Kiến Nghị Về Hoàn Thiện Hệ Thống Các Quy Phạm Pháp Luật Nhằm Ngăn Ngừa Các Hành Vi Lợi Dụng Vỏ Bọc Công Ty, Lợi Dụng Mô Hình Công Ty Mẹ - Công Ty Con


công ty mẹ ký kết hợp đồng đó với một bên thứ ba. Ví dụ: công ty mẹ bán sản phẩm cho công ty con với mức giá cao mà không chứng minh được tính hợp lý của mức giá đó, hoặc ngược lại, công ty mẹ mua sản phẩm, dịch vụ của công ty con dưới mức giá thị trường hoặc thậm chí dưới mức giá thành của sản phẩm, dịch vụ đó hoặc mua hàng hóa, dịch vụ của công ty con nhưng thời hạn thanh toán dài, thậm chí chậm thanh toán mà không bị phạt để có thể chiếm dụng vốn của công ty con…

- Việc công ty mẹ chỉ đạo người quản lý của công ty con trong các quyết định của công ty con mà không thuộc thẩm quyền của công ty mẹ theo điều lệ công ty. Ví dụ: công ty mẹ chỉ đạo công ty con bổ nhiệm những nhân sự là người có liên quan đến công ty mẹ vào giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy điều hành hay những chức vụ quản lý cấp trung, từ đó gián tiếp củng cố sự chi phối thực tế của công ty mẹ lên hoạt động của công ty con.

- Việc công ty mẹ yêu cầu công ty con thực hiện phân phối lợi nhuận mà không tính đến nhu cầu tái đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh hay các nghĩa vụ tài chính khác của công ty.

Có thể nói, từ những nguyên tắc và điều kiện mà các thẩm phán Hoa Kỳ đã đặt ra trước khi áp dụng cơ chế “vén màn công ty”, có thể rút ra được không ít những nội dung có khả năng áp dụng thực tế tại Việt Nam để làm rõ hơn những trường hợp mà bức màn công ty cần được phá bỏ và buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với hành vi của công ty con. Tuy nhiên, để có thể áp dụng, những nội dung này thì trước hết chúng phải được thể chế hóa thành các quy định thành văn.

3.1.3. Cần một án lệ về “vén màn công ty”

Những nội dung được khuyến nghị thể chế hóa trong luật pháp Việt Nam tại mục 3.1.2 trên đây là xuất phát từ việc Việt Nam là một quốc gia theo hệ thống dân luật, nơi mà nguồn luật chính là các văn bản quy phạm pháp luật. Mặc dù vậy, kể từ năm 2017 khi Bộ luật Dân sự năm 2015 đi vào hiệu lực thì tại Việt Nam án lệ cũng đã được coi là một nguồn luật chính thức bên cạnh các văn bản quy phạm pháp luật, các tập quán, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự57. Để trở thành một án lệ được phép áp dụng, một bản án phải trải qua một quy trình lựa chọn và công bố án



57 Khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2015 về áp dụng tương tự pháp luật

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.


lệ. Tuy nhiên, thủ tục này vẫn đơn giản và nhanh hơn tương đối so với việc điều chỉnh, bổ sung hay ban hành mới một văn bản luật. Chính vì vậy, khi mà pháp luật thực định cần nhiều thời gian để nghiên cứu, tiếp thu và chưa thể kịp thời điều chỉnh theo yêu cầu của thực tiễn, cần xem xét đưa một bản án có tính chất “vén màn công ty” thành án lệ để có thể áp dụng chung tại các cơ quan tài phán trong nước. Từ đó, pháp luật mới có thể thực sự đi vào đời sống, góp phần bảo vệ hữu hiệu các lợi ích hợp pháp của các thành phần trong xã hội, đảm bảo trật tự xã hội trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế.

Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con - 10

3.2. Kiến nghị về hoàn thiện hệ thống các quy phạm pháp luật nhằm ngăn ngừa các hành vi lợi dụng vỏ bọc công ty, lợi dụng mô hình công ty mẹ - công ty con để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật

Rõ ràng những hệ lụy của việc các tổ chức, cá nhân lợi dụng vỏ bọc công ty và mô hình nhóm công ty để thực hiện các hành vi phi pháp là không hề nhỏ đối với xã hội. Mặc dù vậy, sự tồn tại của những hành vi này không chỉ xuất phát từ sự lỏng lẻo trong quy định của pháp luật về trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con mà còn từ những lỗ hổng pháp lý trong rất nhiều lĩnh vực khác, đơn cử như trong vấn đề quản lý thuế; trong vấn đề phòng, chống tội phạm tham nhũng, rửa tiền; trong tính nghiêm khắc của các chế tài trách nhiệm pháp lý…

Vì vậy, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm của những quốc gia khác để hoàn thiện chế định trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con thì Việt Nam cũng cần liên tục rút kinh nghiệm từ thực tiễn và tham khảo các nền pháp luật khác để hoàn thiện cả những quy định pháp luật nhằm phòng chống tội phạm về lợi dụng vỏ bọc công ty vào nhiều mục đích khác nhau. Vấn đề này liên quan đến nhiều định chế pháp lý khác nhau mà phạm vi lại rộng cũng như độ phức tạp lại cao, hơn thế nữa đây lại là một nội dung nằm ngoài phạm vi nghiên cứu của đề tài luận văn này nên tác giả sẽ không đề cập vào chi tiết mà chỉ dừng lại ở mức độ nêu vấn đề.

3.3. Khuyến nghị với các doanh nghiệp thuộc các nhóm công ty

Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con trong một số trường hợp bức màn công ty bị lợi dụng là điều mà các chủ nợ và chính các nhà làm luật đã và đang tìm cách chứng minh. Song, hãy quay lại với điểm khởi nguồn của cơ chế


trách nhiệm hữu hạn và những giá trị to lớn mà nó mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Những nhà đầu tư mang tài sản của họ vào hoạt động kinh doanh, ngoài việc làm giàu cho chính họ thì cũng là góp phần thúc đẩy sự phát triển nói chung của nền kinh tế. Vì vậy, nếu như mục đích của nhà đầu tư là trong sáng, họ cũng cần được pháp luật bảo vệ trước những rủi ro mà họ có thể không lường trước được trong hoạt động kinh doanh. Do đó, mục 3 này sẽ đưa ra một số khuyến nghị đối với những doanh nghiệp để đảm bảo chế độ trách nhiệm hữu hạn được thực thi, tránh những trường hợp các công ty vô tình tự đặt mình vào tình huống phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình đối với những nghĩa vụ của công ty khác.

3.3.1. Thực hiện đúng và đủ các quy định về quản lý, điều hành công ty

Như đã nhắc đến trong mục 2.3.2, một trong những yếu tố mà các tòa án sẽ xem xét khi cân nhắc việc áp dụng biện pháp “vén màn công ty” là có hay không việc công ty không tuân thủ các quy định trong quản lý, điều hành công ty. Thực tế, mặc dù các tập đoàn kinh tế hay các nhóm kinh tế có thể có quy mô tổng thể là rất lớn nhưng trong nội bộ nhóm công ty lại có thể tồn tại những công ty nhỏ hoặc rất nhỏ. Mà thông thường, ở những công ty quy mô nhỏ, nhân lực thường mỏng và mỗi nhân sự thường phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau (điều này thường thấy ở các công ty start- up). Trong khi đó, hoạt động kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải phản ứng nhanh, phải rất linh hoạt trong cơ chế hoạt động để đảm bảo kịp thời đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Chính vì lẽ đó, các thủ tục nội bộ rườm rà đôi khi sẽ bị xem nhẹ hay không được quan tâm đúng mức. Chẳng hạn như: yêu cầu đối với một công ty cổ phần là đại hội đồng cổ đông phải họp tối thiểu mỗi năm một lần và hội đồng quản trị phải họp tối thiểu ba tháng một lần để quyết định các vấn đề của công ty. Pháp luật cũng quy định về trình tự, thủ tục tổ chức các cuộc họp cũng như thể thức và nội dung cần có của các biên bản họp hay cơ chế thông qua các nghị quyết, quyết định của các cấp quản lý công ty. Nếu một công ty không thực hiện đúng và đủ các yêu cầu này, nhìn từ góc độ của các tòa án, có thể bị coi là không tuân thủ các quy định về quản lý, điều hành công ty. Đặc biệt, nếu những quyết định được ban hành không đúng quy định đó lại thuộc những lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của công ty như việc bổ nhiệm một nhân sự quản lý, việc phê duyệt một


giao dịch với công ty mẹ hay những người có liên quan khác của công ty58 thì rất có thể sẽ trở thành một “điểm tựa” để tòa án xem xét bỏ qua bức màn công ty. Khi đó, công ty mẹ dù không muốn hoặc không cố ý thì cũng buộc phải chịu trách nhiệm về những hậu quả mà công ty con gây ra. Vì vậy, khuyến nghị đầu tiên đối với các chủ sở hữu doanh nghiệp hay các công ty mẹ là phải luôn đảm bảo các công ty con do mình lập ra phải được quản lý và vận hành theo đúng các quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Dù các thủ tục nội bộ có rườm rà đến đâu, dù thực tế doanh nghiệp có thực hiện được đúng và đủ hay không thì ít nhất doanh nghiệp cũng phải chứng minh được bằng hồ sơ về việc đã tuân thủ các quy định đó.

3.3.2. Hạn chế sự không tách bạch trong hoạt động giữa công ty mẹ và công ty con

Việc công ty mẹ sử dụng tài sản của công ty con vào mục đích riêng của công ty mẹ hoặc để phục vụ hoạt động của công ty mẹ mà không thông qua một thỏa thuận dân sự hợp pháp nào là một cơ sở để tòa án quy kết về sự không tách bạch trong hoạt động của công ty mẹ và công ty con, dẫn đến việc tòa án có thể quyết định “vén màn công ty”. Mà trong thực tế, việc sử dụng chung tài sản hay nguồn lực giữa các công ty trong một nhóm công ty lại không hề hiếm gặp. Thường thì để tối ưu hóa chi phí vận hành của nhóm công ty, khai thác triệt để tài sản của các công ty trong nhóm thì các công ty sẽ có xu hướng sử dụng chung tài sản và nguồn lực của nhau để tổ chức sản xuất kinh doanh. Ví dụ, một công ty có thể đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng để đón đầu nhu cầu mở rộng trong tương lai dẫn đến thừa thãi so với nhu cầu sử dụng hiện tại. Do đó, để tiết kiệm chi phí cho các công ty khác và để tránh sự hao mòn một cách lãng phí nhà xưởng của mình, công ty này có thể cho các công ty khác cùng sử dụng hạ tầng đó. Hoặc một ví dụ khác cũng thường thấy là một công ty mới được thành lập chưa có đủ nhân sự cho các vị trí cần thiết nên “sử dụng tạm” nhân sự của các công ty khác trong nhóm công ty để vận hành các công việc của mình. Mặc dù mục đích ban đầu là hoàn toàn chính đáng song nếu như việc sử dụng chung tài sản và con người giữa các công ty không dựa trên cơ sở một thỏa thuận công bằng cho các bên (giống như một thỏa thuận cho thuê tài sản mà công ty cho thuê sẽ có thu



58 Khái niệm “người có liên quan” được hiểu theo định nghĩa tại Luật Doanh nghiệp năm 2020.


nhập từ hoạt động cho thuê) thì vô tình đây sẽ là điểm yếu để các chủ nợ khai thác, buộc các tòa án phải yêu cầu các công ty hoạt động không tách bạch phải liên đới chịu trách nhiệm về những nghĩa vụ tài sản của nhau đối với bên thứ ba. Vì vậy, lưu ý thứ hai đối với các nhóm công ty chính là phải luôn đảm bảo có sự tách bạch về con người cũng như tài sản giữa công ty mẹ và công ty con để không thể bị quy kết về việc hoạt động không độc lập giữa các công ty.

3.3.3. Thực hiện đúng cam kết góp vốn

Mục 2.3.2 của Chương 2 cũng đã nêu rằng việc công ty con không được góp đủ vốn để thực hiện hoạt động kinh doanh có thể là một yếu tố xem xét của các tòa án khi áp dụng cơ chế “vén màn công ty”. Tuy nhiên, cũng như những vấn đề đã nêu tại các mục 3.3.1 và 3.3.2 trên đây, hiện tượng này cũng không phải là hiếm trong thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp ngày nay. Có thể có nhiều nguyên do đằng sau việc công ty mẹ không góp đủ vốn như đã cam kết vào công ty con. Ở đây không nói đến trường hợp công ty mẹ cố tình đăng ký mức vốn cao nhưng thực tế không góp đúng số vốn đó, mục đích là để công ty con có một năng lực tài chính ban đầu “đẹp trên hồ sơ” hòng tạo dựng được sự yên tâm và tin tưởng của các nhà đầu tư khác hay các đối tác, bạn hàng; hay trường hợp công ty mẹ cố tình góp một mức vốn tượng trưng cho công ty con và buộc công ty con phải tự xoay sở để thu xếp vốn cho hoạt động của mình, mục đích là để giới hạn mức rủi ro thật thấp cho công ty mẹ. Có những trường hợp khác của việc không góp đủ vốn như cam kết như là: công ty mẹ không dự liệu được sự vận động của dòng tiền trong kinh doanh dẫn đến không kịp thu xếp vốn, hoặc cố tình trì hoãn việc góp vốn để tranh thủ quay vòng vốn, chiếm dụng vốn vào một hoạt động kinh doanh khác mà không ý thức được những trách nhiệm pháp lý của việc không thực hiện góp vốn đúng như cam kết. Những công ty mẹ thuộc vào các trường hợp này cần phải ý thức được rằng trong thời gian theo luật định mà công ty mẹ phải hoàn thành việc góp vốn, nếu công ty mẹ chưa thực hiện xong thì vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm đối với những nghĩa vụ tài sản của công ty con trong phạm vi số vốn đáng lẽ phải góp. Đó là quy định đã tồn tại trong Luật Doanh nghiệp. Vì vậy, các công ty mẹ không nên bỏ qua vấn đề này.


3.4. Khuyến nghị với các tổ chức, cá nhân khi giao dịch với các thành viên trong một nhóm công ty

Nếu một nhóm công ty chủ tâm lợi dụng bức màn công ty để hạn chế rủi ro cho mình và đẩy rủi ro sang cho các tổ chức, cá nhân khác thì những tổ chức, cá nhân có giao dịch với các nhóm công ty này chính là đối tượng mà quyền lợi hợp pháp của họ dễ bị xâm phạm nhất. Do đó, đây cũng là đối tượng cần được khuyến nghị về những điểm đáng lưu ý trước khi quyết định giao kết hợp đồng với một doanh nghiệp thuộc một nhóm công ty.

Trước hết, các chủ thể này cần nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật của mình trong lĩnh vực doanh nghiệp và một số vấn đề cơ bản trong lĩnh vực dân sự đồng thời tìm hiểu thực tiễn và rút kinh nghiệm từ bài học của những người đã từng bị thiệt hại trước. Nội dung lưu ý này nghe thì có vẻ lý thuyết suông và hơi giáo điều song đây luôn luôn là mấu chốt của vấn đề bởi chỉ có kiến thức và kinh nghiệm mới giúp cho một người có thể lường trước được những rủi ro về những gì mà họ dự định thực hiện.

Tạm gọi các chủ thể nói trên là A và các công ty trong nhóm công ty mà họ dự định giao kết hợp đồng là B. Một số điểm mấu chốt cơ bản mà A cần tìm hiểu và nắm rõ về B nhằm đảm bảo quyền lợi của mình bao gồm:

Một là, những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của thỏa thuận giữa Bên A và Bên B, đó là sự hợp pháp của chủ thể, của mục đích và đối tượng hợp đồng. Do thỏa thuận dân sự giữa các bên chính là pháp luật do các bên tự thiết lập nên để quyền lợi của mình được đảm bảo thì hợp đồng giữa các bên cần được pháp luật thừa nhận và bảo đảm thực hiện. Nhiều tổ chức, cá nhân hoặc là không có hiểu biết hoặc không cẩn trọng trong quá trình giao kết hợp đồng có thể rơi vào trường hợp hợp đồng mua hàng hóa với một công ty không phải do người đại diện hợp pháp của công ty đó ký kết dẫn đến hợp đồng trở nên vô hiệu mà Bên A lại đã thanh toán cho Bên B và Bên B cố tình không trả lại. Trong khi đó, nếu Bên A là các cá nhân thì thường có tâm lý e ngại các thủ tục kiện tụng dẫn đến việc buông xuôi, chấp nhận thiệt hại.

Hai là, khi giá trị giao dịch giữa Bên A và Bên B lớn, cần nắm được thông tin về tình hình tài chính và khả năng thanh toán cũng như uy tín của Bên B qua lịch sử


hoạt động. Việc này có thể tương đối khó vì không phải lúc nào Bên B cũng sẵn sàng cung cấp thông tin để Bên A đánh giá được tình hình, nhất là khi Bên B cố tình muốn che giấu. Đặc biệt, khi Bên B là công ty con trong một tập đoàn lớn, sử dụng tên tuổi và uy tín của công ty mẹ để Bên A bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, trong môi trường kinh doanh tương đối mở và trong xã hội thông tin ngày nay, thông tin có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau mà không cần phải do chính chủ cung cấp, ví dụ qua các đối tác, bạn hàng cũ của B, qua những mối quan hệ với những người quản lý, người lao động của B, qua những dự án mà B đã thực hiện trước đó mà thông tin có thể được công khai trên các phương tiện truyền thông… Chỉ cần là Bên A đủ tỉnh táo để nhận định và sàng lọc các thông tin mình thu thập được để ra quyết định.

Ba là, cần tìm hiểu những người hưởng lợi thực tế và cuối cùng từ những giao dịch của Bên B xem họ là ai và liệu có mục đích không minh bạch nào trong việc họ sử dụng Bên B để giao kết hợp đồng với Bên A hay không, tránh trường hợp Bên B thực chất chỉ là công ty bình phong, tiền mà Bên B đưa vào giao dịch với Bên A có thể có nguồn gốc không hợp pháp dẫn đến việc Bên A vô tình trở thành người tiếp tay cho hành động bất chính của Bên B.

Khi đã có đủ khả năng nhìn nhận những rủi ro và vẫn quyết định giao kết hợp đồng với Bên B, lúc này Bên A cần phải xem xét kỹ lưỡng những nội dung mà các bên sẽ ký kết. Thông thường, trong một giao dịch mà Bên B là doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng còn Bên A là người tiêu dùng cá nhân thì thế yếu trong đàm phán hợp đồng luôn luôn thuộc về Bên A. Mặc dù pháp luật đứng về phía người tiêu dùng trong đa phần các trường hợp và yêu cầu Bên B phải đăng ký hợp đồng mẫu hay điều kiện giao dịch chung với cơ quan quản lý trước khi sử dụng để ký kết với người tiêu dùng, song thực tế là Bên B luôn có một bộ máy giúp việc tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề về hợp đồng hoặc có thể thuê các luật sư tư vấn để xây dựng những hợp đồng mẫu mà trong đó có những điều khoản được cài cắm một cách tinh vi nhằm bảo vệ Bên B mặc cho Bên A có thể bị đặt vào những tình huống rủi ro. Trong khi đó, cơ quan quản lý có thể không phải chuyên gia trong mọi lĩnh vực để có thể hiểu hết những góc khuất mà Bên B che giấu trong mỗi hợp đồng, dẫn đến vẫn có thể phê duyệt và bỏ lọt những hợp đồng bất lợi cho người tiêu dùng kiểu này. Vì vậy


mà Bên A cần phải thực sự thận trọng khi xem xét hợp đồng, đồng thời tự xác định ngưỡng chịu rủi ro của mình, trong đó bao gồm cả việc có thể dành thời gian, công sức và chi phí cho việc kiện tụng nếu có tranh chấp xảy ra hay không.

3.5. Tiểu kết chương 3

Tổng kết lại, từ thực trạng sự lợi dụng bức màn công ty đang diễn ra khá phổ biến hiện nay và những điểm chưa hoàn chỉnh trong chế định pháp lý về trách nhiệm của pháp nhân, có thể thấy rằng từ cơ quan quản lý đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và những người tiêu dùng đều cần phải nâng cao nhận thức để thực hiện chức năng của mình một cách tốt nhất khi tham gia vào hoạt động kinh tế. Nhà quản lý thì có thể học hỏi kinh nghiệm xây dựng pháp luật từ thực tiễn của các nước đi trước, còn các thành phần kinh tế khác thì có thể học hỏi và rút kinh nghiệm từ những hậu quả thực tế đã xảy ra với những người khác. Trên hết, dù là ở cương vị nào thì các tổ chức, cá nhân cũng đều phải có hiểu biết về pháp luật, tối thiểu là pháp luật về doanh nghiệp để có nhận thức về những rủi ro mà mình có thể phải đối mặt khi giao dịch với một công ty có chế độ trách nhiệm hữu hạn. Những nội dung khuyến nghị tại Chương 3 đã hướng tới 03 đối tượng chủ thể gồm: Nhà nước, các nhóm công ty và các chủ thể khác có giao dịch với các công ty thuộc các nhóm công ty. Trong số các khuyến nghị được nêu ra, chỉ có nhóm khuyến nghị về hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật là mang tính học thuật dựa trên phương pháp so sánh luật học giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật một số quốc gia. Các khuyến nghị khác mang tính ứng dụng pháp luật và dựa trên góc nhìn kinh tế nhiều hơn là góc nhìn luật học. Mặc dù vậy, trong khuôn khổ một bài luận văn của một chương trình thạc sỹ mang tính ứng dụng, tác giả hi vọng rằng những khuyến nghị đã nêu sẽ có giá trị thiết thực đối với những tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động kinh tế hàng ngày.

Xem toàn bộ nội dung bài viết ᛨ
Ngày đăng: 17/06/2023