Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Là Bộ Sử Điển Hình Cho Tính Nguyên Hợp Văn- Sử Bất Phân

Quốc Mẫu xin riêng cho một người làm câu đương. Thủ Độ gật đầu, biên lấy họ tên và quê quán người đó. Khi duyệt đến xã nọ, hỏi rằng : tên mỗ ở đâu. Người ấy mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn : Ngươi vì có công chúa xin cho làm chức câu đương không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác”. Người đó kêu van xin thôi mãi mới tha cho, từ ấy trở đi không ai dám đến nhà thăm vì việc riêng nữa”(2, T34). Qua đây ta thấy Trần Thủ Độ là người làm việc rất công minh không vì tình riêng mà trao giao chức vụ cho ai cả. Cách chọn sự việc của các sử gia trong tình huống này rất nghệ thuật với chi tiết chặt ngón chân gây ấn tượng mạnh.

Sở dĩ có cách chép sử giàu dấu ấn của lối viết kỷ truyện như trên là do mục đích chép sử của các nhà nho. Họ muốn nêu gương dăn dạy và giáo dục cho đời sau bằng những câu truyện lịch sử . Bài học lịch sử là những luân lý của Nho giáo, là đạo đức làm người. Nhìn chung lối viết kỷ truyện trong Đại Việt sử ký toàn thư đã tạo màu sắc tự sự cho tác phẩm.

Viết Đại Việt sử ký toàn thư các bậc thần sử không chỉ ảnh hưởng của lối viết kỷ truyện trong sử ký của Tư Mã Thiên mà còn ảnh hưởng lối viết biên niên theo Kinh Xuân Thu của Khổng Tử. Lối viết biên niên ghi sự việc xẩy ra từng ngày, từng tháng, năm nọ tiếp năm kia, các sự kiện trong ngoài nước cùng đời đều nghi chép đầy đủ cả. Lối viết biên niên trong Kinh Xuân Thu cũng là lối viết “bao biếm” “một chữ được khen thì vinh hơn hoa cổn bị chê một câu thì nặng hơn rìu búa”.

Ảnh hưởng của lối viết biên niên được thể hiện ngay qua những lời bình sử. Các nhà sử học thường lấy ngay phép tắc trong Kinh Xuân Thu làm chuẩn mực để đánh giá các nhân vật lịch sử. Sở dĩ có điều này bởi bản thân Kinh Xuân Thu là một bộ sử được viết theo lối biên niên nhưng đồng thời cũng là một bộ kinh điển của Nho gia

Ngô Sĩ Liên đứng trên lập trường tư tưởng của nho gia để phê phán Lê Đại Hành, tác giả khẳng định “Tam cương là đạo thường của muôn đời không thể một

ngày rối loạn, khi Lê Đại Hành giữ chức nhiếp chính, Vệ Vương còn nhỏ nhưng vẫn là vua, thế mà Đại Hành lại xưng làm phó vương, rắp tâm làm điều bất lợi. Đạo làm tôi không được làm điều rắp tâm, rắp tâm ắt phải giết. Đó là phép của sách Xuân Thu người người đều nêu lên để thi hành”(1, T221). Ông còn cho rằng “Làm vua mà không biết Xuân Thu tất phải chịu cái tiếng cầm đầu tội ác, làm tôi mà không biết nghĩa Xuân Thu tất mắc vào tội cướp ngôi giết vua, tức là Minh Vương, Ai Vương là Lữ Gia vậy”(2, T152). Nhìn chung tư tưởng nho gia đã thấm sâu vào đời sống tinh thần của các bậc sử gia và đã trở thành kim chỉ nam để biên soạn lịch sử. Họ đã đứng trên đạo đức của nho giáo như : tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường… để nhìn nhận, đánh giá các nhận các nhân vật lịch sử. Ngô Sĩ Liên phê phán Lê Đại Hành thông dâm với vợ của vua rồi nghiễm nhiên lập làm hoàng hậu thì không còn gì hổ thẹn hơn nữa. Việc Đinh Tiên Hoàng lập 5 hoàng hậu cùng một lúc làm rối loạn nhân luân, tác giả viết: “ Từ xưa chỉ lập hoàng hậu một người để chủ việc nội trị mà thôi, chưa từng nghe nói lập đến năm người. Tiên hoàng không kê cứu khảo cổ học mà bề tôi đương thời lại không có ai biết sửa cho đúng đến nỗi chìm đắm trong tình riêng…Sau đến hai triều Lê, Lý cũng phần nhiều bắt trước làm theo. Ấy là do Tiên Hoàng khởi xướng sự rối loạn thứ bậc vậy”. Cũng quan điểm ấy ông phê phán vua Trần Nghệ Tông đem công chúa Huy Ninh chịu tang chồng mới được 6 tháng mà đem ngả cho Quý Ly thế là làm hỏng nhân luân bắt đầu từ vua. Ngô Sĩ Liên khen những người phụ nữ chung thuỷ tuẫn tiết theo chồng: “ Công chúa Thiều Dương nghe tin Thái Tông băng kêu gào mãi rồi chết; Lê Thị nghe tin chồng chết không ăn mà chết; vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không phụ nghĩa chồng cũng nhảy xuống sông chết theo chồng. Mấy người này đức hạnh thuần hiếu, trinh tiết, trên đời này thực không có nhiều”(2,Tr74 ). Ngay cả cách nhìn nhận các nhân vật lịch sử như những ông vua “vương quỷ” hay những vị vua “anh minh”, những bề tôi trung thành hay những tên nghịch tặc...cũng là cách nhìn nhận con người theo chuẩn mực của Nho giáo .

