Bất Cập Từ Mô Hình Công Ty Mẹ - Công Ty Con Và Quy Định Của Các Quốc Gia Về Trách Nhiệm Của Công Ty Mẹ


hệ thống pháp luật về công ty nói chung. Với ông, cơ chế “xuyên màn công ty” như là một cái bẫy, nó không những khó hiểu, khó áp dụng mà dường như không làm lợi cho nền kinh tế, nó khiến các nhà đầu tư trở nên thận trọng và ngăn cản tăng trưởng kinh tế và rằng cơ chế này nên được bãi bỏ. Làm như vậy sẽ giúp cho tòa án và các luật sư thoát khỏi những phân tích lúng túng và khó khăn hiện nay”31. Ông cho rằng, các vụ việc được viện dẫn cơ chế “xuyên màn công ty” chủ yếu dựa vào các phán quyết của các thẩm phán, mà theo ông thì “cũng giống như tất cả mọi người, các thẩm phán vốn dĩ đã có trí nhớ, kỹ năng và tinh thần hạn chế”. Vì vậy, ông cương quyết đề nghị xóa bỏ cơ chế “xuyên màn công ty” và cho rằng việc này là một bước cần thiết để đưa ra những giải pháp pháp lý đúng đắn nhằm giải quyết vấn đề32. Tuy nhiên, trong bài luận của mình có tựa đề Abolishing veil piercing, Bainbridge cũng đã không có những biện luận mang tính thực tiễn mà chủ yếu dựa vào lý thuyết của nguyên tắc trách nhiệm hữu hạn để bác bỏ, phản đối cơ chế này.

Mặc dù có nhiều quan điểm trái chiều về cơ chế “vén màn công ty” như nêu trên song thực tiễn xét xử và giải quyết các vụ tranh chấp liên quan đến trách nhiệm của công ty mẹ đối với các vấn đề do công ty con gây ra cho thấy phe ủng hộ cơ chế này ngày càng thắng thế. Thực tiễn này chứng tỏ rằng sự ra đời, tồn tại của cơ chế “vén màn công ty” là một tất yếu khách quan, nghĩa là sự ra đời, tồn tại của nó nhằm đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn chứ không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người nói chung.

1.5. Tính chất và cơ sở trách nhiệm của công ty mẹ

1.5.1. Tính chất trách nhiệm của công ty mẹ

Thực tế, trách nhiệm pháp lý của công ty mẹ đối với hành vi của các công ty con là loại trách nhiệm pháp lý gián tiếp hay trách nhiệm liên đới (vicarious liability). Khái niệm trách nhiệm liên đới lần đầu tiên được nhắc tới có lẽ là trong luật cổ về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng (Tort law) của các quốc gia từ hơn 3000 năm trước, khởi nguồn từ câu chuyện “con bò ngổ ngáo”. Luật cổ này quy định chủ sở



31 Stephen M. Bainbridge (2001), “Abolishing veil piercing” (tạm dịch: “xóa bỏ việc xuyên màn công ty”), Tạp chí Pháp luật Công ty, Đại học Iowa, trang 4.

32 Stephen M. Bainbridge (2001), “Abolishing veil piercing” (tạm dịch: “xóa bỏ việc xuyên màn công ty”), Tạp chí Pháp luật Công ty, Đại học Iowa, trang 43.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.


hữu phải chịu trách nhiệm về thương tích do con bò ngổ ngáo của anh ta gây ra cho người khác, mặc dù người chủ đó không hề liên quan hoặc không có ý định dùng con bò đó để gây ra thương tích cho người khác. Luật pháp cổ đại của Đức cũng gắn trách nhiệm gián tiếp cho chủ nhân đối với tất cả những tổn hại do một nô lệ gây ra. Cụ thể: theo Luật bất cẩn thời trung cổ của Đức, người chủ phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sai phạm của người làm của mình, bao gồm cả những người giúp việc gia đình của anh ta, và những người mà anh ta thuê để thực hiện các công việc theo hợp đồng như nông dân, công nhân đóng gói, v…v. Tương tự như vậy, người chủ của một gia đình cũng có trách nhiệm liên đới về hành vi của các thành viên trong gia đình và những người khác sống trong ngôi nhà của anh ta.

Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con - 6

Có thể khái quát hóa lại khái niệm trách nhiệm liên đới từ các quy định trên như sau: Trách nhiệm liên đới là trách nhiệm do một người (A) phải chịu liên quan đến hành vi sai trái do người khác (B) thực hiện trong các tình huống mà A không có liên quan hoặc không trực tiếp thực hiện hành vi sai trái nào. Trong trường hợp này, trách nhiệm liên đới được chứng minh bởi mối quan hệ giữa hai chủ thể. Các yếu tố cấu thành trách nhiệm liên đới gồm có: thứ nhất một hành động sai trái hoặc thiếu sót của người khác; thứ hai là mối quan hệ nào đó giữa người có hành động sai trái và người phải chịu trách nhiệm liên đới; và thứ ba là có mối liên hệ nào đó giữa hành vi sai trái và mối quan hệ giữa hai chủ thể này.

Theo nguyên tắc này, yếu tố đầu tiên cấu thành trách nhiệm pháp lý của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con là một hành động sai trái hoặc thiếu sót của công ty con. Ví dụ: công ty con vi phạm pháp luật về môi trường, pháp luật cạnh tranh hay pháp luật lao động. Yếu tố thứ hai cần có là mối quan hệ giữa công ty mẹ và công ty con. Theo nguyên tắc chung của luật bất cẩn thì không ai phải chịu trách nhiệm thay cho người khác hay vì hành vi của người khác. Tuy nhiên, trách nhiệm liên đới nói chung và trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con nói riêng lại là một ngoại lệ và yếu tố thứ hai nêu trên đóng vai trò rất quan trọng trong việc áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với công ty mẹ. Và trong mối quan hệ công ty mẹ - công ty con thì rõ ràng yếu tố thứ hai này đã và luôn tồn tại. Yếu tố thứ ba thường là yếu tố khó chứng minh nhất đó là việc công ty mẹ đã dùng mối quan hệ chi phối của mình


để tác động đến công ty con như thế nào dẫn đến hành động sai trái của công ty con. Thường thì khi chứng minh sự tồn tại của yếu tố thứ ba này, các tòa án sẽ xem xét đến thẩm quyền của cổ đông (hay công ty mẹ) theo pháp luật cũng như theo điều lệ của công ty con và liệu có sự vượt quá thẩm quyền quy định này hay không.

1.5.2. Cơ sở trách nhiệm của công ty mẹ

Tỷ lệ sở hữu đóng vai trò quan trọng quyết định sự kiểm soát và chi phối của công ty mẹ đối với công ty con. Đây cũng là cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất khi phân tích về trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con. Sự kiểm soát của công ty mẹ phản ánh mối quan hệ giữa hai chủ thể chịu trách nhiệm, chính là yếu tố cấu thành thứ hai trong trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đã trình bày ở phần 3.1 trên đây. Chính vì lẽ đó, để có thể quy trách nhiệm cho công ty mẹ, tỷ lệ sở hữu vốn ở mức kiểm soát sẽ là cơ sở đầu tiên và không thể thiếu.

Cơ sở lý luận thứ hai về trách nhiệm của công ty mẹ chính là quan điểm công ty mẹ luôn có khả năng thanh toán tốt hơn công ty con. Điểm này được lý giải rằng: nếu một công ty là thành viên của một nhóm công ty, theo thông lệ chung, “người chơi” chính trong nhóm công ty này là công ty mẹ sẽ thực hiện tích lũy tư bản, làm giàu các nguồn lực cho mình thông qua việc thu cổ tức từ các công ty con và đương nhiên là các công ty con buộc phải thực hiện điều này mặc dù nó có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến điều kiện tài chính của công ty con. Trong khi đó, công ty mẹ lại có thể cố tình cấp ít vốn cho công ty con để giới hạn phạm vi chịu trách nhiệm pháp lý của công ty con ở một mức thấp, nhưng lại vẫn tác động để công ty con tham gia vào các hoạt động kinh doanh rủi ro cao nhằm mang về lợi nhuận tối đa cho công ty mẹ33. Tương tự, công ty mẹ có thể sử dụng quyền kiểm soát của mình đối với công ty con để chuyển tài sản cho chính mình bằng cách chia cổ tức quá mức, giảm vốn, bán hàng giá cao cho công ty con hoặc mua hàng của công ty con với giá thấp... Kết quả là tình hình tài chính của công ty con luôn kém hơn công ty mẹ, công ty mẹ luôn luôn có khả năng thanh toán cao hơn công ty con. Việc công ty con mất khả năng thanh toán do đó có một phần trách nhiệm từ công ty mẹ và vì vậy, mối tương quan về khả năng



33 Anderson H. (2011), Parent Company Liability for Asbestos Claims: Some International Insights, Legal Studies, Vol. 31 No.4, trang 547 đến trang 551


thanh toán này cũng là một cơ sở để yêu cầu công ty mẹ có trách nhiệm một phần đối với những khoản nợ mà công ty con không thể chi trả.

Ở một góc độ khác, công ty con trong nhóm công ty được thành lập ra để phối hợp cùng công ty mẹ trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì một mục tiêu chung là lợi ích của cả nhóm công ty. Do vậy, mặc dù là các pháp nhân độc lập về địa vị pháp lý song thực tế công ty con luôn phụ thuộc vào công ty mẹ ở một mức độ nào đó. Công ty mẹ, với tư cách là một cổ đông, có quyền quyết định hoặc chi phối quyết định bổ nhiệm hay miễn nhiệm người quản lý của công ty con. Điều đó có nghĩa là người đứng đầu công ty con trong đa phần các trường hợp sẽ là người của công ty mẹ, hành động theo sự chỉ đạo và vì lợi ích của công ty mẹ. Đây chính là cách mà công ty mẹ thực hiện quyền và khả năng kiểm soát của mình lên các hoạt động của công ty con. Vì vậy, chắc chắn là một hành vi nào đó của công ty con luôn luôn có ít nhiều yếu tố tác động từ công ty mẹ và đó là cơ sở giải thích cho việc công ty mẹ phải có trách nhiệm liên đới với các hành vi của công ty con.

Cuối cùng, lý thuyết về sự có đi có lại giữa lợi ích và trách nhiệm34 cũng là một cách lập luận về trách nhiệm liên đới của công ty mẹ khi các luật gia tìm kiếm cơ cơ sở cho việc buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với hành vi của công ty con. Theo lý thuyết này, mục tiêu chính của công ty là để mang lại lợi nhuận cho các cổ đông. Cổ tức hay lợi nhuận mà công ty mẹ được chia từ công ty con có thể được coi là lợi ích. Đổi lại, gánh nặng đặt lên vai công ty mẹ chính là trách nhiệm liên đới của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con.

1.6. Tiểu kết Chương 1

Tổng kết lại những vấn đề lý luận đã được phân tích trong Chương 1 này, có thể thấy rằng pháp luật công ty đã trải qua một quá trình hình thành và phát triển khá dài, đủ để có một sự hoàn thiện tương đối, góp phần thúc đẩy nền kinh tế bên cạnh việc thực hiện chức năng quản lý của nhà nước đối với các thành phần kinh tế. Các nhà đầu tư khi tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua một công ty sẽ không phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với những nghĩa vụ tài sản của công ty đó.



34 Keating G.C. (1997), The Idea of Fairness in the Law of Enterprise Liability, Michigan Law Review, Vol.95 No.2, trang 1266 - 1360.


Rủi ro cũng vì thế mà được giới hạn trong phạm vi số vốn mà họ đầu tư vào công ty. Đó chính là những ưu điểm của nguyên lý trách nhiệm hữu hạn, giúp cho nhà đầu tư mạnh dạn tham gia vào nền kinh tế, góp phần gia tăng của cải và việc làm cho xã hội. Cũng chính từ đó mà các nhóm công ty được hình thành và dần trở thành một mô hình hữu ích để tối đa hóa lợi nhuận cũng như giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, thực tiễn luôn đi trước và đặt ra những vấn đề cần phải được phản ánh, tiếp thu và cải tiến trong các quy định của pháp luật, cụ thể là trong vấn đề trách nhiệm của pháp nhân nói chung và trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con nói riêng. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân đã được pháp luật của các quốc gia quy định, trong hầu hết các trường hợp là trách nhiệm tài sản của pháp nhân đối với tổ chức, cá nhân khác hay đối với nhà nước khi vi phạm các quy định của pháp luật. Trách nhiệm pháp lý của pháp nhân cũng như trách nhiệm pháp lý của thể nhân, bao gồm: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự và cả trách nhiệm hình sự. Ngoài việc giới thiệu về trách nhiệm pháp lý của pháp nhân, Chương 1 cũng đã đề cập đến các quan điểm lý luận về trách nhiệm của pháp nhân với tư cách là công ty mẹ của một công ty con, để từ đó đi vào nghiên cứu pháp luật cũng như thực tiễn về vấn đề này tại Chương 2. Từ những quan điểm lý luận của những nhà nghiên cứu trên thế giới, có thể thấy rằng các quan điểm trái ngược nhau vẫn đang cùng tồn tại, bên thì ủng hộ còn bên thì phản đối việc suy xét trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con. Mặc dù tiếp cận từ góc độ nào, những quan điểm lý luận này cũng đã cho thấy sự quan tâm của giới nghiên cứu đối với việc nên hay không nên và làm thế nào để buộc một công ty mẹ phải có trách nhiệm khi nó gián tiếp gây ra những thiệt hại cho bên thứ ba thông qua công ty con của mình.


CHƯƠNG 2 – BẤT CẬP TỪ MÔ HÌNH CÔNG TY MẸ - CÔNG TY CON VÀ QUY ĐỊNH CỦA CÁC QUỐC GIA VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG TY MẸ


2.1. Mô hình công ty mẹ - công ty con bị lợi dụng để doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm

Lịch sử hình thành nhóm công ty cho thấy đây là con đường hữu hiệu để các nhà đầu tư mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động, tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Cơ chế trách nhiệm hữu hạn đã thúc đẩy sự hình thành các nhóm công ty và góp phần to lớn vào việc tạo nên một nền kinh tế sôi động cho các quốc gia. Tuy nhiên, cũng chính từ những ưu điểm to lớn mà cơ chế trách nhiệm hữu hạn hay bức màn công ty mang lại cho các nhà đầu tư mà những đầu óc tư bản ngày càng nảy sinh tư tưởng lợi dụng cơ chế này để làm giàu, bất chấp những rủi ro hay thiệt hại có thể xảy ra đối với các bên liên quan như những đối tác, bạn hàng của các công ty, cơ quan quản lý nhà nước hay cả những người tiêu dùng. Nhiều công ty thành lập mà không có vốn, hoạt động thiếu minh bạch, chủ sở hữu can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động của công ty, dễ dàng chuyển dịch tài sản của công ty thành tài sản của mình, rút vốn trực tiếp khỏi công ty, mua bán hóa đơn lòng vòng, trốn thuế, chuyển giá… làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các chủ nợ của công ty hoặc đến trật tự xã hội. Phần viết sau đây sẽ chỉ ra và phân tích cách thức thực hiện cũng như những thiệt hại hay rủi ro từ một số hình thức phổ biến về lợi dụng mô hình công ty mẹ - công ty con.

2.1.1. Chuyển giá để trốn thuế

Thường thấy nhất trong các hình thức lợi dụng mối quan hệ công ty mẹ - công ty con là việc chuyển giá nhằm trốn thuế. Có thể hiểu đơn giản chuyển giá là việc các công ty trong một nhóm công ty có giao dịch với nhau trong đó áp dụng các biện pháp về chính sách giá hàng hóa, dịch vụ không theo mức giá thông thường trên thị trường để tìm cách giảm thiểu số lợi nhuận phải nộp thuế của cả nhóm công ty. Có 02 trường hợp chuyển giá thường thấy: một là chuyển giá từ một công ty làm ăn có lãi sang một công ty làm ăn thua lỗ hoặc hai là chuyển giá từ công ty không có hoặc có ít ưu đãi về thuế sang một công ty có ưu đãi nhiều hơn về thuế. Các hình thức


chuyển giá phổ biến gồm có: Chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình hoặc vô hình giữa các công ty trong cùng một nhóm công ty; chuyển giá thông qua cung cấp dịch vụ nội bộ nhóm công ty; chuyển giá thông qua chi trả lãi vay. Cách thức mà các công ty này thường làm là: công ty làm ăn có lãi hoặc công ty không được ưu đãi về thuế (công ty A) sẽ ký những hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với công ty làm ăn thua lỗ hay có ưu đãi về thuế (công ty B) để có thể thanh toán tiền cho B nhằm chuyển bớt lợi nhuận từ A sang B (thực chất là làm tăng chi phí của A dẫn đến giảm lợi nhuận). Khi đó, tổng số thuế phải nộp của cả A và B sẽ giảm xuống so với nếu không thực hiện chuyển giá. A và B có thể là một công ty mẹ và một công ty con hoặc cũng có thể là các công ty con của cùng một công ty mẹ. Các hợp đồng giao dịch trong trường hợp này có thể là những hợp đồng, giao dịch khống tức là thực chất không có sự chuyển dịch hàng hóa hay dịch vụ giữa các công ty mà chỉ có sự chuyển dịch về tiền; hoặc nếu không phải các hợp đồng khống thì sẽ là những hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ với mức giá không tương đương với giá trị thị trường của những hàng hóa, dịch vụ đó. Tuy nhiên, để hành vi chuyển giá khó bị phát hiện, các công ty thường lựa chọn những loại hàng hóa, dịch vụ khó có thể so sánh với giá trị thông thường trên thị trường để mua bán với nhau nhằm làm khó cho cơ quan quản lý. Về phạm vi, chuyển giá có thể được thực hiện giữa các công ty trong cùng một nước hoặc cũng có thể giữa các công ty thành lập ở các quốc gia khác nhau (trong trường hợp các Tập đoàn xuyên quốc gia hay đa quốc gia) nhưng đều gây thất thu thuế cho nhà nước dù là ở quốc gia nào. Và mặc dù chuyển giá thường xuất hiện ở các công ty có hoạt động sản xuất, thông qua các hợp đồng mua nguyên vật liệu đầu vào, nhưng nhìn chung thì có thể được các công ty ở mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề hay mọi khâu khác nhau trong chuỗi cung ứng áp dụng. Hành vi chuyển giá được coi là một hành vi vi phạm pháp luật về thuế và chủ yếu là vi phạm hành chính; một số hành vi có mức độ vi phạm nghiêm trọng có thể coi là vi phạm hình sự và vấn đề này phụ thuộc vào quy định của từng quốc gia.

Một ví dụ điển hình ở Việt Nam về hành vi chuyển giá là trường hợp của công ty Coca-Cola Việt Nam. Công ty này vào Việt Nam từ năm 1992 và liên tục báo lỗ trong hơn 20 năm đầu hoạt động với tổng số lỗ lên đến 3.768 tỷ đồng, nhiều hơn cả


số vốn đầu tư ban đầu là 2.950 tỷ đồng35. Như vậy, về mặt kỹ thuật, lẽ ra Coca-Cola Việt Nam đã phải phá sản. Trong khi đó, sản lượng thực tế của công ty tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và công ty không ngừng mở rộng nhà máy sản xuất. Thay vì đóng cửa hay thu hẹp quy mô hoạt động, năm 2014 Coca-Cola tiếp tục đầu tư thêm 210 triệu đô la Mỹ để mở rộng kinh doanh ở Việt Nam. Việc doanh nghiệp báo lỗ tương ứng với việc không phải đóng các khoản thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đã khiến Công ty Coca-Cola Việt Nam từng bị Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xếp vào vị trí số 1 trong danh sách các doanh nghiệp nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm. Theo cơ quan thuế, “bí quyết” để doanh nghiệp này có thể liên tục kê khai lỗ nằm ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt năm 2006 - 2007 chi phí nguyên phụ liệu lên đến 80

- 85% giá vốn. Bằng tư duy kinh tế hết sức thông thường, ai cũng có thể hiểu đây là cách mà Coca-Cola sử dụng các công ty trong cùng Tập đoàn để chuyển được lợi nhuận ra nước ngoài và tránh phải nộp thuế ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chứng minh Coca-Cola vi phạm pháp luật là rất khó, bởi không có cơ sở so sánh, đối chiếu giá nguyên liệu với các doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, vì nguyên liệu đặc biệt là hương liệu là do công ty mẹ của Coca-Cola Việt Nam độc quyền cung cấp. Cũng không thể lấy chi phí nguyên phụ liệu của doanh nghiệp Việt Nam cùng ngành nghề để so sánh vì Coca-Cola thuyết minh rằng hương liệu của hãng là loại nguyên liệu đặc thù, bí mật kinh doanh của hãng.

Sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013 Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Chính phủ Việt Nam. Cụ thể năm 2013, công ty này lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Nếu tính trung bình mỗi năm Coca-Cola Việt Nam lãi khoảng 200 tỷ đồng và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp trung bình là 20%/năm thì trong 20 năm, Việt Nam có thể đã thất thu 800 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp từ Coca-Cola, một khoản tiền không hề nhỏ.



35 “Dấu hiệu bất thường ở Coca – Cola Việt Nam”, Tuổi trẻ Online ngày 08/12/2012, https://tuoitre.vn/dau-hieu-bat-thuong-o-coca-cola-vn-523967.htm, truy cập ngày 12/12/2021

Xem tất cả 104 trang.

Ngày đăng: 17/06/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí