học. Nhờ vậy, kết quả học tập không dừng ở chỗ thu nhận thông tin hay kiến thức mà tiến đến mức độ phát triển hiểu biết và những quan niệm trong mỗi giáo sinh. Ở mức độ này, chương trình đào tạo GV ở nước ngoài đã tiến đến hướng tích hợp xuyên môn” [19, tr.40].
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề DHTH, đào tạo bồi dưỡng năng lực DHTH cho GV như: vai trò bản chất của DHTH, các hướng DHTH, chương trình đào tạo GV theo hướng DHTH… Tuy nhiên cho đến nay có rất ít những công trình nghiên cứu về vấn đề bồi dưỡng năng lực DHTH cho GV THCS. Nghiên cứu tổng quan về DHTH cho phép tác giả khẳng định: việc tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên các trường THCS huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang chưa được nghiên cứu và khái quát bằng lý luận. Với luận văn này, tác giả muốn đánh giá đúng thực trạng năng lực DHTH của giáo viên THCS huyện Hiệp Hòa, từ đó đề xuất một số biện pháp tổ chức năng lực DHTH của giáo viên THCS trong huyên, góp phần đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.1. Tích hợp, dạy học tích hợp
* Tích hợp:
TH trong tiếng Anh được viết là integration - một từ gốc Latinh (integer) có nghĩa là toàn bộ, toàn thể. TH là sự phối hợp các hoạt động khác nhau, các thành phần khác nhau của một hệ thống để bảo đảm sự hài hòa chức năng và mục tiêu hoạt động của hệ thống ấy.
Theo từ điển Tiếng Việt, "Tích hợp là sự kết hợp những hoạt động, chương trình hoặc các thành phần khác nhau thành một khối chức năng" [23].
Theo từ điển Giáo dục học, "Tích hợp là hành động liên kết các đối tượng nghiên cứu, giảng dạy, học tập của cùng một lĩnh vực khác nhau trong cùng một kế hoạch dạy học" [18].
"Tích hợp là sự kết hợp có hệ thống các kiến thức có liên quan và kiến thức môn học thành một nội dung thống nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau dựa trên những mối liên hệ về lý luận và thực tiễn được đưa vào bài học" [18].
Theo Dương Tiến Sỹ, TH được hiểu là sự hợp nhất hay sự nhất thể hóa đưa tới một đối tượng mới như một thể thống nhất giữa các thành phần đối tượng, nó không phải một phép cộng mang tính cơ học những thuộc tính của thành phần ấy. Như vậy, TH có hai thuộc tính cơ bản liên hệ mật thiết với nhau, quy định lẫn nhau là tính liên kết và tính toàn vẹn. Tính liên kết tạo nên một thực thể toàn vẹn, không còn sự phân chia giữa các thành phần. Tính toàn vẹn thể hiện ở mối quan hê hữu cơ dựa trên sự thống nhất nội tại của các thành phần liên kết ấy. Sẽ không thể gọi là TH nếu các thành phần đó chỉ là sắp đặt bên nhau mà không có mối quan hệ hữu cơ giữa các thành phần đó [dẫn theo 4].
Có thể bạn quan tâm!
- Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trung học cơ sở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang - 1
- Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trung học cơ sở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang - 2
- Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho giáo viên trung học cơ sở huyện Hiệp Hòa tỉnh Bắc Giang - 3
- Sơ Đồ Xương Cá Thể Hiện Mối Quan Hệ Kiến Thức Các Môn Học
- Nội Dung Tổ Chức Bồi Dưỡng Năng Lực Dạy Học Tích Hợp Cho Giáo Viên
- Các Trường Trung Học Trong Địa Bàn Thực Hiện Khảo Sát
Xem toàn bộ 129 trang tài liệu này.
Theo tác giả Nguyễn Phúc Chỉnh, "TH kiến thức là sự liên kết, kết hợp, lồng ghép tri thức của các khoa học khác nhau thành một tập hợp kiến thức thống nhất. DHTH là quá trình trong đó có sự lồng ghép, liên hệ những tri thức khoa học, những quy luật chung gần gũi với nhau, qua đó người học không chỉ lĩnh hội được tri thức của khoa học được TH. Từ đó, hình thành cho người học cái nhìn khái quát hơn đối với các khoa học có cùng đối tượng nghiên cứu, đồng thời có được phương pháp xem xét vấn đề một cách logic, biện chứng" [5, tr.35].
Như vậy, theo quan điểm của tác giả “Tích hợp là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống các kiến thức, khái niệm, thuộc các lĩnh vực khoa học khác nhau thành một nội dung thống nhất, dựa trên các mối liên hệ về lý luận và thực tiễn được đề cập trong các lĩnh vực đó”. Tích hợp không phải là một phương pháp, một điều gì mới mẻ mà là nó là vấn đề khách quan, vốn có của sự vật dựa trên mối liên hệ phổ biến dưới lăng kính của chủ thể.
* Dạy học tích hợp:
Theo A. V. Baez nguyên chủ tịch tổ chức IUNC, cho rằng các khoa học trở thành “tích hợp” khi chúng không còn bị “phân chia” nữa. Mọi sự
vật hiện tượng vốn đã tồn tại là một thực thể toàn vẹn. Con người nghĩ ra cách “phân chia” chúng để mở rộng dần phạm vi hiểu biết của mình. Như vậy, sự “phân chia” đó chỉ là hình thức mang tính nhân tạo, không phải bản chất của sự tồn tại [dẫn theo 5].
Từ đó góc độ lý luận dạy học, theo Nguyễn Văn Khải, "DHTH tạo ra các tình huống liên kết tri thức các môn học, đó là cơ hội phát triển các (Tích hợp trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông) năng lực của HS. Khi xấy dựng các tình huống vận dụng kiến thức, HS sẽ phát huy được năng lực tự lực, phát triển tư duy sáng tạo. DHTH các khoa học sẽ làm giảm sự trùng lặp nội dung dạy học các môn học, việc xây dựng các chương trình môn học theo hướng này có ý nghĩa quan trọng làm giảm sự quá tải của các nội dung học tập, đồng thời hiệu quả dạy học được nâng lên" [dẫn theo 5, tr.30].
Các khái niệm về DHTH đều thống nhất trong một tư tưởng chính là việc thực hiện đồng thời hai mục tiêu trong dạy học, một là mục tiêu dạy học thông thường của một bài học, hai là mục tiêu TH trong bài bài học đó. Do đó DHTH đã và đang là mọi xu hướng của lý luận dạy học và được nhiều nước trên thế giới thực hiện.
Như vậy “Dạy học tích hợp là quá trình dạy học trong đó GV chú trọng xây dựng tình huống, chủ đề để học sinh huy động tri thức các môn học khác nhau nhằm giải quyết tình huống, chủ đề đó từ đó hình thành mối liên hệ thống nhất, toàn vẹn giữa lý luận và thực tiễn”. Trong góc độ thực tiễn, có thể hiểu đó là quá trình giúp học sinh vận dụng các kiến thức khác nhau để giải quyết một vấn đề thực tiễn từ đó hình thành năng lực bản thân.
1.2.2. Năng lực, năng lực dạy học
* Năng lực
Có nhiều tác giả đã định nghĩa về năng lực (NL) và có thể xếp thành hai nhóm: Nhóm lấy dấu hiệu yếu tố tâm lý để định nghĩa “NL là một thuộc tính tích hợp của nhân cách, là tổ hợp các đặc tính tâm lý của cá nhân phù hợp với
yêu cầu của một hoạt động xác định nhằm, đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao”.
Nhóm lấy dấu hiệu về các yếu tố tạo thành khả năng hành động để định nghĩa: “NL là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, thái độ và hứng thú để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong các tình huống đa dạng của cuộc sống”. Hoặc: “NL là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ và vận hành chúng một cách hợp lý vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra của cuộc sống”. Hay một quan niệm khác: “NL là một tích hợp các kỹ năng cho phép nhận biết một số tình huống và có sự đáp ứng tình huống đó tương đối tự nhiên và thích hợp” thể hiện một NL là biết sử dụng nội dung và các kỹ năng trong một tình huống có ý nghĩa, có NL có nghĩa là làm được.
Dù định nghĩa NL được phát biểu theo những cách khác nhau nhưng đều khẳng định NL chính là khả năng thực hiện là phải biết và hiểu tức là phải vận dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, sử dụng các kỹ năng của bản thân một cách chủ động và có trách nhiệm. Một NL tổ hợp đo lường được các kiến thức và kỹ năng và thái độ mà một người cần vận dụng để thực hiện một nhiệm vụ trong một bối cảnh thực và có nhiều biến động.
Như vậy: Năng lực là khả năng đáp ứng những yêu cầu của hoạt động và đảm bảo cho hoạt động đạt được những kết quả cao trên cơ sở vận dụng các thuộc tính của cá nhân.
Các năng lực hình thành trên cơ sở của các tư chất tự nhiên, qua quá trình trải nghiệm, tích lũy, do tập luyện tạo nên. Năng lực được chia thành năng lực chung và năng lực chuyên môn.
* Năng lực dạy học
Trong chương trình dạy học định hướng phát triển năng lực, khái niệm năng lực được sử dụng như sau:
- Năng lực liên quan đến bình diện mục tiêu của dạy học: mục tiêu dạy học được mô tả thông qua các năng lực cần hình thành. Trong chương trình,
những nội dung học tập và hoạt động cơ bản được liên kết với nhau nhằm hình thành các năng lực;
- Năng lực là sự kết nối tri thức, hiểu biết, khả năng, mong muốn...;
- Mục tiêu hình thành năng lực định hướng cho việc lựa chọn, đánh giá mức độ quan trọng và cấu trúc hóa các nội dung và hoạt động và hành động dạy học về mặt phương pháp;
- Năng lực mô tả việc giải quyết những đòi hỏi về nội dung trong các tình huống...;
- Các năng lực chung cùng với các năng lực chuyên môn tạo thành nền tảng chung cho công việc giáo dục và dạy học;
Theo tác giả Phạm Hồng Quang, "năng lực dạy học gồm các năng lực thành phần cơ bản sau đây: năng lực chuẩn bị; năng lực thực hiện; năng lực sử dụng ngôn ngữ của GV; năng lực sử dụng các thiết bị và phương tiện dạy học; năng lực đánh giá; năng lực tổ chức. Trong xã hội hiện đại cần bổ sung những năng lực mới hoặc phải nhấn mạnh các yếu tố như: năng lực quan hệ cộng đồng, năng lực quản lý, năng lực hoạt động với tư cách là một chuyên gia giáo dục, năng lực phát triển môi trường xung quanh..." [14, tr.25].
Như vậy: Năng lực dạy học là tổ hợp các phẩm chất của giáo viên bao gồm tri thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, kỹ xảo và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên được thể hiện thông qua quá trình dạy học.
1.2.3. Bồi dưỡng, tổ chức bồi dưỡng
* Bồi dưỡng
Bồi dưỡng là một khái niệm được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo UNESCO, khái niệm bồi dưỡng được hiểu là: “Bồi dưỡng với ý nghĩa nâng cao nghề nghiệp. Quá trình này chỉ diễn ra khi cá nhân và tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ của bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu lao động nghề nghiệp” [20].
Theo quan niệm của tác giả Hoàng Mạnh Đoàn, "Bồi dưỡng được dùng với nghĩa là cập nhật, bổ túc thêm một số kiến thức, kỹ năng cần thiết, nâng
cao hiểu biết sau khi đã được đào tạo cơ bản, cung cấp thêm những kiến thức chuyên ngành, mang tính ứng dụng" [dẫn theo 10].
Theo từ điển tiếng Việt: “Bồi dưỡng là làm tăng thêm năng lực hoặc phẩm chất của đối tượng được bồi dưỡng” [23].
Từ những quan niệm nêu trên, chúng ta thấy, bồi dưỡng được xem như một hoạt động đặc thù của con người, hoạt động này có các đặc điểm sau đây:
- Bản chất của bồi dưỡng là làm tăng thêm kiến thức, kỹ năng cho đối tượng bồi dưỡng dựa trên nền kiến thức kỹ năng đã có.
- Chủ thể bồi dưỡng là những người đã được đào tạo, có trình độ chuyên môn, có năng lực trong việc bồi dưỡng cho các đối tượng.
- Đối tượng bồi dưỡng là những cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu nâng cao kiến thức hoặc kĩ năng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp.
- Mục đích bồi dưỡng nhằm nâng cao phẩm chất và năng lực chuyên môn để người lao động nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc đang làm.
Như vậy, có thể hiểu: “Bồi dưỡng là quá trình bổ sung, bồi đắp những thiếu hụt về tri thức, cập nhật cái mới trên cơ sở “nuôi dưỡng” những cái đã có để mở mang chúng, làm cho chúng phát triển thêm, có giá trị làm tăng hệ thống những tri thức, kỹ năng, nghiệp vụ, làm giàu vốn hiểu biết, nâng cao hiệu quả lao động”.
* Tổ chức bồi dưỡng
Theo từ điển tiếng Việt: “Tổ chức: sắp xếp, làm cho thành một chỉnh thể, một cơ cấu thống nhất” [23].
Theo Wikipedia “Tổ chức là các hoạt động cần thiết để xác định cơ cấu, guồng máy của hệ thống, xác định những công việc phù hợp với từng nhóm, từng bộ phận và giao phó các bộ phận cho các nhà quản trị hay người chỉ huy với chức năng nhiệm vụ và quyền hạn nhất định để thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc tổ chức này gọi là tổ chức bộ máy. Hoạt động tổ chức còn là việc bố trí sắp xếp việc thực hiện các công việc trong một cơ cấu tổ chức” [2, tr.55].
Xét trên phương diện quản lý thì tổ chức là một chức năng của quản lý, là quá trình tiếp nhận và sắp xếp nguồn lực theo những cách thức nhất định nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch.
Theo chức năng QLGD, tổ chức là việc thiết kế cơ cấu các bộ phận sao cho phù hợp với mục tiêu của tổ chức. Nó bao gồm cả việc xác định phương thức hoạt động đến quyền hạn của từng bộ phận tạo điều kiện cho sự liên kết ngang - dọc, chú ý đến việc bố trí cán bộ - người vận hành các bộ phận tổ chức.
Như vậy có thể hiểu: Tổ chức bồi dưỡng là một khâu trong quá trình quản lý nhằm xác định những công việc, con người, các nguồn lực, các yếu tố ảnh hưởng, từ đó bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ nhằm thực hiện có hiệu quả việc nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho đối tượng.
1.2.4. Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho đội ngũ giáo viên
Bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho GV chính là bồi dưỡng các thành tố cơ bản cấu thành nên năng lực này, đó là bồi dưỡng để GV có kiến thức chuyên môn sâu, kiến thức liên ngành rộng và một sự hiểu biết xã hội sâu sắc; bồi dưỡng để GV có hiểu biết sâu về dạy học tích hợp (Hiểu rõ bản chất DHTH; các cách tích hợp, các mức độ tích hợp; những yêu cầu của việc tích hợp,…); có kỹ năng xác định chủ đề/ hoặc nội dung tích hợp; kỹ năng khai thác những nội dung, yếu tố có mối liên hệ gắn kết gần gũi với nội dung bài học; thiết kế được các kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp; biết lựa chọn phương pháp, cách thức dạy học tích hợp; thực hiện tốt quá trình dạy học tích hợp ở trên lớp cũng như ở ngoài lớp học ; kỹ năng khai thác, sử dụng các kênh thông tin một cách có hiệu quả, nhất là qua Internet; kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như các tình huống nảy sinh trong thực tiễn theo hướng dạy học tích hợp; kỹ năng gắn lý thuyết với thực hành.
Tóm lại: Tổ chức bồi dưỡng năng lực dạy học tích hợp cho GV là cách thức tác động của nhà quản lý đến các nguồn lực, bố trí, sắp xếp, phân công
nhằm giúp GV nâng cao nhận thức, kiến thức chuyên môn rộng, biết thiết kế, khai thác và tổ chức hoạt động dạy học tích hợp, biết kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng dạy học tích hợp”.
1.3. Một số vấn đề về năng lực dạy học tích hợp
1.3.1. Năng lực dạy học tích hợp
Theo tác giả Phạm Thị Kim Anh, trước hết phải khẳng định rằng, những năng lực mà người GV cần có để DHTH sẽ không nằm ngoài năng lực đã được quy định trong chuẩn nghề nghiệp GV THCS đã được ban hành. Song để tổ chức tốt các hoạt động DHTH đòi hỏi người GV cần phải có những năng lực chuyên biệt nhất định, đó là những năng lực sau đây:
a. Có năng lực chuyên môn sâu, có kiến thức liên ngành rộng và một sự hiểu biết xã hội (văn hóa đại cương) sâu sắc. Đây là yếu tố nền tảng rất quan trọng, bởi thiếu nó GV sẽ không liên kết được những kiến thức có liên quan đến nội dung dạy học.
b. Có hiểu biết sâu về DHTH, thể hiện ở việc:
+ Hiểu rõ bản chất DHTH; các cách tích hợp, các mức độ tích hợp (dọc, ngang; theo nội dung, chủ đề; liên môn, xuyên môn, đa môn…).
+ Biết xây dựng chủ đề hoặc nội dung tích hợp; biết khai thác những nội dung, yếu tố có mối liên hệ gắn kết gần gũi với nội dung bài học.
+ Thiết kế được các kế hoạch dạy học theo hướng tích hợp (về nội dung, về hoạt động…).
+ Biết phương pháp, cách thức DHTH;
+ Thực hiện tốt quá trình DHTH ở trên lớp với những phương pháp, kỹ thuật, phương tiện dạy học và hình thức tổ chức dạy học đa dạng phong phú…
c. Có năng lực khai thác, sử dụng thông tin một cách hiệu quả để làm cho nội dung bài giảng phong phú, đa dạng.
d. Có năng lực giải quyết vấn đề nảy sinh trong quá trình tổ chức DHTH.