ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN
----------------------
LÊ THỊ THANH PHƯƠNG
TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỦA ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ
LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC
Có thể bạn quan tâm!
- Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 2
- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư Là Bộ Sử Điển Hình Cho Tính Nguyên Hợp Văn- Sử Bất Phân
- Tìm Hiểu Các Yếu Tố Của Thi Pháp Trong Bộ Sử:
Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.
Nội - năm 2008
Lời cám ơn
Để hoàn thành luận văn này, tôi đã nhận được sự hướng dẫn nhiệt tình của PGS.TS Trần Nho Thìn-người đã có những định hướng ban đầu, những lời nhận xét và chỉ dẫn quý báu trong suốt quá trình tôi thực hiện luận văn. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, chân thành tới thầy về những gợi ý quý báu và thời gian mà thầy đã dành cho tôi.
Tôi xin bày tỏ sự biết ơn tới các thầy cô khoa văn học, Trường đại học KHXH&NV - Đại học QG Hà Nội.
Tôi xin cảm ơn tới các thầy cô giáo trường THCS Vĩnh Tường, nơi tôi đang công tác đã tạo điều kiện cho tôi học tập trong suốt thời gian qua.
Cuối cùng tôi xin cảm ơn những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đã hết lòng động viên và tạo điều kiện thuận lợi để tôi có kết quả học tập như ngày hôm nay.
Hà Nội, ngày ……tháng … năm 2008…
Đề tài:TÌM HIỂU GIÁ TRỊ VĂN HỌC CỦA ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ
PHẦN MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Đại Việt sử kí toàn thư là một bộ quốc sử lớn của nước ta thời trung đại. Tác phẩm là tập đại thành gồm nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn trong đó người có cống hiến lớn nhất là Ngô Sĩ Liên .
Đại Việt sử ký toàn thư được coi như một di sản văn hoá dân tộc. Ra đời trong thời trung đại, khi mà tư duy nguyên hợp còn tồn tại và chi phối khá mạnh mẽ đến việc trước tác, Đại Việt sử ký toàn thư là tác phẩm điển hình lưu dấu ấn của lối tư duy này. Tác phẩm không chỉ có giá trị lịch sử to lớn mà còn có giá trị văn học sâu sắc. Đại Việt sử ký toàn thư đã xây dựng thành công nhiều chân dung nhân vật lịch sử, miêu tả thành công những bối cảnh, không gian, thời gian xẩy ra sự việc. Ngoài ra nguồn sử liệu phong phú trong tác phẩm còn là nguồn tư liệu quý giá cho nghiên cứu và sáng tác văn học. Đó là một trong những lý do thôi thúc chúng tôi tìm hiểu đề tài Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư. .
Đại Việt sử ký toàn thư bao gồm: quyển thủ và 24 quyển ghi chép lịch sử nước ta từ thời kỳ Hồng Bàng cho đến năm 1675. Việc nghiên cứu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư góp phần làm rõ tính nguyên hợp của tác phẩm: văn- sử bất phân và giúp cho bạn đọc thấy được sự ảnh hưởng của lối viết trong bộ sử này rất sâu rộng đến nhiều thế hệ sau này. Ở giai đoạn đầu tiên, giữa văn học và các bộ môn khoa học khác như: triết học, sử học, thiên văn học, y học chưa có danh giới rõ ràng… . Văn học chưa tách ra thành một bộ môn nghệ thuật độc lập như ngày nay. Thời cổ, văn học có thể là thơ ca mà cũng có thể là sử ký, thậm chí viết sử còn được coi là hình thức sáng tác văn học cao quý nhất. Người xưa coi văn chương là thú chơi tao nhã để di dưỡng tính tình, có thể cảm động được lòng người, di dịch được phong tục, tập quán chuyển biến được cuộc đời công hiệu giáo
hoá của văn chương là rất lớn …Và viết sử chính là cách giáo huấn đạo đức hiệu quả nhất, sâu sắc nhất.
Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư cho thấy được quan niệm về nhân sinh của cha ông ta trong quá khứ “sự ngưng kết vững vàng của trí tuệ dân tộc và phản ánh sức sống người Việt trong mấy ngàn năm trước đó”.(7,T289)
Đại Việt sử ký toàn thư có giá trị sử học, văn học rất lớn nên hiện nay chương trình sách Ngữ văn lớp 10 ( cải cách) do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo tổ chức biên soạn, đã đưa một số đoạn trích từ bộ sử này vào để giáo dục cho học sinh thời đại mới về những nét đẹp trong nhân cách con người Việt Nam xưa đồng thời cho học sinh thấy được phần nào tính nguyên hợp và giá trị văn học của tác phẩm. Đây cũng là lí do thôi thúc tôi, với tư cách một giáo viên dạy văn ở trường phổ thông, đi tìm giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư.
2. Lịch sử vấn đề.
Đại Việt sử ký toàn thư đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm trên các lĩnh vực lịch sử, văn hoá, văn học…Dưới đây xin điểm qua một số công trình nghiên cứu liên quan đến tác phẩm.
Trên lĩnh vực sử học có thể kể đến đề tài tiến sĩ của Nguyễn Thi “Sự phát triển của sử học Việt Nam từ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đến Đại Việt sử ký toàn thư cuả Ngô Sĩ Liên”. Ở công trình này tác giả chỉ ra công lao đóng góp và phát triển của Ngô Sĩ Liên so với bộ Đại Việt sử ký. Ngô Sĩ Liên biên soạn thêm phần ngoại kỷ, chép sử từ thời Hồng Bàng cho đến khi quân Minh bị đánh đuổi ra khỏi nước ta. Phần bổ sung của ông làm cho lịch sử nước ta thời kỳ dựng nước mang tính chất nửa lịch sử nửa huyền thoại. Hơn nữa bắt đầu từ Ngô Sĩ Liên tác phẩm mới mang tên là Đại Việt sử ký toàn thư và cấu trúc của tác phẩm được chia làm hai phần: Ngoại kỷ và bản kỷ.
Có thể kể đến bài viết của Nguyễn Phương trên tạp chí Đại học Huế năm 1960 với nhan đề: “Phương pháp viết sử của Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên”. Ở bài viết này, tác giả chủ yếu chỉ ra đặc điểm cách tiếp cận lịch sử của các nhà nho. Hai chữ “trung”, “hiếu” đã ảnh hưởng phức tạp đến suy nghĩ của họ. Họ chép sử chủ yếu để nêu gương, dăn dạy, để truyền thụ luân lý chứ không phải tìm kiếm chân lí lịch sử…Cách chép sử như vậy dễ làm mất đi tính khách quan trung thực của khoa học lịch sử và mang nặng tính chủ quan của người chép sử. Nguyễn Phương đứng trên quan điểm của người hiện đại để phê phán các nhà chép sử thời xưa chứ chưa quan tâm tìm hiểu giá trị văn học của tác phẩm.
Trong cuốn Từ điển văn học (Nhà xuất bản Thế giới), Bùi Duy Tân đã chỉ ra: “Đại Việt sử ký toàn thư không những có giá trị lịch sử mà còn có giá trị văn học. Tác phẩm thể hiện rõ quan niệm “văn sử triết bất phân”. Các tác giả viết sử đã chú ý đến nghệ thuật viết văn vì vậy chép sử vẫn có giá trị văn học. Giá trị ở đây là ở những đoạn kể truyện hấp dẫn, có miêu tả được bối cảnh, không khí xẩy ra sự việc, là ở những trang viết về nhân vật lịch sử mà lại chú ý ở tính cách, hành động, có cả tâm trạng suy nghĩ của nhân vật”( 50 ,tr1015). Những nhận xét cô đọng này là những gợi ý rất qúi giá cho việc xử lý đề tài của chúng tôi.
Đoàn Thu Vân trong phần hướng dẫn giảng dạy hai trích đoạn của Đại Việt sử ký toàn thư cũng nhấn mạnh giá trị nhiều mặt, kể cả giá trị văn học của bộ sử: “Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử lớn của Việt Nam thời trung đại do Ngô Sĩ Liên biên soạn, hoàn tất năm 1479, gồm 15 quyển, ghi chép lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng cho đến khi Lê Thái Tổ lên ngôi(năm 1479). Theo lời tựa của chính tác giả ngay từ đầu cuốn sách thì Đại Việt sử ký toàn thư được biên soạn dựa trên cơ sở sách Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu ở đời Trần và Sử ký tục biên của Phan Phu Tiên ở đời Hậu Lê. Tác phẩm thể hiện tinh thần dân tộc mạnh mẽ, vừa có giá trị sử học vừa có giá trị văn học”(26,tr 41).
Trong bài viết “Nhà sử học Ngô Sĩ liên với lối viết toàn thư” Hoàng Văn Lâu cũng ghi nhận giá trị văn học của công trình này: “Đại Việt sử ký toàn thư có rất nhiều “truyện” về các bậc đế vương, các bà thái hậu hoàng phi, các hoàng tử các công chúa, các thần văn, thần võ, các tao nhân mặc khách cho đến các nhân vật không có địa vị to tát trong xã hội”(7,tr207 ).
Giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư còn được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu: Thi pháp văn học trung đại Việt Nam của Trần Đình Sử , một số bài viết về bài Nam quốc sơn hà và Bình Ngô đại cáo của Bùi Duy Tân, Con đường giải mã tác phẩm văn học trung đại Việt Nam của Nguyễn Đăng Na. Như vậy các nhà nghiên cứu văn học trung đại đều đã ghi nhận, khẳng định giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng chưa có tác giả nào đi sâu vào nghiên cứu một cách hệ thống các giá trị văn học của nó. Tiếp thu, kế thừa những ý kiến gợi ý của các nhà nghiên cứu, trong phạm vi một luận văn thạc sĩ, chúng tôi sẽ chỉ ra những biểu hiện cụ thể về giá trị văn học của bộ sử ký này.
Văn bản được sử dụng để phân tích là bản dịch bộ Đại Việt sử ký toàn thư ( Nhà xuất bản Khoa học xã hội, bản in năm 1993) được dịch từ bản in Chính Hoà thứ 18(năm 1697).
3 .Xác định đối tượng nghiên cứu và phạm vi đề tài
3.1 Đối tượng nghiên cứu: Đại Việt sử ký toàn thư
3.2 Phạm vi đề tài: tìm hiểu giá trị văn học ở bộ Đại Việt sử ký toàn thư.
3.3 Nhiệm vụ và mục tiêu của đề tài: chỉ ra được giá trị văn học nhiều mặt của Đại Việt sử ký toàn thư. Đây là một đề tài lớn, có thể trở thành đối tượng nghiên cứu cho các luận án bậc cao hơn. Trong khuôn khổ của một luận văn Thạc sĩ và thời gian có hạn, chúng tôi xác định chỉ xới lên một số vấn đề trong rất nhiều vấn đề về giá trị văn học của bộ sử. Khuôn khổ và phạm vi thời gian cũng chỉ cho phép
chúng tôi dừng lại trên một số tư liệu khảo sát có chọn lọc để phân tích. Các chương mục cụ thể như sau:
- Chương I: tìm hiểu mục đích, phương pháp viết sử của Ngô Sĩ Liên, sự chi phối của quan điểm Nho gia về lịch sử, nhấn mạnh sự kết hợp hai phương thức biên niên và kỷ truyện.
-Chương II. Tìm hiểu tính chất văn chương của Đại Việt sử ký toàn thư như là một tác phẩm văn học qua việc phân tích tư duy, bút pháp văn học thể hiện trong bộ sử qua nhiều phương diện khác nhau.
-Chương III. Tìm hiểu giá trị bổ trợ mà Đại Việt sử ký toàn thư có thể cung cấp cho người hiện đại để hiểu biết về hiện thực xã hội, con người liên quan đến văn học và đời sống văn học trong thời kỳ lịch sử được bộ sử phản ánh. Nói cách khác, chương này đi tìm từ bộ sử các dẫn liệu về ngữ cảnh của các sáng tác văn học từ thế kỷ XV trở về trước và xác định giá trị như là chất liệu cho sáng tác văn học đời sau. Chương này về lý thuyết đòi hỏi phải xử lý một lượng tài liệu rất lớn nhưng chúng tôi trong khuôn khổ thời gian hạn hẹp và phạm vi khả năng của học viên cao học, chỉ xin chọn một số trường hợp chúng tôi coi là tiêu biểu để phân tích. Một sự phân tích đầy đủ tất cả các nguồn tư liệu sẽ là nhiệm vụ của một công trình tầm cao hơn, như luận án Tiến sĩ.
4.Phương pháp nghiên cứu
4.1phương pháp phân tích, chứng minh.
4.2 phương pháp so sánh.
4.3 phương pháp thống kê.
4.4 Phương pháp xã hội –lịch sử.
4.5 phương pháp tiếp cận văn hoá học.
5 Đóng góp mới của luận văn: Lần đầu tiên nghiên cứu có hệ thống giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư .
6. Bố cục của luận văn: Ngoài phần mở đầu và kết luận, luận văn gồm có ba chương.
Chương I : Khái quát chung về Đại Việt sử ký toàn thư. Chương II: Tính văn chương của Đại Việt sử ký toàn thư.
Chương III: Đại Việt sử ký toàn thư là nguồn tư liệu quý giá cho nghiên cứu và sáng tác văn học.