Tình Hình Nghiên Cứu Lý Thuyết Liên Văn Bản Ở Việt Nam

đó tác động và định hướng tâm thế ban đầu của độc giả trong hành trình tìm ra những mã của tác phẩm.

- Quan hệ siêu văn bản (Métatextualité)

Siêu văn bản đề cập đến hiện tượng một VB bình luận rõ ràng hoặc không rõ ràng về một VB khác. Sự bình luận này thể hiện quan điểm, sự đánh giá đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống. Thao tác này làm cho tiểu thuyết gắn với phê bình, mang màu sắc của khoa học, của tư duy phản biện. Tiểu thuyết giờ đây không phải chỉ là địa hạt của các sự việc, của các tình tiết gây cấn, hồi hộp. Mà là sự đan xen của quy luật tư duy phân tích, đánh giá, nhìn nhận... Sự bình luận có thể thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình, ca ngợi hay phê phán, có khi là giải thiêng lại những vấn đề từng được xem là thiêng liêng, là chuẩn mực đối với xã hội. Điều này có thể nhận thấy ở nhiều nhà văn Việt Nam đương đại. Họ bình luận VB thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội và có khi bình luận luôn ngay cả tác phẩm của chính mình. Hồ Anh Thái có những thao tác đề cập đến những VB khác từ đó đưa ra những bình luận. Trong tiểu thuyết Năm lá quốc thư, tác giả đã bình luận về câu chuyện của một nhà văn Pháp thể kỉ XIX: Alfred de Musset “Đồng thời ở đây, còn có thể thấy một câu chuyện khác, từ hình ảnh những cái mỏ háu đói của đàn con sục vào chén sạch tim gan lòng ruột của cha chúng. Câu chuyện về đức hy sinh của người cha, cũng là chuyện về sự háu đói vô tình của đàn con. Ta nhìn thấy trong ấy câu chuyện chén bằng sạch, moi bằng sạch, rút ruột bằng sạch. Mà rút ruột của ai? Của chính người cha mình, người lẽ ra có thể tồn tại lâu dài để tiếp tục nuôi ta.” [119, tr.213]. Và câu chuyện ấy chính là hình ảnh ẩn dụ và là cái cớ cho sự bình luận câu chuyện của hiện tại: “những con bồ nông của Alfred de Musset đã vô tư hồn nhiên được một bữa no. Thảo nào ta có thể gọi tắt vô tư hồn nhiên là vô hồn. Chúng đã mở đại tiệc trên cái bụng phanh ra của người cha mà không biết rằng một khi người cha đã chết rồi, đại tiệc ấy là sự hủy diệt của chính chúng.” [119, tr.217]. Siêu VB trong tiểu thuyết đã trở thành đối tượng cho nhiều nhà văn giải thiêng nhiều vấn đề thiêng liêng

nhằm nhạo báng các hiện tượng trong cuộc sống hiện đại. Vậy là biên độ của một VB được mở rộng, thế giới không chỉ là một VB mà còn là một siêu VB để nhà văn có thể hoạt tác bằng nhiều cách thức và con đường khác nhau.

- Quan hệ thậm phồn văn bản (Hypertextualité)

Thậm phồn VB là thuật ngữ Genette “dùng để chỉ hiện tượng một văn bản B nào đó (được ông gọi là hypertext/thượng VB hoặc hậu bản) phát sinh từ một văn bản A nào đó đã tồn tại trước đó (được gọi là hypotext/hạ bản hoặc tiền bản) bởi sự cải biến (transformation) hoặc bởi sự bắt chước (imitation). Theo đó những hình thức như giễu nhại (parody), chế nhạo (travesty) và chuyển vị (transposition) thuộc về quan hệ cải biến hạ VB; trong khi phỏng nhại (pastiche), châm biếm (caricature) và giả mạo (forgery) là những hình thức bắt chước.” [125, tr.244]. Cải biến và bắt chước có thể xem là quan hệ điển hình cho việc nối kết nhiều VB thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống bằng nghệ thuật xử lý của nhà văn đối với tiền VB. Phần này chúng tôi sẽ đi sâu hơn ở chương ba của luận án.

Thuật ngữ giễu nhại (tiếng Anh: parody, tiếng Pháp: parodie) có gốc từ tiếng Hi Lạp cổ đại là parodia. Từ này gồm có hai phần kết hợp lại: tiền tố para (vừa có ý nghĩa là đối lại vừa có ý nghĩa là bên cạnh) và danh từ ode (có nghĩa là bài hát). Giễu nhại vừa được hiểu là một bài hát “chống lại” bài hát khác, vừa đồng thời được hiểu là bài hát được hát bên cạnh bài hát khác mà không chống lại nó. Chính những cách hiểu này đã dẫn đến tính chất lưỡng nghĩa của từ nguyên mà cho đến nay, việc đưa ra một giới thuyết duy nhất về nội hàm của khái niệm giễu nhại là chưa đi đến thống nhất. Vẫn còn đó những quan niệm và cách tiếp cận khác nhau. Trong phạm vi của luận án, chúng tôi quan tâm đến một số quan niệm về parody/nhại phổ biến của các nhà lập thuyết tiêu biểu từ thế kỉ XX đến những năm đầu của thế kỉ XXI. Từ đó gắn với thực tiễn của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

- Quan hệ kiến tạo văn bản (Architextualité)

Thuật ngữ Architextualité được hiểu là “toàn bộ các yếu tố xác định quan hệ về mặt thể loại của các VB.” [125, tr.245]. Điều đáng chú ý là “bản thân kiến trúc VB không phải là phạm trù riêng biệt và thuần túy mà là sự va chạm, tương tác và chồng lấn lên nhau giữa các thể loại. Va chạm, tương tác không phải là sự dịch chuyển cơ học các yếu tố thể loại trong hệ thống văn học mà là sự tương sinh và biến đổi địa vị, chức năng của mỗi yếu tố khi chúng tham sự vào tấn kịch văn học” [125, tr.245-246]. Trong quan hệ kiến tạo VB, Genette một mặt phân loại và một mặt chú ý đến các kiểu tương tác LVB. Theo quan niệm của Genette, tính LVB tự xác định qua “sự hiện diện của một hoặc nhiều VB trong một VB và mối quan hệ giữa chúng”. [138]. Quan niệm này gần với quan niệm của Bakhtin về sự tương tác giữa các thể loại văn học. Bakhtin quan niệm: “Tiểu thuyết cho phép đưa vào, lắp ghép vào trong nó nhiều thể loại khác nhau, cả những thể loại nghệ thuật (những truyện ngắn, những bài thơ trữ tình, những trường ca, những màn kịch nói,...) lẫn những thể loại phi nghệ thuật (các thể văn đời sống hàng ngày, văn hùng biện, khoa học, tôn giáo,...), về nguyên tắc bất cứ thể loại nào cũng có thể được đưa vào cấu trúc tiểu thuyết và trên thực tế rất khó tìm được một thể loại nào chưa bao giờ và chưa được ai đưa vào tiểu thuyết” [9, tr.32]. Theo đó, tiểu thuyết có thể thu nạp nhiều thể loại, nhiều VB khác nhau trong một chỉnh thể tác phẩm. Ví dụ như sự xâm nhập của truyện ngắn trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã tham gia vào kiến trúc của VB, tạo cho VB nhiều không gian nhỏ làm nên tiểu tự sự, góp phần cho bức tranh đời sống hiện lên đa chiều kích, bao quát được nhiều vấn đề của cuộc sống đương đại.

Trong phạm vi của luận án, chúng tôi tiến hành nghiên cứu các kĩ thuật giễu nhại, tương tác thể loại và viết lại. Bởi đây là các vấn đề tiêu biểu, đặc trưng nhất của tính LVB gắn với hai khuynh hướng chính của tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

1.2. Vấn đề nghiên cứu lý thuyết Liên văn bản

Những công trình nghiên cứu lý thuyết LVB hiện có trên thế giới số lượng rất lớn, rất đa dạng, khó có thể mô tả đầy đủ. Vì thế ở đây chúng tôi chỉ nêu một số đường hướng chính. Nhiệm vụ trọng tâm của luận án là phân tích văn học Việt Nam, cụ thể là tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Vì vậy, ở chương này, luận án tập trung vào một số tư tưởng về tính LVB, các nghiên cứu LVB của các nhà lý luận thế giới và tổng thuật vận dụng lý thuyết LVB ở Việt Nam trong mấy thập niên gần đây.

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 4

1.2.1. Tình hình dịch thuật lý thuyết liên văn bản

Hiện nay, rất nhiều công trình trực tiếp đặt ra vấn đề tính LVB và ứng dụng nó trong nghiên cứu văn học vẫn chưa được giới thiệu chu đáo ở Việt Nam chẳng hạn như công trình quan trọng hàng đầu của Kristeva – Từ, Đối thoại và Tiểu thuyết – nơi thuật ngữ LVB lần đầu tiên xuất hiện vẫn chưa được dịch. Các công trình quan trọng khác có bàn trực tiếp đến thuyết LVB của R.Barthes, M.Riffaterre, G.Genette, H.Bloom,... cũng ít được giới thiệu, tìm hiểu. Với nỗ lực của một số nhà nghiên cứu, dịch thuật, hiện chúng ta có một số bản dịch sau đây giới thiệu và phân tích một vài điểm lí thuyết LVB. Đầu tiên, có thể kể đến bài nghiên cứu của tác giả người Nga do Ngân Xuyên dịch –

L.P. Rjanskaya, LVB – sự xuất hiện của khái niệm về lịch sử và lí thuyết của vấn đề (Nghiên cứu văn học, số 11/2007). Bài nghiên cứu đã đề cập đến vấn đề nguồn gốc và những cách hiểu về khái niệm LVB: khái niệm LVB là môt khái niệm “động”, nội hàm của khái niệm có thể biến đổi tùy thuộc vào “các lập trường triết học và nghiên cứu của các nhà khoa học.”. Có hai quan niệm về tính LVB: LVB được xem như là một thủ pháp văn học, và LVB được xem như là “thuộc tính bản thể của mọi VB”, cách hiểu thứ hai này là cách hiểu gắn liền với Kristéva trong công trình Từ, Đối thoại và Tiểu thuyết. Quan niệm về tính LVB gắn liền với quan niệm về VB và vai trò của độc giả bởi “LVB nhằm tới sự tương đối hóa các mã văn hóa, tương đối hóa tính thống nhất và toàn vẹn của chúng, và tới sự tước bỏ ý nghĩa tuyệt đối của chúng… Ý nghĩa là linh

hoạt, sự tương tác sống động của các VB sinh ra những nghĩa mới của chúng.” [106, tr.197]. Người viết đã đưa ra dẫn chứng các VB văn học Anh và có sự minh giải để cho thấy “sự tương quan giữa VB của mình và VB của người khác” [106, tr.199] trong một số sáng tác của Magaret Dabble, Anita Brookner,

A.S Byett, Bayette, Emma Tennant, W. Golding, Graham Swift,… Từ đó người viết khẳng định rằng: “Việc hiểu hạn hẹp thuật ngữ chỉ như là mối tương quan cấu trúc của hai hay một số VB có tác giả hoặc việc chuyển dịch tư tưởng LVB như là hình ảnh thế giới sang các thời đại khác sẽ gây khó khăn cho việc sử dụng và tiếp nhận khái niệm” [106, tr.212]. Tiền đề lí thuyết này có vai trò quan trọng trong việc vận dụng nội hàm khái niệm để tiến hành nghiên cứu và giải mã VB.

Trong cuốn Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỉ 20 (chủ biên I.P. Ilin và E.A. Tzurganova) khái niệm LVB đã được lý giải khá tường tận. Phần mục viết về LVB, ngoài việc chỉ ra xuất xứ của khái niệm, các soạn giả đề cập đến một thực tế: “nội dung cụ thể của thuật ngữ thay hình đổi dạng một cách cơ bản tùy thuộc vào những tiền đề lý luận và triết học.” [66, tr.444]. Tuy có sự thay hình đổi dạng như thế nhưng “cái chung cho tất cả họ là định đề: bất cứ VB nào cũng là sự “phản ứng” đối với các VB có trước nó.” [66, tr.444]. Sau nhận định trên, các soạn giả đã trích dẫn ý kiến của một số nhà khoa học. R. Barthes khái niệm LVB “Mỗi VB là một LVB, những VB khác có mặt trong nó ở các cấp độ khác nhau dưới những hình thái ít nhiều nhận thấy được: những VB của văn hóa trước đó và những VB của văn hóa thực tại xung quanh. Mỗi VB đều như là tấm vải mới được dệt từ những trích dẫn cũ. Những đoạn của các mã văn hóa, các định thức, các cấu trúc nhịp điệu, những mảnh vụn biệt ngữ xã hội,…- tất cả đều bị văn bản ngốn nuốt và đểu bị hòa trộn trong VB và xung quanh nó bao giờ cũng tồn tại ngôn ngữ. Với tư cách là điều kiện tồn tại ban đầu cho mọi VB, tính LVB không thể bị lược quy vào vấn đề nguồn gốc hay ảnh hưởng; nó là trường quy tụ những định thức nặc danh, khó xác định nguồn gốc, những

trích dẫn vô thức hoặc máy móc được đưa ra không có ngoặc kép” [66, tr.445].

M. Riffaterre khẳng định: “bản thân tư tưởng tính VB không những không tách khỏi tính LVB, mà còn dựa vào nó.” [66, tr.445]. M. Gresset cho rằng: “LVB là một bộ phận hợp thành của văn hóa nói chung” và “ràng buộc” bằng “tấm lưới văn hóa” mà “không có kẻ nào có khả năng thoát ra khỏi.” [66, tr.446]. Tuy nhiên, không phải các nhà nghiên cứu văn học ở phương Tây trong các công trình của mình đều dùng và chấp nhận cách lý giải rộng rãi về khái niệm LVB. Dù còn đó những vấn đề chưa được xác quyết rõ ràng nhưng vị trí của tính LVB là không thể phủ nhận bởi “ý nghĩa của quan niệm LVB vượt ra ngoài phạm vi những cắt nghĩa thuần lý thuyết” lý thuyết này có tính đại chúng rộng rãi vì “LVB ảnh hưởng đến chính thực tiễn nghệ thuật và sự tự ý thức của nghệ sĩ hiện nay.” [66, tr.449].

Bửu Nam – Phạm Thị Anh Nga dịch Lí thuyết về tính LVB của tác giả người Pháp: Pierre – Marc de Biasi. Nội dung của bài viết trình bày lịch sử lí thuyết LVB, từ lúc hình thành khái niệm đến những cách tiếp cận đầu tiên trong những năm 1970 và những sự tái lập khái niệm từ những năm 1980 đến nay. Bản dịch của Nguyễn Văn Thuấn về bài báo của Andrea Lesis – Thomas: Đằng sau Bakhtin: chủ nghĩa hình thức Nga và thuyết LVB của Kristeva. Bài viết đề cập đến mối quan hệ và đóng góp của các nhà hình thức luận Nga, Bakhtin và Kristeva đối với quá trình sinh thành và sự triển nghĩa của thuyết LVB. Bài viết khẳng định những đóng góp của chủ nghĩa hình thức Nga với tư cách là những người tiên phong, đặt nền móng cho lí thuyết LVB. Ngoài ra, Nguyễn Văn Thuấn còn tiến hành dịch cuốn Lý thuyết Liên văn bản của Graham Allen. Tuy tài liệu này chỉ lưu hành nội bộ, chưa được phát hành rộng rãi, nhưng đây là một trong những tài liệu tham khảo, giúp cho người đọc hình dung rõ hơn nội hàm của LVB và những vấn đề xung quanh nó. Việc hoàn thiện bản dịch này sẽ là cơ sở lí luận quan trọng trong nghiên cứu và vận dụng lí thuyết LVB ở Việt Nam.

Năm 2011, Lã Nguyên dịch bài viết Một nền thi pháp học sụp đổ của Julia Kristéva. Nội dung bài dịch đã khái quát nguồn gốc và sự vận động trong tư tưởng, các nguyên tắc trong lí luận phê bình của Bakhtin. Julia Kristéva đã phân tích sâu sắc tư tưởng đối thoại, nguyên tắc phức điệu của Bakhtin và chỉ ra tính quá độ của Bakhtin khi “khám phá ra cả một đại lục mà công cụ của thi pháp học không thể ứng dụng” [74, tr.21]. Bên cạnh việc khẳng định những đóng góp của Bakhtin, Kristéva đồng thời cũng chỉ ra những phần còn khiếm khuyết: “ông làm xê dịch ý nghĩa của các thuật ngữ ngôn ngữ học và đôi khi không đưa ra những định nghĩa nghiêm nhặt cho các thuật ngữ ấy.” [74, tr.22]. Tuy nhiên với những gì Kristéva chỉ ra và phân tích thì bài viết của bà có giá trị quan trọng trong việc tiếp nhận tư tưởng của Bakhtin – tiền đề lí luận quan trọng trong nội hàm khái niệm “tính LVB” mà bà đề xuất.

Năm 2013, Lê Nguyên Cẩn dịch và giới thiệu công trình Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của Liviu Petrescu (Rumani). Đây là công trình đã mang lại một cách nhận diện có hệ thống, dựa trên nền tảng triết học phương Tây theo tiến trình lịch sử, lí giải cội nguồn của xu hướng văn học hậu hiện đại qua các đại diện tiên biểu gắn với các thời kì phát triển của văn chương phương Tây nói chung và văn học Rumani nói riêng. Tuy không phải là công trình dành riêng cho LVB nhưng trong sự kiến giải các vấn đề của chủ nghĩa hậu hiện đại, tác giả có đề cập đến vấn đề LVB trong diễn ngôn văn học. Trong vấn đề này, người viết đã chỉ ra hướng tiếp cận mở rộng của LVB ở cấp độ “văn hóa vĩ mô” và phong trào của “Chủ nghĩa lịch sử mới”. Tác giả đã dẫn ra quan niệm của một số nhà nghiên cứu, đầu tiên là Linda Hutcheon, người đã nhìn nhận “ngữ cảnh diễn ngôn ngôn ngữ học” và thêm vào “ngữ cảnh phổ quát”, nơi diễn ra thao tác phát ngôn, về bản chất ngữ cảnh này vừa mang tính xã hội, và đặc biệt vừa mang tính LVB. Tác giả hướng sự chú ý đến J. Greenblatt (người khởi xướng chủ nghĩa lịch sử mới), người đã nghiên cứu quan hệ giữa các kiểu diễn ngôn khác nhau và kết luận “việc ngữ cảnh hóa diễn ngôn văn học khởi phát từ tiền đề tính đa trị của mọi nền văn hóa.” [94, tr.189]. Bằng việc chỉ ra

tính đặc thù của diễn ngôn văn học hậu hiện đại, tác giả đã đặt LVB trong diễn ngôn văn học, ở đó LVB được mở rộng tối đa, nó không bị giới hạn trong một phạm vi của VB văn học mà nó còn là sự hội tụ của nhiều VB trong xã hội – nơi xuất hiện nhiều diễn ngôn khác nhau.

Ngoài các sách lý thuyết LVB, một số những công trình của các nhà khai sáng thuyết LVB cũng đã được dịch ở Việt Nam dù không chuyên bàn về LVB. Trước hết đó là công trình Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Saussure, các công trình cơ bản của Bakhtin (Những vấn đề thi pháp Đốt-xtôi- épxki, Lí luận và thi pháp tiểu thuyết, Sáng tác F.Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng), các công trình của R. Barthes (Cái chết của tác giả, Từ tác phẩm đến văn bản, Vương quốc ký hiệu), của J. Derrida (Về văn phạm học, Chữ ký – sự kiện – bối cảnh), của Eco (Đi tìm sự thật biết cười),… Tuy nhiên, ở Việt Nam, những công trình này chỉ được tiếp nhận như là những công trình thuần túy ngôn ngữ học, thi pháp học, lí thuyết thể loại, ký hiệu học, triết học,… mà chưa được nhận diện như là những công trình đặt nền móng và phát triển lí thuyết LVB.

1.2.2. Tình hình nghiên cứu lý thuyết Liên văn bản ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, việc tìm hiểu lí thuyết này được thực hiện xen kẽ trong quá trình nghiên cứu lí thuyết chung của lí luận văn học, trong mối tương quan với lí thuyết hậu hiện đại.

Thuật ngữ LVB được giới thiệu sớm nhất tại Việt Nam trong một số công trình của Giáo sư viện sĩ Hoàng Trinh. Công trình Từ kí hiệu học đến thi pháp học (1993), khi làm rõ khái niệm VB, tác giả đã viết như sau: “Một VB bao giờ cũng kế thừa những VB có trước và bao giờ cũng mang nhiều tiếng nói hội nhập vào nhau. Đó là tính LVB của mọi VB” [137, tr.476]. Ông còn giải thích: “một tác phẩm văn học mang dấu ấn của sự kế thừa và của tính LVB rất rõ ở nhiều chỗ tác phẩm trước đó đã được tác giả sau này đọc, mô phỏng tham khảo hoặc vận dụng” [137, tr.476]. Đồng thời Hoàng Trinh phân biệt sự khác nhau giữa thuật ngữ LVB với thuật ngữ tính đối thoại của

Xem tất cả 168 trang.

Ngày đăng: 03/09/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí