lễ, cầu được bình yên, phong làm Thượng đẳng Đệ nhất Chúa tiên, được hưởng hương hỏa muôn đời, sau lại gia phong Liễu Hạnh Tiên Băng Công chúa Hòa Diệu đại vương… [37, tr. 175 - 183].
Cũng liên quan tới chuyện Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh thời Lý, trong luận văn thạc sĩ Hán Nôm, Lê Tùng Lâm còn đề cập tới văn bản Hà đông tỉnh, Sơn Lãng
huyện, Bạch Sam tổng các xã thần tích 河 東 省 山 郎 縣 白 杉 總 各 社 神 蹟 , kí
hiệu AE.A2/48, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm [37].
3.2.3. Thuyết Vỉ Nhuế - Ghi trong Cát thiên tam thế thực lục
Đây là một cuốn sách được định bản qua một cuộc lên đồng, thỉnh Thánh Mẫu Liễu Hạnh về kể lại sự tích của Mẫu, có ấn chứng/bút phê của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Bỉnh Khiêm… “xác thực” lại sự tích của Mẫu Liễu Hạnh, rồi được san định và khắc vào tháng trọng xuân năm Qúy Sửu niên hiệu Duy Tân (1913) - Bản lưu tại phủ Quảng Nạp). Theo thuyết này, Thánh Mẫu Liễu Hạnh trải qua ba kiếp giáng sinh với lai lịch như sau:
- Kiếp thứ nhất, Mẫu giáng sinh tại thôn Quảng Nạp, xã Vỉ Nhuế huyện Thái An, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam, trong nhà thái ông họ Phạm hiệu là Huyền Viên, thái bà hiệu là Thuần hai người cùng một quê. Ở kiếp này mẫu cũng luôn giữ chữ Trinh hiếu thảo thờ phụng cha mẹ, sau trở về chốn linh tiêu, mẫu tại thế từ năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình nguyên niên (1434) cho tới năm Quí Tỵ niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473).
- Kiếp thứ hai, của Mẫu giáng sinh vào nhà thái công họ Lê tại xã Vân Cát, huyện Vụ Bản, phủ Nghĩa Hưng, thái công họ Lê tên húy là Đức Chinh. Tới tuổi trưởng thành được gả cho Trần Đào Lang ở thôn An Thái (sau đổi là Tiên Hương), sinh được một con trai tên là Nhâm. Ở kiếp này Mẫu tại thế từ năm Đinh Tỵ niên hiệu Thiên Hựu nguyên niên (1555) cho tới năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Thái thứ 5 (1577).
- Kiếp thứ ba, Mẫu giáng sinh tại xã Tây Mỗ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, lấy chồng họ Mai (là tái hợp với hậu thân của Đào Lang), sinh được một con trai tên là Cổn, được hơn một năm mẫu quay gót trở về đế hương. Sau Ngọc hoàng chuẩn cho mẫu được trắc giáng xuống cõi trần thường xuyên tiêu dao
Có thể bạn quan tâm!
- Tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh ở Phủ Giày qua tư liệu Hán Nôm - 12
- Không Gian Văn Hóa Liên Quan Tới Khu Vực Phủ Giày Và Danh Hiệu Phủ Giày
- Tam Vị Thánh Mẫu Phủ Giày Qua Tư Liệu Hán Nôm
- Hội Phủ Giày Và Một Số Sinh Hoạt Văn Hóa Liên Quan Đến Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Liễu Hạnh Qua Tư Liệu Hán Nôm
- Câu Chuyện Tiếp Cận Văn Hóa Quanh Tín Ngưỡng Thờ Mẫu Liễu Hạnh Ở Phủ Giày Qua Khảo Chứng Vân Cát Thần Nữ Truyện
- Hành Trạng Thế Tục Của Tam Vị Thánh Mẫu Phủ Giày
Xem toàn bộ 312 trang tài liệu này.
khắp nơi, được miễn vòng sinh tử luân hồi [11].
3.2.4. Thuyết Kẻ Giày (với nòng cốt là Truyện Vân Cát thần nữ, được cho là của Đoàn Thị Điểm)
Về thuyết này, hiện tồn tại nhiều dị bản nhất, tuy có khác nhau về tiểu tiết nhưng cơ bản có thể lược thuật như sau: Mẫu Liễu (Đệ nhị Tiên chúa Quỳnh Nương) vốn là con gái Ngọc hoàng. Trong hội bàn đào, vì lỡ tay đánh rơi chén ngọc, bị trích đày xuống trần, giáng sinh làm con một gia đình họ Lê ở đất Kẻ Giày vào khoảng năm Thiên Hựu (1557), đời vua Lê Anh Tông. Dựa theo điềm mộng (ngủ thiếp mơ lên thiên đình được Ngọc hoàng hứa ban tặng đứa con gái), ông bố họ Lê đã đặt tên con là Giáng Tiên, sau cho làm con nuôi của người họ Trần (người cùng làng, sát vách). Lớn lên, Giáng Tiên có tài có sắc, giỏi về thơ phú, từ chương, đàn hát, kết duyên cùng Đào Lang (con nuôi của bố nuôi họ Trần), sinh được một người con trai và một cô con gái. Năm 21 tuổi, đột nhiên không bệnh mà mất, nàng trở về trời.
Sau khi về trời, vì duyên trần chưa hết, tơ tình còn vương, Chúa thường sầu não. Các nàng tiên động lòng ái ngại tâu lên Thượng đế. Thượng đế đồng ý, phong làm Liễu Hạnh Công chúa, lại cho xuống trần gian. Nàng thường về nơi chốn cũ gặp người thân (mẹ, bố, bố nuôi, anh) vào lúc chiều tối hoặc đêm (gặp chồng hẹn sẽ nối duyên). Sau tung tích bất định, dạo chơi khắp nơi thắng cảnh (Lạng Sơn, Trường An, Báo Thiên, Đình Ngang, Bến Đông…, Tây Hồ, Nghệ An), rồi kết duyên với chàng Nho sinh (hậu kiếp của người chồng cũ là Đào Lang), rồi lại sớm trở về trời. Nàng lại tâu với Thượng đế xin được xuống trần vì duyên nợ ba sinh chưa dứt. Thượng đế ưng thuận, cho nàng xuống vùng Phố Cát, Thanh Hóa cùng hai nàng Quế, Thị, thường hiển linh ban phúc cho người lành, giáng họa cho kẻ ác. Dân kính sợ bèn lập đền thờ. Khoảng năm Cảnh Trị (1663 - 1671), triều đình nghe tin, cho quân và thuật sĩ đến tiễu trừ, giao tranh khốc liệt nhưng chẳng phân thắng bại. Khoảng vài tháng sau, bệnh dịch hoành hành, cả người và vật đều bị giáng họa. Dân sợ hãi lập đàn cầu cúng, bỗng trong đám đông đang lễ bái có một người chạy ra, nhảy vọt lên đàn cao ba tầng, tự xưng là tiên nữ trên trời hiển thánh dưới cõi trần, sai dân tâu với triều đình xin lập đền phụng thờ làm phúc thần, bằng không sẽ tiếp tục bị giáng họa. Vua chuẩn y, cho lập đền thờ tại Phố Cát, sắc phong Mã Hoàng Công chúa. Sau vì có công phò vua giúp giặc mà được gia phong Chế Thắng Hòa Diệu
Đại vương.
Trên nền thuyết này, vào cuối thời Nguyễn, bên Vân Cát và bên Tiên Hương, lại “sáng tạo” ra hai dị bản về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp Thánh Mẫu Liễu Hạnh gắn với bên mình. Cụ thể:
- Bên Vân Cát (Vân Cát Lê gia ngọc phả) cho rằng: Tổ họ là Lê ở Vân Cát là Lê Tư Vĩnh, là con thứ 5 của Lê Bang Cơ (Lê Nhân Tông). Sau khi nhà Lê bị họ Mạc cướp ngôi, Lê Tư Vĩnh di cư về Vân Cát, lấy bà Trần Thị Thục, sinh ra Tư Thắng. Tư Thắng sinh ra Giáng Tiên, tức Công chúa Liễu Hạnh. Liễu Hạnh lớn lên lấy Đào Lang, mất năm 21 tuổi, u hồn tịch mịch, sau thường hiển linh được lập đền thờ trên nền nhà cũ, gọi là đền Cố Trạch, tức phủ Giày tại Vân Cát hiện nay [255].
Về tư liệu Hán Nôm ghi nhận hành trạng của Mẫu Liễu Hạnh gắn với bối cảnh lịch sử thời Mạc, ngoài Vân Cát Lê gia ngọc phả, Vân Cát Thần Nữ cổ lục, Vân Cát cổ lục diễn âm cũng đề cập sơ lược đến hành trạng của Mẫu liên quan tới bối cảnh lịch sử thời Lê Anh Tông và sự kiện Mạc Phúc Nguyên đóng quân tại Cao Bằng [253], [256].
- Bên Tiên Hương lại cho rằng: Mẫu Liễu Hạnh là hậu duệ đời thứ 4 của Lê Quý Công, tự Phúc Tiên - tổ họ Trần ở An Thái, vốn là họ Lê. Năm Nhâm Thìn10 niên hiệu Lê Hoằng Định (1600 - 1619), Tiên chúa (Liễu Hạnh) giáng sinh, họ này được đổi sang họ Trần. Sinh thời, Mẫu Liễu Hạnh tên là Thắng, là con của ông Đức Chính, mẹ là Phúc (người họ Trần), giáng sinh năm Nhâm Thìn niên hiệu Hoằng Định. Năm 19 tuổi, Mẫu lấy người họ Trần ở bản hương, thôn Nhị Giáp, sau một thời gian về ở với người em ruột, cùng phụng dưỡng cha mẹ, đổi sang họ Trần. Giờ Dần ngày Mùng ba
tháng Ba năm Vĩnh Tộ thứ 10 (1628), Mẫu không bệnh tật bỗng dưng hóa, hưởng thọ 21 tuổi, lăng tại xứ Cây Đa. Từ đó u hồn tịch mịch, cha mẹ sớm tối thương nhớ khôn nguôi bèn lập ban thờ trong nhà, đèn nhang thờ phụng, vẫn thấy phảng phất như lúc sinh thời. Một đêm, Mẫu hiện về trước ban thờ tự thuật lại duyên cớ (sự tích có chép). Trong xóm, ngoài làng đều cảm thấy kinh hãi. Mẫu tác yêu, tác quái khiến nhà chồng ngày càng khánh kiệt, ra sức trấn trị nhưng người tin theo ngày càng tôn kính, tiếng tăm ngày một lẫy lừng, gần thì truyền tai trong xóm, xa thì thiên hạ vang danh. Tiếng
10 Trong niên hiệu Hoằng Định (1600 - 1619), không có năm Nhâm Thìn. Có lẽ, ở đây có sự nhầm lẫn về năm sinh hoặc niên hiệu vua? Dưới niên hiệu Hoằng Định có năm Nhâm Dần - 1602 và năm Giáp Thìn - 1604
đồn đến tận kinh thành, dưới thời Lê, năm Dương Hòa thứ 8 (1642), dân phụng lệnh chỉ dựng đền thờ lợp ngói. Năm Chính Hòa thứ 4 (1683) được tặng sắc phong. Từ đó về sau, đền thiêng hiển hách, được triều đình nhiều lần phong tặng, thực là chuyện kỳ lạ nhất huyện Thiên Bản dưới quốc triều.
3.2.5. Thuyết Nội đạo tràng (Theo Nội đạo tràng)
Theo thuyết này, cơ bản sự tích về Mẫu Liễu Hạnh giống như thuyết Vân Cát, tuy nhiên, chỉ khác là có thêm phần “Đại chiến Sòng Sơn” ghi việc Mẫu Liễu Hạnh đại chiến với Tiền Quan Thánh tại Tam Điệp bị tiền Quan Thánh khuất phục, Mẫu xin tha và vào chùa tu hành đắc đạo…, sau điện thờ phái Nội đạo cũng lập ban thờ Mẫu Liễu Hạnh ở bên tả (trái).
Trên thực tế, mỗi thuyết đều có dị bản nhưng có thể khẳng định, đây là những “hồi quang” trong tín niệm dân gian về lai lịch của Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ những truyền thuyết được văn bản hóa. Đương nhiên, phải thừa nhận rằng, dù truyền thuyết là sáng tạo dân gian, thường có những yếu tố tưởng tượng kì ảo nhưng các nhân vật, sự kiện ít nhiều đều liên quan đến vấn đề lịch sử. Vậy, hạt nhân lịch sử trong những truyền thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở đây là gì?
Nếu để ý thì các thuyết về Thánh Mẫu Liễu Hạnh hầu hết đều có chung một đặc điểm không khó nhận ra, đó là: Chi tiết thân phụ của Thánh Mẫu gặp Đạo sĩ rồi chìm vào giấc mơ, thấy mình được lên trời gặp Ngọc Hoàng Thượng đế và được Thượng đế ban cho nàng tiên (Quỳnh Nương) giáng thế đầu thai làm con hoặc khi Mẫu mất về thăm lại người thân (mẹ, chồng…)… như đều phảng phất bóng giáng của những cuộc lên đồng thiếp/đồng mê. Đặc biệt, dù Mẫu là Tiên (con của Thượng đế/Đế Thích, Ngọc hoàng gắn với Đạo giáo thần tiên/tu tiên) nhưng đều trải qua kiếp trần gian, có tài sắc, đức độ, sau khi mất, xuất hiện nhiều điềm báo lạ. Những điềm lạ này thường được Mẫu hiển linh nhập vào một người “phán truyền” cho người đời hoặc được phản ánh qua tư duy liên tưởng trong mối liên hệ giữa người còn sống và người đã khuất qua thực hành đồng thiếp/mê. Đặc biệt, hầu hết các thuyết còn có một điểm chung là xây dựng hình tượng Mẫu theo một motif: Mẫu xuất thân là Thiên tiên ở chốn Thiên đình, qua ba kiếp hóa sinh và trở thành Địa tiên tiêu giao nơi trần thế. Phải chăng, đó là một con đường thiêng hóa Mẫu, thông
qua hình thức lên đồng, cầu tiên để con người liên hệ với thế giới siêu nhiên thuộc cơ chế sáng tạo dân gian trong tục thờ thần của người Việt khi họ tin rằng, mỗi người đều có một hoặc vài vị thần thủ mệnh, chi phối và quyết định vận mệnh và cuộc sống của họ trong suốt cuộc đời...
Thần thủ mệnh, đơn giản khi chỉ được hình dung là hai khí âm - dương lưu chuyển trong ngũ hành hoặc 12 con giáp, khi được kết hợp giữa thiên can (10) địa chi (12) để hợp thành lục thập hoa giáp (60 năm) hoặc được hình dung là sao nọ, sao kia… Với tín ngưỡng thờ Mẫu cũng không phải là ngoại lệ, thậm chí còn phong phú hơn nhiều nếu để ý tới tục đội bát hương - tôn nhang phụng sự chư vị cai quản bản mệnh theo lục thập hoa giáp. Theo tín đồ thờ Mẫu, bản mệnh của họ cũng bị chi phối bởi các Mẫu và hệ thần quanh Mẫu, vì thế mà họ chỉ thực sự trở thành con của Mẫu, được Mẫu che chở sau khi họ được tôn nhang bảng mệnh, tức đội bát hương thờ phụng ít nhất một vị thần thuộc hệ Mẫu… Phải chăng, nguyên lý Mẹ và tính mở của “quy ước” này và hình thức lên đồng/nhập đồng phán truyền đã tạo điều kiện thuận lợi để các vị thần vốn thuộc tôn giáo, tín ngưỡng khác đễ dàng dung hội vào hệ thần tín ngưỡng thờ Mẫu và ngược lại, tạo tiền đề cho tín ngưỡng này phát triển, dễ dàng thâm nhập vào nhiều dạng thức kiến trúc thờ tự khác ở giai đoạn sau, đặc biệt là các ngôi chùa…
Về Mẫu Đệ nhị (Quỳnh cung Duy Tiên Phu nhân) và Mẫu Đệ tam (Quảng cung Quế Hoa Công chúa): Thần hiệu của hai Mẫu đã được sắc phong (hiện còn bản gốc) tại khu vực phủ Giày đề cập đến ít nhất từ thế kỷ XVIII. Trong khi, Vân Cát Thần nữ truyện và hầu hết các bản thần tích liên quan đều chỉ ghi nhận hai bà là những vị tùy tùng của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - Vân Cát thần nữ truyện ghi nhận Thánh Mẫu Liễu Hạnh dẫn hai nàng Quế, Thị giáng xuống vùng Phố Cát, Thanh Hóa nhưng bóng dáng của hai bà lại tương đối mờ nhạt [249]. Qua các bản thần tích, danh tính hai vị lại phức tạp hơn nhiều. Theo khảo cứu của Lê Tùng Lâm, hiện có tới 13 bản thần tích chép hai vị có tên là Quảng và Quế; 3 bản thần tích chép hai bà có tên là Quảng cung Quế Anh và Quỳnh cung Duy Tiên; 1 bản thần tích chép hai bà có tên là Quảng cung Quế Hoa và Quỳnh cung Duy Tiên; 2 bản thần tích chép hai nàng có tên Quỳnh Hoa, Quế Hoa; 1 bản thần tích chép hai bà có tên Quế, Hồng; 1 bản thần tích chép hai bà có tên Quế,
Hòe; 1 bản thần tích chỉ chép 1 nàng có tên Quý Thị và Lê Tùng Lâm ngờ rằng - do tên hai nàng Quế, Thị gộp lại mà thành [37].
Theo Thư lâu phả ký thì Quỳnh cung Duy Tiên Phu nhân vốn là chị dâu của Mẫu Liễu Hạnh, húy là Sâm, tự là Duy Tiên. Sinh thời, bà thích làm việc thiện, đoan trang, thuần khiết, phụng sự cô Thắng (em dâu) như phụng sự cha mẹ. Ngày Mùng Chín tháng Ba, bỗng dưng không bệnh tật mà mất, hưởng thọ 51 tuổi, u hồn tịch mịch, linh khí tích tụ, giữa đêm mượn mồn người khác tự xưng là Ngọc nữ Quỳnh cung Duy Tiên Công chúa và được phối thờ cùng Liễu Hạnh Công chúa… Quảng cung Quế Hoa Công chúa vốn là con của anh trai Mẫu Liễu Hạnh, gọi Mẫu Liễu Hạnh là cô. Bà húy là Liên, tự Quế Anh. Sinh thời là người đoan trang, công dung trọn vẹn, năm 9 tuổi, đúng ngày Rằm tháng Ba, không bệnh tự nhiên hóa, u hồn tịch mịch, giữa ban ngày (mượn mồm người khác) tự xưng là Ngọc nữ Quảng cung Quế Hoa Công chúa, được phối thờ cùng với hai vị là Liễu Hạnh Công chúa và Duy Tiên Công chúa. Điểm đặc biệt là có một sự tương đồng đến lạ kỳ về thân phận, danh vị của Mẫu Đệ nhị (Quỳnh cung Duy Tiên Phu nhân) và Mẫu Đệ tam (Quảng cung Quế Hoa Công chúa) giữa ghi chép trong Tiên từ phả ký và hệ thống sắc phong cho hai bà mang niên đại từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX, hiện còn được lưu giữ trong phủ Tiên hương và nhà thờ họ Trần Lê. Theo đó, tại khu vực phủ Giày, Mẫu Đệ nhất - Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Đệ nhị - Quỳnh cung Duy Tiên Phu nhân, Mẫu Đệ tam - Quảng cung Quế Anh Phu nhân đã được cấu trúc, kết hợp thành bộ ba, dạng Tam vị/Ba ngôi nhất thể - Mẫu Tam vị/Tam tòa, đều thuộc Thiên Tiên (phủ), không phải dạng Tam phủ (Thiên, Địa, Thủy) và thường được dân gian định danh là Ba vị Thánh Mẫu Vân Hương (Có thể hiểu là Ba vị Thánh Mẫu ở Vân Cát và Tiên Hương)…
Về sự “mờ nhạt” của Mẫu Mẫu Đệ nhị - Quỳnh cung Duy Tiên Phu nhân, Mẫu Đệ tam - Quảng cung Quế Anh Phu nhân trong bộ ba dạng Tam vị nhất thể - Mẫu Tam vị/Tam tòa tại phủ Giày, hiện chưa có điều kiện lý giải thỏa đáng. Trong kiến giải dân gian, có quan điểm cho rằng, ba vị Thánh Mẫu phủ Giày là hiện thân
của ba kiếp hóa sinh của Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, với Đạo giáo dân gian, 瓊 宮
Quỳnh cung là thuật ngữ thường dùng để chỉ chốn thiên cung hoặc đạo viện (cơ sở
Đạo giáo), 廣 宮 Quảng cung thường chỉ cung trăng hoặc miền thanh hư. Từ lớp
nghĩa này, liên tưởng tới các lần giáng thế của Thánh Mẫu Liễu Hạnh (nhiều tài liệu ghi nhận Mẫu từng tự xưng là Đệ nhị Quỳnh Nương hoặc Quỳnh Nương…) và bối cảnh lịch sử xã hội, tôn giáo - tín ngưỡng ở nước ta đương thời, một giả thiết để làm việc được đặt ra là: Phải chăng, trong câu chuyện Mẫu Liễu giáng sinh, ngoài những phản ánh về sự trỗi dậy mạnh mẽ của tín ngưỡng bản địa để trở về với nguyên lý Mẫu trong văn hóa Việt, đâu đó, như còn phảng phất lớp văn hóa đạo giáo thần tiên trong bối cảnh biến đổi lịch sử xã hội và chuyển đổi tôn giáo vào khoảng thế kỷ XVI - XVII, vì thế mới có chuyện Mẫu chán cảnh Thiên Tiên, ba lần xuống trần rồi làm kiếp Địa Tiên để rồi trụ lại thế gian, tiêu dao bất định?
Trên đây là những nét cơ bản về hành trạng thần kỳ của ba vị Thánh mẫu phủ Giày qua phản ánh của tư duy tôn giáo và niềm tin tín ngưỡng được tổng hợp và phân tích qua nguồn tư liệu Hán Nôm mà nghiên cứu sinh tạm định danh là “hành trạng thần tiên”. Vậy có hay không một “hành trạng thế tục” về cuộc đời của Tam vị Thánh Mẫu phủ Giày? Câu trả lời là có. Về vấn đề này, qua tư liệu sắc phong, nghiên cứu sinh xin được trở lại diễn giải làm rõ trong chương 4.
Như vậy, theo diễn giải dân gian và ý thức hệ tư tưởng chính thống thời Nguyễn (triều đình xác nhận), bên cạnh “hành trạng thần tiên”, nguồn gốc Thiên Tiên, ba vị Thánh Mẫu phủ Giày còn có “hành trạng thế tục”, với đầy đủ những cung bậc thác ghềnh của một vòng đời thân phận nữ, để rồi, sau hợp lại thành một thiên truyền kỳ nổi tiếng khắp vùng Thiên Bản, dưới gầm trời Nam. Đây là một minh chứng cụ thể về xu hướng “thần thánh hóa” con người bên cạnh xu hướng nhân hóa thần linh trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, với điểm đặc biệt là đã được chính triều đình thừa nhận
3.3. Lịch sử kiến trúc phủ Giày qua tư liệu Hán Nôm
Như trên đã trình bày, Vân Cát Thần nữ truyện có đề cập đến chuyện triều đình cho dân lập đền thờ Mẫu Liễu Hạnh trong vùng Phố Cát (Thanh Hóa) dưới thời Cảnh Trị (1663 - 1671) nhưng không đề cập tới chuyện xây dựng phủ Giày tại thời điểm này. Vậy thực chất phủ Giày xuất hiện từ khi nào?
Với phủ Giày Vân Cát, văn bia Thánh Mẫu cố trạch linh từ bi ký, khắc năm
Tân Sửu (1901) triều vua Thành Thái (hiện lưu tại phủ), cho biết: Đền ở Vân Cát được dựng trên khu đất ứng giáng điềm lành từ niên hiệu Cảnh Trị thời Lê (1663 - 1671), với quy mô nhỏ hẹp. Dưới thời Tây Sơn, niên hiệu Cảnh Thịnh (1793 - 1801), Hội nguyên Trần Gia Du, Tả Thiếu giám Trần Công Bản mở rộng quy mô. Dưới thời Tự Đức, vào năm Kỷ Mão (1879), Huyện doãn Lê Cơ cho sửa sang lại. Đến tháng Sáu năm Thành Thái thứ 10 (1898) lại khởi công tu bổ, tôn tạo. Đến năm Thành Thái thứ 12 (1900) thì hoàn thành, quy mô to lớn, rộng rãi hơn xưa. Trong đợt tu bổ, tôn tạo này có sự tham gia của Hiệp biện Đại học sĩ, Phó Tổng tài Quốc sử quán kiêm quản Quốc giám, An Xuân nam, Cổ Hoan Cao Long Cương, Cao Xuân Dục. Đặc biệt, Tục lệ xã Vân Cát do quan viên, chức sắc, kỳ lão, hương thôn, giáp trưởng toàn xã Vân Cát lập ngày mùng Một tháng Mười một năm Tự Đức thứ 10 (1857) còn cho biết, đương thời (năm 1857), diện mạo cơ bản của các kiến trúc thờ tự trong xã Vân Cát như sau: chùa: 1 ngôi; phủ từ phụng thờ Tiên Chúa: trong ngoài 4 tòa, cùng hành lang, lầu gác; điện từ: 2 tòa, thờ Tiền Lý Nam đế Tôn thần, bên tả (trái) thờ quan Thám hoa, bên hữu (phải) thờ quan Giáo thụ; đền: 1 tòa, thờ Cẩn Hoa Công chúa; đền thờ Bản Cảnh Thành hoàng: 1 tòa [186].
Kết quả khảo sát sắc phong hiện còn tại khu vực phủ Giày cho thấy, phủ Tiên Hương hiện đang lưu giữ 15 đạo, nhà thờ dòng họ Trần Lê còn lưu giữ 07. Trong đó, sắc sớm nhất (tại nhà thờ dòng họ Trần Lê) phong ngày Hai mươi bốn tháng Sáu nhuận năm Chính Hòa thứ 4 (1683), phong cho Liễu Hạnh Mã Hoàng Tề Gia Trị Quốc Hộ Sĩ Cẩn Tiết Hòa Mỹ Đoan Trang Công chúa.
Trở lại với bối cảnh lịch sử địa chính và văn hóa khu vực phủ Giày và quan hệ phụng thờ thần giữa Vân Cát - An Thái - Tiên Hương. Vân Cát và An Thái vốn cùng thuộc Kẻ Giày, sau Vân Cát và An Thái được tách ra thành hai xã độc lập vào khoảng cuối thế thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI, sau lại sáp nhập lại thành xã An Thái (mới) vào đầu thời Gia Long (khoảng từ 1805 - 1811). Tuy nhiên, đây chỉ là sự tách hợp về mặt địa chính. Về văn hóa tín ngưỡng, hai bên vẫn thờ chung thần và chung đền ít nhất đến cuối thời Thiệu Trị - đầu thời Tự Đức nhưng không thể muộn hơn năm Tự Đức thứ 3 (1850) - Thời điểm xã An Thái (mới) được đổi tên thành xã Tiên Hương. Tục lệ xã Vân Cát lập năm Tự Đức thứ 10 (1857) ghi nhận, tại thời điểm lập bản tục lệ này