Các bậc thần sử xem Nho gia là tư tưởng chính thống nên những vị vua say mê đạo Phật bị họ phê phán kịch liệt. Cả Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên đều nêu nguyên tắc làm vua là không được say mê đạo Phật. Ngô Sĩ Liên nhận xét về Lý Thái Tổ : “Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể mưu lược của bậc đế vương. Duy có việc ham thích đạo Phật, đạo Lão là chỗ kém”(1, T252). Cũng như vậy Ngô Sĩ Liên phê phán Lý Thái Tông: “Sử khen vua là người nhân triết thông tuệ, có đại lược văn võ…mê hoặc bởi cái lý thuyết từ ái của Phật mà tha tội cho bề tôi phản nghịch (chỉ việc tha tội cho Nùng Chí Cao) thì lòng nhân ấy thành ra nhu nhược, đó là chỗ kém”(1, T270). Trong lời bình về sư Vạn Hạnh, Ngô Sĩ Liên không tán thành lối sống xuất thế của nhà Phật: “sư Vạn Hạnh mới trông thấy Lý Thái Tổ, biết là người khác thường, đến khi sét đánh thành vết chữ thì đoán biết thời thế thay đổi, như thế là có trí thức vượt người thường vậy. Nhưng mặt khác dứt tính mệnh, bỏ nhân luân, chán trần tục ồn ào, nương cửa thiền tĩnh mịch, để trong sạch lấy một mình, người quân tử không cho là phải”(1 ,T247)

Tư tưởng thiên mệnh là một bộ phận quan trọng của Kinh Xuân Thu được Ngô Sĩ Liên dùng để giải thích sự biến của lịch sử, sự thịnh suy của các triều đại. Giải thích về sự bại vong của Lý Nam Đế ông viết: “ Tiền Lý Nam Đế dấy binh trừ bạo, đáng là thuận đạo trời, thế mà cuối cùng đến nỗi bại vong là vì trời chưa muốn cho nước ta được bình trị chăng ? Than ôi ! không chỉ vì gặp phải Bá Tiên là kẻ giỏi dùng binh mà còn gặp lúc nước sông đột ngột dâng lên trợ thế cho giặc, há chẳng phải cũng do trời hay sao”(1, T182). Khi giải thích nguyên nhân nhà Trần thay nhà Lý, mặc dù ông đã chỉ ra nhân tố chủ quan dẫn đến sự bại vong của nhà Lý song lại cho rằng cái chủ quan do con người tạo ra cũng là cái tất yếu của thiên mệnh: “Thái tử Sảm đi lần này là vì nước loạn mà tránh nạn, sao lại buông lòng dâm dục ở bên ngoài tự tiện phong tước cho người ? Bởi Cao Tông ăn chơi vô độ, giường mối bỏ hỏng cho nên mới thế. Nhưng họ Lý nhân thế mà vong, họ Trần

nhân thế mà hưng, ấy là do trời cả”(1,T334) . Theo Ngô Sĩ Liên mệnh trời là huyền bí song không phải là không biết trước, trời và người không đối lập nhau mà có mối quan hệ “thiên nhân cảm ứng”. Bình luận sự kiện Lý Công Uẩn đốt hương khấn trời trên đường đánh Diễn Châu ông viết: “Vua Thang gặp tai nạn hạn hán lấy sáu sự việc ra trách mình là mưa xuống ngay. Nay vua gặp nạn gió sấm, lấy việc đánh dẹp tự trách mình mà mưa bão ngừng ngay. Trời và người cảm ứng với nhau rất nhỏ nhạy, ảnh hưởng rất chóng, ai bảo là trong chỗ tối tăm mặt trời không soi đến ta mà dám dối trời chăng?”(1, T243). Ông rút ra bài học “thuận với trời thì thịnh, nghịch với trời thì suy” Lê Lợi thành công vì “thuận thiên thừa vận”…

Nhìn chung ảnh hưởng của Kinh Xuân Thu vào biên soạn lịch sử chính là ở những đoạn được viết theo lối biên niên. Sự kiện lịch sử được ghi chép theo từng năm, từng mùa, từng tháng. Ngoài ra còn là sự in đậm của tư tưởng Nho gia vào biên soạn lịch sử. Có thể khẳng định rằng tư tưởng Nho gia đã trở thành “kim chỉ nam” để biên soạn lịch sử và thấm nhuần vào đầu óc của các sử gia .

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Như vậy Đại Việt sử ký toàn thư đã có sự kết hợp của hai lối viết sử truyền thống của người Trung Quốc. Đó là lối viết kỷ truyện theo sử ký của Tư Mã Thiên và lối viết biên niên theo Kinh Xuân Thu. Sự kết hợp của hai lối viết này đã chi phối đến toàn bộ kết cấu của tác phẩm, đan xen trong Đại Việt sử ký toàn thư là những đoạn được viết theo lối biên niên và những đoạn tự sự rời rạc và sự kết hợp của hai lối viết này làm cho bộ sử trở lên hay và hấp dẫn hơn, càng đọc càng cảm thấy có sức lôi cuốn đến kỳ lạ, thể hiện rõ tình trạng văn - sử bất phân

Ngoài ảnh hưởng của hai lối viết sử truyền thống của người Trung Quốc, Ngô Sĩ Liên còn sử dụng nguồn tài liệu từ các truyền thuyết dân gian, điều này đã được tác giả khẳng định rất rõ trong phần phàm lệ “sách này làm ra gốc ở hai bộ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên, tham khảo thêm Bắc sử, dã sử các bản chí truyện và những việc nghe thấy truyềnlại khảo đính mà thành”(1,T103)

Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 3

Mặc dù sử dụng nguồn sử liệu là dã sử và các bản chí truyện nhưng Ngô Sĩ Liên vẫn nghi ngờ, không tin cậy. Do vậy một mặt ông bỏ đi không chép những việc quá quái đản, mặt khác dù đã đưa dã sử vào chính sử nhưng ông vẫn viết thêm “sợ chưa chắc đã đúng” (1,T103) hay tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại cho đời sau, có lẽ vì thế mà khi trình bày phần này ông gọi là phần ngoại kỷ. Việc thêm phần ngoại kỷ vào Đại Việt sử ký làm cho lịch sử dân tộc được nhìn nhận một cách hệ thống và cũng là niềm tự hào dân tộc của tác giả.

3. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ sử điển hình cho tính nguyên hợp văn- sử bất phân

Theo từ điển thuật ngữ văn học “Tính nguyên hợp trỏ sự hoà lẫn làm một ban đầu của các loại hình sáng tạo văn hoá”(46,T239). Tính nguyên hợp là đặc trưng của mọi ngành khoa học đặc biệt là khoa học xã hội ở giai đoạn đầu tiên. Ban đầu từ các ngành khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội đều chưa có ranh giới rõ ràng, ngành thiên văn chưa tách khỏi chiêm tinh, hoá học còn chung với luyện đơn, y dược, văn - sử -triết còn ở trong tình trạng bất phân. Mãi đến sau này cùng với sự phức tạp hoá dần của tồn tại xã hội và ý thức xã hội tính nguyên hợp mất dần đi tính phổ quát và được phân chia thành các loại hình độc lập phát triển riêng rẽ.

Riêng ở phương Đông đặc biệt là ở Việt Nam do đặc điểm của tư duy tổng hợp nên quá trình hình thành các bộ môn khoa học riêng rẽ diễn ra chậm. Tình trạng văn – sử –triết bất phân còn kéo dài cho đến tận ngày nay.

Hơn nữa do quan niệm về văn chương của người xưa rất rộng “ Trời đất vạn vật đều có vẻ đẹp, vẻ đẹp ấy là văn”(42,T177) Tư duy nguyên hợp còn bắt nguồn từ tư tưởng Nho giáo. Nho giáo chủ chương duy trì trật tự xã hội bằng đức trị nên dùng văn để chở Đạo, bất cứ thể loại nào có thể chở được Đạo, phù hợp với triết lý đạo đức kinh điển của Nho gia đều có thể gọi là văn. Phan Huy Chú mở đầu phần tịch chí, sách Lịch triều hiến chương loại chí đã viết “cái hay trong lòng người gửi vào văn chương sách vở, cho nên xem đến tư văn thì biết đạo trời. Thư tịch văn minh loài

người ở đó”. Quan niệm này coi tất cả những gì liên quan đến văn minh của xã hội loài người đều thuộc về phạm vi văn học. Cho nên một tác phẩm tôn giáo như Khoá hư lục của Trần Thái Tông hay những văn kiện chính trị như Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ, Hịch tướng sĩ văn của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi…đều được coi là tác phẩm văn học. Người xưa viết ra những tác phẩm trên không chỉ là một công trình học thuật mà còn dùng văn để chở Đạo, hơn nữa họ viết làm sao cho hình thức trải chuốt sao cho “lời hay ý đẹp” như một tác phẩm văn học.

Như vậy cội nguồn sâu xa của tính nguyên hợp văn- sử- triết bất phân trong văn học phương Đông là bắt nguồn từ lối tư duy tổng hợp, bắt nguồn từ quan niệm của Nho giáo dùng văn để chở Đạo, để giáo hoá nên mọi tác phẩm dùng để chở Đạo đều gọi là văn.

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ quốc sử đầu tiên của nước ta thời trung đại đã thể hiện rất rõ tính chất văn – sử bất phân. Sở dĩ có điều này vì thời gian biên soạn bộ quốc sử trên là khá sớm so với các bộ sử nói chung và so với nền văn học viết nói riêng. Hơn nữa tính nguyên hợp của bộ sử này còn do mục đích viết sử của các nhà nho chi phối. Họ viết sử trước hết để nêu gương dăn dạy hay truyền thụ đạo lý “ca ngợi đời thịnh trị thì sáng tỏ ngang mặt trời, mặt trăng, lên án kẻ nghịch tặc thì lời lẽ như sương thu lạnh buốt. Người thiện có thể bắt chước, người ác có thể tự răn”. Như vậy mục đích chép sử của các nhà nho không khác lắm so với mục đích sáng tác văn chương. Bên cạnh đó mục đích chép sử của các nhà nho còn để ghi lại sự thịnh suy của quốc thống. Với mục đích chép sử như thế rõ ràng các nhà nho không có ý định sáng tác văn chương. Nhưng trong quá trình biên soạn, họ lại “lấy tài văn chương để ghi chép quốc sử”. Vậy là vô tình họ đã để lại giá trị văn học cho Đại Việt sử ký toàn thư .

Đại Việt sử ký toàn thư có sự hoà quyện nhuần nhuyễn giữa văn và sử, xen lẫn những đoạn được viết theo lối biên niên sử là những đoạn được viết theo lối kỷ truyện mang đậm dấu ấn của tác phẩm văn học. Trước hết Đại Việt sử ký toàn thư đã khắc

hoạ thành công không gian tạo lên bối cảnh cho sự diễn biến của sự việc. Đó là không gian nơi triều đình thường diễn ra những cảnh “nồi da nấu thịt”anh em cốt nhục giết nhau để tranh giành ngôi báu, không gian chốn thâm cung bí sử nơi những vị hôn quân ăn chơi trác táng, không gian nơi cung vua về đêm những tên nghịch thần bí mật giết vua để chiếm đoạt ngai vàng. Ngoài không gian nơi triều đình còn là không gian nơi trận mạc với bối cảnh chiến trường hoang vu, hiểm trở, lau lách hay mưa gió bão bùng…Tất cả những mảng không gian này đều là sự thật lịch sử nhưng đã được các sử gia khắc hoạ bằng bút pháp văn học giàu sức tạo hình tạo lên bối cảnh cho diễn biến của sự việc. Như vậy chất văn và sử đã hoà với nhau một cách nhuần nhuyễn ,

Đại Việt sử ký toàn thư chép về lịch sử của các triều đại phong kiến. Nhân vật lịch sử được các sử gia quan tâm nhiều nhất là các bậc đế vương, các bậc trung thần nghĩa sĩ hay những tên nghịch thần. Khi chép về các nhân vật lịch sử các bậc thần sử đã sử dụng bút pháp khắc hoạ nhân vật của nhà văn như: thần thánh hoá nguồn gốc xuất thân, tô đậm những nét khác biệt về chân dung ngoại hình, chú ý đến những hành động phi phàm thể hiện thể hiện tính cách hay lên án những hành vi vô đạo đức vi phạm những phép tắc của lễ giáo phong kiến. Cách chép sử thông thường là liệt kê chính xác những sự kiện lịch sử theo ngày tháng nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư các bậc thần sử quan tâm đến cả những cuộc đối thoại giữa các nhân vật lịch sử, thậm chí họ còn đặt nhân vật vào những mối mâu thuẫn, những tình huống truyện có kịch tính ….Chính cách chép sử như vậy đã mang đến giá trị văn học cho tác phẩm. Như vậy nhân vật lịch sử nhưng lại được khắc hoạ bằng bút pháp văn học, sự kiện lịch sử diễn ra được nằm trong bối cảnh không gian giàu màu sắc văn học, đôi khi sự kiện còn được sắp xếp xáo trộn không theo trật tự biên niên sử để tạo lên sức hấp dẫn. Đây chính là sự hoà trộn giữa văn và sử .

4. Lối viết sử trong Đại Việt sử ký toàn thư có ảnh hưởng sâu sắc đến lối viết sử của nhiều thế hệ

Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản văn hoá dân tộc, là tập đại thành của nhiều nhà sử học qua nhiều đời biên soạn. Lối viết trong Đại Việt sử ký toàn thư là sự kết hợp của hai lối viết viết sử truyền thống của người Trung Quốc. Đó là lối viết biên niên theo Kinh Xuân Thu của Khổng Tử và lối viết kỷ truyện theo sử ký của Tư Mã Thiên. Đánh giá về lối viết này Hoàng Hồng – Giảng viên trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn khẳng định rằng: “phương pháp biên niên có kết hợp với một số yếu tố kỷ truyện cùng văn phong giàu tính thẩm mỹ của Ngô Sĩ Liên khiến tác phẩm rất mạch lạc, rõ ràng và sống động. Phương pháp này đã trở thành mẫu mực biên soạn lịch sử cho các nhà sử gia của hàng trăm năm sau”(7, T108.

Ngay như tác phẩm Việt sử tiêu án của Ngô Thời Sĩ, một tác phẩm viết bằng chữ Hán ra đời vào thế kỷ XVIII có rất nhiều điểm tương đồng với lối viết sử của Ngô Sĩ Liên. Việt sử tiêu án chép sử nước ta từ họ Hồng Bàng đến ngoại thuộc nhà Minh. Về mặt kết cấu Ngô Thời Sĩ cũng chia lịch sử nước ta thành các kỷ gần tương ứng với Đại Việt sử ký toàn thư như: họ Hồng Bàng, nhà Thục, ngoại thuộc Đông Hán, ngoại thuộc Ngô - Tấn – Tề – Lương, Tiền Lý …

Khi kể lại lịch sử sau mỗi triều đại, sau mỗi sự kiện lịch tác phẩm cũng có những lời bình sử. Qua những lời bình, người chép sử thể hiện sự đánh giá chủ quan của mình. Cũng giống như lối viết của các bậc đại nho xưa Ngô Thời Sĩ đem văn để chép sử. Tác giả rất thành công trong việc khắc hoạ chân dung nhân vật lịch sử qua hành động, qua ngôn ngữ đối thoại, qua nghệ thuật sắp xếp các tình tiết…Sở dĩ có cách chép sử như vậy bởi trong qua trình biên soạn Ngô Thời Sĩ đã dựa vào chính sử, ông chỉ bổ xung đính chính lại những gì mà ông cho là sai sót còn lối chép sử vẫn kế thừa các vị tiền bối xưa nên tính chất văn –sử bất phân đã hoà quyện nhuẫn nhuyễn trong tác phẩm .

Đến các thế kỷ sau này việc sử dụng văn chương vào chép sử ngày một thể hiện rõ ràng hơn. Điều này được đánh dấu bằng sự ra đời của hàng loạt tác phẩm diễn ca lịch sử như: Thiên Nam ngữ lục, Đại Nam sử ký quốc ngữ, Thiên Nam minh giám,

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 19/02/2024