Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 2

thuyết Việt Nam đương đại. Qua thao tác đó, luận án chỉ ra sự vận động của thể loại này trong sự vận động phát triển chung của văn học Việt Nam đương đại.

Với hướng tiếp cận từ lý thuyết LVB, luận án cũng mong muốn đóng góp về mặt phương pháp luận đối với việc nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam. Bởi nghiên cứu văn học nói chung cần có nhiều cách thức tiếp cận, nhiều cách nhìn mới do lý thuyết phê bình đưa lại. Cách tiếp cận từ lý thuyết LVB sẽ góp phần cùng với nhiều lý thuyết nghiên cứu khác chỉ ra trạng thái động trong đời sống thực tiễn của văn học Việt Nam.

2.2. Nhiệm vụ

Để đạt được mục đích trên, luận án đặt ra và thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Nghiên cứu những lý thuyết về LVB như những công cụ nền tảng làm cơ sở phương pháp luận cho luận án. Đồng thời, tìm hiểu những vấn đề về sự phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhất là các xu hướng phát triển chính.

- Phân tích, lý giải các hiện tượng của tiểu thuyết đương đại Việt Nam biểu hiện tính LVB. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của luận án.

- Chỉ ra những thay đổi trong nghệ thuật tiểu thuyết so với trước đổi mới từ góc nhìn LVB. Nhiệm vụ này sẽ được thực hiện lồng ghép thông qua các chương cụ thể của luận án.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án trước hết là tiểu thuyết Việt Nam đương đại về phương diện tính LVB. Để tiến hành công việc nghiên cứu luận án cần khảo sát lí thuyết về tính LVB. Việc nắm vững về lí thuyết tính LVB là cơ sở khoa học quan trọng để chúng tôi tiến hành triển khai nghiên cứu các trường hợp cụ thể để góp phần “nội địa hóa” một lý thuyết vốn ra đời và thực hành ở văn hóa phương Tây. Trong khi trình bày, phân tích lí thuyết LVB, chúng tôi sử dụng những ví dụ từ sáng tác của các nhà tiểu thuyết Việt Nam Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác,... và một số nhà văn khác.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 168 trang tài liệu này.

Việc tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam từ lí thuyết LVB tập trung vào một số thủ pháp tiêu biểu nhất như trích dẫn và giễu nhại, viết lại, sự đan xen thể loại,… Những thủ pháp này được nghiên cứu gắn với hai khuynh hướng phát triển của tiểu thuyết Việt Nam đương đại: tiểu thuyết theo khuynh hướng hậu hiện đại và tiểu thuyết theo lối viết truyền thống với đề tài lịch sử.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết liên văn bản - 2

Do số lượng tác giả của tiểu thuyết Việt Nam đương đại rất lớn, mỗi nhà văn có một thế mạnh khác nhau, luận án chỉ tập trung vào khảo sát và nghiên cứu những tác giả tiêu biểu theo hai khuynh hướng chính. Đối với khuynh hướng hậu hiện đại, có các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Thuận. Khuynh hướng theo lối viết truyền thống với đề tài lịch sử có các tác giả tiêu biểu như: Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Mộng Giác, Võ Thị Hảo,… Ngoài ra, trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng có đề cập đến một số nhà văn khác, để có những minh chứng thuyết phục hơn về vấn đề đang được triển khai tìm hiểu.

Từ lí thuyết LVB soi chiếu vào các tác phẩm tiểu thuyết Việt Nam đương đại, chúng tôi cung cấp một cách có hệ thống việc vận dụng lí thuyết này trong đánh giá và phê bình văn học nhằm bắt kịp theo xu thế chung của văn học thế giới. Từ đó có những phát hiện và đánh giá đóng góp của những nhà văn Việt Nam đương đại trong giai đoạn hiện nay.

Đối với thực tế VB nghệ thuật, luận án chủ yếu khảo sát các bình diện diễn ngôn tư tưởng, ngôn ngữ và thể loại. Các bình diện khác như hình tượng, cổ mẫu ít được đề cập.

4. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phân tích thi pháp văn bản

Nội dung trong tác phẩm phải được suy ra từ hình thức. Đó là hình thức mang tính nội dung. Bằng cách phân tích các dấu hiệu hình thức của tác phẩm văn học, người đọc nhận ra giá trị thẩm mỹ của nó. Đối với việc nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ góc nhìn của lý thuyết LVB, chúng tôi tìm ra những dấu hiệu mang tính hình thức của tính LVB (trong việc sử dụng các

hình thức cụ thể như: giễu nhại, tương tác thể loại, viết lại,...) trong việc cụ thể hóa nội dung của VB.

- Phương pháp cấu trúc hệ thống

Sử dụng phương pháp này nhằm hệ thống hóa các yếu tố LVB có trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, xem xét mỗi VB như một LVB trong mạng lưới các VB khác: đó có thể là LVB trong sáng tác của chính nhà văn; có thể là giữa các nhà văn trong cùng một thời đại và thậm chí là xuyên thời gian, xuyên quốc gia.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu

So sánh là một yêu cầu tự nhiên trong cuộc sống và khoa học. Để thực hiện nhiệm vụ của luận án, chúng tôi đặt tiểu thuyết Việt Nam đương đại trong mối tương quan với tiểu thuyết Việt Nam ở các giai đoạn trước và trong mối tương quan giữa các tác giả, tác phẩm của cùng một tác giả. Bằng cái nhìn so sánh, luận án sẽ cho thấy được đặc điểm chung và riêng của yếu tố LVB trong các tác phẩm văn chương đương đại được khảo sát, những mối liên hệ, giao lưu, tiếp biến văn hóa, văn học,... trong các VB tiểu thuyết Việt Nam đương đại.

- Phương pháp tiếp cận văn hóa học

Văn học nghệ thuật là một phần của văn hóa. Mỗi VB đều nằm trong mạng lưới VB của văn hóa (VB nghệ thuật, VB chính trị, đạo đức, tôn giáo,...). Vì thế về mặt bản chất, tính LVB của VB luôn hướng đến tính chất rộng lớn hơn đó là tính liên văn hóa bởi “VB được dệt bằng các trích dẫn gửi đến cho hàng nghìn nguồn văn hoá.” [111]. Từ cái nhìn văn hóa, chúng tôi sẽ thấy được mối quan hệ tương hỗ, biện chứng giữa văn hóa và văn học, giữa tính LVB trong cái nhìn rộng hơn của tính liên văn hóa. Nghiên cứu văn học theo hướng LVB không thể tránh khỏi việc vận dụng một số cách tiếp cận văn hóa học.

5. Đóng góp mới về khoa học của luận án

Quá trình nghiên cứu có hệ thống tiểu thuyết Việt Nam đương đại nhìn từ lý thuyết LVB, luận án sẽ nhận diện được đặc điểm mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại từ đó có những đánh giá về sự phát triển, xu hướng vận động

của văn học Việt Nam hiện nay. Trong khi đã có nhiều hướng tiếp cận khác nhau đối với tiểu thuyết Việt Nam đương đại, hướng nghiên cứu của luận án sẽ tiếp tục góp phần hoàn thiện về mặt phương pháp trong việc nghiên cứu văn học từ lý thuyết LVB.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

- Về lý luận: trên cơ sở những công trình nghiên cứu về lí thuyết LVB trên thế giới, những công trình nghiên cứu LVB ở Việt Nam và việc ứng dụng lí thuyết này để nghiên cứu ở nước ta, chúng tôi hệ thống bổ sung để hoàn chỉnh hơn lí thuyết này để dùng nó là cơ sở khoa học để nghiên cứu các vấn đề liên quan đến tiểu thuyết Việt Nam hiện nay.

- Về thực tiễn: Từ sự tổng hợp những nghiên cứu cơ bản nhất về lý thuyết LVB trên thế giới và ở Việt Nam, chúng tôi triển khai phân tích những biểu hiện của LVB trong các sáng tác của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Từ đó có những đánh giá khách quan những đóng góp mới của các nhà văn đương đại. Các hướng triển khai của luận án sẽ cung cấp những kết luận mang tính khoa học trong sự vận dụng lí thuyết LVB để nghiên cứu văn chương và đồng thời cung cấp môt cái nhìn khái quát về sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

7. Kết cấu của luận án

Ngoài phần Mở đầu và kết luận, Luận án được triển khai qua 4 chương Chương 1: Tổng quan tình hình nghiên cứu

Chương 2: Sự đổi mới của tiểu thuyết Việt Nam đương đại Chương 3: Giễu nhại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Chương 4: Viết lại lịch sử và tương tác thể loại trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Chương 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU


1.1. Khái quát một số điểm chủ yếu của lý thuyết liên văn bản

1.1.1. Về khái niệm tính liên văn bản

Trước hết cần nói rằng, hai thuật ngữ tính LVB và LVB được sử dụng trong luận án này có nội dung khoa học khác nhau. Tính LVB là một thuộc tính, là kết quả có ở mọi VB nghệ thuật. Khái niệm này có ý nghĩa khoa học hơn vì là nội dung chủ yếu của lý thuyết LVB (intertextuality). Còn khái niệm LVB là mối quan hệ giữa các VB, mục đích LVB là hoạt động của tổ chức VB, có nét nghĩa thi pháp cũng gần với cách hiểu thông thường hơn (các kiểu, thủ pháp LVB). Tuy nhiên trong quá trình viết, ở một số chỗ trong luận án, có lúc chúng được sử dụng cùng nghĩa, phù hợp với cách diễn đạt trong hoàn cảnh cụ thể.

Cho đến nay, nội hàm của khái niệm tính LVB vẫn chưa được đóng khung, mà ở đó vẫn có những lối mở như chính tên gọi của nó, do “xuất phát từ những hệ quy chiếu khác nhau, lý thuyết về tính LVB trở nên phức tạp, đa nguyên, xuyên trường phái, mở và năng sản” [125, trxxv]. Jacques Derrida cho rằng mỗi VB đều là một phức hợp “ghép nối” [76, tr.39]. Genette cho rằng LVB “... là việc người đọc nhận thức được những mối quan hệ giữa một tác phẩm và những tác phẩm có sau hoặc trước nó” và đồng nhất LVB với chính nghĩa chữ của nó “LVB là ... cơ chế riêng để đọc VB văn học. Chỉ có mình nó làm sản sinh ra sự biểu đạt (signifiance) trong khi cách đọc theo tuyến tính, giống như những VB văn học hoặc phi văn học, lại chỉ sản sinh ra nghĩa (sens)” [138, tr.86],... Còn Riffaterre đã định nghĩa lại tính LVB như sau “nó là một hiện tượng hướng dẫn lối đọc VB, mà lối đọc này sau cùng chi phối sự diễn giải về VB đó, và đó là lối đọc ngược lại với lối đọc tuyến tính. Lối đọc này là một kiểu mẫu tiếp nhận VB chi phối quá trình sản sinh sự tạo nghĩa (signifiance), trong khi lối đọc tuyến tính chỉ chi phối quá trình sản sinh ý nghĩa (sens)...” [105].

Dù có những giới thuyết khác nhau nhưng chúng tôi có thể hiểu, LVB là một tính năng của tất cả VB. LVB là điều kiện để tạo ra VB. Bất kỳ VB nào khi ra đời, để có thể tồn tại và hiểu được chỉ bằng cách thông qua các mối quan hệ với các VB trước nó. Nhờ đó mà VB tạo ra một quy trình mở trong đó nó vượt qua ranh giới của VB hiện tại để mở rộng đến những gì có thể là bên ngoài nó (bối cảnh, ý thức xã hội, thực tế,...). Ý nghĩa của một ý nghĩa được xác định bởi một ý nghĩa khác, đến lượt nó được giải thích bởi một ý nghĩa khác và cứ thế tiếp tục. Từ sự phân tích trên, chúng tôi khái quát: LVB là một thuộc tính của diễn ngôn văn học, làm cho văn bản trở thành một đơn vị liên kí hiệu. Tính liên văn bản định hình ý nghĩa của một văn bản trong mối quan hệ với những văn bản khác tạo nên diễn ngôn về văn hóa. Do đó, ý nghĩa văn bản là vô hạn và luôn ở dạng tiềm năng cho đến khi nó được kích hoạt bởi hoạt động đọc.

1.1.1.1. Liên văn bản và nội hàm khái niệm văn bản

Đề xuất khái niệm tính LVB trên cơ sở quan điểm tiên phong của Bakhtin, Julia Kristeva chính là người đã mở đường cho lý luận phê bình hậu hiện đại với những quan điểm quan trọng về nội hàm của VB: VB là “liên văn bản”, là “bức khảm các trích dẫn”, là “sự hấp thu và biến đổi của văn bản khác”,... [2, tr.234]. Đây là lối đi mở ra cho các nhà hậu cấu trúc, để cùng nhau bổ sung và hoàn thiện nội hàm lý thuyết về tính LVB. Một khái niệm cho đến nay vẫn chưa hoàn tất và xong xuôi.

Qua tác phẩm Từ, đối thoại, tiểu thuyết, Kristeva đã giới thiệu Bakhtin đến các nước phương Tây. Trong công trình này, bà đã đề xuất khái niệm LVB thay thế cho tính đối thoại/tính liên chủ thể của Bakhtin. Kristeva viết “khám phá mà Bakhtin là người đầu tiên đưa vào trong lý thuyết văn chương: mọi VB đều được xây dựng như một bức chạm khảm những trích dẫn. Mọi VB đều là sự hấp thu và chuyển hóa một VB khác”. [2, tr.234]; Kristeva đã sử dụng phép ẩn dụ của một bức tranh khảm để mô tả cách giải thích của mình về nội hàm của LVB trên cơ sở sự hiểu biết sâu sắc về tính đối thoại của Bakhtin. Một bức

tranh khảm thể hiện sự tương tác của nhiều màu sắc, kích cỡ và loại vật liệu khác nhau. Mặc dù một bức tranh khảm là một màn hình cụ thể trong lịch sử của một người nào đó diễn giải hoặc tạo ra một ý tưởng, nhưng bản thân bức tranh không phải là một điểm cố định. Nó có thể phát triển hơn nữa. Chính nó, là một giao điểm của các mẫu, màu sắc và kiểu dáng khác nhau phối kết thành một VB. Các VB tiếp nhận, tiêu thụ, kết hợp và tiếp thu các VB khác, đồng thời, các chủ đề LVB này được tiếp thu và biến đổi trong các VB khác. Đối với Kristeva, ý nghĩa không thể được xem là một sản phẩm hoàn chỉnh, mà nó luôn trong quá trình sản xuất. Khái niệm tính LVB từ nay thay thế cho khái niệm tính liên chủ thể.” [98]. Nếu như Bakhtin quan niệm ngữ cảnh là hoàn cảnh xã hội thì Kristeva đã định vị cấu trúc văn chương trong tổng thể xã hội và tổng thể xã hội đó được xem như một tổng thể VB: “hầu như mọi thứ đều được coi như VB: văn học, văn hóa, xã hội, lịch sử và chính bản thân con người; từ đây xuất hiện lí thuyết về tính LVB.” [66, tr.240]. Như vậy, đối với Kristeva thì ngữ cảnh là văn bản xung quanh nó. Từ đó, Kristeva tiến hành quy chiếu VB vào một biểu đồ gồm có hai trục: trục ngang (horizotal axis) – thể hiện mối liên hệ giữa tác giả và người đọc; và trục dọc (vertical axis) – thể hiện cho sự kết nối một VB này với hệ thống VB khác bao quanh nó. Bằng cách cùng quy chiếu hai trục ngang và trục dọc lên một VB, độc giả sẽ nhận ra quy tắc cốt lõi vận hành VB: “mọi VB ngay từ khi bắt đầu đã chịu ảnh hưởng và nằm trong phạm vi tác động của những giải trình ngôn ngữ khác nhau, mà mỗi giải trình ngôn ngữ như thế, luôn luôn chịu chi phối bởi một vũ trụ gồm nhiều VB khác.” [101]. Trong mối quan hệ của trục dọc mà sơ đồ của Kristeva đề xuất, VB nghiên cứu đã được đặt vào một mạng LVB rộng lớn xung quanh, đó có thể là những VB đồng đại hoặc lịch đại. Độc giả cần là những người thông thái để có thể phát hiện ra sự biến đổi hoặc dấu vết của sự biến đổi có sự ảnh hưởng từ những VB khác. Cũng cần phải chú ý một vấn đề quan trọng là việc tìm dấu vết của một VB, không nhằm mục đích truy tìm nguồn gốc, mà chỉ cho thấy sự liên kết đan xen, chồng chất giữa chúng. Bởi việc truy tìm xuất phát điểm của

một VB là điều khó thực hiện, vì “bất cứ VB nào cũng tạo nên như một bức tranh khảm chứa đựng cả một thiên hà các trích dẫn, bất cứ VB nào cũng mang dấu vết của sự hấp thụ và chuyển thể từ các VB khác.” [101]. Với quan niệm này, tư tưởng của Kristeva đã đảo ngược lại với tư tưởng của các nhà cấu trúc luận. Nếu các nhà cấu trúc đóng khung VB trong một giới hạn khép kín của cấu trúc thì Kristeva đặt ra vấn đề “thay vì phải khoanh vùng sự chú ý của chúng ta vào giới hạn cấu trúc của VB, tại sao chúng ta không thử nghiên cứu tính chất cấu trúc ấy bắt nguồn từ đâu?” [101]. Điều này được Kristeva giải thích rõ: “những mã (code) của một cấu trúc VB như là sự chuyển hóa những lớp (những mã) được lấy từ những VB khác.” [98] và “sự tương tác VB nảy sinh bên trong một VB duy nhất” [98]. Những quan niệm trên của Kristeva về tính LVB đã đặt tiền đề cho lý luận phê bình hậu hiện đại. Theo quan niệm của bà LVB là “chỗ giao cắt của các mặt phẳng VB khác nhau” “sự đối thoại của các kiểu viết khác nhau” [2, tr.239]. Vì thế nên “đối với chủ thể có nhận thức, tính LVB là một dấu hiệu cho thấy bằng phương cách nào một VB đọc lịch sử và được cài lồng vào trong lịch sử.” [98]. Kristeva đặt ra quan niệm về trò chơi tự do của cấu trúc trong tác phẩm Kí hiệu học – Sémiotiké (1969), mà sau này Derrida cũng đã tuyên ngôn về lí thuyết trò chơi cấu trúc trong việc giải cấu trúc thông qua bài báo cáo có tên “Cấu trúc, kí hiệu và trò chơi trong diễn ngôn của các khoa học nhân văn – La structure, le signe et le jeu dans le discours des sciences humaines”. Sự tự do của trò chơi cấu trúc được Kristeva thực hiện thông qua khái niệm genotext – văn bản tương đương hay cận văn bản. Geno-text, Kristeva giải thích, “không phải là một cấu trúc mà là một “số nhiều tạo nghĩa”, nằm trong quan hệ với “fenotext” – VB mang tính hiện tượng (sản phẩm cuối cùng của lao động) tái hiện chỉ “một nghĩa có giới hạn”, vì thế, đó là sự nghèo nàn.” [94, tr.222]. Như vậy cấu trúc VB giờ đây không phải là một cấu trúc đã được bê tông hóa, không khô cứng, đông đặc hay đã được định hình sẵn theo khuôn ngay từ lúc sinh ra. Giới hạn nghĩa cho nó, nghĩa là cấp cho VB một ý nghĩa sau cùng. Đồng thời, bà đã đề xuất thuật ngữ idéologème

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 03/09/2022