Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 2


Chương I: QUAN NIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP VIẾT SỬ TRONG ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ

1. Quan niệm về lịch sử và mục đích chép sử của tác giả Đại Việt sử ký toàn thư

Đại Việt sử ký toàn thư là tập đại thành của nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê Sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung Hưng. Tác phẩm ghi chép lịch sử dân tộc ta từ họ Hồng Bàng đến năm 1675.

Trong các nhà chép sử trên thì Ngô Sĩ Liên là người có đóng góp nhiều nhất . Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức, nay là xã Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Không rõ năm sinh và năm mất chỉ biết theo Đại Việt lịch triều đăng khoa lục, ông thọ 98 tuổi. Ông đã từng tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) và đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất năm Đại Bảo thứ 3, đời Lê Thái Tông (1434-1442) .

Dưới triều Lê, Ngô Sĩ Liên giữ chức Đô ngự sử đời Lê Nhân Tông (1434- 1459) rồi Lễ bộ thị lang Triều liệt đại phu kiêm Quốc tử giám tư nghiệp, kiêm sử quan tu soạn đời Lê Thánh Tông (1460-1479). Cũng như Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên hoạt động trong hai cơ quan chuyên trách về văn hoá và giáo dục, là Quốc tử giám và Quốc sử viện . Năm 1479, Lê Thánh Tông “sai Sử quan tu soạn Ngô Sĩ Liên soạn Đại Việt sử ký toàn thư gồm 15 quyển”

Ngô Sĩ Liên đã thêm vào Đại Việt sử ký phần Ngoại kỷ làm cho lịch sử nước ta trong thời mở nước mang tính chất nửa lịch sử nửa huyền thoại và lịch sử nước ta được nhìn nhận một cách hệ thống…Riêng Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên ghi chép lịch sử nước ta bắt đầu từ thời kỳ mở nước( họ Hồng Bàng) và dừng

lại năm 1427 khi quân Minh bị đuổi ra khỏi nước ta. Phần còn lại do các nhà sử học đời sau ghi chép và hoàn thiện .

So với Ngô Sĩ Liên các nhà sử học khác cũng có những đóng góp không hề nhỏ . Tiêu biểu là Lê Văn Hưu (1230-1322) người làng Phủ Lý huyện Đông Sơn, nay là thôn Phủ Lý, xã Thiệu Trung, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá, thuộc dòng dõi của Trấn bộc xạ Lê Lương đời Đinh. Ông đỗ bảng nhãn năm Đinh Mùi (1247) đời Trần Thái Tông ,nhận chức vị Hàn Lâm viện học sĩ kiêm Quốc viện giám tu nghiệp . Ông vâng mệnh vua biên soạn bộ Đại Việt sử ký chép lịch sử từ thời Triệu Vũ Đế đến Lý Chiêu Hoàng. Theo con số xác minh của nhiều nguồn sử liệu thì bộ sử của Lê Văn Hưu gồm 30 quyển.

Sang đời Lê Nhân Tông (1443-1459) Phan Phu Tiên lại vâng lệnh vua Lê biên soạn tiếp từ đời Trần Thái Tông (1225-1258) cho đến khi quân Minh bị đuổi ra khỏi nước ta năm 1427. Bộ quốc sử của Phan Phu Tiên coi như tiếp tục bộ quốc sử đời Trần do Lê Văn Hưu biên soạn nên vẫn mang tên Đại Việt sử ký. Phan Phu Tiên người làng Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, nay thuộc quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Ông đỗ Thái học sinh năm 1396 đời Trần sau lại thi đỗ khoa Minh kinh năm 1429 đời Lê Thái Tổ. Ông viết tiếp bộ sử ký khi đang giữ chức Quốc tử giám bác sĩ tri quốc sử viện. Theo Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú thì bộ sử của Phan Phu Tiên gồm 10 quyển.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 132 trang tài liệu này.

Đầu thế kỷ XVI, năm 1511 Vũ Quỳnh với cương vị sử quan Đô tổng tài, biên soạn xong bộ Đại Việt thông giám thông khảo chép lịch sử nước ta từ họ Hồng Bàng cho đến khi Lê Lợi “đại định thiên hạ” tức cho đến thắng lợi của sự nghiệp bình Ngô dẫn đến sự sáng lập vương triều nhà Lê. Như vậy bộ sử của Vũ Quỳnh bao quát thời gian lịch sử gần như bộ sử của Ngô Sĩ Liên và chắc chắn dựa trên cơ sở bộ sử của Ngô Sĩ Liên. Nếu như bộ sử của Ngô Sĩ Liên có 15 quyển thì bộ sử của Vũ Quỳnh chia thành 24 quyển.

Sang thời Lê Trung Hưng, năm 1665 Phạm Công Trứ (1600-1675) cùng một nhóm triều thần do ông đứng đầu được giao nhiệm vụ biên soạn quốc sử. Đó là bộ Đại Việt sử ký tục biên .

Tìm hiểu giá trị văn học của Đại Việt sử ký toàn thư - 2

Năm 1676, Thượng thư bộ Công Hồ Sĩ Dương được giao nhiệm vụ “trông coi việc sửa quốc sử”. Nhưng đến năm 1681 Hồ Sĩ Dương mất nên Tham tụng Thượng thư bộ hình tri trung thư giám Lê Hy (1646-1702) lại được giao nhiệm vụ biên soạn quốc sử. Ông kế thừa những công trình của người đi trước và biên soạn tiếp từ Lê Huyền Tông năm Cảnh Trị (1663) đến Lê Gia Tông năm Đức Nguyên 2 (1675) cũng gọi là Bản kỷ tục biên. Đây là phần biên soạn mới của Lê Hy. Tháng 11 năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà 18 (1697), bộ quốc sử do nhóm Lê Hy biên soạn hoàn thành “Sách làm xong dâng lên ngự lãm, bèn sai thợ khắc in ban bố trong thiên hạ”. Đây chính là bộ Đại Việt sử ký toàn thư – một bộ quốc sử lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và còn được bảo toàn đến ngày nay.

Hiện nay thư viện nghiên cứu Hán Nôm tàng chữ 6 bản in Đại Việt sử ký toàn thư là A3/14, VHV179/1-9, A2694, VHV1499/1-11, VHV2330-2333, VHV2334-

2236. Thư viện Sử học có một bản in Đại Việt sử ký toàn thư mang ký hiệu HV118. Đây là một bản in đầy đủ gần giống với bản A3 của viện nghiên cứu Hán Nôm. Thư viện Viện Khảo học của Sài Gòn trước đây nay là Thư viện Khoa học xã hội của thành phố Hồ Chí Minh, lưu giữ một bản in ký hiệu VS4. Bộ sách này đóng thành 7 tập và 24 quyển. Như vậy là nước ta hiện nay có 8 ký hiệu sách Đại Việt sử ký toàn thư có thể quy vào 7 văn bản. Trong các bản khắc in của Đại Việt sử ký toàn thư, văn bản khắc in Chính Hoà 18 là văn bản đáng tin cậy nhất. Hiện nay đã được dịch ra tiếng Việt và là nguồn tư liệu cần thiết không chỉ cho ngành sử học mà còn cho nhiều ngành khoa học khác.

Đại Việt sử ký toàn thư theo bản in khắc ván từ năm Chính Hoà (1697) bao gồm Quyển thủ và 24 quyển.

Quyển thủ: gồm các lời tựa của Lê Hy, Phạm Công Trứ , Ngô Sĩ Liên và biểu dâng sách, phàm lệ, kỷ niên mục lục và bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Tung

Phần ngoại kỷ: gồm 5 quyển từ họ Hồng Bàng đến các sứ quân. Phần bản kỷ: gồm 19 quyển, từ triều Đinh đến năm 1675.

Mục đích chép sử của các sử gia được thể hiện ngay ở phần đầu trong bài Biểu dâng sách của Ngô Sĩ Liên, tác giả viết “Thần trộm nghĩ: Ngày xưa làm sách làm tin là điển của nước lớn, để ghi chép quốc thống lúc lìa, lúc hợp, để tỏ rõ trị hoá khi thịnh khi suy. Ấy là muốn gương răn cho đời sau, há chỉ chép cơ vi về dĩ vãng. Ắt thiện ác phải làm rõ ràng trong khen chê, thì người đời sau mới biết ý khuyên răn”(1,Tr101 ). Ngô Sĩ Liên vẫn theo quan điểm truyền thống về lịch sử của Nho gia như một quá trình thịnh suy, hưng vong, bĩ thái có tính chất chu kỳ của các triều đại trị vì và truy tìm nguyên nhân của sự thịnh suy ấy, nhằm rút ra những bài học đạo đức nhắn gửi cho những người làm chính trị đời sau. Quan điểm này từng được nhấn mạnh trong một số tác phẩm về lịch sử của Trung Quốc như Kinh Xuân Thu của Khổng Tử, Sử ký của Tư Mã Thiên, Tư trị thông giám của Tư Mã Quang, Thông giám cương mục của Chu Hy...Các nhà sử học ở Việt Nam thời trung đại đã chịu ảnh hưởng tư tuởng sử học của các Nho gia Trung Quốc là điều đã rõ.

Mục đích chép sử như trên qui định kết cấu và nội dung bộ sử. Trục chính của bộ sử xoay quanh các triều đại; các sự kiện lịch sử chủ yếu là các sự kiện có liên quan đến đời sống cung đình được kể lại theo nguyên tắc biên niên, có đối chiếu với lịch sử biên niên theo các triều đại của Trung Quốc. Các nhân vật lịch sử thường là các bậc vua chúa, quan lại, các bậc trung thần hay gian thần, họ được kể lại qua sự tái hiện lời nói, việc làm, các quan hệ tương tác qua lại giữa họ với nhau. Còn lịch sử về các mối quan hệ kinh tế và đời sống nhân dân thì ít được đề cập đến.

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ quốc sử lớn của nước ta thời phong kiến nên có dấu ấn ảnh hưởng sâu sắc của Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo. Trong đó sự ảnh

hưởng của tư tưởng Nho gia là sâu đậm nhất. Tư tưởng Nho gia đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đầu óc của các sử gia. Nhiều khi các sử gia đã nhìn nhận nhân vật lịch sử thiếu tính khách quan mà mang màu sắc chủ quan. Mục đích viết sử là để khen chê, nêu guơng đạo đức, một lời khen vinh dự hơn áo mũ quan tước, một lời chê nặng hơn búa rìu. Những người hiếu nghĩa, trung quân được ca ngợi, trái lại những kẻ bất trung, bất hiếu bị phê phán nặng nề. Người thiện đọc sử có thể bắt chước, người ác biết có thể tự răn. Như vậy mục đích chép sử để theo đuổi một luân lý đạo đức chứ không phải là tìm kiếm qui luật vận động khách quan của lịch sử. Mục đích chép sử này khác hẳn với cách chép sử của khoa học lịch sử hiện đại ngày nay.

Mục tiêu khen chê đã dẫn đến cách viết sử đầy cảm xúc và những dòng bình sử, những yếu tố đã đem lại màu sắc văn chương cho bộ sử. Đại Việt sử ký toàn thư có những trang sử thấm đẫm lòng tự hào dân tộc qua việc ca ngợi các nhân vật lịch sử. Ngô Sĩ Liên đã đưa phần ngoại kỷ vào thời kỳ mở nước chính là để đề cao lịch sử lâu đời của đất nước hơn nữa. Trong những lời bình sử ông đã hết lời ca gợi những anh vị hùng dân tộc như Bà Trưng, Đặng Dung, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi …những người thầy mẫu mực như Chu Văn An ,Tô Hiến Thành…những người có tài đối đáp giỏi như Mạc Đĩnh Chi, những người có tinh thần bất khuất trước kẻ thù như Trần Bình Trọng, Lê Giốc… Đôi khi ông còn so sánh vua Đại Việt hơn cả vua Trung Hoa. “ Việc dấy quân nhân nghĩa của vua (Lê Thái Tổ) có thể rực rỡ hơn Thang Vũ”. Việc chép lại toàn bộ các bài như : Sông núi nước Nam, Tụng giá hoàn kinh sư của Trần Quang Khải, Ngôn hoài của Phạm Ngũ Lão và đặc biệt là bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi trong chính sử chính là niềm tự hào vô bờ về con người, sông núi, văn hiến Đại Việt. Bên cạnh khuynh hướng gợi ca Ngô Sĩ Liên còn phê phán những kẻ cầm quyền mà hèn nhát, sợ quân xâm lược. Tiêu biểu là lời bàn của ông về Thái uý Trần Nhật Hiệu, khi Nhật Hiệu viết hai chữ “Nhập Tống” và không muốn gọi quân Tịnh Cương đến hội quân. Ông viết “Nhật Hiệu là đại thần cùng họ với vua. Giặc đến khiếp sợ, hèn

nhát, không có kế sách chống giữ, lại còn kiếm cách xui vua mình chạy đi ở nhờ nước khác thì còn dùng hắn làm tướng làm gì”(2,Tr28). Nhìn chung qua các lời bình giá , ta thấy tinh thần dân tộc ở Ngô Sĩ Liên rất sâu sắc nhưng xét về mục đích, nguyên tắc viết sử thì ông không khác gì sử gia Trung Quốc nếu không nói là ông đã học cách làm sử của họ. Khảo thêm về cách viết sử của ông sẽ là mục tiếp theo.

2. Đại Việt sử ký toàn thư đã vận dụng tổng hợp hai lối viết sử truyền thống của người Trung Quốc

Mở đầu bài biểu dâng sách, Ngô Sĩ Liên đã trực tiếp trình bày lối viết sử của mình “ theo Mã Sử biên niên nhưng thẹn vì chắp vá còn thô, học Lân kinh so việc đâu dám mong cẩn nghiêm sánh kịp”(1,T102). Kinh Xuân Thu ( Lân kinh) của Khổng Tử ra đời vào thế kỷ thứ VI trước công nguyên với những từ ngữ nghiêm khắc khô khan. Sử ký do Tư Mã Thiên biên soạn vào thế kỷ I trước công nguyên thấm đẫm chất văn chương . Nghĩa là Ngô Sĩ Liên đã vận dụng tổng hợp cả hai phương pháp viết sử truyền thống của người Trung Quốc: lối viết biên niên theo bộ Xuân Thu và lối viết kỷ truyện theo Sử ký của Tư Mã Thiên. Đồng thời Ngô Sĩ Liên đã nhắc đến Mã sử và khẳng định theo Mã sử có nghĩa là ông đã ảnh hưởng của Mã sử nhiều. Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Ngô Sĩ Liên đã rất nhiều lần nhắc đến những nhân vật lịch sử quan trọng được Tư Mã Thiên ghi chép trong sử ký. Trong phần Bản kỷ hai lần tác giả nhắc đến Lưu Bang Hán Cao Tổ .

Lần thứ nhất khi Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh trong bài chiếu có viết “ Nay trẫm suy đi tính lại một mình, duy có Trần Cảnh là người có văn chất đủ vẻ, thực thể các quân tử hiền nhân, uy nghi đường hoàng, có tư chất thánh thần văn võ, dù đến Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông cũng không hơn được”(1, T339,340)

Lần thứ hai là trường hợp thượng hoàng Nghệ Tông được tin thắng trận giết chết Chế Bồng Nga, Nghệ Tông nói “cầm cự nhau lâu ngày mới được gặp nhau, có khác gì Hán Cao Tổ thấy đầu Hạng Vũ”(2,T180)

Ở kỷ nhà Trần, Ngô Sĩ Liên còn so sánh Trần Hưng Đạo như Quách Tử Nghi nhà Đường. Ông có công lao cùng các vua Trần thế kỷ XIII chung sức vượt qua khó khăn khiến cho thiên hạ đã tan mà lại hợp, xã tắc đã nguy mà lại yên, suốt đời Trần không còn nạn ngoại xâm nhà Hồ nữa. Công lao ấy là lớn lắm. Đôi khi ông còn so sánh vua Đại Việt còn hơn cả vua Trung Hoa “ Việc dấy quân nhân nghĩa của vua Lê Thái Tổ có thể rực rỡ hơn cả Thang Vũ”…

Như vậy việc nhắc đến tên tuổi của các nhân vật lịch sử nổi tiếng Trung Hoa trong sử ký là một minh chứng khẳng định sự ảnh hưởng của Bắc sử đối với những trí thức Đại Việt là rất lớn .

Theo PGS_TS Hoàng Văn Lâu thì do ảnh hưởng của lối viết kỷ truyện trong sử ký của Tư Mã Thiên nên “Trong Đại Việt sử ký toàn thư có rất nhiều “truyện” về các nhân vật lịch sử từ các bậc đế vương, các bà thái hậu hoàng phi, các hoàng tử, công chúa, các văn thần võ tướng, các văn nhân mặc khách cho tới các nhân vật không có địa vị to tát gì trong xã hội”(7, T207). Nét nổi bật trong bút pháp “truyện”(bút pháp tự sự ) trong Đại Việt sử ký toàn thư là khắc hoạ chân dung nhân vật qua những chi tiết ngoại hình, chi tiết về nguồn gốc xuất thân có tính li kỳ, miêu tả hành động, ngôn ngữ đối thoại giữa các nhân vật và còn đặt nhân vật vào những mối mâu thuẫn, những tình huống truyện …Thậm chí các nhà sử học còn biết chọn lọc sắp xếp các chi tiết thành một sâu chuỗi các sự việc. Các sự việc này được sắp xếp theo trật tự trước sau để lột tả tính cách nhân vật.

Như đoạn kể sau đây về hoàng đế Thái Tông thuộc kỷ nhà Trần: “Xưa Thượng hoàng còn hàn vi, lấy người con gái thôn Bà Liệt (thuộc huyện Tây Chân

). Người đó có mang thì bị thượng hoàng ruồng bỏ. Đến khi Bà Liệt ra đời, thượng hoàng không nhận con. Lớn lên, Bà Liệt khôi ngô giỏi võ nghệ, xin xung vào đội

đánh vật. Một hôm, Bà Liệt đánh cầu với người trong đội, người kia vật ngã Bà Liệt, bóp cổ suýt tắc thở. Thượng hoàng thét lên “con ta đấy”. Người ấy sợ hãi lạy tạ”(2,T13) . Như vậy sự kiên gan của nhà vua làm sao chiến thắng được tình phụ tử. Đến lúc nguy nan nhất liên quan đến tính mạng của con trai mình thượng hoàng buộc phải lên tiếng. Câu chuyện không chỉ là một sâu chuỗi sự việc lối tiếp nhau mà còn đầy kịch tính làm cho người đọc phải hồi hộp theo dõi.

Nhiều khi các nhà sử học còn dừng lại ở những sự việc khác thường, những tình huống có vấn đề hay những thói quen kỳ quặc để phác hoạ tính cách. Như đoạn viết về viên độc bạ Trần Cụ “Bấy giờ có viên độc bạ Trần Cụ tính khoan hậu, cẩn thận thật thà, giỏi nghề đánh cá, bắn nỏ và chơi cầu. Vua sai dạy thái tử các nghề ấy”. Mỗi hành động của cụ đều tỉ mỉ, cầu kỳ “mỗi khi sắp đánh đàn thì cắt đầu dây buộc lại cho chặt rồi mới gảy. Có người hỏi cớ làm sao, cụ trả lời “Nếu khúc đàn chưa hết mà dây đứt thì làm thế nào ?”. Cụ làm cầu thì cân nhắc các múi da, cho mười hai múi cân nhau, duy ba múi ở miệng cầu là chỗ cái bong bóng lợn vào thì hơi mỏng và nhẹ để cân đối với sức nặng ở đầu bong bóng …Nhà ông ta ở và thuyền có hai cửa đối nhau, xếp đặt bày biện các thứ phải cân đối ngay ngắn”. Đặc biệt cụ có những nguyên tắc bất di bất dịch không bao giờ thay đổi “Cụ người Cứu Liên vốn có mối hận với người Cứu Liên, thề rằng không bao giờ đặt chân lên đất ấy nữa . Sau này về trở về Cứu Liên thì đi thuyền, đến khi lên bộ thì đi kiệu cho tới khi đến giường mới xuống kiệu, thức ngủ, ăn uống đều ở trên giường. Khi nào chơi xem vườn ao thì lại sai khiêng giường đến chỗ đó hết hứng lại trở về, lại ngồi kiệu lên thuyền…cứ như thế cho đến lúc hết đời chưa hề dẫm một bước lên đất Cứu Liên”(2,T89-90). Như vậy ở đây các nhà sử học có cách khắc hoạ nhân vật rất sinh động, chú ý đến những chi tiết thể hiện tính cách kỳ quặc.

Dấu ấn của lối viết kỷ truyện trong Đại Việt sử ký toàn thư còn được thể hiện ở những tình huống gay cấn mà các nhà sử học lựa chọn để đưa vào trong chính sử. Như đoạn viết về Thái sư Trần Thủ Độ “ Thủ Độ có lần duyệt định số hộ khẩu,

Xem tất cả 132 trang.

Ngày đăng: 19/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí