mức công ty con trở thành công cụ của công ty mẹ mà phải chứng minh rằng công ty mẹ có hành vi có lỗi, có thiệt hại thực tế đã xảy ra và có mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả giữa hành vi của công ty mẹ và thiệt hại đó. Trong một số vụ tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của công ty mẹ theo tort law, hành vi có lỗi của công ty mẹ xuất phát từ chính việc công ty mẹ đã không thực hiện đầy đủ “trách nhiệm cẩn trọng” của mình, ví dụ như vụ kiện nổi tiếng năm 2012 tại Anh giữa một người tên là David Chandler và một công ty tên là Cape Plc49.

David Chandler đã làm việc cho một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Cape Plc chỉ trong hơn 18 tháng, từ năm 1959 đến năm 1962. Năm 2007, Chandler phát hiện ra rằng do tiếp xúc với amiăng trong thời gian làm việc đó, ông đã mắc bệnh bụi phổi amiăng. Công ty con lúc này không còn tồn tại và không có chính sách bảo hiểm chi trả cho các yêu cầu bồi thường thiệt hại do bệnh bụi phổi amiăng. Vì thế, Chandler khởi kiện Cape Plc., cáo buộc rằng công ty này có trách nhiệm và đã vi



49 Vụ kiện Chandler v. Cape PLC [2012] EWCA Civ 525 tại Anh


phạm trách nhiệm cẩn trọng đối với anh ta. Cape Plc. thì phủ nhận rằng họ không có trách nhiệm cẩn trọng với các nhân viên của công ty con. Tại phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán Wyn William J. đã đưa ra phán quyết nghiêng về phía Chandler, rằng Cape Plc. phải có trách nhiệm bởi Cape Plc. đã có kiến thức thực tế về điều kiện làm việc của nhân viên công ty con, và nguy cơ amiăng là rõ ràng. Cape Plc. đã thuê một cán bộ khoa học và y tế chịu trách nhiệm về các vấn đề sức khỏe và an toàn do vậy Cape Plc. có trách nhiệm đảm bảo rằng nhân viên của mình và của các công ty con không bị tổn hại. Cape Plc. sau đó đã kháng cáo nhưng tòa án phúc thẩm cũng đã bác kháng nghị của công ty này và buộc Cape Plc. phải chịu trách nhiệm về vấn đề sức khỏe của ông Chandler.

Vụ Chandler v. Cape Plc. thể hiện một bước phát triển đáng kể vì phán quyết của tòa án không dựa vào sự chi phối thực tế mà công ty mẹ dùng để biến công ty con thành một công cụ như khi áp dụng thuyết “vén màn công ty”. Thay vào đó, tòa án đã xem xét hệ thống sức khỏe và an toàn (Health and Safety) của công ty con để tìm kiếm sự liên quan của công ty mẹ trong đó. Họ nhận thấy hệ thống này thực tế còn thiếu và công ty con dựa hoàn toàn vào sự hướng dẫn và giám sát của công ty mẹ trong vấn đề sức khỏe và an toàn. Phán quyết của tòa án sơ thẩm và phúc thẩm trong vụ việc này là vô cùng quan trọng vì lần đầu tiên nhân viên của một công ty con buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm cẩn trọng đối với mình. Thẩm phán Arden L.J. trong phiên xét xử phúc thẩm đã bác bỏ mọi ý kiến cho rằng việc ông xem xét trách nhiệm của Cape Plc. là “vén màn công ty”. Mặc dù vậy, kết quả cuối cùng là tương đương ở chỗ, bằng việc áp dụng các nguyên tắc của tort law, tòa án đã áp đặt được trách nhiệm với công ty mẹ bất chấp việc công ty mẹ và công ty con là các pháp nhân độc lập và riêng biệt.

Tương tự, trong vụ kiện vào năm 2015 của hơn 1000 công dân Zambia đối với công ty khai thác đồng Konkola Copper Mines PLC (“KCM”) và Vedanta Resources PLC (“Vedanta”), một công ty của Anh là công ty mẹ của KCM50, nguyên đơn là những người dân nghèo mà cuộc sống phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước ở khu vực



50 Vụ kiện Lungowe v. Vedanta Resources Plc năm 2015 tại Anh


mỏ khai thác của KCM, họ cho rằng KCM đã xả chất thải độc hại vào nguồn nước của họ, khiến cho sức khỏe của họ cũng như việc trồng trọt của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ năm 2005. Các chứng cứ thu thập được đã cho thấy rằng Vedanta có thực hiện một báo cáo về tính bền vững (sustainability report) trong đó chỉ ra rằng việc giám sát tất cả các công ty con thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị của Vedanta (Trên thực tế, Vedanta kiểm soát gần như toàn bộ hoạt động của KCM). Quan trọng hơn, báo cáo này cũng nêu rất rõ rằng Vedanta có một quy định quản lý nội bộ liên quan đến việc xả thải để đảm bảo không làm ô nhiễm nước mặt cũng như nước ngầm tại các khu mỏ đang hoạt động của Vedanta. Bên cạnh đó, Vedanta cũng ký một hợp đồng quản lý với KCM theo đó Vedanta có trách nhiệm thực hiện các báo cáo nghiên cứu khả thi cho các dự án khai thác của KCM, phù hợp với thông lệ về khai thác, xử lý kim loại và đánh giá tác động với môi trường. Và nhiều tài liệu khác cho thấy Vedanta đã đào tạo cho KCM về an toàn, sức khỏe và môi trường cũng như có những cam kết về việc giải quyết các rủi ro về môi trường và thiếu sót về kỹ thuật trong cơ sở hạ tầng khai thác của KCM. Trước những bằng chứng này, tòa án Anh đã kết luận rằng Vedanta đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng trong vấn đề sức khỏe và môi trường liên quan đến hoạt động của các mỏ và vì vậy Vedanta có trách nhiệm bồi thường cho nguyên đơn.

Các tòa án của Canada hiện nay cũng đang phát triển án lệ trong lĩnh vực này vì rất nhiều doanh nghiệp Canada đang hoạt động trong ngành công nghiệp khai khoáng trên khắp thế giới. Án lệ đáng chú ý đầu tiên là vụ kiện giữa Choc và Hudbay Minerals Inc. năm 2013 được tòa án cấp cao Ontario xét xử, trong đó nguyên đơn cáo buộc công ty mẹ có “sự cẩu thả trực tiếp” (direct negligence). Lập luận của nguyên đơn trong vụ này cũng dựa trên các nguyên tắc của tort law và lý thuyết về trách nhiệm cẩn trọng chứ không dựa vào luật công ty và lý thuyết “vén màn công ty”.

Như vậy, bằng việc dựa vào pháp luật về công ty, pháp luật về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng và các học thuyết có liên quan (học thuyết “vén màn công ty” và học thuyết “trách nhiệm cẩn trọng”), các tòa án trên thế giới đều đã có thể ràng buộc trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con, mặc dù chỉ là trong một số trường hợp rất giới hạn. Khi áp dụng thuyết “vén màn công ty”, trách nhiệm của


công ty mẹ sẽ là trách nhiệm liên đới, trách nhiệm không phát sinh do lỗi. Còn khi áp dụng thuyết “trách nhiệm cẩn trọng”, trách nhiệm của công ty mẹ sẽ là trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm phát sinh do lỗi.

Trách nhiệm của công ty mẹ theo một số luật riêng

Ngoài việc dựa vào các luật chung, pháp luật các nước trên thế giới cũng có những ngành luật riêng có quy định về trách nhiệm của công ty mẹ. Ví dụ ở Mỹ, luật Cạnh tranh quy định công ty mẹ và công ty con 100% thuộc sở hữu của công ty mẹ sẽ được coi là một đơn vị kinh tế và do vậy nếu liên quan đến các vấn đề về cạnh tranh, công ty mẹ trong trường hợp sở hữu 100% công ty con sẽ phải cùng công ty con chịu trách nhiệm. Luật Môi trường của Mỹ cũng có những quy định về trách nhiệm của công ty mẹ. Cụ thể, đạo luật toàn diện về ứng phó, bồi thường và trách nhiệm với môi trường (The Comprehensive Environmental Response, Compensation, and Liability Act – CERLA) quy định công ty mẹ có trách nhiệm dọn dẹp nếu như công ty mẹ là chủ sở hữu của công ty gây ra ô nhiễm môi trường.

Trong Luật Phá sản ở Anh ban hành năm 1986, từ điều 213 đến 215 có đề cập đến việc xử lý trách nhiệm khi có phát hiện có hành vi kinh doanh “gian lận” hoặc “sai trái”. Hành vi kinh doanh gian lận được hiểu là một thương vụ kinh doanh mà ý định chính là nhằm lừa đảo các chủ nợ của công ty hoặc vì mục đích lừa đảo khác. Trong trường hợp này, Tòa án có thể buộc bất cứ ai đã thực hiện hành vi gian lận, sai trái đó (bao gồm cả công ty mẹ) phải có trách nhiệm đóng góp tài sản vào công ty với một mức độ mà Tòa án nhận thấy là phù hợp. Quy định với ý nghĩa tương tự cũng được tìm thấy tại điều 332 Luật Công ty của Anh ban hành lần đầu năm 1948. Luật phá sản năm 1986 của Anh cũng có quy định Công ty mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm trả một phần các khoản nợ của công ty con tương ứng với phần chênh lệch của số lợi nhuận mà nó đã thu về từ công ty con so với số cổ tức mà nó đáng lẽ được hưởng.

Vào năm 2017, tại Pháp, một bộ luật liên quan đến vấn đề nhân quyền51 đã có quy định những công ty quy mô lớn (từ 5000 nhân viên trở lên) phải có trách nhiệm giám sát các công ty con và các nhà cung cấp của mình trong vấn đề nhân quyền kèm



51 French law on Corporate Duty of Vigilance, 2017.

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 17/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí